Chăm Sóc Mẹ Và Bé Sau Sinh: Kinh Nghiệm Ai Cũng Cần

Chăm sóc mẹ và bé sau sinh là điều không dễ dàng – nhất là với những cặp vợ chồng có con lần đầu tiên. Để tránh tình trạng lúng túng và bỡ ngỡ, bản thân mẹ và người thân trong gia đình nên chủ động trang bị những kinh nghiệm cần thiết.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Gia đình nên trang bị kinh nghiệm chăm sóc mẹ và bé sau sinh để tránh tình trạng bỡ ngỡ, lúng túng

Cẩm nang chăm sóc mẹ sau sinh tại nhà (sinh thường, sinh mổ)

Trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai và quá trình vượt cạn gian nan, tâm sinh lý của mẹ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy, mẹ sau sinh cần được chăm sóc chu đáo trong ít nhất 1 – 3 tháng đầu để phục hồi thể trạng và ổn định về tinh thần.

Sau khi sinh, sức khỏe của mẹ không ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ như trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu thể trạng bị suy nhược và mệt mỏi, mẹ có thể gặp phải một số vấn đề như sữa về chậm, mất sữa, ít sữa, sữa mẹ nghèo dinh dưỡng,… Những vấn đề này gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Ngoài ra, chăm sóc mẹ sau sinh đúng cách còn giúp phòng ngừa các biến chứng hậu sản như nhiễm trùng, băng huyết, bế sản dịch,… Vì vậy, gia đình – đặc biệt là bạn đời cần trang bị cẩm nang chăm sóc mẹ sau sinh để giúp sản phụ vượt qua giai đoạn hậu sản một cách dễ dàng, thuận lợi.

1. Theo dõi sản dịch

Sau khi sinh nở, cơ thể sẽ có hiện tượng tiết sản dịch có màu đỏ như kinh nguyệt trong khoảng 7 – 10 ngày. Sản dịch thường có mùi tanh nồng, màu đỏ tươi hoặc đỏ đậm sau đó chuyển thành màu hồng nhạt. Hầu hết, sản phụ đều dứt sản dịch trong 4 tuần. Khi sản dịch được loại bỏ hoàn toàn, mẹ sau sinh sẽ có kinh nguyệt trở lại. Thời gian hành kinh và máu kinh sẽ có đặc điểm như những lần hành kinh khác.

Theo dõi sản dịch là vấn đề quan trọng đối với mẹ sau sinh. Bởi màu sắc và đặc điểm của sản dịch phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của sản phụ. Nếu có vấn đề bất thường, cần thông báo ngay với bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Khi chăm sóc mẹ sau sinh, người thân nên chú ý lượng sản dịch, mùi và màu sắc để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường

Đào thải sản dịch sau sinh là phản ứng hoàn toàn bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, việc tiết sản dịch kéo dài chính là nguy cơ gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Vì vậy, bạn đời cần hỗ trợ mẹ sau sinh vệ sinh cá nhân và chuẩn bị băng lót kỹ càng để sản phụ dễ dàng thay, rửa khi cần thiết.

Sau khi hết sản dịch (khoảng 4 tuần), mẹ sẽ có kinh trở lại. Thời điểm này rất dễ đậu thai nên cần kiêng quan hệ tình dục và có các biện pháp phòng tránh an toàn nếu sinh hoạt vợ chồng trở lại.

2. Chú ý chăm sóc vết mổ và vết khâu tầng sinh môn

Mẹ sinh thường đa phần sẽ phải cắt tầng sinh môn để thuận tiện cho quá trình sinh nở – nhất là khi thai nhi quá lớn và mẹ mất nhiều thời gian để rặn. Sau khi sinh, bác sĩ sẽ khâu vết thương lại. Tuy nhiên, tầng sinh môn nằm ở vị trí nhạy cảm (giữa hậu môn và âm hộ) nên vết thương rất dễ bị nhiễm trùng. Chính vì vậy ngoài việc theo dõi sản dịch, cần chăm sóc vết khâu tầng sinh môn cho đến khi lành hoàn toàn.

Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn cho mẹ sau sinh:

  • Rửa và vệ sinh hằng ngày bằng Betadine theo hướng dẫn của bác sĩ. Chú ý vệ sinh từ trước ra sau để tránh nguy cơ viêm nhiễm.
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên.
  • Thấm khô vết thương bằng khăn giấy sạch hoặc bông gòn trước khi mặc quần áo
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn (thường là Efferalgan 500mg/ 2 viên, nhắc lại liều sau 6 giờ nếu cần và không dùng quá 4 lần/ ngày)
  • Thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như mặc quần áo rộng rãi, hạn chế ngồi và vận động nhẹ nhàng.

Đối với vết thương do sinh mổ, mẹ cũng cần chăm sóc đúng cách để phòng ngừa viêm nhiễm. Tương tự như vết khâu tầng sinh môn, các bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng để mẹ sau sinh và người nhà nắm vững cách chăm sóc:

  • Trong vài ngày đầu, mẹ sẽ được nhân viên y tế chăm sóc, rửa vết thương và hướng dẫn sử dụng thuốc (thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc co hồi tử cung,…).
  • Khi trở về nhà, mẹ có thể dùng túi chườm để giảm sưng đau vết mổ.
  • Trong 3 ngày đầu tiên, cần tránh để vết mổ tiếp xúc với nước. Sau 3 ngày có thể mở băng để vết thương khô tự nhiên. Khi tắm rửa, mẹ nên dùng khăn sạch lau nhẹ nhàng cơ thể và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với vết mổ.
  • Sau 7 ngày, mẹ có thể tắm rửa như bình thường. Tuy nhiên, không nên để vết thương ngâm nước quá lâu và bắt buộc phải lau khô bằng các dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng, sẹo lồi.
  • Hạn chế vận động quá mạnh và lao động nặng trong thời gian này.

Chăm sóc vết mổ sẽ mất nhiều thời gian hơn so với vết khâu tầng sinh môn. Hơn nữa, phần lớn mẹ sinh mổ đều có thể trạng yếu nên quá trình phục hồi tương đối chậm. Do đó, bạn đời và người thân trong gia đình nên hỗ trợ để mẹ sau sinh cảm thấy thoải mái và an tâm hơn khi chăm sóc trẻ.

3. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi

Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi là vấn đề quan trọng đối với mẹ sau sinh. Ăn uống, sinh hoạt hợp lý sẽ giúp thể trạng nhanh chóng hồi phục, đồng thời đảm bảo chất lượng nguồn sữa và phòng ngừa được các vấn đề liên quan đến sữa mẹ như ít sữa, mất sữa, sữa loãng,…

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Chế độ dinh dưỡng là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt khi chăm sóc mẹ và bé sau sinh

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cho mẹ sau sinh (sinh thường và sinh mổ):

  • Đảm bảo ăn uống điều độ, đa dạng các loại thực phẩm thay vì chỉ tập trung vào các nhóm thực phẩm chứa nhiều đạm và chất béo.
  • Mẹ sau sinh rất dễ bị táo bón do nhu động ruột giảm. Do đó, nên tăng cường bổ sung nhiều rau xanh và trái cây để phòng ngừa táo bón, đầy hơi và khó tiêu.
  • Bên cạnh đó, mẹ nên uống 3 lít/ ngày để phòng ngừa táo bón và đảm bảo đủ sữa cho trẻ. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp mẹ bù lượng nước thất thoát từ việc đào thải sản dịch.
  • Có thể dùng các loại rau lợi sữa và một số loại thảo dược có tác dụng lợi sữa, thanh nhiệt như atiso, trà cúc la mã,… để đảm bảo nguồn sữa cho trẻ.
  • Đảm bảo giấc ngủ kéo dài 7 – 8 giờ/ ngày. Nếu không thể ngủ một giấc dài, mẹ nên cố gắng ngủ nhiều giấc ngắn để tránh tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ.
  • Có thể bổ sung các viên uống chứa sắt, vitamin C,… theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Ngoài ra, mẹ cần kiêng các loại hoa quả chứa nhiều axit trong tháng đầu sau sinh. Bên cạnh đó, không sử dụng thuốc lá, cà phê, rượu bia,…
  • Mẹ sinh mổ nên hạn chế các loại thực phẩm dễ gây sẹo lồi, mưng mủ như thịt gà, thịt bò, các món ăn từ gạo nếp, hải sản và rau muống. Tốt nhất, nên dùng các loại thực phẩm có tính bình để miệng vết thương lành hẳn. Sau đó, có thể ăn uống như bình thường để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.

Trong thời gian đầu sau sinh, cơ thể mẹ còn khá yếu nên bạn đời và người nhà cần chuẩn bị bữa cơm cho sản phụ. Sự chăm chút trong bữa cơm ở cữ không chỉ giúp thể trạng nhanh hồi phục mà còn mang lại cho sản phụ tinh thần thoải mái và vui vẻ vì luôn được gia đình chăm sóc, quan tâm.

4. Chăm sóc vú

Chăm sóc vú là vấn đề cần phải quan tâm sau khi sinh nở. Bởi điều này ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ và quá trình bú sữa của trẻ sơ sinh.

Cách chăm sóc vú cho mẹ sau sinh:

  • Vệ sinh thường xuyên khi tắm rửa. Ngoài ra, cần dùng khăn ẩm lau đầu vú thường xuyên trước khi cho trẻ bú.
  • Nên cho trẻ bú ngay sau sinh để gọi sữa về sớm và trẻ có cơ hội được bú sữa non.
  • Ngoài chế độ ăn, mẹ cũng nên massage bầu ngực để đảm bảo quá trình sản xuất sữa diễn ra thuận lợi. Cách này có thể hạn chế được tình trạng tắc tia sữa và mất sữa đột ngột.
  • Trang bị kiến thức về việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian mang thai để đảm bảo trẻ bú đúng tư thế và đủ lượng sữa cần thiết.

5. Chú ý vệ sinh cá nhân

Hiện nay, quan niệm ở cữ lạc hậu vẫn được nhiều sản phụ áp dụng – đặc biệt là kiêng tắm gội và đánh răng. Tuy nhiên, không đảm bảo vệ sinh cá nhân sẽ khiến sản phụ khó chịu, bứt rứt và gặp phải không ít các vấn đề sức khỏe.

Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, mẹ sau sinh không cần kiêng tắm gội như các quan niệm được lưu truyền trong dân gian. Vệ sinh cơ thể hằng ngày giúp sản phụ cảm thấy thoải mái và tạo điều kiện cho vết thương phục hồi nhanh chóng. Dù vậy, mẹ sau sinh và người nhà cũng cần lưu ý một số vấn đề về vệ sinh cá nhân sau khi sinh nở:

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Mẹ sau sinh cần đánh răng 2 lần/ ngày và tắm rửa hằng ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm
  • Nên tắm nhanh với nước ấm, không nên tắm bồn và ngâm cơ thể lâu trong nước. Đối với sinh mổ, mẹ nên thấm khăn với nước ấm rồi lau người để tránh vết mổ tiếp xúc với nước.
  • Ngoài ra, mẹ nên tắm vào ban ngày, tránh tắm sau 19:00 và đảm bảo phòng tắm kín, không có gió lạnh. Sau khi tắm rửa nên dùng khăn lau khô người trước khi mặc quần áo.
  • Khi gội đầu, mẹ nên cúi đầu gội thay vì gội đứng để hạn chế nước và xà phòng dính vào vết mổ. Bên cạnh đó, cần chú ý gội đầu trong thời gian ngắn (không quá 10 – 15 phút) và hạn chế gội vào ban đêm. Sau đó, cần dùng khăn lau và sấy khô để tránh bị nhiễm lạnh.
  • Mẹ sau sinh thường gặp phải hiện tượng răng ê buốt và chảy máu. Do đó, không ít người kiêng đánh răng để hạn chế cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, mẹ sau sinh vẫn cần chải răng 2 – 3 lần mỗi ngày. Bởi thói quen vệ sinh răng miệng kém có thể gây sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu và khiến răng suy yếu, dễ đau nhức về lâu dài.
  • Đối với chăm sóc da mặt, mẹ có thể rửa mặt bằng các sản phẩm nhẹ dịu, không kích ứng. Ngoài ra, có thể dùng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm lành tính để phục hồi da sau quá trình mang thai và sinh nở.
  • Ngoài vấn đề tắm rửa, mẹ sau sinh cần chú ý thay trang phục hằng ngày và không mặc đồ dài tay trong thời tiết nắng nóng. Cần đảm cơ thể luôn thông thoáng, mát mẻ vì sau khi sinh mẹ sẽ gặp phải tình trạng tăng tiết mồ hôi.

Trong quá trình vệ sinh cơ thể, sản phụ cần sự hỗ trợ của người thân và bạn đời – đặc biệt là trong 1 tháng đầu. Nếu có thể, người nhà nên giúp sản phụ lau người và gội đầu để tránh kích thích lên vết mổ dẫn đến đau nhức, khó chịu.

6. Tái khám khi cần thiết

Sau khi sinh nở, cơ thể mẹ chưa hồi phục hoàn toàn nên sẽ có nguy cơ gặp phải một số rủi ro và biến chứng. Chính vì vậy, gia đình cần chú ý những biểu hiện bất thường và đưa mẹ đến bệnh viện khi cần thiết.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Khi nhận thấy triệu chứng bất thường, người nhà nên đưa sản phụ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị

Cần đưa sản phụ đến bệnh viện trong những trường hợp sau đây:

  • Đau bụng nhiều, dữ dội, mức độ đau tăng lên theo thời gian
  • Sản dịch ra quá ít, có mùi rất hôi và màu sắc khác thường
  • Sản dịch ra nhiều hơn sau 7 ngày
  • Tiểu buốt, rét run, sốt trên 38 độ C
  • Vú căng tức, có rỉ dịch hoặc mủ
  • Vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ có dấu hiệu viêm nhiễm (sưng đỏ, chảy dịch, chảy máu và đau nhức nhiều)

Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường sẽ giúp sản phụ có cơ hội được thăm khám và xử trí kịp thời. Nếu không có người nhà chăm sóc, bản thân mẹ cũng cần chủ động gọi cấp cứu nếu nhận thấy cơ thể có các biểu hiện khác lạ.

7. Vận động nhẹ nhàng

Sau khi sinh nở, sản phụ thường nghỉ ngơi trên giường do thể trạng suy nhược. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến cơ thể uể oải và thiếu sức sống. Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, mẹ nên vận động nhẹ nhàng để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, đồng thời loại bỏ được hết sản dịch và thu hồi tử cung nhanh chóng.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Vận động nhẹ nhàng là một phần của kế hoạch chăm sóc mẹ sau sinh nhưng ít khi được quan tâm

Nếu sinh thường, mẹ có thể đi lại nhẹ nhàng sau 1 – 2 ngày. Khi sức khỏe đã ổn định, có thể đi bộ trong nhà hoặc tập các bài tập yoga đơn giản. Trong trường hợp sinh mổ, mẹ bắt buộc phải đi lại từ ngày thứ 2 để tránh tình trạng dính ruột và cần duy trì thói quen đi lại hằng ngày cho đến vết mổ lành hoàn toàn. Từ tuần 6 trở đi, mẹ có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng ngay tại nhà để phục hồi sức khỏe và hỗ trợ quá trình đào thải sản dịch.

Việc vận động sau khi sinh nở thường sẽ rất khó khăn – nhất là với mẹ sinh mổ. Vì vậy, gia đình cần hỗ trợ mẹ trong giai đoạn này cho đến khi sức khỏe ổn định trở lại. Ngoài lợi ích đối với sức khỏe của mẹ, vận động hợp lý còn giúp cải thiện nguồn sữa và hạn chế được tình trạng tắc sữa, sữa loãng,…

Kinh nghiệm chăm sóc bé sau sinh

Trẻ sơ sinh có thể trạng và hệ miễn dịch yếu ớt nên cần được chăm sóc đặc biệt. Bên cạnh việc chăm sóc mẹ sau sinh, gia đình cũng cần trang bị kinh nghiệm để có thể chăm sóc trẻ đúng cách.

1. Đảm bảo môi trường sống phù hợp

Thân nhiệt và các chức năng của trẻ sơ sinh chưa ổn định. Do đó, gia đình cần phải chuẩn bị môi trường sống phù hợp cho trẻ.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Cần đảm bảo trẻ sơ sinh được chăm sóc trong không gian thoáng đãng, mát mẻ và có ánh sáng tự nhiên
  • Chuẩn bị phòng ốc cho bé, đảm bảo không gian phòng thoáng đãng, kín gió và nhiệt độ trong khoảng 26 – 27 độ C.
  • Nên lựa chọn mền gối có chất liệu mềm, thoáng, thấm hút tốt và cần được giặt giũ thường xuyên để hạn chế ngứa ngáy, rôm sảy.
  • Nếu có thể, nên chuẩn bị phòng có ánh nắng cho trẻ để cơ thể được hấp thu vitamin D thường xuyên. Ngoài ra, phòng ốc có ánh nắng sẽ giúp mẹ điều chỉnh nhịp sinh học của bé giúp trẻ ăn, ngủ đúng giờ.

Môi trường chăm sóc trẻ trong thời gian đầu ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của mẹ. Không gian mát mẻ, thoải mái sẽ giúp sản phụ nhanh ổn định tinh thần và chăm sóc bé sau sinh tốt hơn. Ngược lại, không gian tù bí, nóng nực khiến mẹ dễ bị stress, lo lắng. Do đó, gia đình cần chuẩn bị môi trường sống phù hợp trước khi sinh nở.

2. Vệ sinh cho trẻ đúng cách

Trẻ sơ sinh cần được vệ sinh hằng ngày để tránh các vấn đề da liễu và giúp trẻ hoàn thiện khả năng điều hòa thân nhiệt. Ngoài ra, vệ sinh đúng cách sẽ giúp rốn nhanh khô và hạn chế được nguy cơ viêm nhiễm.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Trẻ sơ sinh cần được tắm hằng ngày để tránh viêm nhiễm và phòng ngừa các bệnh da liễu thường gặp

Cách vệ sinh cho trẻ sau sinh:

  • Tắm cho bé hằng ngày với nhiệt độ nước là 37 độ C. Trước khi sinh nở, gia đình nên tham gia các lớp học tiền sản để được hướng dẫn tắm trẻ sơ sinh đúng cách.
  • Sử dụng cồn 70 độ và gạc vô trùng để vệ sinh rốn cho trẻ trong 7 – 12 ngày. Sau thời gian này, rốn sẽ khô lại và rụng đi.
  • Trước và sau khi tắm, gia đình nên massage để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Cách này cũng giúp trẻ giữ được thân nhiệt ổn định khi tắm và ngủ ngon giấc hơn.
  • Ngoài ra, nên cho trẻ tắm nắng từ 20 – 30 phút mỗi ngày để tăng hấp thu vitamin D và giúp da khỏe mạnh, ít gặp phải các vấn đề da liễu.
  • Đối với bé sau sinh, gia đình nên chọn trang phục rộng rãi được làm bằng chất liệu cotton mềm thoáng, thấm hút tốt.
  • Sau khi trẻ đi vệ sinh, cần thay tã và rửa lại với nước ấm. Sau đó, dùng khăn khô lau hoàn toàn trước khi mang tã và mặc quần áo.

3. Chế độ dinh dưỡng cho bé

Chế độ dinh dưỡng là vấn đề cần được quan tâm khi chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ phát triển thuận lợi, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh viêm nhiễm.

chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại nhà
Mẹ cần đảm bảo trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Chế độ dinh dưỡng cho bé sau sinh:

  • Cho bé bú ngay sau khi sinh để trẻ được hưởng nguồn sữa non quý giá. Đồng thời sẽ giúp mẹ gọi sữa về sớm và hạn chế tình trạng tắc tia sữa.
  • Tốt nhất, nên cho trẻ bú trực tiếp thay vì bú bình. Bú trực tiếp giúp tăng mối liên kết giữa mẹ và bé, đồng thời giúp kích thích quá trình sản xuất sữa một cách tự nhiên.
  • Mẹ sau sinh cần chú ý cho trẻ bú theo nhu cầu, không ép trẻ bú nhiều hơn.
  • Có thể chuẩn bị gối chống trào ngược để hạn chế tình trạng nôn trớ sau khi bú.
  • Nếu nhận thấy bé bỏ bú, nôn trớ nhiều và vàng da, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
  • Trong 6 tháng đầu, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Đối với những trẻ bú mẹ 100%, phân thường có màu hoa cà và tần suất đại tiện là 6 – 8 lần/ ngày.
  • Gia đình nên theo dõi cân nặng của bé sau sinh để đánh giá sự phát triển của con. Trong trường hợp trẻ không tăng cân hoặc tăng cân quá nhanh, gia đình nên đến ngay bệnh viện để trẻ được thăm khám, điều trị kịp thời.

4. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh

Trẻ sau khi sinh chưa hoàn thiện hệ miễn dịch nên cơ thể rất dễ mắc bệnh. Chính vì vậy, gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bé.

Các biện pháp phòng bệnh nên thực hiện khi chăm sóc bé sau sinh:

  • Đảm bảo không gian sống trong lành, mát mẻ. Nếu có thể, nên sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ dị nguyên, vi khuẩn, virus và nấm mốc trong không khí.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi trời chuyển lạnh và đảm bảo cơ thể trẻ được thông thoáng, mát mẻ vào thời tiết nóng ẩm.
  • Cho trẻ tái khám vào ngày thứ 4 sau khi sinh để phát hiện vàng da sơ sinh.
  • Cho trẻ tham gia các xét nghiện sàng lọc sơ sinh và đo thính lực để phát hiện các vấn đề sức khỏe như khiếm thính, tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD,… Thời gian thực hiện các xét nghiệm này sớm nhất sau 72 giờ và muộn nhất là sau 3 tuần tuổi.
  • Ngoài ra, gia đình cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine để chủ động phòng ngừa bệnh.
  • Cho trẻ uống vitamin D3, tiêm vitamin A,… theo chỉ định của bác sĩ.

5. Cho trẻ thăm khám khi cần thiết

Trẻ sau sinh có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, khi chăm sóc trẻ, gia đình cần chú ý đến những biểu hiện bất thường để kịp thời đưa trẻ đến thăm khám và điều trị.

Hy vọng qua cẩm nang chăm sóc sau sinh được tổng hợp trong bài viết, gia đình sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc mẹ và bé. Ngoài việc tham khảo các nguồn thông tin, mẹ nên tham gia lớp học tiền sản để có thêm kinh nghiệm cho quá trình sinh nở và hậu sản.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 15/06/2023 - Cập nhật lúc 1:23 pm , 15/06/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc