Rách bao xơ đĩa đệm là gì? Có nguy hiểm không?

Rách bao xơ đĩa đệm là một chấn thương phát triển ở đĩa đệm cột sống, dẫn đến đau đớn, tê liệt và mất cảm giác cục bộ tại khu vực tổn thương. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm.

Rách bao xơ đĩa đệm
Rách bao xơ đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thoát vị đĩa đệm

Rách bao xơ đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm là bộ phận nằm giữa các đốt sống, có nhiệm vụ giảm xóc khi có các chuyển động dọc theo cột sống và ngăn ngừa các tổn thương không mong muốn đến cột sống. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo từ hai bộ phận chính là bao xơ và nhân mềm. Bao xơ (annulus fibrosus) là phần bên ngoài của đĩa đệm, thường có hình elip, hoạt động như một vòng bao bảo vệ nhân mềm bên trong.

Theo thời gian, các đĩa đệm trong cột sống có thể bị hao mòn. Điều này khiến đĩa đệm trở nên yếu, giòn, dễ rách, vỡ  và mất độ đàn hồi tự nhiên. Khi có lực tác động lên đĩa đệm sẽ dẫn đến quá tải, gây ra các vết rách, nứt, vỡ trên bề mặt bao xơ. Rách bao xơ đĩa đệm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xẹp đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm.

Tùy thuộc vào mức độ và loại tổn thương, rách bao xơ được phân thành ba loại khác nhau:

  • Rách đồng tâm: Đây là vết rách xảy ra ở các lớp ngoài của bao xơ, dẫn đến tình trạng phân tách một phần hoặc hoàn toàn bao xơ đĩa đệm.
  • Rách ngoại vi: Vết rách này xảy ra ở thành ngoài của bao xơ. Tình trạng này thường xảy ra do các chấn thương hoặc tác động lực từ bên ngoài, bởi vì vết rách không xuất phát từ lớp bên trong của bao xơ. Tuy nhiên nếu không được điều trị, vết rách ngoại vi có thể gây ảnh hưởng đến các lớp bên trong của bao xơ.
  • Rách hình tia: Vết rách này xuất hiện ở lớp trong cùng của bao xơ và dần dần ảnh hưởng đến bên ngoài đĩa đệm. Tình trạng này có thể phát triển thành thoát vị đĩa đệm nếu nhân tủy bên trong bị chèn ra lớp ngoài của bao xơ.

Tương tự như thoát vị đĩa đệm, rách bao xơ đĩa đệm có thể ảnh hưởng đến hầu hết các vị trí trong cột sống, bao gồm:

  • Rách bao xơ đĩa đệm cột sống cổ (đốt sống C1 – C7)
  • Rách bao xơ đĩa đệm cột sống ngực (đốt sống T1 – T12)
  • Rách bao xơ đĩa đệm cột sống thắt lưng (đốt sống L1 – L5)

Dấu hiệu nhận biết rách bao xơ đĩa đệm

Rách bao xơ đĩa đệm là tình trạng tiến triển và nghiêm trọng theo thời gian. Trong thời gian đầu triệu chứng chính bao gồm đau nhẹ, tê hoặc khó chịu ở khu vực bị tổn thương.

rách bao xơ đĩa đệm có lành được không
Đau thắt lưng là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị rách bao xơ đĩa đệm cột sống thắt lưng

Nếu không được điều trị và chăm sóc phù hợp, các triệu chứng rách bao xơ sẽ trở nên rõ rệt hơn, bao gồm:

  • Đau cột sống lưng hoặc cột sống cổ mãn tính
  • Tê liệt hoặc ngứa ran khắp cơ thể, đặc biệt là khu vực có dây thần kinh cột sống
  • Đau khu trú tại vị trí bị tổn thương
  • Yếu cơ lưng

Hầu hết các trường hợp rách bao xơ xảy ra ở khu vực cột sống thắt lưng, bởi vì khu vực này chịu phần lớn trọng lượng có thể. Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là đau thắt lưng và đau thần kinh tọa.

Khi ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, các triệu chứng rách bao xơ phát triển dựa trên đốt sống bị ảnh hưởng. Các triệu chứng bao gồm:

  • L1: Tê và đau cục bộ ở vùng đùi hoặc bẹn.
  • L2: Tê và đau khu trú ở khu vực đùi hoặc yếu cơ gấp hông.
  • L3: Mất phản xạ ở xương bánh chè, tê, đau khu trú ở xương đùi và cơ tứ đầu.
  • L4: Tê hoặc mất cảm giác ở bàn chân, phản xạ gân xương giảm dần, mất sức mạnh ở cơ tứ đầu, gây đau và suy nhược cục bộ ở chân.
  • L5: Tê bàn chân hoặc các ngón chân, mất sức ở hông và chân.

Nguyên nhân gây rách bao xơ đĩa đệm

Lão hóa tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến rách bao xơ đĩa đệm, đặc biệt là dạng rách hình tia. Làm việc nặng nhọc, áp lực từ trọng lượng cơ thể và thiếu chất dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến rách bao xơ. Điều này khiến bao xơ đĩa đệm bị thiếu nước, trở nên mỏng hơn, cuối cùng trở nên giòn, yếu và dễ rách.

Các vết rách bao xơ cũng xảy ra liên quan đến các chấn thương cột sống, đây là loại rách đồng tâm và rách ngoại vi. Chấn thương cột sống thường xảy ra sau các môn thể thao tác động mạnh như bóng đá, nâng vật nặng hoặc các chấn thương nghiêm trọng liên quan đến tai nạn giao thông.

rách bao xơ đĩa đệm là gì
Lão hóa tự nhiên là nguyên nhân phổ biến dẫn đến rách bao xơ

Bên cạnh quá trình lão hóa tự nhiên, có một số nguy cơ làm tăng khả năng hao mòn liên tục khiến các đĩa đệm trở nên yếu hơn. Cụ thể, có một số yếu tố có thể gây rách bao xơ đĩa đệm bao gồm:

  • Hoạt động nặng: Các hoạt động thể thao có tác động mạnh mẽ có khả năng làm chấn thương cột sống và tăng nguy cơ rách bao xơ. Ngoài ra, các công việc liên quan đến uốn cong và nâng lên liên tục có thể làm tăng nguy cơ phát triển các chấn thương mãn tính, cuối cùng là gây rách bao xơ.
  • Cân nặng không lành mạnh: Điều này đề cập đến việc béo lên hoặc tăng cân bất thường. Cột sống chịu trách nhiệm chính trong việc nâng đỡ trọng lượng của cơ thể. Do đó tăng cần sẽ làm tăng áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Theo thời gian, áp lực tăng thêm sẽ làm tăng nguy cơ rách bao xơ, xẹp đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm.
  • Bệnh thoái hóa đĩa đệm: Các đĩa đệm sẽ bắt đầu thoái hóa do hao mòn quá mức. Tình trạng này thường đi kèm với sự mất chất lỏng bên trong các đĩa đệm khi cơ thể bắt đầu lão hóa. Chất lỏng ít hơn sẽ khiến đĩa đệm bị khô, xẹp, bao xơ cứng và mất tính linh hoạt, điều này khiến bao xơ cứng sẽ dễ bị rách hơn.
  • Gai cột sống: Gai cột sống phát triển dọc theo chiều dọc của các đốt sống, bên cạnh các đĩa đệm. Đôi khi gai cột sống có thể gây tác động đến đĩa đệm và dẫn đến các vết rách ngoại vi.
  • Di truyền học: Gen đóng một vai trò rất lớn trong tình trạng sức khỏe tổng thể. Gen quyết định sức mạnh và chất lượng collagen trong cơ thể. Đây là chất tạo nên các sợi vòng của bao xơ đĩa đệm. Việc sản xuất thiếu hụt hoặc collagen yếu có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vết rách bao xơ đĩa đệm.

Rách bao xơ đĩa đệm có nguy hiểm không?

Rách bao xơ đĩa đệm thường không được xem là một tình trạng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên các áp lực lặp đi lặp lại lên đĩa đệm bị rách hoặc bị tổn thương có thể khiến vết rách trở nên nghiêm trọng hơn. Rách bao xơ là tiền đề dẫn đến thoát vị đĩa đệm hoặc phồng đĩa đệm. Các tình trạng này có thể gây đau đớn, suy nhược cơ thể. Do đó, người bệnh cần tiến hành điều trị càng nhanh càng tốt để các vết rách lành lại đúng cách và ngăn ngừa các tổn thương thêm.

rách bao xơ đĩa đệm có nguy hiểm không
Nếu không được điều trị, rách bao xơ có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm và chèn ép các dây thần kinh

Rách bao xơ cũng có thể liên quan đến các chân thường nhỏ, chẳng hạn như một cú ngã hoặc va chạm giao thông. Các chấn thương có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, nếu nhận thấy các cơn đau bất thường trong cơ thể, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, nếu không được điều trị sớm và đúng cách, rách bao xơ đĩa đệm có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Dây thần kinh bị chèn ép: Bề mặt bao xơ chứa rất nhiều dây thần kinh nhạy cảm, do đó rách bao xơ thường cực kỳ đau đớn. Nếu vết rách nghiêm trọng có thể khiến nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài, dẫn đến thoát vị đĩa đệm và chèn ép lên các dây thần kinh.
  • Rối loạn cảm giác: Tổn thương các dây thần kinh có thể gây mất hoặc phản ứng kém tại vị trí bị tổn thương. Bên cạnh đó, vùng da phía trên dây thần kinh cũng bị ảnh hưởng, mất sắc tố và mất cảm giác.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda Equina Syndrome): Biến chứng này rất hiếm gặp, tuy nhiên cực kỳ nghiêm trọng, xảy ra khi các dây thần kinh chùm đuôi ngựa bị tổn thương, dẫn đến đại, tiểu tiện mất tự chủ.

Rách bao xơ đĩa đệm có nguy hiểm không phụ thuộc vào vị trí và mức độ của vết rách. Nếu được điều trị đúng cách, hầu hết các trường hợp rách bao xơ sẽ phục hồi hoàn toàn và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện tiến hành chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Rách bao xơ đĩa đệm có tự lành được không?

Đĩa đệm không có nguồn máu nuôi dưỡng và có nguồn cung cấp máu hạn chế, do đó sẽ mất một thời gian rất dài để tự chữa lành. Theo thống kê, một số người bệnh có thể mất khoảng 18 tháng đến 2 năm nghỉ ngơi hoàn toàn và hoạt động nhẹ nhàng một cách thận trọng nếu mong muốn bao xơ đĩa đệm tự lành mà không cần điều trị.  Trong thời gian tự chữa lành, các hoạt động hàng ngày, chấn thương hoặc tư thế xấu, có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Do đó, trong hầu hết các trường hợp rách bao xơ đĩa đệm, người bệnh được khuyến cáo nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán rách bao xơ đĩa đệm

Để chẩn đoán tình trạng rách bao xơ đĩa đệm, người bệnh cần trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện. Điều này bao gồm xác định các tiền sử bệnh lý, đánh giá mức độ cơn đau các triệu chứng của người bệnh. Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X – quang hoặc MRI cũng được sử dụng để đánh giá giải phẫu cột sống và xác định các vấn đề bất thường.

Xét nghiệm hình ảnh chủ yếu được sử dụng để xác định tình trạng thoát vị đĩa đệm và rách bao xơ là chụp cộng hưởng từ (MRI). Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ đánh giá cấu trúc mô mềm xung quanh đốt sống. Tuy nhiên đôi khi các vết rách không được nhìn thấy trên hình ảnh MRI, do đó việc chẩn đoán tiền sử bệnh lý của người bệnh và xác định các triệu chứng là điều rất quan trọng để chẩn đoán rách bao xơ chính xác.

Biện pháp điều trị rách bao xơ đĩa đệm

Trong hầu hết các trường hợp, rách bao xơ đĩa đệm không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng cách biện pháp điều trị nội khoa. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị rách bao xơ bao gồm:

1. Sử dụng thuốc

Thông thường, cơn đau do rách bao xơ đáp ứng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Tuy nhiên trong các cơn đau dữ dội và nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau gây nghiện (opioid).

chữa rách bao xơ đĩa đệm
Sử dụng thuốc chữa rách bao xơ đĩa đệm theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn

Cụ thể các loại thuốc được chỉ định điều trị rách bao xơ bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Paracetamol hoặc Ibuprofen, được chỉ định cho các cơn đau nhẹ và không viêm.
  • Thuốc kháng viêm không steroid được chỉ định cho các cơn đau từ mức trung bình, gây viêm và kích ứng dây thần kinh.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid) được sử dụng cho các cơn đau nghiêm trọng và không đáp ứng thuốc giảm đau thông thường. Các loại thuốc này được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian ngắn để tránh gây phụ thuộc thuốc.
  • Thuốc giãn cơ có tác dụng giúp thư giãn các cơn, ngăn ngừa tình trạng co thắt cơ và hỗ trợ cải thiện cơn đau liên quan đến đĩa đệm.
  • Tiêm Corticoid được chỉ định khi nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài, gây chèn ép và viêm các dây thần kinh.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là biện pháp giảm đau nhờ vào các tác động vật lý. Phương pháp này mang lại hiệu quả tương đối cao, an toàn và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, người bệnh cần đến cơ sở vật lý trị liệu uy tín để tránh các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các hai dạng vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:

  • Vật lý trị liệu thụ động, áp dụng các biện pháp bao gồm chườm đá, chườm nóng, massage, xoa bóp, sử dụng sóng âm kích thích,… để cải thiện cơn đau.
  • Vật lý trị liệu chủ động bao gồm các bài tập kéo giãn cơ nhẹ nhàng, tăng cường lưu thông máu và chất dinh dưỡng đến các đĩa đệm, từ đó cải thiện các triệu chứng bệnh.

3. Phẫu thuật

Thông thường, rách bao xơ đĩa đệm không cần phẫu thuật và được điều trị chủ yếu bằng các phương pháp nội khoa. Tuy nhiên, trong trường hợp các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

bị rách bao xơ đĩa đệm có phải mổ
Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả

Phẫu thuật rách bao xơ được thực hiện để khôi phục lại các sợi bao xơ bị mất và ngăn ngừa nhân tủy chảy ra ngoài. Bên cạnh đó, phẫu thuật cũng góp phần giảm đau, chống viêm và phục hồi hoạt động bình thường của người bệnh. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật mở truyền thống hoặc phẫu thuật nội soi và phẫu thuật laser. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật hiệu quả nhất.

4. Bài tập cho người rách bao xơ đĩa đệm

Điều quan trọng khi rách bao xơ đĩa đệm là nghỉ ngơi đúng cách và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì hoạt động nhẹ nhàng để ngăn ngừa cứng khớp và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Dưới đây là một số bài tập tác động thấp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, phù hợp cho người rách bao xơ:

  • Đi dạo ngắn xung quanh nhà
  • Tập thể dục với bóng trị liệu dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý trị liệu
  • Yoga
  • Thiền
  • Thủy trị liệu

Người bệnh cần tránh thực hiện các bài tập tác động mạnh, chẳng hạn như chạy bộ, hoặc các bài tập va chạm, chẳng hạn như bóng đá, để hỗ trợ quá trình điều trị.

Lời khuyên khi điều trị rách bao xơ đĩa đệm

Mặc dù hầu hết các trường hợp rách bao xơ đĩa đệm là do lão hóa và các triệu chứng có thể tiến triển theo thời gian, tuy nhiên có một số phương pháp hỗ trợ điều trị cũng như ngăn ngừa các triệu chứng rách bao xơ trở nên nghiêm trọng hơn.

điều trị rách bao xơ đĩa đệm
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng khỏe mạnh và phòng ngừa rách bao xơ

Các lưu ý và lời khuyên dành cho người rách bao xơ bao gồm:

  • Giảm áp lực lên cột sống: Người bệnh cần tránh đặt áp lực lên đĩa đệm trong thời gian phục hồi, điều này giúp ngăn ngừa hình thành mô sẹo và giúp tái tạo đĩa đệm. Người bệnh nên tránh một số chuyển động uốn, xoay cột sống và tư thế nâng để ngăn ngừa các tổn thương thêm.
  • Duy trì thói quen tốt: Nằm là cách tốt nhất để giải phóng áp lực lên đĩa đệm bởi vì không có lực tác động theo phương thẳng đứng. Tư thế ngồi và đứng, đặc biệt là tư thế thả lỏng người có thể đặt tải trọng tối đa lên đĩa đệm. Đứng và ngồi thẳng được chứng minh là có thể giảm áp lực lên đĩa đệm từ 150 – 300% khi so với việc thả lỏng người. Do đó người bệnh được khuyến cáo đứng thẳng và giữ đường cong tự nhiên của cột sống.
  • Nghỉ ngơi kết hợp duy trì hoạt động: Mặc dù người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, tuy nhiên điều quan trọng là duy trì các hoạt động thể chất để giúp đĩa đệm phục hồi. Một số chuyển động có thể gây đau đớn, tuy nhiên việc duy trì sức mạnh cơ bắp và lưu thông máu có thể làm tăng sức khỏe của đĩa đệm.
  • Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá sẽ giải phóng các chất độc vào cơ thể và làm cản trở chu trình dinh dưỡng của đĩa đệm cột sống. Việc cắt đứt nguồn dinh dưỡng khiến các tổn thương đĩa đệm trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hớn.
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: Trọng lượng quá mức sẽ làm tăng nguy cơ rách bao xơ đĩa đệm và thoát vị đĩa đệm. Do đó, người bệnh cần có chế độ dinh lành mạnh và kế hoạch tập luyện phù hợp để tăng cường hiệu quả điều trị.
  • Tập thể dục và kéo giãn cơ thể: Tập thể dục và kéo căng cột sống là cách tốt nhất để tăng cường các cơ cốt lõi, loại bỏ các áp lực không mong muốn lên đĩa đệm. Các bài tập cũng giúp giảm áp lực ở cột sống, ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa khớp và cải thiện tình trạng đau lưng.
  • Chế độ ăn uống cần bằng: Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe thể chất và tình thần. Người bệnh nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, chất béo lành mạnh, thịt nạc và carbohydrate chưa qua tinh chế để phục hồi sức khỏe hoặc chữa lành cột sống.

Hầu hết các trường hợp rách bao xơ đĩa đệm sẽ đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn. Người bệnh được khuyến khích dành thời gian nghỉ ngơi, sử dụng thuốc theo hướng dẫn và duy trì vận động phù hợp để góp phần cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc nghiêm trọng theo thời gian, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.

Điều quan trọng là tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn hoặc chuyên gia cột sống có kinh nghiệm, người bệnh sẽ được tư vấn các phương pháp điều trị và phục hồi sức khỏe tốt nhất.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 19/07/2023 - Cập nhật lúc 9:57 am , 19/07/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc