Gai Gót Chân: Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị

Gai gót chân là tình trạng xảy ra phổ biến khi có sự tích tụ canxi do căng thẳng trên dây chằng bàn chân. Sự hình thành của các gai xương có thể gây đau hoặc không nên sẽ khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khoảng 90% người bệnh đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị bảo tồn.

gai gót chân là gì
Gai gót chân là tình trạng tích tụ canxi làm hình thành gai xương tại gót chân và vòm bàn chân

Gai gót chân là gì?

Gai gót chân còn được gọi là gai xương gót chân – thuật ngữ dùng để mô tả phần xương nhọn mọc ra ở xương gót chân. Viêm cục bộ mãn tính tại chỗ  chèn ép các gân mô mềm hoặc gân cơ là nguyên nhân phổ biến hình thành gai xương.

Các gai xương gót chân có thể nằm ở phía sau gót chân, dưới gót chân hoặc bên dưới vòm bàn chân. Trong đó các gai xương ở phía sau gót chân thường có liên quan đến tình trạng viêm gân Achilles và gây ra tình trạng đau nhức gót chân.

Các gai xương có thể dài tới 1.5cm nhưng thường không thể quan sát bằng mắt. Gai xương có thể nhọn, có hình móc câu và kéo dài từ dưới gót chân về phía vòm bàn chân. Các gai xương có thể gây đau hoặc không nên sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc chẩn đoán.

Ước tính cứ 10 người sẽ có một người bị gai gót chân. Tuy nhiên chỉ có 1 trong số 20 người bệnh là bị đau gót chân. Những trường hợp khác có thể gặp các triệu chứng bao gồm đau âm ỉ, đau nhức hoặc đau buốt khi đứng.

Nguyên nhân gây gai gót chân thường gặp

Bệnh gai gót chân thường phát triển do hoạt động quá sức hoặc tập luyện quá sức. Điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng lên hệ thống cơ và dây chằng xung quanh gót chân và mắt cá chân.

Sau một thời gian dài căng thẳng, hệ thống cơ và dây chằng quanh gót chân sẽ bị quá tải và dẫn đến tình trạng viêm quanh chân, thậm chí là rách, đứt. Tình trạng này lặp lại nhiều lần thì cơ thể sẽ nảy sinh phản ứng tự sửa chữa và khắc phục bằng cách bồi đắp canxi tại vị trí tổn thương.

Hệ quả của phản ứng tự sửa chữa này là sau một thời gian phần xương nhỏ sẽ xuất hiện phía dưới xương gót chân. Các xương nhỏ này được gọi là gai xương gót chân. Bản chất của việc hình thành gai xương là để tạo phần xương mới giúp giảm bớt áp lực tác động lên gân cơ tại gan bàn chân.

nguyên nhân gây gai gót chân
Sử dụng giày dép không phù hợp là nguyên nhân phổ biến của bệnh gai xương gót chân

Một số nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gai gót chân bao gồm:

  • Sử dụng quá mức
  • Giày dép không phù hợp để hoạt động, giày dép cũ và giày cao gót
  • Giảm sức mạnh, tính linh hoạt và khả năng vận động ở chi dưới
  • Mất cân bằng và rối loạn chức năng cơ
  • Bàn chân cứng nhắc, kém linh hoạt, không đủ khả năng chịu đựng sốc
  • Bàn chân và mắt cá chân nghiêng quá mức
  • Chiều dài chân chênh lệch
  • Đi bộ hoặc chạy bộ không đúng cách gây căng thẳng cho xương gót chân và dây chằng
  • Bệnh viêm cân gan bàn chân

Thực tế cho thấy rằng, nếu bạn đã bị viêm cân gan bàn chân hoặc bệnh viêm gân gót chân trong hơn 6 – 8 tuần thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh gai gót chân. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Chẳng hạn như:

  • Phụ nữ: Phụ nữ là đối tượng thường xuyên di chuyển trên giày cao gót. Việc đi giày cao gót lâu ngày có thể làm cho gân Achilles ngắn dần theo thời gian.
  • Người lớn tuổi: Càng già đi thì tính linh hoạt của cơ bàn chân giảm. Đồng thời lớp mỡ đệm bảo vệ xương gót chân cũng mỏng đi. Điều này cũng sẽ làm tăng nguy cơ hình thành gai xương.
  • Vận động viên: Vận động viên điền kinh, nhảy xa,… thường dồn nhiều sức căng lên xương gót chân trong quá trình tập luyện. Đặc biệt là nếu tập luyện trên bề mặt cứng trong nhiều năm thì nguy cơ bị gai xương gót chân sẽ càng tăng.
  • Thừa cân: Thừa cân – béo phì có thể làm gia tăng áp lực và căng thẳng lên xương gót chân. Từ đó dẫn đến hình thành gai xương.
  • Chấn thương gót chân: Các chấn thương như rách, bầm gót chân thường sẽ thúc đẩy phản ứng tự chữa lành. Điều này cũng làm tăng nguy cơ hình thành gai xương trong một số trường hợp.

Các triệu chứng nhận biết gai gót chân

Suy nghĩ về việc tăng cường tạo xương nghe có vẻ đau đớn và khó chịu. Tuy nhiên, các gai xương xuất hiện ở gót chân thường không phải là nguyên nhân gây đau gót chân. Thay vào đó, cơn đau mà bạn cảm thấy có thể liên quan đến một tình trạng bệnh từ trước. Chẳng hạn như viêm cân gan bàn chân hoặc bệnh viêm gân Achilles.

biểu hiện của gai gót chân
Cơn đau do gai gót chân có thể liên quan tới một tình trạng bệnh từ trước

Tuy nhiên, nếu gai xương phát triển mạnh gây tổn thương, viêm các mô mềm thì các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện. Một số triệu chứng liên quan đến tình trạng này thường bao gồm:

  • Đau ở phần gót chân của một hoặc cả 2 bàn chân. Cơn đau có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ.
  • Đau khi đi chân đất hoặc gặp khó khăn khi đi chân đất.
  • Bạn có thể sờ thấy 1 cục u nhỏ, xương xẩu ở phía dưới hoặc phía sau gót chân.
  • Cứng khớp bàn chân và khớp cổ chân.
  • Đau nhức với các hoạt động và sinh hoạt thường ngày.
  • Tê, bỏng rát và ngứa gan nếu các dây thần kinh bị gai xương tác động.
  • Phạm vi cử động bị hạn chế và giảm khả năng di chuyển ở các khớp.

Cũng có khả năng bạn sẽ không gặp phải bất cứ triệu chứng nào liên quan tới gai gót chân. Một số có thể không được chú ý và chỉ được phát hiện khi chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác được thực hiện do một vấn đề khác có liên quan tới bàn chân.

Chẩn đoán gai gót chân

Ban đầu bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử đau gót chân của bạn và kiểm tra bàn chân của bạn xem có đau ở dưới bàn chân, gần gót chân không. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn uốn cong bàn chân để đánh giá mức độ đau cũng như phạm vi chuyển động.

Sau đó bác sĩ có thể kiểm tra trực quan gót chân để tìm ra những chỗ lồi lõm. Chẩn đoán gai gót chân chính thực được thực hiện khi chụp X-quang cho thấy phần lồi ra của xương từ phía dưới bàn chân tại điểm mà sụn gót chân được gắn vào xương gót chân.

chẩn đoán gai xương gót chân
Bác sĩ thường căn cứ vào hình ảnh chụp X-quang để chẩn đoán bệnh gai xương gót chân

Phương pháp điều trị gai gót chân

Quá trình điều trị đối với bệnh gai gót chân phụ thuộc vào triệu chứng mà từng người bệnh gặp phải. Trường hợp nó không gây ra đau đớn thì việc cần làm đầu tiên là chỉ cần theo dõi bất cứ thay đổi nào.

Thông thường, gai gót chân không phải là nguồn gốc của cơn đau. Do đó điều quan trọng là cần xác định rõ nguyên nhân thật sự gây ra đau gót chân và bắt đầu điều trị tình trạng đó.

Dưới đây là một số phương pháp có thể được sử dụng để điều trị gai xương gót chân:

1. Sử dụng thuốc chữa gai gót chân

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để khắc phục nhanh chóng cơn đau. Từ đó hạn chế các ảnh hưởng đến khả năng vận động và cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, không thể điều trị được căn nguyên của gai gót chân. Do đó cần được chỉ định kết hợp với các phương pháp khác để nhận được hiệu quả tốt nhất.

Các thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một số loại thuốc NSAID không kê đơn (OTC) chẳng hạn như ibuprofen hoặc aspirin có thể giúp làm giảm các đơn đau cấp tính. Tuy nhiên các loại thuốc này không thích hợp để làm giảm đau lâu dài. Ngoài ra, NSAID không an toàn cho tất cả mọi đối tượng. Do đó tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Tiêm corticosteroid: Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tiêm steroid để giúp làm giảm viêm và đau. Tuy nhiên, tiêm quá nhiều có thể gây ra các vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như tình trạng đau mãn tính.

2. Tập vật lý trị liệu

Theo một đánh giá năm 2015, vật lý trị liệu có thể giúp cho bệnh nhân bị gai gót chân cải thiện phạm vi chuyển động và giúp khớp di động tốt hơn. Bạn có thể thử các bài tập sau đây trong vòng 4 – 6 tuần dưới sự giám sát của bác sĩ trị liệu:

bài tập chữa gai gót chân
Một số bài tập vật lý trị liệu có thể giúp làm giảm cơn đau và cải thiện phạm vi chuyển động cho người bệnh

– Căng chân:

  • Ngồi trên sàn với 2 chân duỗi thẳng ra đằng trước
  • Quấn khăn quanh 1 bàn chân và kéo nhẹ vào trong đến khi cảm nhận rõ sức căng
  • Giữ tư thế này khoảng 30 giây rồi lặp lại 3 lần
  • Thực hiện tương tự trên bàn chân còn lại

– Sử dụng bóng đánh gôn:

  • Ngồi trên ghế và lăn 1 quả bóng đánh gôn dưới bàn chân bị đau
  • Tiếp tục trong 2 – 3 phút, không kéo chân quá xa khỏi ghế
  • Nếu đau ở cả 2 bàn chân thì hãy thực hiện tương tự với bàn chân còn lại

– Cuộn khăn:

  • Ngồi trên sàn với bàn chân phẳng trên mặt đất
  • Đặt 1 chiếc khăn nhỏ ngay trước bàn chân
  • Dùng ngón chân nắm lấy khăn và đưa khăn vào gần cơ thể hơn
  • Thư giãn bàn chân và lặp lại 4 lần nữa
  • Thực hiện tương tự với chân còn lại

– Uốn cong mắt cá chân:

  • Ngồi trên ghế với chân không chạm sàn
  • Sử dụng bàn chân để viết các chữ cái trong bảng chữ cái
  • Chỉ sử dụng các cử động nhỏ ở bàn chân và mắt cá chân
  • Thực hiện bài tập này ở chân này rồi tới chân kia

3. Liệu pháp sóng xung kích

Liệu pháp sóng xung kích là một phương pháp không xâm lấn hiệu quả giúp thúc đẩy nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chữa bệnh. Liệu pháp này hoạt động bằng cách phát ra xung sóng âm năng lượng cao trực tiếp vào khu vực bị tổn thương.

Các sóng này có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh gai gót chân. Chẳng hạn như kích thích hình thành mạch máu và collagen mới, tăng lưu lượng máu, phân giải canxi tích tụ và hỗ trợ cải thiện cơn đau một cách rõ rệt.

4. Các giải pháp hỗ trợ khác

Một số giải pháp khác cũng có thể hỗ trợ làm giảm đau do gai gót chân và cải thiện khả năng vận động, chẳng hạn như:

chườm lạnh giảm đau gót chân
Chườm lạnh giúp gây tê tạm thời, giảm đau và giảm sưng viêm hiệu quả
  • Nghỉ ngơi: Các hoạt động vào bàn chân của người bệnh va vào các bề mặt cứng có thể khiến cơn đau gót chân tồi tệ hơn. Một người bị gai gót chân tạm thời cần giảm hoặc ngừng các hoạt động như chạy hay tập thể dục nhịp điệu.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh khoảng 10 – 15 phút/ lần có thể làm tê tạm thời và tránh các cơn đau ở khu vực gót chân. Hơn nữa giải pháp này còn có khả năng hỗ trợ giảm viêm và sưng tấy. Nên nhớ rằng với tình trạng gai gót chân thì chườm lạnh sẽ tốt hơn chườm nóng.
  • Sử dụng giày hỗ trợ: Một người bị gai gót chân có thể được hưởng lợi ích từ giày có đệm, miếng đệm lót bằng silicon hay các dụng cụ chỉnh hình thiết kế riêng. Bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ cung cấp miếng lót giày hỗ trợ cho bạn.
  • Thao tác nắn gót chân: Cần được thực hiện bởi một chuyên gia trị liệu có trình độ. Bác sĩ trị liệu có thể thực hiện một số thao tác bằng tay để điều chỉnh vị trí gót chân và khắc phục triệu chứng liên quan.
  • Nẹp chân vào ban đêm: Người bệnh có thể dùng các miếng đệm vào ban đêm nhằm giữ cho cổ chân gập 1 góc 90 độ khi ngủ. Điều này sẽ giữ cơ bắp chân ở tư thế nhất định và được kéo căng suốt đêm.

5. Phẫu thuật chữa gai gót chân

Thống kê cho thấy, có đến hơn 90% người bệnh khỏe mạnh hơn và kiểm soát tốt bệnh tình nhờ các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Trường hợp điều trị bảo tồn không đáp ứng được các triệu chứng của gai gót chân sau 9 – 12 tháng thì bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật.

Phẫu thuật thường được đề nghị khi cơn đau gót chân trở nên nghiêm trọng và liên tục. Phẫu thuật có thể liên quan tới việc loại bỏ gai xương hoặc giải phóng các cơ bắp ở xung quanh gót chân.

Phẫu thuật loại bỏ gai xương không chỉ hỗ trợ làm giảm đau mà còn tăng cường khả năng vận động của bàn chân nói chung. Hầu hết những người thực hiện loại phẫu thuật này cũng có thể bị viêm cân gan bàn chân.

Làm các bài kiểm tra trước khi phẫu thuật là bắt buộc để giúp bác sĩ xác định rõ người bệnh có can thiệp phẫu thuật được hay không. Thêm một điều quan trọng là cần tuân thủ các khuyến nghị liên quan đến việc chườm đá, nghỉ ngơi, nâng cao bàn chân,… sau phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải sử dụng băng, nẹp, bó bột, nạng hoặc gậy sau phẫu thuật. Các biến chứng có thể xảy ra của phẫu thuật chữa gai gót chân bao gồm đau gót chân tái phát, đau dây thần kinh, tê vĩnh viễn vùng gót chân, nhiễm trùng và sẹo.

Ngoài ra, với việc giải phóng cơ bắp chân thì người bệnh còn có thể gặp phải một số vấn đề khác. Chẳng hạn như có nguy cơ mất ổn định, gãy xương do căng thẳng, chuột rút ở bàn chân và viêm gân.

Phòng ngừa gai gót chân

Các chuyên gia cho biết, mặc dù không có biện pháp phòng ngừa cụ thể cho bệnh gai gót chân nhưng thực hiện lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

phòng ngừa bệnh gai xương gót chân
Ăn uống lành mạnh có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gai xương gót chân
  • Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp và khỏe mạnh. Nếu đang bị thừa cân – béo phì thì nên sớm thực hiện kế hoạch giảm cân an toàn. Điều này giúp tránh gây căng thẳng và áp lực không cần thiết lên gót chân.
  • Thiết lập và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa từ nguồn thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh.
  • Duy trì các tư thế tốt cả khi làm việc, nâng vật nặng, chơi thể thao, nằm nghỉ ngơi hay sinh hoạt thường ngày.
  • Trước khi vận động hay tập thể dục cần khởi động và kéo căng chân, bàn chân.
  • Nên mang giày hỗ trợ vừa vặn và đi giày giảm sốc khi hoạt động thể chất.
  • Trường hợp đang bị đau gót chân thì nên ngừng tập luyện và chú ý dành thời gian nghỉ ngơi.

Gai gót chân là tình trạng xảy ra rất phổ biến thường đi kèm với các bệnh lý khác gây đau, điển hình như viêm cân gan bàn chân. Người bệnh nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách. Kiên trì với kế hoạch điều trị sẽ giúp cải thiện triệu chứng và thúc đẩy khả năng vận động.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 21/06/2023 - Cập nhật lúc 12:51 pm , 21/06/2023

Bài viết nhiều người đọc