11 Mẹo Giúp Trẻ Sơ Sinh Ngủ Ngon Vào Ban Đêm Mẹ Nên Biết

Cập nhật: 04/04/2024

Trẻ sơ sinh thường hay vặn mình, quấy khóc và không ngủ sâu giấc vào ban đêm. Điều này khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng cho sức khỏe cũng như sự phát triển của con. Hãy áp dụng ngay 11 mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm đơn giản dưới đây để thiết lập thói quen ngủ tốt cho con bạn.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không ngon giấc vào ban đêm

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ sơ sinh. Khi mới chào đời, trung bình mỗi ngày trẻ sẽ ngủ từ 18 – 20 tiếng mỗi ngày. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ ngủ suốt cả ngày lẫn đêm và chỉ thức dậy khi đói. Lúc này, do thể tích dạ dày còn khá nhỏ nên bé sẽ thức sau mỗi 2 – 3 tiếng để bú mẹ rồi lại nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Mẹo Giúp Trẻ Sơ Sinh Ngủ Ngon Vào Ban Đêm
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh ngủ không ngon giấc vào ban đêm

Trong những tháng đầu đời, các tế bào não có sự phát triển khá mạnh mẽ, nhất là trong giấc ngủ. Trẻ sơ sinh được ngủ đủ giấc và có giấc ngủ sâu vào ban đêm sẽ thông minh và khỏe mạnh hơn.Chính vì vậy, khi thấy con mình có biểu hiện khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc và hay quấy khóc vào ban đêm khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

  • Bé ngủ quá nhiều vào ban ngày.
  • Mẹ thường xuyên cho bú khuya
  • Thiếu các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm hay magie…
  • Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường hô hấp gây khó thở, phải thở bằng miệng và không thể ngủ yên giấc vào ban đêm.
  • Tã lót ẩm ướt
  • Bé mọc răng gây đau nhức, khó chịu và quấy khóc vào ban đêm.
  • Trẻ bị ngứa, phải rướn người, vặn mình liên tục do có nhiều lông đẹn.
  • Nhiệt độ phòng ngủ không thích hợp
  • Phòng ngủ của bé quá sáng hoặc có nhiều tiếng ồn…

11 mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm

Để trẻ sơ sinh có được giấc ngủ ngon mỗi đêm, mẹ có thể áp dụng những cách sau:

1. Tắt đèn khi đi ngủ – cách cho trẻ sơ sinh ngủ ngon đơn giản

Trẻ mới sinh chưa phân biệt được ngày đêm nên bé sẽ ngủ bất kể lúc nào. Nhiều mẹ có thói quen để đèn sáng trong phòng ngủ suốt đêm để tiện cho việc pha sữa, thay tã và chăm sóc bé. Tuy nhiên, điều này càng khiến trẻ sơ sinh ngủ không ngon giấc vào ban đêm.Nghiên cứu cho thấy, ánh sáng có thể đánh lừa thị giác khiến bé nhận thức sai lầm về thời gian, khó phân biệt ngày đêm, đồng thời ức chế sản sinh melatonin trong não bộ. Melatonin là một loại hormone có vai trò điều hòa giấc ngủ, giúp trẻ sơ sinh ngủ sâu giấc hơn.Vì vậy, để trẻ sơ sinh có được giấc ngủ sâu và kéo dài vào ban đêm, các mẹ nên đảm bảo phòng ngủ phải đủ tối. Hãy tắt hết đèn trước khi con ngủ và chỉ bật một bóng đèn ngủ có ánh sáng mờ khi cần thiết để đầu óc bé không bị ánh sáng làm cho tỉnh táo khi thức dậy bú mẹ vào ban đêm.

2. Quấn khăn đúng cách cho trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm

Quấn khăn là cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon không vặn mình đang được nhiều mẹ áp dụng. Theo kinh nghiệm dân gian, quấn khăn sẽ giúp bé đỡ bị giật mình khi ngủ. Ngoài ra, chiếc khăn còn có vai trò giữ ấm và tạo cho bé cảm giác an toàn như đang ở trong bụng mẹ nên sẽ dễ ngủ hơn.Phương pháp quấn khăn thường chỉ được áp dụng cho trẻ sơ sinh từ 0 – 2 tháng tuổi. Các mẹ lưu ý không nên quấn con quá chặt và hãy để bé nằm ngửa khi quấn khăn. Cách 1: Quấn khăn kiểu kén

  • Mẹ dải khăn trên giường theo dạng hình thoi
  • Gập góc trên xuống một khoảng cỡ gang tay.
  • Tiếp theo mẹ đặt bé nằm lên khăn. Chú ý để phần cổ và lưng nằm trên nếp gấp.
  • Đặt tay phải của bé xuôi theo cơ thể sao cho khuỷu tay hơi công lại. Sau đó, kéo góc khăn phía bên phải phủ sát lên trên người bé và gập góc khăn bên dưới lên trên.
  • Tiếp tục đặt tay trái của bé dọc theo cơ thể và gập góc khăn còn lại vào, gài cố định mép vào phần khăn đã quấn.
mẹo dân gian giúp trẻ ngủ sâu giấc bằng cách quấn khăn
Quấn khăn kiểu kén giúp trẻ sơ sinh bớt giật mình và ngủ ngon giấc hơn vào ban đêm

Cách 2: Mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm bằng cách quấn khăn vòng tay

  • Cuộn tròn một góc khăn lại và vê chéo cho đến khi hết khăn.
  • Đặt bé nằm nghiêng rồi tạo hình khăn vừa quấn xung quanh người bé thành dạng chữ U.
  • Khi tạo hình khăn theo cách này vừa làm gối đầu, vừa làm gối ôm giúp trẻ sơ sinh ngủ yên giấc hơn vào ban đêm.

3. Thiết lập đồng hồ sinh học cho bé

Trẻ mới sinh cần có nhiều thời gian thích nghi để tự điều chỉnh cho phù hợp với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Do nhiều trẻ có thường xuyên thức đêm khi chưa chào đời nên thói quen này vẫn tiếp tục duy trì sau khi được sinh ra nên mẹ sẽ thấy bé thức nhiều hơn vào ban đêm.Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên chủ động thiết lập cho con một đồng hồ sinh học 24 giờ, giúp bé ngủ nhiều và ngủ ngon giấc hơn vào ban đêm. Hãy xây dựng một thời gian biểu ăn -chơi – ngủ vào các khung giờ cố định trong ngày và cố gắng tuân thủ để rèn luyện cho bé một thói quen sinh học tốt. Theo thời gian, con bạn sẽ dần thích ứng và nhận thức được ngày đêm, khi cần ngủ, lúc nào nên thức. Điều này không chỉ giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon hơn vào ban đêm mà còn cải thiện chức năng tiêu hóa và nâng cao sức khỏe tổng thể cho trẻ.

4. Cho trẻ nạp nhiều calo hơn vào ban ngày

Trẻ được ăn nhiều hơn vào ban ngày sẽ giảm bớt được nhu cầu năng lượng dung nạp vào ban đêm. Điều này sẽ giúp bé không phải thức quá nhiều lần để bú mẹ khi đang ngủ nên giấc ngủ đêm sẽ kéo dài hơn.Thêm vào đó, việc cắt giảm cữ bú đêm cũng tránh được tình trạng đi tiểu quá nhiều vào ban đêm khiến bé bị ướt tã và tỉnh giấc.

5. Không nô đùa với trẻ trước khi ngủ

Nhiều cha mẹ có thói quen nô giỡn với con trước khi đi ngủ. Thói quen này có thể khiến đầu óc của bé tỉnh táo, khó đi vào giấc ngủ. Thậm chí nhiều bé còn thường xuyên bị giật mình và thức giấc giữa đêm do nô đùa quá nhiều trước khi đi ngủ.

Chính vì vậy, cha mẹ nên từ bỏ ngay hoạt động này nếu muốn con có giấc ngủ thật ngon và sâu vào ban đêm.

6. Đừng cuống lên khi thấy bé khóc giữa đêm

Đa số cha mẹ đều cuống cuồng lên và lao vào bề bồng ngay khi thấy bé đột nhiên khóc thét lên giữa đêm. Điều này vô tình tạo thành một thói quen xấu và mỗi lần bé khóc, phải có người dỗ dành mới chịu. Hãy đợi khoảng 2 phút nếu bé không tự ru mình vào giấc ngủ thì hãy xem xét vấn đề bé đang gặp phải và dỗ cho con ngủ tiếp.

cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon không vặn mình
Một số trẻ sơ sinh có thể tự mình chìm vào giấc ngủ sau vài phút khi giật mình giữa đêm mà không cần phải dỗ dành

7. Hạn chế cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày – mẹo dân gian giúp trẻ ngủ sâu giấc

Cắt giảm thời gian ngủ vào ban ngày đó chính là mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm đã được nhiều mẹ áp dụng thành công. Các bé ngủ ngày quá nhiều thường có giấc ngủ đêm ngắn hơn và cần bú mẹ nhiều hơn để nạp đủ nhu cầu cần thiết trong ngày.Để con bạn ngủ ngon và có giấc ngủ sâu vào ban đêm, việc chia nhỏ giấc ngủ ban ngày là cần thiết. Mẹ nên thiết lập một chu kỳ ăn, chơi và ngủ khoa học cho bé vào ban ngày và tránh để giấc ngủ ngày kéo dài quá lâu khiến bé tỉnh táo, khó ngủ, mất ngủ vào ban đêm.

8. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn cho trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm

Việc thả lỏng tâm trí có thể giúp trẻ sơ sinh chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Vì vậy, cha mẹ có thể áp dụng một số kỹ thuật thư giãn để trẻ có được giấc ngủ đêm ngon hơn. Chẳng hạn như:

  • Ôm ấp, vuốt ve, massage nhẹ nhàng cho bé.
  • Nói chuyện, thủ thỉ những lời yêu thương bên tai bé.
  • Cho trẻ nghe một bản nhạc nhẹ nhàng.
  • Đọc truyện cho bé nghe…

Cuối cùng, mẹ hãy quấn khăn và đặt bé nằm trong nôi rồi tự chìm vào giấc ngủ. Đừng bế bồng trên tay hoặc đong đưa võng sẽ hình thành thói quen ngủ không tốt cho trẻ sơ sinh.

9. Không cho trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ

Trẻ sơ sinh có dạ dày nằm ngang nên dễ bị trào ngược dạ dày và óc sữa nếu ăn quá no. Đặc biệt, việc cho con ăn quá nhiều trước khi đi ngủ còn gây cảm giác đầy bụng, khó chịu làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của bé.

cách cho trẻ sơ sinh ngủ ngon
Trước khi đi ngủ, mẹ nên chỉ cho con bú ở mức độ vừa phải để tránh gây đầy bụng, khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm

Thay vì cho con bú no trước khi đi ngủ, mẹ nên cân nhắc đến việc tiếp thêm năng lượng cho con sau khi bé thức dậy. Như vậy sẽ tốt hơn cho giấc ngủ cũng như đường tiêu hóa của bé.

10. Thay tã cho bé một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng

Tập thói quen thay tã cho bé một cách thật chuyên nghiệp chính là một cách cho trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm các mẹ nên biết. Khi mới chào đời, trẻ có thể đi ngoài hoặc tiểu tiện liên tục vào ban đêm nên dễ bị thức giấc khi mẹ không thay tã kịp thời.Do vậy, khi thấy bé tỉnh giấc hoặc khóc, cha mẹ nên kiểm tra tã cho bé. Nếu có vấn đề thì nên nhanh chóng thay tã cho con một cách nhẹ nhàng để bé quay lại giấc ngủ thay vì tỉnh táo hoàn toàn.

11. Vệ sinh giấc ngủ cho trẻ sơ sinh

Nếu đang tìm kiếm các mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm đơn giản, hiệu quả, cha mẹ nên chú trọng vào việc vệ sinh giấc ngủ cho bé. Phương pháp này bao gồm tất cả những việc làm có thể giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn như:

  • Cho bé ngủ trong phòng yên tĩnh, không có tiếng ồn
  • Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ và giữ cho không gian được thoáng mát
  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp. Đối với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng, mẹ chỉ nên bật điều hòa từ 26 – 28 độ. Trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi duy trì nhiệt độ phòng ở mức khoảng 20 độ C.
  • Tùy theo điều kiện thời tiết mà mặc quần áo phù hợp cho bé. Trường hợp bé ra nhiều mồ hôi trộm thì không nên quấn khăn quá kỹ và thỉnh thoảng hãy kiểm tra, thay quần áo cho con nếu cần thiết để bé không bị nhiễm lạnh.
  • Không bật các thiết bị điện tử trong phòng khi bé đang ngủ.
  • Nhiều bé sẽ an tâm và ngủ ngon hơn khi ngậm ti giả.
  • Không để luồng gió từ quạt hay máy lạnh phả trực tiếp vào người bé.
  • Hãy đặt bé vào giường ngủ dù cho con bạn vẫn đang còn tỉnh táo. Hành động này sẽ tạo thành một thói quen tốt để bé biết rằng đã đến lúc cần đi ngủ.
  • Tắm hoặc lau người cho con bằng nước ấm cho bé trước khi đi ngủ sẽ giúp cơ thể được thư giãn, dễ ngủ hơn.

Trên đây là những mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc các mẹ nên biết. Trường hợp bé quấy khóc liên tục vào ban đêm, hãy đưa con đi khám bác sĩ bởi rất có thể con bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe khiến cơ thể khó chịu và không thể ngủ yên giấc.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC