5 Bài Thuốc + Cách Chữa Đau Thần Kinh Tọa Bằng Đông Y

Chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y bao gồm sử dụng các bài thuốc, châm cứu hay xoa bóp bấm huyệt. Đây là các giải pháp an toàn giúp làm giảm đau, tăng cường phạm vi chuyển động và bồi bổ sức khỏe xương khớp. Tuy nhiên người bệnh cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi áp dụng bất cứ giải pháp Đông Y nào.

chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y
Chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y là giải pháp được đánh giá cao bởi sự an toàn, ít tác dụng phụ

Nguyên tắc chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y

Trong Đông Y, chứng đau thần kinh tọa đã được đề cập đến từ rất lâu với nhiều tên gọi khác nhau. Hội chứng đau thần kinh tọa được mô tả trong các bệnh danh như “Tọa cốt phong” hay “Tọa điến phong”. Từ “phong” ở đây được sử dụng để chỉ đặc tính thay đổi và di chuyển của cơn đau.

Theo sách “Bách Khoa Thư Bệnh Học”, đau dây thần kinh tọa là chứng đau tại dây thần kinh thắt lưng V và cùng I. Cơn đau có đặc tính là lan theo đường đi của dây thần kinh tọa (đường vận hành ở chân và eo lưng của đường kinh Bàng quang, Vị và Đởm).

Đau thần kinh tọa có thể do cả nguyên nhân cơ năng và thực thể ở bản thân dây thần kinh hoặc rễ thần kinh gây ra. Sách “Giáp Ất Kinh” cũng đã mô tả về chứng đau thần kinh tọa là “yêu hiếp thống dẫn thống cập bể cân” (tức là từ lưng, hông sườn đau lan xuống tới vùng háng).

Theo quan niệm Đông Y, có ba nguyên nhân chính gây ra chứng đau thần kinh tọa là phong, hàn và thấp. Phong tà có đặc điểm thường di chuyển và thay đổi, phối hợp với hàn và thấp gây nên chứng tý (đau nhức). Trong khi đó, hàn tà có đặc tính là làm ngưng trệ và co rút. Còn thấp tà có thể phát triển cùng với hàn và hóa ra nhiệt, gây nóng ở chỗ đau.

Chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y cần chú ý đến các nguyên tắc sau:

  • Thông kinh hoạt lạc: Thông thường tình trạng đau nhức kích hoạt là do kinh lạc bị bế tắc. Do đó, phải làm cho kinh lạc được thông thì mới cải thiện được cơn đau (thông tắc bất thống).
  • Ôn: Bệnh đau thần kinh tọa chủ yếu do hàn. Do đó cần phải dùng phép ôn để tán hàn.
  • Táo thấp: Do bệnh có thấp nên phải táo thấp để góp phần hỗ trợ thông kinh hoạt lạc.
  • Thư cân hoạt lạc: Tình trạng đau nhức có thể kèm theo chứng trạng co rút. Do đó cần làm cho gân cơ được giãn ra và kinh lạc được lưu thông.
  • Hoạt huyết, hóa ứ: Do huyết bị ứ trệ nên cần làm cho huyết lưu thông nhằm chuyển hóa chỗ huyết bị ứ theo nguyên tắc sau: “Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt” (tức lá trị phong trước hết phải trị huyết, huyết vận hành được thông suốt thì phong tà cũng sẽ tự hết).
  • Lý khí, chỉ thống: Khí trệ chắc chắn sẽ gây đau, cần dùng phép lý khí dể cho khí được thông suốt để hết đau. Theo nguyên tắc “Khí hành tắc huyết hành” (tức là khí vận hành đến đâu thì huyết sẽ vận hành đến đó).
  • Thanh nhiệt, táo thấp: Được áp dụng cho các trường hợp đau thần kinh tọa có liên quan tới thấp nhiệt.

5 Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y

Cần căn cứ vào từng thể bệnh để lựa chọn bài thuốc chữa đau thần kinh tọa phù hợp. Bởi mỗi thể bệnh sẽ có căn nguyên và biểu hiện triệu chứng khác nhau. Việc áp dụng không đúng bài thuốc sẽ không nhận được hiệu quả, trái lại còn tiềm ẩn các rủi ro.

bài thuốc đông y chữa đau thần kinh tọa
Cần căn cứ vào triệu chứng đau thần kinh tọa để xác định thể bệnh và lựa chọn bài thuốc phù hợp

Dưới đây là 5 bài thuốc chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y theo từng thể bệnh.

1. Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa thể phong hàn

Phong hàn là thể bệnh rất phổ biến của đau thần kinh tọa. Đặc trưng của cơn đau là bắt đầu từ vùng thắt lưng, sau đó lan xuống mông, sau đùi và cẳng chân. Điều này khiến cho người bệnh đi lại khó khăn. Tuy nhiên chưa có biểu hiện teo cơ.

Ngoài các triệu chứng về cơ xương khớp thì còn có các triệu chứng toàn thân đi kèm. Chẳng hạn như sợ lạnh, mạch phù, rêu trắng. Để điều trị cần áp dụng phương pháp phong tán hàn và hành khí hoạt huyết.

Chi tiết về bài thuốc:

  • Chuẩn bị: Thiên niên kiện, ngưu tất, uy linh tiên, kê huyết đằng, xuyên khung, đan sâm và độc hoạt mỗi vị 12g. Tế tân, phòng phong, chỉ sác, trần bì, quế chi và ngải cứu mỗi vị 8g. Cẩu tích 6g.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch, để ráo rồi cho vào ấm. Đổ ngập nước lên sắc trên lửa nhỏ để lấy nước đặc. Loại bỏ phần bã, chia nước thuốc làm 2 lần, uống hết trong ngày.

2. Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa thể hàn thấp

Triệu chứng đau thần kinh tọa thể hàn thấp có sự phức tạp hơn so với thể phong thấp. Người bệnh thường bị đau vùng lưng, đùi, dọc theo mặt ngoài của cẳng chân (kinh Đởm) và sau khoeo (kinh Bàng quang).Khớp chân có biểu hiện khó co duỗi và đi đứng. Về đêm hay khi gặp ngày mưa lạnh, thời tiết thay đổi thì đau tăng.

Trường hợp hàn tà nhiều hơn thì da mát lạnh, chỗ đau thấy nhức như bị kim đâm, mạch trầm trì hoặc huyền khẩn. Trường hợp thấp tà nhiều hơn thì da mát nhưng có nhiều mồ hôi, mạch nhu hoãn, lòng bàn chân có khi có mồ hôi và có cảm giác tê bì ở da. Pháp trị cần áp dụng là khu phong, tán hàn, trừ thấp và thông kinh hoạt lạc.

Chi tiết bài thuốc:

  • Chuẩn bị: Thương truật, bạch chỉ và bạch linh mỗi vị 12g. Xuyên khung 10g. Quế chi 8g. Tế tân và cam thảo mỗi vị 6g. Can khương và phụ tử chế mỗi vị 4g.
  • Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc rồi cho vào ấm. Thêm vào 1 lít nước sắc trên lửa nhỏ nửa tiếng đồng hồ. Loại bỏ bã thuốc, chia phần nước làm nhiều lần uống trong ngày. Sắc uống đều đặn mỗi ngày 1 thang đến khi triệu chứng giảm hẳn.

3. Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa thể phong hàn thấp

Phong hàn thấp được xác định là thể bệnh khá nặng của đau thần kinh tọa. Triệu chứng đặc trưng là đau vùng thắt lưng cùng lan dần xuống chân theo dọc đường đi của dây thần kinh tọa. Ở thể bệnh này, cơ có xu hướng bị teo, bệnh kéo dài và dễ tái phát.

Người bệnh thường ăn kém, ngủ ít, mạch trầm nhược hoặc nhu hoãn. Đau thần kinh tọa thể phong hàn thấp thường liên quan đến chứng thoái hóa cột sống gây chèn ép. Pháp trị cần áp dụng là tán hàn, khu phong, trừ thấp, hoạt huyết và hành khí.

Chi tiết bài thuốc:

  • Chuẩn bị: Khương hoạt 12g. Hoàng kỳ, đương quy, độc hoạt, tang chi và phòng phong mỗi vị 8g. Một dược, nhũ hương, hải phong đằng, xuyên khung và cam thảo mỗi vị 4g.
  • Thực hiện: Làm sạch các vị thuốc rồi cho hết vào ấm. Thêm vào 1.5 lít nước và sắc trên lửa nhỏ đến khi còn 300ml. Bỏ phần bã thuốc, chia phần nước ra thành 3 lần uống trong ngày.
  • Gia giảm: Trường hợp phong thắng thì thêm phòng phong và tăng lượng khương hoạt. Hàn thắng thì thêm tế tân và xuyên ô. Thấp thắng thì thêm phòng kỷ và ý dĩ nhân. Bệnh lâu ngày, sợ gió, suy chính khí, ra mồ hôi thì giảm độc hoạt, tần giao và khương hoạt, đồng thời thêm hoàng kỳ, bạch thược, đại táo, can khương và đảng sâm.
chữa đau thần kinh tọa bằng thuốc đông y
Các bài thuốc đông y có thể giúp giảm đau, chống viêm và tăng cường tuần hoàn máu

4. Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa thể thấp nhiệt

Thấp nhiệt cũng là một trong những thể bệnh thường gặp của đau thần kinh tọa. Triệu chứng đặc trưng là đau lan xuống dưới mông, mặt đùi sau và cẳng chân. Tình trạng đau nhức khiến việc đi lại của người bệnh trở nên khó khăn.

Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy nóng tại các vùng bị đau, mạch nhu hơi sác. Pháp trị cần áp dụng là thanh nhiệt, giải độc làm chính, phụ thêm thông lạc và sơ phong.

Chi tiết bài thuốc:

  • Chuẩn bị: Thạch cao 20g. Tri mẫu, xích thược và uy linh tiên mỗi vị 15g. Hoàng bá, liên kiều, nhẫn đông đằng và đơn bì mỗi vị 10g. Quế chi, tang chi và phòng kỷ mỗi vị 6g.
  • Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc rồi cho hết vào ấm. Thêm vào 1 lít nước và sắc trên lửa nhỏ 1 giờ đồng hồ. Loại bỏ phần bã, chia phần nước thành 2 lần uống trong ngày.
  • Gia giảm: Trường hợp nhiệt nhiều khiến cho tân dịch tổn thương thì thêm nhân trần, chi tử, địa long và sinh địa.

5. Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa thể huyết ứ

Đặc trưng của bệnh đau thần kinh tọa thể huyết ứ là đau lưng lan xuống mông, mặt sau đùi và cẳng chân khiến cho việc đi lại khó khăn. Nhìn ở phần nông có thể thấy xuất hiện lạc mạch màu xanh, xanh thẫm hoặc tím tại vùng đùi hoặc khoeo chân.

Ở phần sâu thường xuất hiện cảm giác nhức buốt như bị dùi đâm ở vùng mông (cụ thể là vùng huyệt Hoàn khiêu), dọc theo đường kinh Đởm và Bàng quang. Lưỡi xuất hiện các vết bầm tím, mạch nhu sáp. Cần áp dụng pháp trị khứ ứ, hoạt huyết, chỉ thống và thông kinh lạc.

Chi tiết bài thuốc:

  • Chuẩn bị: Đan sâm, ngưu tất, sinh địa, xích thược, quy vĩ và xuyên khung mỗi vị 12g. Kê huyết đằng 10g. Uất kim, hồng hoa, đào nhân và trần bì mỗi vị 8g. Cam thảo 6g.
  • Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc rồi cho hết vào ấm. Thêm vào 1 lít nước sắc trên lửa nhỏ thu lấy 200ml. Loại phần bã, chia phần nước làm 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày sắc uống đều đặn 1 thang.

Các cách chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y khác

Ngoài sử dụng các bài thuốc chữa đau thần kinh tọa theo Đông Y thì người bệnh còn có thể áp dụng một số liệu pháp khác. Trong đó xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu là hai liệu pháp được dùng phổ biến nhất. Cụ thể như sau:

1. Xoa bóp, bấm huyệt

Xoa bóp, bấm huyệt là liệu pháp chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y rất hữu hiệu. Đặc biệt, hiện nay liệu pháp này vẫn còn được sử dụng phổ biến do có tác dụng giảm đau nhanh, an toàn và dễ thực hiện.

Sử dụng lực từ bàn tay và các ngón tay một cách phù hợp sẽ giúp kích thích lưu thông máu, làm giảm đau và tăng cường chức năng vận động. Hơn nữa còn hỗ trợ thúc đẩy quá trình chữa lành các tổn thương, giải phóng các rễ thần kinh bị chèn ép.

xoa bóp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa giúp thư giãn gân cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải phóng sự chèn ép

Việc xoa bóp và tác động một lực thích hợp lên các huyệt vị liên quan thì cơ và mách máu có thể được thư giãn. Từ đó giúp cho khí huyết lưu thông tốt hơn, giảm cảm giác tê bì và cải thiện chứng dị cảm.

Với phương pháp xoa bóp, người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà. Trước hết cần xoa 2 lòng bàn tay vào nhau cho nóng rồi nhẹ nhàng xoa bóp lên vùng bị đau. Có thể kết hợp với các động tác lăn, bóp nắn và day miết để nâng cao hiệu quả.

Riêng với liệu pháp bấm huyệt thì người bệnh không nên tự ý thực hiện. Bởi việc xác định không đúng vị trí huyệt đạo cần tác động và dùng lực sai cách có thể gây ra nhiều rủi ro. Đồng thời khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Châm cứu

Châm cứu là thủ thuật rất phổ biến trong Đông Y cần được thực hiện bởi thầy thuốc Đông Y hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý thực hiện bởi có thể gặp phải rất nhiều rủi ro ngoại ý.

Với những người mắc chứng đau thần kinh tọa thì châm cứu sẽ giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả. Với mỗi thể lâm sàng, tùy theo từng tình trạng bệnh lý của người bệnh mà thầy thuốc sẽ chọn phác đồ huyệt để châm cứu cho phù hợp với chẩn đoán.

  • Thể phong hàn thấp: Trường hợp đau theo kinh Bàng quang thì sẽ châm tả các huyệt A thị, Đại trường du, Ân môn, Trật biên, Ủy trung, Thừa sơn, Thừa phù và Côn lôn. Trường hợp đau theo kinh Đởm thì sẽ châm tả các huyệt A thị, Đại trường du, Thận du, Phong thị, Hoàn khiêu, Huyền chung, Khâu khư và Dương lăng tuyền.
  • Thể phong hàn thấp kết hợp can thận hư: Tiến hành châm tả các huyệt giống như trong phác đồ châm cứu cho thể phong hàn. Tuy nhiên, cần châm bổ thêm các huyệt Thận du và Can du.
  • Thể thấp nhiệt: Châm tả các huyệt giống như trong phác đồ châm cứu cho thể phong hàn thấp. Mỗi ngày châm 1 lần lưu kim khoảng 20 – 30 phút, liệu trình kéo dài từ 7 – 14 ngày.
  • Thể huyết ứ: Tiến hành điện châm, châm tả các huyệt giống như trong phác đồ châm cứu cho thể phong hàn thấp. Tuy nhiên cần châm bổ thêm huyệt Huyết hải.

Lưu ý khi chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y

Chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y là phương pháp hiệu quả, lành tính nên được rất nhiều người bệnh lựa chọn. Tuy nhiên vẫn cần cẩn trọng khi áp dụng để nhận được hiệu quả tốt và hạn chế các rủi ro không mong muốn cho sức khỏe.

Các vấn đề cần lưu ý bao gồm:

  • Nên đến các phòng khám Đông Y đảm bảo uy tín, được cấp phép hoạt động để được thăm khám và hướng dẫn điều trị. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về dùng hoặc tự tiến hành châm cứu, bấm huyệt. Áp dụng không đúng cách rất dễ gặp phải rủi ro.
  • Các liệu pháp Đông Y thường chỉ đáp ứng tốt trong những trường hợp bệnh mới phát, cơn đau không nghiêm trọng. Trường hợp bị đau dữ dội thì người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và can thiệp điều trị y tế.
  • Không tùy tiện thay đổi liều lượng của các dược liệu trong bài thuốc Đông Y. Nếu gặp phải các tác dụng phụ như dị ứng, đau bụng, tiêu chảy thì cần ngừng lại ngay. Đồng thời báo cho bác sĩ được biết.
  • Theo các thầy thuốc Đông Y, đau thần kinh tọa kéo dài thường do các bệnh cột sống, vôi hóa, thoát vị đĩa đệm,… Do đó nên kết hợp với tập luyện thể dục phù hợp để hỗ trợ cải thiện triệu chứng tốt hơn.
  • Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng với bệnh nhân đau thần kinh tọa. Nên cân bằng dưỡng chất từ các thực phẩm tự nhiên, tươi sống. Tránh ăn thịt đỏ, nội tạng động vật, đồ ăn sẵn, uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích.

Chữa đau thần kinh tọa bằng Đông Y đã giúp cho rất nhiều người bệnh cải thiện cơn đau và tiết kiệm chi phí điều trị. Tuy nhiên các giải pháp này thường chỉ đáp ứng khi bệnh mới phát hoặc cơn đau có mức độ nhẹ. Với các trường hợp bệnh nặng, việc chủ động tới bệnh viện thăm khám và điều trị y tế là rất cần thiết.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 22/05/2023 - Cập nhật lúc 9:49 am , 22/05/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc