Bệnh Viêm Khớp Là Gì? Triệu Chứng và Cách Điều Trị

Bệnh viêm khớp là căn bệnh khá phổ biến ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhất là người già, người lao động nặng nhọc hoặc bị béo phì. Bệnh xảy ra khi khớp bị viêm nhiễm, sưng phù kèm theo triệu chứng đau nhức khớp, cứng khớp và nhiều dấu hiệu bất thường khác. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm khớp sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ bị tàn tật suốt đời.

Bệnh viêm khớp là gì?

Viêm khớp (tên tiếng anh: Arthritis) là tình trạng sưng viêm ảnh hưởng đến một hay nhiều khớp trên cơ thể. Bệnh gây tổn thương cho các mô sụn và xương dưới sụn dẫn đến sưng phù, nóng đỏ khớp, cứng khớp đi kèm với các cơ đau nhức khó chịu. Các cử động ở khớp bị viêm cũng trở nên khó khăn hơn bình thường.

bệnh viêm khớp là gì
Bệnh viêm khớp là nguyên nhân phổ biến gây sưng đau các khớp

Các biểu hiện của bệnh viêm khớp tiến triển dần theo thời gian nhưng một số trường hợp có thể bị sưng đau khớp đột ngột. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến người già, người lao động chân tay nặng nhọc, thừa cân hay các vận động viên thể thao. Tuy nhiên trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể mắc căn bệnh này.

Phương pháp điều trị viêm khớp tùy thuộc vào nguyên nhân và dạng bệnh. Mục tiêu chính là giảm nhẹ triệu chứng bệnh, sửa chữa tổn thương viêm tại khớp, khôi phục chức năng vận động và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Các dạng viêm khớp

Trong y học, bệnh viêm khớp được chia thành hơn 100 loại khác nhau. Phổ biến nhất là các dạng dưới đây:

1. Viêm xương khớp

Bệnh viêm xương khớp còn được gọi là thoái hóa khớp hoặc viêm khớp thoái hóa. Căn bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến lứa tuổi từ 40 trở lên và phổ biến hơn ở phụ nữ. Bệnh bắt đầu khởi phát với sự hao mòn của lớp sụn bên trong khớp khiến cho sụn bị mỏng đi và trở lên thô ráp, sần sùi. Điều này làm tăng lực ma sát giữa các đầu xương khi vận động và khiến người bệnh bị đau khớp, sưng hay cứng khớp, vận động khó khăn.

Sự hao mòn sụn nghiêm trọng còn có thể kích thích các gai xương phát triển hoặc gây biến dạng khớp, khiến xương bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu bên trong ổ khớp. Các khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh viêm xương khớp chính là khớp đầu gối, khớp hông, xương sống hay các khớp ở tay.

2. Viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường phát triển trong độ tuổi từ 40 – 50. Phụ nữ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao gấp 3 lần so với nam giới. Đây là một dạng viêm khớp tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô khỏe mạnh trong khớp thay vì phải tiêu diệt các tác nhân có hại, từ đó dẫn đến sưng đau khớp.

Bao hoạt dịch khớp chính là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. Tình trạng viêm sau đó lan rộng ra toàn bộ khớp dẫn đến sưng phù, thay đổi hình dạng của khớp.

Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp đối xứng. Ngoài ra, một số cơ quan khác trong cơ thể cũng bị tổn thương.

3. Bệnh gout

Bệnh gout là một dạng viêm khớp mãn tính có liên quan đến tình trạng tăng axit uric máu do cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric nhưng không đào thải hết lượng dư thừa. Bệnh mang lại những cơn đau dữ dội kèm theo tình trạng sưng viêm, nóng đỏ khớp.

các dạng viêm khớp
Gout là một dạng bệnh viêm khớp thường gặp

Các trường hợp mắc bệnh gout chủ yếu là người thường xuyên uống bia rượu, bị suy giảm chức năng thận, béo phì, cao huyết áp, sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc ăn nhiều hải sản, thịt đỏ.

4. Các loại viêm khớp khác

  • Viêm cột sống dính khớp: Bệnh ảnh hưởng đến xương cột sống, cơ và các dây chằng xung quanh. Ngoài ra, khớp cùng chậu hay các khớp ngoại vi cũng có thể bị tổn thương. Khi mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, các khớp hợp nhất với nhau dẫn đến đau lưng, cứng khớp, co cứng các cơ cạnh cột sống.
  • Đau cơ xơ hóa: Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi trung niên, tuy nhiên một số trẻ cũng có thể bị đau cơ xơ hóa. Bệnh gây rối loạn giấc ngủ, đau cơ và xương khớp mãn tính, tê và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân hoặc suy giảm trí nhớ.
  • Viêm khớp vẩy nến: Có khoảng 6 – 42% bệnh nhân vẩy nến mắc chứng viêm khớp này. Nguyên nhân gây viêm khớp vẩy nến có liên quan đến sự tấn công nhầm lẫn của hệ miễn dịch vào các mô khỏe mạnh ở da và khớp.
  • Lupus ban đỏ hệ thống: Bệnh có tính chất tự miễn gây ra tổn thương lan rộng cho các mô ở da, phổi, thận, khớp và nhiều cơ quan khác. Lupus ban đỏ có thể bùng phát thành từng đợt và thuyên giảm sau đó nhưng không thể điều trị dứt điểm. Các đối tượng mắc bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 15 – 45, nữ nhiều hơn nam giới.
  • Viêm khớp phản ứng: Bệnh bắt đầu với tình trạng nhiễm trùng ở bộ phận khác trong cơ thể ( chẳng hạn như ruột, cơ quan sinh dục hay đường tiết niệu), sau đó mới lây lan đến khớp. Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất đó là các khớp ở chi dưới như khớp gối, khớp cổ chân hay bàn chân. So với các dạng viêm khớp khác, viêm khớp phản ứng có tiên lượng khả quan hơn. Khi được điều trị sớm và đúng cách, bệnh có thể khỏi trong vòng 12 tháng.
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn thường gặp nhất là ở khớp gối hay khớp háng.

Các vị trí thường bị viêm khớp

Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Phổ biến nhất là các khớp lớn phải vận động thường xuyên và chịu nhiều áp lực, chẳng hạn như khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay, cổ chân…

Nguyên nhân gây viêm khớp

Các nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp gồm:

  • Chấn thương: Tình trạng viêm có thể phát triển sau khi bị chấn thương ở khớp do bị tai nạn hay chơi thể thao quá sức…
  • Hoạt động không đúng cách: Vận động không đúng tư thế, thường xuyên bưng bê vật nặng quá mức, đứng lâu, ngồi nhiều khiến cho các khớp chịu nhiều áp lực và bị tổn thương, từ đó dẫn đến viêm khớp.
  • Lạm dụng chất kích thích: Thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều loại viêm khớp khác nhau, nhất là bệnh gout.
  • Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng ngoài da hay các cơ quan khác đều có thể ảnh hưởng đến khớp và khiến khớp bị sưng viêm. Các trường hợp mới làm phẫu thuật khớp hay chọc hút dịch cũng có thể gặp biến chứng nhiễm trùng khớp do không được chăm sóc đúng cách.
nguyên nhân gây viêm khớp
Một số người bị viêm khớp do nhiễm trùng
  • Sử dụng khớp quá mức: Các cử động ở khớp được lặp đi lặp lại liên tục sẽ gây tổn thương cho sụn và đầu xương, từ đó kích hoạt phản ứng viêm bùng phát.
  • Ít vận động: Lười vận động không chỉ gây béo phì, làm gia tăng áp lực lên khớp mà còn ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu tới nuôi dưỡng khớp. Tất cả đều khiến các khớp xương ngày càng trở nên suy yếu, dễ bị chấn thương, viêm nhiễm.
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Một số trường hợp ăn uống không đầy đủ hoặc thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương khớp, nhất là canxi. Đây chính là mầm mống kích thích sự phát triển của các bệnh lý như loãng xương, thoái hóa khớp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến ở trên thì một cá nhân sẽ có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn nếu có các yếu tố sau:

  • Tuổi: Nguy cơ bị viêm khớp hoặc các bệnh về khớp sẽ gia tăng theo tuổi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những đối tượng khác. Nguyên nhân là do tình trạng lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến lớp sụn ngày càng bị ăn mòn và các tế bào xương cũng có khả năng tái tạo kém nên dễ bị chấn thương khớp, thoái hóa hay sưng viêm khớp.
  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc viêm khớp cao hơn nam giới. Nhưng riêng bệnh Gout lại gặp nhiều ở nam.
  • Di truyền: Nguy cơ mắc viêm khớp sẽ cao hơn gấp 5 lần nếu như trong gia đình bạn trước kia có người bị bệnh.
  • Thừa cân, béo phì: Những người bị thừa cân, béo phì sẽ dễ bị viêm khớp hơn người có vóc dáng cân đối.
  • Chấn thương khớp hoặc nhiễm trùng: Các mô sụn sẽ bị ảnh hưởng nếu như bị nhiễm trùng hoặc chấn thương, điều này làm tăng nguy cơ viêm khớp ở bạn.
  • Nghề nghiệp: Nếu công việc của bạn có liên quan đến uốn cong đầu gối, ngồi xổm kéo dài và lặp lại sẽ rất dễ bị viêm khớp, đặc biệt là viêm xương khớp đầu gối.
  • Do bẩm sinh: Một số người bệnh từ khi sinh ra đã bị dị dạng hoặc sụn bị lỗi, điều này làm cho viêm khớp dễ dàng ghé thăm bạn hơn.

Triệu chứng viêm khớp

Tùy theo nguyên nhân, mức độ viêm và dạng viêm khớp mà người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng khác nhau. Trong đó, các dấu hiệu của viêm khớp thường gặp nhất là:

  • Sưng đỏ khớp: Khớp bị viêm có dấu hiệu sưng phù, tấy đỏ. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hay nhiều khớp.
  • Đau nhức khớp: Đây cũng là triệu chứng viêm khớp có thể gặp ở tất cả bệnh nhân. Cơn đau ở mức độ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ tổn thương bên trong. Cảm giác đau tăng nặng khi vận động khớp.
  • Nóng ấm ngoài khớp: Dùng tay chạm vào vùng da ngoài khớp thường có cảm giác nóng ấm.
  • Cứng khớp: Kèm theo tình trạng sưng đau, người bệnh còn có cảm giác cứng khớp, không thể cử động bình thường.
  • Khớp phát ra tiếng kêu khi vận động: Một số trường hợp bị viêm xương khớp có thể nghe rõ tiếng kêu “lục cục” hay “lạo xạo” phát ra từ khớp khi vận động. Đây là âm thanh phát ra từ tiếng ma sát giữa các đầu xương do lớp sụn bị ăn mòn.
triệu chứng viêm khớp
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp có thể ảnh hưởng đến khớp háng hay bất kỳ khớp nào trên cơ thể

Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị viêm khớp bao gồm:

  • Nổi phát ban, mẩn đỏ ngứa ngoài da
  • Giới hạn phạm vi chuyển động của khớp bị bệnh.
  • Tê yếu hoặc co thắt các cơ xung quanh khớp
  • Mệt mỏi
  • Nóng sốt nhẹ…

Biến chứng của viêm khớp

Bệnh viêm khớp có nguy hiểm không? Đây là thắc mắc được nhiều người quan tâm. Khi khớp bị viêm, người bệnh sẽ phải đối mặt với các cơn đau nhức khó chịu kèm theo tình trạng cứng khớp, sưng khớp làm ảnh hưởng đáng kể tới sinh hoạt cũng như khả năng vận động. Bệnh viêm khớp kéo dài còn gây hoang mang, lo lắng và khiến người bệnh bị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.

Ở mức độ nặng, bệnh viêm khớp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến dạng khớp
  • Teo cơ, yếu các chi
  • Đau dây thần kinh
  • Bại liệt, tàn phế.

Chẩn đoán viêm khớp

Khi có triệu chứng viêm khớp, nhiều người không đi khám ngay vì cho rằng khớp sẽ hết sưng đau trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tình trạng viêm có thể phát triển ngày càng nghiêm trọng hơn dẫn đến sưng phù khớp, không thể vận động. Điều này không chỉ khiến người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng cao mà còn gây khó khăn, tốn kém và mất thời gian cho quá trình điều trị sau đó.

Chính vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc viêm khớp, bạn nên tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Dựa vào những biểu hiện lâm sàng, quan sát ngoài khớp, kiểm tra chức năng vận động và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh của bạn.

Các xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện để chẩn đoán viêm khớp bao gồm:

c phân tích các loại dịch cơ thể khác nhau có thể giúp xác định loại viêm khớp mà bạn có thể mắc phải. Các chất lỏng thường được phân tích bao gồm máu, nước tiểu và dịch khớp. Để lấy mẫu dịch khớp, các bác sĩ sẽ làm sạch và gây tê khu vực này trước khi đưa kim vào khoang khớp để rút bớt dịch.

chẩn đoán bệnh viêm khớp
Xét nghiệm máu được thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm khớp
  • Xét nghiệm máu: Lượng tế bào bạch cầu trong máu tăng cao cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng. Xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện bệnh gout hay viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ tiến hành hút dịch khớp để làm xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn hay viêm khớp do vi tinh thể.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh chụp X-quang cho pháp bác sĩ phát hiện ra tình trạng mất sụn, tổn thương ở xương hay sự xuất hiện của các gai xương. Đây là hiện tượng thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm xương khớp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Máy quét CT chụp khớp từ nhiều góc độ khác nhau và cho hình ảnh mặt cắt về cấu trúc khớp, giúp bác sĩ phát hiện ra tổn thương ở xương và các mô mềm xung quanh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này có sự kết hợp giữa sóng vô tuyến với từ trường mạnh, từ đó tạo ra hình ảnh chi tiết về sụn, xương, gân hay dây chằng. Phương pháp này mang lại hiệu quả tốt trong chẩn đoán bệnh viêm khớp nhưng có chi phí khá cao.
  • Siêu âm khớp: Phương pháp siêu âm giúp phát hiện ra các tổn thương ở mô mềm, sụn hay bao khớp là những nguyên nhân khiến cho khớp bị sưng đau.

Cách điều trị viêm khớp

Phác đồ điều trị viêm khớp được xây dựng dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kết hợp vật lý trị liệu, châm cứu để bảo tồn cấu trúc của khớp hoặc đề nghị bệnh nhân làm phẫu thuật.

Các phương pháp chữa viêm khớp đang được áp dụng bao gồm:

1. Dùng thuốc trị viêm khớp

Một số loại thuốc được sử dụng nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Được chỉ định phổ biến là:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Bao gồm các thuốc chứa thành phần hydrocodone hay Tylenol. Thuốc cho hiệu quả tốt trong việc xoa dịu các cơn đau nhẹ và vừa nhưng không có tác dụng kháng viêm.
  • Thuốc NSAIDs: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid vừa có tác dụng tiêu viêm, vừa giúp giảm nhanh các cơn đau nhức tại khớp bị viêm. Thường được chỉ định là Ibuprofen, Salicylat hay Aspirin…
  • Kem Capsaicin . Loại kem này có tác dụng giảm đau tại chỗ và thích hợp với những cơn đau khớp ở mức độ nhẹ.
  • Thuốc Steroid: Các thuốc thuộc nhóm steroid có tác dụng kháng viêm mạnh. Thuốc được sử dụng theo đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào trong khớp. Do có nhiều tác dụng phụ, thuốc steroid chỉ được bác sĩ kê đơn để điều trị bệnh viêm khớp trong thời gian ngắn.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Dùng cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp ở mức độ trung bình đến nặng.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Giúp ức chế sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp, giảm thiểu tổn thương cho khớp.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng cho bệnh nhân bị viêm khớp nhiễm khuẩn hay viêm khớp phản ứng.
  • Thuốc giảm axit uric: Bệnh nhân bị viêm khớp dạng gout thường được bác sĩ kê đơn loại thuốc này.

2. Điều trị bệnh viêm khớp bằng vật lý trị liệu

Trong nhiều trường hợp bác sĩ sẽ đề xuất cách điều trị viêm khớp bằng vật lý trị liệu. Phương pháp này giúp xoa dịu cơn đau, cải thiện tình trạng cứng khớp, phục hồi chức năng vận động.

cách điều trị viêm khớp
Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, phục hồi chức năng vận động cho khớp bị viêm

Những phương pháp điều trị bằng vật lý trị thường được áp dụng gồm:

  • Liệu pháp nước ấm: Đây là cách người bệnh tập thể dục bên trong hồ nước ấm. Nước ấm sẽ giúp người bệnh giảm áp lực lên các khớp, cơ.
  • Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu: Bác sĩ sẽ đưa ra bài tập phù hợp với tình trạng bệnh lý cũng như thể trạng của người bệnh để đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương trong khớp, chống teo cơ, làm tăng phạm vi vận động của khớp.
  • Trị liệu nghề nghiệp: Đó là cách các bác sĩ tư vấn đề các làm việc hàng ngày, về thiết bị, dụng cụ làm việc phù hợp từ đó giúp khớp không bị tổn thương và tránh mệt mỏi.
  • Các phương pháp khác: Đắp parafin, chiếu đèn hồng ngoại, điện trị liệu, siêu âm, nhiệt trị liệu, sóng ngắn…

3. Châm cứu trị viêm khớp

Châm cứu là một thủ thuật chữa bệnh không dùng thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi thực hiện, thấy thuốc sẽ sử dụng một cây kim châm dài, mảnh đâm vào một số vị trí huyệt đạo tương ứng với khớp bị viêm trên cơ thể. Phương pháp này được áp dụng đúng cách có tác dụng kích thích giải phóng nhiều hormone endorphingiảm giúp giảm đau, tiêu sưng, tăng cường lưu thông khí huyết, làm thư giãn thần kinh.

Y học cổ truyền chia viêm khớp thành nhiều thể bệnh. Mỗi thể sẽ tác động đến các huyệt đạo riêng. Bao gồm:

Thể nhiệt lượng thấp, âm khí tổn thương:

  •  Huyệt Tam túc lý
  • Thái kê
  • Phong trì
  • Khúc trì
  • Tam âm giao
  • Phong môn
  • Khúc hải
  • A thị huyệt
  • Hợp cốc.

Thể phong thấp: 

  • Huyệt Hợp cốc
  • Huyết hải
  • Khúc trì
  • Tam túc lý
  • Phong trì
  • Phong môn.

Thể đàm ứ cấu kết:

  • Huyệt Đại chủy
  • Phong long
  • Huyền chung
  • Phong môn
  • Khúc trì
  • Âm lăng tuyền
  • A thị huyệt
  • Huyết hải.

*Lưu ý: Không châm cứu ở những khu vực có vết loét hay nhiễm trùng ngoài da. Trường hợp bị hen phế quản mãn tính, có vấn đề về tim mạch, bị động kinh hoặc rối loạn đông máu được chống chỉ định với phương pháp này.

4. Điều trị viêm khớp tại nhà

Ngoài thuốc, vật lý trị liệu hay châm cứu, một số mẹo tự nhiên cũng có thể giúp chống sưng đau khớp và giảm nhẹ các cơn đau cho người bệnh. Dưới đây là những cách chữa viêm khớp tại nhà đơn giản:

cách chữa viêm khớp bằng chườm lạnh
Chườm lạnh hoặc chườm nóng có tác dụng giảm sưng đau cho người bị viêm khớp
  • Chườm lạnh trong khoảng 48 tiếng đầu. Sau khi khớp đã bớt sưng đau thì chuyển qua chườm nóng.
  • Mang nẹp cố định khớp, hạn chế cảm giác đau khi vận động và đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương.
  • Ngâm tay chân vào nước ấm mỗi ngày trước khi đi ngủ. Phương pháp này có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm sưng viêm các khớp ở tay chân và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người bệnh.
  • Xoa bóp, massage nhẹ nhàng quanh khớp bị bệnh giúp khớp và các dây thần kinh được thư giãn, giảm đau.
  • Nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong những ngày bị đau nặng.
  • Sử dụng các bài thuốc chữa viêm khớp tại nhà từ thảo dược tự nhiên, chẳng hạn như ngải cứu, gừng, dây đau xương hay lá lốt.

5. Cách chữa viêm khớp bằng phẫu thuật

Khi bệnh trở nên nghiêm trọng và các phương pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Ca mổ được thực hiện nhằm vào các mục đích sau:

  • Tạo hình cho các trường hợp bị biến dạng khớp
  • Thay thế khớp nhân tạo, thường là ở các khớp lớn như khớp gối, khớp háng.
  • Loại bỏ các mô bị tổn thương
  • Hợp nhất xương.

Phẫu thuật mặc dù có thể giúp khắc phục tình trạng viêm khớp nhưng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định như nhiễm trùng vết mổ, tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu, tắc mạch, tụ máu sau mổ… Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần để khớp được nghỉ ngơi một thời gian kết hợp tập vật lý trị liệu và có chế độ dinh dưỡng phù hợp để nhanh hồi phục.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm khớp

Bệnh nhân bị viêm khớp cần được chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh hồi phục. Một số thực phẩm có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh nhưng ngược lại cũng có nhiều loại đồ ăn thức uống khiến cho khớp bị viêm nghiêm trọng, kéo dài.

Các thực phẩm tốt cho người bị viêm khớp:

  • Hành, tỏi, gừng, nghệ: Chúng chứa hoạt chất kháng viêm, giảm đau tự nhiên giúp nâng cao hiệu quả của thuốc điều trị bệnh.
  • Cá béo: Giàu omega 3, cá béo có khả năng ức chế phản ứng viêm tại khớp, giúp khớp vận động trơn tru hơn.
  • Rau xanh: Chẳng hạn như rau chân vịt, súp lơ xanh, rau bina… Chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp tiêu viêm, giảm sưng và bảo vệ khớp.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: Nhóm thực phẩm này cung cấp nhiều canxi giúp khớp chắc khỏe và nhanh tái tạo các mô sụn cũng như tế bào xương bị tổn thương.
  • Các loại quả mọng: Bao gồm quả việt quất, trái cây có múi, dâu tây,… Chúng bổ sung nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C có tác dụng kháng viêm, tiêu diệt các tác nhân có hại cho khớp, cải thiện khả năng miễn dịch.

Các thực phẩm cần kiêng hoặc hạn chế dùng khi bị viêm khớp:

  • Nội tạng động vật
  • Đồ cay nóng, chẳng hạn như ớt, mù tạt hay các món nấu từ gạo nếp
  • Thịt mỡ
  • Các món chiên xào
  • Thức ăn nhanh
  • Đồ hộp
  • Muối
  • Nước ngọt hay bánh kẹo ngọt
  • Bia, rượu và các thức uống chứa cồn khác.

Cách phòng ngừa bệnh viêm khớp

Bệnh viêm khớp có thể tái phát nếu không được điều trị triệt để hoặc không loại bỏ được các yếu tố nguy cơ. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ đúng phác đồ chữa bệnh của bác sĩ, bạn cần điều chỉnh lối sống, cách ăn uống, vận động để giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Một số giải pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa viêm khớp hiệu quả hơn:

  • Giảm cân: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp và khiến tổn thương ở khớp lâu lành. Do vậy, nếu đang bị thừa cân, bạn nên xây dựng một chế độ ăn khoa học và tăng cường vận động để đưa cân nặng trở về mức khỏe mạnh nhằm giải phóng áp lực cho khớp. Giảm cân cũng là cách đơn giản giúp các triệu chứng viêm khớp nhanh thuyên giảm.
  • Tập thể dục: Rèn luyện thể chất thường xuyên giúp cơ thể được thư giãn và tăng cường tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng khung xương, giúp các khớp chắc khỏe hơn. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị chấn thương, viêm xương khớp.
  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết các loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa như trái cây tươi, rau xanh, các loại hạt, cá có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin D trong thực đơn để xương khớp chắc khỏe hơn. Chú ý cắt giảm các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn hay đồ ngọt vì chúng có thể gây tăng cân, làm tăng áp lực cho khớp. Tránh sử dụng các thức uống có cồn hay nước ngọt có gas.
  • Cải thiện tư thế: Duy trì các tư thế đúng khi ngồi, khi làm việc, nâng vật nặng hay lúc chơi thể thao để bảo vệ các khớp của bạn khỏi bị tổn thương, giảm nguy cơ bị viêm khớp.

Bạn nên tìm hiểu thêm

Ngày đăng: 21/06/2023 - Cập nhật lúc 12:51 pm , 21/06/2023
Nguồn tham khảo
Cử nhân Báo Chí
Miss Thủy tốt nghiệp trường Học viên Báo chí và Tuyên truyền, từng có kinh nghiệm nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên trong ngành báo chí về lĩnh vực sức khỏe. Bắt đầu tham gia và triển khai những nội của site wikibacsi.com từ những ngày đầu, am hiểu rất kĩ các kiến thức khoa học về các bệnh lý, thông tin sức khỏe, đặc biệt là dược phẩm và có nhiều nguồn tin uy tín, chất lượng từ các bệnh viện, tài liệu nghiên cứu.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc