Viêm Da Cơ Địa Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Điều Trị

Viêm da cơ địa là căn bệnh da liễu thường gặp, ảnh hưởng nhiều nhất tới đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các tổn thương da thường có dạng ban dát đỏ, trên bề mặt chứa nhiều mụn nước, rỉ dịch, khô ráp và gây ngứa ngáy rất khó chịu. Cần sớm thăm khám và điều trị để hạn chế các ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và cuộc sống.

viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là thể phổ biến của bệnh chàm đặc trưng bởi tổn thương da dạng ban dát đỏ, khô ráp, ngứa ngáy,…

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa còn được gọi với nhiều tên khác như chàm thể tạng, eczema thể địa hoặc viêm da thể địa. Đây là thể lâm sàng thường gặp nhất của bệnh chàm. Thể bệnh này đặc trưng bởi các tổn thương da xung huyết, có mụn nước, rỉ dịch, phù nề, dày sừng, khô ráp và bong vảy tiết. Đi kèm với đó là tình trạng ngứa ngáy dai dẳng rất khó chịu.

So với các thể bệnh chàm khác thì viêm da cơ địa có cơ chế hình thành phức tạp. Nó có sự liên quan giữa yếu tố cơ địa và hoạt động tăng kháng nguyên IgE. Kháng nguyên IgE được phóng thích vào huyết tương có thể khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá. Từ đó gây ra sự bùng phát tổn thương trên da.

Theo thống kê của Viện Da liễu Quốc gia, bệnh viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% trường hợp đến thăm khám. Căn bệnh này có xu hướng khởi phát sớm, ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có đến hơn 70% trường hợp bệnh khởi phát từ 0 – 6 tuổi. Trong khi đó, chỉ có dưới 3% trường hợp bệnh khởi phát ở đối tượng người trưởng thành.

Bệnh viêm da cơ địa có xu hướng tiến triển dai dẳng và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu không sớm can thiệp, bệnh có thể phát triển nặng nề, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, tổn thương da lan rộng và có nhiều nguy cơ bội nhiễm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa

Trên thực tế, bệnh viêm da cơ địa có biểu hiện khác nhau tùy theo từng lứa tuổi. Cần nắm rõ để có thể dễ dàng nhận biết và can thiệp khắc phục kịp thời, tránh các rủi ro ngoại ý xảy ra.

1. Triệu chứng ở trẻ nhũ nhi

Trẻ nhũ nhi mắc bệnh viêm da cơ địa thường có các biểu hiện sau:

viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ
Tổn thương do viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ thường xuất hiện hai bên má
  • Bệnh phát triển sớm khoảng 3 tuần sau khi sinh. Triệu chứng thường ở dạng cấp tính với các đám da màu đỏ và ngứa.
  • Sau đó trên da của trẻ có thể xuất hiện mụn nước nông, rất dễ vỡ và xuất tiết. Sau đó sẽ đóng vảy tiết, có thể gây bội nhiễm và khiến hạch lân cận sưng to.
  • Vị trí thường gặp nhất là 2 má. Ngoài ra triệu chứng có thể kích hoạt ở da đầu, cổ, trán, thân mình và mặt dưới các chi.
  • Khi trẻ biết bò còn có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối. Trong khi đó thường không phát hiện tổn thương ở vùng tã lót.
  • Trẻ có thể dị ứng với một số loại thực phẩm như hải sản, sữa, thịt bò, thịt gà,… Khi không tiêu thụ các loại thức ăn gây dị ứng thì triệu chứng viêm da cơ địa giảm rõ rệt.
  • Bệnh mãn tính, hay tái phát và rất nhạy cảm với các yếu tố như thay đổi khí hậu hay môi trường sống, nhiễm trùng, mọc răng hoặc tiêm chủng.
  • Đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ được khoảng 18 – 24 tháng tuổi.

2. Triệu chứng ở trẻ em

Trẻ em bị viêm da cơ địa thường gặp phải các dấu hiệu sau:

  • Đa phần các trường hợp thường là từ viêm da cơ địa nhũ nhi chuyển sang.
  • Thương tổn trên da là các mẩn đỏ, vết trợt, da dày, có mụn nước khu trú hoặc lan tỏa cấp tính. Kèm theo đó có thể là tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Vị trí hay gặp nhất là nếp gấp khuỷu tay, khoeo, 2 bên cổ, mi mắt, cẳng tay. Các triệu chứng ít khi xuất hiện ở mặt duỗi các chi.
  • Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ có tiếp xúc với đồ len, dạ hay lông thú,…
  • Nếu tổn thương ảnh hưởng trên 50% diện tích da thì trẻ có thể bị suy dinh dưỡng.
  • Có khoảng 50% trẻ sẽ khỏi bệnh khi được 10 tuổi.

3. Triệu chứng ở thanh thiếu niên và người lớn

Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn thường gây ra các triệu chứng sau:

  • Biểu hiện trên da là các mụn nước, mẩn đỏ dẹt. Ngoài ra còn có vùng da mỏng trên mảng da dày, ngứa ngáy, lichen hóa.
  • Vị trí thường gặp nhất là khoeo, nếp gấp khuỷu, vùng rốn, cổ, vùng da quanh mắt đối với thanh thiếu niên. Trường hợp bệnh lan tỏa thì các nếp gấp là vùng bị nặng nhất.
  • Viêm da lòng bàn tay và chân có thể gặp ở 20 – 80% người bệnh. Đây được cho là dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm da cơ địa ở người lớn.
  • Chàm ở vú, viêm da quanh mi mắt.
  • Bệnh có xu hướng tiến triển mạn tính và ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố môi trường, dị nguyên, tâm sinh lý người bệnh.
triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn
Ở người trưởng thành có thể phát sinh tổn thương dạng vảy nến

4. Một số biểu hiện khác

Ngoài các triệu chứng đặc trưng theo từng độ tuổi thì bệnh viêm da cơ địa còn có thể gây ra một số triệu chứng khác. Chẳng hạn như:

  • Khô da do bị tăng mất nước qua biểu bì
  • Dày da lòng bàn tay, bàn chân, da cá, dày sừng nang lông, lông mi thưa
  • Viêm môi bông vảy
  • Chứng da vẽ nổi trắng
  • Mi mắt dưới có thể xuất hiện 2 nếp gấp
  • Tăng sắc tố quanh mắt
  • Viêm kết mạc tái diễn có thể dẫn tới lộn mi
  • Có thể gặp chứng đục thủy tinh thể

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa thường gặp

Mặc dù đã trải qua nhiều nguyên cứu nhưng nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm da cơ địa vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, một số yếu tố sau đây có thể liên quan đến cơ chế bệnh sinh:

  • Cơ địa nhạy cảm: Khảo sát ghi nhận, có khoảng 80% người bệnh viêm da cơ địa có chỉ số kháng nguyên IgE tăng cao. Nồng độ IgE trong huyết tương càng cao thì các triệu chứng của bệnh sẽ càng nghiêm trọng. Do đó, bệnh có xu hướng khởi phát ở những người có cơ địa nhạy cảm.
  • Yếu tố di truyền: Vẫn chưa xác định được rõ ràng bệnh chàm thể tạng do gen nào đảm nhiệm. Trên thực tế, có 60% người lớn mắc căn bệnh này thì cũng sẽ có con mắc bệnh. Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh thì con đẻ ra có tới 80% bị bệnh.
  • Yếu tố dị nguyên: Việc tiếp xúc với các dị nguyên như thức ăn dễ gây dị ứng, phấn hoa, nấm mốc, dung môi công nghiệp, hóa chất,… có thể kích thích hệ miễn dịch phóng thích kháng nguyên. Từ đó gây ra phản ứng quá mẫn và khiến các tổn thương trên da kích hoạt.
  • Căng thẳng thần kinh: Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh viêm da thể tạng. Nếu đã phát bệnh thì stress kéo dài có thể làm tăng cảm giác ngứa ngáy và thúc đẩy tổn thương da lan rộng.
nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Căng thẳng thần kinh làm tăng nguy cơ bùng phát hoặc nghiêm trọng hơn các triệu chứng viêm da cơ địa

Ngoài các nguyên nhân phổ biến nêu trên thì một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh viêm da cơ địa. Chẳng hạn như:

  • Mắc các bệnh tuyến giáp
  • Sinh sống trong vùng khí lạnh
  • Sống trong môi trường có chỉ số ô nhiễm cao
  • Gặp phải vấn đề nhiễm trùng
  • Rối loạn hormone trong cơ thể
  • Nữ giới có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa được xác định là bệnh la liễu lành tính, đa phần không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và thường đi kèm với các bệnh dị ứng khác. Điển hình như viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng,…

Trường hợp sớm can thiệp điều trị và chăm sóc đúng cách thì tổn thương da và các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát nhanh chóng. Nếu chủ quan, không điều trị thì bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng. Bao gồm:

  • Viêm da cơ địa bội nhiễm: Căn bệnh này thường xảy ra trong giai đoạn cấp tính của bệnh viêm da cơ địa. Nguyên nhân là do tụ cầu khuẩn hoặc các loại vi khuẩn, virus khác xâm nhập vào vùng da tổn thương và kích hoạt nhiễm trùng. Biểu hiện da da sưng đỏ, ứ mủ, nóng rát, ngứa ngáy và đau nhức nặng nề.
  • Viêm da thần kinh: Đây thường là hệ quả của thói quen cào gãi và chà xát lên tổn thương da. Tác động cơ học sẽ kích thích hệ miễn dịch giải phóng chất tiền viêm khiến tổn thương da trở nên nặng nề, thâm nhiễm và xuất hiện các vết nứt. Ngoài gây ngứa âm ỉ và sâu bên trong da thì còn ảnh hưởng lớn tới ngoại hình.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh cơ địa: Như đã đề cập, bệnh viêm da cơ địa có thể đi kèm với các bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, sốt cỏ khô,… Trường hợp bệnh kéo dài thì hệ miễn dịch sẽ có xu hướng sản sinh nhiều IgE hơn. Đồng thời phóng thích các thành phần trung gian vào niêm mạc, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ địa.

Ngoài ra, các triệu chứng ngứa ngáy mà bệnh viêm da cơ địa gây ra còn xuất hiện từ giai đoạn cấp và kéo dài tới giai đoạn mãn tính. Nó thường gây mất ngủ, khó ngủ và làm giảm hiệu suất học tập/làm việc. Từ đó khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt.

Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa có hình thái tổn thương khá đa dạng. Tuy nhiên, biểu hiện của bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với một số tình trạng da liễu khác. Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng, yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Sau đó đối chiếu trên tiêu chuẩn chẩn đoán để đưa ra kết luận. Cụ thể như sau:

chẩn đoán viêm da cơ địa
Khi bị viêm da cơ địa nên sớm thăm khám để bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn điều trị

1. Thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng

Trước tiên, bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ tiến hành quan sát các triệu chứng lâm sàng. Đồng thời khai thác về tiền sử cá nhân và gia đình. Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng có thể được thực hiện.

  • Xét nghiệm máu: Phát hiện tăng nồng độ IgE trong huyết thanh.
  • Mô bệnh học: Cho kết quả thượng bì có xốp bào xen kẽ với hiện tượng á sừng. Trung bì xuất hiện sự xâm nhập của bạch cầu lympho, mono và dưỡng bào, có hoặc không có các tế bào ái kiềm. Trường hợp lichen hóa sẽ xuất hiện tình trạng tăng sản thượng bì.
  • Test áp và test lẩy: Nhằm xác định dị nguyên có liên quan đến sự bùng phát bệnh.

2. Chẩn đoán xác định bệnh viêm da cơ địa

Muốn đưa ra chẩn đoán xác định cho bệnh viêm da cơ địa, các bác sĩ da liễu thường căn cứ vào tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka:

– Tiêu chuẩn chính:

  • Ngứa
  • Lichen hóa tại các nếp gấp ở trẻ em hoặc thành dải ở người trưởng thành
  • Tổn thương xuất hiện tại mặt và mặt duỗi các chi ở trẻ sơ sinh và trẻ em
  • Tổn thương phát ban tái phát hoặc mãn tính
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc các bệnh dị ứng

– Tiêu chuẩn phụ:

  • Da khô, dày sừng nang lông, vảy cá, tăng đường kẻ lòng bàn tay
  • Viêm da ở tay và chân
  • Viêm môi, chàm vú, nếp ở cổ, vảy phấn
  • Tổn thương nặng lên do ảnh hưởng của tâm lý và các yếu tố môi trường
  • Ngứa ngáy khi bài tiết mồ hôi
  • Tăng sắc tố quanh mắt
  • Tăng IgE huyết thanh
  • Viêm kết mạc
  • Giác mạc hình chóp
  • Đục thủy tinh thể dưới bao sau
  • Dấu hiệu Dennie – Morgan (mi mắt dưới xuất hiện 2 nếp gấp)

Để đưa ra chẩn đoán xác định cần phải có từ 3 tiêu chuẩn chính kết hợp với từ 3 tiêu chuẩn phụ trở lên.

Các cách điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

Bệnh viêm da cơ địa rất khó điều trị dứt điểm. Bệnh thường có tiến triển dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát khi có yếu tố thuận lợi. Nguyên tắc của việc điều trị là dùng thuốc chống khô da, dịu da, chống viêm, chống nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh và gia đình biết cách để điều trị và phòng bệnh.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp được áp dụng phổ biến bao gồm:

1. Điều trị tại chỗ

Bệnh viêm da cơ địa chủ yếu gây ra các tổn thương trên da nên điều trị tại chỗ luôn là lựa chọn ưu tiên. Người bệnh cần tắm hằng ngày với nước ấm và xà phòng có ít chất kiềm. Sau khi tắm cần dùng khăn sạch lau khô da và sử dụng các sản phẩm làm ẩm da.

thuốc trị viêm da cơ địa
Các loại thuốc bôi ngoài da được sử dụng rất phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc bôi tại chỗ. Các thuốc có thể được kê toa bao gồm:

– Corticoid:

Corticoid được dùng rất phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa. Ở trẻ nhỏ, bác sĩ thường yêu cầu dùng loại có hoạt tính yếu, ví dụ như hydrocortison 1-2.5%.

Đối với những trẻ lớn và người trưởng thành thì có thể dùng các loại có hoạt tính trung bình. Chẳng hạn như desonide, butyrate và clobetasol. Với những tổn thương lichen hóa hay vị trí da dày có thể sử dụng loại corticoid hoạt tính mạnh hơn. Điển hình là clobetasol propionate.

Với những tổn thương vùng da mỏng hoặc nhạy cảm như da mặt thì nên dùng mỡ corticoid nhẹ hơn và ít ngày. Còn với các vùng da dày, lichen hóa thì sử dụng loại mạnh hơn để giảm viêm và giảm ngứa hiệu quả hơn.

Bác sĩ thường chỉ định sử dụng corticoid dạng bôi với liều lượng thông thường trong 1 tuần. Sau đó từ từ giảm liều để hạn chế nguy cơ tái phát.

– Các loại thuốc khác:

Ngoài corticoid dạng bôi thì bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị tại chỗ khác. Chẳng hạn như:

  • Có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh hoặc thuốc mỡ corticoid có thêm kháng sinh để chống nhiễm khuẩn hiệu quả hơn.
  • Đắp dung dịch Jarish, nước muối sinh lý 0.9% hoặc thuốc tím 1/10.000.
  • Làm ẩm da bằng urea 10% hoặc petrolatum đối với những vùng da khô.
  • Thuốc bạt sừng bong vảy như mỡ goudron, crysophanic, ichthyol, salicyle 5%, 10%.
  • Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus nồng độ 0.03-0.1% cũng rất hiệu quả đối với bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên loại thuốc này đắt tiền và hay gây ra kích ứng da, giãn mạch trong thời gian đầu sử dụng.

2. Điều trị toàn thân

Trong một số trường hợp, tổn thương trên da do viêm da cơ địa có thể trở nên tồi tệ. Kèm theo đó là các triệu chứng ngứa ngáy và đau rát dữ dội. Lúc này, bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp thêm các loại thuốc điều trị toàn thân.

Một số loại thường được kê toa bao gồm:

– Thuốc kháng histamine H1:

Nhóm thuốc này được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các bệnh da liễu có liên quan đến cơ chế miễn dịch dị ứng. Thuốc kháng histamine H1 sẽ ức chế thành phần trung gian histamine tại thụ thể H1. Từ đó ngăn chặn phản ứng dị ứng, cải thiện ngứa ngáy và hỗ trợ làm giảm tổn thương da. Các loại thường được dùng là:

  • Clorpheniramin 4mg: Uống 1 – 2 viên/ ngày.
  • Fexofenadine 180mg: Uống 1 viên/ ngày.
  • Certirizin 10mg: Uống 1 viên/ ngày.

– Kháng sinh chống nhiễm khuẩn:

Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm tiến triển nặng. Thông thường, kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 1 là được sử dụng phổ biến nhất. Một đợt điều trị bằng kháng sinh sẽ kéo dài 10 – 14 ngày.

chữa bệnh viêm da cơ địa
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc uống kết hợp với thuốc bôi

– Corticoid đường uống:

Loại thuốc này hiếm khi được chỉ định bởi nó tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh bùng phát nặng thì bác sĩ có thể cân nhắc. Chỉ nên dùng corticoid đường uống trong thời gian ngắn, tuyệt đối không dùng thuốc kéo dài.

– Viên uống bổ sung:

Trường hợp bị viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần do bị thiếu hụt dưỡng chất, thể trạng kém hoặc hệ miễn dịch suy yếu thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng các loại viêm uống bổ sung. Phổ biến nhất là các viên uống bổ sung kẽm, vitamin nhóm B và vitamin C.

Tất cả các thuốc dùng điều trị viêm da cơ địa cần đảm bảo dùng đúng chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tăng/ giảm liều hay ngừng thuốc đột ngột khi chưa thông qua bác sĩ. Trường hợp gặp tác dụng phụ thì cần báo ngay cho bác sĩ để sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp.

3. Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng cũng có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh viêm da cơ địa. Đây là phương pháp sử dụng tia cực tím nhân tạo như UVA, UVB để tác động lên các tế bào gây viêm. Cụ thể là tế bào lympho T, tế bào mast, bạch cầu hạt,… Từ đó làm giảm hoạt động phóng thích các chất tiền viêm và hỗ trợ làm giảm tổn thương da.

Liệu pháp ánh sáng có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp cùng với truyền thuốc nhằm làm tăng tác dụng điều trị. Phương pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt, hơn nữa còn ít gây ra tác dụng phụ hơn với với dùng thuốc. Tuy nhiên lạm dụng liệu pháp ánh sáng sẽ làm tăng tốc độ lão hóa và dẫn tới ung thư da.

4. Các biện pháp hỗ trợ khác

Bên cạnh việc điều trị y tế thì người bệnh viêm da cơ địa nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển nặng và làm giảm tần suất dùng thuốc.

Các biện pháp hỗ trợ được đề cập bao gồm:

  • Chườm lạnh hoặc tắm nước mát giúp làm dịu da, giảm ngứa ngáy và đau rát ở vùng da bị tổn thương.
  • Tắm nước sắc lá trầu không hoặc lá chè xanh giúp sát trùng, giảm viêm và cải thiện cơn ngứa. Đặc biệt nhiều hoạt chất trong các loại thảo dược này còn giúp thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương da.
  • Nên dưỡng ẩm cho da thường xuyên, nhất là sau khi tắm. Khi thời tiết khô lạnh chú ý giữ ấm cho cơ thể. Đồng thời dùng máy tạo độ ẩm để làm giảm tình trạng da mất nước, khô ráp và ngứa ngáy dữ dội.
  • Trong thời gian bệnh bùng phát nên dành thời gian nghỉ ngơi và giảm tải khối lượng công việc.
  • Có thể ngồi thiền hoặc tập yoga để kiểm soát căng thẳng, điều hòa cơ thể và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh.
chữa bệnh viêm da cơ địa
Tắm nước lá chè xanh có thể hỗ trợ làm giảm ngứa và thúc đẩy tổn thương da chóng lành

Phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa

Như đã phân tích, bệnh viêm da cơ địa có đặc tính tiến triển dai dẳng và rất dễ tại phát. Nếu bệnh tái phát nhiều lần sẽ khiến da bị tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra còn tác động tiêu cực đến tâm lý, làm giảm hiệu suất làm việc/ học tập, giảm chất lượng giấc ngủ và cuộc sống.

Song song với các giải pháp điều trị, nên chủ động ngăn ngừa bệnh viêm da cơ địa tái phát bằng một số cách sau đây:

  • Tránh tiếp xúc với những yếu tố có nhiều khả năng gây dị ứng. Chẳng hạn như phấn hoa, lông thú, nước hoa, keo xịt tóc, xà phòng,…
  • Hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống dễ gây dị ứng. Điển hình là đậu nành, đậu phộng, hải sản, sữa bò, thịt bò, cà phê, rượu bia,…
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các giải pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền, tập yoga, bơi lội, trò chuyện cùng người thân.
  • Dành 30 – 45 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất để hạn chế hoạt động miễn dịch dị ứng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, hít khói thuốc lá thụ động hay sử dụng các chất kích thích.
  • Nên tắm nắng khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày trong khung giờ từ 6 – 9 giờ sáng. Hoạt động này giúp ngăn chặn tăng sinh tế bào sừng, cải thiện hệ miễn dịch và làm giảm tổn thương trên da.
  • Chăm sóc da đúng cách, thận trọng khi lựa chọn sữa rửa mặt, kem dưỡng, serum, kem chống nắng,… Nên đọc kỹ bảng thành phần trước khi chọn mua, ưu tiên các sản phẩm lành tính, có chiết xuất tự nhiên.
  • Khi thời tiết thay đổi đột ngột nên chú ý giữ ấm cho cơ thể, sử dụng máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí.

Bệnh viêm da dị ứng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi cho tới người trưởng thành. Cần sớm có biện pháp can thiệp điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát để làm giảm các vấn đề ảnh hưởng. Nên chủ động thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời và đúng cách.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 17/04/2023 - Cập nhật lúc 1:48 pm , 20/12/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả