Nổi Mề Đay Là Gì? Nguyên Nhân, Điều Trị và Phòng Ngừa

Nổi mề đay là phản ứng da cấp, mãn tính sau khi tiếp xúc với nọc độc động vật, mủ thực vật, nhiệt độ nóng – lạnh hoặc do sử dụng thuốc và một số loại thuốc thức ăn. Đây là bệnh da liễu phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số.

bệnh nổi mề đay là gì
Nổi mề đay (mày đay) là bệnh da liễu lành tính có thể gặp ở mọi độ tuổi

Nổi mề đay là gì?

Nổi mề đay (tiếng Anh: Hives) còn được gọi là bệnh mày đay – một trong những bệnh da liễu phổ biến nhất. Thuật ngữ này đề cập đến phản ứng cấp, mãn tính của da với cơ chế phức tạp xoay quanh chất trung gian histamine. Biểu hiện đặc trưng của mề đay là các sẩn, mảng phát ban có bờ tròn, cộm, thường có màu hồng/ đỏ và gây ngứa nhiều.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, trong đó thường gặp nhất là do tiếp xúc với yếu tố dị ứng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, mề đay có thể tự phát mà không có nguyên nhân cụ thể. Các triệu chứng của mề đay bùng phát chỉ trong vài phút và hầu hết đều thuyên giảm mà không để lại dấu vết sau 24 giờ.

Hầu hết mọi người đều bị nổi mề đay ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới. Đa phần mề đay đều lành tính và có thể tự thuyên giảm nhưng cũng có những trường hợp đi kèm với phù mạch và sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.

Phân loại bệnh mề đay

Mày đay được chia thành nhiều dạng khác nhau. Có nhiều tiêu chí để phân loại bệnh, trong đó thời gian tiến triển và biểu hiện lâm sàng là các tiêu chí được dùng phổ biến nhất.

1. Dựa trên thời gian bệnh tiến triển

Dựa vào thời gian tiến triển, mề đay được phân làm 2 loại là mề đay cấp tínhmề đay mãn tính:

  • Mề đay cấp tính: Mề đay cấp tính thường bùng phát chỉ sau vài phút tiếp xúc với thuốc, chất dị ứng hoặc kích thích vật lý. Trong đó, các nốt sẩn, mảng do mày đay thường thuyên giảm chỉ sau vài giờ và tối đa là 48 giờ. Mày đay cấp tính có thể gây phù mạch và sốc phản vệ nên cần chú ý đến các triệu chứng toàn thân bên cạnh sang thương da.
  • Mề đay mãn tính: Mề đay mãn tính thường là tự phát, do các bệnh tự miễn hoặc các bệnh nội khoa. Dạng mày đay này thường khởi phát từ từ và có xu hướng dai dẳng, kéo dài hơn 6 tuần. Mề đay mãn tính ít đe dọa đến tính mạng vì hầu như không đi kèm với phù mạch và sốc phản vệ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân nên việc điều trị diễn ra khá khó khăn.

2. Dựa vào biểu hiện lâm sàng

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, mày đay được chia thành nhiều dạng như sau:

  • Mề đay sắc tố
  • Mề đay sẩn
  • Mề đay hình vòng, đường dài
  • Mề đay xuất huyết
  • Mề đay khổng lồ (phù Quincke)
  • Mề đay giả viêm tấy
  • Chứng da vẽ nổi (mề đay vẽ nổi)

Ngoài những dạng mề đay thường gặp kể trên, một số người còn có thể gặp các dạng mày đay ít gặp khác.

Các triệu chứng nhận biết mề đay

Mề đay có biểu hiện khá đa dạng nhưng đa phần đều có biểu hiện là nổi các sẩn, mảng, cộm, bờ tròn, màu hồng hoặc đỏ, gây ngứa nhẹ đến ngứa dữ dội. Thông thường, sang thương da sẽ tự biến mất chỉ sau vài phút hoặc vài giờ nhưng cũng có những trường hợp cần phải điều trị.

bệnh nổi mề đay là gì
Mề đay đặc trưng bởi các sẩn, mảng cộm, bờ tròn có màu hồng, đỏ đi kèm với cảm giác ngứa ngáy

Các triệu chứng nhận biết bệnh nổi mề đay:

  • Da xuất hiện các sẩn, mảng nổi cộm trên bề mặt da, bờ tròn và có giới hạn rõ so với vùng da lành
  • Sẩn, mảng da thường có màu hồng hoặc đỏ, khi ấn vào có cảm giác cứng chắc và thường chuyển sang màu trắng
  • Các sẩn, mảng có hình dáng đa dạng và kích thước dao động từ vài mm đến hàng chục cm
  • Đối với các vùng da chùng như môi, cơ quan sinh dục và mi mắt, sang thương là các mảng nông và thường đi kèm với hiện tượng phù dưới da
  • Mề đay có thể nổi khu trú một vùng hoặc lan ra khắp cơ thể
  • Mề đay luôn gây ngứa, cơn ngứa có thể xuất hiện trước khi phát ban và mức độ ngứa tăng lên khi có ma sát, kích thích
  • Các sang thương do mề đay thường xuất hiện đột ngột nhưng đa phần đều thuyên giảm sau vài phút đến vài giờ. Mề đay biến mất nhanh và không để lại bất cứ dấu vết nào.

Mề đay thường là một phần của phản ứng miễn dịch trước các tác nhân như chất dị ứng, tác nhân vật lý, bệnh truyền nhiễm, thuốc,… Do đó, các chất trung gian như histamine cũng có thể được giải phóng vào cổ họng và đường ruột dẫn đến các triệu chứng như:

  • Đau bụng, buồn nôn
  • Phù nề mặt, môi, bộ phận sinh dục và các đầu chi
  • Ngứa cổ họng
  • Phù lưỡi, khó thở
  • Thở khò khè

Khi xuất hiện tình trạng khó thở và suy hô hấp, cần cấp cứu kịp thời để tránh tử vong. Do histamine được giải phóng vào cổ họng gây phù nề nên có thể dẫn đến tắc thở. Tình trạng này chủ yếu gặp ở mề đay cấp tính và ít khi xảy ra với người bị mề đay mãn tính.

Nguyên nhân gây mề đay (mày đay)

Có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay và trong nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp nổi mày đay là do hiện tượng phóng thích histamine cùng với các chất trung gian như kallikrein, bradykinin khiến cho mao mạch bị giãn. Từ đó tăng tính thấm mao mạch và hậu quả là da bị phù nề tạo thành các sẩn, mảng gây ngứa.

Các nguyên nhân gây mề đay thường gặp, bao gồm:

1. Các tác nhân có nguồn gốc thực vật, động vật

Các chất kích ứng có trong thực vật và động vật có thể gây nổi mày đay. Các tác nhân này thường gây mề đay cấp tính và sang thương chỉ xuất hiện ở nơi tiếp xúc. Tuy nhiên, những trường hợp nặng cũng có thể gây nổi mề đay diện rộng.

nguyên nhân gây nổi mề đay
Tiếp xúc với dịch, nọc độc của côn trùng là nguyên nhân phổ biến gây nổi mề đay

Các tác nhân thực vật, động vật có thể gây nổi mề đay bao gồm:

  • Thực vật: Mủ, nhựa từ cây trường xuân, phong lữ thảo, tầm ma,…
  • Động vật: Thường là các loại côn trùng như bọ chét, muỗi, ong, rệp, kiến, đôi khi là nhện, sâu, sứa,…

2. Tác nhân vật lý

Ngoài tác nhân động vật và thực vật, tác nhân vật lý là nguyên nhân phổ biến gây nổi mề đay. Trong đó mề đay nhiệt phổ biến hơn mề đay do lạnh.

  • Mề đay do lạnh: Thường do tiếp xúc với nhiệt động lạnh (gió lạnh, uống nước lạnh, tắm nước lạnh,…). Mề đay sẽ xuất hiện ở vùng da tiếp xúc, sau đó lan dần ra toàn thân.
  • Mề đay do nóng/ nhiệt: Thường xuất hiện khi tăng thân nhiệt do tập thể dục, tiếp xúc với ánh sáng, tia xạ và tia cực tím.

3. Do thức ăn

Có thể nói, thức ăn là nguyên nhân thường gặp nhất gây nổi mề đay. Hầu hết các loại thực phẩm đều có thể gây ra tình trạng này, nhưng phổ biến hơn ở các loại thực phẩm chứa protein.

nguyên nhân gây nổi mề đay
Protein trong một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng và kích thích phản ứng nổi mề đay chỉ vài phút sau khi ăn

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng thức ăn:

  • Các loại hải sản, thường gặp nhất là tôm, cua, ghẹ, các loại ốc và nghêu
  • Bánh mì
  • Rượu
  • Trứng (thường là lòng trắng trứng)
  • Đậu phộng, mè
  • Socola

Ngay sau khi ăn các loại thực phẩm này, da sẽ xuất hiện các sẩn, mảng kèm theo cảm giác nóng và ngứa ngáy. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nổi mề đay sau khi ăn khoảng vài giờ. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi và ngứa họng.

4. Do thuốc

Các loại thuốc uống và thuốc dùng ngoài đều có thể gây nổi mề đay. Trong nhiều trường hợp, mề đay do thuốc có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Các loại thuốc thường gây nổi mề đay:

  • Barbiturique
  • Thuốc kháng sinh
  • Vaccine
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt

5. Tác nhân cơ học

Tác nhân cơ học bao gồm ma sát và sức ép (chẳng hạn như mặc quần áo quá chật,…) đều có thể gây nổi mề đay. Mề đay do tác nhân cơ học có biểu hiện tương tự như các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, những trường hợp mề đay vẽ nổi sẽ xuất hiện sang thương da có hình của vật gây ra sức ép.

6. Các nguyên nhân khác

Mề đay cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như:

  • Vi trùng, ký sinh trùng: Bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, răng hàm mặt, niệu – sinh dục, tai mũi họng đều có thể kích thích mề đay bùng phát (thường là mề đay cấp). Trong khi đó, trường hợp nhiễm giun sán, amip thường gây nổi mề đay mãn tính.
  • Tác nhân tâm sinh lý: Nhiều người bị nổi mề đay do quá xúc động, suy nhược, gắng sức và chấn thương tâm lý mạnh.
  • Ảnh hưởng của các bệnh hệ thống: Nổi mề đay cũng có thể do ảnh hưởng của các bệnh hệ thống như Amyloidose, Collagenose, Reticulose, hội chứng Sjogren, tuyến giáp miễn dịch, ung thư, rối loạn nội tiết tố,…

Trên thực tế, một số người tiếp xúc với những nguyên nhân trên nhưng hầu như không nổi mề đay. Ngoài ra, cũng có những trường hợp chỉ nổi mề đay một vài lần và những lần sau hoàn toàn không có phản ứng khi tiếp xúc với nguyên nhân đó. Theo các chuyên gia, điều này có liên quan đến những yếu tố làm tăng nguy cơ bị mề đay bao gồm:

  • Cơ thể đang suy nhược và mệt mỏi là yếu tố đầu tiên gia tăng nguy cơ nổi mề đay
  • Cơ địa nhạy cảm
  • Có các bệnh lý liên quan đến cơ địa như hen suyễn, viêm da cơ địa, viêm xoang dị ứng, viêm mũi dị ứng,…
  • Mắc các chứng rối loạn miễn dịch
  • Tiền sử gia đình bị mề đay mãn tính hoặc có các bệnh lý có cơ chế tương tự

Ảnh hưởng của bệnh nổi mề đay

Nổi mề đay là bệnh da liễu rất phổ biến và hầu hết mỗi người đều gặp phải ít nhất một lần trong đời. Phần lớn mề đay đều nổi đột ngột, cấp tính và thuyên giảm hoàn hoàn toàn trong khoảng vài giờ. Mề đay là bệnh da lành tính và ảnh hưởng duy nhất của chứng bệnh này gây ngứa ngáy, khó chịu.

Tuy nhiên, mề đay mãn tính (kéo dài hơn 6 tuần) gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tình trạng nổi mề đay kéo dài gây ngứa ngáy, khó chịu, điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động khác trong ngày. Bên cạnh đó, các sẩn, mảng do mề đay còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây ra tâm lý ngại ngùng khi gặp gỡ, giao tiếp.

biểu hiện của nổi mề đay
Nổi mề đay có thể đi kèm với phù mạch và sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời

Trong một số trường hợp, mề đay có thể đi kèm với phù mạch và sốc phản vệ. Nếu nhận thấy có biểu hiện khó thở, suy hô hấp, ngứa cổ họng, sưng mí mắt,… nên đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Ở những người có cơ địa dị ứng, mề đay có thể bùng phát cùng với cơn suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang và viêm da dị ứng.

Nhìn chung, mề đay là bệnh da lành tính và hiếm khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trường hợp đi kèm với các triệu chứng toàn thân nặng nên xem xét đến bệnh viện bởi sốc phản vệ thường có tiến triển rất nhanh. Ngoài ra, những trường hợp mề đay mãn tính cần sàng lọc các bệnh lý tiềm ẩn. Trong nhiều trường hợp, mề đay có thể tự phát mà không rõ nguyên nhân. Sau một thời gian, các nốt sẩn, mảng do mày đay gây ra sẽ tự thuyên giảm.

Chẩn đoán bệnh nổi mề đay

Đa phần mề đay đều có thể tự thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày nên không nhất thiết phải thăm khám và điều trị y tế. Những trường hợp bị nổi mề đay mãn tính hoặc mề đay cấp đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng cần tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được điều trị kịp thời.

Không có xét nghiệm chẩn đoán xác định cho bệnh nổi mề đay. Vì vậy, bệnh chủ yếu được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng và khai thác tiền sử.

  • Khám lâm sàng: Mề đay đặc trưng là các nốt sẩn phù kèm ngứa ngáy, xuất hiện và biến mất đột ngột không để lại dấu vết. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện một số tiếp xúc như làm ấm, làm lạnh, gãi nhẹ,… lên da của bệnh nhân để kích thích tình trạng nổi mề đay. Bác sĩ sẽ tiến hành khám chuyên sâu hơn nếu bệnh nhân có dấu hiệu sưng môi, lưỡi và suy hô hấp.
  • Tiền sử cá nhân: Mề đay thường xuất hiện khi có tác nhân kích thích. Vì vậy, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về việc sử dụng thức ăn, thuốc, tiếp xúc với các tác nhân vật lý, nhiễm vi trùng, ký sinh trùng,… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử bệnh lý để xác định bệnh nhân có bị chàm, hen suyễn, viêm da dị ứng, ung thư hay các bệnh tự miễn hay không.
  • Tiền sử gia đình: Ngoài tiền sử cá nhân, bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi về tiền sử gia đình. Bởi nguy cơ nổi mày đay tăng lên đáng kể đối với những trường hợp có gia đình mắc chứng mề đay và cơ địa dị ứng.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm cận lâm sàng ít khi được chỉ định trong chẩn đoán mề đay – trừ những trường hợp mề đay mãn tính nghi ngờ do các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Các xét nghiệm cận lâm sàng được áp dụng trong chẩn đoán mề đay bao gồm công thức máu, tìm ký sinh trùng, tìm Cryoglobulin (mề đay do lạnh),…
  • Sinh thiết da: Sinh thiết da cũng được cân nhắc khi chẩn đoán mày đay và thường được áp dụng nếu mề đay vẫn tồn tại hơn 48 giờ đồng hồ.

Các phương pháp điều trị bệnh nổi mề đay (mày đay)

Điều trị bệnh mề đay bao gồm sử dụng thuốc và cách ly với nguyên nhân (đã xác định hoặc nghi ngờ). Bên cạnh đó, các biện pháp chăm sóc cũng góp phần giảm triệu chứng và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Điều trị nổi mề đay cấp tính

Nổi mề đay cấp tính dễ điều trị hơn so với mề đay mãn tính. Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa. Tuy nhiên, trường hợp có biểu hiện suy hô hấp và các triệu chứng toàn thân nặng, nên đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị.

Phương pháp chính được áp dụng trong điều trị mề đay cấp là sử dụng thuốc. Có khá nhiều loại thuốc được sử dụng và dược sĩ/ bác sĩ sẽ xem xét biểu hiện lâm sàng để chỉ định loại thuốc phù hợp.

điều trị mề đay
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh mề đay cấp tính

Các loại thuốc được dùng để điều trị nổi mề đay cấp:

  • Thuốc bôi ngoài: Trong trường hợp mề đay nổi khu trú ở vùng tiếp xúc, có thể dùng thuốc bôi ngoài chứa menthol và các thành phần làm dịu da như Panthenol, vitamin B3, vitamin E để giảm ngứa, sưng và đỏ. Không dùng thuốc kháng histamine tại chỗ vì dễ gây kích ứng và hiệu quả thường không cao.
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị mề đay và các bệnh có cơ chế dị ứng. Cơ chế của thuốc là ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H1, từ đó ngăn hiện tượng phóng thích histamine vào trung bì. Sau khi dùng thuốc, các triệu chứng ngứa ngáy và sẩn, mảng sẽ thuyên giảm rõ rệt. Các loại thuốc kháng histamine H1 được dùng phổ biến bao gồm Cetirizine, Cyproheptadine, Chlorpheniramine, Mequitazine, Fexofenadine,…
  • Thuốc kháng histamine H2: Nhóm thuốc này thường được dùng để điều trị đau dạ dày và các bệnh lý tiêu hóa. Tuy nhiên, có thể kết hợp thuốc kháng histamine H1 và H2 vì histamine phải đi qua thụ thể H2 trước khi giải phóng vào trung bì. Kết hợp hai nhóm thuốc này sẽ giúp tăng hiệu quả kháng histamine, qua đó giảm nhanh các triệu chứng cơ năng và sang thương da do mề đay gây ra.
  • Epinephrine: Trường hợp nổi mề đay kèm khó thở và suy hô hấp sẽ được tiêm Epinephrine để tăng huyết áp, nhịp tim và nhịp thở. Loại thuốc này cần được sử dụng kịp thời để phòng ngừa tử vong và các biến chứng nặng nề khác.
  • Corticoid đường uống: Corticoid đường uống ít khi được dùng trong điều trị mề đay do hiệu quả kém. Tuy nhiên, trường hợp mề đay cấp có biểu hiện nặng sẽ được xem xét dùng thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

Bên cạnh sử dụng thuốc, yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát mề đay là loại trừ yếu tố căn nguyên (chẳng hạn như không sử dụng thực phẩm gây nổi mề đay, thay thế loại thuốc khác, tránh tiếp xúc với thực vật, động vật,…). Nếu không loại trừ căn nguyên, mề đay có thể lan tỏa trên diện rộng và đôi khi gây tiến triển mãn tính.

2. Điều trị bệnh mề đay mãn tính

Khác với mề đay cấp tính, mề đay mãn tính khó điều trị hơn. Đối với dạng mề đay này, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong một số trường hợp, mề đay có thể tự phát mà không rõ nguyên nhân. Trường hợp này có thể dùng thuốc cải thiện triệu chứng kết hợp với các biện pháp chăm sóc để quản lý bệnh thành công.

Điều trị mề đay mãn tính bao gồm:

  • Loại trừ tất cả các nguyên nhân có thể gây nổi mề đay như thức ăn, thuốc, nhiễm trùng (thường do giun sán, virus viêm gan B, C,….)
  • Sử dụng thuốc kháng histamine H1 trong khoảng 3 tháng, sau đó giảm liều từ từ
  • Trường hợp không có đáp ứng với thuốc kháng histamine H1 sẽ được chỉ định dùng Omalizumab (tác dụng ức chế kháng thể IgE, qua đó ngăn hiện tượng giải phóng các chất trung gian vào trung bì)
  • Tránh sử dụng rượu trong suốt thời gian điều trị

3. Các biện pháp chăm sóc

Ngoại trừ những trường hợp đi kèm với các triệu chứng suy hô hấp, đa phần mề đay đều lành tính và không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, các sẩn, mảng do mày đay thường gây ngứa ngáy và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Chính vì vậy ngoài sử dụng thuốc, nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc để cải thiện triệu chứng hiệu quả.

điều trị bệnh mề đay
Tránh gãi, cào lên các sẩn, mảng do mề đay vì thói quen này có thể làm tăng mức độ ngứa ngáy

Các biện pháp chăm sóc khi nổi mề đay:

  • Nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton thấm hút tốt để tránh tạo sức ép và ma sát lên da.
  • Vệ sinh cơ thể thường xuyên để làm dịu các sẩn, mảng gây đỏ ngứa. Tuy nhiên, nên tắm bằng nước mát, hạn chế dùng nước ấm hoặc nước lạnh. Bên cạnh đó, cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm làm sạch có độ pH trung tính.
  • Mề đay thường đi kèm với cảm giác ngứa ngáy và đôi khi gây ngứa dữ dội. Mức độ ngứa có thể tăng lên nếu cào gãi thường xuyên. Để giảm ngứa, bạn có thể chườm khăn mát, sử dụng thuốc bôi chứa Menthol hoặc dùng thuốc uống. Tránh tình trạng chà xát, gãi cào thường xuyên khiến mề đay gây ngứa dữ dội và lan tỏa trên diện rộng.
  • Trong thời gian điều trị mề đay, nên ngủ nghỉ đúng giờ, ăn uống điều độ và giữ tinh thần thoải mái. Thể trạng tốt sẽ giúp kiểm soát bệnh nhanh chóng và hạn chế nguy cơ mày đay tiến triển mãn tính.

Phòng ngừa nổi mề đay

Nổi mề đay có thể tái phát nếu liên tục tiếp xúc với các yếu tố căn nguyên. Để phòng ngừa bệnh lý này, có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản sau:

  • Không tiếp xúc với mủ thực vật, động vật, các loại hóa chất có thể gây kích ứng,…
  • Không sử dụng thức ăn đã từng gây nổi mề đay và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Ngoài ra, nên cân nhắc nguy cơ bị dị ứng chéo (chẳng hạn như người bị dị ứng tôm cũng sẽ có nguy cơ dị ứng cua, ghẹ, nghêu, sò,…).
  • Thông báo với bác sĩ tiền sử nổi mề đay khi dùng thuốc để được xem xét loại thuốc ít nguy cơ nhất.
  • Không tiếp xúc với các tác nhân vật lý (nóng – lạnh).
  • Hạn chế ma sát lên da, tránh mặc quần áo quá chật, vật liệu cứng, dày và khó thấm hút.
  • Giữ tinh thần thoải mái, ăn uống và sinh hoạt điều độ để phòng ngừa stress, suy nhược bởi đây cũng là các yếu tố kích thích mề đay bùng phát.
  • Tẩy giun định kỳ 1 – 2 lần/ năm để loại bỏ ký sinh trùng.
  • Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/ năm để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Nổi mề đay là bệnh da liễu phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phần lớn trường hợp bị mày đay đều lành tính và có thể tự thuyên giảm chỉ sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, nếu mề đay đi kèm với các biểu hiện nghiêm trọng và kéo dài hơn 48 giờ, nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 17/04/2023 - Cập nhật lúc 11:19 am , 24/05/2023
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc