Tư thế ngồi và nằm tốt nhất cho người bị thoát vị đĩa đệm

Các tư thế ngồi và nằm cho người bị thoát vị đĩa đệm tập trung vào việc giảm đau và giúp phục hồi các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Việc áp dụng đúng tư thế có thể hỗ trợ quá trình điều trị cũng như ngăn ngừa các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Tư thế ngồi và nằm cho người thoát vị đĩa đệm
Tư thế ngồi và nằm phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm có thể góp phần giảm đau và cải thiện các triệu chứng

Tư thế ảnh hưởng đến thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Có một số yếu tố gây ảnh hưởng đến tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống, bao gồm làm tăng hoặc giảm các triệu chứng bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, lựa chọn tư thế phù hợp có thể góp phần ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn cũng như giúp người bệnh linh hoạt hơn trong các hoạt động hàng ngày.

Tư thế nằm kém sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi và phục hồi kém. Ngủ không đủ giấc cũng gây ảnh hưởng đến tâm trạng, căng thẳng, lo lắng và khiến cơn đau thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, tư thế ngồi xấu có thể dẫn đến tình trạng đau thắt lưng, đau vai gáy và thoát vị đĩa đệm. Ngồi lâu và sai tư thế là một trong những yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống và các vấn đề khác.

Do đó, việc áp dụng các tư thế ngồi và nằm cho người thoát vị đĩa đệm là điều cần thiết trong quá trình điều trị cũng như cải thiện các triệu chứng.

Tư thế ngồi và nằm tốt nhất cho người bị thoát vị đĩa đệm

Giữ tư đúng là một cách đơn giản nhưng rất quan trọng trọng việc điều chỉnh cấu trúc cột sống và giúp lưng luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó, giữ một tư thế ngồi và nằm cho người thoát vị đĩa đệm có thể giảm mức độ cơn đau ở lưng và cổ, từ đó ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Hỗ trợ lưng đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với bệnh nhân ngồi liên tục trên ghế văn phòng hoặc đứng liên tục trong nhiều giờ.

Dưới đây là một số hướng dẫn về tư thế chính xác khi nằm và ngồi cho người thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể tham khảo để lựa chọn tư thế phù hợp nhất.

1. Tư thế ngồi cho người thoát vị đĩa đệm

Ngồi gây áp lực lên các đĩa đệm cột sống. Điều này có thể khiến các tế bào nhân mềm bị đẩy ra khỏi vị trí ban đầu, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, dẫn đến đau đớn dữ dội. Việc áp dụng tư thế đúng có thể hạn chế cơn đau và hạn chế tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.

Tư thế ngồi cho người thoát vị đĩa đệm
Luôn giữ thẳng cột sống và vai cân bằng khi ngồi

Cụ thể, tư thế ngồi phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm như sau:

  • Điều chỉnh tư thế: Luôn giữ cơ thể thẳng hàng trong khi ngồi để giảm áp lực lên các đĩa đệm cột sống.
  • Giữ thẳng lưng: Luôn thẳng lưng và tựa lưng vào ghế khi ngồi. Điều này giúp giảm bớt áp lực của trọng lượng cơ thể lên các đĩa đệm và giúp giảm đau.
  • Giữ cho khuỷu tay ngang hàng: Giữ cho khuỷu tay ở độ cao phù hợp với bàn làm việc. Ngoài ra, người bệnh cần cố gắng giữ cho bàn tay, cổ tay và vai thẳng hàng. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tác động lên cột sống khi cơ thể bị lệch.
  • Giữ hông cân bằng: Khi ngồi, người bệnh không nên bắt chéo chân, điều này có thể gây áp lực lên đĩa đệm và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khi cần ngồi lâu, người bệnh nên giữ chân trên một bục cao để giữa thăng bằng và ngăn nguy cơ lệch hông.

Một số mẹo khi ngồi dành cho người thoát vị đĩa đệm:

  • Dùng khăn cuộn lại: Đối với hầu hết các loại ghế, người bệnh có thể sử dụng một chiếc khăn cuộn lại đặt ở thắt lưng để giữ cho cột sống luôn thẳng. Giữ vai cân bằng, mắt nhìn thẳng, đặt chân trên sàn hoặc nâng cao hơn hông một chút.
  • Ngồi trên một quả bóng tập thể dục: Ngồi với bóng có thể giúp giảm áp lực lên các đĩa đệm cột sống và cải thiện cơn liên quan đến thoát vị đĩa đệm.

2. Tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm

Tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm được hướng dẫn bởi bác sĩ có chuyên môn dựa theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Dưới đây là một số tư thế ngủ phù hợp nhất, người bệnh có thể tham khảo:

Thoát vị đĩa đệm có được nằm nghiêng không
Khi nằm ngủ nghiêng nên kê một chiếc gối ở giữa hai đầu gối để giữ cột sống luôn cân bằng
  • Tư thế thai nhi: Đối với những người thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, nên ngủ theo tư thế thai nhi. Ở tư thế này, người bệnh nằm với cột sống thắt lưng cong lại, đầu gối kéo gần ngực. Điều này có thể mở rộng không gian giữ các đốt sống, hạn chế áp lực dồn lên các dây thần kinh và cải thiện tình trạng thoát vị đĩa đệm.
  • Nằm ngửa: Nếu có thói quen nằm ngửa khi ngủ, người bệnh nên có một số điều chỉnh nhỏ để ngủ ngon hơn khi bị thoát vị đĩa đệm. Đặt một chiếc gối ở bên dưới đầu gối khi nằm ngủ, điều này sẽ giảm áp lực lên cột sống và cải thiện cơn đau.
  • Nằm nghiêng: Nếu có thói quen nằm nghiêng khi ngủ, người bệnh nên đặt một chiếc gối ở giữa hai đầu gối, điều này sẽ giúp hông luôn trong trạng thái cân bằng và duy trì độ cong thoải mái của cột sống. Tương tự như tư thế ngủ bào thai, tư thế nằm nghiêng giúp các đốt sống mở rộng, giảm áp lực lên các đĩa đệm và ngăn ngừa cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nằm trên ghế tựa: Mặc dù nằm trên giường là tư thế tốt nhất và được khuyến khích dành cho người thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên vào những đêm đặc biệt đau đớn, người bệnh có thể nghỉ ngơi trên ghế tựa để đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Các loại ghế tựa có thể kê cao chân và bàn chân, điều này giúp giảm thiểu áp lực lên cột sống và cải thiện cơn đau hiệu quả.

Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể đề nghị các tư thế ngủ phù hợp để tránh căng thẳng và áp lực lên cột sống. Tư thế ngủ thông thường sau phẫu thuật cột sống là ngủ nghiêng với một chiếc gối đặt giữa hai chân. Tư thế này sẽ mang đến sự thoải mái nhất và hỗ trợ cột sống tối đa. Khi thay đổi tư thế, người bệnh cần theo một chuyển động ổn định và chắc chắn để tránh gây tổn thương thêm.

Tư thế cần tránh khi bị thoát vị đĩa đệm

Bên cạnh tư thế ngồi và nằm cho người thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần chú tránh các tư thế xấu gây tác động lên cột sống.

Khi nằm ngủ, cần tránh nằm sấp, vì tư thế này không hỗ trợ cột sống, gây ảnh hưởng đến đường cong tự nhiên của lưng, dẫn đến đau đớn và nhiều vấn đề cơ xương khớp trong tương lai. Nếu có thói quen nằm sấp khi ngủ, người bệnh nên thay đổi thói quen để tránh gây tổn thương cột sống, đặc biệt là khi điều trị thoát vị đĩa đệm.

Các tư thế xấu khi ngồi rất phổ biến, do đó người bệnh cần chú ý để tránh gây ảnh hưởng đến cột sống. Khi ngồi cần giữ thẳng cột sống, vai căng ra phía sau và mắt nhìn thẳng. Tránh tư thế đầu và tai được đưa ra phía trước trục thẳng của cơ thể, không gù lưng, tròn vai hoặc nghiêng xương chậu về phía sau.

Áp dụng tư thế ngồi và nằm cho người thoát vị đĩa đệm tốt là cách hiệu quả nhất để giữa cho cột sống thẳng hàng, giảm áp lực lên các đĩa đệm cũng như ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Lời khuyên cho người thoát vị đĩa đệm

Khi bị thoát vị đĩa đệm, ngoài việc giữ tư thế tốt, người bệnh có thể lưu ý một số mẹo cũng như lời khuyên để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, chẳng hạn như:

tư thế yoga cho người thoát vị đĩa đệm
Thường xuyên tập yoga kéo giãn cột sống để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh
  • Kéo giãn cơ hoặc Yoga nhẹ: Thực hiện các hoạt động thể chất, chẳng hạn như bài tập giãn cơ hoặc yoga có thể tăng cường sức mạnh cốt lõi, giúp hạn chế các vấn đề ở lưng trong tương lai và điều trị thoát vị đĩa đệm. Các động tác này cũng giúp tăng cường chất lượng giấc ngủ và đưa cơ thể về tâm trạng thoải mái hơn.
  • Chú ý các chuyển động: Để tránh khiến các triệu chứng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn và tăng tốc độ phục hồi, người bệnh nên chú ý đến các chuyển động của cơ thể. Tránh các hành động đột ngột, xóc nảy và thực hành tư thế tốt khi nâng vật nặng hoặc vặn người sang hai bên.
  • Duy trì tư thế tốt: Việc khom lưng hoặc ngồi ở các tư thế xấu có thể khiến cột sống bị cong ở một số vị trí không tự nhiên, điều này dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống. Nếu thường xuyên ngồi lâu, người bệnh nên thường xuyên nghỉ ngơi và giãn cơ để tăng cường sức khỏe cột sống.
  • Sử dụng nệm chất lượng: Giường quá cứng có thể ngăn cột sống thư giãn hoặc quá mềm có thể tạo ra độ cong không cần thiết ở cột sống, dẫn đến vẹo cột sống. Do đó, người bệnh nên chọn loại nệm có độ đàn hồi vừa phải, không quá mềm hoặc không quá cứng để hỗ trợ tốt nhất cho cột sống.
  • Sử dụng ghế công thái học: Làm việc văn phòng với tư thế không tốt có thể gây căng thẳng cho lưng dưới. Do đó, người bệnh nên sử dụng ghế cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất cho cột sống và ngăn ngừa các tổn thương liên quan.
  • Tăng cường chất lượng giấc ngủ: Đảm bảo ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi đệm và tăng cường chất lượng giấc ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể phục hồi tốt hơn, góp phần điều trị thoát vị đĩa đệm và ngăn ngừa các bệnh lý cột sống khác.

Các thói quen hàng ngày có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đĩa đệm cột sống và góp phần khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh cần chú ý các tư thế ngồi và nằm cho người thoát vị đĩa đệm để tăng cường sức khỏe cột sống. Hy vọng bài viết cung cấp các thông tin cần thiết để giảm đau cho người thoát vị đĩa đệm. Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan nào, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 19/12/2023 - Cập nhật lúc 12:24 pm , 19/12/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc