Cách chăm sóc, vệ sinh vết mổ sau sinh nhanh khỏi nhất

Chăm sóc vết mổ sau sinh là vấn đề được nhiều sản phụ quan tâm. Khác với sinh thường, sinh mổ gây ra vết thương ở tử cung và bụng dưới nên cần phải chăm sóc đặc biệt trong ít nhất 4 tuần. Chăm sóc, vệ sinh đúng cách sẽ giúp vết mổ nhanh lành và hạn chế được biến chứng nhiễm trùng.

chăm sóc vết mổ sau sinh
Sản phụ cần biết cách chăm sóc vết mổ sau sinh để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và hạn chế sẹo thâm, sẹo lồi

Hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh vết mổ sau sinh

Thực tế, không ít sản phụ phải sinh mổ (mổ lấy thai) do sức khỏe không cho phép. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyến khích sản phụ sinh thường để giảm lượng máu thất thoát trong quá trình sinh nở, hạn chế tình trạng ứ sản dịch và giúp tử cung co hồi tốt hơn. Tuy nhiên, những trường hợp có vấn đề về nhau thai, thai đôi, thai ba, ngôi thai ngược, thai nhi có trọng lượng quá lớn,… sẽ phải mổ lấy thai để đảm bảo an toàn.

Sinh mổ có thời gian phục hồi lâu hơn bình thường do tử cung và bụng đều bị tổn thương. Ngoài việc chăm sóc thông thường, những sản phụ sinh mổ cần phải có biện pháp chăm sóc và vệ sinh vết mổ đúng cách.

Trong trường hợp vừa mới sinh mổ hoặc có dự định sinh mổ, mẹ nên trang bị những kiến thức hữu ích để tránh tình trạng lúng túng khi chăm sóc. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc vết mổ sau sinh mẹ nên tham khảo và thực hiện khi cần thiết:

1. Cách chăm sóc vết mổ sau sinh tại bệnh viện

Sau khi sinh mổ, sản phụ sẽ được theo dõi tại bệnh viện để được nhân viên y tế chăm sóc. Không giống với sinh thường, sinh mổ có thời gian phục hồi chậm hơn nên mẹ sau sinh cần phải lưu viện trong thời gian khá dài.

Vào những ngày đầu tiên sau sinh, nhân viên y tế sẽ giúp mẹ vết sinh vết mổ hằng ngày. Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ phải sử dụng thuốc giảm đau, thuốc co hồi tử cung và kháng sinh để ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm cơn đau do vết mổ bị kích thích. Các loại thuốc được sử dụng cho mẹ sau sinh hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe và nguồn sữa. Chính vì vậy, mẹ cần sử dụng đều đặn để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và có thể về nhà trong thời gian sớm nhất.

Sau khoảng 3 ngày, có thể tháo băng vết mổ và để khô hoàn toàn. Lúc này, mẹ có thể vệ sinh cơ thể bằng cách dùng khăn thấm nước ấm lau người nhưng cần tránh để nước dính vào vết mổ.

chăm sóc vết mổ sau sinh mau lành
Trong 5 – 7 ngày đầu, mẹ sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ vệ sinh vết mổ

Trong thời gian chăm sóc tại bệnh viện, sản phụ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không tự tháo băng
  • Cần tránh nước, bụi bẩn lên vết mổ và những vùng da xung quanh
  • Không làm ướt băng gạc
  • Chú ý những biểu hiện bất thường ở vết mổ và thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết

Sau khoảng 5 ngày, mẹ sẽ được cắt chỉ vết mổ. Tuy nhiên với những trường hợp sinh mổ lần 2, mẹ phải chờ khoảng 7 – 8 ngày mới có thể cắt chỉ. Khi vết mổ đã lành và sức khỏe của mẹ cũng đã ổn định, bác sĩ sẽ cho sản phụ xuất viện và chăm sóc tại nhà.

2. Cách vệ sinh vết mổ sau sinh tại nhà

Sau khi chăm sóc tại bệnh viện khoảng 5 – 7 ngày, mẹ có thể trở về nhà. Trong thời gian này, vết mổ đã khép miệng nhưng vẫn cần được chăm sóc đặc biệt.

chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà
Khi trở về nhà, mẹ cần chăm sóc vết mổ sau sinh đúng cách để vết thương mau lành và không để lại sẹo

Cách chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà:

  • Từ tuần thứ 2 sau khi sinh, mẹ có thể tắm nhanh trong vòng 3 – 5 phút hoặc dùng khăn ẩm lau người. Hạn chế tình trạng ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ ẩm ướt.
  • Sau khi tắm rửa, cần dùng khăn sạch lau nhẹ nhàng để vết thương khô hoàn toàn, tù đó thuận tiện cho quá trình hồi phục.
  • Sau đó, nên dùng các dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc Betadine 10% để sát trùng, hạn chế sẹo và ngăn ngừa viêm nhiễm.
  • Luôn vệ sinh tay bằng xà phòng trước và sau khi chạm vào vết mổ.
  • Đảm bảo khăn lau vết mổ phải được giặt giũ thường xuyên.
  • Trong thời gian này, mẹ nên ưu tiên các trang phục rộng rãi, chất vải mềm, thấm hút tốt để hạn chế ma sát lên da.
  • Vết mổ trong quá trình phục hồi sẽ lên da non dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, mẹ không nên gãi cào lên vết mổ. Để giảm ngứa, có thể chườm lạnh hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chăm sóc vết mổ sau sinh không quá khó khăn nhưng cần kiên trì cho đến khi vết mổ phục hồi hoàn toàn. Trong thời gian này, mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi vệ sinh cơ thể nên rất cần sự hỗ trợ của gia đình.

3. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là một phần của kế hoạch chăm sóc vết mổ sau sinh. Thuốc được dùng với mục đích giảm đau, thúc đẩy quá trình co hồi tử cung và ngăn ngừa viêm nhiễm. Do đó, sản phụ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc để đảm bảo quá trình lành thương.

4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Trong 6 giờ sau khi sinh, sản phụ chỉ được uống nước lọc và cháo trắng cho đến khi xì hơi mới có thể ăn uống như bình thường. Vết mổ do quá trình sinh nở sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hệ tiêu hóa của mẹ. Chính vì vậy, mẹ sinh mổ cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để cải thiện sức khỏe và thúc đẩy vết thương nhanh lành. Bên cạnh đó, ăn uống hợp lý còn giúp ngăn ngừa sẹo, hạn chế tình trạng mưng mủ và ngứa ngáy.

Một số lưu ý khi ăn uống để giúp vết mổ sau sinh nhanh lành, hạn chế sẹo:

  • Không dùng món ăn chứa nhiều đường, đạm và đậu tượng vì dễ gây đầy hơi và táo bón.
  • Trong thời gian đầu sau sinh, phần lớn sản phụ đều gặp phải tình trạng táo bón. Do đó, nên tăng cường uống nhiều nước, rau xanh và bổ sung các loại thực phẩm nhuận tràng, lợi sữa để cải thiện.
  • Hạn chế các loại hải sản và thực phẩm có tính hàn cho đến khi vết thương lành hẳn. Bởi các nhóm thực phẩm này có thể khiến vết mổ chậm lành, ngứa ngáy và dễ để lại sẹo thâm.
  • Kiêng thịt gà, lòng trắng trứng, các món ăn từ gạo nếp, thịt bò và rau muống để hạn chế sẹo lồi. Theo các bác sĩ, mẹ sinh mổ nên ưu tiên các loại thực phẩm có tính bình để tạo điều kiện cho vết mổ lành hoàn toàn.
  • Sau khi vết mổ đã lành hẳn, mẹ có thể ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn nhiều gia vị, các loại thực phẩm gây mất sữa và khó tiêu hóa.

Chế độ ăn uống góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi của vết mổ sau sinh. Bên cạnh đó, dinh dưỡng hợp lý còn giúp sản phụ nâng cao sức đề kháng và cải thiện thể trạng. Mẹ sinh thường không phải kiêng cữ nhiều như mẹ sinh mổ. Tuy nhiên, cũng cần chú ý ăn uống hợp lý để cải thiện sức khỏe của bản thân và nguồn sữa cho bé.

5. Vận động nhẹ nhàng

Vận động nhẹ nhàng là vấn đề cần phải quan tâm sau khi sinh mổ. Khác với sinh thường, những trường hợp mổ lấy thai có nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch và dính ruột nên được khuyến khích vận động càng sớm càng tốt.

Ngay trong ngày đầu tiên, mẹ sẽ được hướng dẫn vận động tay chân nhẹ nhàng ngay tại giường. Sau đó, mẹ sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ ngồi dậy và ra khỏi giường. Từ ngày thứ 3 trở đi, mẹ sẽ được y tá hoặc người nhà hỗ trợ đi lại nhẹ nhàng để thúc đẩy tuần hoàn máu và đẩy nhanh quá trình lành thương.

chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà
Sau khi sinh khoảng 1 – 2 ngày, mẹ cần đi lại nhẹ nhàng để phòng tránh dính ruột và viêm tắc tĩnh mạch

Sau khi vết mổ hết đau, mẹ có thể sinh hoạt như bình thường. Mỗi ngày nên dành 20 – 30 phút đi lại để phục hồi thể trạng. Sau khoảng 4 – 6 tuần, mẹ có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng ngay tại nhà để co hồi tử cung và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.

6. Cách chăm sóc để hạn chế sẹo sau sinh mổ

Khi vết mổ đã phục hồi hoàn toàn, mẹ có thể sử dụng kem bôi hoặc thuốc theo hướng dẫn. Bác sĩ sẽ đánh giá hiện trạng vết mổ và cơ địa của từng người để chỉ định loại thuốc bôi phù hợp. Sử dụng thuốc trị sẹo và ăn uống hợp lý có thể giúp ngăn ngừa sẹo lồi, sẹo thâm và xóa mờ dấu vết sinh nở trên vùng bụng.

Một số vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc vết mổ sau sinh

Chăm sóc vết mổ sau sinh là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Bởi việc chăm sóc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của sản phụ và nguồn sữa của bé. Khi chăm sóc và vệ sinh vết mổ, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc và vệ sinh vết mổ. Không tự ý ngưng thuốc khi nhận thấy vết mổ hết đau nhức và sưng viêm, bởi ngưng kháng sinh sớm có thể gia tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan cũng là cách giúp vết mổ nhanh lành và hạn chế được các vấn đề liên quan đến sữa mẹ như ít sữa, mất sữa, sữa loãng,…
  • Trong quá trình phục hồi, sản phụ sẽ gặp phải một số triệu chứng như chảy máu nhẹ và chuột rút – đặc biệt là khi đang cho con bú. Đây là những triệu chứng thường gặp nên mẹ không cần phải lo lắng quá mức.
  • Đến bệnh viện kiểm tra khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như sốt cao trên 38.5 độ, vết thương mưng mủ, chảy dịch có mùi hôi, vùng da xung quanh nóng ran và tẩy đỏ. Trường hợp này thường đi kèm với tình trạng đau bụng dưới dữ dội mặc dù không chạm hay tác động vào vết mổ.
  • Trong vòng 2 tháng sau khi sinh mổ, mẹ không nên dùng bất cứ các loại thuốc hay sản phẩm nào vào bên trong âm đạo (thuốc đặt âm đạo, cốc nguyệt san, bao cao su dành cho nữ,…). Đồng thời cần kiêng quan hệ tình dục trong ít nhất 2 – 3 tháng để ngăn ngừa viêm nhiễm và tạo điều kiện để tử cung co hồi hoàn toàn.

Chăm sóc, vệ sinh vết mổ sau sinh đúng cách sẽ giúp sản phụ phục hồi sức khỏe nhanh chóng và hạn chế các biến chứng hậu sản. Trong trường hợp mang thai đôi, thai ba hoặc có các yếu tố làm tăng khả năng phải mổ lấy thai, gia đình nên trang bị trước kiến thức để tránh lúng túng khi chăm sóc mẹ sau sinh.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 13/03/2023 - Cập nhật lúc 11:08 am , 13/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc