Mất Ngủ Mãn Tính (Kinh Niên): Nguyên Nhân và Cách Chữa Trị

Cập nhật: 13/04/2024

Mất ngủ mãn tính có thể gây lo lắng, thay đổi tâm trạng, cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng trong suốt cả ngày hoặc ảnh hưởng đến trí nhớ và vấn đề tập trung của người bệnh. Nếu không được điều trị, thiếu ngủ có thể dẫn đến các tai nạn, chấn thương và nhiều bệnh lý  nghiêm trọng khác.

Mất ngủ mãn tính
Mất ngủ mãn tính có thể gây mệt mỏi, thiếu năng lượng và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác

Mất ngủ mãn tính là gì?

Mất ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể khiến người bệnh ngủ không đủ giấc hoặc thức thường xuyên hơn vào ban đêm. Khó ngủ định kỳ, còn được gọi là mất ngủ cấp tính là tình trạng rất phổ biến. Mất ngủ cấp tính kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần và thường xảy ra trong thời gian căng thẳng, lo lắng hoặc có sự thay đổi trong cuộc sống.Khó đi vào giấc ngủ hoặc trằn trọc hơn ba đêm trong một tuần, kéo dài từ ba tháng trở lên được gọi là mất ngủ mãn tính hay mất ngủ kinh niên.Có hai loại mất ngủ mãn tính phổ biến là nguyên phát và thứ phát.

  • Mất ngủ kinh niên nguyên phát: Tình trạng mất ngủ xảy ra không liên quan đến các bệnh lý, điều kiện sức khỏe, thuốc và không rõ nguyên nhân. Theo một số nghiên cứu, dạng mất ngủ này có thể xảy ra liên quan đến sự thay đổi mức độ của một số chất hóa học trong não, tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn đang được tìm hiểu.
  • Mất ngủ kinh niên thứ phát: Dạng mất ngủ này liên quan đến các bệnh lý, điều kiện sức khỏe và một số tình huống cụ thể gây ra. Điều này có nghĩa là các triệu chứng mất ngủ đi kèm với một điều kiện y tế nhất định, chẳng hạn như căng thẳng cảm xúc, chấn thương và các vấn đề sức khỏe đang diễn ra. Ngoài ra, lối sống không phù hợp, sử dụng một số loại thuốc hoặc thay đổi các loại thuốc đang sử dụng, có thể góp phần dẫn đến tình trạng này.

Dấu hiệu của mất ngủ kinh niên

Mất ngủ mãn tính có thể dẫn đến các triệu chứng vào ban đêm cũng như ban ngày. Tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hoàn thiện các công việc hàng ngày của người bệnh.

Một số dấu hiệu nhận biết chứng mất ngủ kinh niên phổ biến bao gồm:

  • Buồn ngủ nhưng không thể ngủ được 
  • Khó đi vào giấc ngủ
  • Thường xuyên thức giấc vào ban đêm
  • Có thói quen thức dậy sớm vào buổi sáng
  • Buồn ngủ vào ban ngày
  • Thường cảm thấy mệt mỏi hoặc nghỉ ngơi không đủ sau một đêm ngủ
  • Dễ cáu gắt, nổi giận
  • Thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thiếu động lực
  • Khó tập trung
  • Có vấn đề về trí nhớ, dễ quên, khó tập trung

Nguyên nhân gây mất ngủ kinh niên

Mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến nhiều bệnh lý, rối loạn sức khỏe hoặc điều kiện y tế khác nhau. Cụ thể, các nguyên nhân chính dẫn đến dạng mất  ngủ này bao gồm:

1. Điều kiện sức khỏe tinh thần

Các nghiên cứu cho biết mất ngủ và các tình trạng sức khỏe tâm thần có một mối liên hệ rõ ràng. Khó ngủ, đặc biệt là khó thức dậy vào buổi sáng, là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cũng có thể dẫn đến những cơn ác mộng và làm gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, các cơn lo lắng và hoảng sợ quá mức cũng có thể dẫn đến chứng mất ngủ.Rối loạn sức khỏe tinh thần có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính. Tương tự, mất ngủ có thể khiến các tình trạng sức khỏe tinh thần trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ tự tử. Do đó, nếu bị mất ngủ hoặc có các vấn đề sức khỏe tinh thần, hãy thông  báo với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.

2. Điều kiện y tế

Các vấn đề y tế có thể gây đau đớn, khó chịu hoặc ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, đều có thể gây gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, các ám ảnh về bệnh tật cũng như các biến chứng liên quan cũng có thể khiến người bệnh tỉnh táo, khó ngủ vào ban đêm.

Một số bệnh lý mãn tính dẫn đến mất ngủ kinh niên bao gồm:

  • Tình trạng hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và chứng ngừng thở lúc ngủ.
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh tiểu đường
  • Trào ngược axit dạ dày
  • Cường giáp
  • Đau cơ xơ hóa
  • Viêm  khớp
  • Hội chứng chân không yên
  • Thời kỳ mãn kinh
  • Tiểu không tự chủ

Có một số loại thuốc cũng như tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến chứng tiểu đêm, khiến người bệnh cần đi vệ sinh nhiều lần trong đêm. Điều này có thể gây gián đoạn giấc ngủ, khiến người bệnh khó ngủ trở lại hoặc ngủ không sâu giấc.Các rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson, có thể gây ra giảm các cử động khi ngủ. Điều này dẫn đến cứng khớp, khó cử động và khó chịu khi ngủ, khiến người bệnh không thể trở mình, di chuyển tay, chân, cổ, đầu và dẫn đến thức giấc.Trong một số trường hợp, mất ngủ kinh niên ở người già có thể là dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ. Các bệnh lý như Alzheimer có thể gây thay đổi mô hình và nhịp sinh học giấc ngủ.

3. Rối loạn giấc ngủ

Có một số loại rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính. Điều quan trọng là xác định các tình trạng cụ thể để có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.Nếu bị khó thở vào ban đêm vì chứng ngưng thở khi ngủ, điều này có thể khiến người bệnh thường xuyên thức giấc. Các lần thức giấc này có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ lại và gây mất ngủ kinh niên. Tương tự, các cử động bất thường như Hội chứng chân không yên hoặc Hội chứng cử động tay chân định kỳ (PLMS) cũng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.Ngoài ra, các vấn đề với đồng hồ sinh học, hoặc nhịp sinh học, có thể dẫn đến rối loạn nhịp sinh học của giấc ngủ và dẫn đến mất ngủ kinh niên.

4. Lạm dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể gây gián đoạn giấc ngủ bình thường. Do đó, người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như tránh lạm dụng thuốcRối loạn giấc ngủ cũng phổ biến ở những người sử dụng ma túy bất hợp pháp và các thuốc giảm đau gây nghiện quá mức. Hút thuốc lá và uống rượu cũng có thể gây mất ngủ kinh mãn tính ở một số người.

5. Mất ngủ nguyên phát

Mất ngủ nguyên phát là tình trạng không xác định được nguyên nhân gây mất ngủ mãn tính. Dạng mất ngủ này được xác định sau khi bác sĩ đã thảo luận về các nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ dẫn đến mất ngủ.

Mất ngủ mãn tính có nguy hiểm không?

Không ngủ đủ giấc hoặc không nghỉ ngơi đầy đủ có thể dẫn đến nhiều hậu quả, chẳng hạn như:

  • Dễ nổi giận, lo lắng hoặc chán nản
  • Cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng trong suốt cả ngày
  • Có các vấn đề về trí nhớ hoặc khó tập trung
  • Gặp khó khăn trong công việc, học tập hoặc các mối quan hệ

Theo thời gian, nếu không được điều trị phù hợp, mất ngủ kinh niên hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các tình trạng sau:

  • Bệnh tiểu đường
  • Tai nạn giao thông, chấn thương, té ngã
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp), bệnh tim và đột quỵ
  • Rối loạn tâm trạng
  • Tăng cân và béo phì

Chẩn đoán mất ngủ mãn tính như thế nào?

Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán chứng mất ngủ kinh niên. Bác sĩ có thể khám sức khỏe tổng thể, tìm hiểu về thói quen ngủ và để nghị các xét nghiệm liên quan. Thông tin quan trọng là chẩn đoán mất ngủ là lịch sử giấc ngủ, do đó bác sĩ có thể đề nghị người bệnh ghi lại nhật ký giấc ngủ trong hai tuần. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra tiền sử bệnh lý cũng như các loại thuốc đang sử dụng để xác định nguyên nhân gây khó ngủ.

Đừng Bỏ Lỡ: Mất Ngủ Nên Uống Trà Gì? Top 10 Trà Trị Mất Ngủ Bạn Không Nên Bỏ Qua

Kinh nghiệm chữa mất ngủ mãn tính
Nếu có dấu hiệu mất ngủ mãn tính, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp

Một số xét nghiệm phổ biến khi chẩn đoán mất ngủ mãn tính bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý về tuyến giáp, lượng sắt thấp, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
  • Ghi lại nhật ký giấc ngủ: Nhật ký bao gồm giờ đi ngủ, thời gian thức dậy, giấc ngủ ngắn trong ngày, sử dụng caffeine hoặc thói quen sinh hoạt. Các thông tin này có thể giúp bác sĩ xác định các kiểu hoặc hành vi ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Nghiên cứu giấc ngủ: Các nghiên cứu giấc ngủ được sử dụng để xác định các vấn đề rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ. Người bệnh có thể cần đến một trung tâm điều trị giấc ngủ để thực hiện nghiên cứu này.

Điều điều trị mất ngủ mãn tính hiệu quả

Có một số cách điều trị mất ngủ mãn tính tại nhà và điều trị y tế. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ và khả năng đáp ứng của người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần có kế hoạch thay đổi lối sống phù hợp để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.Cụ thể, các biện pháp điều trị mất ngủ kinh niên phổ biến bao gồm:

1. Liệu pháp hành vi nhận thức

Nhiều nghiên cứu cho biết, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là cách hiệu quả và tốt nhất để điều trị mất ngủ mãn tính. Liệu pháp này liên quan đến giáo dục về giấc ngủ và xây dựng thói quen ngủ tốt nhất, đồng thời hướng dẫn người bệnh các niềm tin và hành vi gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Một số liệu pháp hành vi nhận thức điều trị mất ngủ mãn tính phổ biến bao gồm:

  • Kỹ thuật nhận thức: Người bệnh được yêu cầu viết ra những lo lắng hoặc băn khoăn trước khi đi ngủ. Điều này giúp người bệnh không chủ động nghĩ đến các hướng giải quyết vấn đề trong khi cố gắng đi ngủ.
  • Kiểm soát kích thích: Kỹ thuật này bao gồm xây dựng các thói quen khiến tâm trí phải làm quen hoặc chống lại giấc ngủ. Chẳng hạn như cố gắng đi ngủ và thức dậy vào một thời gian cố định mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ và cuối tuần. Các vấn đề khác bao gồm, chỉ sử dụng giường để ngủ và quan hệ tình dục. Không đọc sách, ăn, xem phim hoặc làm việc trên giường ngủ.
  • Ngủ hạn chế: Liệu pháp này liên quan đến việc hạn chế thời gian ở trên giường ngủ, bao gồm tránh ngủ trưa. Mục đích của điều này là hạn chế cảm giác buồn ngủ vào ban ngày, gây ngủ vào ban đêm và xây dựng một thời gian ngủ cố định.
  • Kỹ thuật thư giãn: Các bài tập thư giãn, chẳng hạn như thiền định, yoga, có thể giúp giãn cơ, kiểm soát nhịp thở, cải thiện nhịp tim, và giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
  • Liệu pháp ngược: Trong liệu pháp này, người bệnh được đề nghị tập trung vào sự tỉnh tráo trên giường thay vì chờ đợi để đi vào giấc ngủ. Điều này khiến người bệnh không bị ám ảnh về giấc ngủ và đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên hơn.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Có một số loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị mất ngủ mãn tính. Mặc dù các bác sĩ thường không khuyến khích việc sử dụng thuốc ngủ, đặc biệt là sử dụng kéo dài để tránh các tác dụng phụ, tuy nhiên thuốc có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như giúp người bệnh đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị mất ngủ phổ biến bao gồm:

  • Zolpidem
  • Zaleplon
  • Doxepin
  • Suvorexant
  • Temazepam

Các tùy chọn hỗ trợ giấc ngủ khác có thể bao gồm:

  • Diphenhydramine
  • Doxylamine succinate
  • Melatonin
  • Trà hoa cúc

Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể khi sử dụng thuốc. Không được tự ý dùng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần, cũng như các loại thực phẩm chức năng mà không nhận được sự đồng ý của bác sĩ. Đôi khi các sản phẩm này có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như buồn ngủ vào ban ngày, các vấn đề về thăng bằng, dễ té ngã, mộng du, hay quên.Ngoài ra, nếu chứng mất ngủ kinh niên liên quan đến một tình trạng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như trào ngược axit dạ dày hoặc viêm khớp, hãy điều trị các tình trạng này để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

3. Các biện pháp tại nhà

Có một số biện pháp điều trị chứng mất ngủ mãn tính tại nhà có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như giúp người bệnh đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Các biện pháp bao gồm:

  • Thiền chánh niệm: Hít thở chậm, đều đặn trong khi ngồi hoặc nằm yên lặng. Hãy chú ý vào hơi thở, cơ thể, suy nghĩ, cảm giác, điều này có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung, tăng khả năng miễn dịch và giúp ngủ ngon hơn.
  • Yoga: Các bài tập yoga có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giấc ngủ, có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện hoạt động và tăng cường sự tập trung vào tình thần. Cố gắng tập luyện yoga mỗi ngày và khoảng 20 phút mỗi lần để cải thiện giấc ngủ.
  • Tập thể dục: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện tâm trạng, cung cấp nhiều năng lượng hơn, giúp giảm cân và ngủ ngon hơn.
  • Sử dụng hương thơm: Các hương thơm như tinh dầu oải hương, có thể cải thiện tâm trạng, giảm đau và thúc đầu giấc ngủ.

Ngoài ra, người bệnh được đề nghị là tránh sử dụng các chất làm gián đoạn giấc ngủ, chẳng hạn như tránh sử dụng caffeine, nicotine và rượu. Ăn các bữa ăn nhẹ hơn, tránh màn hình 1 – 2 giờ trước khi đi ngủ hoặc chỉ lên giường khi sẵn sàng đi ngủ, có thể giúp cải thiện các triệu chứng hiệu quả.

Làm sao sống chung với chứng mất ngủ kinh niên?

Mất ngủ mãn tính là một tình trạng kéo dài, cần được điều trị phù hợp và chăm sóc sức khỏe đúng cách để có thể ngủ trở lại bình thường. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề về phong cách sống để thúc đẩy điều trị hiệu quả.

1. Điều trị thích hợp

Sau khi được chẩn đoán mất ngủ mãn tính, người bệnh cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Hãy đảm bảo thực hiện các chỉ định của bác sĩ và giữ các thói quen lành mạnh để tránh tình trạng mất ngủ tái phát.Chỉ sử dụng thuốc theo toa và không lạm dụng thuốc. Điều này có thể giúp người bệnh ngủ ngon hơn mà không phụ thuộc thuốc. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp nhất.

2. Xây dựng lối sống lành mạnh

Khi bắt đầu điều trị mất ngủ mãn tính, có một số vấn đề về lối sống người bệnh cần quan tâm, chẳng hạn như:

  • Tập thể dục thường xuyên có thể giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn, ngủ ngon hơn và phục hồi chu kỳ giấc ngủ một cách tự nhiên mà không cần dùng thuốc.
  • Đón nắng vào buổi sáng, đi bộ, phơi nắng khi mặt trời mọc. Tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên vào buổi sáng có thể giúp người bệnh ngủ vào đêm muộn một cách dễ dàng hơn.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh nhiều trái cây, rau củ, protein nạc và carb phức tạp. Tránh dùng quá nhiều muối, đường và đồ ăn vặt, điều này có thể gây tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
  • Tránh hút thuốc và uống rượu. Điều  này giúp người bệnh ngủ sâu giấc hơn thay vì ngủ chập chờn.
  • Viết ra những lo lắng, những việc cần làm vào ngày mai, điều này có thể giảm thiểu áp lực và giúp người bệnh ngủ nhanh chóng hơn.

Mất ngủ mãn tính có thể điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng kết hợp các liệu pháp hành vi, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống. Nếu mất ngủ hoặc khó ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn phù hợp nhất.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC