Đau Dạ Dày Khi Mang Thai Nên Làm Gì? Thông Tin Cần Biết

Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng diễn ra phổ biến do một số yếu tố đặc trưng của thai kỳ. Mẹ bầu nên chú ý cẩn trọng và tìm kiếm giải pháp khắc phục kịp thời. Việc điều trị muộn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị đau dạ dày?

Mang thai là thời kỳ rất nhạy cảm của chị em phụ nữ. Lúc này, rất nhiều vấn đề sức khỏe bất thường xảy ra do những thay đổi đặc trưng của thai kỳ. Trong đó, rất nhiều chị em bị đau dạ dày khi mang thai.

Đau dạ dày (đau thượng vị) đề cập đến những cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên rốn và ngay dưới vùng ức. Cơn đau thường kích hoạt khi bụng quá đói hay khi ăn quá no, vận động sau khi ăn, dung nạp các thực phẩm cay nóng, giàu acid,…

Tình trạng đau dạ dày khi mang thai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

1. Căng thẳng quá mức

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng stress và đau dạ dày. Căng thẳng quá mức có thể gây ra sự co thắt ở thực quản và khiến dạ dày tiết nhiều acid hơn. Từ đó kích hoạt các triệu chứng khó chịu ở hệ tiêu hóa.

nguyên nhân gây đau dạ dày khi mang thai
Đau dạ dày khi mang thai có thể là do căng thẳng thần kinh quá mức kích hoạt

Trong khi đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị stress cao hơn nhiều lần so với những người bình thường. Điều này thường là do thai kỳ khiến phụ nữ dễ bị thay đổi về tâm lý và nhạy cảm hơn với các vấn đề bình thường.

2. Ốm nghén gây đau dạ dày khi mang thai

Ốm nghén được hiểu một cách đơn giản là cảm giác buồn nôn và nôn ói xảy ra nhiều lần trong ngày. Với đa số các bà bầu thì tình trạng ốm nghén thường bắt đầu sớm nhất khoảng từ tuần 4 – 6 của thai kỳ và có xu hướng thuyên giảm sau 3 tháng đầu.

Khi mẹ bầu nôn ói quá nhiều thì lượng thức ăn tồn đọng trong dạ dày sẽ ít đi. Điều này kích thích dạ dày sản sinh nhiều acid dịch vị hơn. Từ đó gây kích thích niêm mạc và làm phát sinh cơn đau tức ở vùng thượng vị.

3. Thai nhi phát triển

Khi mang thai, thai nhi sẽ phát triển dần theo từng giai đoạn của thai kỳ. Điều này buộc tử cung của mẹ bầu phải giãn nở để đáp ứng đủ không gian cho bào thai phát triển.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của thai nhi khiến tử cung giãn nở theo, chèn ép và gây áp lực cho dạ dày. Từ đó dẫn tới tình trạng thức ăn bị ứ đọng, khó tiêu và kích hoạt các triệu chứng bất thường.

4. Thói quen ăn uống

Nhiều mẹ bầu không chú ý đến chế độ ăn uống khi mang thai. Một phần do sự mệt mỏi khiến họ bị chán ăn, một phần do họ hay thèm ăn các loại thực phẩm không lành mạnh. Chẳng hạn như đồ chua, đồ cay nóng, thức ăn chế biến sẵn,…

Đặc biệt, không ít mẹ bầu còn có xu hướng thèm ăn các loại đồ ăn chua. Chẳng hạn như xoài, cóc, mận, ổi,… Lượng acid từ các loại trái cây này có thể kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị và khiến niêm mạc bị tổn thương.

Dấu hiệu nhận biết đau dạ dày khi mang thai

Các dấu hiệu của chứng đau dạ dày khi mang thai cũng giống với ở các đối tượng khác. Tuy nhiên, một số yếu tố đặc biệt của thai kỳ có thể khiến cho triệu chứng kích hoạt ở mức độ nặng nề hơn. Ngoài ra, tình trạng này còn dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu ốm nghén.

đau dạ dày khi mang thai
Đau dạ dày khi mang thai có thể khiến bà bầu mệt mỏi và buồn nôn

Dưới đây là một số triệu chứng đau dạ dày ở mẹ bầu:

  • Đau bụng âm ỉ: Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị hoặc xung quanh rốn. Bà bầu thường bị đau bụng âm ỉ kéo dài, đôi lúc nhói lên khiến cơ thể khó chịu và mệt mỏi. Khi ăn no hoặc bụng quá đói thì cơn đau thường đến đột ngột.
  • Buồn nôn: Đây là triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn với chứng ốm nghén. Tuy nhiên, cảm giác buồn nôn do đau dạ dày thường khó chịu hơn. Nhiều mẹ bầu còn bị nôn ói ra thức ăn và dịch vị dạ dày.
  • Ợ chua, ợ nóng: Lượng thức ăn không tiêu hóa hết và bị ứ đọng trong dạ dày có thể tạo hơi và men. Điều này khiến cho mẹ bầu bị ợ chua, ợ nóng rất khó chịu.
  • Đầy bụng, khó tiêu: Hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả không chỉ gây đau dạ dày mà còn khiến bụng căng chướng. Nhiều mẹ bầu còn bị táo bón, rối loạn tiêu hóa.

Khi gặp phải các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đau dạ dày thì mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị. Bởi dùng thuốc trong thai kỳ tiềm ẩn rất nhiều vấn đề nguy hiểm.

Đau dạ dày khi mang thai nguy hiểm không?

Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng xảy ra phổ biến nhưng thường không gây ra quá nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và em bé. Tuy nhiên các mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan.

Tình trạng đau dạ dày kéo dài có thể khiến sức khỏe của mẹ suy giảm. Đặc biệt là khiến cho mẹ bị mất ngủ, chán ăn và suy nhược cơ thể. Điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của bé yêu khi mẹ không bổ sung đủ dưỡng chất.

Trong một số trường hợp, cơn đau không bắt nguồn từ hệ tiêu hóa mà là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nguy hiểm. Chẳng hạn như:

  • Mang thai ngoài tử cung: Cơn đau thường có xu hướng xuất hiện ở 3 tháng đầu và giữa thai kỳ. Ngoài bị đau vùng bụng thì mẹ bầu còn bị chảy máu ở khoảng tuần thứ 6 – tuần thứ 10.
  • Sảy thai: Tình trạng này thường xảy ra khi bé đủ 20 tuần tuổi. Mẹ bầu có thể bị đau dạ dày kéo dài vài ngày. Các triệu chứng khác kèm theo có thể là đau lưng dưới hoặc gặp áp lực ở vùng xương chậu.
  • Tiền sản giật: Cơn đau dạ dày xuất hiện ở 3 tháng giữa và cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu tiền sản giật. Các triệu chứng khác đi kèm thường là đau bụng dưới bên phải, khó thở, đau đầu, sưng mặt và tay chân, thay đổi thị lực và tăng cân nhanh chóng. Tình trạng tiền sản giật có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
  • Dấu hiệu sinh non: Cơn đau thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu bị đau ở vùng dạ dày vào tuần thứ 36 – 37 thì có thể mẹ bầu đang chuyển dạ sớm. Triệu chứng đi kèm có thể là chảy máu âm đạo hoặc tăng áp lực vùng chậu.
  • Viêm đường tiết niệu: Đây cũng là bệnh lý rất dễ gặp phải trong thai kỳ. Nó có thể gây ra các triệu chứng đau dạ dày, khó chịu khi đi tiểu hay thậm chí là tiểu ra máu.
  • Viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa khi mang thai thường rất khó chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng có thể là đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, chán ăn. Khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh cần đến bệnh viện ngay.
  • Sỏi mật: Phụ nữ mang thai ở tuổi ngoài 35 hoặc có tiền sử bị sỏi mật thì nguy cơ mắc bệnh lý này trong thai kỳ là rất cao. Triệu chứng thường là đau ở vùng bụng bên phải và đau lưng.
đau dạ dày có nguy hiểm không
Trường hợp bị đau dạ dày dữ dội kèm theo chảy máu âm đạo thì bà bầu cần cẩn trọng với chứng mang thai ngoài tử cung

Các mẹ bầu không nên chủ quan với tình trạng đau dạ dày khi mang thai. Cần chú ý theo dõi triệu chứng để xác định nguyên nhân và tìm gặp bác sĩ trong các trường hợp cần thiết.

Đau dạ dày khi mang thai nên làm gì?

Thông thường, tình trạng đau dạ dày sẽ được khắc phục bằng cách sử dụng thuốc Tây. Đây là phương pháp giúp cải thiện triệu chứng rất nhanh chóng. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai thì việc điều trị bằng thuốc sẽ không được khuyến khích.

Để cải thiện cơn đau dạ dày và các triệu chứng liên quan, mẹ bầu nên áp dụng các giải pháp an toàn và lành tính. Sau đó nếu không thấy cải thiện thì hãy chủ động thăm khám bác sĩ.

Dưới đây là một số phương pháp giúp làm giảm đau dạ dày khi mang thai hiệu quả:

1. Dành thời gian nghỉ ngơi

Tình trạng đau dạ dày khi mang thai rất dễ kích hoạt do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể mẹ bầu. Lúc này, các mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để loại bỏ mệt mỏi. Đồng thời tạo điều kiện cho cơ thể dần quen với những thay đổi đột ngột.

Việc nghỉ ngơi hợp lý còn giúp cho mẹ bầu giảm bớt lo âu và căng thẳng quá mức. Từ đó tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và các chức năng khác bên trong cơ thể. Được nghỉ ngơi đầy đủ thì cơn đau dạ dày và các triệu chứng liên quan cũng có xu hướng cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý đến chất lượng giấc ngủ. Tốt nhất nên đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo giấc ngủ buổi tối kéo dài 7 – 8 tiếng. Nếu bị khó ngủ, mất ngủ thì có thể áp dụng các giải pháp tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, massage,…

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Trong nhiều trường hợp, mẹ bầu có thể bị đau dạ dày do ăn uống thiếu lành mạnh. Lúc này, cần sớm có sự điều chỉnh để tránh bệnh tình tiến triển nặng và tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Việc ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp cho dạ dày và đường ruột hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời làm giảm các triệu chứng đau rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu,…

Chế độ ăn uống cho bà bầu bị đau dạ dày khi mang thai cần chú ý:

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, bà bầu nên ăn 5 – 6 bữa phụ thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Điều này sẽ giúp làm giảm đáng kể áp lực cho dạ dày.
  • Tuyệt đối không để bụng quá đói hay ăn quá no. Nên ăn một lượng thức ăn vừa đủ cho mỗi bữa để dạ dày tiêu hóa hiệu quả hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo bổ sung đầy đủ năng lượng và dưỡng chất từ các loại thực phẩm tươi sống và sạch.
  • Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm giàu acid, đồ cay nóng,…
  • Khi dạ dày đang bị đau thì mẹ bầu nên ăn các món lỏng, mềm. Chẳng hạn như cháo, súp, canh rau củ hầm,…
  • Không uống rượu bia, cà phê, thức uống có gas, có cồn,…
  • Chú ý ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ để hạn chế cơn đau dạ dày bùng phát.
  • Uống nhiều nước, khoảng 2.5 – 3 lít/ ngày để giúp kích thích nhu động ruột và thanh lọc cơ thể.
  • Bổ sung thêm rau xanh vào chế độ ăn để kiềm hóa acid dịch vị. Đồng thời hạn chế bị táo bón do khó tiêu.
cách khắc phục đau dạ dày khi mang thai
Bà bầu cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh để giảm đau dạ dày và giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn

Trên thực tế, không ít mẹ bầu đang gặp phải khó khăn trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống. Lúc này có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn xây dựng chế độ ăn theo từng giai đoạn thai kỳ.

3. Tận dụng thảo dược chữa đau dạ dày khi mang thai

Một số loại thảo mộc tự nhiên có thể giúp làm giảm tình trạng đau dạ dày khi mang thai một cách rõ rệt. Hơn nữa, đây lại là giải pháp lành tính, an toàn đối với sức khỏe thai kỳ.

Mẹ bầu có thể áp dụng một số mẹo sau đây:

  • Uống trà hoa cúc: Thức uống này có chứa tinh dầu bisabolol giúp chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Ngoài ra, trà hoa cúc còn giúp thư giãn tinh thần, loại bỏ căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ cho các bà bầu.
  • Uống trà gừng: Thưởng thức 1 ly trà gừng ấm là cách đơn giản giúp loại bỏ nhanh chóng cơn đau bao tử. Hơn nữa, trà gừng còn giúp chống buồn nôn và làm giảm viêm. Đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Dùng tinh bột nghệ: Hoạt chất curcumin dồi dào trong tinh bột nghệ có khả năng trung hòa dịch vị dạ dày. Hơn nữa còn giúp thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương niêm mạc. Các mẹ bầu có thể pha 2 thìa cà phê bột nghệ với nước ấm và thêm chút mật ong để uống khi bị đau dạ dày.

Một số loại thảo mộc mặc dù rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa nhưng lại chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Mẹ bầu tuyệt đối không tự ý dùng cam thảo, lô hội, bạc hà hăng, cúc ngải,… để chữa đau dạ dày.

4. Thăm khám bác sĩ

Trong một số trường hợp, đau dạ dày có thể liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn như bệnh đường tiêu hóa, thai chết lưu, tiền sản giật hay các tình trạng khác.

Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng không thuyên giảm hay có xu hướng tệ đi thì mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế các vấn đề nguy hiểm xảy ra.

chữa đau dạ dày khi mang thai
Nếu cơn đau dạ dày kéo dài và không thuyên giảm thì mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ

Trong trường hợp chứng đau dạ dày khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo các bệnh đường tiêu hóa thì bác sĩ có thể cân nhắc cho dùng thuốc. Một số loại thuốc tương đối an toàn trong thai kỳ bao gồm:

  • Pepsane
  • Gaviscon dạng gói
  • Phosphalugel
  • Yumangel
  • Trimafort

Các loại thuốc này mặc dù tương đối an toàn nhưng cần sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ. Bà bầu tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay tăng/ giảm liều dùng khi bác sĩ chưa cho phép. Việc không cẩn trọng khi dùng thuốc có thể gây ra các tác dụng ngoại ý, nguy hại cho cả mẹ và thai nhi.

Phòng ngừa đau dạ dày khi mang thai

Tình trạng đau dạ dày xảy ra rất phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên mẹ bầu có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ này. Các giải pháp giúp phòng ngừa đau dạ dày khi mang thai bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất trong các bữa ăn từ những thực phẩm sạch, tươi sống.
  • Không uống rượu bia, nước ngọt đóng chai. Hạn chế tiêu thụ các loại đồ chua, cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Sinh hoạt điều độ, dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
  • Kiểm soát tốt căng thẳng, có thể tắm nước ấm, nghe nhạc, áp dụng liệu pháp mùi hương,… để giải tỏa stress.
  • Dành thời gian cho hoạt động thể chất nhẹ nhàng mỗi ngày. Nên thực hành các bài tập được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, ngoài nước lọc có thể bổ sung thêm nước ép từ rau củ quả tươi.

Chứng đau dạ dày khi mang thai không chỉ gây ra nhiều phiền toái mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu cơn đau kích hoạt ở mức độ nặng hoặc không đáp ứng với các biện pháp chữa trị tại nhà thì mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ. Can thiệp kịp thời và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro xảy ra.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 26/05/2023 - Cập nhật lúc 12:22 am , 26/05/2023