Viêm Bàng Quang Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Điều Trị

Viêm bàng quang là một dạng viêm đường tiết niệu thường gặp ở nữ giới. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng thường do các loại vi khuẩn đường ruột và vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục. Bệnh lý này có thể gây ra những biến chứng nặng nề như viêm cầu thận, suy thận, nhiễm trùng huyết,… nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

viêm bàng quang là gì
Viêm bàng quang là một trong những bệnh viêm đường tiết niệu thường gặp với tỷ lệ chiếm 50%

Viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phần lớn là do nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp viêm do các nguyên nhân không nhiễm trùng. Chức năng của bàng quang là chứa nước tiểu do thận bài tiết, sau đó đào thải ra bên ngoài qua đường niệu đạo. Môi trường thuận lợi này sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây ra bệnh viêm bàng quang.

Bệnh có thể gặp ở nam và nữ giới nhưng tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn do niệu đạo của nữ thẳng và ngắn hơn so với nam giới. Giải phẫu niệu đạo chính là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn đi ngược dòng vào bàng quang và gây nhiễm trùng cơ quan này.

Viêm bàng quang thường khởi phát cấp tính. Những trường hợp không được điều trị đúng cách có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu được phát hiện sớm, phần lớn những trường hợp viêm bàng quang đều thuyên giảm nhanh sau khi điều trị.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang

Hiện tượng viêm ở bàng quang có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất. Hơn nữa, vốn dĩ bàng quang là cơ quan chứa đựng nước tiểu – chất thải của cơ thể nên nguy cơ bị viêm nhiễm sẽ cao hơn so với các cơ quan khác.

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây bệnh viêm bàng quang:

1. Do nhiễm trùng (viêm bàng quang do vi khuẩn)

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm bàng quang. Vi khuẩn có thể đi ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang và gây viêm cơ quan này khi có những yếu tố thuận lợi như vệ sinh vùng kín kém, vệ sinh sai cách (lau ngược từ hậu môn sau đó di chuyển đến âm đạo) và quan hệ tình dục không an toàn.

viêm bàng quang là gì
Nhiễm vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là E.Coli là tác nhân chủ yếu gây viêm bàng quang

Các loại vi khuẩn thường gặp trong bệnh viêm bàng quang:

  • Vi khuẩn đường ruột là tác nhân hàng đầu gây viêm bàng quang, trong đó thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli), Klebsiella, Enterobacter, Citrobacter,…
  • Vi khuẩn họ cầu khuẩn như S.epidermidis và S.saprophyticus (thường gây ngộ độc thực phẩm và viêm ruột cấp) cũng có thể là tác nhân gây nhiễm trùng bàng quang.
  • Trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa thường có ở vùng sinh dục và vùng da dưới cánh tay nhưng ít khi gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi như vệ sinh vùng kín kém và sức đề kháng suy giảm, vi khuẩn có thể xâm nhập vào bàng quang gây nhiễm trùng cơ quan này.
  • Vi khuẩn Chlamydia, Mycoplasma thường gây viêm niệu đạo, sau đó vi khuẩn đi ngược dòng vào bàng quang gây viêm nhiễm cơ quan này. Các loại vi khuẩn này thường lây nhiễm thông qua các hoạt động tình dục.

2. Các nguyên nhân không nhiễm trùng

Ngoài vi khuẩn, viêm bàng quang cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân không nhiễm trùng bao gồm:

  • Không rõ nguyên nhân: Trong một số trường hợp, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây viêm bàng quang. Tình trạng này được gọi là viêm bàng quang kẽ và gặp chủ yếu ở nữ giới. Biểu hiện của bệnh thường là tiểu rắt, tiểu són, đau vùng chậu, bụng và mu.
  • Do một số loại thuốc: Sử dụng thuốc điều trị cũng có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân vì sao thuốc gây viêm cơ quan này. Tuy nhiên, đã có ghi nhận những trường hợp bị viêm bàng quang do sử dụng thuốc Cyclophosphamide và Ifosfamide.
  • Do tia xạ: Những bệnh nhân can thiệp xạ trị ở vùng chậu sẽ có nguy cơ cao bị viêm bàng quang. Nguyên nhân là do tia xạ gây kích thích các mô dẫn đến tình trạng viêm không do nhiễm trùng. Tình trạng này chủ yếu gặp ở bệnh nhân ung thư.
  • Dị ứng, kích ứng: Trong một số trường hợp, bàng quang có thể bị viêm do sử dụng các sản phẩm vệ sinh vùng kín chứa thành phần dễ gây kích ứng. Ngoài ra, dị ứng, kích ứng chất diệt tinh trùng và gel bôi trơn cũng có thể gây viêm bàng quang không nhiễm trùng. Tình trạng này gặp chủ yếu ở nữ giới do niệu đạo ngắn, trong khi niệu đạo nam giới khá dài nên hiện tượng kích ứng, dị ứng hiếm khi ảnh hưởng đến bàng quang.
  • Do dị vật: Những trường hợp đặt ống thông tiểu quá lâu có thể ma sát vào mô khiến cho bàng quang bị viêm. Nếu không xử lý sớm, vi khuẩn sẽ phát triển gây viêm bàng quang do nhiễm trùng.
  • Do ảnh hưởng của bệnh lý: Viêm bàng quang đôi khi là hậu quả do một số bệnh lý như chấn thương tủy sống, sỏi thận, tiểu đường và các vấn đề ở tuyến tiền liệt.

3. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân kể trên, phải nhắc đến các yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Đây cũng là lý do tỷ lệ nữ giới bị viêm bàng quang cao hơn nam giới và những đối tượng có đời sống tình dục phức tạp, vệ sinh kém dễ mắc bệnh hơn.

biểu hiện viêm bàng quang
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn bình thường

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang:

  • Ứ đọng nước tiểu là yếu tố thuận lợi khiến cho bàng quang bị kích thích dẫn đến viêm, đau. Yếu tố này cũng chính là điều kiện để vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng bàng quang. Ứ đọng nước tiểu có thể xảy ra do sỏi thận, sỏi bàng quang, u bàng quang, hẹp niệu đạo, có thai, u xơ tuyến tiền liệt,…
  • Giải phẫu niệu đạo ở nữ giới là yếu tố hàng đầu gia tăng nguy cơ bị viêm bàng quang. Lý do là vì niệu đạo của nữ giới thẳng, ngắn và gần hậu môn nên vi khuẩn dễ đi ngược vào bên trong gây viêm bàng quang. Trong khi đó, niệu đạo của nam giới khá dài và nằm xa hậu môn nên tỷ lệ mắc bệnh gần như rất thấp.
  • Một số thói quen xấu như nhịn tiểu, ít vận động, ngồi lâu có thể làm tăng thời gian nước tiểu ở trong bàng quang. Yếu tố này gia tăng nguy cơ bị viêm bàng quang, niệu đạo và các vấn đề tiết niệu khác.
  • Vi khuẩn có thể xâm nhập vào bàng quang do thực hiện thăm dò bàng quang, dẫn lưu bàng quang, thông bàng quang, phẫu thuật bàng quang,… nhưng không đảm bảo vô trùng dụng cụ và quy trình thực hiện không khép kín.
  • Nữ giới mang thai có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn bình thường. Lý do là vì thai chèn ép lên bàng quang dẫn đến ứ đọng nước tiểu. Hơn nữa, mang thai là thời điểm nội tiết tố bị rối loạn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng bàng quang.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh cũng có nguy cơ cao bị viêm bàng quang bởi sự sụt giảm của nội tiết tố.
  • Những trường hợp sử dụng thông tiểu trong một thời gian dài cũng làm gia tăng nguy cơ bị viêm bàng quang.

Trên thực tế, rất ít nam giới bị viêm bàng quang, trong khi nữ giới dễ gặp phải tình trạng này và bệnh có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm bàng quang

Bàng quang là cơ quan chứa đựng nước tiểu từ thận bài tiết. Do đó, tình trạng viêm bàng quang sẽ gây ra rất nhiều triệu chứng ở đường tiết niệu. Triệu chứng có sự khác biệt về mức độ ở từng giai đoạn (cấp – mãn tính).

biểu hiện viêm bàng quang
Biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm bàng quang là tiểu són, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, nước tiểu có mủ,…

Các triệu chứng của bệnh viêm bàng quang cấp tính:

  • Tiểu máu
  • Nước tiểu có mủ (thường xuất hiện cuối cùng)
  • Tiểu buốt
  • Đau nhẹ vùng mu khi căng bàng quang, đôi khi gây đau nhiều, cơn đau lan sang âm hộ và niệu đạo.
  • Cảm giác đau tăng lên khi bàng quang căng, sau đó giảm dần khi tiểu xong.
  • Luôn có cảm giác buồn tiểu và tiểu nhiều lần trong ngày, nhất là vào ban đêm
  • Trường hợp nhẹ thường bị tiểu dắt và chỉ có cảm giác nóng rát nhẹ khi tiểu tiện
  • Trường hợp viêm bàng quang do vi khuẩn có thể gây sốt nhẹ dưới 38 độ

Viêm bàng quang cấp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm bàng quang mãn tính. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Tiểu nhiều lần
  • Mót tiểu, tiểu buốt
  • Đau dữ dội vùng mu, bụng dưới và luôn có cảm giác rất khó chịu
  • Tiểu ra mủ, nước tiểu có mùi hôi, một số trường hợp có thể tiểu ra máu
  • Một số trường hợp có thể đi kèm với sốt nhẹ và cơ thể mệt mỏi, uể oải

Bàng quang là một trong những cơ quan của hệ niệu đạo. Tình trạng viêm ở bàng quang – đặc biệt là những trường hợp xảy ra do vi khuẩn cần phải được điều trị sớm để tránh những hậu quả nặng nề. Trong một số trường hợp, viêm bàng quang có thể gây sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa cùng với các triệu chứng nghiêm trọng khác. Khi nhận thấy những triệu chứng này, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Viêm bàng quang có ảnh hưởng gì không?

Viêm bàng quang là một trong những bệnh viêm đường tiết niệu thường gặp (chiếm khoảng 50% trường hợp). Đa phần những trường hợp được thăm khám và điều trị sớm đều có đáp ứng tốt, bệnh thuyên giảm nhanh và rất ít khi gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể phải đối mặt với vô số những biến chứng nặng nề.

Những ảnh hưởng, biến chứng của bệnh viêm bàng quang:

  • Nhiễm trùng thận: Vi khuẩn trong bàng quang có thể đi ngược lên niệu quản và xâm nhập vào thận. Ngoài chức năng bài tiết, thận còn giữ rất nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Nhiễm trùng thận đe dọa đến tính mạng và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng khác như suy thận, tăng huyết áp,… Do đó, cần phải chú ý đến những biểu hiện bất thường và tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Tình trạng tiểu són, tiểu rắt, nóng rát khi tiểu,… gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Đặc biệt, bệnh lý này thường gây tiểu nhiều vào ban đêm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và thời gian ngủ. Đây cũng là lý do những trường hợp bị viêm bàng quang mãn tính thường bị mệt mỏi và suy nhược.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: Viêm bàng quang thường gây đau vùng mu, âm hộ và dương vật. Do đó, bệnh lý này cũng ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tình dục. Trong trường hợp viêm bàng quang do vi khuẩn, bạn có thể vô tình lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh cho đối tác.

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh, cần thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Theo thống kê, đa phần những trường hợp chủ động thăm khám ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường đều có tiên lượng tốt và triệu chứng giảm nhanh sau một liệu trình dùng thuốc.

Chẩn đoán bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang là một trong những bệnh lý tiết niệu thường gặp. Bệnh có triệu chứng khá rõ ràng nhưng có thể bị nhầm lẫn với viêm niệu đạo, sỏi tiết niệu và một số bệnh lý khác. Chẩn đoán giúp bác sĩ xác định chính xác bệnh lý của bệnh nhân và tìm ra căn nguyên trong một số trường hợp.

biểu hiện viêm bàng quang
Xét nghiệm nước tiểu có giá trị trong chẩn đoán bệnh viêm bàng quang và các bệnh viêm đường tiết niệu khác

Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm bàng quang:

  • Khám lâm sàng, hỏi bệnh
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Nội soi bàng quang
  • Các chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X quang, MRI, CT,…)

Các kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ xác định viêm bàng quang xảy ra do nhiễm trùng hay do các nguyên nhân khác. Đây là yếu tố quan trọng để quá trình điều trị mang lại kết quả khả quan nhất.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung, các trường hợp bị viêm bàng quang sẽ được điều trị theo 3 nguyên tắc sau:

  • Kiểm soát nhiễm khuẩn
  • Loại bỏ các yếu tố thuận lợi
  • Điều trị dự phòng để chống tái phát

1. Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn

Đối với viêm bàng quang do vi khuẩn, phương pháp điều trị chính là sử dụng kháng sinh. Thông thường, chỉ sau một liệu trình kháng sinh ngắn, tình trạng viêm nhiễm ở cơ quan này sẽ được kiểm soát.

điều trị viêm bàng quang
Sử dụng kháng sinh giúp kiểm soát bệnh viêm bàng quang do nhiễm trùng

Các loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn:

  • Trimethoprim – Sulfamethoxazole
  • Cephalexin
  • Amoxicillin – Clavulanate
  • Nitrofurantoin

Kháng sinh phải được dùng đúng liều lượng và đều đặn trong thời gian được chỉ định (khoảng 7 – 10 ngày). Tình trạng dùng thuốc không đều và tự ý ngưng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ tái nhiễm, bệnh tái phát nhiều lần và gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Đối với những trường hợp nhiễm trùng mãn tính, kháng sinh thường được dùng trong thời gian lâu hơn để kiểm soát hoàn toàn vi khuẩn. Ngoài ra, nữ giới thường xuyên bị viêm bàng quang (tái phát 4 lần trở lên trong một năm) sẽ được chỉ định uống một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục để ngăn bệnh tái phát.

2. Cách điều trị viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ là tình trạng bàng quang bị viêm không rõ nguyên nhân. Vì không thể xác định được căn nguyên nên điều trị hướng đến mục tiêu giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân viêm bàng quang kẽ:

  • Sử dụng thuốc (thường là thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc chống trầm cảm)
  • Sử dụng xung điện nhẹ để kích thích dây thần kinh và giảm đau ở vùng chậu
  • Thực hiện các bài tập luyện cơ bàng quang
  • Can thiệp kỹ thuật làm căng bàng quang
  • Phẫu thuật (ít được chỉ định)

3. Điều trị các dạng viêm bàng quang không nhiễm trùng khác

Đối với các dạng viêm bàng quang không nhiễm trùng khác, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, cần loại trừ các yếu tố thuận lợi để kiểm soát bệnh hiệu quả.

  • Điều trị các bệnh lý gây ứ đọng nước tiểu và làm tăng nguy cơ viêm bàng quang như sỏi tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, hẹp bao quy đầu,…
  • Thay đổi các sản phẩm chăm sóc vùng kín, thuốc diệt tinh trùng, bao cao su, gel bôi trơn,… nếu nguyên nhân do dị ứng, kích ứng.
  • Trao đổi với bác sĩ để được thay đổi loại thuốc trong trường hợp thuốc là nguyên nhân gây viêm bàng quang.

Cách chăm sóc, phòng ngừa viêm bàng quang tái phát

Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ bị viêm bàng quang có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi. Chính vì vậy, bên cạnh các phương pháp điều trị, nên có chế độ chăm sóc hợp lý để cải thiện và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.

điều trị viêm bàng quang
Trong thời gian điều trị, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ nước để tăng đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể

Cách chăm sóc, phòng ngừa viêm bàng quang tái phát:

  • Trong thời gia điều trị, cần đảm bảo uống từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để làm sạch thận, bàng quang và niệu đạo. Uống nhiều nước giúp hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn ra bên ngoài và hạn chế tình trạng vi khuẩn đi ngược dòng gây viêm cầu thận.
  • Đi tiểu ngay khi có nhu cầu, tuyệt đối không nhịn tiểu quá 4 giờ đồng hồ.
  • Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm hoặc các sản phẩm có độ pH trung tính. Nữ giới cần vệ sinh đúng cách (rửa từ âm đạo, sau đó mới vệ sinh hậu môn). Tuyệt đối không vệ sinh hậu môn trước khiến vi khuẩn đi ngược vào niệu đạo gây viêm đường tiết niệu.
  • Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn và vệ sinh vùng kín trước – sau khi quan hệ.
  • Trong thời gian điều trị, nên dùng nhiều rau xanh và các loại trái cây, sữa chua để hỗ trợ làm sạch vi khuẩn. Ngoài ra, một số loại thực phẩm như cam, bưởi, quả nam việt quất và sữa chua đã được chứng minh có hiệu quả cải thiện các triệu chứng do viêm bàng quang gây ra.
  • Hạn chế ngồi nhiều, thay vào đó nên đi lại nhẹ nhàng sau 1 – 2 giờ làm việc và tập thể dục hằng ngày để cải thiện hoạt động của hệ tiết niệu. Tập thể dục sẽ giúp cho quá trình đào thải vi khuẩn diễn ra nhanh hơn và hạn chế tình trạng bệnh tiến triển mãn tính.
  • Để hỗ trợ quá trình điều trị, cần ăn uống điều độ, sinh hoạt hợp lý và ngủ đủ giấc. Ngoài ra, sức khỏe tốt còn giúp phòng ngừa viêm bàng quang và các vấn đề ở đường tiết niệu hiệu quả.
  • Trường hợp bị tái phát viêm bàng quang hơn 4 lần/ năm nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị dự phòng. Sử dụng 1 liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục đã được chứng minh có thể ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
  • Phụ nữ mãn kinh có thể sử dụng kem bôi chứa estrogen lên vùng âm đạo để giảm nguy cơ bị viêm bàng quang. Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể trước khi dùng.

Viêm bàng quang là một trong những bệnh viêm đường tiết niệu thường gặp. Mặc dù có khả năng tái phát cao nhưng nhìn chung bệnh khá lành tính và đáp ứng tốt với điều trị. Sau khi bệnh được kiểm soát, nên loại trừ những yếu tố thuận lợi để phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 06/05/2023 - Cập nhật lúc 12:29 pm , 06/05/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Miss Trang đã từng làm việc tại một số cơ quan báo chí và nhiều dự án phát triển website về mảng nội dung sức khỏe. Miss Trang chịu trách nhiệm cập nhật các tin tức về các vấn đề chăm sóc sức khỏe từ các nhóm, cộng đồng của người bệnh, đảm bảo đưa tin nhanh chóng và giải quyết được những khó khăn tức thời của người bệnh. Nghiên cứu các thông tin y khoa về các vấn đề sức khỏe, biên tập viết bài trên website wikibacsi.com
Về tác giả