Nấm Âm Đạo: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Nhiễm và Điều Trị

Bệnh nấm âm đạo do một loại vi nấm có tên là Candida albicans gây ra. Chúng tấn công vào lớp niêm mạc gây kích ứng, sưng viêm và ngứa âm đạo. Để điều trị nấm âm đạo, bệnh nhân thường được bác sĩ kê đơn thuốc kháng nấm ở dạng uống, bôi hay đặt.

Nấm âm đạo là gì?

Nấm âm đạo là là bệnh lý sự phát triển quá mức của các loại nấm men bên trong môi trường âm đạo, chủ yếu là nấm Candida. Tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào trong lớp niêm mạc âm đạo và khiến cho khu vực này bị viêm đỏ, sưng phù, tăng tiết dịch kèm theo các cơn ngứa ngáy khó chịu ở vùng kín.

Nấm âm đạo
Nấm âm đạo là một dạng nhiễm trùng phụ khoa thường gặp ở phụ nữ

Bình thường, hệ vi sinh vật trong âm đạo của phụ nữ được duy trì sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và nấm men. Lượng hormone estrogen được sản sinh có thể đảm bảo cho lợi khuẩn lactobacilli phát triển và kìm hãm, tiêu diệt các vi sinh vật có hại, giúp cho âm đạo luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó (chẳng hạn như rối loạn hormone, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh,…) mà trạng thái cân bằng của hệ vi sinh vật trong âm đạo bị xáo trộn, tạo điều kiện cho nấm candida phát triển mạnh mẽ vượt mức kiểm soát. Chúng gây kích ứng, nhiễm trùng nấm âm đạo.

Bệnh nấm âm đạo là một trong những bệnh nhiễm trùng phụ khoa xảy ra khá phổ biến ở nữ giới. Thống kê cho thấy, có khoảng 75% phụ nữ bị nhiễm nấm men ở âm đạo ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh không gây nguy hiểm khi được khắc phục sớm. Tuy nhiên, một số phụ nữ chủ quan không thăm khám và điều trị nấm âm đạo ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên khiến cho tình trạng nhiễm trùng lây lan đến các cơ quan lân cận như tử cung, buồng trứng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản.

Nguyên nhân gây nấm âm đạo

Bệnh nấm âm đạo do nấm men gây ra. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh do nấm Candida albicans. Chúng thường sinh trưởng khá mạnh ở những nơi ẩm ướt nên âm đạo chính là môi trường lý tưởng cho nấm men phát triển.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nấm âm đạo. Bao gồm:

Vệ sinh vùng kín không đúng cách:

Vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên sẽ tích tụ nhiều mồ hôi, bụi bẩn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho nấm men phát triển mạnh và tấn công vào âm đạo.

Rối loạn nội tiết tố nữ:

Tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ estrogen thường xảy ra ở phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Điều này không chỉ gây giảm sức đề kháng mà còn khiến cho hàng rào bảo vệ ở niêm mạc âm đạo bị suy yếu dẫn đến nhiễm nấm.

Lạm dụng dung dịch vệ sinh:

Một số dung dịch vệ sinh phụ nữ chứa chất sát khuẩn mạnh. Sử dụng chúng thường xuyên có thể gây kích ứng vùng kín và mất cân bằng độ pH ở âm đạo.

Ngoài ra, các chất có trong dung dịch vệ sinh đôi khi còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi khiến cho nấm men phát triển mạnh. Tất cả đều góp phần làm tăng nguy cơ bị nấm âm đạo.

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh:

Thuốc kháng sinh có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng đồng thời có thể giết chết lợi khuẩn trong âm đạo. Vì vậy mà vi nấm có thể dễ dàng phát triển mạnh trong âm đạo khi một người phụ nữ được điều trị bằng thuốc kháng sinh liều cao hoặc sử dụng loại thuốc này trong thời gian dài.

Ăn nhiều đồ ngọt:

Sở thích ăn nhiều đồ ngọt hoặc thường xuyên uống nước ngọt có thể khiến phái đẹp bị nhiễm nấm âm đạo. Nguyên nhân là lượng đường trong máu tăng cao có thể kích thích niêm mạc âm đạo và nuôi dưỡng nấm phát triển.

Sử dụng dụng cụ tránh thai:

Tình trạng nấm âm đạo cũng thường xảy ra ở các đối tượng sử dụng các dụng cụ tránh thai như bao cao su tiệt trùng, que hay vòng tránh thai…

Quan hệ tình dục thiếu an toàn:

Làm chuyện ấy với tần suất dày đặc hoặc không vệ sinh vùng kín sạch sẽ sau khi ân ái có thể khiến âm đạo của nữ giới bị tổn thương, nhiễm nấm. Ngoài ra, một số người còn bị lây nhiễm nấm khi quan hệ tình dục bừa bãi hoặc quan hệ với bạn tình bị nhiễm nấm mà không mang bao cao su bảo vệ an toàn.

Mặc quần bó sát:

Mặc quần lót hay quần ngoài quá chật hoặc ôm sát vào cơ thể làm tăng nhiệt độ ở vùng kín và khiến khu vực này bị bí bách, đổ nhiều mồ hôi. Nấm âm đạo chính là một hậu quả tất yếu.

Không chăm sóc tốt vùng kín trong những ngày hành kinh:

Sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng, không thay băng vệ sinh hoặc rửa vùng kín thường xuyên sẽ khiến nấm, vi khuẩn hay ký sinh trùng phát triển mạnh mẽ. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người bị ngứa vùng kín, viêm âm đạo, nhiễm nấm âm đạo và nhiều bệnh phụ khoa khác.

Thụt rửa âm đạo:

Thụt rửa âm đạo thường xuyên có thể khiến cho lớp niêm mạc bên trong bị tổn thương, đồng thời làm mất cân bằng hệ sinh vật ở khu vực này. Những trường hợp có thói quen này thường có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn.

Suy giảm hệ miễn dịch:

Nhiễm HIV hay các bệnh lý mãn tính khác có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm. Từ đó, vi nấm có khả năng phát triển mạnh mẽ và gia tăng nhanh chóng về số lượng. Chúng tấn công vào âm đạo gây viêm nhiễm.

Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác:

Nấm âm đạo có thể phát triển sau khi mắc các bệnh lý khác như:

  • Nấm âm hộ
  • Viêm đường tiết niệu
  • Nhiễm nấm ngoài vùng kín
  • Bệnh tiểu đường…

Như vậy, bệnh nấm âm đạo có nguyên nhân khá đa dạng. Hiểu rõ được “thủ phạm” gây bệnh và nhận biết sớm các triệu chứng của nấm âm đạo sẽ giúp chị em xây dựng được phương pháp phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.

Dấu hiệu nhiễm nấm âm đạo

Các triệu chứng của nấm âm đạo có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:

Ngứa rát vùng kín:

Đây là một trong những triệu chứng đến sớm của bệnh. Khi tấn công vào âm đạo, vi nấm sẽ gây kích ứng niêm mạc và tiết ra các chất thải cùng chất độc khiến cho âm đạo có cảm giác ngứa rát khó chịu. Cảm giác này cũng có thể xuất hiện bên ngoài vùng kín.

Khi không được điều trị ngay, cơn ngứa có khuynh hướng ngày càng tăng nặng. Một số người dùng tay gãi ngứa đến trầy xước cả vùng kín. Cơn ngứa khiến chị em đứng ngồi không yên và không thể tập trung làm việc, học tập.

Tuy nhiên, tình trạng ngứa vùng kín còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như rậm lông mu, sùi mào gà, viêm nang lông hay do mắc các bệnh da liễu khác. Người bệnh cần tiếp tục theo dõi và đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ngứa.

Ra nhiều khí hư, huyết trắng

Bình thường, âm đạo luôn tiết ra một lượng dịch nhất định để giữ ẩm, bôi trơn khi quan hệ, đồng thời giúp tinh trùng dễ dàng bơi vào tử cung hơn. Chất này trong và dai tương tự như lòng trắng trứng nhưng không có mùi hôi.

nguyên nhân gây nấm âm đạo
Bệnh nấm âm đạo do vi nấm candida gây ra

Khi bị nhiễm trùng nấm, niêm mạc âm đạo bị kích thích, viêm tấy sẽ tiết ra nhiều khí hư, huyết trắng hơn khiến cho đáy quần lót luôn trong tình trạng ẩm ướt. Dịch tiết có màu trắng đục, vón cục và có mùi hôi tanh.

Đau khi quan hệ tình dục:

Do niêm mạc âm đạo bị tổn thương, chị em có thể cảm thấy đau khi quan hệ tình dục. Một số trường hợp còn bị chảy máu âm đạo khi giao hợp quá mạnh.

Sưng đỏ vùng kín:

Quan sát bằng mắt thường, bên ngoài vùng kín có thể bị sưng đỏ, rõ ràng nhất là ở môi lớn và môi bé. Tình trạng này khiến cho chị em cảm thấy nóng rát và đau đớn khi tiểu tiện.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Bệnh nấm âm đạo kéo dài không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn làm gia tăng nguy cơ lây lan nhiễm trùng đến các cơ quan khác. Vì vậy, chị em nên đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ. Tránh chủ quan để bệnh kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nấm âm đạo có nguy hiểm không?

Tình trạng nhiễm trùng nấm kéo dài khiến chị em thường xuyên bị ngứa ngáy, ra nhiều huyết trắng và có mùi hôi ở vùng kín dẫn đến mất tự tự và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, vi nấm còn có thể lây lan từ âm đạo sang các bộ phận khác và gây nhiễm trùng. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như:

  • Viêm cổ tử cung
  • Viêm tử cung
  • Viêm buồng trứng
  • Viêm đường tiết niệu
  • Vô sinh…

Chẩn đoán nấm âm đạo

Để chẩn đoán bệnh nấm âm đạo, ngoài các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp dưới đây:

Chẩn đoán nấm âm đạo
Bác sĩ khám chẩn đoán bệnh nấm âm đạo
  • Khám vùng chậu: Kiểm tra âm đạo, cổ tử cung để đánh giá tình trạng tổn thương, nhiễm trùng bên trong.
  • Soi tươi huyết trắng: Mẫu khí hư được lấy từ âm đạo trong quá trình thăm khám sẽ được bác sĩ đem vào phòng thí nghiệm để soi tươi dưới kính hiển vi nhằm kiểm tra sự hiện diện của nấm. Đây là một xét nghiệm quan trọng, có giá trị cao trong chẩn đoán nấm âm đạo.
  • Test amin: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy mẫu huyết trắng và nhỏ dung dịch KOH vào trong mẫu. Trong trường hợp bị nhiễm nấm, huyết trắng thường bốc mùi hôi thối.

Cách điều trị nấm âm đạo

Các phương pháp trị nấm âm đạo đang được áp dụng bao gồm:

1. Dùng thuốc chữa nấm âm đạo

Bị nấm âm đạo uống thuốc gì cho nhanh khỏi? Đây là thắc mắc được nhiều chị em quan tâm. C\ác loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị căn bệnh này chủ yếu là thuốc kháng nấm, giúp tiêu diệt vi nấm gây bệnh và cải thiện các triệu chứng liên quan. Được sử dụng phổ biến là các thuốc sau:

– Thuốc uống:

Thuốc uống có tác dụng toàn thân nên chỉ được kê đơn cho người bị nhiễm trùng nấm âm đạo ở mức độ nặng, bệnh tái phát nhiều đợt trong năm.

  • Thuốc chứa fenticonazol 150mg: Chẳng hạn như Diflazon, Flucomedil,… Các thuốc này được sử dụng trong dài hạn cho các trường hợp bệnh hay tái phát. Liều thông thường là mỗi tuần uống 1 viên, trường hợp nặng có thể uống 2 lần trong tuần. Thời gian điều trị cho thể kéo dài đến 6 tháng.
  • Thuốc chứa itraconazol 100mg: Gồm Canditral, Sporal,… Chống chỉ định nhóm thuốc này cho bà bầu, người mắc bệnh về gan.

Thuốc bôi:

Bao gồm Nizoral, Clotrimazole hay Ketoconazole… Chúng chứa hoạt chất có khả năng kháng nấm, giảm ngứa. Thuốc được sử dụng để bôi ngoài vùng kín và có ít tác dụng phụ hơn so với thuốc uống.

Thuốc trị nấm âm đạo Clotrimazol
Clotrimazol là thuốc kháng nấm thường được chỉ định trong điều trị nấm âm đạo

Cách sử dụng thuốc trị nấm âm đạo dạng bôi:

  • Rửa sạch tay và vùng kín, lâu khô
  • Nặn thuốc ra tay và thoa một lớp mỏng bên ngoài vùng kín nơi bị ngứa.
  • Chờ vài phút cho thuốc khô hoàn toàn mới mặc quần.
  • Ngày dùng 1 – 3 lần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc đặt:

Thuốc đặt được chỉ định phổ biến trong điều trị nấm âm đạo. Loại thuốc này thường được kết hợp cùng thuốc bôi hay dung dịch vệ sinh để tăng công dụng trị nấm, giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy và giảm hiện tượng sưng viêm, tiết dịch trong âm đạo.

Các loại thuốc đặt trị nấm âm đạo thường được bác sĩ kê đơn gồm:

  • Clotrimazol
  • Mikopenotran
  • Fenticonazol
  • Ecozole
  • Gyno-pevary…

Các loại thuốc trên được đặt trực tiếp vào trong âm đạo. Liều lượng sử dụng tùy theo từng loại thuốc và mức độ nhiễm trùng. Người bệnh được khuyến cáo nên đặt thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh cho thuốc bị rơi ra ngoài.

2. Điều trị nấm âm đạo tại nhà

Một số mẹo tự nhiên có thể giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh nấm âm đạo. Chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và áp dụng để bệnh nhanh khỏi, giảm thiểu được thời gian sử dụng thuốc Tây.

  • Dùng dầu dừa: Loại dầu này chứa nhiều axit béo có tác dụng kháng nấm, diệt khuẩn, giảm ngứa. Để cải thiện triệu chứng bệnh, phái đẹp có thể thêm dầu dừa vào chế độ ăn hoặc thoa một ít dầu dừa bên ngoài vùng kín để giảm ngứa.
  • Chữa nấm âm đạo bằng giấm táo: Chứa enzym và lợi khuẩn, giấm táo có khả năng ức chế sự phát triển của nấm candida, đồng thời giảm ngứa, thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương bên trong niêm mạc âm đạo. Dân gian thường pha loãng giấm táo với nước để rửa ngoài vùng kín chữa nấm âm đạo ở nhà. Cách này cũng giúp khử mùi hôi khó chịu do vùng kín ra nhiều khí hư.
cách chữa nấm âm đạo bằng tỏi
Tỏi chứa hoạt chất allicin có thể giúp kháng nấm, giảm ngứa cho bệnh nhân bị nấm âm đạo
  • Mẹo trị bệnh từ củ tỏi: Ăn 2 – 3 tép tỏi tươi mỗi ngày là một cách đơn giản để chống lại tình trạng nhiễm trùng nấm trong âm đạo. Loại củ này chứa hoạt chất kháng sinh allicin nên có thể giúp kháng viêm, ức chế nấm men mà không gây tác dụng phụ cho cơ thể.
  • Cách trị nấm âm đạo bằng nước muối: Dùng nước muối sinh lý rửa vùng kín có thể giúp tiêu diệt nấm và vi khuẩn, giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu cho chị em. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng cách này quá mức khiến cho vùng kín bị khô.

Cách phòng ngừa nấm âm đạo

Nấm âm đạo là bệnh lý có mức độ phổ biến cao. Dù đã được điều trị khỏi nhưng bệnh cũng rất dễ tái phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Để giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo, phái đẹp có thể áp dụng những cách sau:

  • Tránh sử dụng các sản phẩm phụ khoa có thể gây kích ứng âm đạo như tampon, nước hoa hay phấn thơm cho vùng kín, các loại xà phòng hay dung dịch vệ sinh phụ nữ chứa chất tẩy rửa mạnh.
  • Thường xuyên vệ sinh vùng kín bằng nước ấm hay dung dịch vệ sinh dịu nhẹ.
  • Trong những ngày “đèn đỏ”, tùy theo lượng kinh nguyệt mà chị em nên thay bằng sau mỗi 2 – 3 tiếng. Tránh để quá lâu khiến cho vi khuẩn và nấm  men có cơ hội phát triển. Chú ý lựa chọn băng vệ sinh có chất lượng tốt, không chứa chất tạo hương thơm.
  • Mặc quần lót có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, kích cỡ phù hợp để vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ. Tránh mặc quần ôm sát hoặc quần còn ẩm ướt.
  • Hạn chế sử dụng đồ ngọt và các thực phẩm có tính sinh nhiệt, kích hoạt phản ứng viêm ở âm đạo như gia vị cay, đồ chiên xào,…
  • Tránh sử dụng thức uống chứa cồn
  • Tránh stress, đi ngủ sớm và đảm bảo ngủ đủ giấc để ổn định nội tiết tố, giúp cơ thể có khả năng miễn dịch tốt hơn.
  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Bổ sung thêm rau xanh và hoa quả tươi trong thực đơn để nâng cao khả năng miễn dịch, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn khi bị nấm âm đạo tấn công.

Bạn nên tìm hiểu thêm

Ngày đăng: 22/05/2023 - Cập nhật lúc 10:44 am , 22/05/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Miss Trang đã từng làm việc tại một số cơ quan báo chí và nhiều dự án phát triển website về mảng nội dung sức khỏe. Miss Trang chịu trách nhiệm cập nhật các tin tức về các vấn đề chăm sóc sức khỏe từ các nhóm, cộng đồng của người bệnh, đảm bảo đưa tin nhanh chóng và giải quyết được những khó khăn tức thời của người bệnh. Nghiên cứu các thông tin y khoa về các vấn đề sức khỏe, biên tập viết bài trên website wikibacsi.com
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc