Chữa Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn Bằng Châm Cứu và Lưu Ý

Châm cứu chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do bệnh lý này gây ra, hỗ trợ phục hồi tổn thương tại dây thần kinh liên sườn và ngăn ngừa cơn đau tái phát trở lại. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và lên phác đồ châm cứu trị liệu cho phù hợp.

Châm cứu là phương pháp trị bệnh có nguồn gốc từ Y học cổ truyền và được áp dụng ngày càng rộng rãi
Châm cứu là phương pháp trị bệnh có nguồn gốc từ Y học cổ truyền, được áp dụng ngày càng rộng rãi

Châm cứu chữa đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả không?

Đau dây thần kinh liên sườn xảy ra khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương do chấn thương hoặc do ảnh hưởng từ bệnh lý. Khi bệnh khởi phát, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói ở vùng xương sườn, lưng, bụng kèm theo cảm giác tê bì lan rộng rất khó chịu. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn xoay mình, vặn mình, hắt hơi, ho,…

Theo quan niệm của Y học cổ truyền, đau dây thần kinh liên sườn thuộc chứng hiếp thống. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiễm phong hàn, huyết ứ, phủ tạng suy yếu hoặc huyết hư. Lúc này, cơn đau nhức có thể khởi phát ở một hoặc cả hai bên mạng sườn. Ban đầu, cơn đau chỉ xảy ra ở hai cạnh sườn rồi dần lan rộng xuống vùng bụng dưới.

Châm cứu là sử dụng kim châm để tác động vào các huyệt vị trên cơ thể nhằm mục đích giảm đau nhức và kích thích lưu thông khí huyết. Phương pháp này được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh đau dây thần kinh liên sườn. Một số tác dụng của việc châm cứu điều trị đau dây thần kinh liên sườn là:

  • Tăng tuần hoàn máu diễn ra bên trong cơ thể, kích thích cơ chế tự chữa lành và phục hồi tổn thương.
  • Giải phóng chèn ép lên cơ và dây thần kinh liên sườn, giúp cải thiện triệu chứng đau nhức.
  • Kích thích cơ thể sản sinh ra hormone endorphin có tác dụng giảm đau tự nhiên
  • Châm cứu còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, giúp người bệnh thư giãn đầu óc và cảm thấy thoải mái hơn.
  • Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả điều trị của các phương pháp trị bệnh chuyên sâu khác như dùng thuốc uống, dùng liệu pháp bổ sung,…

Châm cứu có thể tác động sâu vào gốc rễ nguyên nhân gây bệnh mà không cần dùng thuốc Tây y. Điều này đã hạn chế được tình trạng lệ thuộc thuốc giảm đau, giúp kiểm soát triệu chứng nhanh chóng và hạn chế nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, việc châm cứu điều trị bệnh cần thực hiện đúng cách và đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Vì thế, phương pháp này cần được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên môn, người bệnh không thể tự châm cứu trị bệnh tại nhà.

Cách châm cứu chữa đau dây thần kinh liên sườn

Cải thiện triệu chứng đau nhức do bệnh gây ra bằng phương pháp châm cứu
Cải thiện triệu chứng đau nhức do bệnh gây ra bằng phương pháp châm cứu

Đau dây thần kinh liên sườn được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ như phong hàn, huyết ứ, can âm bất túc, can khí uất kết, đờm ẩm,…. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến phòng khám Đông y tiến hành thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như thể bệnh để có thể lên phác đồ châm cứu điều trị cho phù hợp.

Huyệt vị cần tác động

Một số huyệt vị chi phối đến hoạt động của dây thần kinh liên sườn, cần phải tác động để điều trị bệnh là:

  • Huyệt A thị: Huyệt này nằm ở điểm đau nhất ở khu vực liên sườn khi dùng tay day ấn. Tác động vào huyệt vị này có tác dụng giảm đau nhức và tăng cường lưu thông khí huyết.
  • Huyệt Nội quan: Vị trí của huyệt là giữa gân cơ tay lớn và bé, từ cổ tay đo lên trên khoảng 4cm. Tác động vào huyệt vị này có tác dụng điều trị mất ngủ, giảm đau dây thần kinh liên sườn và đau dạ dày.
  • Huyệt Dương lăng: Chính là điểm lõm giữa ở trên xương chày và giữa xương mác. Tác động vào huyệt Dương lăng có tác dụng giảm đau dây thần kinh tọa, giảm đau dây thần kinh liên sườn, giảm đau đầu gối và đau vai gáy.
  • Huyệt Âm giao: Nằm ở mé trong của cẳng chân, trên mắt cá chân khoảng 4 ngón tay. Tác động vào huyệt vị này nhằm mục đích giảm đau nhức.
  • Huyệt Phong long: Huyệt nằm ngay tại điểm giao của nếp gấp khoeo chân với mắt cá chân ngoài, đo lên trên khoảng 16 cm. Tác động vào huyệt Phong long có tác dụng trị tê liệt chi dưới và ngực trướng.
  • Huyệt Dương lăng tuyền: Chính là điểm lõm ở phía trước. Nằm dưới đầu nhỏ của xương mác, khe giữa cơ mác và cơ duỗi ngón chân. Tác động vào huyệt vị này có tác dụng khu phong tà và giảm đau dây thần kinh liên sườn.
  • Huyệt Túc tam lý: Vị trí của huyệt là chỗ lõm bờ dưới ngoài xương bánh chè, từ xương bánh chè đo xuống dưới khoảng 6cm. Tác động vào huyệt Túc tam lý có tác dụng giảm đau thần kinh liên sườn và đau dây thần kinh tọa.
  • Huyệt Can du: Nằm ở giữa đốt sống ngực số 9 và số 10, đo ngang ra hai bên khoảng 2 đốt ngón tay. Huyệt vị này thường được tác động để điều trị đau bụng và đau đầu.
Vị trí chính xác của một số huyệt vị quan trọng trên cơ thể người
Vị trí chính xác của một số huyệt vị quan trọng trên cơ thể người
  • Huyệt Thần môn: Huyệt nằm trên đường lằn cổ tay, là nơi giao nhau của phần lõm giữa xương đậu và đầu dưới xương trụ. Tác động vào huyệt Thần môn giúp điều trị đau liên bả vai cột sống, đau cổ tay và khuỷu tay.
  • Huyệt Kỳ môn: Nằm trên đường ngang qua cầu ngực, ở giữa xương sườn thứ 6 và 7 tính từ trên xuống. Tác động vào huyệt vị này để chủ trị đau ngực và đau dây thần kinh liên sườn.
  • Huyệt Hành gian: Vị trí của huyệt là ngay giữa kẽ ngón chân cái và ngón chân thứ hai nhưng gần về phía ngón chân cái. Tác động vào huyệt vị này giúp điều trị đau nhức vùng gian sườn, mất ngủ, viêm tử cung và sưng đỏ mắt.
  • Huyệt Trung quản: Nằm ở trên đường trắng giữa bụng, đo từ rốn lên trên khoảng 8cm. Huyệt vị này thường được tác động để điều trị đau dạ dày, đau thượng vị, táo bón,…

Sau khi đã tìm ra nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn, thầy thuốc sẽ tiến hành xác định các huyệt vị cần châm cứu để điều trị dựa trên từng thể bệnh. Cụ thể là:

+ Đau dây thần kinh liên sườn do phong hàn:

  • Triệu chứng: Đau nhức chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau nhiều ở lưng và nách, sợ lạnh và mạch phù.
  • Huyệt cần tác động: Huyệt A thị, Dương lăng và Nội quan.

+ Đau dây thần kinh liên sườn do huyết ứ

  • Triệu chứng: Đau cố định tại một vị trí trên mạng sườn, cảm giác đau như bị dùi đâm. Đau nhiều hơn khi dùng tay ấn vào hoặc khi về đêm gần sáng.
  • Huyệt vị cần tác động: Huyệt A thị, Dương lăng tuyền, Phong long, Tam túc lý.

+ Đau dây thần kinh liên sườn do can âm bất túc

  • Triệu chứng: Đau nhức âm ỉ và dai dẳng ở vùng mạng sườn, hoa mắt chóng mặt, mạch huyền tế sác, khô miệng và môi.
  • Huyệt vị cần tác động: Huyệt A thị, Âm giao, Thần môn, Nội quan và Can du
Châm cứu là phương pháp điều trị bệnh được áp dụng khá phổ biến trong Đông y
Châm cứu là phương pháp điều trị bệnh được áp dụng khá phổ biến trong Đông y

+ Đau dây thần kinh liên sườn do can khí uất kết

  • Triệu chứng: Cảm giác đau chướng và đầy tức ở bên trong sườn, đau nhiều hơn khi di chuyển. Cơ thể khó chịu, ăn uống kém, mạch huyền và bị đầy hơi.
  • Huyệt vị cần tác động: huyệt A thị, Hành gian, Dương lăng tuyền, Nội quan.

+ Đau dây thần kinh liên sườn do đàm ẩm

  • Triệu chứng: Đau nhiều ở vùng cạnh sườn, đau nhiều hơn khi thở mạnh hoặc xoay người. Mạch trầm huyền hoặc trầm hoạt.
  • Huyệt vị cần tác động: Huyệt A thị, Kỳ môn, Nội quan, Phong long và Trung quản.

Quy trình châm cứu điều trị bệnh

Châm cứu điều trị đau dây thần kinh liên sườn cần được thực hiện đúng cách và đúng quy trình để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là quy trình cơ bản bạn có thể tham khảo:

  • Tiến hành thăm khám để được chẩn đoán thể bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tiến hành châm cứu điều trị bệnh, thầy thuốc sẽ tư vấn và giải thích kỹ hơn về phương pháp điều trị bệnh này giúp bạn hiểu rõ hơn.
  • Khi bắt đầu châm cứu, người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm hoặc ngồi với tư thế phù hợp. Sau đó, tiến hành xác định các huyệt vị cần tác động và sát khuẩn vùng da tại huyệt.
  • Dùng kim châm vào huyệt một cách nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật. Để yên như vậy trong khoảng 20 – 30 phút trong một lần châm.
  • Sau đó, rút kim châm và tiến hành sát khuẩn da một lần nữa. Người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ để thầy thuốc quan sát phản ứng tại vị trí châm kim và phản ứng toàn thân sau châm cứu.
  • Nếu không có dấu hiệu bất thường, người bệnh có thể ra về. Đồng thời, thầy thuốc cũng sẽ lên lịch tái khám hoặc điều trị tiếp theo.
Thăm khám xác định thể bệnh trước khi tiến hành châm cứu điều trị bệnh
Thăm khám xác định thể bệnh trước khi tiến hành châm cứu điều trị bệnh

Tác dụng phụ sau châm cứu

Châm cứu là phương pháp điều trị bệnh có độ an toàn cao và nguy cơ phát sinh rủi ro rất thấp nếu được thực hiện bởi bác sĩ trình độ chuyên môn cao và cơ sở y tế có trang thiết bị đảm bảo. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi đang châm cứu điều trị bệnh là:

  • Đau nhức, bầm tím hoặc chảy máu nhẹ tại vùng da châm kim
  • Hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh và vã mồ hôi
  • Sắc mặt tái nhợt

Đây là các tác dụng phụ khá hiếm gặp. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bác sĩ sẽ dừng châm cứu ngay lập tức rồi tiến hành lau mồ hôi, ủ ấm và cho người bệnh nghỉ ngơi. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành bấm huyệt để người bệnh có thể trở về trạng thái bình thường.

Lưu ý khi chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng châm cứu

Thời gian châm cứu điều trị khỏi bệnh đau dây thần kinh liên sườn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng, mức độ đáp ứng điều trị, phác đồ điều trị, tay nghề của bác sĩ,… Thông thường, người bệnh cần phải tiến hành châm cứu 1 lần/ngày và thực hiện liên tục trong 15 ngày cho một liệu trình. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ phục hồi của cơ thể để chỉ định rút ngắn hoặc kéo dài liệu trình điều trị.

Trong quá trình châm cứu điều trị, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để quá trình trị liệu có thể mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe:

  • Châm cứu điều trị đau dây thần kinh liên sườn chống chỉ định với những người bị máu khó đông, đang sử dụng thuốc làm loãng máu, mắc bệnh lý về tim, tinh thần không ổn định, phụ nữ mang thai hoặc bị đau dây thần kinh do chèn ép.
  • Để quá trình điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ và hướng dẫn điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra.
Châm cứu điều trị đau dây thần kinh liên sườn cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn
Châm cứu điều trị đau dây thần kinh liên sườn cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái trong suốt quá trình điều trị, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài. Trước khi châm cứu không nên để bụng quá đói hay ăn quá no.
  • Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý đúng cách, tránh tác động xấu đến sức khỏe.
  • Nên thăm khám và châm cứu điều trị bệnh tại các phòng khám uy tín như Bệnh viện châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Viện y dược học Dân tộc TP.HCM, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM,…

Bài viết trên đây là hướng dẫn châm cứu chữa đau dây thần kinh liên sườn bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Châm cứu nhằm mục đích của thiện triệu chứng đau nhức và hỗ trợ chữa lành tổn thương tại dây thần kinh. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến phòng khám Đông y uy tín để thăm khám chẩn đoán bệnh và tiến hành châm cứu điều trị.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 19/07/2023 - Cập nhật lúc 12:12 pm , 19/07/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc