Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn: Biểu Hiện và Cách Điều Trị

Đau dây thần kinh liên sườn là tình trạng đau thần kinh tại các dây thần kinh phát sinh từ tủy sống, ngay dưới xương sườn. Người bệnh thường có cảm giác đau nhói, âm ỉ hoặc bỏng rát ở xương sườn và lan tỏa ra các khu vực lân cận. Cần sớm tìm kiếm sự chăm sóc y tế để kiểm soát cơn đau và các nguyên nhân liên quan.

đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, cần sớm nhận được sự chăm sóc y tế

Đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Đau dây thần kinh liên sườn là thuật ngữ dùng để mô tả cơn đau đau dây thần kinh ảnh hưởng tới khu vực bên dưới xương sườn. Tình trạng này có thể do một số bệnh lý khác nhau gây ra, người bệnh thường cảm thấy đau nhiều ở vùng sườn, ngực và vùng bụng trên.

Nguyên nhân phổ biến của đau dây thần kinh liên sườn bao gồm khối u, chấn thương ngực hoặc xương sườn, bệnh zona, phẫu thuật ngực hoặc các cơ quan trong khoang ngực. Nên sớm tìm kiếm sự chăm sóc y tế để được chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân càng sớm càng tốt.

Trong một số trường hợp, đau dây thần kinh liên sườn có thể gây ra những cơn đau dữ dội, suy nhược cơ thể và khó thở. Ngoài ra, cơn đau ở vùng khung xương sườn còn có thể do một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng gây ra. Lúc này cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Biểu hiện của chứng đau dây thần kinh liên sườn

Triệu chứng đặc trưng của đau dây thần kinh liên sườn là đau ở vùng khung xương sườn. Cơn đau thường được mô tả như bị dao đâm, sắc nhọn, co thắt, nhức, chảy nước mắt hoặc như nghiến răng.

Cơn đau có thể quẩn quanh ngực của bạn hoặc lan tỏa ra từ phía sau về phía trước ngực. Đôi khi bạn cũng có thể cảm thấy đau đồng đều dọc theo chiều dài của xương sườn.

Đau dây thần kinh liên sườn có thể xuất hiện từng cơn lẻ tẻ, cơn đau cấp tính hoặc cũng có thể âm ỉ và liên tục. Mức độ của cơn đau thường tăng lên khi gắng sức. Điều này bao gồm nâng vật nặng, vặn hoặc xoay thân, cười lớn, ho hoặc hắt hơi.

Các triệu chứng khác có thể đi kèm bao gồm:

  • Đau bụng
  • Sốt
  • Ngứa ran
  • Tê bì
  • Đau ở cánh tay, vai hoặc lưng
  • Khả năng vận động của vai, lưng bị hạn chế
biểu hiện đau dây thần kinh liên sườn
Người bệnh thường bị đau ở vùng khung xương sườn, sắc nhọn như có dao đâm

Đau dây thần kinh liên sườn có thể gây ra các cơn đau dữ dội, suy nhược khiến cho bạn cảm thấy khó thở. Ngoài ra còn đau ở lồng ngực hoặc vùng ngực còn có thể do một tình trạng khác gây ra, cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Cơn đau tim là một ví dụ.

Trường hợp bạn hoặc người thân bị đau dữ dội, không rõ nguyên nhân trong lồng xương sườn hoặc gặp phải bất cứ triệu chứng nào sau đây thì nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Đau ngực hoặc xương sườn, có thể lan sang cánh tay trái, vai, lưng hoặc hàm
  • Áp lực ngực, tức ngực, chuột rút hoặc cảm giác rách ở ngực
  • Ho ra đờm màu vàng xanh
  • Tim đập nhanh hoặc có cảm giác rung rinh trong lồng ngực
  • Đau bụng nặng
  • Các vấn đề về hô hấp như khó thở dữ dội, thở gấp hoặc không thể hít thở đẩy đủ
  • Lú lẫn đột ngột, chóng mặt, thay đổi mức độ ý thức hoặc mức độ tỉnh táo

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn

Tình trạng đau dây thần kinh liên sườn có thể liên quan tới rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả ảnh hưởng của bệnh lý, phẫu thuật, chấn thương và các rủi ro khác. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Hội chứng đau sau phẫu thuật lồng ngực

Tình trạng này xảy ra sau khi phẫu thuật cắt lồng ngực (một vết rạch phẫu thuật được thực hiện giữa các xương sườn). Thường là trong một thủ thuật để tiếp cận với tim hoặc phổi. Vết rạch có thể gây chấn thương dây thần kinh liên sườn. Và đây có thể là một nguyên nhân gây ra cơn đau.

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 50% những người người phẫu thuật mở lồng ngực gặp phải hội chứng đau sau đó. Khoảng 30% số người vẫn còn bị đau từ 4 – 5 năm sau khi phẫu thuật. Ở hầu hết mọi người thì cơn đau thường nhẹ và không ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của họ.

2. Đau dây thần kinh hậu Zona

Đây là một trong những biến chứng tương đối phổ biến của bệnh zona. Bạn có thể phát hiện bệnh zona nếu trước đây từng bị thủy đậu. Khi đã mắc bệnh thủy đậu thì virus herpes zoster sẽ ở trong cơ thể suốt phần đời còn lại.

Virus herpes zoster có thể kích hoạt lại và gây ra bệnh zona nếu hệ thống miễn dịch suy yếu. Điều này có thể là do lão hóa hoặc do bạn đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

Đau dây thần kinh hậu Zona là tình trạng mãn tính có thể kéo dài sau khi bệnh zona khỏi hẳn. Khoảng 30 – 60% những người từ 60 tuổi trở lên bị bệnh zona sẽ phát triển chứng đau dây thần kinh này.

nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn có thể là hệ quả sau khi mắc bệnh Zona thần kinh

3. Chấn thương gây đau dây thần kinh liên sườn

Chấn thương là vấn đề có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay tai nạn thể thao. Bất cứ chấn thương nào xảy ra tại vùng ngực đều có thể gây ảnh hưởng và làm tổn thương dây thần kinh liên sườn. Đây là một trong những nguyên nhân khá phổ biến kích hoạt các cơn đau.

4. Các nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác

Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì chứng đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể xảy ra do một số vấn đề khác. Chẳng hạn như:

  • Viêm dây thần kinh
  • Một khối u ở ngực hoặc ở bụng đè lên dây thần kinh liên sườn
  • Căng cơ ở thành ngực, vai hoặc lưng
  • Tham gia các môn thể thao tiếp xúc hoặc tốc độ cao
  • Có tình trạng viêm toàn thân, chẳng hạn như viêm khớp
  • Ảnh hưởng của thai kỳ

Biến chứng của đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn không được điều trị hoặc kiểm soát kém có thể gây ra các biến chứng khác nhau tùy thuộc vào bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng cơ bản. Bất cứ loại đau vùng khung xương sườn nào, dù chỉ xảy ra đơn lẻ hay đi kèm với những triệu chứng khác đều cần được bác sĩ đánh giá kịp thời.

Khi nguyên nhân cơ bản được xác định, việc tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ hướng dẫn sẽ giúp giảm thiểu nguy gặp phải biến chứng. Ngược lại, không nghiêm túc điều trị có thể gây ra các biến chứng bao gồm:

  • Đau xương sườn mãn tính, đau ngực, suy nhược hoặc căng cứng
  • Mức oxy thấp
  • Cứng vĩnh viễn và giảm phạm vi chuyển động của thân hoặc vai
  • Viêm phổi
  • Sự lây lan của ung thư
  • Suy hô hấp hoặc ngừng hô hấp
biến chứng đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn không được điều trị có thể dẫn tới suy hô hấp

Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn

Đa số những người bị đau dây thần kinh liên sườn đầu tiên đi khám là vì họ nghĩ rằng họ có thể đang bị đau tim hay gặp phải các vấn đề tim mạch khác.

Khám sức khỏe được cho là một phần rất quan trọng trong việc chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn. Điều này liên quan tới việc kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể dùng tay ấn một lực nhẹ để đánh giá mức độ đau.

Để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây đau xương sườn, đau lưng hay đau thành ngực thì bác sĩ thường yêu cầu thực hiện xét nghiệm bổ sung. Điều này giúp xác định xem các dây thần kinh liên sườn có phải là nguồn gốc cơn đau hay không. Hoặc để chẩn đoán nguyên nhân khác gây ra đau ngực, chẳng hạn như bệnh tim mạch hay bệnh phổi.

Các xét nghiệm khác giúp đánh giá nguyên nhân gây đau liên quan tới dây thần kinh liên sườn bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực: Có thể giúp bác sĩ tìm các nguồn gây đau ngực, đau xương sườn và đau lưng. Đồng thời tìm các vấn đề về đường thở, tim, phổi và xương.
  • Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh: Giúp đánh giá tổn thương và rối loạn chức năng thần kinh.
  • Điện cơ: Đánh giá các cơ và hệ thống tế bào thần kinh điều khiến chúng.
  • Siêu âm cơ xương: Đây là kỹ thuật hình ảnh cơ xương liên quan tới hình ảnh chuyên sâu hơn so với chụp X-quang truyền thống và các xét nghiệm hình ảnh khác.

Trường hợp bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường, tiền sử gia đình mắc bệnh tim hay tiền sử hút thuốc lá thì bác sĩ có thể kiểm tra chức năng tim của bạn. Các thử nghiệm có thể bao gồm:

  • Kiểm tra mức độ căng thẳng khi tập thể dục: Bài kiểm tra này giúp bác sĩ tìm ra mức độ tim có thể xử lý khi gắng sức. Đồng thời biết được lượng máu cung cấp cho các động mạch hỗ trợ tim có bị giảm hay không.
  • Điện tâm đồ: Đây là một xét nghiệm đơn giản và không gây đau đớn, được thực hiện để đo hoạt động điện của tim.
  • Siêu âm tim: Thử nghiệm này dùng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh trực tiếp của tim. Thông qua hình ảnh, bác sĩ sẽ tìm ra cách mà tim và các van tim đang hoạt động.
  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện để đo mức độ của một số men tim. Nếu men tim tăng thì có thể thấy rằng tim đang có vấn đề.

Cách điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn thường phụ thuộc vào các nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, các triệu chứng có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Có thể cần đến sự kết hợp của nhiều phương pháp để kiểm soát cơn đau hiệu quả. Dưới đây là một số lựa chọn điều trị cho chứng đau dây thần kinh liên sườn:

1. Điều trị bằng thuốc

Đau dây thần kinh liên sườn thường không đáp ứng tốt với aspirin, các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc ma túy liều thấp. Tuy nhiên, một số loại thuốc không kê đơn có thể hữu ích. Chẳng hạn như:

  • Kem capsaicin
  • Gel lidocain
  • Miếng dán lidocain

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc chống trầm cảm để điều trị cơm đau, ngay cả khi bạn không bị trầm cảm. Loại thuốc này có thể giúp giảm đau ở mức độ vừa phải trong vòng vài tuần. Một số loại thường được dùng bao gồm:

thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn
Bác sĩ có thể kê toa thuốc để kiểm soát cơn đau và điều trị các vấn đề liên quan
  • Imipramine
  • Clomipramine
  • Desipramine
  • Nortriptyline
  • Amitriptyline
  • Doxepin
  • Protriptyline

Trong một số trường hợp, các thuốc chống co giật cũng có thể được chỉ định để hỗ trợ kiểm soát cơn đau. Chẳng hạn như:

  • Gabapentin
  • Pregabalin
  • Carbamazepine
  • Oxcarbazepine

Thuốc giảm đau opioid như oxycodone, tramadol hay morphine có thể được dùng để điều trị đau dây thần kinh liên sườn. Tuy nhiên, opioid có nguy cơ gây nghiện hoặc dẫn tới tử vong. Do đó, nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê toa liều opioid thấp nhất và cần theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình sử dụng.

2. Vật lý trị liệu

Trường hợp cơn đau kích hoạt ở mức độ nặng thì bạn cần tránh các hoạt động thể chất. Tuy nhiên điều này có thể sẽ khiến cho bạn mất sức mạnh của cơ bắp và hạn chế phạm vi chuyển động.

Liệu pháp vật lý và vận động có thể sẽ cần thiết để đảm bảo rằng bạn không bị mất khối lượng cơ. Ngoài ra, chuyên gia trị liệu cũng có thể sử dụng các phương pháp điều trị bằng nhiệt và lạnh để giúp bạn giảm đau hiệu quả hơn.

3. Các liệu pháp bổ sung

Một số liệu pháp bổ sung có thể giúp một số người bệnh đối phó tốt hơn với chứng đau dây thần kinh liên sườn. Chúng là các liệu pháp thay thế thường được kết hợp với các phương pháp điều trị y học cổ truyền. Tuy nhiên cần nhớ rằng, liệu pháp bổ sung hoàn toàn không thể thay thế cho chăm sóc y tế đầy đủ.

Các liệu pháp điều trị bổ sung có thể được áp dụng bao gồm:

  • Xoa bóp: Xoa bóp là liệu pháp đơn giản, dễ áp dụng, có khả năng đáp ứng cho các trường hợp bị đau thần kinh. Liệu pháp này có khả năng làm giảm mức độ nhạy cảm của các dây thần kinh bị tổn thương. Đồng thời kiểm soát cơn đau, hạn chế tình trạng tê bì, ngứa ran và tăng cường tuần hoàn máu. Ngoài ra, xoa bóp còn giúp làm giảm căng cơ và tăng khả năng vận động ở những vùng bị ảnh hưởng.
  • Châm cứu: Đây là liệu pháp được áp dụng phổ biến trong kiểm soát các cơn đau. Trong châm cứu, người thực hiện sẽ sử dụng những chiếc kim mỏng châm vào da, ngay tại những điểm cụ thể trên cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy, châm cứu có thể giúp làm giảm đau dây thần kinh. Nếu muốn trải nghiệm liệu pháp này thì người bệnh cần tìm kiếm một bác sĩ y học cổ truyền uy tín để được hỗ trợ.
  • Yoga: Một số tư thế yoga đơn giản có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Yoga sẽ giúp người bệnh thư giãn dây thần kinh, cân bằng các hoạt động của cơ thể và tăng cường độ linh hoạt của hệ xương. Ngoài ra, các bài tập yoga còn giúp điều hòa khí huyết, hạn chế cứng khớp và hữu ích cho sức khỏe tổng thể.
châm cứu giảm đau dây thần kinh
Liệu pháp châm cứu có thể được áp dụng để kiểm soát các cơn đau dây thần kinh liên sườn

4. Phong bế dây thần kinh

Phong bế dây thần kinh là một phương pháp quản lý đau có thể đáp ứng với các trường hợp đau dây thần kinh liên sườn, đau thần kinh tọa,… Phương pháp này gây mất cảm giác nhằm ngăn chặn hay kiểm soát cơn đau, có thể thông qua can thiệp ngoại khoa hoặc không.

Phong bế dây thần kinh không can thiệp ngoại khoa được thực hiện bằng cách tiêm thuốc xung quanh dây thần thân. Thuốc được sử dụng để ngăn xung thần kinh về tới hệ thần kinh trung ương và gây đau. Thay vào đó, phần cơ thể được phong bế dây thần kinh sẽ có cảm giác tê. Đồng thời người bệnh cũng có thể gặp phải cảm giác hơi châm chích.

Phong bế dây thần kinh có can thiệp ngoại khoa được thực hiện bằng cách cắt hoặc hủy các dây thần kinh xác định thật thận trọng. Mục đích là để ngăn chúng truyền xung thần kinh về đến hệ thần kinh trung ương.

Phong bế dây thần kinh có tác dụng từ khoảng 12 – 36 giờ phụ thuộc vào phương pháp được áp dụng. Trong khi đó, phong bế dây thần kinh có can thiệp ngoại khoa có thể sẽ mang lại tác dụng vĩnh viễn.

Phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn

Mặc dù không thể ngăn ngừa được tất cả nhưng một số nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn có thể phòng ngừa được. Nên thực hiện các biện pháp dưới đây:

phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn
Tiêm phòng vacxin thủy đậu giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Zona trong tương lai
  • Cả trẻ nhỏ và người lớn cần được tiêm phòng thủy đậu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh zona. Bởi đây là nguyên nhân khá phổ biến làm kích hoạt các cơn đau tại vùng dưới xương sườn.
  • Những người trên 60 tuổi nên chủ động tiêm chủng để phòng ngừa bệnh zona hoặc bệnh mụn rộp. Đây được cho là một cách phòng ngừa bệnh zona dẫn tới đau dây thần kinh hiệu quả.
  • Sớm phát hiện và điều trị dứt điểm các tình trạng viêm, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ bị đau dây thần kinh liên sườn.
  • Sau phẫu thuật cắt lồng ngực cần chú ý thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng vết thương và chăm sóc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thận trọng khi tham gia giao thông, sinh hoạt, lao động hay chơi thể thao để hạn chế nguy cơ bị chấn thương, đặc biệt là các chất thương tại vùng ngực.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ và dành thời gian cho hoạt động thể chất để tăng cường sức khỏe tổng thể. Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa để cải thiện hệ miễn dịch.

Đau dây thần kinh liên sườn có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nên chủ động thăm khám bác sĩ và nghiêm túc điều trị để sớm kiểm soát cơn đau và các nguyên nhân liên quan. Từ đó bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 21/06/2023 - Cập nhật lúc 12:51 pm , 21/06/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả