Massage Sau Sinh: Lợi Ích và Cách Thực Hiện Tại Nhà

Massage sau sinh là một phương pháp trị liệu giúp các bà mẹ mới sinh thư giãn, giảm đau, giảm căng thẳng và thúc đẩy tốc độ phục hồi cơ thể. Tuy nhiên cần chú ý massage đúng cách và phù hợp với tình trạng sức khỏe để đảm bảo lợi ích.

massage sau sinh
Massage sau sinh mang lại nhiều lợi ích, giúp mẹ bỉm phục hồi sức khỏe nhanh hơn

6 Lợi ích tuyệt vời của massage sau sinh

Massage sau sinh là một phương pháp truyền thống tuyệt vời giúp xoa dịu các bà mẹ mới sinh. Nó có thể mang đến sự thư giãn, đồng thời là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục sức khỏe.

Massage sau sinh đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng và tốt hơn. Dưới đây là 6 lợi ích nổi bật mà massage sau sinh mang lại:

1. Thư giãn và giảm căng thẳng

Massage làm thư giãn cơ bắp, tăng tuần hoàn và làm giảm hormone căng thẳng. Từ đó mang đến cảm giác thư thái cho các mẹ bỉm. Tất cả các hệ thống cơ thể đều đánh giá cao việc massage giúp phục hồi cho các mẹ vừa trải qua quá trình sinh nở.

Một số phụ nữ thích massage nhẹ nhàng. Trong khi đó nhiều người khác lại thích các kỹ thuật chuyên sâu hơn để giải quyết tốt các vấn đề. Tuy nhiên, bất cứ kiểu massage nào đều mang lại cho mẹ bỉm cảm giác thư giãn và làm giảm căng thẳng.

Lo lắng và trầm cảm đáp ứng rất tốt với liệu pháp massage. Khoảng 2/3 số người mới làm mẹ trải qua cảm giác buồn chán tạm thời sau sinh liên quan tới thay đổi nội tiết tố, trách nhiệm mới và sự thất vọng trong việc điều chỉnh. Hỗ trợ cảm xúc và những lợi ích khác mà massage mang lại có thể giúp ích trong quá trình chuyển đổi này.

Trầm cảm sau sinh là một tình trạng nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn và ảnh hưởng tới khoảng 10 – 15% các bà mẹ. Nghiên cứu cho thấy rằng, massage thật sự có lợi cho việc điều trị chứng trầm cảm sau sinh.

2. Massage sau sinh giúp giảm đau

Những cơn đau nhức cơ thể còn sót lại khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường. Thêm vào đó, việc cho con bú và chăm sóc con có thể làm tăng chứng đau vai, cánh tay và lưng.

Massage được đánh giá là một phương pháp toàn diện và hiệu quả giúp thư giãn cơ, giảm đau mà không cần dùng đến thuốc. Cơn đau mãn tính hoặc nghiêm trọng vẫn có thể được cải thiện với liệu pháp massage chuyên sâu.

lợi ích của massage sau sinh
Massage sau sinh giúp thư giãn cơ, giảm đau cho các mẹ mới trải qua quá trình sinh nở

3. Điều hòa hormone

Massage giúp cải thiện đáng kể sự cân bằng hormone sau sinh. Nồng độ hormone progesterone và estrogen rất cao trong thời kỳ mang thai và giảm sau khi sinh. Nồng độ hormone oxytocin và prolactin tăng lên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cho con bú.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, massage làm giảm hormone căng thẳng cortisol. Ngoài ra, một số loại tinh dầu được sử dụng khi massage cũng có thể mang lại sự cân bằng hormone và tâm trạng.

Massage cũng giúp làm giảm các chất sinh hóa tự nhiên có liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh (chẳng hạn như serotonin và dopamine). Đồng thời làm giảm chất sinh hóa liên quan đến các vấn đề tim mạch (norepinephrine). Từ đó giúp mẹ bỉm vượt qua những thách thức khi làm mẹ.

4. Giảm sưng và phù nề

Chất lỏng trong cơ thể cần tìm lại sự cân bằng sau quá trình mang thai (lúc này thể tích chất lỏng đã tăng khoảng 50%). Massage làm tăng lưu thông và tăng dẫn lưu bạch huyết. Từ đó tạo điều kiện đào thải các chất lỏng dư thừa và các chất cặn bã. Đồng thời kích thích mô giúp cơ thể chuyển nước tới đúng nơi cần thiết.

Sưng tấy cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hormone. Chúng sẽ trải qua những thay đổi lớn sau khi sinh. Massage sẽ giúp điều hòa hormone, làm giảm sưng tấy và phù nề cho người mẹ. Mẹ bỉm cần tiếp tục uống nhiều chất lỏng để hồi phục sức khỏe và tiết sữa, mặc dù có thể vẫn bị phù nề.

5. Massage sau sinh giúp ngủ ngon hơn

Hầu hết các bà mẹ mới sinh đều cảm thấy kiệt sức sau quá trình chuyển dạ và sinh nở. Cùng với đó là phải vật lộn với việc chăm sóc em bé suốt ngày đêm. Massage có tác dụng làm dịu sự mệt mỏi. Đồng thời thúc đẩy thư giãn và hỗ trợ giấc ngủ.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự gia tăng sóng não delta với liệu pháp massage. Đây là những sóng đi kèm với giấc ngủ sâu và chất lượng giấc ngủ tốt. Đó là lý do giải thích tại sao bạn rất dễ ngủ quên trong khi massage.

lợi ích của massage sau sinh
Massage sau sinh giúp tinh thần thoải mái và chăm sóc giấc ngủ tốt hơn

Ngủ đủ giấc chính là chìa khóa để hồi phục sức khỏe sau sinh. Mọi thứ sẽ được cải thiện nhanh chóng khi bạn cảm thấy được nghỉ ngơi. Nên sắp xếp một số sự giúp đỡ và nhận được dịch vụ massage thường xuyên để được nghỉ ngơi và hỗ trợ giấc ngủ.

6. Cải thiện việc nuôi con bằng sữa mẹ

Cho con bú chính là một món quà tuyệt vời đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên nó cũng có thể là một thách thức lớn đối với một số bà mẹ. Liệu pháp massage sẽ giúp thư giãn cơ thể, tăng tuần hoàn và tăng tiết sữa.

Các chuyên gia cho biết, massage có khả năng làm tăng mức prolactin – một loại hormone tiết sữa. Ngoài ra, các cơ ngực thư giãn cũng sẽ giúp mở vai và cải thiện việc tiết sữa.

Một số nghiên cứu mới cho biết, massage vú có tác dụng làm giảm đau vú. Đồng thời giảm lượng natri trong sữa mẹ và cải thiện khả năng bú của trẻ sơ sinh.

Các loại massage sau sinh thường được áp dụng

Trên thực tế, có rất nhiều kỹ thuật massage sau sinh khác nhau có thể áp dụng cho các mẹ bỉm. Chẳng hạn như:

  • Jamu massage sau sinh: Kỹ thuật massage này có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Tên “Jamu” là từ một loại thảo dược được pha chế sử dụng trong quá trình massage. Công thức pha chế này bao gồm các nguyên liệu toàn toàn tự nhiên, rất phù hợp cho các bà mẹ mới sinh con. Massage bao gồm cả xoa bóp đầu và ngực để giảm đau đầu và cải thiện tiết sữa tương ứng. Massage có kết hợp quấn Jamu nơi bụng của mẹ để làm săn chắc da bụng và hỗ trợ cột sống.
  • Massage Thụy Điển: Đây cũng là một kỹ thuật massage rất tốt cho các bà mẹ mới sinh con. Loại massage này bao gồm vuốt ve và nhào trộn lâu nhằm làm săn chắc các cơ và giảm căng thẳng. Các động tác xoa bóp kích thích sau sinh này còn giúp cải thiện lưu thông máu, thư giãn cơ và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
  • Massage sau sinh TCM: Massage TCM chính là tên viết tắt của massage Y học cổ truyền Trung Hoa. Trong cách xoa bóp sau sinh này thì các kỹ thuật bấm huyệt và thảo mộc sẽ được kết hợp để thúc đẩy lưu lượng máu và làm giảm căng cơ. Các liệu pháp massage bao gồm tắm thảo dược, massage, quấn bụng và tư vấn chế độ ăn uống.
  • Massage sau sinh Ayurvedic: Kỹ thuật Ấn Độ cổ đại này sẽ kết hợp yoga, ăn kiêng, liệu pháp xoa bóp và lựa chọn lối sống. Massage toàn thân này sẽ bao gồm cả việc quấn bụng và giúp da ngậm nước. Đồng thời giúp kích thích tuần hoàn máu dẫn tới tái tạo tế bào, giảm căng thẳng và giảm đau.
các loại massage sau sinh
Jamu massage là liệu pháp được áp dụng rất phổ biến cho phụ nữ sau sinh

Lưu ý khi massage sau sinh

Như với bất cứ liệu pháp massage nào, trước khi massage sau sinh cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Đảm bảo rằng bạn không có bất cứ tình trạng da liễu nào, chẳng hạn như bệnh chàm hay phát ban. Bởi chúng có thể trầm trọng hơn khi massage. Cần xác định rõ bất cứ sự nhạy cảm nào và thông báo cho người massage được biết.
  • Chú ý đến sự nhạy cảm của cơ thể với bất cứ loại dầu hoặc thuốc nào được sử dụng trong quá trình massage. Đồng thời tránh thoa sản phẩm lên vùng núm vú để ngăn ngừa nguy cơ bé ăn phải.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm massage có chứa paraben. Thành phần này có thể phá vỡ chức năng hormone, hơn nữa còn liên quan tới ung thư vú và các bệnh ung thư khác.
  • Những phụ nữ bị huyết áp cao hay các tình trạng như thoát vị cũng cần báo cho người thực hiện massage được biết. Điều này giúp đảm bảo rằng các điểm áp lực liên quan sẽ không bị kích hoạt một cách không cần thiết.
  • Những phụ nữ đã từng trải qua các cơn co thắt liên tục trước khi sinh (Braxton-Hicks) cần thận trọng khi massage sau sinh.
  • Phụ nữ mắc các bệnh như tăng huyết áp do mang thai (PIH) hoặc hiện tại có nguy cơ cao nên trao đổi với bác sĩ trước khi đi massage.
  • Các biến chứng khác như sưng tấy quá mức, đau đầu đột ngột là những tình trạng cần được chăm sóc y tế kịp thời.
  • Cần hỗ trợ đầy đủ cho bất cứ cơ nào có thể bị kéo căng quá mức trong quá trình massage.

Hướng dẫn cách massage sau sinh tại nhà

Massage sau sinh thường sẽ được tiến hành khi mẹ bỉm rời bệnh viện về nhà, diễn ra trong khoảng 40 ngày sau sinh. Mẹ bỉm có thể duy trì việc này lâu hơn để có thể nhận được nhiều lợi ích.

Một buổi massage sau sinh tại nhà thường mất nhiều thời gian nên mẹ bỉm cần có sự chuẩn bị trước thật kỹ. Điều này giúp tránh gặp phải các cản trở trong quá trình chăm sóc cơ thể. Hãy cho bé bú, nhờ người thân chăm sóc bé hoặc tranh thủ massage trong thời gian con ngủ.

Massage sau sinh đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sự chính xác nhằm tránh các nguy hiểm cho mẹ. Do đó, hãy tìm đến những kỹ thuật viên massage có tay nghề và chuyên môn cao. Nếu mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên tham khảo ý kiến từ những người đã từng sử dụng dịch vụ massage sau sinh.

hướng dẫn massage sau sinh
Massage sau sinh thường bắt đầu từ bước xoa bóp chân

Dưới đây là các động tác massage sau sinh tại nhà hiệu quả:

  • Massage chân: Hầu hết liệu trình xoa bóp sau sinh sẽ bắt đầu với chân. Khi massage, cần dùng tay ấn nhẹ lòng bàn chân. Sau đó xoa bóp các ngón chân bằng cách đan tay vào các ngón chân rồi từ từ kéo nhẹ lên.
  • Massage cơ bắp chân: Xoa bóp theo chiều từ mắt cá chân lên đến phần đầu gối. Massage theo thứ tự này có thể giúp chống lại sự đưa máu từ chân về tim. Cơ chân sẽ được giảm đau rất nhiều.
  • Massage cơ đầu gối và cơ đùi: Đây là vùng tiếp theo của các bước massage sau sinh. Cần dùng bàn tay tạo ra những chuyển động tròn quanh đầu gối. Sau đó tiến hành massage đùi bằng cách để đầu gối co lại. Hãy vuốt một cách từ từ theo chiều từ đầu gối lên đến hông. Có thể sử dụng lực hơi mạnh một chút đối với bộ phận này.
  • Massage bụng: Thực hiện các thao tác massage ở vùng bụng có thể hỗ trợ mẹ lấy lại vóc dáng nhanh hơn. Hãy dùng lòng và cạnh bàn tay để massage theo chiều từ xương sườn đến xương mu. Điều này giúp hỗ trợ tử cung đẩy sản dịch ra ngoài hiệu quả hơn.
  • Massage lưng: Lưng có thể là vùng sẽ bị căng cơ nhiều sau khi sinh con. Việc massage lưng sẽ giúp mang lại cảm giác thư giãn rất tốt. Tuy nhiên đây là vùng khuất nên rất khó để tự massage. Các mẹ nên đăng ký các gói massage sau sinh chuyên nghiệp. Trường hợp sinh mổ, có thể xoa bóp lưng trong tư thế ngồi. Ngoài ra, hãy dùng gối kê dưới ngực nếu nằm sấp.
  • Massage vai và cổ: Hãy sử dụng các ngón tay day lên cổ rồi xuôi xuống vai. Massage vai cổ sau sinh sẽ giúp tránh căng thẳng tích tụ. Ngoài giúp làm giảm đau vai gáy cổ thì còn hạn chế được chứng đau đầu.
  • Massage cánh tay: Hãy bóp cánh tay nhẹ nhàng từ phần vai xuống đến bàn tay. Cần lặp đi lặp lại các thao tác này trong khoảng vài phút. Sau đó tiến hành xoa bóp các ngón tay và lòng bàn tay.
  • Massage đầu: Để massage đầu, hãy dùng các ngón tay xoa theo đường tròn. Hoặc cũng có thể luồn các ngón tay đan vào tóc rồi nhẹ nhàng kéo lên. Việc này sẽ giúp mẹ sau sinh cảm thấy thư giãn và thoải mái.
  • Massage bầu ngực: Ngực là bộ phận nhạy cảm nên cần tác dụng lực vừa phải. Bắt đầu từ nách và massage nhẹ nhàng lên tới phần bầu ngực rồi núm vú. Khi massage, bầu vú có thể tiết sữa. Do đó các mẹ cần chuẩn bị một chiếc khăn để tiết sữa.

Sau khi đã hoàn thành các bước massage sau sinh tại nhà thì bạn cần đi tắm để vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Cách thư giãn nhất là tắm bồn, có thể thêm 1 chút tinh dầu vào nước tắm rồi ngâm mình khoảng 10 phút.

Một số câu hỏi thường gặp về massage sau sinh

Massage được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, nhiều mẹ bỉm vẫn còn băn khoăn và có nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Chẳng hạn như:

1. Sau sinh bao lâu thì được massage?

Bạn có thể được massage khá sớm sau khi sinh, miễn là bạn cảm thấy cơ thể mình đã sẵn sàng cho việc massage. Trên thực tế, massage vùng lưng sau khi sinh một ngày có thể giúp làm giảm sự lo lắng và căng thẳng.

Nếu bạn đã sinh mổ thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm tốt nhất để bắt đầu massage. Trong vài tuần đầu tiên sau khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Do đó bạn nên đợi khoảng 3 tuần. Nếu bạn thực hiện massage sau khi cắt chỉ, hãy tránh tạo áp lực trực tiếp lên vết sẹo trong khoảng vài tuần.

2. Có thể massage lưng sau khi gây tê ngoài màng cứng không?

Gây tê ngoài màng cứng có thể được sử dụng cho cả trường hợp sinh mổ và sinh ngả âm đạo. Mục đích là để làm tê các dây thần kinh ở vùng cột sống lưng. Bạn có thể thấy khó chịu ở lưng một lúc sau đó. Lúc này, massage chính là một phần hữu ích trong quá trình phục hồi.

gây tê ngoài màng cứng có massage được không
Các mẹ hoàn toàn có thể massage để làm giảm sự khó chịu sau khi gây tê ngoài màng cứng

Chỗ tiêm của bạn có thể bị đau. Do đó điều quan trọng là nên tránh đặt áp lực trực tiếp lên vết tiêm. Chỉ nên massage lên vị trí này khi mà vết thương hoàn toàn lành lại.

Bạn cần nhớ rằng, không chỉ gây tê ngoài màng cứng mới gây đau lưng sau sinh. Đau lưng là triệu chứng thường gặp bất kể bạn sinh bằng phương pháp nào.

Do ảnh hưởng của thai kỳ đến hệ thống cơ và khớp mà lưng của bạn có thể cần một thời gian để phục hồi trong thời kỳ hậu sản. Massage có thể là một phần lành mạnh tham gia vào quá trình này.

3. Có nên massage bụng sau khi sinh không?

Có khả năng cao là bạn sẽ cảm thấy tử cung co lại trong khoảng vài ngày sau khi sinh. Đây được gọi là “cơn đau sau khi sinh” và nó thường mang lại cảm giác khá khó chịu.

Một cách đơn giản để làm giảm các triệu chứng này mà tiến hành massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới. Ngoài ra bạn có thể sử dụng đệm sưởi.

Tuy nhiên nếu phải vật lộn với chứng chuột rút nghiêm trọng thì bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để loại trừ các biến chứng. Lúc này không nên tự ý massage vùng bụng sau khi sinh.

4. Làm thế nào để có thời gian đi massage sau sinh?

Sự xuất hiện của em bé chắc chắn sẽ khiến cho bạn bận rộn. Cuộc sống của bạn giờ đây chỉ xoay quanh việc thay tã, cho bé bú liên tục, tắm và massage cho bé. Chính những sự hối hả này có thể sẽ gây ra căng thẳng.

làm sao để có thời gian massage sau sinh
Mẹ bỉm có thể nhờ chồng bế con để tranh thủ massage và chăm sóc bản thân

Điều quan trọng là bạn cần có được thời gian cho bản thân mình. Mặc dù đây là điều không hề dễ dàng. Để có được thời gian đi massage sau sinh, bạn nên thử một số điều sau:

  • Yêu cầu giúp đỡ: Nhờ chồng, mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc bất cứ thành viên nào khác đáng tin cậy trong gia đình chăm sóc con cho bạn. Hoặc bạn có thể cố gắng tranh thủ thời gian khi con đang ngủ. Nhận được sự giúp đỡ từ phía người thân không chỉ giúp bạn có thời gian đi massage mà còn giúp tinh thần thư giãn.
  • Chọn đúng thời điểm: Cố gắng thực hiện massage ngay sau khi bạn đã cho con bú và thay đồ cho con. Khi tất cả các nhu cầu của bé đã được đáp ứng thì bạn có thể rảnh ra một vài giờ. Hơn nữa còn giúp con dễ dàng hơn khi ở cùng với một thành viên khác trong gia đình khi bạn tranh thủ đi massage.
  • Lên lịch trước: Hầu hết các nhân viên chuyên massage sau sinh thường đến nhà để hỗ trợ bạn. Bằng cách này, bạn có thể ở bên con và vẫn tận hưởng được những lợi ích của việc massage trong sự thoải mái ngay tại nhà.

5. Tư thế nào tốt nhất để massage sau sinh?

Trên thực tế, không có tư thế nào hoạt động tốt nhất. Trong quá trình massage, bạn sẽ cần thay đổi tư thế một vài lần, khi người xoa bóp di chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể.

Bạn cũng có thể cần điều chỉnh lại vị trí của mình để tìm kiếm sự thoải mái. Một số bà mẹ thích nằm sấp và úp mặt xuống. Trong khi đó, những người khác lại có thể thấy khó chịu, nhất là khi họ bị căng vú hoặc rò rỉ sữa.

Tư thế nằm hoặc ngồi nghiêng thường được cho là phù hợp nhất với những mẹ sinh mổ. Một số bà mẹ khác có thể thích dùng thêm gối để hỗ trợ lưng, ngực và bụng.

Điều quan trọng là bạn cần thông báo cho người massage được biết nếu có bất cứ tư thế nào khiến bạn không thoải mái. Ngoài ra, hãy cho họ biết nếu áp lực quá lớn hay những động tác đột ngột có gây ra bất cứ sự khó chịu nào không.

Massage sau sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ bỉm. Tuy nhiên, các mẹ cần chắc chắn rằng mình đã trao đổi với bác sĩ và nhận được sự chấp thuận trước khi bắt đầu massage. Việc massage phù hợp với tình trạng sẽ giúp đảm bảo lợi ích và hạn chế các rủi ro phát sinh.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 15/06/2023 - Cập nhật lúc 1:23 pm , 15/06/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc