Rối Loạn Giấc Ngủ Do Đâu? Triệu Chứng và Cách Chữa Trị

Rối loạn giấc ngủ có thể khiến người bệnh ngủ không ngon, ngủ không đủ giấc, thường xuyên thức giấc giữa đêm hoặc muốn ngủ vào ban ngày. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với hiệu suất công việc, học tập, các mối quan hệ, sức khỏe và sự an toàn, do đó người bệnh cần có kế hoạch cải thiện, điều trị phù hợp.

Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ cần được điều trị phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể

Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là một nhóm các tình trạng làm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến người bệnh bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu, thường xuyên thức dậy giữa đêm hoặc cần ngủ vào ban ngày. Hầu hết mọi người sẽ gặp các vấn đề về giấc ngủ theo thời gian, tuy nhiên một người được xem là rối loạn giấc ngủ nếu:

  • Thường xuyên khó  ngủ
  • Thường xuyên mệt mỏi vào ban ngày mặc dù đã ngủ đủ ít nhất 7 giờ vào đêm hôm trước
  • Giảm khả năng thực hiện các hoạt động vào ban ngày

Tùy thuộc vào loại rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể khó đi vào giấc ngủ và có thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi trong suốt cả ngày. Việc thiếu ngủ có thể có tác động tiêu cực đến năng lượng, tâm trạng, sự tập trung và sức khỏe tổng thể. Trong một số trường hợp, rối loạn giấc ngủ có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc điều kiện y tế khác.

Theo thống kê, có khoảng 10 – 20% dân số Việt Nam bị rối loạn giấc ngủ hoặc thường xuyên không ngủ đủ giấc vào ban đêm. Giấc ngủ rất quan trọng, ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nếu thường xuyên khó ngủ hoặc mất ngủ, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.

Khi rối loạn giấc ngủ không liên quan đến các bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe khác gây ra, việc điều trị thường bao gồm kết hợp nhiều phương pháp điều trị y tế và thay đổi lối sống. Điều quan trọng là phải được chẩn đoán và điều trị ngay khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cũng như ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và hoạt động hàng ngày của người bệnh.

Các loại rối loạn giấc ngủ phổ biến

Có khoảng 80 chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau, tuy nhiên có một số dạng thường gặp, bao gồm:

1. Mất ngủ

Mất ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ, xảy ra khi người bệnh khó đi vào giấc ngủ. Các triệu chứng mất ngủ thường bao gồm:

  • Khó đi vào giấc ngủ
  • Thường xuyên thức giấc vào ban đêm và khó ngủ trở lại
  • Thức dậy quá sớm vào buổi sáng
  • Ngủ không ngon giấc
  • Vào ban ngày có thể mệt mỏi, buồn ngủ, có vấn đề về tâm trạng, khả năng tập trung do thiếu ngủ

Mất ngủ có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Mất ngủ cũng có thể đến và đi vào những khoảng thời gian nhất định. Mất ngủ cấp tính có thể kéo dài từ một đêm đến vài tuần. Mất ngủ mãn tính khi một người bị mất ngủ ít nhất ba đêm một tuần trong một tháng hoặc lâu hơn.

2. Mất ngủ giả

Mất ngủ giả (Parasomnias) là một rối loạn giấc ngủ gây ra các cử động hành vi bất thường trong khi ngủ. Các hành vi bất thường bao gồm:

  • Mộng du
  • Nói mớ
  • Ác mộng
  • Đái dầm
  • Nghiến răng hoặc nghiến chặt hàm khi ngủ

Ở người mất ngủ giả, người bệnh có thể di chuyển, nói chuyện hoặc làm những điều bất thường trong khi ngủ. Trong lúc này người bệnh đã ngủ và thường không nhớ những sự việc xảy ra. Bên cạnh đó, một số chứng mất  ngủ giả có thể gây nguy hiểm, tai nạn, các vấn đề căng thẳng tâm lý. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu hoặc nghi ngờ mất ngủ giả, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

3. Ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi sự ngưng thở trong lúc ngủ. Mỗi lần ngưng thở, não bộ sẽ bị đánh thức để khôi phục nhịp thở. Những khoảnh khắc ngưng thở có thể lặp lại nhiều lần suốt đêm, gây gián đoạn giấc ngủ cũng như khiến người bệnh ngủ chập chờn.

Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ gây thiếu oxy và khiến não bộ bị đánh thức và dẫn đến mất ngủ

Có hai loại ngưng thở khi ngủ:

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi luồng không khí dừng lại do không gian đường thờ bị cản trở hoặc quá hẹp.
  • Ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra khi có vấn đề trong sự kết nối giữa não và các cơ kiểm soát hơi thở.

Ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý nghiêm trọng, khiến cơ thể hấp thụ ít oxy hơn. Tình trạng này cũng khiến người bệnh thường xuyên thức giấc giữa đêm. Điều trị bao gồm điều trị y tế và thay đổi lối sống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

4. Hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên (RLS) là một nhu cầu quá mức cần di chuyển chân, có thể dẫn đến cảm giác ngứa ran ở chân. Mặc dù các triệu chứng này có thể xảy ra vào ban ngày, tuy nhiên hầu hết các trường hợp, các triệu chứng xảy ra vào ban đêm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và bệnh Parkinson, tuy nhiên rất khó để xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Hội chứng chân không yên là một tình trạng suốt đời và không có biện pháp điều trị. Tuy nhiên có một số loại thuốc cũng như biện pháp kiểm soát các triệu chứng hiệu quả. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

5. Chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ là một dạng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi cơn ngủ xảy ra khi còn thức. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ đột nhiên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chìm vào giấc ngủ ngay lập tức mà không có sự báo trước.

Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ có thể khiến người bệnh ngủ một cách bất ngờ trong ngày

Tình trạng này cũng có thể dẫn đến tê liệt khi ngủ, khiến người bệnh không thể di chuyển ngay lập tức sau khi thức dậy. Chứng ngủ rũ có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và điều kiện sức khỏe khác nhau, bao gồm một số rối loạn thần kinh nhất định, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng.

Chứng ngủ rũ không phải là một tình trạng đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể mất kiểm soát cơ bất ngờ, dẫn đến tai nạn, chấn thương hoặc các tình huống gây đe dọa đến tính mạng.

6. Ác mộng

Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ xuất hiện trong giấc ngủ REM (Rapid eye movement – giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh). Ác mộng có thể xảy ra do căng thẳng, lo lắng hoặc do sử dụng một số loại thuốc gây ra. Tuy nhiên thường rất khó xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này.

Rối loạn ác mộng có thể được điều trị bằng cách giảm căng thẳng, lo lắng hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

7. Mộng du

Mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh phải đứng dậy và đi bộ ngay khi đang ngủ. Tình trạng này thường xảy ra khi đang chuyển từ giai đoạn ngủ sâu sang giai đoạn ngủ nhẹ hơn hoặc thực dậy.

Mộng du chủ yếu xảy ra với trẻ em, thường trong độ tuổi từ 4 đến 8. Nhưng người lớn cũng có thể mắc phải.

Khi có người mộng du trong nhà, điều quan trọng là tạo môi trường sống an toàn. Khóa cửa ra vào, cửa sổ, cất các vật sắc nhọn và lắp cổng cầu thang. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc thường xuyên bị mộng du, hãy đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Nguyên nhân phổ biến gây rối loạn giấc ngủ

Có nhiều nguyên nhân là tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Trong nhiều trường hợp, rối loạn giấc ngủ xảy ra do một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần được điều trị y tế để ngăn các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Các nguyên nhân phổ biến có thể gây rối loạn giấc ngủ bao gồm:

1. Căng thẳng quá mức

Căng thẳng và lo lắng thường gây ra nhiều tác động tiêu cực đến giấc ngủ. Người bệnh có thể khó đi vào giấc ngủ, buồn ngủ nhưng không ngủ được, mất ngủ hoặc thường xuyên thức giấc vào ban đêm. Căng thẳng cũng có thể dẫn đến ác mộng, ngủ chập chờn, nói chuyện khi ngủ hoặc gây gián đoạn chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

2. Tình trạng sức khỏe

Dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể khiến người bệnh khó thở vào ban đêm. Không thể thở bằng mũi có thể gây khó ngủ hoặc ngủ chập chờn.

Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Các cơn đau mãn tính, như viêm khớp, có thể gây khó chịu vào ban đêm và dẫn đến ngủ rũ

Ngoài ra, có một số cơn đau mãn tính, liên tục khác có thể gây rối loạn giấc ngủ, thậm chí có thể đánh thức người bệnh ngay sau khi chìm vào giấc ngủ. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Viêm khớp 
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
  • Đau cơ xơ hóa
  • Bệnh viêm ruột
  • Đau đầu dai dẳng
  • Đau lưng dưới liên tục

3. Tiểu đêm

Tiểu đêm hoặc đi tiểu thường xuyên, có thể gây gián đoạn giấc ngủ và khiến người bệnh thường xuyên thức giấc vào ban đêm. Tiểu đêm thường xảy ra do mất cân bằng nội tiết tố, các bệnh lý đường tiết niệu hoặc do thói quen và phong cách sống thiếu khoa học của người bệnh.

Hãy đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe nếu tiểu đêm thường xuyên hoặc kèm theo chảy máu hoặc đau đớn.

4. Yếu tố rủi ro

Có một số vấn đề rủi ro có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như:

  • Đối với người trẻ tuổi: Trẻ sơ sinh có thể ngủ đến 16 giờ mỗi ngày, tuy nhiên hầu hết trẻ sẽ không thể ngủ suốt đêm mà cần thức dậy để bú sữa. Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể ngủ 10 giờ mỗi ngày và giấc ngủ có thể bị xáo trộn do lịch trình học tập, cảm hoặc các bệnh lý khác. Nếu trẻ khi sốt và mất ngủ, hãy đưa trẻ đến bệnh viện.
  • Đối với người lớn tuổi: Những người trên 60 tuổi không thể ngủ sâu như người trẻ tuổi. Ngoài ra, người lớn tuổi cũng dễ bị ngưng thở khi ngủ hơn.
  • Phong cách sống: Những người uống cà phê, hút thuốc lá hoặc nghiện rượu có nhiều khả năng gặp các vấn đề về giấc ngủ hơn so với những người khác.
  • Sử dụng thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây mất ngủ hoặc khó ngủ.
  • Trầm cảm và lo lắng: Mất ngủ là một triệu chứng phổ biến ở người lo lắng và trầm cảm.
  • Suy tim và các vấn đề về phổi: Một số người cảm thấy khó ngủ vào ban đêm vì khó thở khi nằm xuống. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim hoặc các vấn đề về phổi.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ

Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ phụ thuộc vào chứng rối loạn ngủ thể. Tuy nhiên hầu hết người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu như sau:

  • Mất hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ
  • Thường xuyên thức dậy giữa đêm, sau đó khó ngủ lại và thức dậy rất sớm và buổi sáng
  • Thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày hoặc cần chợp mắt trong ngày
  • Ngáy to, khịt mũi, thở hổn hển hoặc phát ra âm thành trong lúc ngủ
  • Có cảm giác kiến bò, ngứa ran ở chân hoặc tay, cảm giác này được cải thiện khi di chuyển chân hoặc xoa bóp
  • Chân hoặc tay thường xuyên co giật khi ngủ
  • Bị yếu cơ đột ngột khi tức giận, sợ hãi hoặc cười
  • Cảm thấy không thể di chuyển ngay sau khi thức dậy

Rối loạn giấc ngủ có nguy hiểm không?

Giấc ngủ chất lượng cần thiết để phục hồi sức khỏe và tinh thần. Do đó, rối loạn giấc ngủ có thể tác động tiêu cực đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ
Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ có thể gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh
  • Thiếu tỉnh táo
  • Quá buồn ngủ vào ban ngày
  • Suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và xử lý thông tin
  • Ảnh hưởng đến mối quan hệ khi người bệnh thường xuyên thay đổi tâm trạng cũng như thiếu tỉnh táo dẫn đến các xung đột cá nhân
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khi người bệnh ít tham gia vào các hoạt động tập thể hoặc ít tập thể dục
  • Khả năng tai nạn cao hơn do buồn ngủ khi lái xe hoặc thiếu khả năng phán đoán dẫn đến xử lý tình huống không phù hợp

Nếu có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Có một số vấn đề tiềm ẩn có liên quan đến tình trạng này, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường, đau tim, suy tim hoặc đột quỵ. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng dẫn đến béo phì, trầm cảm, giảm chức năng hệ thống miễn dịch và ham muốn tình dục thấp hơn.

Rối loạn giấc ngủ mãn tính thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến ngoại hình. Theo thời gian, người bệnh có thể có nhiều nếp nhăn, quầng thâm dưới mắt, lượng hormone căng thẳng cortisol tăng cao, gây phá vỡ collagen và khiến da thiếu mịn màng.

Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ như thế nào?

Nếu có các triệu chứng rối loạn giấc ngủ, hãy thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp. Bác sĩ có thể thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe để xác định các vấn đề về giấc ngủ. Người bệnh có thể được yêu cầu ghi nhật ký giấc ngủ trong hai tuần để đưa ra chẩn đoán ban đầu và có kế hoạch xét nghiệm loại trừ các bệnh lý khác phù hợp.

Một số xét nghiệm thường được sử dụng chẩn đoán rối loạn giấc ngủ bao gồm:

  • Polysomnography (PSG): Đây là một nghiên cứu đánh giá mức độ oxy, chuyển động của cơ thể và sóng não để xác định cách gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nghiên cứu này cũng được thực hiện để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Điện não đồ (EEG): Xét nghiệm này được sử dụng để đánh giá hoạt động điện trong não và phát hiện bất cứ vấn đề tiềm ẩn nào liên quan đến hoạt động này.
  • Kiểm tra độ trễ nhiều giấc ngủ (MSLT): Đây là một nghiên cứu giấc ngủ ngắn vào ban ngày được thực hiện với kết hợp với Polysomnography vào ban đêm để chẩn đoán chứng ngủ rũ.

Các xét nghiệm này rất quan trọng để xác định và điều trị rối loạn giấc ngủ phù hợp. Do đó điều quan trọng là đến bệnh viện và tiến hành chẩn đoán, điều trị.

Phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả

Các biện pháp điều trị rối loạn giấc ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và loại rối loạn. Tuy nhiên, điều trị cơ bản thường bao gồm điều trị y tế và thay đổi lối sống theo hướng dẫn của bác sĩ.

1. Ưu tiên về giấc ngủ

Đối với người bị rối loạn giấc ngủ, giấc ngủ cần được ưu tiên trong danh sách những việc hàng ngày. Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi và ngủ hợp lý, tránh việc lạm dụng giờ ngủ cho các hoạt động khác.

2. Xây dựng kế hoạch ngủ cố định

Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần và các ngày nghỉ. Điều này giúp điều chỉnh giờ sinh học và giúp người bệnh ngủ ngon hơn vào ban đêm. Thời gian thức dậy cố định cũng giúp xây dựng ham muốn giấc ngủ sâu dần được hình thành trong suốt thời gian thức.

Trị rối loạn giấc ngủ
Đi ngủ và thức dậy và một thời gian cố định mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để tạo thành thói quen ngủ phù hợp

Việc thức khuya và dậy muộn vào ngày cuối tuần có thể gây ảnh hưởng đến việc đi ngủ và thức dậy và sáng hôm sau. Điều này góp phần tạo nên vòng tuần hoàn rối loạn giấc ngủ.

Nếu khó ngủ, người bệnh nên thực hiện một số động tác thư giãn như tắm nước ấm hoặc đọc sách trước khi đi ngủ. Bằng cách tạo thói quen hàng ngày, người bệnh có thể rèn luyện bản thân để liên kết các hoạt động với giấc ngủ và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

3. Thay đổi lối sống

Điều chỉnh lối sống có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là khi được thực hiện kết hợp với các biện pháp điều trị y tế. Một số lưu ý về phong cách sống của người rối loạn giấc ngủ bao gồm:

  • Giảm căng thẳng và lo lắng bằng cách tập thể dục thường xuyên
  • Bổ sung thêm nhiều rau xanh và cá vào chế độ ăn uống hàng ngày
  • Uống ít nước trước khi đi ngủ
  • Hạn chế lượng caffeine tiêu thụ, đặc biệt là vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối
  • Giảm lượng thuốc lá và rượu
  • Ăn các bữa ăn ít carbohydrate trước khi đi ngủ
  • Duy trì cân nặng hợp lý dựa trên khuyến nghị của bác sĩ

4. Điều trị y tế

Điều trị y tế sử dụng các loại thuốc để cải thiện các triệu chứng và giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Thuốc được chỉ định bởi bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc trị rối loạn giấc ngủ
Sử dụng thuốc trị rối loạn giấc ngủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất

Các loại thuốc thường được thường được sử dụng điều trị rối loạn giấc ngủ bao gồm:

  • Thuốc hỗ trợ giấc ngủ trong trường hợp mất ngủ chẳng hạn như melatonin, zolpidem, doxepin hoặc zaleplon.
  • Thuốc điều trị hội chứng chân không yên, chẳng hạn như pregabalin hoặc gabapentin.
  • Chứng ngủ rũ có thể được điều trị bằng một số chất kích thích hoặc thuốc thúc đẩy sự tỉnh táo, chẳng hạn như modafinil, pitolisant, armodafinil và solriamfetol.

Các mẹo để ngủ ngon hơn cho người rối loạn giấc ngủ

Ngoài các biện pháp điều trị, người bị rối loạn giấc ngủ có thể tham khảo một số mẹo ngủ ngon hơn chẳng hạn như:

  • Tạo môi trường ngủ tối ưu bằng cách đảm bảo phòng ngủ tối, mát mẻ, yên tĩnh và thoải mái. Nếu tiếng ồn gây khó chịu, hãy loại bỏ các tiếng ồn, dùng nút tai hoặc sử dụng âm thanh tiếng ồn trắng. Nếu có ánh sáng trong phòng ngủ, hãy sử dụng tấm che mắt khi ngủ.
  • Suy nghĩ tích cực, tránh đi ngủ với một tâm trí tiêu cực và áp lực về giấc ngủ.
  • Tránh sử dụng giường cho các mục đích khác ngoài ngủ và tình dục. Không xem tivi, ăn uống, làm việc hoặc sử dụng máy tính trong phòng ngủ.
  • Thiết lập giờ đi ngủ đều đặn và thói quen thư giãn mỗi tối bằng cách tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách.
  • Đừng xem đồng hồ và chỉ sử dụng đồng hồ để báo thức.
  • Hãy rời phòng ngủ, đến các phòng khác hoặc thực hiện các hoạt động khác nếu không thể ngủ được trong vòng 20 phút.
  • Đừng ngủ trưa, đặc biệt là sau 3 giờ chiều. Nếu quá mệt mỏi, hãy ngủ từ 10 – 20 phút và không ngủ quá 30 phút mỗi giấc.
  • Tránh rượu và thuốc lá ít nhất bốn giờ trước khi đi ngủ.
  • Tập thể dục thường xuyên nhưng không tập trước khi ngủ 4 giờ, điều này có thể gây hưng phấn và mất ngủ.

Rối loạn giấc ngủ không đe dọa đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc, tổn thương sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu đang gặp các vấn đề về giấc ngủ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được hướng dẫn  và chăm sóc phù hợp.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 19/07/2023 - Cập nhật lúc 12:12 pm , 19/07/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc