Top 10 Các Bệnh Về Đại Tràng Thường Gặp Nhất Ở Nước Ta

Các bệnh về đại tràng thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là cơ quan phân hủy chất cặn bã thành phân và thải ra ngoài nên vi khuẩn dễ dàng phát triển mạnh và tấn công gây ra nhiều bệnh lý như viêm loét đại tràng, xuất huyết đại tràng, hội chứng ruột kích thích hoặc nguy hiểm hơn là ung thư đại tràng.

Đại tràng là gì? Cấu tạo, chức năng

Đại tràng là đoạn ruột già nằm giữa ruột non với ống hậu môn, một bộ phận quan trọng của đường tiêu hóa. Cơ quan này có chức năng chứa các chất cặn bã sau khi thức ăn được tiêu hóa tại ruột non, sau đó hấp thụ một phần nước và các chất dinh dưỡng còn sót lại trong thực phẩm, tạo phân và co bóp để đào thải chất cặn bã ra ngoài.

Các bệnh về đại tràng
Đại tràng là bộ phận chứa phân nên dễ phát triển vi khuẩn và dẫn đến nhiều bệnh lý.

Đại tràng được tạo thành từ 3 bộ phận nhỏ, bắt đầu với manh tràng, tới kết tràng và đoạn cuối cùng là trực tràng. Theo vị trí trong cơ thể, chúng được chia thành hai đoạn đại tràng riêng biệt gồm đại tràng trái và đại tràng phải. Mỗi đoạn lại giữ một chức năng nhất định.

  • Đại tràng bên phải: Đây chính là phần lưu trữ thức ăn sau khi đi qua ruột non nhằm giúp cho quá trình tái hấp thụ chất dinh dưỡng được triệt để. Sau khi các dưỡng chất được đưa từ ruột non xuống manh tràng, có khoảng 98% lượng nước sẽ được hấp thụ tại đây cùng với một số chất điện giải và các chất hòa tan. Trong khi đó, các chủng vi khuẩn ưa acid có trong ruột già sẽ dùng men cellulase để phân hủy một lượng lớn tinh bột ( chủ yếu là cellulose) có trong thức ăn dẫn đến hiện tượng lên men và tạo ra glucose để hấp thụ.
  • Đại tràng bên trái: Hầu hết các thành phần trong thức ăn còn sót lại đã được hấp thụ tại đại tràng phải và chỉ còn lại chất cặn bã. Lúc này, thành ruột sẽ tiết ra mucoprotein và được các vi khuẩn phân hủy cho thối rữa thành phân và đưa xuống đại tràng sigma. Từng đợt phân rơi vào trực tràng sẽ kích thích các cơ co bóp và tạo ra phản xạ buồn đi đại tiện.

Quá trình hình thành và đào thải phân diễn ra tại ruột già nên khu vực này có thể phát sinh nhiều vi khuẩn gây hại. Điều này dẫn đến nhiều bệnh lý về đại tràng làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tiêu hóa.

Các bệnh về đại tràng thường gặp

Bất kỳ bộ phận nào của đại tràng cũng có thể bị tổn thương, viêm nhiễm hoặc gặp nhiều vấn đề khác liên quan đến tình trạng rối loạn cơ co thắt hoặc khối u… Cụ thể, các bệnh về đại tràng thường gặp nhất bao gồm:

1. Viêm đại tràng

Viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến nhất ở đại tràng. Bệnh xảy ra khi có tình trạng viêm cấp hoặc mãn tính ở lớp niêm mạc đại tràng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do bị nhiễm vi khuẩn, virus, căng thẳng quá mức, lạm dụng thuốc kháng sinh, táo bón kéo dài hoặc do bị nhiễm độc kim loại nặng.

Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng:

  • Đau âm ỉ, đau quặn từng cơn hoặc đau dữ dội ở khu vực bụng dưới. Cơn đau có thể lan dọc theo khung đại tràng và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.
  • Tiêu chảy (đại tiện lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày) hoặc táo bón.
  • Ăn uống không ngon miệng, chán ăn, cơ thể gầy sút
  • Mệt mỏi
  • Đi ngoài ra máu và phân có thể lẫn chất nhầy.

Phương pháp điều trị: 

Bệnh viêm đại tràng chủ yếu được điều trị nội khoa với thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, chống nhiễm trùng. Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được bác sĩ kê đơn tùy theo nguyên nhân và triệu chứng gặp phải, chẳng hạn như thuốc kháng lao, thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc nhuận tràng, thuốc cầm tiêu chảy…

Phẫu thuật được đề nghị khi bệnh diễn tiến nặng gây ra những vết loét nghiêm trọng, thủng đại tràng hoặc xuất huyết ồ ạt.

2. Viêm đại tràng co thắt ( hội chứng ruột kích thích)

Trong số các bệnh về đại tràng, viêm đại tràng co thắt cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Sự khởi phát của bệnh có liên quan đến tình trạng rối loạn trong hoạt động của nhu động ruột gây ra những cơn co thắt không đúng cách ở đại tràng. Trong y học, viêm đại tràng co thắt được biết đến với tên gọi khác là hội chứng ruột kích thích.

Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài, lạm dụng bia rượu cùng với chế độ dinh dưỡng không hợp lý là những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm đại tràng co thắt. Bệnh không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chức năng tiêu hóa.

Các bệnh về đại tràng thường gặp - viêm đại tràng co thắt
Bệnh viêm đại tràng co thắt xảy ra khi nhu động ruột bị kích thích và co bóp mạnh

Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt:

  • Xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng bụng dưới, bên trái
  • Chướng bụng
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày và thường xuyên đột ngột muốn đi ngoài khi cơn co thắt nhu động ruột xuất hiện. Một số trường hợp lúc bị táo bón, khi thì lại đi ngoài phân lỏng.
  • Có chất nhầy trong phân
  • Chán ăn
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Giảm cân khiến người gầy yếu, xanh xao.

Phương pháp điều trị:

Để cải thiện các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc chống tiêu chảy hay thuốc giảm co thắt nhu động ruột. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hồi phục và giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai. Người bệnh nên tăng cường bổ sung chất xơ vào bữa ăn, tránh xa các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá), tập thể dục mỗi ngày và tránh căng thẳng.

3. Bệnh polyp đại tràng

Một số bệnh nhân được chẩn đoán mắc polyp đại tràng. Bệnh có điểm đặc trưng là sự xuất hiện của một hay nhiều khối u ở thành đại tràng. Chúng có kích thước to nhỏ khác nhau, một số loại còn có cuống.

Có 4 loại polyp đại tràng phổ biến gồm:

  • Polyp tăng sản
  • Polyp viêm
  • Polyp hamartomatous
  • Polyp ác tính gây ung thư đại tràng

Dấu hiệu nhận biết polyp đại tràng:

Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau khi khối polyp phát triển to về kích thước. Cần thận trọng với căn bệnh này khi bạn gặp những dấu hiệu sau:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau bụng dưới
  • Mệt mỏi
  • Đi ngoài thấy phân có lẫn máu
  • Đại tiện táo bón hoặc tiêu chảy…

Phương pháp điều trị:

Polyp đại tràng khi phát triển lớn có thể gây tắc ruột và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Chính vì vậy, bệnh nhân được khuyến cáo nên cắt bỏ từ sớm thông qua nội soi đại tràng. Trong trường hợp khối u ác tính thì tiến hành điều trị theo phác đồ chữa ung thư đại tràng.

4. Bệnh Crohn

Crohn là một dạng viêm ruột có tính chất mãn tính, thường gây tổn thương cho hồi tràng và đại tràng. Tuy nhiên, bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đến nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh crohn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều giả thiết cho rằng sự khởi phát của bệnh có liên quan đến di truyền và yếu tố miễn dịch. Tổn thương viêm do bệnh crohn gây ra thường ảnh hưởng vào sâu bên trong các lớp mô của đường ruột.

Các bệnh về đại tràng thường gặp - Crohn
Bệnh crohn có thể gây tổn thương cho nhiều vị trí trong đường ruột, bao gồm cả ruột già

Các dấu hiệu nhận biết bệnh crohn:

  • Đi cầu phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày
  • Đau bụng ở vị trí đường ruột có tổn thương
  • Chuột rút cơ bụng
  • Nóng sốt
  • Loét miệng
  • Đi cầu ra máu lẫn trong phân
  • Giảm cân
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Xung quanh hậu môn hoặc vùng lân cận có thể bị đau
  • Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo ở người bị crohn nặng, bao gồm: Viêm khớp, viêm da hay viêm gan…

Phương pháp điều trị:

Bệnh crohn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bệnh chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng một số loại thuốc kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm đau, chống viêm. Việc bổ sung sắt, canxi, vitamin B12 hay vitamin D sẽ giúp giảm nguy cơ gặp biến chứng do bệnh gây ra.

5. Viêm loét đại tràng

Khi tổn thương ở niêm mạc đại tràng không được điều trị tốt, tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng và ăn sâu vào trong hình thành lên các vết loét. Lúc này, niêm mạc đại tràng rất dễ bị sung huyết, chảy máu, phình giãn to, tạo ổ áp xe hoặc nghiêm trọng hơn là thủng đại tràng.

Dấu hiệu nhận biết viêm loét đại tràng:

  • Đau bụng dưới. Cơn đau có nhiều tính chất khác nhau tùy theo tình trạng tổn thương trong đại tràng.
  • Đi ngoài ra máu
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Hay mót rặn
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Có thể bị sốt khi nhiễm khuẩn
  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi, giảm cân đột ngột…

Phương pháp điều trị:

Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng có nguy cơ cao bị ung thư ruột già cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bệnh nhân cần tích cực điều trị theo phác đồ dùng thuốc của bác sĩ. Trường hợp bị tiêu chảy nhiều sẽ được truyền nước và chất điện giải. Đôi khi, phẫu thuật có thể được chỉ định để cầm máu và sửa chữa tổn thương trong đại tràng.

6. Xuất huyết đại tràng

Xuất huyết đại tràng cũng là một trong các bệnh về đại tràng thường gặp. Đây được xem là biến chứng khi bệnh nhân bị viêm loét đại tràng nặng không được điều trị đúng cách, kịp thời. Lớp niêm mạc đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng gây giãn nở và làm vỡ các mao mạch dẫn đến chảy máu.

Các bệnh về đại tràng thường gặp - xuất huyết đại tràng
Xuất huyết đại tràng ồ ạt có thể gây tử vong

Dấu hiệu nhận biết xuất huyết đại tràng:

  • Đi ngoài ra máu tươi hoặc máu đỏ thẫm
  • Đại tiện lỏng, phân nát, có màu cà phê do lẫn máu và rất thối
  • Có thể bị táo bón xen kẽ tiêu chảy
  • Có dấu hiệu mất nước
  • Cơ thể choáng váng, mệt mỏi, suy nhược
  • Da xanh xao
  • Buồn nôn và có thể nôn ra máu.

Phương pháp điều trị:

Khi có dấu hiệu bị xuất huyết đại tràng, bệnh nhân cần nằm yên một chỗ để nghỉ ngơi, cầm máu. Uống nước muối pha loãng để cầm máu. Tuy nhiên, nếu bị xuất huyết ồ ạt thì nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Ở mức độ xuất huyết nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn để khắc phục bệnh. Đối với các trường hợp xuất huyết đại tràng nặng, có biến chứng cần làm phẫu thuật để bảo toàn tính mạng.

7. Bệnh viêm đại tràng giả mạc

Khi vi khuẩn Clostridium difficile phát triển quá mức, chúng có thể tấn công vào niêm mạc ruột già và gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc. Loại vi khuẩn này có khả năng sản sinh ra độc tố khiến cho các tế bào trong lớp niêm mạc bị viêm và tiết dịch tạo thành lớp giả mạc màu trắng bao phủ trên bề mặt tổn thương.

Bệnh viêm đại tràng giả mạc chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin trong thời gian dài. CHúng gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột và tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium difficile phát triển.

Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng giả mạc:

  • Thường xuyên xuất hiện các cơn đau quặn ở bụng
  • Tiêu chảy diễn ra trong thời gian dài
  • Có cảm giác buồn nôn
  • Nóng sốt nhẹ
  • Mất nước do tiêu chảy kéo dài
  • Phân chứa chất nhầy và mủ

Phương pháp điều trị:

Để điều trị viêm đại tràng giả mạc, bệnh nhân được yêu cầu ngừng dùng thuốc kháng sinh hiện tại và chuyển sang một loại thuốc kháng sinh mới nhạy cảm với vi khuẩn Clostridium difficile. Quá trình điều trị bằng thuốc có thể được tiến hành song song với cấy ghép phân để khôi phục trạng thái cân bằng cho hệ vi sinh vật ở đường ruột.

Phẫu thuật được chỉ định cho các đối tượng có dấu hiệu bị suy nội tạng, thủng đại tràng hoặc viêm phúc mạc bụng.

8. Bệnh xoắn đại tràng

Bệnh xoắn đại tràng thường xảy ra ở manh tràng hay đại tràng sigma. Căn bệnh này chỉ hiện tượng một đoạn ruột già bị xoắn vặn vào nhau dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ruột, làm cản trở lưu thông máu. Hậu quả là đại tràng bị thiếu máu cục bộ dẫn đến hoại tử hoặc bị vỡ.

Các bệnh về đại tràng thường gặp - xoắn đại tràng
Bệnh xoắn đại tràng có thể gây tắc ruột, hoại tử ruột già

Dấu hiệu bệnh xoắn đại tràng:

  • Xuất hiện cơn đau bụng dữ dội. Cảm giác đau có thể lan khắp ổ bụng
  • Bụng phình to, chướng căng
  • Hay nấc cụt
  • Có cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói nhiều
  • Không đi ngoài được.

Phương pháp điều trị:

Bệnh xoắn đại tràng kéo dài gây tắc ruột, hoại tử cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Để tháo xoắn, bác sĩ có thể tiến hành nội soi đại tràng qua ngả hậu môn và thụt barium. Phẫu thuật được chỉ định khi phương pháp trên thất bại hoặc người bệnh có biến chứng cần được mổ cấp cứu.

9. Thiếu máu cục bộ đại tràng

Trong số các bệnh về đại tràng, thiếu máu cục bộ đại tràng cũng có mức độ phổ biến cao. Nguyên nhân gây bệnh là do có hiện tượng tắc nghẽn ở các động mạch trong ruột già dẫn đến tuần hoàn máu giảm, từ đó gây thiếu máu cục bộ và khiến cho các mô bị hoại tử. Bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu cục bộ đại tràng:

  • Xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, từng cơn
  • Đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng
  • Đi ngoài ra máu có màu đỏ tươi hoặc nâu đỏ
  • Buồn nôn, nôn ói trong thời gian dài
  • Bụng co cứng khi bị viêm phúc mạc.

Phương pháp điều trị:

  • Nội khoa: Áp dụng cho các trường hợp bị nhẹ. Bệnh nhân được chỉ định thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng. Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng được bác sĩ kê đơn, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc làm tan huyết khối, thuốc tăng sức bền cho thành mạch.
  • Ngoại khoa: Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị hoại tử, thủng đại tràng.

10. Ung thư đại tràng

Căn bệnh này được xếp vào nhóm các bệnh lý nguy hiểm nhất về đại tràng. Bệnh ung thư đại tràng xảy ra khi có sự xuất hiện của các tế bào hay khối u ác tính ở ruột già. Khối u phát triển lớn hơn sẽ xâm lấn qua thành đại tràng và di căn đến các cơ quan khác.

Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng:

  • Đau quặn bụng
  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài
  • Chán ăn
  • Khó tiêu
  • Giảm cân bất thường
  • Đại tiện táo lỏng thất thường
  • Phân mỏng, dẹp, có lẫn máu
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, giảm cân không rõ nguyên nhân.

Phương pháp điều trị:

Phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị là những phương pháp đang được áp dụng rộng rãi trong điều trị ung thư đại tràng. Đôi khi, bác sĩ có thể kết hợp 2 phương pháp với nhau để nâng cao khả năng thành công.

Cách phòng ngừa các bệnh về đại tràng

Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đại tràng, bạn có thể áp dụng các giải pháp sau:

  • Đảm bảo vệ sinh trong ăn uống
  • Hạn chế sử dụng chất béo, gia vị cay hoặc các chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín.
  • Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
  • Bỏ hút thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc thì cũng nên tránh xa những nơi có khói thuốc lá
  • Không tùy tiện sử dụng thuốc tây bừa bãi, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
  • Uống nhiều nước để hỗ trợ tiêu hóa và đào thải độc tố cho đường ruột.
  • Tránh stress
  • Tập thể dục mỗi ngày để cải thiện khả năng miễn dịch và giúp đại tràng khỏe mạnh hơn.

Các bệnh về đại tràng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh. Một số bệnh khi tiến triển sang giai đoạn mãn tính còn thường xuyên tái phát. Chính vì vậy, bạn nên đi khám và tiến hành điều trị ngay từ khi có các dấu hiệu nghi ngờ ban đầu để duy trì chức năng hoạt động cho đại tràng.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng: 14/06/2023 - Cập nhật lúc 11:51 pm , 14/06/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc