10 Thuốc Trị Viêm Da Cơ Địa Tốt Nhất và Lưu Ý Khi Dùng

Sử dụng thuốc trị viêm da cơ địa giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy và các triệu chứng thực thể. Tùy vào giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc uống và thuốc bôi phù hợp. Chủ động trang bị những thông tin hữu ích sẽ giúp bệnh nhân dùng thuốc đúng cách và hiệu quả hơn.

viêm da cơ địa dùng thuốc bôi gì
Bị viêm da cơ địa dùng thuốc bôi, thuốc gì là băn khoăn của nhiều bệnh nhân

10 Loại thuốc trị viêm da cơ địa tốt nhất hiện nay

Viêm da cơ địa là một trong những dạng viêm da mãn tính phổ biến. Bệnh lý này có liên quan đến yếu tố cơ địa nên thường đi kèm với các bệnh lý có cơ chế tương tự như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng,… Viêm da cơ địa được xem là biểu hiện ngoài da của cơ địa dị ứng hay còn gọi là cơ địa Atopy.

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu lành tính nhưng có tiến triển mãn tính và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Ở một số trường hợp, bệnh có thể tự thuyên giảm sau một thời gian nhưng cũng có khi tái phát nhiều lần trong suốt cuộc đời. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các triệu chứng thực thể và cơ năng của bệnh gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Bệnh tiến triển qua các giai đoạn bao gồm cấp tính, bán cấp và mãn tính. Mỗi giai đoạn sẽ có biểu hiện lâm sàng khác nhau nhưng đều có điểm chung là ngứa ngáy dai dẳng, âm ỉ hoặc dữ dội. Hiện tại, căn nguyên bệnh còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, hạn chế tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiện tại, phương pháp điều trị chính là sử dụng thuốc. Thuốc sẽ được sử dụng tùy theo giai đoạn và cần dùng đúng loại thuốc để mang lại kết quả tốt nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hiểu rõ cơ chế, đặc điểm và tác dụng phụ của từng loại thuốc để biết rõ loại nào nên dùng ngắn hạn và loại nào có thể dùng lâu dài.

Nếu đang băn khoăn “Bị viêm da cơ địa nên dùng thuốc gì?”, những thông tin sau sẽ giúp bệnh nhân có hình dung cụ thể hơn:

1. Dung dịch sát trùng, làm dịu

Trong giai đoạn cấp tính, viêm da cơ địa đặc trưng bởi các nốt mụn nước, rỉ dịch và trợt loét. Ở giai đoạn này, da sẽ có hiện tượng ngứa âm ỉ và đau rát nhẹ. Đối với tổn thương cấp tính, bệnh nhân nên sử dụng dung dịch sát trùng, làm dịu để ngăn ngừa nhiễm khuẩn và giúp tổn thương khô lại nhanh chóng.

viêm da cơ địa dùng thuốc bôi gì
Các dung dịch sát trùng, làm dịu thường được dùng trong giai đoạn cấp tính

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc sát trùng, làm dịu được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa. Trong đó, phổ biến nhất là những loại thuốc sau:

  • Thuốc tím pha loãng 1/4000
  • Nitrat bạc 0.25%
  • Dung dịch Jarish
  • Rivanol 1%
  • Hồ nước
  • Dung dịch Milian
  • Dung dịch tím Metin 1%

Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng nước muối sinh lý 0.9% rửa tổn thương da và đắp trong vài phút để giảm sưng đau, nóng rát. Các loại thuốc này được sử dụng cho đến khi tổn thương da khô lại hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tư vấn dùng các loại thuốc khác tùy theo triệu chứng cụ thể.

2. Thuốc bôi chứa corticoid

Thuốc bôi corticoid là loại thuốc điều trị viêm da cơ địa thông dụng nhất. Thuốc còn được sử dụng cho các dạng viêm da mãn tính khác như viêm da tiếp xúc dị ứng, vẩy nến, viêm da tiết bã nhờn,… Ưu điểm của nhóm thuốc là hiệu quả nhanh, tiện lợi và giá thành thấp. Tuy nhiên, sử dụng thuốc bôi corticoid gây ra khá nhiều tác dụng phụ – nhất là trong trường hợp dùng dài hạn.

Thuốc bôi chứa corticoid được sử dụng trong giai đoạn bán cấp và mãn tính khi tổn thương da đã khô hoàn toàn. Tùy vào biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc dạng kem hoặc dạng mỡ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ dựa vào vị trí, phạm vi và mức độ tổn thương da để lựa chọn thuốc bôi chứa corticoid phù hợp. Bởi mức độ hấp thu corticoid tăng lên khi sử dụng trên diện rộng, vùng da mỏng và có nếp gấp.

viêm da cơ địa dùng thuốc gì
Corticoid tại chỗ là loại thuốc điều trị viêm da cơ địa được sử dụng phổ biến nhất

Các loại thuốc bôi chứa corticoid thường được dùng để điều trị viêm da cơ địa:

  • Clobetasol Propionate
  • Betamethasone Dipropionate
  • Halcinonide
  • Desoximetasone
  • Fluocinolone Acetonide
  • Methylprednisolon

Trước khi dùng thuốc, cần rửa sạch vùng da tổn thương bằng nước muối sinh lý và phải đợi cho da khô hoàn toàn. Vì corticoid có thể hấp thu và gây ra tác dụng toàn thân nên chỉ thoa một lớp mỏng và tuyệt đối không băng kín (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ).

Sau khi sử dụng, cần rửa sạch tay với xà phòng để tránh thuốc dính vào mắt và những vùng da khác. Thuốc thường được dùng 2 – 3 lần/ ngày, trường hợp nặng có thể dùng 3 – 4 lần nếu có chỉ định.

Tác dụng phụ khi dùng corticoid tại chỗ:

  • Bỏng rát, ngứa, khô da, kích ứng (thường do thành phần tá dược)
  • Viêm da tiếp xúc
  • Giảm sắc tố
  • Viêm nang lông
  • Rậm lông
  • Rạn da

Corticoid có thể gây teo da, giãn mao mạch và đôi khi hấp thu vào máu gây ra các triệu chứng toàn thân. Chính vì vậy, chỉ sử dụng corticoid trong 7 – 14 ngày. Nếu cần thiết, nên ngưng trong 3 – 4 tuần và sử dụng lại để giảm thiểu tác dụng phụ.

3. Thuốc bôi chứa axit salicylic

Ở giai đoạn mãn tính, tổn thương da có hiện tượng tăng sừng dẫn đến cứng cộm, dày sừng, xuất hiện các vết nứt,… Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc bôi chứa axit salicylic. Thông thường, axit salicylic sẽ được kết hợp với hoạt chất corticoid để mang lại hiệu quả cao.

Axit salicylic có tác dụng tẩy tế bào chết, bong vảy và bạt sừng. Do đó, thuốc giúp giảm tình trạng dày sừng do viêm da cơ địa và tăng hiệu quả của corticoid. Ngoài ra, axit salicylic cũng có tác dụng sát trùng nhẹ nên có thể giảm nguy cơ bội nhiễm ở bệnh nhân viêm da cơ địa.

Thuốc bôi axit salicylic được bào chế ở dạng kem, gel và thuốc mỡ. Tùy vào mức độ khô của da, bác sĩ sẽ chỉ định dạng bào chế phù hợp. Trong đó, dạng mỡ được sử dụng phổ biến nhất do viêm da cơ địa khiến da bị khô ráp, bong tróc và hình thành các vết nứt gây đau. Thuốc dạng mỡ sẽ giúp dưỡng ẩm và làm mềm da hiệu quả.

thuốc trị viêm da cơ địa
Thuốc bôi chứa axit salicylic thường được chỉ định trong giai đoạn viêm da cơ địa bán cấp và mãn tính

Chống chỉ định:

  • Mẫn cảm với axit salicylic và bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Không dùng trên diện rộng
  • Thận trọng khi sử dụng trên vùng da nhạy cảm và đang bị nứt nẻ

Thuốc bôi axit salicylic gây ra ít tác dụng phụ hơn so với corticoid. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng trên phạm vi nhỏ nên sẽ không được chỉ định khi viêm da cơ địa gây tổn thương có kích thước lớn.

4. Thuốc bôi ức chế miễn dịch (thuốc ức chế calcineurin)

Thuốc bôi ức chế miễn dịch ít được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa do chi phí cao. Thuốc thường được chỉ định cho những bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ của corticoid. Để tiết kiệm chi phí điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định dùng corticoid xen kẽ với nhóm thuốc này. Ngoài ra, việc sử dụng xen kẽ cũng sẽ giúp giảm các tác dụng ngoại ý của corticoid.

Hiện nay, có 2 loại thuốc ức chế calcineurin được sử dụng phổ biến là Tacrolimus và Pimecrolimus. Cơ chế của thuốc chưa được biết rõ nhưng nhận thấy thuốc làm giảm tác động lên tế bào lympho T, qua đó giảm tình trạng giải phóng histamine và các chất trung gian hóa học vào da. Các chất này chính là yếu tố trực tiếp khiến da bị viêm đỏ, dày sừng và ngứa ngáy.

thuốc trị viêm da cơ địa tốt nhất
Thuốc ức chế calcineurin thường được dùng xen kẽ với corticoid để giảm thiểu tác dụng ngoại ý

Chống chỉ định:

  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc

Thuốc ức chế calcineurin có ít tác dụng phụ hơn so với corticoid tại chỗ. Tác dụng phụ thường gặp là cảm giác rát bỏng, dị cảm, ngứa, viêm nang lông, nhức đầu,… Nhóm thuốc này làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng, do đó cần hạn chế ra nắng và có các biện pháp chống nắng hiệu quả trong thời gian điều trị.

5. Kháng sinh (uống + bôi)

Trong giai đoạn cấp, da có hiện tượng rỉ dịch, trợt loét kết hợp với ngứa ngáy nên rất dễ bị bội nhiễm. Đối với viêm da cơ địa bội nhiễm (tổn thương da sưng tấy, đau nhức, có mủ ở vẩy tiết và sưng hạch), bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh đường uống.

Tác nhân gây bội nhiễm là chủ yếu là tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus (vi khuẩn thường trú trên da). Chính vì vậy, loại kháng sinh được sử dụng thường là Erythromycin hoặc Tetracyclin. Nếu có tiền sử dị ứng với các kháng sinh này, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại khác để thay thế.

thuốc trị viêm da cơ địa tốt nhất
Kháng sinh đường uống được chỉ định trong trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm

Lưu ý khi dùng kháng sinh đường uống:

  • Uống đủ 1 đợt (7 – 10 ngày) theo chỉ định của bác sĩ
  • Phát hiện và xử trí sớm các tác dụng phụ gặp phải

Khi tổn thương da khô, có thể sử dụng kháng sinh dạng bôi để ngăn ngừa bội nhiễm. Kháng sinh thường sẽ được kết hợp với corticoid tại chỗ để giảm viêm, ngứa ngáy và ngăn ngừa bội nhiễm da hiệu quả.

6. Thuốc kháng histamine H1

Tổn thương thực thể của viêm da cơ địa có sự khác biệt ở từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong tất cả các giai đoạn, bệnh lý này đều gây ngứa ngáy. Mức độ ngứa có thể âm ỉ hoặc dữ dội nhưng thường kéo dài dai dẳng. Có thể nói, ngứa chính là vấn đề lớn nhất do viêm da cơ địa gây ra. Tình trạng này khiến bệnh nhân khó chịu, bứt rứt, mất ngủ và căng thẳng.

Thông thường, sử dụng corticoid tại chỗ có thể giảm ngứa và cải thiện tổn thương da. Tuy nhiên, trong trường hợp tổn thương xảy ra trên diện rộng và ngứa ngáy nhiều, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng histamine H1. Nhóm thuốc này thường được dùng để giảm ngứa do nổi mề đay, dị ứng thời tiết, bệnh ghẻ và viêm da cơ địa.

thuốc trị viêm da cơ địa tốt nhất
Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng để giảm ngứa ngáy do viêm da cơ địa gây ra

Các loại thuốc kháng histamine H1 được dùng để giảm ngứa cho bệnh nhân viêm da cơ địa bao gồm:

  • Loratadin
  • Cetirizin
  • Fexofenadin
  • Chlorpheniramine
  • Promethazine
  • Hydroxyzine

Thuốc kháng histamine H1 có thể dứt nhanh cơn ngứa và giảm nhẹ tổn thương da nhờ tác dụng ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H1. Thuốc thường được dùng ngắn hạn cho đến khi cơn ngứa được kiểm soát. Sau đó, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc bôi trị viêm da cơ địa để giảm mức độ ngứa ngáy.

7. Corticoid đường uống

Corticoid đường uống ít khi được dùng để điều trị viêm da cơ địa do tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Thuốc sẽ được cân nhắc sử dụng cho giai đoạn bệnh bùng phát mạnh và tổn thương xảy ra trên diện rộng. Để hạn chế tác dụng phụ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng corticoid đường uống với liều thấp trong thời gian ngắn.

thuốc chữa viêm da cơ địa
Corticoid đường uống được sử dụng trong trường hợp bệnh bùng phát mạnh và xảy ra trên diện rộng

Các loại corticoid đường uống thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa:

  • Prednisone
  • Prednisolone

Corticoid đường uống chỉ được dùng ngắn hạn trong trường hợp bệnh bùng phát mạnh. Mặc dù sử dụng trong thời gian ngắn nhưng thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như hưng phấn, trầm cảm, nổi mụn trứng cá, rậm lông và xuất hiện các vết bầm tím trên da.

8. Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau được sử dụng trong trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm. Bội nhiễm có thể khiến da bị sưng viêm, nổi hạch và đau nhức. Trường hợp cơn đau không thuyên giảm sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau (Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid – NSAID).

Các loại thuốc giảm đau sẽ được dùng trong 1 – 3 ngày cho đến khi cơn đau thuyên giảm. Đây chỉ là nhóm thuốc làm giảm triệu chứng nên bệnh nhân cần tránh tình trạng lạm dụng. Nhóm thuốc này gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, vì vậy bệnh nhân bị đau dạ dày nên trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp.

Các loại thuốc giảm đau được sử dụng để giảm đau do viêm da cơ địa bội nhiễm:

  • Paracetamol
  • Diclofenac
  • Naproxen
  • Ibuprofen

9. Kem dưỡng ẩm lành tính

Cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa rất phức tạp. Ngoài yếu tố di truyền và thể địa dị ứng, các chuyên gia nhận thấy cấu trúc da có hiện tượng thiếu hụt filaggrin. Đây là một loại protein nằm ở lớp thượng bì với vai trò là liên kết các tế bào và bảo vệ da trước những tác nhân dị ứng, kích ứng.

Thiếu hụt filaggrin khiến da dễ mất nước, trở nên khô ráp và tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập. Do đó, viêm da cơ địa rất dễ tái phát vào thời điểm khô hanh và lạnh. Bên cạnh các loại thuốc điều trị, bệnh nhân cần sử dụng các loại kem dưỡng ẩm lành tính hằng ngày để dưỡng ẩm, giảm khô ráp và bảo vệ da.

thuốc chữa viêm da cơ địa
Kem dưỡng ẩm có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và quản lý bệnh viêm da cơ địa

Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm lâu dài còn giúp củng cố hàng rào bảo vệ da và ngăn chặn sự xâm nhập của các chất dị ứng. Tuy nhiên, nên ưu tiên các sản phẩm có công thức nhẹ dịu và lành tính, không chứa cồn, hương liệu và thành phần dễ gây kích ứng

Các loại kem dưỡng ẩm dành cho người bị viêm da cơ địa:

  • Bioderma Cicabio Cream
  • Avene Cicalfate
  • La Roche-Posay Cicaplast Baume B5
  • La Roche-Posay Lipikar Baume Ap+
  • Aderma Exomega Control

Các sản phẩm này được nghiên cứu và sản xuất bởi những thương hiệu dược mỹ phẩm hàng đầu. Công thức của sản phẩm được bổ sung các thành phần dưỡng ẩm, làm dịu và củng cố hàng rào bảo vệ da. Sản phẩm có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh, trẻ em và người trưởng thành.

10. Các viên uống bổ sung

Viêm da cơ địa có liên quan đến yếu tố miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hệ miễn dịch kém khiến cho bệnh lan rộng, tiến triển nặng và tái đi tái lại nhiều lần. Đây cũng là lý do ngoài sử dụng thuốc và cách ly với dị nguyên, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp nâng đỡ thể trạng.

Trong trường hợp thiếu hụt dinh dưỡng, bệnh nhân có thể phải dùng thêm các viên uống bổ sung như vitamin E, C, kẽm,… Bổ sung vitamin còn giúp củng cố hàng rào bảo vệ và cấu trúc của da. Qua đó giúp ích rất nhiều trong việc quản lý triệu chứng và giảm tần suất bệnh tái phát.

Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm da cơ địa

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với viêm da cơ địa và các dạng viêm da mãn tính khác. Thuốc có thể giảm ngứa ngáy, đau rát và làm thuyên giảm tổn thương da. Ngoài ra, sử dụng kem dưỡng ẩm lâu dài còn giúp bảo vệ da và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tham khảo ý kiến dược sĩ/ bác sĩ trước khi dùng thuốc để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra, khi dùng các loại kem dưỡng, bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến dược sĩ để sử dụng đúng cách và đúng thời điểm. Bởi dùng kem dưỡng ẩm trong giai đoạn cấp có thể khiến tổn thương da chậm lành và có nguy cơ bội nhiễm cao.
  • Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Tuân thủ cách sử dụng, liều lượng và thời gian được chỉ định.
  • Không lạm dụng thuốc trị viêm da cơ địa, đặc biệt là corticoid.
  • Nếu nhận thấy tác dụng phụ, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí.
  • Sử dụng thuốc chỉ giúp giảm triệu chứng, hoàn toàn không thể ngăn ngừa bệnh tái phát và điều trị bệnh dứt điểm. Do đó, khi tình trạng đã ổn định, bệnh nhân nên có biện pháp chăm sóc hợp lý.
  • Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần cách ly với dị nguyên. Theo thống kê, người bị viêm da cơ địa thường dị ứng với phấn hoa, bụi bẩn, len, nấm mốc, thực phẩm,… Tránh tiếp xúc với các dị nguyên sẽ giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
  • Viêm da cơ địa thường gây ngứa ngáy dai dẳng. Tuy nhiên, tình trạng gãi cào và ma sát có thể khiến mức độ ngứa tăng lên, da bị chảy máu, trầy xước và có nguy cơ bội nhiễm cao. Vì vậy, cần kiêng gãi cào, chà xát và hạn chế mặc trang phục chật, bó sát.
  • Để giảm tình trạng lạm dụng thuốc, bệnh nhân nên kết hợp với một số cách trị viêm da cơ địa tại nhà như ngâm nước ấm, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên,…

Thuốc trị viêm da cơ địa có hiệu quả tốt trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, dùng thuốc đơn thuần không thể quản lý bệnh thành công. Vì vậy, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết và cần kết hợp thêm với một số biện pháp điều trị, chăm sóc hợp lý.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 21/06/2023 - Cập nhật lúc 12:51 pm , 21/06/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc