Bệnh Gout Có Chữa Khỏi Hẳn Được Không? Điều Cần Biết

Gout (gút) là bệnh viêm khớp gây ra rất nhiều biến chứng như sỏi tiết niệu, cứng khớp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Chính vì vậy, rất nhiều người băn khoăn Bệnh gout (gút) có chữa khỏi được không?. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ vấn đề này và chủ động hơn trong việc quản lý bệnh.

Bệnh Gout (Gút) có chữa khỏi hẳn được không?

Gout (gút) là một dạng viêm khớp mãn tính, xảy ra do lắng đọng tinh thể urat ở khớp và các mô xung quanh khớp. Căn nguyên của bệnh là do rối loạn chuyển hóa purin dẫn đến hiện tượng tăng axit uric máu trong thời gian dài. Kết quả là muối urat lắng đọng ở khớp cho đến một thời điểm nhất định sẽ làm bùng phát cơn đau gout cấp với mức độ đau dữ dội, khớp sưng đỏ, viêm và nóng.

Không giống với các bệnh viêm khớp khác, các đợt cấp của bệnh gout cách nhau từ vài tháng cho đến vài năm. Mặc dù triệu chứng không xảy ra thường xuyên nhưng quá trình lắng đọng tinh thể urat vẫn diễn ra liên tục.

Ngoài những ảnh hưởng đến khớp, gout còn gây biến chứng sỏi tiết niệu, cao huyết áp, rối loạn lipid máu và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, hạt tophi hình thành do tinh thể urat lắng đọng còn gây biến dạng khớp và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

gút có chữa được không
Gout là bệnh viêm khớp mãn tính và hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm

Với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhiều người băn khoăn “Liệu bệnh gout có chữa khỏi hẳn được không?”. Được biết, gout là bệnh viêm khớp mãn tính không thể chữa trị dứt điểm. Căn nguyên sâu xa của bệnh là do rối loạn quá trình chuyển hóa purin và axit uric. Bệnh có triệu chứng đa dạng nhưng rõ ràng nhất ở hệ thống cơ xương khớp.

Mặc dù không thể điều trị dứt điểm nhưng có một số trường hợp chỉ khởi phát duy nhất một đợt gout cấp và không gặp phải bất cứ triệu chứng nào trong thời gian sau đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơn đau gout khởi phát liên tục. Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh gout hoàn toàn. Dù vậy, bệnh lý này vẫn có thể được kiểm soát tốt thông qua việc sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống.

Hầu hết những trường hợp tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách đều có đáp ứng tốt, các đợt gout cấp giảm đi đáng kể cả về tần suất và mức độ. Ngoài ra, điều trị kịp thời và đúng cách còn giúp phòng ngừa hạt tophi, biến dạng khớp, sỏi tiết niệu và nhiều biến chứng khác.

Lời khuyên cho bệnh nhân bị gout (gút)

Gout (gút) là một dạng viêm khớp mãn tính không thể điều trị. Các cơn đau của bệnh khởi phát thưa thớt hơn so với viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,… Tuy nhiên, cơn đau do gout có mức độ dữ dội, đau nhiều, khớp sưng, đỏ nóng và đôi khi đi kèm với các biểu hiện toàn thân như sốt, mệt mỏi.

Để kiểm soát tiến triển và quản lý tốt các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân nên:

1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Sử dụng thuốc là phương pháp chính đối với bệnh gout. Trong giai đoạn các cơn gout cấp bùng phát, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc giảm triệu chứng như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), Colchicine hoặc Corticosteroid. Thuốc cần được dùng trong thời gian sớm nhất để cho kết quả tốt và có thể cắt nhanh cơn đau.

bệnh gout có chữa khỏi được không
Sử dụng thuốc giúp giảm cơn đau và phòng ngừa triệu chứng bùng phát hiệu quả

Khi cơn gout cấp được kiểm soát, bệnh nhân cần dùng thuốc để dự phòng cơn đau tái phát. Ngoài ra, những trường hợp có nồng độ axit uric cao sẽ phải dùng thuốc hạ axit uric máu để ngăn các cơn gout cấp bùng phát.

Các loại thuốc điều trị bệnh gout có thể gây ra tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn và chủ động thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường. Gout là bệnh mãn tính nên bệnh nhân phải dùng thuốc dài hạn. Để đảm bảo an toàn, nên đến bệnh viện kiểm tra chức năng gan, thận, huyết áp và đo lại nồng độ axit uric máu.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng trong điều trị và quản lý bệnh gout. Gout thực chất là một dạng rối loạn chuyển hóa nên có mối liên hệ mật thiết với đái tháo đường, rối loạn lipid máu và các vấn đề tim mạch. Vì vậy, việc xây dựng chế độ ăn hợp lý còn góp phần cải thiện và phòng ngừa các bệnh lý kể trên.

bệnh gout có chữa khỏi được không
Bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát nồng độ axit uric máu và quản lý gout thành công

Chế độ ăn dành cho bệnh nhân gout:

  • Hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, cá, các loại nghêu sò, tôm, măng tây, các loại đậu,… Giảm lượng purin dung nạp sẽ giúp kiểm soát nồng độ axit uric máu và quản lý bệnh gout hiệu quả.
  • Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ, quả và các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa. Bổ sung thực phẩm lành mạnh giúp thận hoạt động tốt và có thể đào thải axit uric dư thừa. Bên cạnh đó, các nhóm thực phẩm kể trên còn giúp ích trong việc cải thiện, phòng ngừa tiểu đường, mỡ máu và nhiều vấn đề tim mạch.
  • Giảm lượng muối, đường, hạn chế dùng thức ăn cay nóng và chứa nhiều gia vị cũng là cách kiểm soát axit uric máu hiệu quả. Cách này còn giúp bệnh nhân điều hòa huyết áp và giảm áp lực lên thận, từ đó thận có thể đào thải axit uric dư thừa.
  • Bệnh gout có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu. Chính vì vậy, bệnh nhân nên hạn chế nội tạng động vật và thức ăn chứa nhiều dầu.
  • Tuyệt đối không uống rượu bia và thức uống có gas. Mặc dù không chứa nhiều purin nhưng các loại thức uống này cạnh tranh với hoạt động bài tiết axit uric ở thận khiến cho nồng độ axit uric trong máu tăng lên đáng kể. Ngoài ra, sử dụng rượu bia và đồ uống có gas còn làm tăng nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp, đau dạ dày và nhiều bệnh mãn tính khác.
  • Trong trường hợp có nhiều bệnh lý đi kèm, nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

3. Sinh hoạt, tập luyện khoa học

Ngoài chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và tập luyện cũng có vai trò trong việc quản lý bệnh gout. Vì vậy, bệnh nhân gout nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không hút thuốc lá khi bị bệnh gout. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến chức năng phổi mà còn làm tăng áp lực lên thận và gây tổn thương mạch máu. Duy trì thói quen này sẽ khiến cho nồng độ axit uric tăng và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức khuya và thiếu ngủ. Chất lượng giấc ngủ giảm sút làm suy giảm chức năng thận và tăng huyết áp. Những yếu tố này làm nghiêm trọng hơn tình trạng tăng axit uric máu và có thể kích thích cơn đau gout bùng phát.
  • Sự lắng đọng tinh thể urat ở khớp có thể gây đau nhức, khó chịu, làm biến dạng khớp và cứng khớp. Vì vậy, bệnh nhân nên tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ,… để cải thiện chức năng của hệ thống cơ xương khớp.
  • Phần lớn tổn thương khớp do bệnh gout đều xuất hiện tại các khớp ở chi dưới. Để tránh cơn đau bùng phát, bệnh nhân không nên mang giày quá chật và quần bó sát.
  • Hạn chế lao động nặng nhọc, chấn thương, va chạm mạnh và tập thể dục cường độ cao. Bởi các yếu tố này đều có thể kích hoạt cơn đau gout bùng phát.

Hy vọng qua bài viết trên, bệnh nhân đã hiểu rõ “Bệnh gout có chữa khỏi hẳn được không?” và biết cách quản lý bệnh hiệu quả. Ngoài ra, nên điều trị tích cực các bệnh lý đi kèm để kiểm soát bệnh tốt hơn và hạn chế tối đa các biến chứng có thể gặp phải.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 14/06/2023 - Cập nhật lúc 11:51 pm , 14/06/2023
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc