Menu

Thuốc Insulin Detemir điều trị bệnh tiểu đường dùng như thế nào? Giá bao nhiêu?

Insulin Detemir
Hoạt chất

Insulin Detemir

    Đóng gói: Dung dịch tiêm dưới da

    Loại thuốc: Điều trị bệnh tiểu đường

    Công ty sản xuất: Novo Nordisk

    Quốc gia sản xuất: Đan Mạch

Insulin Detemir là một trong những loại insulin điển hình được bác sĩ khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2. Thuốc có tác dụng kéo dài, bắt đầu hoạt động chỉ sau vài giờ sau khi được đưa vào bên trong cơ thể người bệnh. Nó sẽ kiểm soát lượng đường trong máu của cả người lớn lẫn trẻ em không may mắc phải căn bệnh quái ác này.

Thuốc Insulin Detemir có công dụng gì?

Nhắc đến những căn bệnh mà một khi mắc, người bệnh sẽ phải gắn liền với nó chọn đời, chúng ta không thể không nhớ tới cái tên tiểu đường. Dù là tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, tổn thương thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử chân tay, thậm chí là tử vong chỉ trong một thời gian ngắn.

Hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như dự đoán được số lượng người mắc tiểu đường sẽ tăng lên một cách chóng mặt trong tương lai, các nhà nghiên cứu cùng các chuyên gia y tế trên thế giới đã không ngừng nghiên cứu để cho ra đời những loại thuốc tốt giúp kiểm soát bệnh.

Thuốc Insulin Detemir dùng để điều trị bệnh tiểu đường
Thuốc Insulin Detemir dùng để điều trị bệnh tiểu đường

Thông thường người bị tiểu đường sẽ bị rối loạn chuyển hóa insulin, tức là cơ thể không thể tự sản xuất đủ số lượng insulin cần thiết cho cơ thể hoặc mất đi khả năng sử dụng loại hormone này. Do đó, một cách tốt nhất để cứu chữa cho các bệnh nhân này đó chính là bổ sung thêm cho họ một lượng insulin nhất định mỗi ngày bằng cách tiêm thuốc.

Insulin Detemir là một trong những loại insulin điển hình được bác sĩ khuyến cáo sử dụng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường tuýp 1 ở cả người trưởng thành lẫn trẻ nhỏ trên 2 tuổi. Thuốc sẽ có tác dụng giảm lượng đường trong máu bằng cách khuyến khích các mô lấy glucose dư thừa, ngăn cản cơ thể tạo ra nhiều glucose, ngăn chặn sự phân hủy chất béo và protein, từ đó giúp cơ thể điều chỉnh lượng đường huyết.

Thuốc Insulin Detemir được Novo Nordisk – một trong những công ty chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nổi tiếng tại Đan Mạch. Thuốc đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2006.

Sử dụng thuốc Insulin Detemir như thế nào?

Thuốc Insulin Detemir được sử dụng như sau:

  • Liều lượng tiêm Insulin Detemir sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Sau khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định chính xác nhất cho bệnh nhân
  • Insulin Detemir thường được tiêm một hoặc 2 lần trên ngày, tùy theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tiêm một liều, thuốc nên được sử dụng vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ. Nếu tiêm hai lần thì một lần vào buổi sáng và liều tiếp theo cách liều đầu ít nhất 12 tiếng.
  • Bác sĩ sẽ hướng dẫn người dùng cách tiêm thuốc, vì thế mọi người cố gắng lắng nghe thật cẩn thận để có thể thực hiện một cách chính xác ngay tại nhà
  • Cần làm sạch vị trí cần tiêm trước khi tiêm thuốc
  • Thuốc có thể được tiêm vào một số vị trí như bụng, đùi, mặt sau của phần trên cánh tay
  • Thường xuyên thay đổi vị trí tiêm, tránh tiêm cùng một chỗ trong hai lần liên tục vì có thể khiến cho da của khu vực đó bị tổn thương
  • Không tiêm Insulin Determir vào tĩnh mạch hoặc cơ bắp trừ khi nó được thực hiện bởi bác sĩ hoặc những người có chuyên môn
  • Sau khi tiêm, người bệnh không được chà xát mạnh vào khu vực đó
Insulin Detemir có dạng bút tiêm dưới da
Insulin Detemir có dạng bút tiêm dưới da

Thuốc Insulin Detemir có những tác dụng phụ gì?

Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng Insulin Determir không đúng cách hoặc quá liều, lượng đường trong máu sẽ bị hạ ở mức nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho người bệnh. Mức đường trong thấp thường sẽ ở mức dưới 70mg/dL. Nó có thể gây hại cho tim hoặc não của bệnh nhân, dẫn đến bất tỉnh, co giật, thậm chí là tử vong.

Bên cạnh đó, Insulin Determir có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng chính vì thế người bệnh tuyệt đối không được sử dụng loại insulin này nếu như đã từng bị dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.

Bệnh nhân đang uống thuốc thiazolidinediones (TZDs) kết hợp với tiêm thuốc insulin có thể dẫn đến suy tim – một căn bệnh về tim mạch vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị đột quỵ. Chính vì thế, người dùng cần hỏi thật kỹ bác sĩ về vấn đề này.

Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường khi điều trị bệnh bằng Insulin Detemir có thể sẽ phải đối mặt với một số tác dụng phụ khác như:

  • Vị trí tiêm thuốc trên da bị đỏ, sưng, ngứa
  • Tăng cân bất thường
  • Chân, tay, mắt cá chân bị sưng phù
  • Nhịp tim nhanh, chóng mặt
  • Thường xuyên buồn ngủ, hay gặp ác mộng
  • Thay đổi tầm nhìn
  • Đau đầu, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi
  • Tâm trạng bất ổn, thường xuyên cáu gắt
  • Khó thở, phát ban khắp cơ thể
  • Nói lắp, đau khớp
  • Co giật

Đối tượng nào nên cẩn trọng khi sử dụng Insulin Detemir?

Những trường hợp bệnh nhân dưới đây cần được theo dõi sức khỏe cũng như từng biểu hiện trên cơ thể sau khi sử dụng Insulin Detemir. Thậm chí có những đối tượng, bác sĩ sẽ khuyến cáo không nên đưa Insulin Determir vào cơ thể vì nó có thể khiến cho sức khỏe người bệnh trở nên tề tệ hơn.

  • Người bị dị ứng với các thành phần có trong thuốc
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Bệnh nhân bị DKA (Diabetic ketoacidosis) – tình trạng xảy ra khi cơ thể sản sinh quá nhiều ceton trong máu gây nhiễm toan máu (hay còn được gọi là axit trong máu). Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường
  • Thận hoặc gan đang có vấn đề
  • Người bệnh có nồng độ kali trong máu thấp
  • Trường hợp bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, thường xuyên bị ốm
  • Người đang mắc các bệnh nhiễm trùng
Người mắc bệnh về thận không nên dùng loại thuốc này
Người mắc bệnh về thận không nên dùng loại thuốc này

Người bệnh nên lưu ý gì khi dùng Insulin Detemir?

  • Người bệnh có thể giảm liều dùng Insulin Detemir nếu đang sử dụng thêm một số thuốc khác như exenatide (Bydureon), liraglutide (Victoza) hoặc albiglutide (Tanzeum). Tuy nhiên, mức độ giảm bao nhiêu cần phải được chỉ định bởi bác sĩ để tránh giảm hiệu quả của thuốc.
  • Trước khi tiêm Insulin Detemir, người bệnh cần kiểm tra thuốc bằng mắt thường xem nó có bị đổi màu hoặc xuất hiện cặn hay không. Insulin Detemir chỉ còn có giá trị sử dụng nếu nó trong suốt và không màu
  • Tuyệt đối không tiêm thuốc vào vùng da bị mẩn đỏ, ngứa
  • Không tự ý trộn Insulin Detemir với các loại thuốc khác
  • Sử dụng Insulin Detemir thường xuyên để nhận được những lợi ích tốt nhất từ loại thuốc này
  • Không dùng chung ống tiêm, kim tiêm, bút được tiêm sẵn Insulin Detemir với bệnh nhân khác vì nó có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng
  • Các ống tiêm, kim tiêm chỉ sử dụng một lần duy nhất rồi vứt đi và thay loại mới cho các lần tiêm tiếp theo
  • Nếu sử dụng bút tiêm, người bệnh chỉ dùng bút tiêm đi kèm với Insulin Detemir
  • Không chuyển Insulin Detemir đang có sẵn trong bút tiêm sang ống tiêm bình thường
  • Bác sĩ có thể kê thêm thuốc tiêm khẩn cấp Glucagon để người bệnh sử dụng trong trường hợp bị hạ đường huyết một cách đột ngột
  • Không uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá trong thời gian sử dụng Insulin Detemir
  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên
Không tự ý trộn Insulin Detemir với các loại thuốc khác
Không tự ý trộn Insulin Detemir với các loại thuốc khác

Insulin Detemir tương tác với những loại thuốc nào?

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, do đó tùy vào từng tình trạng, cơ địa, mức độ bệnh của mỗi người bác sĩ sẽ kê đơn và có phương pháp theo dõi, điều chỉnh liều lượng để quá trình dùng thuốc có thể cho hiệu quả tốt nhất.

Không dùng Insulin Detemir với một số loại thuốc sau:

  • Thuốc chẹn beta: Carvedilol (Coreg, Coreg CR), atenolol (Tenormin) hoặc propranolol ( Inderal , Inderal LA)
  • Thuốc điều trị đái tháo đường: Rosiglitazone (Avandia), Pramlintide (Symlin), glyburide (Diabeta, Glynase), glipizide (Glucotrol), acarbose (Precose), nateglinide (Starlix), miglitol (Glyset)
  • Thuốc điều bệnh huyết áp: Captopril (Capoten), Ramipril (Altace), quinapril l ( Accupril ) và trandolapril (Masta)
  • Thuốc lợi tiểu: Bumetanide (Bumex), hydrochlorothiazide (Esidrix, Microzide) và chlorthalidone (Thalitone)
  • Thuốc tránh thai và thuốc điều trị thay thế hormone (HRT) có chứa estrogen hoặc estradiol
  • Thuốc giảm viêm các vùng trên cơ thể: Prednison (Rayos, Deltasone), methylprednisolone (Medrol, Depo-Medrol, Solu-Medrol, A-Methapred), và budesonide (Entercort EC, Uceris, Pulmicort, Rhinocort)

Bảo quản Insulin Detemir ra sao?

  • Nên giữ Insulin Detemir loại chưa mở ở trong ngăn mát tủ lạnh
  • Những lọ dung dịch Insulin Detemir sau khi đã được mở có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng
  • Nên bỏ Insulin Detemir nếu đã mở 42 ngày kể cả khi nó còn hay hết
  • Tuyệt đối không lưu trữ loại thuốc này trên ngăn đá tủ lạnh
  • Tránh xa tầm với của trẻ em

Nên mua Insulin Detemir ở đâu? Giá bao nhiêu?

Insulin Detemir dạng bút tiêm có giá khoảng 280.000 – 300.000đ/bút. Mỗi hộp sẽ có 5 bút tiêm nên tổng giá thành của một hộp có thể rơi vào khoảng 1.500.000đ. Mức giá này không cố định và nó sẽ có sự chênh lệch khác nhau giữa các địa điểm bán. Để đảm bảo mua được hàng chính hãng, chúng tôi khuyến cáo mọi người nên mua thuốc tại bệnh viện hoặc các hiệu thuốc lớn, uy tín.

Insulin Detemir chỉ là một phần của quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Cho dù có tiêm bao nhiêu insulin, bệnh cũng không thể thuyên giảm nếu như mọi người không kết hợp dùng thuốc với việc thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Mọi thực phẩm được đưa vào cơ thể đều có ảnh hưởng đến hàm lượng đường trong máu.

Bớt một món ăn nhiều đường, giảm được một chút thời gian nằm ì trên giường chính là cách giúp cơ thể thêm khỏe mạnh. Đồng thời, trong thời gian điều trị bệnh, mọi người cần đi kiểm tra sức khỏe, đo lượng đường huyết thường xuyên để xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh đến đâu.

Thông tin thuốc trên đây đều được lấy từ nhiều nguồn tin khác nhau, bao gồm các bài báo trên tạp chí y khoa, những bài thuyết trình hội thảo y tế cũng như các trang tin sức khỏe nổi tiếng của nước ngoài.

Wiki Bác Sĩ không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa. Chính vì thế, khi quyết định sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên gia, tuyệt đối không được dùng theo ý thích cá nhân.

Ngày đăng: 19/12/2023 - Cập nhật lúc 12:23 pm , 19/12/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Top