Đau Bả Vai Trái Là Bị Gì? Nguy Hiểm Không? Cách Trị

Đau bả vai trái thường xảy ra do căng cơ trong quá trình chơi thể thao, sai tư thế hoặc do chấn thương vật lý. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh cơ xương khớp và nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Xác định rõ nguyên nhân sẽ giúp cho việc điều trị và phòng ngừa mang lại kết quả khả quan nhất.

đau bả vai trái
Đau bả vai trái là tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Đau bả vai trái là bị gì?

Vai là một trong những khớp có biên độ hoạt động cao, linh hoạt. Cơ quan này có cấu tạo phức tạp bao gồm khớp cùng vai đòn, xương bả vai, xương cánh tay và các gân, cơ, màng bao hoạt dịch. Cấu trúc chặt chẽ giúp khớp vai dễ dàng thực hiện các hoạt động một cách dễ dàng, linh hoạt. Có thể nói, khớp vai và khớp gối là hai vị trí khớp được sử dụng nhiều nhất. Cũng vì lý do này mà không ít người gặp phải tình trạng đau vai nói chung và đau bả vai trái nói riêng.

Đau bả vai trái có thể là cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội. Đa phần các trường hợp đau bả vai đều có tính chất vật lý. Tức là cơn đau tăng lên khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi. Ngoài cơn đau, tình trạng này còn đi kèm với một số biểu hiện khác như vai sưng đỏ, viêm, yếu cánh tay,…

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bả vai trái. Trong đó phổ biến nhất là do chấn thương vật lý và căng cơ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đau bả vai trái là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe. Nếu gặp phải tình trạng này, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây đau bả vai trái bạn nên xem xét:

1. Căng cơ khi chơi thể thao

Căng cơ khi chơi thể thao là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau bả vai trái. Tình trạng này gặp chủ yếu ở những người chơi các bộ môn phải sử dụng khớp vai nhiều như cầu lông, tennis, bơi lội,… Căng cơ thường xảy ra do thực hiện động tác không đúng kỹ thuật hoặc không khởi động trước khi chơi thể thao.

đau bả vai trái là bệnh gì
Đau bả vai trái thường xảy ra do căng cơ khi chơi thể thao

Cơ vai có vai trò tạo ra lực để cho khớp chuyển động. Tuy nhiên nếu chơi thể thao quá mức và không khởi động trước, cơ có thể bị kéo căng dẫn đến tình trạng đau nhức sau khi chơi. Căng cơ do chơi thể thao thường gây đau bả vai phải hoặc trái, mức độ đau từ nhẹ đến trung bình và thường đi kèm với hiện tượng mỏi khớp.

2. Đau bả vai trái do sai tư thế

Ngoài nguyên nhân trên, đau bả vai trái cũng có thể bắt nguồn từ thói quen đứng, ngồi và nằm sai tư thế. Tư thế xấu sẽ khiến cho khớp vai phải chịu áp lực lớn hơn bình thường dẫn đến tổn thương các mô mềm bên trong, từ đó gây đau nhức và khó chịu.

Một số tư thế xấu có thể gây đau bả vai trái bao gồm:

  • Ngủ sai tư thế (thường gặp nhất là tình trạng dùng tay kê đầu hoặc đè cánh tay phía dưới thân mình)
  • Ngồi đánh máy trong thời gian dài, dáng ngồi cong vẹo, kích thước bàn và ghế không phù hợp với chiều cao cơ thể.
  • Đứng nghiêng một bên.
  • Thường xuyên mang vật nặng bằng vai.

Sai tư thế khiến cho trọng lực không phân tán đồng đều mà tập trung ở một vài khớp cố định mà trong trường hợp này là khớp vai bên trái. Tình trạng này kéo dài khiến cho khớp dễ bị đau nhức và yếu cơ dần theo thời gian.

3. Chấn thương vật lý do tai nạn

Chấn thương vật lý do tai nạn, té ngã là nguyên nhân phổ biến gây đau bả vai trái. Va chạm mạnh lên vai do tai nạn giao thông, tai nạn khi chơi thể thao và bất cẩn khi đi đứng, sinh hoạt có thể khiến vai bị sưng viêm và đau nhức.

Đối với những trường hợp nhẹ, cơn đau và các triệu chứng đi kèm sẽ thuyên giảm nhanh chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu nhận thấy vai đau nhiều, bầm tím và gây yếu cơ, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị khi có dấu hiệu bất thường.

4. Do các các bệnh lý cơ xương khớp

Đau bả vai trái đôi khi là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý cơ xương khớp. Trường hợp này thường có triệu chứng mức độ nặng và kéo dài dai dẳng thay vì tự thuyên giảm như căng cơ thông thường.

đau bả vai trái là bệnh gì
Đau bả vai trái có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng đau mỏi vai gáy và nhiều vấn đề cơ xương khớp khác

Đau bả vai trái có thể là biểu hiện của những bệnh lý sau:

  • Đau vai gáy: Đau vai gáy là tình trạng cơ ở vùng vai gáy bị chèn ép, co cứng dẫn đến hiện tượng đau ở vùng cổ và bả vai. Các triệu chứng của bệnh lý này thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau khi giữ nguyên tư thế trong một thời gian dài. Do đó, nhiều khả năng đau bả vai trái là biểu hiện của bệnh đau vai gáy.
  • Viêm quanh khớp vai: Viêm quanh khớp vai là vấn đề thường gặp ở khớp vai. Bệnh lý này xảy ra khi các cấu trúc phần mềm bao quanh khớp như túi thanh dịch, gân, bao khớp bị viêm và phù nề. Viêm quanh khớp vai thường xảy ra do tập thể thao quá mức, chấn thương mạnh, lao động nặng và thoái hóa gân do tuổi tác. Nếu do bệnh lý này, cơn đau thường có tính chất dữ dội, xuất hiện đột ngột và lan ra toàn bộ vai, cổ, tay,…
  • Thoái hóa khớp vai: Tương tự như các khớp khác trong cơ thể, khớp vai cũng có thể bị thoái hóa. Thoái hóa khớp là hiện tượng có tiến triển chậm và thường liên quan đến yếu tố tuổi tác. Bệnh lý này gây đau bả vai trái âm ỉ, bề mặt da bên ngoài sưng viêm, nóng đỏ và khớp bị giới hạn vận động. Ngoài ra, khớp thường xuất hiện tiếng lục cục khi cử động.
  • Các bệnh lý khác: Đau bả vai trái còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh cơ xương khớp khác như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, trật khớp, loãng xương, hội chứng chóp xoay vai,… Tuy nhiên, tỷ lệ đau bả vai trái do nguyên nhân này thường thấp hơn so với viêm quanh khớp vai và hội chứng đau vai gáy.

5. Một số vấn đề sức khỏe khác

Trong nhiều trường hợp, đau bả vai trái là dấu hiệu của một số vấn đề tiềm ẩn như:

  • Các vấn đề về phổi
  • Các bệnh lý về tim mạch
  • Biến chứng sau phẫu thuật
  • Các bệnh lý về gan, túi mật và viêm tụy

Những đối tượng có nguy cơ cao bị đau bả vai trái

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đau bả vai trái. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn ở những đối tượng sau:

  • Vận động viên bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, diễn viên múa hoặc người yêu thích chơi thể thao.
  • Người làm công việc văn phòng phải liên tục làm việc với máy tính.
  • Người làm công việc tài xế, lao động nặng nhọc.
  • Người trung niên và cao tuổi cũng có nguy cơ cao bị đau bả vai trái do hệ cơ xương khớp bị thoái hóa và suy giảm chức năng.
  • Trường hợp dị tật bẩm sinh ở vai, tiền sử chấn thương và phẫu thuật vai.
  • Người mắc các chứng bệnh cơ xương khớp mãn tính như thoái hóa khớp vai,… sẽ có nguy cơ bị đau bả vai trái cao hơn bình thường.

Đau bả vai trái có nguy hiểm không?

Đau bả vai trái là tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu xảy ra do căng cơ và chấn thương nhẹ, cơn đau sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày sau khi được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý.

Tuy nhiên, nếu đau bả vai trái xảy ra do các bệnh cơ xương khớp, tình trạng sẽ có xu hướng kéo dài và tiến triển mãn tính. Trong trường hợp này, bắt buộc phải thăm khám và điều trị y tế. Nếu chủ quan, mức độ cơn đau sẽ có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian khiến cho bạn gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống và khó khăn khi thực hiện một số hoạt động.

Ngoài ra, cơn đau cũng có thể bùng phát khi ngủ khiến chất lượng giấc ngủ giảm thấp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng đau bả vai trái. Nếu cơn đau không thuyên giảm sau khoảng 1 tuần, bạn nên thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp các phương pháp điều trị y tế.

Cách điều trị đau bả vai trái an toàn, hiệu quả

Có khá nhiều phương pháp điều trị đau bả vai trái. Để cải thiện tình trạng hiệu quả, bạn cần lựa chọn phương pháp phù hợp với nguyên nhân và mức độ triệu chứng.

Nguyên nhân chủ yếu gây đau bả vai trái là do chấn thương nhẹ và căng cơ. Vì vậy, bạn có thể cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà. Nếu tình trạng không thuyên giảm hoặc có mức độ nghiêm trọng, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị y tế kịp thời:

1. Các biện pháp cải thiện tại nhà

Đau bả vai trái thường xảy ra do các tổ chức mô mềm bị tổn thương dẫn đến sưng, viêm và đau nhức. Để cải thiện cơn đau và các triệu chứng đi kèm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như:

đau bả vai trái
Có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh tại nhà để cải thiện tình trạng đau bả vai trái
  • Nghỉ ngơi: Khi bị căng cơ do chơi thể thao hoặc mang vác nặng, bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi để giảm áp lực lên khớp vai. Chỉ sau khoảng vài ngày, khớp vai sẽ phục hồi và cơn đau sẽ giảm đi đáng kể.
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh: Bạn cũng có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh để giảm đau bả vai trái. Trường hợp đau vai đi kèm với hiện tượng viêm sưng và da đỏ nóng, nên chườm lạnh để giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, nếu bả vai bị đau âm ỉ và khớp kêu lục cục, có thể chườm ấm để giảm đau nhức và tăng cường khả năng vận động.
  • Xoa bóp: Trong trường hợp căng cơ do chơi thể thao, có thể xoa bóp nhẹ vùng vai với dầu nóng để giảm đau nhức. Xoa bóp giúp tăng cường tuần hoàn máu đến vai, từ đó giúp cải thiện cơn đau và cảm giác nhức mỏi. Cách này cũng có hiệu quả đối với đau vai do làm việc nặng nhọc và giữ tư thế quá lâu do làm các công việc như tài xế, nhân viên văn phòng,…
  • Thực hiện một số bài tập: Để kiểm soát cơn đau nhanh chóng, bạn có thể thực hiện một số bài tập co duỗi nhẹ nhàng để phục hồi khớp vai. Các bài tập này giúp khớp vai trở nên linh hoạt hơn và giảm nhanh tình trạng đau nhức, khó chịu.
  • Thay đổi thói quen xấu: Sai tư thế là nguyên nhân khiến khớp bị đau nhức. Để cải thiện tình trạng này, cần điều chỉnh lại tư thế nằm, ngồi và đứng nhằm giải phóng chèn ép lên dây thần kinh và đẩy nhanh quá trình tái tạo, phục hồi các mô tổn thương ở khớp vai. Ngoài ra, việc thay đổi các tư thế xấu còn giúp bảo vệ hệ thống xương khớp và giảm nguy cơ mắc các chứng thoái hóa khớp, viêm khớp.

2. Sử dụng thuốc

Nếu khớp bả vai trái bị đau nhức kéo dài, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc để cải thiên. Trường hợp đau nhẹ đến trung bình nên dùng các loại thuốc giảm đau không kê toa. Tuy nhiên nếu cơn đau có mức độ nặng hơn, nên xem xét đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định các loại thuốc khác.

đau bả vai trái
Có thể dùng một số loại thuốc không kê toa để cải thiện tình trạng đau bả vai trái và các triệu chứng đi kèm

Các loại thuốc được dùng để giảm đau bả vai trái:

  • Thuốc giảm đau dùng ngoài: Các loại thuốc giảm đau dùng ngoài thường có chứa hoạt chất Methyl Salicylate và Menthol. Các hoạt chất này có tác dụng chống viêm và giảm đau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bả vai trái chỉ bị đau nhẹ và vùng da bên ngoài không bị trầy xước hoặc có vết thương hở, bạn có thể dùng miếng dán hoặc kem bôi ngoài có chứa các thành phần này.
  • Acetaminophen (Paracetamol): Acetaminophen là thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Khi gặp phải tình trạng đau bả vai trái, bạn có thể dùng thuốc để cải thiện. Loại thuốc này mang lại hiệu quả khá tốt và ít khi gây ra tác dụng phụ. Thuốc giảm đau Acetaminophen có thể dùng cho cả trẻ em và người trưởng thành.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Trong trường hợp bả vai bị đau nhức kèm theo hiện tượng sưng viêm, có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,… Thuốc có hiệu quả giảm đau và kháng viêm nên cải thiện triệu chứng rõ rệt hơn so với Acetaminophen. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng NSAID cho người bị đau dạ dày và có các vấn đề về tim mạch.

Các loại thuốc giảm đau không kê toa khá an toàn ở liều điều trị. Thuốc có thể dùng mà không cần toa của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc tối đa 3 – 7 ngày. Nếu tình trạng vẫn không được cải thiện, nên đến bệnh viện để được kiểm tra.

3. Các phương pháp điều trị y tế

Nếu bả vai trái bị đau nhức dữ dội hoặc các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp. Để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng mà bạn gặp phải, đồng thời khai thác tiền sử chấn thương và bệnh lý.

Trong trường hợp nghi ngờ đau bả vai trái do chấn thương nghiêm trọng hoặc do các bệnh cơ xương khớp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán như khám sức khỏe tổng quát, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm,… Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.

Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, các phương pháp điều trị có thể được áp dụng bao gồm:

  • Sử dụng thuốc
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật
  • Các phương pháp hỗ trợ không dùng thuốc

Đối với các bệnh cơ xương khớp mãn tính, bệnh nhân cần phải điều trị duy trì và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để quản lý bệnh thành công.

Các biện pháp phòng ngừa đau bả vai trái

Vai là khớp linh hoạt và có biên độ hoạt động cao. Do đó, khớp ở vị trí này rất dễ bị đau nhức. Để phòng ngừa đau bả vai trái, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao. Ngoài ra, nên đảm bảo thực hiện động tác đúng kỹ thuật để không gây tổn thương khớp vai và những khớp khác trên cơ thể.
  • Không chơi thể thao quá mức và tránh lao động nặng nhọc.
  • Thay đổi các tư thế xấu để bảo vệ hệ xương khớp nói chung và khớp vai nói riêng.
  • Nên xây dựng chế độ tập luyện khoa học để đảm bảo xương khớp được dẻo dai, linh hoạt, tránh tình trạng khớp bị tổn thương do tập luyện trong một thời gian dài.
  • Thiết lập chế độ ăn uống hợp lý để nâng cao sức khỏe và duy trì hệ cơ xương khớp khỏe mạnh.
  • Với những người có hệ xương khớp yếu do ảnh hưởng của tuổi tác, nên thực hiện các bài tập co duỗi để tăng cường cơ bắp và cải thiện sự linh hoạt cho khớp vai.
  • Thận trọng khi chơi thể thao, làm việc, sinh hoạt và tham gia giao thông để hạn chế tối đa tình trạng tai nạn, chấn thương.

Đau bả vai trái là tình trạng khá phổ biến xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể xác định được nguyên nhân và biết cách xử lý hiệu quả. Ngoài ra, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ hệ cơ xương khớp và ngăn ngừa đau bả vai trái tái phát.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 22/05/2023 - Cập nhật lúc 9:49 am , 22/05/2023
Nguồn tham khảo
Cử nhân Báo Chí
Miss Thủy tốt nghiệp trường Học viên Báo chí và Tuyên truyền, từng có kinh nghiệm nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên trong ngành báo chí về lĩnh vực sức khỏe. Bắt đầu tham gia và triển khai những nội của site wikibacsi.com từ những ngày đầu, am hiểu rất kĩ các kiến thức khoa học về các bệnh lý, thông tin sức khỏe, đặc biệt là dược phẩm và có nhiều nguồn tin uy tín, chất lượng từ các bệnh viện, tài liệu nghiên cứu.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc