Đau Bụng Ngày Rụng Trứng: Nguyên Nhân, Cách Khắc Phục

Đau bụng vào ngày rụng trứng là phản ứng sinh lý có liên quan đến hiện tượng buồng trứng giải phóng noãn. Tình trạng này thường kéo dài từ 1 – 3 ngày và đa phần đều không phải điều trị.

đau bụng ngày rụng trứng
Đau bụng ngày rụng trứng là cơn đau xuất hiện ở vùng bụng dưới xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt

Đau bụng ngày rụng trứng là bệnh gì?

Đau bụng vào ngày rụng trứng là tình trạng tương đối phổ biến ở nữ giới. Rụng trứng sẽ xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt (thường là ngày thứ 14 nếu vòng kinh dài 28 ngày). Đây là thời điểm buồng trứng giải phóng nang noãn vào vòi trứng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh.

Thông thường, nữ giới sẽ gặp phải một số dấu hiệu rụng trứng như dịch âm đạo tiết ra nhiều, dịch có màu trong suốt, đau lưng, tăng thân nhiệt nhẹ,… Trong đó, có một số nữ giới gặp phải tình trạng đau bụng dưới vào ngày rụng trứng. Vị trí đau có thể là ở bên trái hoặc bên trái tùy theo vị trí của buồng trứng phóng noãn.

Đau bụng dưới vào ngày rụng trứng được gọi là hội chứng Mittelschmerz. Hội chứng này đề cập đến tình trạng bụng dưới đau âm ỉ, lâm râm, đau ở bên trái hoặc bên phải vào thời điểm rụng trứng. Tương tự như cơn đau bụng kinh, đau bụng vào ngày rụng trứng là phản ứng sinh lý và đa phần đều không phải điều trị.

Nguyên nhân gây đau bụng ngày rụng trứng

Rụng trứng là một trong những giai đoạn quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt. Để thúc đẩy nang noãn trưởng thành, hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng sẽ giải phóng hormone FSH, GnRH và LH. Các hormone này giúp nang noãn trưởng thành và được giải phóng vào giữa chu kỳ.

Vào thời điểm rụng trứng, một số người cảm nhận rõ cơn đau bụng kèm theo cảm giác nặng ở bụng dưới và vùng hậu môn. Lý do gây ra tình trạng này là do nồng độ hormone LH đạt đỉnh làm gia tăng prostaglandin – chất này kích thích vòi trứng, đường ruột và tử cung co thắt để giải phóng trứng. Ngoài ra, vỏ buồng trứng sẽ bị rách/ nứt để noãn được phóng vào bên ngoài. Tình trạng rách vỏ buồng trứng và co thắt vòi trứng, tử cung, đường ruột chính là nguyên nhân trực tiếp gây đau bụng vào ngày rụng trứng.

đau bụng rụng trứng là gì
Rách vỏ buồng trứng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng dưới vào ngày rụng trứng

Cảm giác đau sẽ xảy ra vào ngày rụng trứng và đôi khi kéo dài thêm 1 – 2 ngày. Lý do là vì sau khi noãn vào bên trong vòi trứng, vòi trứng sẽ co thắt để đẩy noãn xuống buồng tử cung. Bên cạnh đó, noãn sau khi được giải phóng sẽ vỡ ra nên có thể gây đau kèm theo chảy máu nhẹ.

Nhìn chung, đau bụng dưới vào ngày rụng trứng là tình trạng hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại. Ngoài ra, cũng có một số người bị đau bụng giữa do nhu động ruột tăng/ giảm bất thường. Vì vậy, một số nữ giới có thể gặp phải tình trạng đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón vào thời điểm rụng trứng.

Nhận biết đau bụng ngày rụng trứng

Đau bụng ngày rụng trứng sẽ có đặc điểm khác hoàn toàn so với đau bụng kinh và đau bụng do những nguyên nhân khác. Đối với đau bụng sinh lý do buồng trứng phóng noãn, bạn không cần phải điều trị vì đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đôi khi đau bụng cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tại sao rụng đau lại đau bụng
Đau bụng do rụng trứng có đặc điểm là đau âm ỉ, lâm râm và cơn đau thường chỉ xuất hiện một bên (trái hoặc phải)

Các dấu hiệu nhận biết đau bụng vào ngày rụng trứng:

  • Đau âm ỉ ở bụng dưới, thường là đau một bên (trái hoặc phải). Vị trí đau thường không cố định vì hai buồng trứng có thể thay phiên nhau phóng noãn trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Cũng có những trường hợp đau ở cả hai bên do cả 2 buồng trứng cùng phóng noãn cùng lúc. Tuy nhiên, tình trạng này ít gặp hơn so với đau 1 bên.
  • Đôi khi có cảm giác đau nhiều hơn và nặng bụng lan xuống hậu môn. Đây là thời điểm buồng trứng giải phóng noãn vào vòi trứng.
  • Đau bụng lâm râm, hiếm khi đau dữ dội, cơn đau âm ỉ kéo dài trong 1 – 3 ngày.
  • Cơn đau có thể lan xuống âm hộ, âm đạo và vùng hậu môn.

Vào thời điểm rụng trứng, hormone estrogen giảm mạnh và hormone LH đạt đỉnh. Sự thay đổi của hormone trong thời điểm này sẽ gây ra một số triệu chứng đi kèm với hiện tượng đau bụng dưới như:

  • Đau thắt lưng
  • Chảy máu âm đạo (lượng máu ít, không đáng kể)
  • Đau bụng giữa
  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Mệt mỏi
  • Buồn ngủ
  • Tăng thân nhiệt (khoảng 37 độ C)
  • Tăng ham muốn tình dục
  • Vùng kín ẩm ướt do tiết nhiều dịch

Dựa vào những triệu chứng này, chị em có thể tính ngày rụng trứng và xác định thời điểm quan hệ an toàn hoặc thời điểm dễ thụ thai. Hiểu biết về cơ thể giúp nữ giới chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

Đau bụng vào ngày rụng trứng có sao không? Kéo dài bao lâu?

Đau bụng dưới vào ngày rụng trứng là hiện tượng sinh lý khi buồng trứng giải phóng nang noãn vào vòi trứng. Tình trạng này hoàn toàn không đáng lo ngại nên không cần điều trị. Sau 1 – 3 ngày, cơn đau và các triệu chứng đi kèm có thể thuyên giảm hoàn toàn.

Nếu cảm thấy khó chịu, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung, mức độ cơn đau bụng vào ngày rụng trứng là tương đối nhẹ. Vì vậy, đa số nữ giới đều có thể vượt qua một cách dễ dàng.

Theo thống kê, khoảng 20% nữ giới gặp phải tình trạng đau bụng dưới vào giữa kỳ kinh. Số còn lại hoàn toàn không có cảm giác bất thường vào thời điểm này. Ngoài nguyên nhân là do buồng trứng phóng noãn, đau bụng trong kỳ kinh có thể là dấu hiệu của một số vấn đề tiềm ẩn.

rụng trứng đau bụng lâm râm
Nếu đau bụng dữ dội, chị em nên thăm khám để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe bất thường

Nếu nhận thấy bụng dưới đau dữ dội kèm theo sốt, mệt lả người, âm đạo tiết dịch hoặc mủ có mùi hôi,… chị em nên xem xét một số khả năng sau:

  • U nang buồng trứng
  • U xơ tử cung
  • Tổn thương ở thân tử cung
  • Sa sinh dục
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Giãn tĩnh mạch tiểu khung
  • Viêm phần phụ
  • Các bệnh liên quan đến tiêu hóa như viêm đại tràng sigma, viêm ruột thừa cấp,…

Trong trường hợp cơn đau nặng, dữ dội đi kèm với những triệu chứng bất thường, bạn nên đến phòng khám/ bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Các bệnh lý này có thể được điều trị hoàn toàn nhưng nếu chủ quan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về lâu dài.

Cách giảm đau bụng dưới vào ngày rụng trứng

Đau bụng ngày rụng trứng là tình trạng khá phổ biến, xảy ra 20% nữ giới. Cơn đau thường có mức độ từ nhẹ đến trung bình nhưng đôi khi gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Để giảm cơn đau, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

1. Chườm ấm

Chườm ấm giúp cải thiện đau bụng giữa kỳ kinh vào đau bụng kinh hiệu quả. Chườm túi ấm lên vùng bụng dưới từ 15 – 20 phút giúp tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ, từ đó giảm tình trạng co thắt vòi tử cung, buồng tử cung,… Hơn nữa, chị em cũng có thể chườm ấm vùng thắt lưng để giảm đau vào ngày rụng trứng và trong thời kỳ hành kinh.

giảm đau bụng ngày rụng trứng
Chườm ấm là một trong những giảm đau bụng ngày rụng trứng đơn giản, hiệu quả

Chườm ấm là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Ngoài cách chườm ấm đơn thuần, chị em có thể dùng muối biển và ngải cứu sao nóng để chườm đắp. Các nguyên liệu này đều có tác dụng giảm đau, hoạt huyết nên sẽ giúp cải thiện tình trạng đau bụng hiệu quả.

2. Massage giảm đau bụng ngày rụng trứng

Ngoài cách chườm ấm, chị em cũng có thể cải thiện tình trạng đau bụng ngày rụng trứng bằng biện pháp massage. Khi xoa bóp, nên sử dụng thêm dầu nóng để tăng tuần hoàn máu và thư giãn cơ trơn. Cách đơn giản nhất là dùng tay xoa và ấn nhẹ theo chiều kim đồng hồ để giảm đau.

3. Sử dụng thuốc giảm đau

Trong trường hợp cơn đau gây khó chịu và ảnh hưởng đến quá trình làm việc, sinh hoạt và giấc ngủ, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa. Tuy nhiên, chỉ dùng khi thực sự cần thiết và nên sử dụng tối đa trong 3 ngày.

giảm đau bụng ngày rụng trứng
Nếu cần thiết, chị em có thể sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện đau bụng vào ngày rụng trứng

Các loại thuốc giảm đau được sử dụng để giảm đau bụng vào ngày rụng trứng:

  • Paracetamol
  • Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…

Các loại thuốc trên có thể sử dụng mà không kê toa. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy, bạn nên trao đổi với dược sĩ/ bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

4. Dùng miếng dán làm ấm bụng

Miếng dán làm ấm bụng thường được sử dụng để giảm đau bụng vào ngày rụng trứng hoặc đau bụng vào kỳ kinh. Sản phẩm có độ ấm dao động từ 39 – 40 độ C được dán trực tiếp lên bụng dưới để thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu.

Về bản chất, miếng dán làm ấm bụng có cơ chế tương tự như biện pháp chườm ấm. Tuy nhiên, sản phẩm này có cách sử dụng tiện lợi và hiệu quả kéo dài (khoảng 5 – 8 tiếng). So với việc sử dụng thuốc uống, dùng miếng dán làm ấm bụng mang lại hiệu quả không kém nhưng ít tác dụng phụ hơn.

5. Nghỉ ngơi và ăn uống điều độ

Đau bụng vào ngày rụng trứng là phản ứng sinh lý nên không đáng lo ngại. Cơn đau sẽ thuyên giảm nhanh sau 1 – 3 ngày tùy theo cơ địa của từng người. Để giảm mức độ cơn đau, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

Ngoài ra, trong thời gian này, cơ thể sẽ dễ mệt mỏi vì hormone LH và estrogen giảm đột ngột. Do đó, bên cạnh việc nghỉ ngơi, chị em nên tránh làm việc cường độ cao, uống nhiều nước và bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất để giảm các triệu chứng khó chịu trong thời gian rụng trứng.

Các biện pháp phòng ngừa đau bụng ngày rụng trứng

Đau bụng vào giữa kỳ kinh là phản ứng sinh lý nên không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu cơn đau gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Đối với những người chưa có ý định mang thai và muốn phòng ngừa đau bụng vào ngày rụng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tránh thai ngăn rụng trứng. Thuốc có tác dụng ức chế giải phóng hormone GnRh, từ đó ức chế hormone LH kích thích hiện tượng phóng noãn. Bên cạnh đó, thuốc cũng làm tăng độ đặc của chất nhầy cổ tử vung và làm dày niêm mạc tử cung khiến cho tinh trùng khó có thể “gặp gỡ” trứng. Khi rụng trứng không xảy ra, tình trạng đau bụng và các triệu chứng đi kèm sẽ không xuất hiện.
  • Nếu không muốn dùng thuốc, bạn không thể phòng ngừa đau bụng do rụng trứng. Tuy nhiên, lối sống khoa học sẽ giúp giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu xảy ra vào thời điểm này.

Đau bụng vào ngày rụng trứng là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới. Hy vọng qua những mẹo đơn giản trong bài viết, chị em đã biết cách làm giảm cơn đau hiệu quả. Nếu nghi ngờ cơn đau là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chị em nên thăm khám sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:06 pm , 02/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc