Chăm sóc sức khỏe hậu Covid: Tinh thần khỏe giúp cơ thể hồi phục nhanh

Thời gian gần đây số ca nhiễm Covid của Hà Nội ngày một tăng cao và thông tin về chăm sóc sức khỏe hậu Covid trở thành một chủ đề nóng hổi với người dân. Theo thống kế, có khoảng 15-20% những người từng nhiễm Covid có các triệu chứng hậu Covid gây ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt và khả năng học tập, làm việc của họ. Các triệu chứng hậu Covid có thể chỉ đến trong vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng và tiến triển nặng hơn. Bởi vậy, hậu covid có thể còn nghiêm trọng hơn Covid nếu chúng ta không để tâm, lắng nghe và chăm sóc sức khỏe của mình đúng cách. 

Tọa đàm Phụ nữ và chăm sóc sức khỏe hậu Covid tại phường Ngọc Khánh (1/3/2022)
Tọa đàm Phụ nữ và chăm sóc sức khỏe hậu Covid tại phường Ngọc Khánh (1/3/2022)

Sức khỏe có 3 khía cạnh nhưng hầu hết mọi người mới chỉ quan tâm thể chất

Vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid không đơn thuần chỉ là sức khỏe thể chất mà còn có các khía cạnh khác. Trong định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khẳng định: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”. Ở đây, WHO đã nhắc tới hai khía cạnh khác của sức khỏe là sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. 

Trong đó, sức khỏe tinh thần được định nghĩa là trạng thái mà trong đó con người nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường, vẫn làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. Sức khỏe tinh thần được biểu hiện phần nhiều qua cảm xúc, cảm giác. 

Còn người khỏe về mặt xã hội là người sống hài hòa và hòa hợp trong chính mình, giữa bản thân và các thành viên khác trong xã hội hay thế giới họ đang sống. Sức khỏe xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa thành viên: gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan…

Có lẽ, rất nhiều người mới chỉ biết đến và chăm sóc sức khỏe thể chất nhưng dịch bệnh đã cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng sức khỏe tinh thần. 

Dịch bệnh đã khiến các vấn đề tâm lý của con người gia tăng. Các bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, stress – căng thẳng, thậm chí là số người tự tử do trầm cảm cũng có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Những tác động này không chỉ có ảnh hưởng đến những người đã từng mắc covid hay đang điều trị hậu Covid mà cả những người chưa mắc Covid. Hậu Covid có rất nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần như mệt mỏi, chán nản, rối loạn giấc ngủ, sương mù não, rối loạn tâm thần… 

Có rất nhiều tổ chức, nghiên cứu khoa học, thống kê trên thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy rõ điều này. Và các tổ chức về y tế, sức khỏe trên thế giới cũng kêu gọi chính phủ, người dân cần chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu Covid.

“Theo thông báo hôm nay 10/10/2021 của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương 1, kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%” (theo Báo điện tử Tuổi trẻ).

Tọa đàm chăm sóc sức khỏe hậu Covid tại phường Đội Cấn (5/3/2022).
Tọa đàm chăm sóc sức khỏe hậu Covid tại phường Đội Cấn (5/3/2022).

Trong chương trình Tọa đàm phụ nữ và chăm sóc sức khỏe hậu Covid diễn ra vào ngày 1/3/2022 và ngày 5/3/2022 do Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Khánh và Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) kết hợp với Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã giúp các cô, các chị, những người phụ nữ trong gia đình, hiểu rõ cách dịch bệnh tác động đến con người thông qua sức khỏe tinh thần, tầm quan trọng và các giải pháp giúp các cô, các chị em chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình và người thân trong gia đình. Các thông tin về chăm sóc sức khỏe hậu Covid được chia sẻ bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến, một chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về trị liệu trầm cảm đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam. 

Lo lắng, sợ hãi làm giảm khả năng hồi phục của cơ thể

Cuộc sống của chúng ta luôn có vui, có buồn, có tức giận, có bình an, hạnh phúc… Tuy nhiên, sự xuất hiện một cách thường xuyên và vô lý của những cảm xúc tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ, sức khỏe, khả năng làm việc, học tập của con người một cách vô hình

Trong đại dịch, sự lây lan một cách mạnh mẽ, nhanh chóng của virus Corona, đe dọa đến sức khỏe, mạng sống của con người đã gây ra một làn sóng lo lắng, sợ hãi, hoang mang, bất an, thất vọng, chán nản… ở rất nhiều người. Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cho biết những cảm xúc tiêu cực này đã trực tiếp làm cho kháng thể của con người suy giảm. Điều này khiến cho con người dễ mắc bệnh và khó hồi phục sức khỏe hơn. 

Không chỉ có vậy, những suy nghĩ tiêu cực, những niềm tin giới hạn cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tương tự như vậy. Có rất nhiều người khi mắc Covid, thấy trong người không được khỏe, mệt mỏi, khó thở, mất ngủ,… thì liên tưởng ngay đến các bài báo tiêu cực nói về những trường hợp xấu trong và sau mắc covid. Hay một số bạn luôn có niềm tin rằng sức khỏe mình không thể kháng lại virus Corona, mình sẽ bị rơi vào các tình huống xấu nhất, tồi tệ nhất… 

Vì sao vậy? Theo các nghiên cứu khoa học, các cảm xúc lo lắng, căng thẳng thái quá khiến hệ thần kinh tiết ra hormone căng thẳng như cortisol. Những hormone này có thể làm tăng lượng đường và chất béo trong máu gây ra các biểu hiện như chóng mặt, khô miệng, tim đập nhanh, mệt mỏi, đau đầu, mất khả năng tập trung, giảm năng lượng, thở nhanh hoặc khó thở, run, co giật… Nếu sự lo lắng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, khiến cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại virus, đặc biệt là các bệnh liên quan đến cảm cúm, mụn rộp, zona hay virus khác… 

Yêu thương giúp cơ thể khỏe mạnh hơn

Nếu lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến khả năng hồi phục sức khỏe của F0 thì tình yêu thương có thể giúp con người hồi phục sức khỏe nhanh chóng hơn. Tình yêu thương giúp cơ thể bạn sản sinh ra các hormone oxytocin và dopamine. 

Nếu căng thẳng khiến bạn sản sinh ra cortisol, khiến cho khả năng kháng viêm và chống lại nhiễm trùng, virus giảm thì hormone oxytocin lại có khả năng đảo ngược lại các tác hại của cortisol đồng thời khôi phục sự cân bằng hormone trong não và khắp cơ thể. Sự cân bằng này cho phép hệ thống miễn dịch tập trung vào công việc chính của nó, tức là chống lại vi khuẩn và vi rút xấu trong cơ thể. 

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến.

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến chia sẻ: “Trong những lúc ốm đau, mệt mỏi, nhu cầu được yêu thương của con người rất lớn, đặc biệt là các bạn trẻ nhỏ. Nếu khoảng 1-2 năm trước đây, những người là F0, F1 sẽ bị cách ly thì bây giờ chúng ta hoàn toàn có thể cách ly tại nhà. Bởi vậy, hãy dành cho họ sự quan tâm, yêu thương. Nếu được, hãy cho họ những cái ôm an toàn. Sự yêu thương có thể kích hoạt năng lượng và khả năng tự chữa lành trong mỗi chúng ta”. 

Giải pháp chăm sóc sức khỏe hậu Covid

Người ta thường nói, sức khỏe quý hơn vàng. Bởi vậy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của con người không chỉ bó hẹp trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Hơn nữa, sức khỏe tinh thần, sức khỏe xã hội và sức khỏe thể chất có mối liên hệ mật thiết với nhau và ảnh hưởng hai chiều đến nhau. Bởi vậy, chúng ta cần chăm sóc tất cả các khía cạnh sức khỏe của con người mọi lúc mọi nơi. 

Đặc biệt là những người phụ nữ trong gia đình. Đôi khi chúng ta vì bận rộn công việc ở ngoài xã hội và trong gia đình mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Nếu chúng ta không có một sức khỏe tốt thì chúng ta cũng không thể chăm sóc cho những thành viên khác trong gia đình. 

Nếu chúng ta không thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh thì chúng ta không thể tạo động lực cho các thành viên khác rèn luyện sức khỏe thể chất. Nếu chúng ta không có đủ tình yêu thương, sự bình an, thường xuyên cáu giận, bực tức thì chúng ta cũng không thể đem đến bình an, yêu thương cho những thành viên khác trong gia đình. Bởi vậy, muốn chăm sóc gia đình tốt, chính bạn phải là người khỏe mạnh về cả mặt thể chất, tinh thần và xã hội. 

Vậy, làm thế nào để chúng ta chăm sóc sức khỏe tâm trí của mình một cách tốt nhất?

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến chia sẻ: “Có 5 vấn đề khiến cho sức khỏe tâm trí của chúng ta suy giảm là suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc tiêu cực, niềm tin giới hạn, mâu thuẫn nội tâm và thói quen xấu. Để nâng cao sức khỏe tâm trí, chúng ta cần giải quyết những vấn đề này đang tồn tại ở bản thân. Vấn đề ở mỗi người là khác nhau bởi vậy chúng ta cần linh hoạt trong việc tìm ra giải pháp phù hợp với chính mình. Tuy nhiên, giải pháp cũng xuất phát từ những quy trình cơ bản”.

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã chia sẻ 4 bước cơ bản để giúp các chị, các cô giải quyết được nỗi sợ, lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ tiêu cực của mình trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là quy trình mà chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã và đang giúp các khách hàng gặp vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ hồi phục sức khỏe tâm trí. 

Bước 1: Nhận diện vấn đề của mình, quan sát bản thân, bắt thóp vấn đề, đối mặt và không né tránh. 

Bước 2: Cân bằng cảm xúc và tìm lại sự bình an cho chính mình. 

Bước 3: Thấu hiểu và yêu thương bản thân đúng cách. 

Bước 4: Đồng hành cùng người thân trong gia đình, thấu hiểu và yêu thương họ đúng cách. 

Một trong những giải pháp đơn giản giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh nhanh chóng là tập trung vào hơi thở của mình. Khi bạn nhận ra bản thân mình đang có những lo lắng, sợ hãi, những suy nghĩ tiêu cực, cáu giận, bực bội, nếu được hãy tìm một nơi nào đó yên tĩnh và tập hít thở trong vòng 1-2 phút. Hít vào bụng phình ra, thở ra bụng hóp lại. Đó là cách thở đúng. 

Giải pháp này không chỉ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh một cách nhanh chóng mà còn giúp các cơ quan trong cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy hơn. Thường xuyên tập thở mỗi ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa, hô hấp, tim mạch tốt hơn, đặc biệt là da hồng hào hơn. Ngoài ra, nếu bạn quan tâm đến thiền, tập thở cũng là giải pháp để bạn tiếp cận đến thiền dễ dàng hơn. 

Bên cạnh đó, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến còn chia sẻ đến các cô, các chị cách làm sản sinh ra các hormone hạnh phúc trong cơ thể con người: Dopamine, Oxytocin, Serotonin, Endorphin. Trong y khoa, người ta cho rằng, sự thiếu hụt, mất cân bằng các hormone này trong cơ thể có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thật tuyệt vời khi cơ thể con người có thể tự động sản sinh ra các hormone này bằng các hành vi cụ thể. Sự cân bằng của các hormone hạnh phúc sẽ cải thiện tâm trạng, cảm xúc của chúng ta một cách tích cực hơn. 

Bên cạnh các giải pháp trên, chúng ta còn có rất nhiều các giải pháp khác để chăm sóc sức khỏe tâm trí của chính mình và những người thân yêu nhưng điều quan trọng nhất mà chuyên gia Bùi Thị Hải Yến nhấn mạnh là: “Hạnh phúc của chúng ta là tự chúng ta tạo ra. Bởi vậy, chúng ta cần tự chăm sóc cho khu vườn tâm trí của mình trước khi chúng ta thực hiện bước số 4 là đồng hành cùng với người khác. Bởi vì, chúng ta không thể cho người khác điều mà chúng ta không có. Nếu chúng ta không có sự bình an thì chúng ta không thể cho người khác sự bình an. Nếu mình không có hạnh phúc thì mình cũng không thể cho con cái sự hạnh phúc được. Nếu bản thân mình đầy sự nóng giận, con cái sẽ mô phỏng lại. Sống chậm lại một tích tắc, chúng ta sẽ nhìn thấy mặt tích cực của vấn đề”.

Với kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về tâm lý học, chăm sóc sức khỏe tâm trí con người, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã giúp các cô, các chị có thêm thông tin mới lạ, bổ ích về chăm sóc sức khỏe con người. Đây là một chương trình, sự kiện rất ý nghĩa khi số ca nhiễm Covid tại Hà Nội mỗi ngày đạt những mốc kỷ lục mới. 

5/5 - (2 bình chọn)

Ngày đăng: 21/06/2022 - Cập nhật lúc 2:56 am , 21/06/2022

Cùng chuyên mục