Bệnh gout là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh gout là tình trạng viêm khớp mãn tính do lắng đọng tinh thể urat ở các mô xung quanh khớp. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn và có thể gây biến dạng khớp, sỏi tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị gout dứt điểm nhưng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống.

bệnh gout là gì
Bệnh gout là một dạng viêm khớp mãn tính ảnh hưởng đến 1% dân số nước ta

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout/ gút (thống phong) là một dạng viêm khớp tinh thể, xảy ra do tăng axit uric máu kéo dài dẫn đến sự lắng đọng tinh thể urat tại khớp và các mô mềm bao quanh khớp, đường tiết niệu, niêm mạc (bao hoạt dịch khớp, nhu mô thận, ống thận, các tổ chức quanh khớp và đôi khi là bên trong tai).

Về bản chất, gout thực chất là hội chứng rối loạn chuyển hóa purin (tiền chất của axit uric) có triệu chứng rõ ràng nhất ở khớp. Tổn thương khớp do bệnh gout có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến ngón chân cái (chiếm hơn 80%). Triệu chứng thường khởi phát đột ngột gây đau dữ dội, khớp nóng đỏ, sưng và viêm nặng.

Nếu không được điều trị, tình trạng lắng đọng tinh thể urat vẫn sẽ diễn ra dẫn đến hình thành các hạt tophi ở khớp, thận và nhiều cơ quan khác. Hạt tophi gây biến chứng khớp, hoại tử và tàn tật. Ngoài ra, bệnh gout làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu,…

Tỷ lệ mắc bệnh gout trên toàn cầu là 0.08%, trong đó Việt Nam có 0.14% (2003) và 1.0% (2014) dân số mắc chứng bệnh này. Theo thống kê, bệnh gout khởi phát ở giai đoạn từ 35 – 45 tuổi và gặp chủ yếu ở nam giới (chiếm 96%), trong đó 75% trường hợp ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bệnh có khuynh hướng trẻ hóa.

Phân loại gout

Bệnh gout được chia thành 2 loại là gout nguyên phát và gout thứ phát:

  • Gout nguyên phát: Gout nguyên phát còn được gọi là gout vô căn. Tình trạng này thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và căn nguyên bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Gout thứ phát: Gout thứ phát là tình trạng bệnh hình thành do tăng axit uric máu có liên quan đến thói quen sinh hoạt, ăn uống và ảnh hưởng của một số vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, gout thứ phát cũng có thể xảy ra do sử dụng một số loại thuốc dài hạn làm cản trở quá trình bài xuất axit uric của thận.

Nguyên nhân gây bệnh gout

Gout là một dạng viêm khớp mãn tính có liên quan đến rối loạn chuyển hóa purin (tiền chất của axit uric có trong tất cả các loại thức uống và thực phẩm). Hiện tượng này làm tăng axit uric máu, kết quả là gây lắng đọng tinh thể urat tại khớp, các mô bao quanh khớp, thận và một số cơ quan khác.

Nguyên nhân gây bệnh gout khá đa dạng nhưng điểm chung là đều làm tăng axit uric máu. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.

1. Các nguyên nhân, yếu tố gây bệnh

Như đã đề cập, có khá nhiều nguyên nhân gây bệnh gout. Trong đó thường gặp nhất là:

bệnh gout là gì
Chế độ ăn nhiều purin là một trong những nguyên nhân gây bệnh gout (gút)
  • Thiếu men HGPRT: Thiếu hụt men hypoxanthine guanine phosphoribosyltransferase (HGPRT) dẫn đến tăng chuyển hóa hypoxanthin và guanine thành axit uric. Tình trạng này khiến cho nồng độ axit uric trong máu cao và tăng nguy cơ gây bệnh gout. Sự bất thường trong hệ thống enzyme chuyển hóa purin chính là nguyên nhân gián tiếp làm lắng đọng tinh thể urat ở khớp. Theo thống kê, khoảng 10% bệnh nhân gout gặp phải tình trạng thiếu men HGPRT.
  • Tăng hoạt tính phosphoribosyl pyrophosphate (PRPP): Ngoài hiện tượng thiếu men HGPRT, tình trạng tăng hoạt tính của PRPP cũng góp phần làm tăng axit uric máu. Được biết, men này tham gia vào quá trình tổng hợp purin và sản xuất axit uric. Do đó, tăng hoạt hóa PRPP có thể làm tăng axit uric máu và gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thiếu men glucose 6 dehydrogenase (G6PD): Thiếu hụt men G6PD cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Chức năng của enzyme này là bảo vệ hồng cầu khỏi những tác nhân oxy hóa. Tình trạng thiếu men G6PD gây thiếu hóa tan huyết và có thể làm tăng nồng độ axit uric.
  • Dùng quá nhiều thực phẩm chứa purin: Purin có trong tất cả các loại thức ăn, tuy nhiên hàm lượng purin trong các loại thịt và hải sản thường cao hơn rất nhiều so với rau xanh. Những người có chế độ ăn giàu purin sẽ có nguy cơ tăng axit uric máu và có thể phát triển bệnh gout do tinh thể urat tích tụ xung quanh khớp.
  • Do ảnh hưởng của các bệnh lý: Các bệnh lý như bệnh thận mạn, bệnh máu ác tính, vẩy nến, vôi hóa sụn khớp, Sarcoidosis,… có thể gây rối loạn quá trình chuyển hóa purin và bài tiết axit uric. Kết quả là làm tăng axit uric máu dẫn đến bệnh gout. Ngoài ra, những trường hợp mắc các bệnh chuyển hóa phối hợp với tăng axit uric máu (nhược giáp, rối loạn lipid máu, tiểu đường) sẽ có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn nhiều lần.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Tăng axit uric máu và nguy cơ mắc bệnh gout thường có liên quan đến việc dùng thuốc dài hạn. Các loại thuốc này làm giảm bài tiết axit uric qua thận dẫn đến việc tăng nồng độ trong máu và lắng đọng tinh thể urat ở khớp. Một số loại thuốc được xác định có liên quan đến tăng axit uric máu bao gồm nhóm thuốc lợi tiểu, thuốc chống lao, thuốc điều trị các bệnh ác tính, thuốc chống viêm không steroid,…

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp tăng axit uric thoáng qua do gắng sức quá mức và ngộ độc rượu. Tình trạng này nếu được kiểm soát tốt sẽ ít dẫn đến gout.

Các nguyên nhân trên được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của gout. Tuy nhiên, cơn đau gout cấp sẽ chỉ bùng phát khi có các yếu tố như:

  • Chấn thương mạnh
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu
  • Phẫu thuật
  • Dung nạp một lượng lớn thực phẩm chứa purin và rượu bia

2. Đối tượng có nguy cơ cao

Theo thống kê, bệnh gout thường xảy ra ở những đối tượng sau:

  • Người từ 35 – 45 tuổi
  • Tiền sử cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì
  • Mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như suy giáp, tiểu đường,…
  • Di truyền

Thực tế, gout cũng có thể gặp ở người trẻ do di truyền và lạm dụng một số loại thuốc điều trị trong thời gian dài. Bệnh khởi phát càng sớm thì mức độ càng nặng và tiên lượng thường xấu.

Biểu hiện của bệnh gout theo từng giai đoạn

Bệnh gout bắt đầu bằng việc tăng axit uric máu trong thời gian dài, sau đó dẫn đến tình trạng tích tụ tinh thể urat (các tinh thể sắc nhọn) ở gân, sụn, túi hoạt dịch, các mô bao xung quanh khớp và một số cơ quan khác. Khi đến một thời điểm nhất định, khớp sẽ bị viêm cấp và bùng phát cơn đau dữ dội – đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh gout.

Gout hình thành và tiến triển tương đối chậm, có thể kéo dài từ vài năm cho đến vài chục năm. Đây cũng là lý do bệnh nhân khởi phát bệnh muộn sẽ có tiên lượng tốt hơn những trường hợp mắc bệnh từ khi còn trẻ. Gout được chia thành 4 giai đoạn và triệu chứng sẽ có sự khác biệt ở từng giai đoạn cụ thể.

1. Tăng axit uric máu không triệu chứng

Tăng axit uric máu là biểu hiện đầu tiên của hội chứng rối loạn chuyển hóa purin. Thông thường, axit uric sẽ tồn tại một lượng nhất định ở trong máu. Tăng axit uric được xác định khi nồng độ cao hơn 360 micromol/l (nữ) và 420 micromol/l (nam). Thực tế, tình trạng này không gây ra bất cứ triệu chứng gì mà chỉ có thể phát hiện khi vô tình xét nghiệm máu và khám sức khỏe định kỳ.

Tăng axit uric máu được xem là tiền đề để phát triển bệnh gout. Theo thống kê, khoảng 10 – 20% trường hợp tăng axit uric máu phát triển thành bệnh. Nguy cơ cao hơn ở những người có các vấn đề tim mạch, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, dùng thuốc dài hạn và ăn uống, sinh hoạt không điều độ. Đây cũng là lý do mỗi người cần tập thói quen khám tổng quát 1 – 2 lần/ năm để kịp thời điều chỉnh những vấn đề bất thường nhằm phòng ngừa các bệnh mãn tính và bảo vệ sức khỏe.

2. Cơn đau gout cấp (bệnh gout cấp)

Cơn đau gout cấp thường khởi phát khi có tác nhân kích thích. Ở giai đoạn này, bệnh nhân gặp phải triệu chứng rõ rệt do cơn đau xuất hiện rất đột ngột và gây đau dữ dội. Cơn đau gout cấp được xem là cơn đau có mức độ nghiêm trọng nhất so với các bệnh viêm khớp khác.

bệnh gút là gì
Cơn gout đầu tiên có mức độ dữ dội, khởi phát đột ngột (thường là ban đêm) sau khi chấn thương, dùng thuốc lợi tiểu hoặc uống rượu bia

Đặc điểm của cơn đau gout cấp đầu tiên:

  • Khớp bỏng rát, viêm đỏ, đau dữ dội và đau cực độ sau 12 – 24 giờ. Tình trạng đau thường gặp ở các khớp chi dưới, trong đó 80% chỉ khởi phát ở khớp ngón chân cái, khớp các ngón chân khác hoặc khớp gối. Một số trường hợp khởi phát ở bao gân, điểm bám gân.
  • Số ít trường hợp bị viêm mô tế bào tại mắt cá chân, cổ chân, mu bàn chân,…
  • Cơn đau gout cấp thường khởi phát đột ngột vào ban đêm sau khi dùng rượu bia, phẫu thuật, chấn thương, dung nạp thực phẩm giàu purin, sử dụng thuốc lợi tiểu,…
  • Do mức độ đau dữ dội nên bệnh nhân thường bị mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, uể oải và đôi khi sốt từ 38 – 39 độ C.
  • Khi chạm vào khớp có cảm giác nóng, sưng đỏ và đau. Khớp nhỏ có hiện tượng phù nề, trong khi đó khớp lớn thường bị tràn dịch.
  • Đau dữ dội khiến bệnh nhân ớn lạnh toàn thân và tăng nhịp tim.
  • Cơn gout cấp tính ở giai đoạn đầu có thể thuyên giảm nhanh từ vài ngày đến vài tuần sau khi điều trị. Ngoài ra, một số trường hợp cơn đau tự thuyên giảm mà không cần điều trị.

Cơn đau thuyên giảm nhanh không nghĩa là bệnh gout đã được kiểm soát. Do đó, bệnh nhân phải được giải thích về cơ chế bệnh và tiếp nhận điều trị duy trì để giảm tần suất cơn đau tái phát.

Bệnh gout cấp sẽ diễn ra trong một thời gian khá dài trước khi chuyển sang giai đoạn mãn tính. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cơn đau thứ II có thể xảy ra sau lần đầu tiên từ vài tháng đến vài năm. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân gần như không gặp phải bất cứ triệu chứng gì.
  • Khoảng cách giữa các đợt cấp sẽ được rút ngắn lại theo thời gian, cơn đau khởi phát ít đột ngột hơn nhưng thường gây tổn thương nhiều khớp và thời gian viêm sẽ kéo dài hơn.
  • Sau khoảng 5 – 10 năm xuất hiện các đợt gout cấp, bệnh sẽ chuyển biến thành bệnh gout mãn tính. Lúc này, tinh thể urat sẽ tích tụ ở nhiều mô như dây chằng, sụn khớp, bao khớp, thận, tim,…
  • Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không xuất hiện cơn gout thứ 2 và chỉ gặp phải cơn gout cấp duy nhất 1 lần trong đời.

3. Bệnh gout mãn tính chưa có hạt tophi

Sau khoảng 5 – 10 năm, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Giai đoạn này đặc trưng bởi các triệu chứng như sau:

  • Cơn đau tiếp tục xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp nhưng mức độ đau không dữ dội như gout cấp.
  • Hiện tượng viêm ở khớp kéo dài không dứt khiến khớp bị biến dạng và không thể trở về trạng thái ban đầu.
  • Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các đợt viêm khớp nặng trong giai đoạn mãn tính.

4. Hình thành hạt tophi

Hạt tophi là kết quả do sự lắng đọng tinh thể urat trong nhiều năm tạo các nốt sần có hình tròn, màu trắng/ vàng nhạt và cứng ở bên trong khớp, thận, tai và các cơ quan khác. Sự xuất hiện của hạt tophi chính là dấu hiệu cho thấy tổ chức khớp bị phá hủy nghiêm trọng, khớp biến dạng và giảm khả năng hoạt động.

bệnh gút là gì
Hạt tophi là kết quả do tinh thể urat tích tụ trong một thời gian dài

Hạt tophi thường xuất hiện ở bệnh nhân gout không điều trị trong suốt 10 năm. Mặc dù xuất hiện bên dưới da nhưng hạt tophi rất dễ nhận biết:

  • Khớp, sụn vành tai xuất hiện các u cục, một số hạt tophi lớn có thể kéo căng da gây viêm đỏ, đau rát và nhìn thấy rõ u hạt màu trắng hoặc vàng nhạt ở bên trong.
  • Hạt tophi cũng có thể xuất hiện ở tim, thận, cột sống,…
  • Lắng đọng tinh thể urat tại thận có thể gây sỏi tiết niệu
  • Hạt tophi gây biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ,…

Bệnh gout có ảnh hưởng như thế nào?

Gout là một trong những dạng viêm khớp mãn tính khá phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh là 1% dân số nước ta. Bệnh lý này thực chất là kết quả của quá trình rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến tăng axit uric máu và lắng đọng tinh thể urat tại khớp. Bệnh có tiến triển mãn tính, dai dẳng và không thể điều trị dứt điểm.

Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng nếu tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể quản lý bệnh thành công. Thực tế, có rất nhiều trường hợp chỉ khởi phát cơn gout cấp duy nhất 1 lần trong suốt cuộc đời.

Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng như:

  • Biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp và thậm chí tàn tật do hạt tophi chèn ép gây hư hại khớp nghiêm trọng.
  • Sỏi thận do lắng đọng urat.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính như cao huyết áp, suy thận, tiểu đường, rối loạn lipid máu,…
  • Các cơn đau do gout có mức độ nghiêm trọng hơn so với các bệnh viêm khớp khác. Chính vì vậy, bệnh lý này gây ra nhiều phiền toái và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Chẩn đoán bệnh gout

Gout là kết quả của hiện tượng tăng axit uric máu trong thời gian dài gây lắng đọng tinh thể urat ở khớp và các cơ quan khác. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật sau:

biểu hiện của bệnh gút
Xét nghiệm axit uric máu giúp bác sĩ chẩn đoán gout và loại trừ các bệnh viêm khớp có triệu chứng tương tự
  • Hỏi bệnh: Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi rõ về cơn đau và các triệu chứng bệnh nhân gặp phải. Cơn đau gout cấp thường có triệu chứng rất đặc trưng. Dựa vào tính chất và thời điểm khởi phát cơn đau, bác sĩ có thể đánh giá được nguy cơ mắc bệnh.
  • Xét nghiệm máu đo axit uric: Mặc dù không phải trường hợp tăng axit uric nào cũng mắc bệnh gout nhưng những người bị gout luôn có nồng độ axit uric cao. Vì vậy, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu đo axit uric để chẩn đoán bệnh gout.
  • Phân tích dịch khớp: Phân tích dịch khớp là một trong những xét nghiệm có giá trị trong chẩn đoán bệnh gout. Dịch khớp khi được soi dưới kính hiển vi phân cực màu đen sẽ có các vi tinh thể muối urat phát quang. Đây là dấu hiệu rõ ràng và điển hình nhất của bệnh gout.
  • Chụp X quang: Chụp X quang thường được chỉ định trong trường hợp có biến dạng khớp và đã xuất hiện các hạt tophi. Qua hình chụp X quang, bác sĩ có thể phát hiện vị trí và kích thước của hạt tophi. Tuy nhiên, xét nghiệm này không thực sự cần thiết vì phân tích dịch khớp có thể cho kết quả chính xác hơn.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán để xác định bệnh và giai đoạn cụ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm để phân biệt gout cấp với bệnh lao khớp, bệnh giả gout, thoái hóa khớp, chấn thương khớp, viêm khớp nhiễm trùng và gout mãn với thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp.

Các phương pháp điều trị bệnh gout

Như đã đề cập, không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể quản lý bệnh và giảm thiểu tần suất các cơn đau bùng phát. Hiện nay, điều trị bệnh lý này dựa trên 4 mục tiêu chính là thay đổi lối sống (đặc biệt là chế độ ăn uống), điều trị cơn đau gout cấp, dùng thuốc hạ axit máu và dự phòng cơn đau gout bùng phát.

Ngoài ra, cần điều trị song song với các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh như béo phì, mỡ trong máu, tăng huyết áp và tiểu đường.

1. Điều trị cơn gout cấp

Trong các đợt cấp tính, cần dùng thuốc có tác dụng nhanh và mạnh để kiểm soát cơn đau trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm với một số biện pháp không dùng thuốc để tối ưu hiệu quả.

cách trị bệnh gout
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là lựa chọn đầu tiên trong điều trị cơn đau gout cấp

Các loại thuốc được dùng trong điều trị cơn đau gout cấp:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID là lựa chọn ưu tiên trong điều trị cơn đau gout cấp. Thuốc mang lại hiệu quả cao và ít gây ra tác dụng phụ nếu chỉ sử dụng ngắn hạn. Trong đó, Fenoprofen, Etodolac, Indomethacin, Naproxen, Ketoprofen,… là những loại thuốc được dùng phổ biến nhất. Bệnh nhân bị loét dạ dày sẽ được dùng kèm với thuốc ức chế bơm proton để phòng ngừa tác dụng phụ.
  • Corticosteroid: Corticosteroid có hiệu quả tương đương với NSAID trong điều trị cơn đau gout cấp. Thuốc thường được tiêm trực tiếp vào khớp hoặc tiêm bắp. Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng thuốc uống ngắn ngày.
  • Colchicine: Colchicine là một loại alkaloid có nguồn gốc từ thực vật được sử dụng để điều trị gout và các bệnh lý gây viêm. Nhờ đặc tính kháng viêm mạnh, Colchicine thường được dùng để giảm nhanh cơn gout cấp. Thuốc phát huy tác dụng tốt nếu sử dụng trong vòng 24 giờ kể từ khi cơn đau bùng phát. Tuy nhiên do có nguy cơ cao, Colchicine chỉ được dùng khi corticosteroid và NSAID không mang lại hiệu quả.

Các loại thuốc điều trị cơn gout cấp mang lại hiệu quả tốt nếu sử dụng sớm. Ngoài ra, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi và chườm đá để giảm sưng, đau trong các đợt cấp.

2. Điều trị dự phòng

Khoảng cách giữa các đợt cấp có thể dao động từ vài năm cho đến vài chục năm. Trong thời gian này, bệnh nhân không gặp phải bất cứ triệu chứng nào bất thường nhưng hiện tượng lắng đọng urat vẫn sẽ diễn ra. Vì vậy sau khi kiểm soát cơn đau gout cấp, cần tiến hành điều trị dự phòng để ngăn ngừa cơn đau tái phát.

Các loại thuốc được dùng để điều trị dự phòng bệnh gout:

  • Colchicine: Colchicine không chỉ có tác dụng giảm cơn đau cấp mà còn có hiệu quả phòng ngừa các đợt cấp tái phát. Thuốc thường được dùng liều thấp (thường là 0.6mg/ lần/ ngày). Khi bùng phát các đợt cấp, thuốc sẽ tăng liều gấp đôi để giảm nhanh cơn đau.
  • Thuốc ức chế xanthine oxidase: Nhóm thuốc này có tác dụng hạ axit uric máu bằng cách giảm tổng hợp axit uric. Nhóm thuốc này được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trong việc ngăn ngừa cơn đau gout bùng phát. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Allopurinol, Febuxostat,…
  • Thuốc tăng thải axit uric: Ngoài cơ chế giảm sản xuất axit uric, một số loại thuốc còn có tác dụng tăng thải axit uric nhằm hạ axit uric trong máu. Thuốc có thể được dùng phối hợp với thuốc ức chế xanthine oxidase trong trường hợp đã xuất hiện các hạt tophi. Các loại thuốc tăng thải axit uric được sử dụng phổ biến bao gồm Lesinurad và Probenecid,…
  • Các loại thuốc hủy urat: Nhóm thuốc này ít sử dụng hơn so với thuốc ức chế xanthine oxidase và thuốc tăng thải axit uric do tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thuốc có hiệu quả hạ axit uric trong máu nhanh nhưng có thể gây kháng thuốc sau một vài tháng sử dụng. Hai loại thuốc được dùng rộng rãi là Rasburicase và Pegloticase.

Điều trị dự phòng giúp giảm nguy cơ bùng phát các đợt cấp tính. Tuy nhiên, điều trị dự phòng có thể không cần thiết nếu bệnh nhân bị cơn gout cấp đầu tiên có mức độ nhẹ và đáp ứng nhanh, nồng độ axit uric không quá 1000mg/ 24 giờ và nồng độ urat huyết thanh tăng nhẹ.

Ngoài ra, các loại thuốc được dùng để hạ axit uric máu chỉ nên được sử dụng sau 6 – 8 tuần kể từ khi các đợt cấp được kiểm soát. Liệu pháp này cần được thực hiện cho bệnh nhân có nồng độ axit uric máu tăng đáng kể và đã tái phát các đợt gout cấp.

3. Cắt bỏ hạt tophi

Đối với hạt tophi nhỏ, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc hạ axit uric máu để cải thiện. Tuy nhiên, với những trường hợp hạt tophi có kích thước lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vận động, bội nhiễm hoặc đã gây biến chứng loét sẽ được phẫu thuật cắt bỏ.

Hạt tophi thường xuất hiện ở những bệnh nhân không điều trị trong suốt 10 năm. Do đó sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần điều trị tích cực để phòng ngừa hạt tophi tái phát.

Chế độ chăm sóc dành cho bệnh nhân gout

Lối sống là một trong những yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gout. Khi cơn gout đã thoái lui, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc hợp lý để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tái phát các đợt cấp trong tương lai.

cách trị bệnh gout
Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để kiểm soát axit uric máu và ngăn các đợt cấp bùng phát

Chế độ chăm sóc dành cho bệnh nhân bị gout:

  • Mục tiêu của chế độ chăm sóc là kiểm soát nồng độ axit uric máu. Trong đó cách hiệu quả nhất là giảm dung nạp các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, hải sản, các loại nội tạng, măng tây,… Ngoài ra, nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo và các món ăn chứa nhiều gia vị.
  • Tăng cường các loại rau xanh, củ quả để hỗ trợ thận đào thải axit uric.
  • Hạn chế thức uống có gas và bia rượu bởi các loại thức uống này cạnh tranh khả năng đào thải axit uric ở thận.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày để thúc đẩy thận đào thải axit uric và thanh lọc cơ thể.
  • Đảm bảo ăn uống đủ chất và sinh hoạt điều độ để tránh suy nhược, mệt mỏi.
  • Béo phì có thể gây rối loạn lipid máu – yếu tố gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh gout. Vì vậy, bệnh nhân thừa cân cần tiến hành giảm cân khoa học để quản lý bệnh thành công và phòng ngừa hiệu quả các bệnh mãn tính.
  • Tránh lao động nặng nhọc, thận trọng khi sinh hoạt, làm việc và tham gia giao thông để phòng tránh chấn thương.
  • Không mang giày quá chật vì có thể làm tăng mức độ đau ở khớp ngón chân, cổ chân và lở loét, bội nhiễm hạt tophi.
  • Quản lý các bệnh đi kèm như rối loạn lipid máu, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn tuyến giáp,…

Bệnh gout là một dạng viêm khớp tinh thể do rối loạn chuyển hóa purin. Bệnh có tiến triển mãn tính và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Mặc dù không thể điều trị nhưng gout có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 14/06/2023 - Cập nhật lúc 12:37 pm , 19/12/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả