10 Cách Trị Mẩn Ngứa Tại Nhà Hiệu Quả, Hết Ngứa Nhanh

Với ưu điểm ít tốn kém, an toàn và dễ thực hiện, cách trị mẩn ngứa tại nhà được khá nhiều người áp dụng. Các biện pháp này mang lại cải thiện rõ rệt trong trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ.

cách trị mẩn ngứa tại nhà
Có thể áp dụng các cách trị mẩn ngứa tại nhà để cải thiện ngứa ngáy và làm giảm hiện tượng viêm đỏ da

10 Cách trị dị ứng mẩn ngứa tại nhà đơn giản, hiệu quả

Mẩn ngứa là phản ứng của da khi cơ thể bị dị ứng. Tình trạng này đặc trưng bởi các nốt hoặc đám có màu hồng, đỏ, mọc rải rác hoặc thành từng đám trên da. Mẩn ngứa thường đi kèm với cảm giác ngứa ngáy và một số trường hợp có thể gây nóng rát thoáng qua.

Đa phần những trường hợp nổi mẩn ngứa đều có liên quan đến dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết, tiếp xúc với nọc độc côn trùng, mủ thực vật hoặc do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe (nóng gan, nhiễm giun sán,…). Về bản chất, mẩn ngứa là phản ứng lành tính của da nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ.

Trong trường hợp dị ứng, mẩn ngứa không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số cách trị đơn giản ngay tại nhà như:

1. Chườm lạnh

Khi bị dị ứng, hệ miễn dịch sẽ giải phóng histamine vào da gây ra đáp ứng viêm tại chỗ. Chỉ sau vài phút, da sẽ nổi mẩn ngứa và mề đay. Để dứt cơn ngứa và giảm thiểu mức độ tổn thương da, bạn nên chườm mát ngay sau khi phát hiện dị ứng.

Chườm lạnh giúp làm dịu vùng da bị dị ứng, đồng thời làm co mạch máu và giảm hiện tượng viêm, nổi mẩn. Bên cạnh đó, nhiệt độ lạnh cũng làm gián đoạn tín hiệu thần kinh về não bộ, qua đó giúp giảm bớt tình trạng ngứa ngáy. Tuy nhiên trước khi chườm mát, bạn cần rửa sạch vùng da với nước sạch để loại bỏ tác nhân dị ứng (nhất là khi nổi mẩn ngứa do mủ thực vật, nọc độc côn trùng, phấn hoa).

Cách chườm lạnh trị mẩn ngứa tại nhà:

  • Dùng túi chườm hoặc khăn lạnh đắp trực tiếp lên vùng da nổi mẩn ngứa
  • Chườm trong 10 – 15 phút
  • Thực hiện từ 2 – 3 lần/ ngày cho đến khi tình trạng thuyên giảm
  • Trong trường hợp mẩn ngứa nổi khắp người, nên tắm nước mát để làm dịu da và giảm ngứa ngáy.

2. Dùng kem dưỡng có tác dụng làm dịu

Sau khi làm dịu da bằng biện pháp chườm lạnh, bạn có thể dùng một số loại kem dưỡng lành tính. Hầu hết các sản phẩm kem dưỡng đều có tác dụng dưỡng ẩm và làm dịu da.

cách trị mẩn ngứa tại nhà
Sử dụng kem dưỡng lành tính giúp làm dịu và giảm nhanh tình trạng ngứa ngáy, bứt rứt

Ngoài ra, một số sản phẩm còn được bổ sung kẽm có tác dụng sát trùng, chống viêm; chiết xuất nha đam, yến mạch và bạc hà có hiệu quả giảm ngứa,… Nếu có sẵn các sản phẩm này trong nhà, bạn có thể dùng thoa lên vùng da nổi mẩn để giảm ngứa ngáy. Trong trường hợp da có vết thương hở, không nên sử dụng kem dưỡng ẩm – trừ khi sản phẩm được chỉ định dùng trên vùng da có vết thương.

3. Ngâm nước yến mạch

Yến mạch là nguyên liệu tự nhiên thường được sử dụng để chăm sóc da. Ngoài ra, nguyên liệu này còn được tận dụng để giảm ngứa do nổi mề đay và mẩn ngứa. Trong yến mạch chứa avenanthramides có đặc tính chống ngứa, hiệu quả với tình trạng ngứa cấp tính và mãn tính.

Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, khoáng chất giúp phục hồi vùng da hư tổn. Với những người có nền da mỏng và yếu, áp dụng các công thức từ yến mạch thường xuyên có thể củng cố hàng rào bảo vệ da.

cách trị mẩn ngứa tại nhà
Yến mạch chứa avenanthramides có tác dụng chống viêm và giảm ngứa ngáy hiệu quả

Cách ngâm nước yến mạch giúp giảm dị ứng, mẩn ngứa:

  • Đun sôi khoảng 1 lít nước hoặc có thể điều chỉnh tùy theo phạm vi da bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy
  • Sau đó, đổ nước vào thau và cho yến mạch vào
  • Đợi trong 5 – 7 phút, thêm nước lạnh vào đến khi nước có độ ấm vừa phải
  • Ngâm vùng da bị nổi mẩn ngứa trong nước yến mạch từ 10 – 15 phút để giảm ngứa ngáy, bứt rứt.
  • Sau khi ngâm, rửa sạch vùng da với nước và lau khô bằng khăn sạch. Nếu có kem dưỡng lành tính, có thể sử dụng để khóa ẩm và phục hồi da.

Yến mạch là nguyên liệu lành tính và an toàn nên có thể sử dụng cho mọi loại da. Nếu bị nổi mẩn ngứa ở mặt, bạn có thể thực hiện mặt nạ yến mạch sữa tươi hoặc sữa chua để làm dịu da.

4. Tắm lá khế – Cách trị mẩn ngứa tại nhà công hiệu

Từ lâu, lá khế đã được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da thường gặp như rôm sảy, mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa,… Theo kinh nghiệm dân gian, lá khế có vị chát, hơi chua, tính bình, tác dụng tiêu viêm, giải nhiệt, giảm ngứa ngáy nên có thể cải thiện các bệnh da liễu.

Cách trị từ lá khế chưa được nghiên cứu nhiều trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, hiệu quả của mẹo chữa này đã được chứng minh qua kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, lá khế là nguyên liệu lành tính nên bạn có thể an tâm áp dụng. Ngoài hiệu quả giảm mẩn ngứa, tắm nước lá khế còn giúp trị bệnh phong ngứa và các bệnh viêm da mãn tính.

cách trị mẩn ngứa tại nhà
Tắm nước lá khế là một trong những cách trị mẩn ngứa tại nhà đơn giản và mang lại hiệu quả cao

Hướng dẫn nấu nước tắm lá khế trị mẩn ngứa tại nhà:

  • Dùng khoảng 2 – 3 nắm lá khế tươi, sau đó đem nhặt bỏ lá vàng úa
  • Ngâm rửa lá khế với nước muối và rửa lại thêm 3 – 4 lần nước sạch để đảm bảo loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn
  • Đun sôi lá khế, sau đó cho ra thau và hòa nước mát vào đến khi nước ấm vừa phải là được
  • Tắm nước lá khế 1 lần/ ngày liên tục trong vài ngày cho đến khi tình trạng mẩn ngứa, dị ứng thuyên giảm

Trong trường hợp nổi mẩn ngứa khắp người và da bị ngứa ngáy nhiều, có thể thêm vào 1 thìa cà phê muối. Muối biển có tác dụng tiêu viêm, sát trùng và hỗ trợ dứt cơn ngứa hiệu quả.

5. Trị mẩn ngứa tại nhà bằng lá chè xanh

Tương tự như lá khế, lá chè xanh cũng là thảo dược chữa mề đay và mẩn ngứa được sử dụng rộng rãi. Chè xanh có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn, giảm ngứa và chống dị ứng nên thường được dùng trong các bài thuốc trị mẩn ngứa do dị ứng thời tiết, nóng gan, dị ứng thức ăn,…

Lá chè xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa như EGCG, polyphenol, catechin,… Các chất chống oxy hóa này có tác dụng giảm viêm và bảo vệ làn da. Bên cạnh đó, vitamin E có trong thảo dược này còn góp phần làm dịu và phục hồi vùng da bị tổn thương.

Khi bị mẩn ngứa, bạn có thể tắm lá chè xanh 1 lần/ ngày để giảm viêm da và cải thiện tình trạng ngứa ngáy, bứt rứt. Ngoài ra, có thể kết hợp uống nước chè xanh hằng ngày nếu bị chứng nóng trong.

Cách dùng lá chè xanh trị mẩn ngứa tại nhà:

  • Dùng khoảng 2 nắm chè xanh tươi, đem ngâm rửa sạch và để cho ráo nước
  • Vò xát lá chè xanh cho vào nồi đun sôi với 1 – 2 lít nước
  • Sau khi nước sôi, tắt bếp và ngâm thêm 10 phút để lá trà ra hết tinh chất
  • Hòa nước lá chè xanh với nước mát đến khi nước ấm vừa phải và dùng để tắm hằng ngày
  • Thực hiện 1 lần/ ngày trong khoảng 3 – 5 ngày sẽ nhận thấy tình trạng dị ứng, nổi mẩn ngứa thuyên giảm rõ rệt

6. Tắm nước lá trầu không

Trong trường hợp ngứa nhiều, bạn nên dùng lá trầu không thay vì lá chè xanh hay lá khế. Trầu không là vị thuốc nam quen thuộc có công năng đa dạng. Thảo dược này được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý như dị ứng da, mề đay, mẩn ngứa, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, ho, đau đầu,…

Trong lá trầu chứa một loạt phenol có tên chavicol. Chất này có đặc tính sát trùng và khử khuẩn nên có thể ngăn ngừa viêm nhiễm. Bên cạnh đó, lá trầu còn chứa eugenol có tác dụng làm mát, giảm ngứa ngáy và đau rát.

Tắm nước lá trầu không giúp giảm tình trạng bứt rứt do mẩn ngứa gây ra. Nếu kiên trì áp dụng cách này, hiện tượng dị ứng, nổi mẩn đỏ sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, lá trầu có chứa tinh dầu có vị cay, tính nóng nên không thích hợp với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Cách dùng lá trầu không trị dị ứng, mẩn ngứa tại nhà:

  • Chuẩn bị khoảng 7 – 10 lá trầu không (có thể tăng số lượng lá trầu nếu bị ngứa nhiều)
  • Rửa sạch lá trầu và vò xát nhẹ để lá trầu tiết hoàn toàn tinh dầu
  • Đun sôi 1 lít nước rồi cho lá trầu vào
  • Sau đó, đổ nước ra thau và hòa thêm nước mát đến khi nước tắm có nhiệt độ vừa phải
  • Dùng nước lá trầu không làm sạch cơ thể. Ở những vùng da bị ngứa ngáy nhiều, có thể lấy bã vò xát và đắp lên.
  • Nên tắm 1 lần/ ngày để đạt được kết quả tốt nhất.

7. Sử dụng lá diếp cá

Diếp cá có vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, làm mát và giải độc. Trong trường hợp nổi mẩn ngứa do chứng nóng trong hoặc do thời tiết nóng, bạn có thể áp dụng mẹo chữa từ thảo dược này. Với tính mát và tác dụng làm dịu, diếp cá giúp giảm ngứa ngáy, cải thiện tình trạng nóng rát và khó chịu trên da.

Hiệu quả của lá diếp cá cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Cụ thể, các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, dịch chiết từ thảo dược có hiệu quả kháng khuẩn mạnh, nhạy cảm với cả virus và nấm. Do đó, áp dụng cách trị mẩn ngứa bằng diếp cá sẽ giúp phòng ngừa viêm nhiễm và đẩy nhanh tốc độ phục hồi da.

cách trị dị ứng mẩn ngứa tại nhà
Trong trường hợp bị dị ứng, mẩn ngứa ở mặt, nên áp dụng cách chữa từ lá diếp cá

Diếp cá không có vị cay, nóng như lá trầu không mà ngược lại có tính mát và tác dụng thanh nhiệt. Những trường hợp nổi mẩn ngứa ở mặt có thể dùng cách này để làm dịu da và giảm kích ứng. Nếu thường xuyên bị nổi mẩn ngứa vào thời tiết nắng nóng, bạn nên tắm lá diếp cá 2 – 3 lần/ tuần để phòng ngừa tình trạng tái phát.

Cách dùng lá diếp cá trị dị ứng mẩn ngứa ngay tại nhà:

  • Cách 1: Chuẩn bị 1 bó diếp cá, đem nhặt bỏ lá vàng và ngâm rửa sạch. Đun khoảng 1 lít nước, đến khi sôi thì cho diếp cá vào. Sau đó, hòa nước diếp cá với nước mát dùng để tắm hằng ngày. Khi tắm, nên vò xát lá diếp cá đắp lên những da bị ngứa và viêm đỏ nhiều để giúp da nhanh lành hơn.
  • Cách 2: Dùng một lượng diếp cá vừa đủ với vùng da bị nổi mẩn, sau đó rửa sạch và để ráo. Giã nát diếp cá và thoa lên vùng da đã được làm sạch. Đắp trong 5 – 10 phút và rửa lại với nước sạch. Cách này sẽ phù hợp với những trường hợp bị nổi mẩn đỏ trên phạm vi vừa phải.

8. Dùng trà atiso hỗ trợ giảm mẩn ngứa tại nhà

Nổi mẩn ngứa có thể xảy ra do chứng nóng trong. Chứng bệnh này thường bùng phát vào mùa nóng do thời tiết nóng bức cộng với chức năng gan kém, thường xuyên dung nạp thực phẩm có tính nóng, rượu bia và sinh hoạt không điều độ. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, bạn nên kết hợp uống trà thanh nhiệt bên cạnh việc tắm nước lá.

Trà atiso có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm mát gan. Thảo dược này chứa silymarin và cynarin – hai chất chống oxy hóa có hiệu quả giải độc và phục hồi chức năng gan. Ngoài trà atiso, bạn cũng có thể chế biến các món ăn từ bông atiso để cải thiện sức khỏe.

cách trị dị ứng mẩn ngứa tại nhà
Uống trà atiso giúp cải thiện tình trạng nổi mẩn ngứa do chứng nóng trong

Một số lưu ý khi dùng trà atiso trị mẩn ngứa do nóng trong:

  • Có thể dùng trà dạng túi lọc hoặc pha bằng atiso sấy khô
  • Chỉ uống 1 – 2 tách trà/ ngày
  • Sử dụng trong thời gian ngắn, tránh dùng lâu dài và lạm dụng quá mức
  • Người mắc các bệnh lý liên quan đến túi mật hoặc đang bị tiêu chảy nên tránh sử dụng loại trà này

9. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là cách đơn giản giúp cải thiện tình trạng mẩn ngứa. Khi bị dị ứng, cơ thể sẽ sản sinh IgE (kháng nguyên), từ đó giải phóng histamine và các chất trung gian hóa học khác. Các chất này sẽ tồn tại ở các mô da và niêm mạc trong một thời gian nhất định. Để giảm nhanh tình trạng mẩn ngứa, nên chú ý uống đủ nước nhằm giúp đào thải và trung hòa các chất dị ứng.

Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp cải thiện tình trạng nóng trong và giảm các triệu chứng đi kèm như khát nước, mệt mỏi, chướng bụng, khó tiêu,… Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể dùng thêm các loại nước ép từ rau củ và trái cây tươi để hỗ trợ giảm dị ứng, mẩn ngứa.

10. Sử dụng thuốc không kê toa

Trong trường hợp da bị ngứa nhiều, bạn có thể dùng một số loại thuốc không kê toa. Các loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa ngáy và cải thiện hiện tượng viêm đỏ. Đối với những trường hợp nổi mẩn ngứa khu trú, dược sĩ thường sẽ chỉ định dùng kem bôi chứa menthol.

Nếu mẩn ngứa nổi trên diện rộng, bạn có thể dùng các loại thuốc kháng histamine H1. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H1, qua đó cải thiện ngứa ngáy và làm thuyên giảm tình trạng nổi mẩn đỏ trên da.

Các loại thuốc không kê toa tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng trong 3 – 5 ngày. Nếu tình trạng không có cải thiện, nên tìm gặp bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán và tư vấn các loại thuốc hiệu quả hơn.

Lưu ý khi áp dụng cách trị mẩn ngứa tại nhà

Mẩn ngứa là tình trạng da liễu phổ biến với nguyên nhân và biểu hiện đa dạng. Nhìn chung, tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mà chủ yếu gây ngứa ngáy, bứt rứt. Nếu biết cách chăm sóc, nổi mẩn ngứa trên da sẽ thuyên giảm nhanh chỉ sau vài ngày.

Khi áp dụng cách trị mẩn ngứa tại nhà, bạn nên lưu ý những thông tin quan trọng sau:

  • Đôi khi mẩn ngứa có thể là biểu hiện của phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Phản ứng này có thể phát triển dẫn đến sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện nếu nhận thấy mẩn ngứa đi kèm với hiện tượng phù mạch, khó thở, thở khò khè, buồn nôn, ngứa, sưng cổ họng và choáng váng.
  • Các cách trị mẩn ngứa tại nhà chỉ mang lại hiệu quả nếu kiên trì áp dụng trong 3 – 5 ngày. Do đó, nên thực hiện đều đặn để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
  • Đa phần các cách trị tại nhà đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá lành tính. Dù vậy, những người có cơ địa nhạy cảm nên thận trọng khi áp dụng. Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, nên ngưng thực hiện và tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
  • Mẩn ngứa thường liên quan đến dị ứng thời tiết, thức ăn, dị ứng mủ côn trùng, thực vật,… Để tình trạng thuyên giảm nhanh và không tái phát, bạn nên tránh tiếp xúc với những yếu tố này.
  • Ngoài các biện pháp trên, cần ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe, từ đó có thể giảm nhanh tình trạng dị ứng và nổi mẩn ngứa. Đặc biệt, nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và kẽm bởi đây là hai thành phần có tác dụng tăng cường sức đề kháng.
  • Tình trạng ngứa ngáy có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu liên tục gãi cào và ma sát lên da. Do đó, bạn nên tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục rộng rãi và giữ cho cơ thể thoáng mát. Như vậy, mẩn ngứa có thể thuyên giảm nhanh mà không để lại sẹo thâm.
  • Trong trường hợp mẩn ngứa kéo dài hơn 10 ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp. Tránh tình trạng chủ quan khiến cho da nổi mẩn ngứa dai dẳng gây ảnh hưởng đến ngoại hình và thẩm mỹ.

Các cách trị mẩn ngứa tại nhà có thể giảm phần nào tình trạng ngứa ngáy và viêm đỏ da. Bên cạnh các biện pháp này, bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Nếu tình trạng không thuyên giảm, nên chủ động thăm khám để tránh bệnh tiến triển dai dẳng và mãn tính.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 26/05/2023 - Cập nhật lúc 12:20 am , 26/05/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Miss Trang đã từng làm việc tại một số cơ quan báo chí và nhiều dự án phát triển website về mảng nội dung sức khỏe. Miss Trang chịu trách nhiệm cập nhật các tin tức về các vấn đề chăm sóc sức khỏe từ các nhóm, cộng đồng của người bệnh, đảm bảo đưa tin nhanh chóng và giải quyết được những khó khăn tức thời của người bệnh. Nghiên cứu các thông tin y khoa về các vấn đề sức khỏe, biên tập viết bài trên website wikibacsi.com
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc