Menu

Ofloxacin điều trị nhiễm trùng có hiệu quả không? Liều lượng, giá bao nhiêu?

Ofloxacin
Hoạt chất

Ofloxacin

    Đóng gói: Thuốc viên, thuốc nhỏ mắt và dung dịch tiêm truyền

    Loại thuốc: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm

    Quốc gia sản xuất: Mỹ

Ofloxacin là loại thuốc kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, thường được dùng trong điều trị các tình trạng nhiễm trùng, nhiễm trùng, ngăn ngừa và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm dần đi các triệu chứng bệnh lý khó chịu và kích thích sản sinh hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể.

Ofloxacin là thuốc gì?

Ofloxacin là loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon có vai trò giống như ciprofloxacin. Tuy nhiên, Ofloxacin có tác dụng mạnh hơn thuốc ciprofloxacin, đặc biệt là đối với một số loại vi khuẩn nhất định như chlamydia chatromatis, mycoplasma pneumoniae hoặc ureaplasma urealyticum.

Ofloxacin là thuốc gì?
Ofloxacin là thuốc gì?

Thuốc Ofloxacin thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn có hại gây ra. Trong đó, nó được đặc biệt chỉ định cho các bệnh lý như:

  • Nhiễm trùng da và các mô mềm
  • Viêm phổi do khuẩn Streptococus pneumoniae hoặc H.influenza
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bệnh lý viêm nhiễm lây truyền qua cơ quan sinh dục
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Viêm phế quản mạn tính
  • Các bệnh lý nhiễm trùng ở mắt: viêm kết mạc, viêm mi mắt, viêm túi lệ

Thuốc Ofloxacin được bào chế dưới các dạng sau đây:

  • Dạng viên uống với hàm lượng lần lượt là 200mg, 300mg và 400mg
  • Dạng thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai với hàm lượng 0,3%
  • Dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch. Liều lượng người bệnh sử dụng sẽ do các bác sĩ trực tiếp chỉ định.

Công dụng của thuốc Ofloxacin là gì?

Thuốc Ofloxacin thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng xảy ra do sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn có hại. Loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn ngừa và tiêu diệt vi khuẩn, tránh cho chúng tấn công và gây bệnh tại cơ thể.

Bên cạnh đó, thuốc Ofloxacin còn giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên ở cơ thể, đồng thời tăng khả năng làm lành các vết thương.

Lưu ý, thuốc Ofloxacin chỉ sử dụng điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Còn các trường hợp bệnh do virus thì nó thường không đem lại tác dụng tốt.

Dùng thuốc Ofloxacin đúng cách như thế nào?

  • Với mỗi dạng bào chế thì thuốc Ofloxacin sẽ chỉ định sử dụng theo từng cách khác nhau. Liều lượng thuốc của người bệnh sẽ do các bác sĩ trực tiếp chỉ định.
  • Khi dùng thuốc Ofloxacin dạng viên uống, người bệnh lưu ý nên dùng thuốc kèm thức ăn để hạn chế tối đa tình trạng kích ứng niêm mạc dạ dày. Sử dụng thuốc khoảng 2 lần một ngày.
  • Nên uống thuốc với nhiều nước. Khi uống nên nuốt trọn viên, hạn chế việc nhai hoặc nghiền nhỏ thuốc.
  • Còn khi sử dụng Ofloxacin dạng thuốc nhỏ mắt, người bệnh nên ngửa đầu ra sau để đảm bảo lượng thuốc vào mắt đầy đủ. Sau khi nhỏ thuốc, người bệnh nên nhắm mắt khoảng 1 phút rồi mát xa nhẹ vòng quanh mắt. Lấy khăn mềm lau hết phần thuốc dư, tránh để thuốc dính vào miệng.
  • Với thuốc Ofloxacin dạng tiêm truyền tĩnh mạch, trước khi tiến hành tiêm, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ vùng da sẽ tiêm để loại bỏ hết các loại vi khuẩn còn bám lại xung quanh. Sau khi tiêm cần vứt vỏ thuốc và ống tiêm đúng cách.
  • Người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc mà bác sĩ quy định. Tuyệt đối không tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nên thực hiện đầy đủ liệu trình được quy định. Nhiều người thường ngừng dùng thuốc ngay khi thấy các triệu chứng nhẹ đi, điều này chính là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh dễ tái phát.
  • Người bệnh nên tạo cho mình thói quen dùng thuốc vào một thời điểm nhất định trong ngày. Điều này giúp thuốc phát huy công dụng một cách ổn định nhất, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng quên liều dùng ở người bệnh.
  • Nếu sau một thời gian dùng thuốc mà không thấy hiệu quả, người bệnh cần gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của mình.

Liều dùng thuốc Ofloxacin

Sau khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị cụ thể để phù hợp cho mức độ bệnh lý của từng người. Thuốc Ofloxacin được phân chia theo các liều lượng chính như sau:

1. Liều dùng cho người lớn

Thuốc Ofloxacin dạng viên uống

  • Điều trị nhiễm trùng da hoặc các mô mềm (mức độ nhẹ hoặc trung bình): Uống thuốc với liều lượng 400mg/lần, ngay uống 2 lần, khoảng cách giữa các lần uống là 12 tiếng. Thực hiện đều đặn liệu trình trong 10 ngày.
  • Điều trị viêm bàng quang do các loại vi khuẩn khác: Dùng thuốc ngày 2 lần, mỗi lần uống cách nhau khoảng 12 tiếng. Duy trì liệu trình đều đặn trong khoảng 7 ngày.
  • Điều trị viêm bàng quang do khuẩn E.coli hoặc pneumoniae: Uống thuốc Ofloxacin 2 lần mỗi ngày, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc là 12 tiếng. Thực hiện liệu trình đều đặn trong 3 ngày.
  • Điều trị nhiễm khuẩn lậu cầu không biến chứng: Uống thuốc Ofloxacin một liều duy nhất với hàm lượng là 400mg.
  • Điều trị viêm cổ tử cung hoặc viêm niệu đạo do khuẩn C.trachomatis: Sử dụng thuốc với hàm lượng 300mg/lần, ngày uống 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 12 tiếng. Duy trì đều đặn liệu trình trong 7 ngày.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu với một số biến chứng: Dùng thuốc Ofloxacin với liều 200mg/lần, mỗi lần dùng thuốc cách nhau khoảng 12 tiếng (tương đương với 2 lần dùng thuốc/ngày). Thực hiện liệu trình trong khoảng 10 ngày.
Liều dùng thuốc Ofloxacin cho người lớn bị viêm phổi
Liều dùng thuốc Ofloxacin cho người lớn bị viêm phổi
  • Điều trị bệnh viêm phổi hoặc viêm phế quản mãn tính: Một ngày dùng thuốc Ofloxacin 2 lần, liều lượng là 400mg/lần, khoảng cách giữa các lần uống là 12 tiếng.
  • Điều trị bệnh viêm tuyến tiền liệt: Sử dụng thuốc với liều lượng 300mg/lần, ngày uống thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 12 tiếng. Thực hiện liều trình đều đặn trong khoảng 6 ngày.

Thuốc Ofloxacin dạng tiêm truyền tĩnh mạch

  • Tiến hành tiêm truyền tĩnh mạch với liều lượng 400mg/ngày, chia đều ra làm 2 lần sử dụng. Mỗi liều sẽ tiến hành tiêm truyền trong vòng 30 phút.
  • Với trường hợp người dùng có tình trạng nhiễm trùng nặng, bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng liều 400mg/ lần, mỗi lần cách nhau khoảng 12 tiếng, tương đương với 2 lần trong một ngày.
  • Đối với người già hoặc người đang bị suy thận thì cần tham khảo thật kỹ ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn trong quá trình điều trị.

Ofloxacin dạng thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai

  • Liều lượng thuốc sẽ do các bác sĩ quyết định tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng của người bệnh. Người bệnh lưu ý cần tuân thủ nghiêm túc liều lượng mà bác sĩ đưa ra.

2. Liều dùng cho trẻ nhỏ

Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu về liều dùng thuốc Ofloxacin cụ thể cho trẻ nhỏ. Do đó, người dùng cần tham khảo thật kỹ ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng thuốc cho đối tượng bệnh nhân này.

Tác dụng phụ của thuốc Ofloxacin là gì?

Khi dùng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng hoặc cơ thể quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng nhẹ và điển hình như: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, ngứa da nhẹ, ngứa âm đạo và có dịch tiết bất thường, tiêu chảy nhẹ, vị giác có những thay đổi nhất định.

Tuy nhiên, trong các trường hợp nặng hơn thì người bệnh cũng có thể thấy cơ thể xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Phát ban và nổi mề đay trên da, gây ngứa rát dữ dội
  • Da xuất hiện các vết bầm tím bất thường và dễ bị chảy máu
  • Có dấu hiệu động kinh
  • Tiêu chảy liên tục, đại tiện phân lẫn máu
  • Sốt cao và bị sưng hạch
  • Bàn tay, bàn chân có cảm giác ngứa ngáy, tê và đau rát
  • Tâm lý bất ổn, thường xuyên cảm thấy hồi hộp, run rẩy, suy nghĩ và hành động có xu hướng tiêu cực
  • Dễ bị ảo giác, khó kiểm soát tâm trạng
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, hay gặp ác mộng
  • Cơ khớp, xương bị đau nhức đột ngột, sưng tím và thậm chí người bệnh cũng có thể bị co cứng khớp hoặc mất khả năng vận động ở một vài khớp nhất định.
  • Đau đầu, chóng mặt nghiêm trọng
  • Đau tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh
  • Rối loạn tiểu tiện, nước tiểu vàng. Số lần tiểu tiện trong ngày giảm sút nghiêm trọng, thậm chí một vài người có thể rơi vào tình trạng vô niệu khá nguy hiểm.
  • Da xanh xao, cơ thể suy nhược, có thể xuất hiện tình trạng vàng da hoặc vàng mắt.
  • Mặt, miệng, lưỡi, họng sưng phù, đỏ rát
  • Mắt nóng rát và đau nhức nặng
  • Phát ban nặng, có thể bị phồng rộp và bong tróc da
  • Có thể xuất hiện tình trạng co giật và run rẩy nặng

Khi thấy cơ thể xuất hiện một trong những triệu chứng trên đây, người bệnh tuyệt đối không được lơ là. Lúc này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ tiến hành cấp cứu kịp thời, tránh các triệu chứng này trở nặng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Thận trọng khi dùng thuốc Ofloxacin

Để thuốc Ofloxacin phát huy công dụng một cách tốt nhất, người bệnh khi sử dụng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cho bác sĩ biết về các vấn đề bệnh lý mà người dùng đang gặp phải
  • Thông báo với bác sĩ nếu người bệnh dị ứng với bất kỳ một thành phần nào của thuốc.
  • Liệt kê đầy đủ và chính xác cho bác sĩ biết về các loại thuốc mà người bệnh đang và sắp sử dụng.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi.
  • Dùng thuốc đúng theo liều lượng quy định. Không tự ý tăng/ giảm liều khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Với trường hợp đang mang thai, dự định có con, đang cho con bú hoặc chuẩn bị phẫu thuật, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể dùng thuốc một cách an toàn nhất.

Tương tác của thuốc Ofloxacin

1. Những loại thuốc nào tương tác với Ofloxacin?

Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc có thể gây ra các tương tác thuốc nhất định, bao gồm cả tương tác tiêu cực và tích cực. Dưới đây là một số loại thuốc mà người bệnh không nên sử dụng trong khi đang dùng thuốc Ofloxacin:

  • Thuốc lợi tiểu: Furosemide, Hydrochlorothiazide
  • Thuốc chống rối loạn nhịp tim: Disopyramide, Quinidine, Dofetilide, Sotalol, Amiodarone
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Amitriptyline
Ofloxacin tương tác với những loại thuốc nào?
Ofloxacin tương tác với những loại thuốc nào?
  • Các loại thuốc chống rối loạn tâm thần
  • Nhóm thuốc có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim
  • Các loại thuốc kháng sinh Ketolide hoặc Macrolide
  • Thuốc Cisapride
  • Thuốc Corticosteroids
  • Nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường như Insullin, Glipizide
  • Các loại vắc – xin thương hàn vi khuẩn sống
  • Các loại thuốc chống đông máu: Procainamide, Warfarin
  • Thuốc điều trị các bệnh lý về đường hô hấp như Theophylline
  • Thuốc Foscarnet
  • Nhóm thuốc kháng viêm không steroid
  • Thuốc giảm đau có chất gây nghiện Tramadol
  • Các loại muối nhôm, muối sắt hoặc muối magie
  • Thuốc kháng thụ thể histamin H2 như Cimetidine

Để hạn chế những tương tác không mong muốn khi dùng thuốc Ofloxacin, người bệnh cần liệt kê đầy đủ và chính xác cho bác sĩ biết về các loại thuốc mà mình đang dùng hoặc có ý định sử dụng trong thời gian tới. Bác sĩ sẽ dựa vào đó để có thể điều chỉnh liều lượng thuốc sao cho phù hợp.

2. Thức ăn và bia rượu có tương tác với thuốc Ofloxacin?

– Bia rượu và thức ăn có thể gây ra một số tương tác nhất định gây ảnh hưởng đến công dụng của thuốc. Do đó, người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp khi đang điều trị bằng thuốc Ofloxacin.

– Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên lưu ý không uống rượu bia khi đang dùng thuốc. Bởi lẽ chúng có thể làm mất đi công dụng của thuốc, thậm chí còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị.

3. Tình trạng sức khỏe nào gây ảnh hưởng đến thuốc Ofloxacin?

Bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cũng có thể gây ra ít nhiều ảnh hưởng đến thuốc Ofloxacin. Do đó, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về các vấn đề sức khỏe mà mình đang gặp phải, đặc biệt là những bệnh lý sau đây:

  • Bệnh tim
  • Rối loạn nhịp tim hoặc có tiền sử bị mắc bệnh lý này
  • Nhịp tim chậm bất thường
  • Hạ kali trong máu
  • Bệnh tiểu đường
  • Thiếu máu cục bộ ở tim
  • Tiêu chảy
  • Động kinh hoặc có tiền sử động kinh
  • Bệnh lý về não
  • Bệnh tại thận
  • Bệnh lý về gan
  • Tình trạng rối loạn gân cơ
  • Nhược cơ, suy nhược cơ thể
  • Từng tiến hành ghép nội tạng như tim, phổi hoặc thận

Bảo quản thuốc Ofloxacin như thế nào?

  • Nên để thuốc ở những nơi thoáng mát và có nhiệt độ phòng ổn định
  • Tránh để thuốc ở nơi có độ ẩm cao hoặc có ánh nắng trực tiếp
  • Không để thuốc trong ngăn đá tủ lạnh hoặc trong nhà tắm
  • Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ con và thú nuôi trong gia đình
  • Bảo quản thuốc nguyên vẹn trong bao bì khi không sử dụng đến
  • Khi thuốc hết hạn sử dụng, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc hủy thuốc sao cho an toàn với môi trường.

Nên làm gì khi dùng thuốc quá/ lỡ liều?

– Dùng thuốc quá liều có thể khiến người bệnh gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn. Khi đó, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Hạn chế việc tự chữa trị tại nhà vì đôi khi có thể khiến cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

– Còn với trường hợp lỡ liều, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ cho liều dùng thuốc tiếp theo. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc gấp đôi liều lượng mà bác sĩ quy định.

Thuốc Ofloxacin điều trị nhiễm trùng có hiệu quả không?

Ofloxacin là loại thuốc trị nhiễm trùng bằng cách ngăn ngừa và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra các bệnh lý viêm nhiễm trên cơ thể. Bên cạnh đó, nó còn giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên và làm lành các vết thương.

Thuốc Ofloxacin điều trị nhiễm trùng có hiệu quả không?
Thuốc Ofloxacin điều trị nhiễm trùng có hiệu quả không?

Vậy thuốc Ofloxacin trị nhiễm trùng có tốt không? Với vấn đề này, chúng tôi xin trả lời rằng thuốc Ofloxacin sẽ đem lại hiệu quả điều trị khác nhau với từng đối tượng bệnh nhân. Với người có cơ địa hợp thuốc và mức độ nhiễm trùng chưa nghiêm trọng, Ofloxacin sẽ cho thấy hiệu quả khá tốt.

Tuy nhiên, với người cơ địa không hợp thuốc, sử dụng thuốc sai cách hoặc mức độ bệnh lý đã quá nghiêm trọng thì Ofloxacin chỉ có thể làm giảm bớt các triệu chứng chứ không điều trị triệt để được.

Thuốc Ofloxacin giá bao nhiêu?

Giá thuốc Ofloxacin cụ thể cho từng dạng như sau:

  • Thuốc uống tính theo đơn vị viên là 660 – 1.000 đồng/viên (hộp 2 vỉ/10 viên hoặc đóng chai 100 viên)
  • Thuốc nhỏ mắt Ofloxacin có giá dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/lọ có hàm lượng 5ml.

Giá thuốc Ofloxacin sẽ có sự chênh lệch nhất định giữa các địa điểm bán. Do đó, người dùng nên đến trực tiếp bệnh viện hoặc các nhà thuốc lớn uy tín để có thể mua thuốc với giá cả hợp lý nhất.

Trên đây là những thông tin về loại thuốc chống nhiễm trùng Ofloxacin. Mong rằng người bệnh có thể bổ sung cho mình những kiến thức này, từ đó biết cách sử dụng thuốc an toàn và đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Ngày đăng: 19/12/2023 - Cập nhật lúc 12:23 pm , 19/12/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Top