Mất Ngủ Sau Tai Biến Và Giải Pháp Khắc Phục Cho Người Bệnh

Cập nhật: 10/04/2024

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi giới tính. Dù được cứu chữa kịp thời cũng để lại rất nhiều di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, một trong số đó là chứng mất ngủ sau tai biến. Tình trạng cần được can thiệp kịp thời, điều trị và cải thiện đúng cách sẽ giúp người bệnh không còn mệt mỏi vì chứng mất ngủ dai dẳng, triền miên nữa. 

Mất ngủ sau tai biến – Dấu hiệu

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là một dạng tổn thương xảy ra trong trường hợp não không được cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng khiến tế bào não bị chết nhanh, liên quan đến việc dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn. Căn bệnh này được chia làm 3 loại chính là tai biến do thiếu máu cục bộ, do xuất huyết não hoặc là cơn đột quỵ nhỏ do thiếu máu não thoáng qua.

Mất ngủ sau tai biến xảy ra rất phổ biến
Mất ngủ sau tai biến xảy ra rất phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra

Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có đến 200.000 người bị đột quỵ, trong đó tỷ lệ tử vong là 50%. Theo ước tính, trung bình cứ 6 người Việt thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ, nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cấp thì nguy cơ tử vong là rất cao. Ở những người được điều trị, có khoảng 90% các trường hợp người bệnh phải đối mặt với các di chứng nặng nề do bệnh gây ra. Các di chứng này thường là liệt một bộ phận hoặc liệt nửa người, khó khăn trong việc nói/nuốt, rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc…Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc sau tai biến được xem là biểu hiện của tình trạng rối loạn nhận thức, xảy ra rất phổ biến ở những người sống sót sau căn bệnh này. Người bệnh thường có những biểu hiện như sau:

  • Khó ngủ, trằn trọc không thể đi vào giấc ngủ, buồn ngủ nhưng không ngủ được, ngủ không sâu giấc, dễ bị thức giấc giữa đêm
  • Rối loạn nhận thức, chậm chạp, hay quên, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, gặp khó khăn trong việc phán đoán, suy nghĩ
  • Mất ngủ, khó ngủ đôi khi kèm theo chứng ù tai khó chịu, một số người bệnh còn gặp phải tình trạng khó thở, rối loạn ý thức
  • Người bị mất ngủ tai biến thường hồi phục sức khỏe kém, cơ thể suy nhược, hay mệt mỏi, ủ rũ, thiếu hụt năng lượng dễ rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên, lú lẫn
  • Ngoài ra, người bệnh còn dễ mất khả năng tập trung, không thể kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình, cảm xúc thay đổi nhanh chóng, dễ nóng giận…

Nguyên nhân mất ngủ sau đột quỵ

Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe, nhất là những người mới bị đột quỵ cần hồi phục sức khỏe. Tình trạng mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng, chất lượng cuộc sống lẫn sự hồi phục của người bệnh. Để điều trị, cải thiện vấn đề này, chúng ta cần xác định được nguyên nhân gây mất ngủ là gì. Theo các chuyên gia, thông thường, người bị đột quỵ hay bị mất ngủ là do:

1. Tác dụng phụ của thuốc

Để điều trị và cải thiện các di chứng của bệnh tai biến mạch máu não, việc sử dụng các loại thuốc điều trị là bắt buộc, không thể tránh khỏi. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc như thuốc chống viêm, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc tiêu huyết khối, thuốc chống đông máu, thuốc bảo vệ màng nào, thuốc lợi tiểu… Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp cho từng đối tượng.Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc được sử dụng trong quá trình phẫu thuật, điều trị như thuốc gây tê, thuốc gây mê, thuốc hỗ trợ hồi phục sức khỏe… Việc sử dụng nhiều loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ ở mức độ từ nhẹ đến nặng, phổ biến nhất là tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc.

2. Do vấn đề tuổi tác

Mất ngủ sau tai biến cũng có thể có liên quan đến vấn đề về tuổi tác. Chứng bệnh này hay xảy ra ở người trung niên và cao tuổi, ở lứa tuổi từ 55 trở lên. Trong khi đó, độ tuổi này đã rất dễ bị mất ngủ, khó ngủ, thêm vào đó, sau khi bị tai biến, cơ thể hồi phục kém, lượng máu lên não không ổn định khiến chứng mất ngủ, khó ngủ của người bệnh càng nghiêm trọng hơn.Đồng thời người bị tai biến thường gặp khó khăn trong vận động, khi cơ thể không được vận động thường xuyên, hay nằm một chỗ thường rất dễ rơi vào tình trạng mất ngủ. Đặc biệt, ở người lớn tuổi, các tế bào phụ trách giấc ngủ chuyên biệt ngày càng giảm, nồng độ hormone Melatonin không đủ để điều hòa đồng hồ sinh học trong não gây ra chứng khó ngủ cho người già. Ngoài ra cũng có thể liên quan đến các bệnh lý tuổi già như bệnh xương khớp, bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh lý tâm thần khác…

3. Do lo âu, căng thẳng, suy nghĩ nhiều

Người lớn tuổi thường dễ lo âu, hay suy nghĩ, trăn trở, có nhiều vấn để để người bệnh bận tâm nhưng lo lắng cho sức khỏe, lo về chi phí thuốc thang, điều trị, sợ tình trạng bệnh của mình trở thành gánh nặng cho người thân, con cháu… Đôi khi việc hay lo âu, suy nghĩ xuất phát từ các bệnh lý tâm thần khiến người bệnh trằn trọc không yên, tính khí thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, ăn không ngon, ngủ không yên.

Người hay suy nghĩ, lo âu cũng rất dễ rơi vào tình trạng chán nản, mệt mỏi. Điều này khiến cơ thể sinh ra nhiều gốc tự do, chúng tấn công lên não bộ, làm tổn thương các mạch máu và tế bào thần kinh. Trung tâm điều hành, kiểm soát giấc ngủ cũng vì thế mà gặp trục trặc, kết quả là người bệnh bị mất ngủ, khó ngủ, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

4. Nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân chính đã đề cập, người bị mất ngủ sau đột quỵ cũng có thể gặp phải tình trạng khó ngủ, buồn ngủ nhưng không ngủ được, ngủ không sâu giấc xuất phát từ những lý do sau đây:

  • Cơ thể thiếu hụt dưỡng chất: Mất ngủ, khó ngủ, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo thường liên quan đến việc thiếu hụt một số loại vitamin và khoáng chất như vitamin D, A, C, E, B6, B12, canxi, magie, Kali…
  • Thiếu máu, thiếu sắt: Người bị thiếu máu não rất dễ gặp phải những vấn đề về giấc ngủ như ngủ không ngủ giấc, giấc ngủ chập chờn, khó ngủ, dễ gặp ác mộng, hay tỉnh giấc vào ban đêm phải đến gần sáng mới ngủ lại được, khó kiểm soát ngủ – thức. Khi bị thiếu máu, người bệnh thường có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau nhức đầu nghiêm trọng, đứng không vững, dễ mất thăng bằng…
  • Nguyên nhân khác: Có thể kể đến như thiếu vận động, lối sống thiếu khoa học, thường xuyên xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử, sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, ăn quá no trước khi đi ngủ, chế độ ăn uống thiếu khoa học…

Bị mất ngủ sau tai biến có nguy hiểm không?

Chứng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, giấc ngủ chập chờn sau khi bị tai biến xảy ra rất phổ biến. Đây cũng là cũng là lý do khiến nhiều người thắc mắc không biết liệu tình trạng này có nguy hiểm không, có đe dọa đến tính mạng của người bệnh hay không. Chứng mất ngủ sau tai biến thường mang đến các ảnh hưởng như sau:

  • Đối với sức khỏe người bệnh: Những người vừa trải qua quá trình điều trị tai biến thường tương đối yếu ớt, cần được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Nếu gặp phải chứng mất ngủ, khó ngủ, các cơ quan trong cơ thể sẽ không được nghỉ ngơi. Giấc ngủ giúp thanh thải các chất được bài tiết ở não thông qua việc làm mới dịch tủy não, nếu không ngủ đủ giấc sẽ dẫn đến tổn thương não, làm sa sút trí tuệ.
  • Đối với tâm lý, cảm xúc của người bệnh: Một giấc ngủ ngon sẽ hỗ trợ tích cực cho việc hồi phục sức khỏe, cân bằng nhịp sinh học của cơ thể, cải thiện chỉ số cảm xúc. Người bị rối loạn giấc ngủ sẽ dễ cáu gắt, hay suy nghĩ, thần kinh luôn ở trạng thái căng thẳng, khó kiềm chế cảm xúc. Tình trạng mất ngủ, khó ngủ kèm theo bệnh tật sẽ khiến người bệnh dễ mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm.

Nhìn chung, mất ngủ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người bị tai biến. Người bệnh sẽ rất dễ gặp các triệu chứng khó chịu như đau đầu, chóng mặt, ù tai, tim đập nhanh, mắt nhìn mờ, khả năng vận động yếu. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ bị suy nhược nghiêm trọng, dẫn đến người hay mệt mỏi, uể oải, sa sút trí tuệ, giảm sút trí nhớ… Do đó, người bệnh, người thân tuyệt đối không nên chủ quan trước tình trạng mất ngủ, khó ngủ của người bị tai biến. Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được kiểm tra và điều trị.

Giải pháp khắc phục cho người bị mất ngủ sau tai biến

Nên làm gì khi bị mất ngủ, khó ngủ sau tai biến là thắc mắc mà các chuyên gia của Wiki Bác Sĩ thường xuyên nhận được. Với tình trạng này, bạn có thể tham khảo một số hướng khắc phục như sau:

1. Thăm khám bác sĩ

Người bị tai biến tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc. Việc dùng thuốc, nhất là thuốc an thần, bình thần, thuốc chống trầm cảm… chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc bừa bãi, không theo đơn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh và sức khỏe của người bệnh.

Do đó, nếu chứng mất ngủ, khó ngủ nghiêm trọng, kéo dài, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, người bệnh cần được nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Tùy vào tình trạng sức khỏe, mức độ mất ngủ mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp. Thường là:

  • Sử dụng thuốc an thần: Các thuốc này có tác dụng làm dịu thần kinh, thư giãn tinh thần, gây ngủ, giúp ngủ ngon giấc hơn. Tuy nhiên, thuốc an thần chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, không thể lạm dụng, không thể dùng để điều trị mất ngủ dài ngày. Việc dùng thuốc trong thời gian dài sẽ gây phụ thuộc thuốc kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
  • Điều trị bằng vật lý trị liệu: Đây được xem là phương pháp an toàn, có thể giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và cải thiện chất lượng giấc ngủ đáng kể. Các bài tập vật lý trị liệu sẽ được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên môn, tùy theo tình trạng người bệnh mà đưa ra bài tập phù hợp. Việc luyện tập đều đặn, đúng cách sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ thư giãn, thả lỏng cơ và giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Cần nhớ rằng, việc luyện tập cần được tiến hành một cách từ từ, tăng dần, không nên đẩy nhanh tiến độ sẽ rất nguy hiểm.

2. Cách cải thiện giấc ngủ theo dân gian

Song song với việc thăm khám và điều trị theo liệu trình của bác sĩ, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp dân gian để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, các cách làm này cũng rất phù hợp cho người bị tai biến mất ngủ nhẹ và cả nhưng người không bị tai biến nhưng hay mất ngủ. Có thể kể đến như:

Ngâm chân thảo dược

Ngâm chân với nước ấm hoặc nước thuốc là một trong những phương pháp được ứng dụng chữa trúng phong (tai biến mạch máu não) được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Ngâm chân giúp kích thích các vùng phản xạ và huyệt vị, cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, hồi phục chức năng ngũ tạng, não bộ và thần kinh:Cách 1: Ngâm chân với nước tự nhiên

  • Lấy một ít nước tự nhiên hoặc nước khoáng, đun sôi
  • Để nguội đến khoảng 38 – 43 độ C thì dùng nước ngày ngâm chân
  • Ngâm trong khoảng 30 phút mỗi ngày là được (nếu nước nguội thì hâm lại cho ấm)

Cách 2: Ngâm chân với gừng

  • Lấy 60g gừng tươi và 100g dấm ăn, sắc với lượng nước vừa phải
  • Dùng nước này ngâm chân trong 30 phút, nhiệt độ nước tốt nhất là 38 – 43 độ

Công dụng: Ngâm chân đều đặn mỗi ngày hoặc 2 – 3 lần/ngày sẽ giúp thông kinh hoạt lạc, kích thích hồi phục các chi thể bị bại liệt.Cách 3: Ngâm chân với các dược liệu 

  • Chuẩn bị đẩy đủ các nguyên liệu gồm: 30g lộ lộ thông, 25g thiên niên kiện, 25g thân cố đằng; uy linh tiên, ngũ gia bì, ngưu tất mỗi vị 20g; quế chi, thấu cốt thảo, mộc qua, đương quy mỗi vị 15; 10g hồng hoa.
  • Cho tất cả vào ấm chuyên dụng, sắc lấy nước, dùng nước này ngâm chân 30 phút mỗi ngày.

Công dụng: Thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết tan ứ, làm hết tê bì chân tay và cường gân mạnh cốt.

Massage, thư giãn

Người bị tai biến mạch máu não sẽ hồi phục tốt hơn được massage, xoa bóp đúng cách. Phương pháp này giúp thư giãn cơ thể, kích thích tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tuần hoàn não, cải thiện nhận thức và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Có thể áp dụng các cách sau:

  • Xoa bóp chân tay: Để bệnh nhân nằm thẳng, dùng hay tay miết mạnh phận tay chân bị yếu. Sau đó dùng ngón trỏ và ngón giữa vừa ấn vừa xoa mỗi vùng tay chân trong 5 – 10 phút nhằm tăng cường khả năng vận động.
  • Xoa bóp khớp: Đối với khớp cổ tay và cổ chân, chúng ta xoay khớp theo chiều kim đồng hồ và ngược lại trong 2 – 5 phút rồi tiến hành xoa bóp lần lượt ở khớp ngón tay, ngón chân, cổ chân, cổ tay, khớp gối…
  • Bấm huyệt: Có tác dụng giải phóng năng lượng, kích thích khả năng tự hồi phục của cơ thể. Tuy nhiên, việc bấm huyệt chỉ nên thực hiện bởi người có chuyên môn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Các huyệt này là huyệt bách hội, tứ thần thông và huyệt phong trì, song song đó là kết hợp massage, xoa bóp cho vùng đầu và cổ nóng lên rồi đến vùng sau gáy.
Massage giúp hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bị tai biến
Massage giúp hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bị tai biến

Sử dụng trà thảo dược

Sử dụng trà thảo dược cũng là một trong những giải pháp giúp người bị mất ngủ đột quỵ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Phương pháp này chỉ thích hợp với những người bị mất ngủ ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng. Tốt nhất nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để xác định thêm mình có dùng được các loại trà này hay không. Một số loại trà có tác dụng an thần, gây ngủ, giải tỏa căng thẳng mà người bị đột quỵ có thể sử dụng được như:

  • Trà xanh: Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, người bị đột quỵ, sau cơn đau tim uống trà xanh mỗi ngày sẽ giảm 62% nguy cơ tử vong, tránh bị đột quỵ lần 2 so với người không uống. Uống trà xanh có thể giảm stress, cải thiện tâm trạng, nâng cao sức khỏe, tuy nhiên, không nên uống nước trà quá đặc, không sử dụng quá 3 cốc trà xanh mỗi ngày để tránh gây mất ngủ.
  • Trà hoa cúc: Trà hoa cúc, đặc biệt là cúc vàng, cúc trắng loại nhỏ, cúc La Mã có mùi hương dễ chịu, có nhiều hoạt chất có tác dụng an thần, kháng viêm, ổn định nhịp tim, nâng cao đề kháng, cải thiện giấc ngủ, làm dịu hệ thống thần kinh, hạ huyết áp… Sử dụng mỗi ngày 1 – 2 tách trà hoa cúc sẽ rất tốt cho sức khỏe.
  • Trà hoa nhài: Trà hoa nhài có mùi hương dịu nhẹ, có tác dụng an thần, giảm stress, lo âu, giảm căng cơ, cải thiện đáng kể lượng cholesterol, chất béo không lành mạnh trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não. Mỗi ngày bạn chỉ nên dùng 1 – 2 tách trà hoa nhài vì loại trà này có chứa một lượng nhỏ caffein, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ nếu dùng quá nhiều.

3. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Người bị mất ngủ sau tai biến cũng cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mình để nâng cao, cải thiện sức khỏe và chất lượng giấc ngủ, làm giảm các biến chứng của bệnh và ngừa đột quỵ lần 2. Cụ thể:

  • Về nguyên tắc, thực đơn của người bệnh cần đầy đủ, đa dạng chế độ dinh dưỡng và cân bằng giữa các nhóm thực phẩm như carbohydrate, protein, chất béo. Năng lượng trong khẩu phần ăn nên giảm bớt, chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn các loại dễ tiêu hóa, hấp thụ như cháo, súp…
  • Nên tăng cường ăn nhiều các thực phẩm như rau có màu xanh đậm (súp lơ xanh, rau bina, cải xoăn…), các loại cá giàu chất béo tốt (cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ…), cái loại trái cây như bơ, táo, việt quất, kiwi, cherry, trái cây họ nhà cam quýt, các thực phẩm giàu chất xơ như đậu đen, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu lăng…
  • Tăng cường bổ sung các loại nước ép tốt cho sức khỏe người đột quỵ như nước ép quả lựu, nước ép cam, nước ép cà chua…
  • Hạn chế ăn quá no đặc biệt là trước khi đi ngủ, hạn chế ăn nhiều muối, tránh sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo như thức ăn nhanh, các loại sữa, bơ thực vật, mỡ động vật, các món chiên xào, nội tạng động vật…
  • Hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ, tránh xa rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích để tránh bị mất ngủ và không bị ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

4. Điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, một lối sống khoa học, lành mạnh cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người sau tai biến. Có thể kể đến như:

  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, ipad, máy tính… Đặc biệt là trước khi đi ngủ 1 – 2 tiếng vì ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử sẽ làm ức chế sản sinh hormone melatonin. Việc sử dụng chúng sẽ khiến bạn buồn ngủ tạm thời, tuy nhiên chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, dễ bị thức giấc giữa đêm, ngủ không ngon giấc.
  • Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, khoảng 8 cốc nước, tương đương với 1.5 – 2 lít nước, tùy thể trạng để hỗ trợ đào thải các chất dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, cần tránh uống nước vào buổi tối để không gặp phải tình trạng mất ngủ do phải thức dậy đi vệ sinh nhiều lần.
  • Người bệnh nên học cách thư giãn tâm lý, nếu có thể vận động nhẹ nhàng, nên đi bộ mỗi ngày 15 – 30 phút để kích thích lưu thông máu, nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Đặc biệt, nếu là người thân của người bệnh, bạn nên dành thời gian trò chuyện thường xuyên để giúp họ của thấy vui vẻ, thoải mái. Đối với những người bị liệt chi, nên đưa họ ra ngoài để hít thở không khí trong lành, tránh cho bệnh nhân có suy nghĩ vô dụng, là gánh nặng của con cháu, gia đình.Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân và cách xử lý đối với chứng mất ngủ sau tai biến mà bạn có thể tham khảo. Tình trạng này rất phổ biến, nếu không có biện pháp cải thiện kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khả năng hồi phục cũng như tâm lý của người bệnh.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC