Viêm Nang Lông Vùng Kín: Nguyên Nhân và Cách Điều Trị

Viêm nang lông vùng kín là bệnh da liễu phổ biến ở cả nam và nữ giới. Biểu hiện thường gặp là các mụn mủ, sẩn đỏ nhỏ khu trú ở từng nang lông. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng bệnh lý này gây đau rát, ngứa ngáy và khó chịu.

viêm nang lông vùng kín
Viêm nang lông vùng kín là một dạng nhiễm trùng da nhẹ chỉ khu trú ở nang lông

Viêm nang lông vùng kín là bệnh gì?

Viêm nang lông là một trong những bệnh da liễu thường gặp bên cạnh mụn trứng cá, nổi mề đay và phát ban. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng nhiễm trùng da khu trú ở từng nang lông với nguyên nhân đa dạng bao gồm vi khuẩn gram âm, nấm sợi, nấm men, ký sinh vật demodex và virus. Trong đó, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là tác nhân thường gặp nhất.

Thực chất, các tác nhân gây bệnh viêm nang lông đều thường trú trên da. Ở điều kiện thông thường, các tác nhân này không gây ra bất cứ tổn thương nào. Vi khuẩn, nấm và virus có thể phát triển khi da tiết nhiều mồ hôi, bít tắc lỗ chân lông, ma sát,… dẫn đến nhiễm trùng khu trú ở các nang lông.

Viêm nang lông có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể, trừ những vùng không có nang lông như môi, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Trong đó, vùng kín là một trong những vị trí dễ bị viêm nang lông nhất.

Viêm nang lông vùng kín là bệnh da liễu khá phổ biến ở cả nam và nữ giới. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh lý này sẽ thuyên giảm nhanh chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp không được điều trị và chăm sóc kịp thời, nang lông có thể bị áp xe gây ra nhọt hay nặng hơn là viêm mô tế bào.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm nang lông ở vùng kín

Viêm nang lông ở vùng kín có biểu hiện đặc trưng là các nốt mụn mủ nhỏ khu trú ở từng nang lông. Ngoài ra, biểu hiện của bệnh cũng có sự khác biệt ở nam và nữ giới.

Đa phần trường hợp bị viêm nang lông ở vùng sinh dục đều có biểu hiện nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Để có phương án điều trị kịp thời, cần xác định đúng viêm nang lông vùng kín thông qua các dấu hiệu sau:

1. Nhận biết viêm nang lông vùng kín ở nữ

Bộ phận sinh dục của nữ thường tiết nhiều dịch và mồ hôi nên sẽ tạo ra môi trường ẩm ướt để vi khuẩn, nấm và virus phát triển gây viêm nang lông. Viêm nang lông sinh dục ở nữ thường xuất hiện ở vùng lông mu, một số trường hợp có thể lan tỏa ra khắp bẹn và vùng da xung quanh hậu môn.

viêm nang lông vùng kín
Biểu hiện của viêm nang lông vùng kín ở nữ giới là các sẩn hoặc mụn mủ có kích thước nhỏ

Các dấu hiệu nhận biết viêm nang lông sinh dục ở nữ:

  • Vùng lông mu xuất hiện các sẩn đỏ hoặc mụn mủ có kích thước nhỏ, khu trú ở từng nang lông. Xung quanh mụn mủ thường có các quầng đỏ.
  • Bề mặt da tương đối ẩm và nóng hơn so với những vùng da lành.
  • Các mụn mủ dễ bị vỡ, khi vỡ để lại vết trợt và dễ đóng vảy. Mặc dù không để lại sẹo nhưng viêm nang lông ở vùng kín có thể khiến da bị thâm và phải mất một thời gian dài mới có thể mờ dần.
  • Tổn thương da có thể gây ngứa, bứt rứt và đau nhẹ
  • Tùy vào mức độ, mụn mủ có thể xuất hiện rải rác hoặc mọc nhiều tụ lại thành cụm, đám gây đau và khó chịu nhiều

2. Triệu chứng viêm nang lông vùng kín nam giới

Nam giới cũng có thể bị viêm nang lông vùng kín nhưng nguy cơ thấp hơn so với nữ giới. Lý do là vì vùng kín nam giới thường khô thoáng hơn và nam giới cũng hiếm khi cạo lông vùng sinh dục.

hình ảnh viêm nang lông vùng kín
Hình ảnh viêm nang lông ở vùng kín

Các triệu chứng của viêm nang lông vùng kín ở nam giới:

  • Viêm nang lông thường xuất hiện ở vùng xương mu, tập trung nhiều ở vùng có nhiều lông
  • Biểu hiện tương tự như nữ giới với sự xuất hiện của các mụn mủ hoặc sẩn đỏ khu trú ở từng nang lông
  • Một số vị trí có thể phát triển thành nhọt có kích thước lớn gây đau rát và khó chịu nhiều
  • Các sẩn đỏ, mụn mủ có thể mọc xung quanh bẹn và hậu môn gây ngứa ngáy, đau rát nhiều.
  • Mụn mủ do viêm nang lông hiếm khi xảy ra ở dương vật bởi vùng da này không có nang lông.

Nguyên nhân gây viêm nang lông vùng kín

Nguyên nhân chính xác gây viêm nang lông vùng kín vẫn chưa được biết rõ. Trong đó, tác nhân gây bệnh là các vi khuẩn, nấm thường trú trên da hoặc các loại virus mắc phải. Tuy nhiên, các tác nhân này chỉ gây viêm nang lông khi có điều kiện thuận lợi.

Các tác nhân gây viêm nang lông bao gồm:

  • Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)
  • Vi khuẩn gram âm
  • Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa)
  • Virus herpes, virus Molluscum contagiosum
  • Ký sinh vật Demodex
  • Các loại nấm như Trichophyton tonsurans, Microsporum canis, Malassezia, Candida albicans,

Phần lớn các tác nhân gây bệnh đều là vi khuẩn, nấm thường trú trên da. Các tác nhân này chỉ gây ra viêm nang lông khi có những yếu tố thuận lợi như bít tắc lỗ chân lông, chấn thương da, ma sát, hệ miễn dịch suy giảm,…

hình ảnh viêm nang lông vùng kín
Cạo lông, tẩy lông là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn, nấm, virus phát triển gây viêm nang lông

Đối với viêm nang lông vùng kín, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên khi có những yếu tố như sau:

  • Thời tiết nóng bức, độ ẩm cao, chất lượng không khí thấp và môi trường ô nhiễm
  • Vệ sinh vùng kín kém khiến cho da đổ nhiều mồ hôi tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn, nấm men và virus phát triển
  • Mặc quần lót có chất liệu tổng hợp, dày cứng hoặc mặc quần bó sát làm tăng ma sát lên da cũng gia tăng nguy cơ bị viêm nang lông.
  • Nữ giới có thói quen sử dụng băng vệ sinh hằng ngày thường xuyên cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lý do là vì bằng vệ sinh khiến cho vùng kín tiết nhiều mồ hôi, ẩm ướt.
  • Tẩy lông, cạo lông,… vùng kín cũng là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào nang lông gây nhiễm trùng.
  • Sử dụng kháng sinh hoặc corticoid dài hạn có thể tăng nguy cơ viêm nang lông. Nguyên nhân là do các loại thuốc này gây ức chế miễn dịch, từ đó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm và virus phát triển mạnh.
  • Rối loạn nội tiết tố cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Người có hệ miễn dịch kém do suy dinh dưỡng, tiểu đường, nhiễm HIV,… sẽ có nguy cơ bị viêm nang lông vùng sinh dục cao hơn bình thường.

Viêm nang lông vùng kín nguy hiểm không?

Viêm nang lông là bệnh da liễu rất phổ biến. Bệnh thường bùng phát sau khi cạo râu, cạo lông hoặc khi thời tiết nắng nóng khiến cho da tiết nhiều mồ hôi. Nhìn chung, bệnh lý này tương đối lành tính và dễ điều trị vì tổn thương da nằm ở lớp trên cùng của thượng bì. Nếu chăm sóc đúng cách, tổn thương da sẽ lành hẳn chỉ sau vài ngày.

Trong trường hợp bị viêm nang lông vùng kín, việc điều trị cần phải thực hiện cẩn thận hơn do vùng kín tương đối ẩm ướt, cấu tạo da mỏng, nhạy cảm và dễ ma sát với quần lót. Do vị trí khá đặc biệt nên các sẩn đỏ, mụn mủ có thể bị vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây áp xe (nhọt). Trường hợp nặng có thể gây viêm mô dưới da và nhọt cụm.

Điều trị viêm nang lông vùng kín
Mặc dù là bệnh lành tính nhưng viêm nang lông vùng sinh dục gây ngứa ngáy và khó chịu nhiều

Viêm nang lông là bệnh lành tính. Tuy nhiên, tổn thương da có thể gây ngứa ngáy, đau nhẹ và khó chịu. Chính vì vậy, bạn nên điều trị trong thời gian sớm nhất. Các sẩn đỏ, mụn mủ ở vùng sinh dục cũng gây ra không ít phiền toái khi sinh dục và vô tình ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Ở những trường hợp bệnh tái đi tái lại, cần thăm khám và điều trị toàn thân để triệt tiêu ổ vi khuẩn trên cơ thể.

Chẩn đoán viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông là bệnh da liễu có triệu chứng điển hình và dễ nhận biết. Tuy nhiên nếu mọc ở vùng kín, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra.

  • Khám lâm sàng
  • Nhuộm gram tìm sự hiện diện của cầu trùng gram dương
  • Nuôi cấy vi khuẩn tại vùng da tổn thương (đặc biệt là trong trường hợp bệnh tái đi tái lại và mọc lan tỏa ở vùng sinh dục, xung quanh hậu môn)
  • Soi tìm nấm để xác định tác nhân gây bệnh là Candida albicans, Malassezia furfur hay các loại nấm sợi

Viêm nang lông vùng kín sẽ được chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông bạch cầu ái toan ở những người bị nhiễm HIV, viêm da tiết bã nhờn và một số bệnh da liễu có biểu hiện tương tự.

Các phương pháp điều trị viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông là bệnh da liễu dễ điều trị và lựa chọn ưu tiên là các loại thuốc, phương pháp tại chỗ. Trường hợp bệnh tái đi tái lại sẽ được xem xét điều trị toàn thân. Bên cạnh đó, nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc để kiểm soát bệnh hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát.

1. Điều trị tại chỗ

Điều trị tại chỗ là lựa chọn ưu tiên khi điều trị viêm nang lông nói chung và viêm nang lông vùng kín nói riêng. Loại thuốc được chỉ định phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh.

Điều trị viêm nang lông vùng kín
Sử dụng kem, thuốc mỡ kháng sinh có thể giảm nhanh các triệu chứng do viêm nang lông vùng kín gây ra

Các loại thuốc bôi sử dụng để điều trị viêm nang lông ở bộ phận sinh dục:

  • Các loại thuốc sát trùng như cồn iod, betadine hoặc benzoyl peroxide 5% mang lại hiệu quả cao. Chỉ sau khoảng 5 – 7 ngày, tình trạng sẩn đỏ, mụn mủ sẽ giảm đi nhanh chóng.
  • Các loại thuốc mỡ, kem kháng sinh như Fucidin, Clindamycin 1% hoặc Bactroban cũng có thể được dùng để điều trị viêm nang lông. Các loại thuốc này được sử dụng từ 7 – 10 ngày với tác dụng chính là ức chế vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh thường gặp khác. Sau vài ngày, tình trạng da nổi mụn mủ, mẩn đỏ sẽ thuyên giảm đáng kể. Tuy nhiên, cần phải sử dụng thuốc đủ thời gian để ngăn hiện tượng tái nhiễm.

Ngoài sử dụng thuốc, điều trị tại chỗ còn bao gồm các phương pháp sau:

  • Tiểu phẫu: Trong trường hợp các mụn mủ phát triển thành áp xe, nhọt, bác sĩ sẽ tiến hành tiểu phẫu để dẫn lưu mủ và sát trùng nhằm phòng ngừa biến chứng. Tiểu phẫu chích rạch áp xe có quy trình khá nhanh, sau khi thực hiện, tình trạng đau nhức và sưng đỏ sẽ giảm đi rõ rệt.
  • Triệt lông: Viêm nang lông thường chỉ xuất hiện ở những vùng da có nhiều nang lông như vùng lưng, bụng, nách, râu và cơ quan sinh dục. Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định triệt lông bằng ánh sáng IPL hoặc laser. Các phương pháp này sẽ giúp làm teo nang lông, từ đó hạn chế lông mọc ở vùng kín và phòng ngừa viêm nang lông hiệu quả.

2. Điều trị toàn thân

Điều trị toàn thân được chỉ định khi viêm nang lông tái phát nhiều lần hoặc không có đáp ứng với các phương pháp tại chỗ. Để lên phác đồ phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành nuôi cấy mụn mủ nhằm xác định tác nhân gây bệnh.

Kháng sinh sẽ được sử dụng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh, từ đó cải thiện viêm nang lông và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thêm một số loại thuốc để phục hồi da và tăng hiệu quả điều trị.

Các loại thuốc uống được sử dụng để điều trị viêm nang lông vùng kín:

  • Kháng sinh nhóm beta lactam (Amoxicillin)
  • Kháng sinh nhóm cephalosporin
  • Kháng sinh nhóm fluoroquinolon
  • Các loại kháng sinh chống nấm như Metronidazole, Itraconazole, Terbinafine, Fluconazole, Nizoral,…
  • Isotretinoin có thể được sử dụng để ức chế tiết bã nhờn và giảm các triệu chứng của viêm nang lông

Đối với những trường hợp có hệ miễn dịch kém, có thể dùng Kẽm và vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, viên uống bổ sung vitamin C còn giúp phục hồi da nhanh chóng, hạn chế thâm, sẹo sau khi da lành.

3. Các biện pháp chăm sóc

Bên cạnh sử dụng thuốc và các phương pháp xâm lấn, cần kết hợp với biện pháp chăm sóc để có thể cải thiện viêm nang lông vùng kín triệt để. Ngoài ra, các biện pháp chăm sóc còn giúp ngăn ngừa biến chứng áp xe, nhọt, viêm mô tế bào,…

Điều trị viêm nang lông vùng kín
Nên giữ vùng kín sạch sẽ và khô thoáng trong thời gian điều trị viêm nang lông vùng kín

Các biện pháp chăm sóc viêm nang lông vùng kín:

  • Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách. Nên dùng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ 1 lần/ ngày để loại bỏ bụi bẩn, tế bào chết, dịch tiết âm đạo,… Ngoài ra, nên vệ sinh vùng kín với nước trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Lau khô vùng kín trước khi mặc quần áo, tránh dùng quần lót ẩm, chất liệu dày cứng và hạn chế mặc quần jeans hoặc các trang phục bó sát. Tốt nhất nên mặc trang phục rộng rãi và có chất liệu thoáng, thấm hút (linen, cotton) để giúp vùng kín khô thoáng.
  • Tuyệt đối không gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị viêm nang lông. Nếu da ngứa nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc bôi chứa Menthol hoặc thuốc uống theo hướng dẫn của dược sĩ. Thói quen gãi cào có thể khiến mụn mủ bị vỡ và tăng nguy cơ áp xe, mụn nhọt.
  • Không cạo lông, tẩy lông trong thời gian điều trị.
  • Sử dụng khăn tắm riêng, tránh dùng đồng thời với người khác vì vi khuẩn có lây nhiễm thông qua các vật dụng cá nhân.
  • Uống nhiều nước, tăng cường rau xanh, chất xơ, các loại thực phẩm chứa nhiều Omega 3, kẽm và vitamin C để thúc đẩy da phục hồi và tái tạo nhanh chóng.

Cách phòng ngừa viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông vùng kín là bệnh da liễu lành tính nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn thường trú trên da nên bệnh có khả năng tái phát cao. Để phòng ngừa bệnh lý này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Điều trị viêm nang lông vùng kín
Giữ vệ sinh cơ thể nói chung và vùng kín nói riêng là biện pháp phòng bệnh tái phát hiệu quả
  • Giữ vệ sinh vùng kín là cách phòng ngừa viêm nang lông hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp nữ giới phòng ngừa nấm âm đạo và các bệnh phụ khoa thường gặp khác.
  • Tránh sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH cao và chứa các thành phần gây kích ứng. Ưu tiên sản phẩm lành tính, độ pH dao động 5 – 6 để bảo vệ da và tránh ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên bên trong âm đạo.
  • Khi cạo lông, tẩy lông, nên thoa một lớp kem dưỡng hoặc bột talc để giảm ma sát lên da. Trong trường hợp lông dày cứng, nên xem xét triệt lông để ngăn ngừa viêm nang lông và thoải mái hơn khi sinh hoạt.
  • Hạn chế sử dụng corticoid và kháng sinh dài hạn nếu không cần thiết. Trong trường hợp phải dùng thuốc kéo dài, nên bổ sung probiotic và tăng cường các loại rau xanh, trái cây để nâng cao hệ miễn dịch.
  • Người có hệ miễn dịch suy giảm do tiểu đường, nhiễm HIV cần có lối sống khoa học, lành mạnh để cải thiện chức năng đề kháng.
  • Nữ giới cần chú ý thay quần lót định kỳ 3 – 4 tháng/ lần để tránh nhiễm nấm, virus và vi khuẩn. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng nên giặt quần lót với nước ấm và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh.
  • Sự thay đổi của nội tiết tố là yếu tố gia tăng nguy cơ viêm nang lông. Do đó, nên xem xét sử dụng kem bôi chứa estrogen sau khi mãn kinh để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
  • Thường xuyên vệ sinh bồn tắm bằng clo để tiêu diệt trực khuẩn mủ xanh – vi khuẩn gây viêm nang lông.

Viêm nang lông vùng kín gây đau rát, ngứa ngáy và khó chịu khi sinh hoạt. Vì vậy, nên thăm khám và điều trị sớm để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Do bệnh có nguy cơ tái phát cao nên sau khi điều trị, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ tái phát.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 18/04/2023 - Cập nhật lúc 10:41 am , 18/04/2023
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc