Menu

Ibandronate Có Tác Dụng Gì? Cách Dùng và Thận Trọng

Hoạt chất

Ibandronate

    Đóng gói: Viên nén bao phim và dung dịch tiêm tĩnh mạch

    Loại thuốc: Thuốc ức chế tiêu xương

    Tác dụng: Điều trị loãng xương và phòng ngừa biến cố về xương

Ibandronate là một bisphosphonate có tác dụng ức chế tiêu xương. Thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh và loãng xương do dùng glucocorticoid. Ngoài ra, loại thuốc này còn được dùng để phòng ngừa các biến cố về xương ở bệnh nhân ung thư di căn xương.

thuốc Ibandronate
Ibandronate (Ibandronic acid) có tác dụng ức chế quá trình tiêu hủy xương nhưng không ảnh hưởng đến quá trình hình thành xương

Ibandronate là thuốc gì?

Ibandronate (Ibandronic acid) là thuốc điều trị loãng xương được sử dụng phổ biến hiện nay. Thuốc được bào chế ở dạng viên uống và dung dịch tiêm. Với tác dụng ức chế tiêu xương, Ibandronate có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh loãng xương và giảm các biến chứng của bệnh.

Thông tin cơ bản:

  • Tên hoạt chất: Ibandronate/ Ibandronic acid
  • Phân nhóm: Bisphosphonates (thuốc ức chế tiêu xương và thuốc điều trị loãng xương)
  • Dạng bào chế: Viên nén bao phim và dung dịch tiêm
  • Hàm lượng: Viên nén (50mg, 150mg) và dung dịch tiêm Ibandronic acid 1mg/ ml

Cơ chế tác dụng của Ibandronate

Ibandronate là dẫn xuất của bisphosphonate có chứa nito. Tác dụng chính của thuốc là ức chế quá trình tiêu hủy xương và không ảnh hưởng đến quá trình hình thành xương. Hiệu quả ức chế tiêu xương của Ibandronate được xác định là thông qua cơ chế ngưng chức năng tuyến sinh dục, các chất tiết từ khối u và retinoid.

thuốc Ibandronate
Công thức hóa học của Ibandronate (Ibandronic acid)

Với cơ chế ức chế quá trình hủy xương, Ibandronate giúp tăng khối lượng xương và giảm tình trạng nứt xương, hủy xương ở bệnh nhân loãng xương. Tác dụng ức chế hủy xương của thuốc có hồi phục và tốc độ hủy xương sẽ phục hồi trở lại sau khi ngưng điều trị.

Chỉ định – Chống chỉ định

Ibandronate có tác dụng chính là ức chế quá trình tiêu hủy xương. Loại thuốc này được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh
  • Tăng canxi huyết do khối u có hoặc không có di căn (thường dùng đường tiêm tĩnh mạch)
  • Điều trị loãng xương do dùng glucorticoid liều cao hoặc dùng trong một thời gian dài
  • Giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi và gãy xương đốt sống ở bệnh nhân loãng xương
  • Phòng ngừa các biến cố về xương liên quan đến phẫu thuật, xạ trị ở bệnh nhân ung thư vú đã di căn xương.

Thuốc Ibandronate chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Hạ canxi máu (có thể điều chỉnh trước khi dùng thuốc Ibandronate và các dẫn xuất bisphosphonate khác)
  • Dị ứng và quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Bệnh nhân không có khả năng ngồi thẳng và đứng trong ít nhất 60 phút (đối với thuốc dạng uống)
  • Quá trình làm rỗng thực quản chậm bất thường do đau và hẹp thắt lưng

Cách sử dụng – liều lượng thuốc Ibandronate

Thuốc Ibandronate được bào chế ở dạng viên nén và dung dịch tiêm tĩnh mạch. Cách dùng và liều lượng thuốc phụ thuộc hoàn toàn vào dạng bào chế, mục đích sử dụng, độ tuổi, cân nặng và khả năng đáp ứng.

1. Liều dùng thuốc Ibandronate viên nén

Thuốc Ibandronate dạng viên nén được sử dụng bằng đường uống. Thuốc nên được nuốt trọn với nước lọc và nên dùng trước hoặc sau khi ăn khoảng 60 phút. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân cần ngồi hoặc đứng ở tư thế thẳng đứng, tuyệt đối không nằm xuống trong vòng 60 phút kể từ thời điểm dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Ibandronate trong điều trị loãng xương do sử dụng glucocorticoid, loãng xương sau mãn kinh và giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi, xương đốt sống:

  • Sử dụng 1 viên (150mg)/ lần/ tháng
  • Tốt nhất nên dùng thuốc vào cùng ngày và cùng thời điểm của mỗi tháng để đạt kết quả tối ưu
  • Điều trị lâu dài trong 3 – 5 năm

Liều dùng thuốc trong phòng ngừa các biến cố về xương ở bệnh nhân ung thư vú và ung thư di căn xương

  • Dùng 1 viên (50mg)/ lần/ ngày
  • Sử dụng trong thời gian được bác sĩ chỉ định

Bệnh nhân suy thận cần được điều chỉnh liều để đảm bảo an toàn. Trong đó, trường hợp suy thận trung bình sẽ được dùng liều 50mg mỗi 2 ngày và suy thận nặng dùng 50mg/ lần/ tuần.

2. Liều dùng thuốc Ibandronate dạng dung dịch

Dung dịch tiêm Ibandronate được sử dụng ở đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc dạng tiêm ít tác dụng phụ hơn thuốc uống nên được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân cao tuổi và có các bệnh lý nền.

thuốc Ibandronate
Thuốc tiêm tĩnh mạch thường được dùng để điều trị loãng xương, tăng canxi huyết do khối u và phòng ngừa biến cố về xương

Liều dùng thuốc trong phòng ngừa các biến cố về xương ở bệnh nhân ung thư vú và di căn xương:

  • Tiêm tĩnh mạch 6mg mỗi 3 – 4 tuần
  • Mỗi lần truyền ít nhất 15 phút

Liều dùng thuốc trong điều trị tăng canxi huyết do khối u:

  • Bệnh nhân cần được bù nước, điện giải bằng dung dịch natri clorid 0.9% trước khi điều trị.
  • Tăng canxi huyết nặng (albumin >= 3mmol/l): Liều 4mg
  • Tăng canxi huyết trung bình (albumin <3mmo): Liều 2mng

Liều dùng điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, do dùng glucocorticoid và phòng ngừa gãy cổ xương đùi, xương đốt sống:

  • Liều 3mg tiêm tĩnh mạch từ 15 – 30 giây, mỗi 3 tháng/ lần
  • Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần kết hợp bổ sung canxi và vitamin
  • Điều trị lâu dài trong 5 năm, sau đó bác sĩ sẽ đánh giá định kỳ giữa lợi ích và nguy cơ để xem xét có tiếp tục dùng thuốc hay không.

Tương tự như thuốc dạng viên, Ibandronate dạng dung dịch sẽ được điều chỉnh liều lượng ở bệnh nhân suy thận trung bình và suy thận nặng. Bác sĩ sẽ dựa vào độ thanh thải creatinin để chỉ định liều lượng, dịch truyền, khối lượng và thời gian phù hợp.

Thận trọng khi dùng thuốc trị loãng xương Ibandronate

Ibandronate là một trong những bisphosphonate được sử dụng phổ biến trong điều trị loãng xương. Với tác dụng ức chế quá trình tiêu xương, thuốc có thể củng cố mật độ của tế bào xương và ngăn ngừa các biến cố về xương hiệu quả.

thuốc Ibandronate
Phụ nữ mang thai không được khuyến cáo dùng thuốc trị loãng xương Ibandronate

Trước khi sử dụng thuốc Ibandronate, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tương tự như các bisphosphonate khác, Ibandronate tiêm tĩnh mạch có thể làm giảm canxi huyết thanh tạm thời. Do đó, trường hợp hạ canxi máu cần phải được điều chỉnh trước khi tiêm thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi trong thời gian điều trị.
  • Ibandronate tiêm tĩnh mạch có thể gây dị ứng hay nặng hơn là sốc phản vệ. Vì vậy, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện theo dõi trong 30 phút để kịp thời xử trí khi có biến cố.
  • Thuốc Ibandronate có thể gây độc tính lên thận ở bệnh nhân suy thận và đang sử dụng các loại thuốc gây độc trên thận. Do đó, bệnh nhân cần phải được theo dõi chức năng thận thường xuyên.
  • Nên dùng thuốc Ibandronate đường uống vào buổi sáng và chỉ ăn uống sau khi dùng thuốc ít nhất 60 phút. Trong vòng 60 phút này, không được nằm hay ngả người, đồng thời không dùng nước khoáng, nước trái cây hay cà phê mà chỉ có thể dùng nước lọc (không chứa khoáng chất).
  • Khi dùng thuốc dạng uống, nên uống cùng với 180 – 240ml nước lọc để thuốc được hấp thu tốt.
  • Chủ động ngưng thuốc nếu có hiện tượng ợ chua, đau ngực và đau khi nuốt. Sau đó, thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí.
  • Thông báo với bác sĩ nếu có hiện tượng ngứa ran, tê và co thắt cơ ở xung quanh miệng, tay, chân, đau dữ dội ở các khớp xương và đau hông.
  • Để thuốc phát huy tác dụng tốt, nên thay đổi các thói quen làm giảm mật độ khoáng trong xương như hút thuốc lá và sử dụng rượu.
  • Thuốc Ibandronate dạng viên có thể chứa lactose. Do đó, bệnh nhân không dung nạp lactose nên thận trọng khi sử dụng.
  • Thuốc Ibandronate không được khuyến cáo dùng cho thai phụ. Ở phụ nữ đang cho con bú, có thể dùng thuốc khi thực sự cần thiết.
  • Ibandronate và các loại thuốc bisphosphonate khác có thể gây tiêu xương hàm khi điều trị (gặp chủ yếu ở bệnh nhân bị ung thư, sử dụng glucocorticoid, xạ trị, hóa trị và mắc đồng thời với các bệnh về máu). Do đó, cần chú ý theo dõi các triệu chứng bất thường trong thời gian dùng thuốc.
  • Ibandronate gây kích thích lên dạ dày nên cần tránh sử dụng đồng thời với thuốc chống viêm không steroid/ NSAID (Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…). Nếu có thể, nên dùng Paracetamol thay thế nhằm giảm tác hại lên đường tiêu hóa.

Tác dụng không mong muốn

Ibandronate được sử dụng lâu dài trong điều trị loãng xương và phòng ngừa các biến cố về xương ở bệnh nhân ung thư di căn xương,… Do phải dùng dài hạn nên thuốc gây ra khá nhiều tác dụng phụ.

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Khó thở, thở rít và có cảm giác thiếu không khí
  • Ho
  • Căng thẳng
  • Nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường
  • Ù tai
  • Căng thẳng
  • Sốt, run
  • Đau họng
  • Hắt hơi
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc có máu
  • Đau bàng quang
  • Tiểu nóng, đau, khó tiểu và đi tiểu thường xuyên
  • Đau thắt lưng dưới hoặc đau một bên thắt lưng

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Hoa mắt
  • Phát ban
  • Khó nuốt
  • Sưng ở quanh mắt, mí mắt, lưỡi, môi
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Ngứa da, phát ban

Sử dụng thuốc Ibandronate đường tiêm tĩnh mạch có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm máu, chức năng gan, thận, kết quả đo nồng độ phospho và canxi. Trước khi thực hiện các xét nghiệm này, bạn nên thông báo với bác sĩ việc đang sử dụng thuốc ức chế tiêu xương Ibandronate.

Với các tác dụng ngoại ý có mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng dùng thuốc. Tuy nhiên nếu bị dị ứng nặng, cần xử trí bằng cách thở oxygen, tiêm epinephrine, sử dụng corticoid và thuốc kháng histamine.

Tương tác thuốc

Thuốc Ibandronate có thể tương tác với thuốc và một số loại thuốc thực phẩm. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về vấn đề này để hạn chế tương tác trong quá trình điều trị.

1. Tương tác với các loại thuốc khác

Thuốc Ibandronate có thể tương tác với nhiều loại thuốc nhưng đa phần đều không có ý nghĩa lâm sàng. Dù vậy vẫn có ghi nhận tương tác giữa Ibandronate với các chất ức chế isoenzyme P450 ở gan. Ngoài ra, cần thận trọng khi dùng Ibandronate dạng tiêm với Aminoglycoside. Dùng phối hợp hai loại thuốc này có thể làm giảm nồng độ canxi máu trong thời gian dài.

Thuốc Ibandronate dạng uống có thể tương tác với những nhóm thuốc sau:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Sử dụng đồng thời với Ibandronate làm tăng tác hại lên ống tiêu hóa. Do đó, cần thận trọng khi dùng đồng thời, đặc biệt là ở bệnh nhân bị đau dạ dày.
  • Thuốc kháng histamine H2 và thuốc kháng axit: Các loại thuốc này có thể làm tăng sinh khả dụng của Ibandronate. Tuy nhiên, không nhất thiết phải tăng liều thuốc Ibandronate khi dùng đồng thời.

Tốt nhất, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả viên uống và thực phẩm chức năng để được đánh giá nguy cơ tương tác.

2. Tương tác với thực phẩm

Thuốc Ibandronate tương tác với nhiều loại thức uống và thực phẩm. Đây cũng là lý do phải dùng thuốc khi đói và tránh ăn uống trong ít nhất 60 phút kể từ thời điểm uống thuốc.

Thuốc trị loãng xương Ibandronate có thể tương tác với các loại thức ăn sau:

  • Sữa
  • Chế phẩm từ sữa
  • Thực phẩm chứa cation đa trị (sắt, magie, nhôm)

Quá liều và cách xử trí

Sử dụng thuốc Ibandronate quá liều gây ra nhiều triệu chứng bất thường. Trong đó, thuốc tiêm tĩnh mạch có biểu hiện là hạ kali máu, giảm phospho máu và hạ canxi máu. Thuốc Ibandronate đường uống có thể gây ợ chua, viêm thực quản, đau dạ dày do viêm hoặc loét.

Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, cần gọi ngay cấp cứu. Đối với thuốc uống, bệnh nhân có thể xử trí tạm thời bằng cách uống một ly sữa đầy và cố gắng ngồi thẳng. Vì thuốc Ibandronate gây kích thích niêm mạc dạ dày và thực quản nên cần tránh tình trạng tự gây nôn.

Ibandronate là thuốc ức chế tiêu xương được sử dụng phổ biến trong điều trị loãng xương và các bệnh lý có liên quan. Loại thuốc này thường được dùng dài hạn từ 3 – 5 năm nên cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Bệnh nhân cũng cần lưu ý những vấn đề đặc biệt để tránh gây ảnh hưởng đến sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của thuốc.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 19/12/2023 - Cập nhật lúc 12:23 pm , 19/12/2023
Bình luận (1)
Sắp xếp
  • Nguyễn an duy Trả lời

    Mua online được không ad?

Bình luận

*
*

Top