Tiêm Ngoài Màng Cứng Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm Có Hiệu Quả Không?

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp sử dụng kim tiêm thuốc steroid trực tiếp vào khoang ngoài màng cứng để giảm đau và kiểm soát phản ứng viêm ở khu vực bị bệnh. Bên cạnh những lợi ích thì kỹ thuật này cũng đem lại một số rủi ro nhất định và không phải đối tượng nào cũng được chỉ định điều trị.

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là gì?

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp sử dụng kim tiêm để đưa thuốc steroid vào khoang màng cứng nhằm mục đích giảm đau và giảm đau các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm. Đây là một thủ thuật y tế đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện lớn ở nước ta.

Tiêm Ngoài Màng Cứng Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm
Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là một kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích giảm đau, ức chế phản ứng viêm tại vùng cột sống bị bệnh

Trên cột sống, khoang màng cứng có vị trí nằm bên ngoài mảng bảo vệ tủy sống. Khu vực này là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, các mạch máu cùng với chất béo. Bao quanh màng cứng chính là một lớp màng túi có chức năng bảo vệ tủy sống.

Thủ thuật tiêm ngoài màng cứng được chỉ định cho các trường hợp bệnh thoát vị gây đau mãn tính hoặc điều trị bằng các phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả. Bệnh nhân thường được tiêm thuốc steroid dạng hạt hoặc steroid không hạt. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê cục bộ nên không gây cảm giác đau đớn hay khó chịu trong suốt quá trình tiêm.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng tiêm ngoài màng cứng có tác dụng gì?

Việc tiêm thuốc ngoài màng cứng mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm như:

  • Ức chế phản ứng viêm tại khu vực bị ảnh hưởng bằng cách làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, hạn chế sản xuất các tế bào gây viêm.
  • Kiểm soát các cơn đau
  • Giảm viêm dây thần kinh.
  • Hạn chế lệ thuộc vào các loại thuốc trị thoát vị đĩa đệm được sử dụng theo đường uống, qua đó giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ lâu dài cho bệnh nhân.
  • Tăng hiệu quả khi làm vật lý trị liệu.
  • Giảm nguy cơ gặp biến chứng và trì hoãn phẫu thuật cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm.

Tuy nhiên, tác dụng giảm đau, chống viêm của thuốc steroid chỉ là tạm thời. Bệnh nhân có thể cần tiêm thuốc lặp lại sau khi hiệu quả của mũi đầu tiên đã thuyên giảm. Phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm cũng chỉ thích hợp cho một nhóm đối tượng nhất định.

Những đối tượng chống chỉ định tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng tiêm ngoài màng cứng không an toàn đối với mọi trường hợp. Phương pháp này chống chỉ định cho những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu viêm loét ngoài da, nhiễm khuẩn ở khu vực tiêm thuốc
  • Bị chấn thương nặng ở vùng cột sống thắt lưng cùng
  • Viêm đốt sống, ung thư đốt sống hoặc các vấn đề khác khiến vùng cột sống cần tiêm bị tổn thương nặng.
  • Rối loạn đông máu
  • Đang dùng thuốc chống đông máu, thuốc chữa loét dạ dày tiến triển và các chống chỉ định liên quan đến thuốc khác.
  • Dị ứng với thuốc gây mê
  • Bệnh tiểu đường khó kiểm soát.
Tiêm Ngoài Màng Cứng Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm có hiệu quả không
Các trường hợp bị nhiễm trùng, chấn thương tại vị trí tiêm hoặc mắc một số bệnh lý nhất định không được chỉ định tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Thuốc tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm có tác dụng phụ không?

Bất cứ loại thuốc tân dược nào cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhất định. Thuốc tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm cũng không ngoại lệ.

Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Nhức đầu
  • Đỏ bừng mặt
  • Chạm vào da có cảm giác nóng ấm
  • Dị ứng thuốc, sốc phản vệ
  • Ngất xỉu do bệnh nhân lo lắng quá mức.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng. Những tác dụng phụ của thuốc tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm thường không quá nghiêm trọng. Một số triệu chứng có thể thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi.

Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân sẽ được khám sàng lọc trước khi tiến hành điều trị. Các trường hợp chống chỉ định ở trên sẽ không được tiêm thuốc. Nếu có tiền sử bệnh lý, dị ứng với thuốc gây mê hoặc đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bệnh nhân cũng cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Chuẩn bị trước khi tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm

  • Người thực hiện: 1 bác sĩ chuyên khoa thần kinh và 1 điều dưỡng
  • Bệnh nhân: Người bệnh được thăm khám lâm sàng, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và xem xét chống chỉ định. Bác sĩ cũng giải thích rõ cho bệnh nhân về quy trình thực hiện, những lợi ích và rủi ro có thể gặp khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm.
  • Phương tiện và dụng cụ y tế: Buồng tiêm vô khuẩn, giường tiêm, bơm tiêm dung tích 5ml, kim tiêm ngoài màng cứng (hoặc kim chọc dò dịch tủy não), gạc vô trùng, dụng cụ sát khuẩn, phương tiện chống sốc thuốc…
  • Các loại thuốc: Hydrocortison acetate 1- 3ml và Depomedrol 40mg.

Quy trình tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm được tiến hành theo các bước sau:

  • Người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng trên giường trong trạng thái thư giãn, thả lỏng toàn thân. Lưng để sát thành giường và hướng ra ngoài để bác sĩ thực hiện thủ thuật dễ dàng hơn. Trong khi đó, hai chân cũng co lên ngực để đoạn cột sống thắt lưng chuẩn bị tiêm thuốc được cong giãn.
  • Xác định vị trí chọc kim tiêm: Bác sĩ rửa tay với dung dịch sát khuẩn, mang găng tay vô trùng vào. Sau đó, dùng ngón cái của tay trái ấn và di chuyển dọc theo mỏm gai ở vùng thắt lưng nhằm xác định được khoảng liên đốt sống từ L5- S1.
Quy Trình Tiêm Ngoài Màng Cứng Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm
Xác định vị trí tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
  • Điều dưỡng viên tiến hành dùng cồn i-ôd sát khuẩn vùng cần tiêm 2 lần liên tục. Cưới cùng làm sạch khu vực này lại thêm một lần nữa với cồn 70 độ.
  • Bác sĩ cầm cầm kim chọc dò bằng tay phải. Đâm nhanh kim qua da rồi từ từ đẩy sâu vào trong. Thông thường sau khi kim đi qua dây chằng vàng sẽ xuất hiện cảm giác bị hẫng thì dừng lại và rút nòng kim ra. Nếu không thấy chảy dịch thì tiếp tục kiểm tra xem kim tiêm đã được đưa đến đúng vị trí bên ngoài màng cứng hay chưa.
  • Khi tim đã nằm đúng vị trí thì tiến hành bơm thuốc vào khoang ngoài màng cứng. Liều dùng thuốc thông thường khoảng 3ml Hydrocortison acetate hay 40mg nếu dùng thuốc Depomedrol.
  • Rút kim ra và ép bông gòn để cầm máu tại chỗ. Sát khuẩn lại vùng vừa tiêm rồi băng gạc vô khuẩn lên ngay chỗ vết chọc để tránh bị nhiễm trùng.

Để đảm bảo tính chính xác, quy trình tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm có thể được thực hiện qua sự hướng dẫn của tia X-quang cản quang. Sau khi tiêm xong, bệnh nhân được nằm nghỉ trên giường khoảng 10 – 15 phút để kiểm tra phản ứng sau tiêm trước khi trở về nhà.

Bệnh nhân lưu ý, không vùng tiêm tiếp xúc với nước trong vòng 24 giờ. Sau 24 tiếng có thể gỡ băng gạc ra. Trong những ngày đầu mới tiêm thuốc cũng không nên hoạt động quá mạnh.

Tiêm ngoài màng cứng trị thoát vị đĩa đệm có hiệu quả không?

Nghiên cứu cho thấy, kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng mang lại một số tác dụng nhất định đối bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Thống kê có khoảng 70-90% các trường hợp có thể thuyên giảm cơn đau sau khi tiêm thuốc. Tác dụng giảm đau có thể kéo dài từ 1 tuần cho đến 1 năm sau đó tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.

Nếu sau mũi tiêm đầu tiên cho phản ứng tốt, bệnh nhân có thể được đề nghị tiêm thêm mũi thứ 2 khi hiệu quả của mũi tiêm đầu bắt đầu thuyên giảm. Tổng số mũi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện trong 12 tháng không nên vượt quá 3 lần.

Trong hầu hết các trường hợp, tiêm thuốc ngoài màng cứng cho hiệu quả tốt trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, hiệu quả của thuốc kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Vị trí tiêm: Khoảng 54 – 80% bệnh nhân tiêm thuốc ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể cải thiện được các triệu chứng trong thời gian từ 6 tháng – 2 năm, tổng số mũi tiêm dao động từ 3 – 6 mũi. Trong khi đó, khoảng 53 – 56% bệnh nhân tiêm thuốc chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã cải thiện được đáng kể cơn đau và chức năng kéo dài sau 1 năm với 3 – 4 mũi tiêm.
  • Mức độ thoát vị đĩa đệm của bệnh nhân.
  • Cách chăm sóc cùng chế độ ăn uống, luyện tập của bệnh nhân sau khi tiêm thuốc.

Những biến chứng có thể gặp khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm và cách xử lý

Trong và sau khi tiến hành thủ thuật, người bệnh đều có thể phải đối mặt với các rủi ro phát sinh ngoài ý muốn. Tùy theo biến chứng gặp phải mà bác sĩ sẽ có phương pháp xử lý thích hợp.

1. Rủi ro trong lúc tiêm

+ Chọc kim tiêm vào khoang dưới nhện khiến thuốc được đưa vào dịch não tủy:

Tình trạng này thường không khiến người bệnh khó chịu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị bí tiểu tạm thời hoặc tê bì hai chân.

Cách xử lý:

  • Để bệnh nhân nghỉ ngơi
  • Nhân viên y tế giải thích rõ để người bệnh không lo lắng quá mức

Để tránh gặp phải sai sót này, sau khi đâm kim qua dây chằng vàng, bác sĩ nên rút nòng kim ra và chờ một lát xem có rò rỉ dịch não tủy ra ngoài không. Sau khi chắc chắn đã đưa kim tiêm vào đúng vị trí thì mới tiến hành tiêm thuốc vào.

+ Chảy máu tại chỗ tiêm: 

Đây là một vấn đề hay gặp và thường không quá nghiêm trọng.

Cách xử lý:

  • Dùng bông gạc tiệt trùng ấn chặt vào vết tiêm trong khoảng 10 phút
  • Nếu không có vấn đề về rối loạn đông máu thì máu sẽ ngừng chảy ngay sau đó.
Tai biến thường gặp khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Chảy máu tại chỗ là hiện tượng thường gặp khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

+ Sốc: 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sốc như người bệnh căng thẳng quá mức hoặc do thủ thuật tác động…

Cách xử lý:

  • Thực hiện phác đồ chống sốc
  • Truyền dịch
  • Ủ ấm cơ thể.

+ Thủng màng cứng:

Trong quá trình đưa kim vào khu vực tiêm thuốc, bác sĩ có thể vô tình đâm kim xuyên qua màng ngoài của tủy sống dẫn đến thủng màng cứng. Hậu quả là dịch não tủy có thể theo vết thủng rò rỉ ra ngoài và gây chèn ép lên dịch não tủy khiến bệnh nhân bị đau đầu.

2. Tai biến sau tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

+ Nhiễm trùng:

Sau khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng do không chăm sóc, vệ sinh vết mổ tốt, phòng tiêm không đáp ứng được điều kiện vô khuẩn hoặc dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng hoàn toàn.

Biến chứng nhiễm trùng có thể chỉ xảy ra ở tại vị trí tiêm hoặc ảnh hưởng đến toàn thân. Thường gặp nhất là các dạng nhiễm khuẩn sau:

  • Áp xe ngoài màng cứng
  • Viêm màng não mủ
  • Viêm tủy xương
  • Áp xe mô mềm tại vị trí tiêm.
Cách xử lý:
  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch tủy
  • Điều trị bằng phác đồ kháng sinh.

+ Sưng đau vết tiêm:

Vị trí tiêm thuốc có thể đau hoặc hơi sưng đỏ. Tình trạng này gặp ở hầu hết bệnh nhân sau khi tiêm thuốc nhưng thường không quá nghiêm trọng.

Cách xử lý:

  • Chườm lạnh giảm sưng đau
  • Đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau nếu cơn đau kéo dài gây khó chịu.
  • Đến bệnh viện ngay nếu bị đau dữ dội.

+ Dây thần kinh bị tổn thương:

Sự tác động của kim tiêm có thể khiến dây thần kinh bị tổn thương. Biến chứng này gây ra nhiều triệu chứng bất thường, điển hình nhất là tình trạng mất cảm giác, co giật.

Trong trường hợp bị tổn thương dây thần kinh cauda equina, bệnh nhân có thể bị mất kiểm soát ruột, bàng quang. Đây được xem là một trong những biến chứng nghiêm trọng khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân cần được cấp cứu và điều trị ngay lập tức.

+ Biến chứng liên quan đến thuốc tiêm steroid dạng hạt:

Một số hạt steroid lớn có thể liên kết với nhau gây tắc nghẽn cục bộ cho mạch máu hoặc giảm lưu lượng máu đến tủy sống. Biến chứng này chủ yếu ảnh hưởng đến những bệnh nhân trên 50 tuổi và các trường hợp tiêm thuốc vào màng cức trên mức L3.

+ Biến chứng ở tim mạch:

  • Giảm huyết áp
  • Giảm nhịp tim.

Dự phòng rủi ro khi tiêm thuốc ngoài màng cứng trị thoát vị đĩa đệm

Những giải pháp dưới đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm:

  • Nhân viên y tế cần tuân thủ tuyệt đối quy tắc vô trùng khi tiến hành quy trình tiêm thuốc.
  • Sau khi tiêm thuốc, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hoặc làm việc nặng nhọc.
  • Giữ vệ sinh vùng mới tiêm sạch sẽ. Tránh đổ mồ hôi. Không để nước hay bụi bẩn dính vào vết tiêm trong vòng 24 tiếng.
  • Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên môn được đào tạo bài bản để điều trị.
  • Sau tiêm, bệnh nhân cũng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để thuốc nhanh phát huy tác dụng nhanh và hạn chế nguy cơ gặp phải rủi ro đến mức thấp nhất.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng: 19/07/2023 - Cập nhật lúc 9:57 am , 19/07/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc