Rôm sảy khi mang thai: Mẹ bầu nên làm gì nhanh khỏi?

Rôm sảy khi mang thai dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của mẹ. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết và có cách điều trị phù hợp.

Rôm sảy khi mang thai
Rôm sảy khi mang thai cần được điều trị phù hợp để đảm bảo chất lượng cuộc sống của thai phụ

Rôm sảy khi mang thai là gì?

Rôm sảy là một tình trạng da bất thường, xảy ra khi trong điều kiện nắng nóng và thời tiết ẩm. Phụ nữ mang thai có thể bị rôm sảy khi các lỗ chân lông bị tắc và mồ hôi không thoát ra được.

Theo thống kê, có khoảng 20% phụ nữ trải qua các thay đổi về da trong quá trình mang thai. Trong đó, rôm sảy là một tình trạng phổ biến, gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Rôm sảy thường xuất hiện dưới dạng những nốt ban đỏ giống như vết côn trùng cắn trên da, có thể gây ngứa hoặc châm chích và nhạy cảm. Đôi khi rôm sảy có thể giống như mụn nhọt, thậm chí là phát triển tương tự như mụn đầu trắng.

Rôm sảy ở bà bầu thường xuất hiện ở:

  • Nếp gấp giữa và bên dưới ngực
  • Nếp gấp ở bụng, nơi phình ra ra cọ xát và đỉnh xương mu
  • Lưng
  • Đùi trong
  • Nách
  • Ở nếp gấp khuỷu tay

Nguyên nhân gây rôm sảy ở phụ nữ mang thai

Tương tự như trẻ bị rôm sảy, rôm sảy ở bà bầu cũng xảy ra khi thời tiết nóng và ẩm. Tình trạng này xảy ra khi các ống dẫn mồ hôi trong lỗ chân lông bị tắc, khiến mồ hôi đọng lại bên dưới da.

Bị rôm sảy có phải mang thai không
Thời tiết nóng và ẩm và nguyên nhân chính dẫn đến rôm sảy ở phụ nữ mang thai

Rôm sảy khi mang thai có thể được kích thích bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như:

  • Sống ở vùng khí hậu nhiệt đới: Thời tiết nóng ẩm có thể gây rôm sảy.
  • Môi trường quá nóng: Mặc nhiều quần áo, ngủ với chăn điện hoặc môi trường sống không thông thoáng, có thể làm tăng khả năng bị rôm sảy.
  • Thay đổi nội tiết tố: Trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ sẽ trải qua nhiều thay đổi, nồng độ hormone Progesterone và Estrogen có xu hướng tăng cao. Điều này có thể dẫn đến một số thay đổi ở da, chẳng hạn như nổi mề đay, rôm sảy, phát ban.
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: Đôi khi việc sử dụng các loại thực phẩm không phù hợp, dễ gây dị ứng, chẳng hạn như hạnh nhân, đậu phộng hoặc các loại hải sản, trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng rôm sảy và nổi mề đay khi mang thai.
  • Bổ sung thuốc không phù hợp: Khi mang thai ba tháng đầu, phụ nữ sẽ được chỉ định các loại thuốc sắt, canxi và vitamin bổ sung để đảm bảo thai kỳ luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên đôi khi việc sử dụng các sản phẩm bổ sung không phù hợp hoặc quá liều sẽ dẫn đến tình trạng nổi mề đay.
  • Rạn da: Khi mang thai ba tháng giữa và ba tháng cuối, da sẽ liên tục thay đổi, căng ra liên tục để hỗ trợ thai nhi đang phát triển. Lúc này các mô da sẽ bị tổn thương, dễ dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, mề đay hoặc rôm sảy.

Ngoài ra, đôi khi việc tiếp xúc với các dị nguyên bên ngoài môi trường, chẳng hạn như bụi bẩn, phấn hoa hoặc côn trùng, cũng có thể làm tăng nguy cơ nổi rôm sảy. Trong một số trường hợp khác, đôi khi rôm sảy ở bà bầu có thể là dấu hiệu của bệnh gan hoặc ứ mật. Do đó, điều quan trọng là xác định các nguyên nhân liên quan để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Dấu hiệu nhận biết rôm sảy khi mang thai

Rôm sảy khi mang thai dẫn đến các nốt phát ban ở các nếp gấp da và nơi quần áo ma sát, chẳng hạn như chân ngực, đùi trong, bụng dưới (phía trên xương mu) hoặc khuỷu tay.

Triệu chứng phổ biến của rôm sảy khi mang thai là nổi mụn đỏ và cảm giác ngứa hoặc châm chích trên da. Đây là biểu hiện khi các lớp bề ngoài của da (biểu bì) bị viêm và cảm giác châm chích tương tự như cảm giác cháy nắng nhẹ.

Bà bầu bị rôm sảy có nguy hiểm không?

Rôm sảy khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến, có thể gây khó chịu và ngứa ngáy nhưng thường hiếm khi gây nguy hiểm. Trong hầu hết các trường hợp, rôm sảy sẽ được cải thiện trong vài ngày hoặc một tuần nếu được chăm sóc đúng cách.

bà bầu bị rôm sảy
Rôm sảy nghiêm trọng có thể gây ngứa ngáy dữ dội và ảnh hưởng đến thai kỳ

Tuy nhiên, khi mang thai, cơ thể phụ nữ thường có nhiều thay đổi, cơ địa nhạy cảm, thể trạng yếu, do đó các triệu chứng có thể kéo dài hơn và dẫn đến nhiều rủi ro khác. Đôi khi tình trạng ngứa ngáy có thể dẫn đến mất ngủ, ăn mất ngon, suy nhược cơ thể và gây cản trở sự phát triển của thai nhi.

Theo các chuyên gia, mặc dù rôm sảy không nghiêm trọng, tuy nhiên cần được chăm sóc đúng cách. Nếu không được điều trị, rôm sảy có thể để lại sẹo, vết thâm và ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ mang thai.

Mẹ bầu bị rôm sảy điều trị như thế nào?

Có rất nhiều cách điều trị rôm sảy ở phụ nữ mang thai an toàn, giúp làm dịu da, chữa lành cơn ngứa và ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, bà bầu bị rôm sảy có thể áp dụng các biện pháp điều trị như:

1. Chườm mát

Một trong những cách tốt nhất để điều trị rôm sảy là làm mát da. Bạn có thể chườm lạnh bằng cách đặt túi nước đá hoặc khăn lạnh lên vùng da bị nổi mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy.

Nếu chườm lạnh bằng túi đá, hãy bọc túi đá trong một mảnh khăn hoặc vải, để bảo vệ da. Không đặt đá lạnh trực tiếp lên da, điều này có thể gây bỏng lạnh.

Không chườm đá trong thời gian dài. Chỉ chườm túi đá lên da trong 5 – 10 phút, nghỉ ngơi 5 – 10 phút và lại tiếp tục chườm trong 5 – 10 phút. Có thể thực hiện quy trình này nhiều lần mỗi ngày để cải thiện tình trạng rôm sảy.

2. Sử dụng baking soda

Baking soda có một số đặc tính chữa bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh ngoài da, chẳng hạn như nổi mề đay, phát ban và rôm sảy. Tắm hoặc chườm baking soda lên da có tác dụng giảm độc, tẩy tế bào da chết, làm dịu vết mẩn ngứa, chống nấm, giúp loại bỏ nhiễm trùng và giảm ngứa liên quan đến rôm sảy.

bà bầu bị rôm sảy phải làm sao
Ngâm mình với baking so da có tác dụng chống ngứa, kháng khuẩn và điều trị nhiều bệnh lý ngoài da, bao gồm rôm sảy

Sử dụng baking soda cũng là một cách chữa rôm sảy tại nhà tốt nhất. Ngoài ra, baking soda cũng không có tác dụng phụ nào đối với da. Tuy nhiên đôi khi bà bầu có thể cảm thấy nóng rát hoặc châm chích nhẹ.

Cách chữa rôm sảy với baking soda như sau:

  • Lấy một cốc baking soda
  • Làm đầy bồn tắm với nước ấm, sau đó cho baking soda vào nước ấm
  • Ngâm mình trong 15 – 30 phút, để da khô tự nhiên ở nhiệt độ phòng hoặc dùng khăn sạch để thấm nước
  • Lặp lại phương pháp hai lần mỗi ngày (sáng và tối) trong vòng một tuần để cải thiện các triệu chứng.

3. Tắm nước lá trà xanh

Lá trà xanh chứa nhiều hoạt chất phenol, có tác dụng kháng viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, virus và các loại nấm gây tổn thương da. Bên cạnh đó, trà xanh cũng có chứa hoạt chất EGCG có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có thể kích thích sự phát triển của các tế bào và phục hồi khả năng bảo vệ của da.

Cách tắm nước lá trà xanh điều trị rôm sảy ở bà bầu như sau:

  • Sử dụng một nắm lá trà xanh tươi, mang đi rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và côn trùng trên lá.
  • Đun sôi 2 lít nước, cho lá trà xanh vào đun thêm 10 phút.
  • Cho thêm khoảng 1 thìa cà phê muối ăn, khuấy đều sau đó tắt bếp.
  • Lọc lấy phần nước trà, dùng pha nước tắm hoặc lau lên khu vực bị rôm sảy.

4. Tinh dầu oải hương chữa rôm sảy

Tinh dầu oải hương có nhiều lợi ích về mặt y học, chẳng hạn như giảm căng thẳng thần kinh và giảm đau. Oải hương cũng là loại tinh dầu có khả năng khử trùng mạnh, tăng cường lưu thông máu và đưa máu đến các khu vực tổn thương ở dưới da.

nổi rôm sảy khi mang thai
Tinh dầu hoa oải hương có thể làm dịu da, chống kích ứng và cải thiện các triệu chứng rôm sảy

Các bác sĩ da liễu đề nghị sử dụng tinh dầu oải hương để điều trị mụn nhọt, mụn trứng cá, nổi mề đay, phát ban và làm dịu các triệu chứng rôm sảy. Tinh dầu oải hương là một chất kháng khuẩn có hiệu quả cao, có thể ức chế vi khuẩn gây phát ban và rôm sảy.

Ngoài ra, tinh dầu hoa oải hương không gây ra tác dụng phụ, cũng như an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Cách sử dụng tinh dầu oải hương điều trị rôm sảy khi mang thai như sau:

  • Pha 6 – 8 giọt tinh dầu oải hương với 100 ml nước mát. Nhúng một miếng bông gòn vào hỗn hợp khu vực nổi rôm sảy.
  • Để yên trong vài giờ. Lặp lại quy trình 2 – 3 lần mỗi ngày, liên tục trong một tuần để cải thiện các triệu chứng.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm tinh dầu hoa oải hương vào nước tắm để ngâm mình.

5. Tinh dầu bạc hà trị rôm sảy

Tương tự như tinh dầu oải hương, tinh dầu bạc hà cũng là một phương pháp điều trị rôm sảy khi mang thai mang lại hiệu quả cao. Dầu bạc hà là một chất kháng sinh tự nhiên, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng liên quan đến rôm sảy. Hơn nữa, tinh dầu bạc hà cũng là một chất kháng viêm và giúp chữa lành các vết thương hiệu quả.

Với đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm, tinh dầu bạc hà là một cạc điều trị rôm sảy mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà cũng không có tác dụng phụ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai kỳ.

Cách trị rôm sảy với tinh dầu bạc hà như sau:

  • Pha 6 – 8 giọt tinh dầu bạc hà vào 100 ml nước mát. Nhúng một miếng bông gòn vào hỗn hợp sau đó thoa lên vùng da bị rôm sảy, để yên trong vài giờ.
  • Thực hiện phương pháp 2 – 3 lần mỗi ngày, kéo dài trong một tuần để cải thiện các triệu chứng rôm sảy.

6. Nha đam chữa rôm sảy

Nha đam có tác dụng làm dịu, chống viêm và làm mát da. Ngoài ra, nha đam cũng có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm, ngăn ngừa, hỗ trợ giữ ẩm cho da và đẩy nhanh tốc độ chữa lành.

Sử dụng nha đam lên khu vực bị rôm sảy có thể làm dịu da, giảm kích ứng liên quan đến rôm sảy, nổi mề đay và nhiều bệnh lý ngoài da khác.

Cách chữa bệnh rôm sảy ở bà bầu với nha đam được thực hiện như sau:

  • Cắt một lá lô nha đam tươi, cắt bỏ phần gai ở hai bên thân lá.
  • Cắt dọc theo chiều dài của lá nha đam để lấy phần gel trắng bên trong, thoa lên vùng da bị rôm sảy.
  • Để yên trong 20 phút, sau đó rửa sạch lại với nước.
  • Bà bầu nên áp dụng biện pháp này hai lần mỗi ngày và liên tục trong một tuần để cải thiện các triệu chứng.

7. Thuốc mỡ chữa rôm sảy

Nếu các triệu chứng rôm sảy trở nên nghiêm trọng, bà bầu có thể sử dụng các loại kem dưỡng da và thuốc mỡ để cải thiện các triệu chứng. Các sản phẩm này thường có chứa oxit kẽm, có tác làm dịu da, chống ngứa và ngăn ngừa các triệu chứng rôm sảy.

kem trị rôm sảy cho bà bầu
Bà bầu bị rôm sảy có thể trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm làm dịu da, chống ngứa an toàn cho thai kỳ

Các loại thuốc mỡ chữa rôm sảy cho phụ nữ mang thai an toàn và không có tác dụng phụ, tuy nhiên bà bầu nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Rôm sảy khi mang thai có thể gây khó chịu nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên bà bầu cần có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Rôm sảy khi mang thai khi nào cần đến bệnh viện?

Mặc dù hầu hết các trường hợp rôm sảy khi mang thai không nghiêm trọng và có thể được điều trị tại nhà hiệu quả. Tuy nhiên bạn có thể nên đến bệnh viện nếu các triệu chứng không được cải thiện sau một tuần kể từ khi bắt đầu điều trị.

Bạn cũng được khuyến cáo đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:

  • Phát ban khắp cơ thể
  • Sốt
  • Khu vực rôm sảy phồng rộp, sưng to, tiết chất dịch màu vàng hoặc xanh lá cây
  • Phát ban đóng vảy hoặc chảy máu
  • Phát ban xuất hiện đột ngột và nhanh chóng

Rôm sảy khi mang thai thường khỏi trong vòng một hoặc hai ngày, đặc biệt là khi có kế hoạch điều trị cũng như chăm sóc phù hợp. Nếu các triệu chứng không biến mất trong vòng 7 ngày hoặc khi rôm sảy xuất hiện cùng các triệu chứng khác, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 12:50 pm , 02/03/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc