Menu

Perindopril điều trị bệnh huyết áp cao như thế nào? Lưu ý gì khi sử dụng?

Perindopril
Hoạt chất

Perindopril

    Đóng gói: Viên nén (2mg, 4mg, 8mg)

    Loại thuốc: Điều trị bệnh huyết áp cao

Perindopril là một trong những loại thuốc điển hình được bác sĩ khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân bị huyết áp cao, động mạch vành hoặc suy tim sung huyết. Thuốc có dạng viên nén và được chỉ định uống đều đặn mỗi ngày vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 30 phút.

Thuốc Perindopril có công dụng là gì?

Perindopril thuộc nhóm thuốc có tên gọi là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Thuốc hoạt động bằng cách giúp các mạch máu thư giãn và có tác dụng điển hình cho một số trường hợp như:

  • Điều trị tình trạng huyết áp cao
  • Perindopril giảm nguy cơ đau tim hoặc tử vong ở một số người mắc bệnh động mạch vành
  • Hỗ trợ điều trị bệnh suy tim sung huyết
  • Người bệnh bị nhồi máu cơ tim cũng có thể sử dụng thuốc Perindopril
  • Perindopril thích hợp cho đối tượng bị rối loạn tâm thất trái

Perindopril đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 1993.

Thuốc Perindopril dùng cho bệnh nhân bị huyết áp cao
Thuốc Perindopril dùng cho bệnh nhân bị huyết áp cao

Nên sử dụng Perindopril như thế nào?

Thuốc Perindopril có dạng viên nén và được khuyến cáo sử dụng mỗi ngày một lần vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 30-60 phút. Bệnh nhân có thể uống vào buổi tối, tuy nhiên sau liều đầu tiên, nếu cảm thấy chóng mặt, mọi người hãy chuyển sang uống buổi sáng. Viên thuốc cần được đưa vào cơ thể ở dạng nguyên vẹn cùng với một cốc nước đầy.

Liều dùng Perindopril cụ thể cho mọi người sẽ như sau:

1. Liều dùng cho bệnh nhân bị huyết áp cao

Độ tuổiLiều dùng
0-17 tuổiKhông nên dùng
18-64 tuổi
  • Khởi đầu: 4mg uống 1 lần/ngày
  • Duy trì: 4-8mg, uống 1 lần/ngày hoặc chia ra làm 2 liều
  • Tối đa: 16mg/ngày
>64 tuổi4mg uống 1 lần/ngày

2. Liều dùng Perindopril cho người bị bệnh động mạch vành

Độ tuổiLiều dùng
0-17 tuổiKhông dùng
18-64 tuổi
  • Khởi đầu: 4mg uống 1 lần/ngày trong 2 tuần
  • Tăng liều: 8mg/ngày nếu cơ thể bệnh nhân có phản ứng tốt với thuốc
65-70 tuổi
  • Khởi đầu: 4mg uống 1 lần/ngày trong 2 tuần
  • Tăng liều: 8mg/ngày nếu cơ thể bệnh nhân có phản ứng tốt với thuốc
>71 tuổi2 mg uống một lần mỗi ngày trong tuần đầu tiên và 4 mg uống một lần mỗi ngày trong tuần thứ hai

**Liều dùng thuốc Perindopril cho bệnh nhân bị tiểu đường, rối loạn tâm thất trái, suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim tương tự như liều dùng đối với người mắc huyết áp cao**

Tác dụng phụ của Perindopril là gì?

Người bệnh cần ngưng sử dụng Perindopril nếu cơ thể xuất hiện các vấn đề như:

  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Ho sốt
  • Đau lưng
  • Khó thở
  • Viêm họng
  • Phù mạch
  • Nhịp tim không đều
  • Vàng da
  • Buồn nôn và nôn
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Nổi mề đay, phát ban trên da
  • Men gan cao
Cẩn thận tác dụng phụ khi dùng thuốc
Cẩn thận tác dụng phụ khi dùng thuốc

Đối tượng nào nên thận trọng khi sử dụng thuốc?

FDA đã cảnh báo thuốc Perindopril có thể gây hại cho thai nhi, bởi vậy phụ nữ có thai không nên sử dụng loại thuốc này. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc việc thành phần của Perindopril có truyền vào sữa mẹ hay không. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, phụ nữ đang cho con bú nên tránh xa dược phẩm Perindopril.

Ngoài hai trường hợp kể trên, trước khi dùng Perindopril, người bệnh sẽ được bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát. Nếu thuộc một trong các đối tượng dưới đây, mọi người có thể sẽ phải tìm cách điều trị bệnh huyết áp cao bằng phương thuốc khác.

  • Bị đau tim, rối loạn nhịp tim, suy tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác
  • Mắc bệnh về gan như suy gan, viêm gan
  • Đã từng tiến hành cấy ghép hoặc cắt mất một bên thận
  • Mắc một căn bệnh tự miễn có tên gọi là Lupus
  • Đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là thuốc Tekturna hoặc Amturnide (aliskiren)
  • Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp
  • Thường xuyên mất cân bằng điện giải
  • Phù mạch (sưng mặt, môi, lưỡi, họng, cánh tay hoặc chân)
  • Thường xuyên dị ứng với thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển
  • Trẻ dưới 18 tuổi
  • Bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên sẽ phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ hơn khi sử dụng thuốc Perindopril

Người bệnh nên lưu ý gì khi dùng Perindopril?

  • Perindopril có thể gây chóng mặt hoặc ngất xỉu, chính vì thế người bệnh cần nhớ tuyệt đối không lái xe, làm việc nặng ngay sau khi vừa sử dụng thuốc
  • Rượu hoặc các đồ uống có cồn khác có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng của Perindopril. Do đó, trong thời gian điều trị bệnh huyết áp cao bằng loại thuốc này, mọi người nên hạn chế tối đa việc uống rượu
  • Thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Bởi vậy, nếu người mắc bệnh tiểu đường sử dụng loại thuốc này, mọi người cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mình một cách cẩn thận
  • Bác sĩ có thể đề nghị một kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục trong khi sử dụng perindopril
  • Cần uống nhiều nước mỗi ngày
  • Không dùng thay thế kali hoặc muối trong khi sử dụng perindopril trừ khi bác sĩ yêu cầu như vậy
  • Đổ mồ hôi quá nhiều, nôn mửa, tiêu chảy hoặc mất nước có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp thấp. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp phải vấn đề này khi dùng perindopril
  • Hãy cho bác sĩ biết bạn đang dùng thuốc này trước khi thực hiện bất kỳ loại phẫu thuật nào, bao gồm cả các thủ thuật nha khoa
  • Thuốc cần được uống đều đặn mỗi ngày nên mọi người cố gắng không quên liều. Nếu chẳng may quên, người bệnh cần bổ sung lại càng sớm càng tốt, tuy nhiên không gộp hai liều vào làm một
  • Tránh ngừng sử dụng thuốc khi chưa thông báo cho bác sĩ
  • Tuyệt đối không dùng chung đơn thuốc với người khác
  • Người bệnh cần kiểm tra huyết áp thường xuyên
Không dùng chung đơn thuốc với người khác
Không dùng chung đơn thuốc với người khác

Perindopril tương tác với những loại thuốc nào?

Viên uống Perindopril có thể tương tác với nhiều loại thuốc, vitamin và thảo dược. Tương tác xảy ra sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động của một hoặc nhiều loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe bệnh nhân nếu không kịp thời phát hiện.

Để tránh các tương tác, bác sĩ cần nắm được đầy đủ các tên thuốc hiện người bệnh đang sử dụng trước khi quyết định kê đơn Perindopril. Nếu mọi người chưa biết thuốc nào tương tác với Perindopril thì đừng bỏ qua mục thông tin quan trọng này nhé.

Dưới đây là một số thuốc được các chuyên gia y tế khẳng định là có thể xảy xung khắc với Perindopril:

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng chung Perindopril với ibuprofen hoặc Indomethacin có thể khiến thận của người bệnh bị tổn thương. Nguy cơ này càng tăng nếu đối tượng sử dụng thuốc là người cao tuổi

+ Thuốc lợi tiểu (thuốc nước): Uống thuốc lợi tiểu với perindopril đôi khi có thể làm huyết áp hạ xuống mức quá thấp. Ví dụ về các loại thuốc này bao gồm: Hydrochlorothiazide, Furosemide, Bumetanide, Chlorthalidone, Torsemide, Indapamide.

Một nhóm các loại thuốc lợi tiểu khác bao gồm Spironolactone, Triamterene, Amiloride nếu dùng chung với Perindopril làm tăng nguy cơ nồng độ kali trong máu cao, gây rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong.

+ Thuốc chống đông máu: Uống Warfarin hoặc Heparin với Perindopril cũng có thể kiến cho nồng độ kali trong máu tăng cao một cách đột ngột

+ Thuốc điều trị bệnh huyết áp: Người bệnh tránh dùng đồng thời cùng một lúc Perindopril với Aliskiren, Losartan, Valsartan, Olmesartan, Candesartan, Benazepril, Captopril, Enalapril, Lisinopril

+ Thuốc dùng cho các trường hợp cần cấy ghép nội tạng: Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không sử dụng Perindopril với một số loại thuốc như Temsirolimus, Sirolimus, Everolimus

Bảo quản thuốc ra sao?

  • Thuốc cần phải được bảo quản ở nhiệt độ phòng, không cần để trong ngăn mát tủ lạnh
  • Perindopril sẽ dễ bị hỏng nếu mọi người cất trữ trong nhà tắm hoặc các khu vực dễ bị ẩm mốc
  • Không được để thuốc ở vị trí có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào
  • Tránh xa tầm với của trẻ em
  • Bảo quản thuốc nguyên vẹn trên bao bì vốn có của nó
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng

Nên mua Perindopril ở đâu? Giá bao nhiêu?

Tùy thuộc vào từng thời điểm cũng như địa chỉ bán, người bệnh có thể sẽ phải mua Perindopril với mức giá khác nhau. Tuy nhiên, để mua được thuốc chính hãng, tốt nhất mọi người nên đến bệnh viện hoặc các cửa hàng thuốc lớn.

Người bị huyết áp cao có thể sẽ phải sử dụng thuốc suốt đời. Trước khi các nhà nghiên cứu cùng các chuyên gia y tế có thể tìm ra được liệu pháp chữa bệnh hiệu quả hơn Perindopril thì mọi người vẫn nên duy trì thói quen uống thuốc đều đặn mỗi ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh đừng quên thay đổi chế độ ăn uống và dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện sức khỏe. Đồng thời, mọi người cần hình thành thói quen kiểm tra huyết áp để biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình.

Ngày đăng: 19/12/2023 - Cập nhật lúc 12:23 pm , 19/12/2023
Top