Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì? Cách điều trị hiệu quả

Cập nhật: 22/04/2024

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là thuật ngữ được dùng để chỉ chung cho tình trạng rối loạn giấc ngủ mà không do một nguyên nhân nào cụ thể gây ra. Tình trạng này khiến chất lượng giấc ngủ của người bệnh không đảm bảo, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lẫn tâm lý. Nếu bạn đang băn khoăn không biết rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì, cách điều trị ra sao thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết này. 

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì? – Dấu hiệu nhận biết

Giấc ngủ đặc biệt là một giấc ngủ ngon có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Sau một giấc ngủ chất lượng, đầy đủ thời gian, cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy khỏe khoắn, thư giãn, tâm trạng cũng phấn khởi, vui vẻ, bớt mệt mỏi hơn. Thế nhưng, nếu giấc ngủ không tốt, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ sẽ khiến con người dễ rơi vào trạng thái cáu gắt, căng thẳng, khó kiềm chế cảm xúc, hay giận dữ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe lẫn công việc.

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là tình trạng rối loạn giấc ngủ nhưng không có nguyên nhân thương tổn thực thể
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là tình trạng rối loạn giấc ngủ nhưng không có nguyên nhân thương tổn thực thể

Rối loạn giấc ngủ không thực thể được xem là một dạng của rối loạn giấc ngủ. Đây là tình trạng rối loạn giấc ngủ không có nguyên nhân thực thể, đặc trưng bởi việc người bệnh không thỏa mãn về số lượng hoặc chất lượng của giấc ngủ. Người bệnh có thể ngủ nhiều hoặc ngủ ít nhưng lại không nhận được cảm giác thoải mái, dễ chịu sau giấc ngủ, ngược lại khi thức dậy cơ thể thường mệt mỏi khó chịu. Đây là căn bệnh phổ biến, đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay, hay xảy ra nhiều ở  những người làm việc vào ca đêm, nhịp sinh học thường xuyên bị xáo trộn, không ổn định.Chứng bệnh này có nhiều dạng khác nhau, do đó, biểu hiện bệnh cũng tương đối đa dạng, mỗi người một triệu chứng. Có thể nhận biết thông qua các đặc điểm như:

  • Người bệnh hay than phiền về tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc, chất lượng giấc ngủ không tốt, không cảm thấy thoải mái khi thức dậy
  • Tình trạng rối loạn giấc ngủ, có khi ngủ nhiều tiếng một ngày hoặc ngủ ít, ngủ không sâu giấc, hay mộng mị xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, kéo dài liên tục ít nhất trong 1 tháng
  • Rối loạn giấc ngủ không thực tổn không có nguyên nhân nhân thực tổn rõ ràng, không có rối loạn do sử dụng chất ảnh hưởng lên hệ thần kinh mà thường liên quan đến các yếu tố xã hội
  • Người bị vấn đề này thường mệt mỏi uể oải, thiếu sức sống, thiếu năng lượng, hay cáu gắt, khó chịu, dễ giận dữ, khó kiềm chế cảm xúc…

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có các biểu hiện như ngủ trên 9h/ngày hoặc thấp hơn 6h/ngày, giấc ngủ chập chờn, không ngon giấc, hay buồn ngủ vào ban ngày, khó ngủ vào ban đêm, trong giấc ngủ có thể gặp ác mộng, bị sợ hãi, có biểu hiện kích động hoặc mộng du…

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Khi bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn, độ dài giấc ngủ của người bệnh hay bị thay đổi, chất lượng giấc ngủ không tốt, giờ giấc nhịp sinh học bị đảo lộn. Tình trạng này hay xảy ra ở những người có giờ giấc sinh hoạt không ổn định, nhất là những người lúc làm ca ngày, lúc làm ca đêm, người chịu nhiều áp lực, căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề này, có thể kể đến như:

  • Do các rối loạn về thần kinh: Các vấn đề về tâm lý, các rối loạn liên quan đến thần kinh, tâm thần có thể chi phối, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Dẫn đến tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay lo âu, căng thẳng, sợ hãi, gặp ác mộng khi ngủ. Đôi khi tình trạng này cũng xuất hiện do các chấn động về tâm lý, do áp lực từ việc học tập, công việc, cuộc sống khiến người bệnh bị căng thẳng, stress dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
  • Do tuổi tác hoặc bệnh lý về tim mạch, hô hấp: Người cao tuổi từng bị tổn thương hệ thần kinh, mắc các bệnh về thần kinh, người mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh về hô hấp cũng dễ bị rối loạn giấc ngủ. Lý do là khả năng lưu thông máu, thông khí kém, thể tích sống giảm khiến nhịp thở không ổn định, quá trình hô hấp bị ảnh hưởng khiến chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.
  • Do nhịp sinh học hay bị xáo trộn: Những người thường xuyên làm ca đêm, hay đổi ca làm việc, hay thay đổi môi trường sống khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến dễ rơi vào tình trạng khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
  • Do suy nhược cơ thể: Cơ thể suy nhược, không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thiếu hụt một vài dưỡng chất nào đó, người nhược sắc, stress, thiếu máu cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ. Những vấn đề này ảnh hưởng đến hệ thần kinh, từ đó gây ra các bất thường về sức khỏe đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Do nguyên nhân khác: Rối loạn giấc ngủ thực thể cũng có thể có liên quan đến một số bệnh lý nội tiết (cushing, hạ đường huyết), hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh lý tuyến giáp, người bị hay bị tê bì chân tay.

Các dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường gặp

Như đã đề cập, tình trạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn gồm nhiều dạng khác nhau. Ở căn bệnh này, người bệnh không có nguyên nhân tổn thương thực thể như các bệnh lý thần kinh hay bệnh lý nội khoa. Các nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến nhiều yếu tố, đôi khi liên quan đến các nhân tố tâm lý, xã hội hay rối loạn cảm xúc. Một số dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường gặp có thể kể đến như:

1. Mất ngủ không thực tổn

Đây là tình trạng mà người bệnh không thể ngủ sâu giấc trong 5 giờ/ngày, xảy ra ít nhất 3 lần/tuần và kéo dài trên 1 tháng. Ở dạng này, người bệnh rất khó để có được một giấc ngủ ngon giấc, thường là khó ngủ, trằn trọc không ngủ được, ngủ không sâu giấc, dễ bị thức giấc giữa đêm và khó vào giấc ngủ trở lại. Tình trạng mất ngủ không thực tổn này không xuất phát từ bệnh lý trong cơ thể, cũng không liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất. Ngoài ra, người bệnh cũng không có các biểu hiện rối loạn tâm lý hay dấu hiệu của bệnh lý về tâm thần.

2. Rối loạn nhịp thức – ngủ

Rối loạn nhịp thức – ngủ cũng là loại rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường gặp. Hay xảy ra ở những người làm việc ca đêm, người làm xen kẽ ca ngày – đêm, người có tính chất công việc thường xuyên phải thay đổi múi giờ như phi công, tiếp viên hàng không… Do tính chất công việc nên nhịp sinh học của cơ thể thường xuyên bị thay đổi, lâu ngày dẫn đến tình trạng khó ngủ về đêm, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ màng, giấc ngủ không đảm bảo chất lượng.

3. Ngủ quá nhiều

Cũng có những trường hợp người bệnh rối loạn giấc ngủ ngủ quá nhiều, trên 10 tiếng/ngày thức nhưng sau khi ngủ dậy vẫn thấy buồn ngủ. Người này cũng dễ bị thèm ngủ, thiếu ngủ, thiếu tập trung, người mệt mỏi, uể oải, kém minh mẫn. Tình trạng này cũng không hề liên quan đến các loại thuốc, không có các biểu hiện của các bệnh lý khác.

4. Mộng du khi ngủ (miên hành)

Mộng du khi ngủ không hiếm gặp, thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của giấc ngủ. Khi bị mộng du, người bệnh thường ra khỏi giường, thực hiện nhiều hành động kỳ lạ trong vô thức. Đáng nói là họ không nhận thức được hành động của mình, cũng không hề nhớ được mình đã làm gì. Mộng du tương đối nguy hiểm do người bệnh không kiểm soát được hành vi của mình, đồng thời còn để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.Người bị mộng du thường có các biểu hiện như:

  • Ánh mắt vô thần, trống rỗng, có thể mở hoặc nhắm, mặt tỉnh bơ, không có phản ứng với người xung quanh, không quan tâm đến câu hỏi, không trả lời bất cứ vấn đề gì của người khác
  • Không ý thức được hành động của mình, không nhớ được những gì đã xảy ra lúc mình bị mộng du vào ngày hôm sau.

Đáng nói là chứng bệnh này cũng không liên quan việc sử dụng thuốc, hóa chất.

5. Chứng ủ rũ

Chứng bệnh này thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên, nhất là những người thiếu ngủ hoặc ngủ nhiều. Người này có thể ngủ mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang ăn, đang ngồi làm việc, đang tập thể dục thậm chí là đang trò chuyện… Cơn buồn ngủ xảy ra bất chợt, người bệnh có thể tái diễn lại những biểu hiện của giấc ngủ REM sau khi chuyển từ trạng thái ngủ sang thức. Hội chứng này cũng không do bệnh lý tâm thần, không liên quan đến thuốc hay các bệnh lý đi kèm khác.

6. Hoảng sợ khi ngủ

Hoảng sợ khi ngủ còn gọi là Sleep terrors, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Người này thường có những cơn gào thét, sợ hãi dữ dội, hoạt động thần kinh tự trị tăng cao, tỷ lệ xảy ra ở trẻ em cao hơn nhiều so với người lớn. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể do giờ giấc ngủ thất thường, do căng thẳng, bệnh tật, thiếu hoặc mất ngủ.

Hoảng sợ khi ngủ tương đối giống với ác mộng, tuy nhiên, người mắc hội chứng này thường không nhớ gì về nỗi sợ sau giấc ngủ, nếu là người lớn thì có thể nhớ được một vài chi tiết nhỏ. Các biểu hiện thường gặp như la hét khi ngủ, ngồi dậy và có biểu hiện sợ hãi, đổ mồ hôi, mặt đỏ bừng, đá chân, đập tay, khó thức dậy, nhìn chằm chằm, đôi khi có thể ra khỏi giường, chạy quanh nhà…

Hoảng sợ khi ngủ hay xảy ra ở trẻ em hơn người lớn
Hoảng sợ khi ngủ hay xảy ra ở trẻ em hơn người lớn

7. Ác mộng

Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bao gồm khi ngủ trưa hay khi ngủ vào ban đêm. Các chủ đề thường gặp là bị rượt đuổi, bị mắc kẹt, bị lạc, bị ngã… mang đến những cảm xúc đa dạng như lo ngại, sợ hãi, phẫn nộ, tội lỗi… và tiếp tục diễn ra ngay ca khi đã thức dậy.Các cơn ác mộng không có liên quan đến rối loạn tâm thần, cũng không phải là triệu chứng của bệnh lý cơ bản này. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến giấc ngủ bị gián đoạn, gây mất ngủ, khó ngủ khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, không có năng lượng vào ban ngày…

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là vấn đề rất đáng lo ngại, không có nguyên nhân tổn thương thực thể nên việc điều trị sẽ tương đối phức tạp. Tình trạng này rất nguy hiểm, nhất là những người gặp phải chứng giấc ngủ kinh hoàng, mộng du khi ngủ, gặp ác mộng thường xuyên khi ngủ… Người mắc rối loạn giấc ngủ thường không thể có được một giấc ngủ ngon sâu giấc, chất lượng. Khi thức dậy cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu, thiếu năng lượng, người uể oải.

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, việc học tập lẫn công việc của người bệnh. Tình trạng này làm giảm khả năng ghi nhớ, tập trung, khiến thần kinh của người bệnh thường xuyên căng thẳng, dễ cáu gắt, hay giận dữ, không thể kìm chế được cảm xúc. Không chỉ vậy, nếu mắc chứng mộng du khi ngủ, người bệnh còn có thể gây ra các hành vi nguy hiểm, nguy hại cho bản thân và người xung quanh.

Theo các chuyên gia, căn bệnh này có thể điều trị, chủ yếu điều trị bằng liệu pháp hóa dược hoặc liệu pháp tâm lý. Việc điều trị tương đối phức tạp, có thể kết hợp cả hai phương pháp cùng chế độ sinh hoạt khoa học để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hạn chế việc lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện, thuốc ngủ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị rối loạn giấc ngủ thực tổn

Đối với rối loạn giấc ngủ không thực tổn, nguyên tắc điều trị là tìm ra chính xác nguyên nhân, tìm hiểu rõ về hoàn cảnh sống, tâm sinh lý của người bệnh. Tùy vào tình trạng mà áp dụng phương pháp phù hợp, phải vệ sinh giấc ngủ, thay đổi không gian sống, điều chỉnh thói quen và tuyệt đối không được lạm dụng thuốc trong quá trình điều trị.

1. Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ thực tổn

Việc chẩn đoán, tìm hiểu nguyên nhân bệnh sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị. khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc chứng bệnh này, sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, tìm hiểu hoàn cảnh sối, tiền sử bệnh của người bệnh và người thân, tính chất công việc, thói quen sinh hoạt…Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác hơn thì có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm phù hợp:

  • Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu thường quy
  • Xét nghiệm chất ma túy bên trong nước tiểu
  • Theo dõi điện não đồ, siêu âm Doppler mạch máu não
  • Chụp CT Scanner, chụp X-quang tim phổ, MRI sọ não, theo dõi điện tâm đồ
  • Trắc nghiệm tâm lý theo thang DASS, Zung, Hamilton, Test Beck…

2. Phương pháp điều trị

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, thường gặp là:

2.1 Tâm lý trị liệu

Được đánh giá là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất, được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Các chuyên gia sẽ tiến hành trò chuyện, giao tiếp với người bệnh, tạo cảm giác an tâm, thoải mái, dễ chịu, phần nào giải tỏa các căng thẳng, mệt mỏi. Bên cạnh đó cũng có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý chuyên môn như thôi miên nhằm xác định nỗi lo lắng, băn khoăn của bệnh nhân để có phương pháp điều trị phù hợp.

2.2 Điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc cũng là một cách điều trị rối loạn giấc ngủ không thực thể phổ biến. Tùy vào loại bệnh, triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng loại thuốc điều trị phù hợp. Cụ thể:

  • Đối với tình trạng ngủ nhiều: Thường được khắc phục bằng các thuốc chống trầm cảm như Defanyl, Fluoxetin, Pertofran.. Đồng thời cần kết hợp với việc xây dựng nếp sống khoa học, tránh ngủ nhiều vào ban ngày, tăng cường hoạt động thể dục thể thao, vận động lành mạnh vừa sức.
  • Đối với tình trạng rối loạn nhịp ngủ – thức: Thường được chỉ định sử dụng các thuốc giảm lo âu như Lexomil, Rivotril… Đồng thời kết hợp với việc vệ sinh giấc ngủ, xây dựng chế độ ăn ngủ điều độ, đúng giờ.
  • Đối với trình trạng mất ngủ tiên phát: Thường điều trị bằng thuốc giải tỏa lo âu, căng thẳng như Triazolam, Clobazam, Oxazepam, Midazolam… Việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc, không dừng thuốc đột ngột.

Lưu ý: Các thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thường thì liệu pháp hóa dược cần kết hợp với liệu pháp tâm lý. Nguyên tắc điều trị sẽ đi từ khởi liều thấp sau đó tăng dần liều lượng cho đến khi phát huy hiệu quả. Việc chỉ dùng thuốc hoặc chỉ điều trị bằng liệu pháp tâm lý sẽ rất khó mang lại hiệu quả tốt nhất.

2.3 Vệ sinh giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ thực chất là chúng ta xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh, điều chỉnh nhịp sinh học để đưa cơ thể về đúng đồng hồ sinh học tự nhiên. Một số cách đề vệ sinh giấc ngủ có thể kể đến như:

  • Xây dựng thời gian ngủ – thức hợp lý, nên cố định giờ đi ngủ và giờ dậy, tránh ngủ nướng, không ngủ nhiều vào ban ngày để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm
  • Khi đi ngủ, cần tránh xa các thiết bị điện tử, không dùng điện thoại, máy tính, tivi trước khi đi ngủ 1 – 2 tiếng. Lý do là các thiết bị điện tử ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ, có thể khiến bạn buồn ngủ tạm thời nhưng khó ngủ ngon giấc.
  • Tuyệt đối cà phê, rượu bia, trà vào buổi tối trước khi đi ngủ, tránh sử dụng các loại thuốc bổ trong buổi tối, tránh các bài tập vận động trước khi đi ngủ…
  • Không gian ngủ nên được thay đổi, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, yên tĩnh nhất có thể. Đèn ngủ nên chọn loại có ánh sáng mờ, tránh tình trạng đèn ngủ, không gian phòng ngủ quá sáng.
  • Tránh ăn khuya, ăn tối sát giờ đi ngủ, không sử dụng các thực phẩm khó tiêu vào buổi tối, tránh ăn quá mặn, quá ngọt, quá no và nên ăn tối trước khi đi ngủ 3 – 4 tiếng.

Một gợi ý giúp ngủ ngon hơn khi bị rối loạn giấc ngủ

Để có một giấc ngủ ngon, thoải mái, tránh tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc, sau khi ngủ dậy người mệt mỏi uể oải, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Nếu hay bị sợ hãi, gặp ác mộng, tránh xem những truyện, phim tâm lý hành động, kinh dị, truyện ma, phim ma… dễ gây ám ảnh, sợ hãi
  • Có thể thư giãn tinh thần bằng các bài tập yoga, thiền… Vào buổi sáng, nên vận động cơ thể nhẹ nhàng bằng các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội
  • Massage cơ thể, nhất là vùng đầu, mặt, lưng, chân nhằm tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ thể, giảm đau nhức xương khớp, căng thẳng tâm lý để có giấc ngủ sâu và ngon hơn
  • Để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, có thể sử dụng các loại trà thảo mộc giúp an thần, thư giãn đầu óc như trà hoa nhài, trà tim sen, trà hoa cúc, trà hoa oải hương…
  • Ngâm chân bằng nước ấm cũng là một trong những cách giúp ổn định, thư giãn tinh thần, giảm rối loạn giấc ngủ. Để tăng hiệu quả, bạn có thể ngâm chân với các thảo dược như ngải cứu, gừng, vỏ quế, sả, ngô thù du…

Trên đây là một số thông tin về tình trạng rối loạn giấc ngủ không thực thể và các phương pháp điều trị phù hợp. Rối loạn giấc ngủ tương đối nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Do đó, nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

Bài viết liên quan

EMC Đã kết nối EMC