Viêm Khớp Dạng Thấp Ở Trẻ Em – Điều Bố Mẹ Cần Quan Tâm

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một dạng bệnh tự miễn ảnh hưởng chủ yếu đến các bé dưới 16 tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí làm mất chức năng vận động. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm để kịp thời phát hiện các triệu chứng và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp cho trẻ từ sớm.

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là gì?

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một dạng viêm khớp tự miễn thường gặp. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công vào các tế bào khỏe mạnh tại khớp vì nhầm lẫn chúng với các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể. Căn bệnh này còn có các tên gọi khác là viêm khớp thiếu niên hay viêm khớp tự phát vị thành niên.

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có thể gây tổn thương cho nhiều khớp và các cơ quan khác

Viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương cho nhiều khớp cùng lúc trên cơ thể bé, thường là các khớp có tính chất đối xứng. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em từ 6 tháng tuổi cho tới 16 tuổi. Sự tấn công của hệ miễn dịch gây ra phản ứng viêm tại khớp và khiến cho các khớp của bé bị sưng đau, nóng đỏ.

Nghiêm trọng hơn, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em còn gây sốt, thiếu máu hoặc khiến các cơ quan khác như tim, phổi và hệ thần kinh bị tổn thương. Các triệu chứng bệnh thường kéo dài trên 6 tuần khiến hoạt động của trẻ bị giới hạn đáng kể. Bệnh có nguy cơ tái phát cao nếu không được điều trị và phòng ngừa đúng cách.

Cơ chế sinh bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ

Đến nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thể xác định được chính xác cơ chế phát sinh bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng sự khởi phát của bệnh viêm khớp dạng thấp có liên quan mật thiết tới hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể bé.

Theo giả thiết được các chuyên gia đưa ra, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em phát triển qua hai bước cơ bản. Ở quá trình hình thành tức giai đoạn đầu, một số gen trong cơ thể sẽ được kích hoạt và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tiếp đó, cơ thể bé bị các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài xâm nhập và kích hoạt hệ miễn dịch khiến cho bệnh bùng phát.

Bình thường, hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trẻ khỏi sự tấn công của các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng… Tuy nhiên, chức năng nhận diện các mô khỏe mạnh của hệ thống miễn dịch có thể bị rối loạn dẫn đến sự nhầm lẫn. Thay vì tấn công những tác nhân gây hại thì những tế bào khỏe mạnh tại khớp và các cơ quan khác lại bị kháng thể tiêu diệt dẫn đến sự xuất hiện của phản ứng viêm.

Các loại viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em được phân loại dựa trên số lượng khớp bị tổn thương, triệu chứng gặp phải cũng như các kháng thể đặc hiệu hiện diện trong máu. Có 3 thể chính như sau:

1. Viêm ít khớp

Đây là thể bệnh viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất ở trẻ em. Số ca mắc bệnh chiếm hơn một nửa. Sự khởi phát của bệnh có liên quan đến các ANAs (kháng thể kháng nhân) trong máu.

  • Số lượng khớp bị tổn thương ít hơn 4 khớp
  • Khớp gối và các khớp lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất
  • Đối tượng bị bệnh chủ yếu là các bé gái dưới 8 tuổi
  • Ngoài khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em thể viêm ít khớp còn gây tổn thương cho mắt dẫn đến các bệnh lý như viêm mống mắt hay viêm màng bổ đào. Các triệu chứng tại khớp có thể không còn xuất hiện khi trẻ lớn hơn nhưng di chứng về mắt thì vẫn tiếp diễn.

2. Viêm đa khớp

Thể viêm đa khớp của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em chiếm khoảng 30% . Bệnh có những đặc điểm như sau:

  • Trẻ bị tổn thương trên 5 khớp cùng lúc, chủ yếu là các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân.
  • Các khớp bị viêm có tính chất đối xứng
  • Xuất hiện các yếu tố thấp trong máu làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ngay cả khi trẻ đã bước vào tuổi trưởng thành.

3. Viêm hệ thống

Thể viêm hệ thống của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em còn có tên gọi là bệnh Still’s. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 20% trong tổng số ca bệnh.

  • Bệnh gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ cùng lúc, chẳng hạn như khớp, da, tim, phổi, gan lá lách hay hệ bạch huyết…
  • Bên cạnh các triệu chứng tại khớp, người bệnh còn có thể bị sốt, phát ban, rối loạn chức năng hoạt động của tim…
  • Không tìm thấy kháng thể kháng nhân hay yếu tố dạng thấp trong máu.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Các nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh như:

  • Nhiễm virus, vi khuẩn
  • Suy giảm sức đề kháng
  • Trẻ bị thừa cân, béo phì khiến các khớp bị chèn ép và dễ chịu tổn thương
  • Chấn thương xảy ra tại khớp xảy ra khi va chạm, chơi thể thao hay tham gia giao thông cũng có thể kích hoạt phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và khiến phản ứng viêm bùng phát.
  • Di truyền: Gen yếu tố HLA, một loại kháng nguyên được tìm thấy trong cơ thể bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp có thể di truyền từ cha mẹ hay người thân từng mắc bệnh sang con cái của họ. Khi gen này bị kích hoạt, trẻ có thể bị viêm khớp dạng thấp ngay từ khi còn nhỏ.
  • Môi trường sống bị ô nhiễm, nhiều nấm mốc, vi khuẩn, bụi bẩn.

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Trẻ bị viêm khớp dạng thấp có thể gặp triệu chứng ở khớp hay các cơ quan khác tùy theo vị trí bị tổn thương. Mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển.

1. Các dấu hiệu tại khớp

  • Các khớp bị tổn thương có cảm giác đau nhức nghiêm trọng. Cơn đau kéo dài dai dẳng và tăng nặng khi vận động.
  • Sưng phù, tấy đỏ khớp
  • Cứng khớp, khó cử động. Triệu chứng này xuất hiện rõ ràng nhất vào buổi sáng khi ngủ dậy.
  • Giới hạn phạm vi vận động của khớp. Bệnh ảnh hưởng đến các khớp ở chân khiến trẻ đi lại khập khiễng, khó giữ thăng bằng và dễ bị té ngã.
triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Trẻ bị viêm khớp dạng thấp thường có cảm giác đau nhức dữ dội kèm theo hiện tượng sưng viêm, nóng đỏ khớp

2. Triệu chứng toàn thân của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

  • Nóng sốt, thường là sốt cao
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Ăn uống không ngon miệng dẫn đến chán ăn, cơ thể gầy sút.
  • Mệt mỏi
  • Da xanh xao, tái nhợt, có thể nổi mẩn đỏ trên da
  • Nổi hạch bạch huyết ở cổ
  • Sưng mắt
  • Rối loạn nhịp tim…

3. Dấu hiệu theo giai đoạn phát triển bệnh

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em phát triển qua 4 giai đoạn với các đặc điểm riêng:

– Giai đoạn 1:

  • Sưng đau, nóng đỏ khớp
  • Dịch khớp chứa nhiều tế bào bạch cầu

– Giai đoạn 2: 

  • Phản ứng viêm tiến triển nặng hơn và lây truyền đến các mô
  • Mô xương phát triển lấn chiếm không gian ở khoang khớp cũng như trên sụn. Tình trạng này kéo dài khiến cho các mô sụn khỏe mạnh bị phá hủy dần dần hoặc thậm chí mất đi nhưng chưa làm biến dạng khớp.

– Giai đoạn 3: 

  • Sụn khớp bị phá hủy nhiều hoặc mất hoàn toàn khiến cho đầu xương lộ ra ngoài
  • Khớp sưng tấy, cứng, đau nhức dữ dội
  • Trẻ không thể vận động khớp bình thường
  • Suy nhược cơ thể
  • Biến dạng khớp

Giai đoạn 4:

  • Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
  • Trẻ bị biến dạng khớp gây nguy cơ bại liệt cao
  • Xuất hiện nhiều triệu chứng ngoài khớp do các cơ quan khác cũng bị tổn thương.

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có nguy hiểm không?

Không giống như ở người lớn, bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ có khả năng phục hồi hoàn toàn, ít khi tiến triển thành mãn tính hoặc kéo dài qua tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng như:

  • Biến chứng ở mắt: Viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể, viêm mống mắt, tăng nhãn áp, mù lòa.
  • Ức chế tăng trưởng: Các tổn thương ở xương khớp do viêm khớp dạng thấp gây ra có thể ức chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Bé lớn lên sẽ thấp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.
  • Nhiễm trùng: Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài khiến cơ thể trẻ dễ bị vi khuẩn, virus tấn công.
  • Biến chứng ở phổi: Hình thành sẹo trong phổi, tắc nghẽn phổi, khó thở, tăng áp trong phổi.
  • Biến chứng về tim và mạch máu: Đau tim, đột quỵ, tắc nghẽn mạch máu.
  • Loãng xương: Dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp kéo dài có thể làm giảm mật độ xương và khiến trẻ có nguy cơ bị loãng xương cao.
  • Ung thư: Sự rối loạn trong hoạt động của hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc bệnh ung thư hơn, đặc biệt là ung thư hạch.
  • Biến chứng ở dạ dày: Đau dạ dày, viêm loét dạ dày do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm, giảm đau.

Cách điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Quá trình chữa viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có sự kết hợp giữa nhiều chuyên khoa khác nhau, giúp bé phục hồi toàn diện về thể chất cũng như tâm lý. Chiến lược điều trị bao gồm các phương pháp giảm sưng đau, chữa lành tổn thương tại khớp cũng như các cơ quan, phục hồi chức năng vận động và giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai.

Cụ thể, những sự lựa chọn trong điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em bao gồm:

1. Dùng thuốc chữa viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Trẻ bị viêm khớp dạng thấp thường được điều trị bằng các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Phổ biến nhất là các thuốc như Ibuprofen và Naproxen. Đây là nhóm thuốc đầu tiên được bác sĩ kê đơn để giảm đau, chống sưng viêm khớp cho trẻ. Cần tuân thủ theo đúng liều dùng được bác sĩ hướng dẫn trong đơn để tránh tác dụng phụ cho gan và đường tiêu hóa.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Nhóm thuốc này được chỉ định khi bệnh nhi không đáp ứng được với NSAIDs. Thuốc giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em nhưng cần điều trị trong dài hạn, có thể là nhiều tuần hoặc nhiều tháng liên tục để thấy rõ được kết quả.
  •  Corticosteroid: Trẻ bị viêm khớp dạng thấp nặng thường được chỉ định dùng Corticosteroid để chống viêm, ức chế miễn dịch. Ngoài ra, loại thuốc này cũng có tác dụng giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng viêm ngoài màng tim cho trẻ.
  • Thuốc sinh học: Đây là nhóm thuốc mới được sử dụng theo đường tiêm. Thuốc hoạt động bằng cách tác động trực tiếp lên các protein gây viêm và làm giảm phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

2. Điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em bằng vật lý trị liệu

Một số bệnh nhi được đề nghị làm vật lý trị liệu để hỗ trợ giảm đau, kháng viêm, duy trì sức mạnh cơ bắp, giảm cứng khớp và tăng cường chức năng vận động.

Bên cạnh các phương pháp như siêu âm, chiếu đèn hồng ngoại, điện trị liệu… trẻ còn được thiết kế một chương trình luyện tập riêng để phục hồi chức năng vận động của các khớp bị tổn thương.

3. Châm cứu

Châm cứu mang lại nhiều lợi ích trong điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em như:

  • Giảm đau
  • Ổn định hoạt động của hệ miễn dịch
  • Ức chế phản ứng viêm tại khớp
  • Tăng cường tuần hoàn máu, tạo điều kiện cho tổn thương nhanh được chữa lành
  • Giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng cho trẻ…

Trước khi áp dụng, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc, bác sĩ và lựa chọn cơ sở trị liệu uy tín để đảm bảo an toàn cho con.

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có phải phẫu thuật không?

Hầu hết trẻ bị viêm khớp dạng thấp đều được điều trị bằng nội khoa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đáp ứng được với các phương pháp bảo tồn, nhất là những trẻ bị nặng. Trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật cho trẻ.

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ các mô bị tổn thương, phục hồi cấu trúc bình thường của khớp hoặc thay khớp nhân tạo nếu cần thiết. Việc phẫu thuật kịp thời cũng giúp trẻ ngăn chặn được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em bao gồm:

  • Mổ nội soi
  • Phẫu thuật chỉnh trục
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo
  • Phẫu thuật sửa chữa gân

Dù được điều trị bằng phương pháp nội khoa hay ngoại khoa, trẻ cũng cần được chăm sóc đúng cách và có chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp để nhanh phục hồi sức khỏe.

Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm khớp dạng thấp

Khi chăm sóc cho trẻ bị viêm khớp dạng thấp, cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Cho trẻ uống thuốc và tái khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khuyến khích bé tập luyện, vận động nhẹ nhàng trở lại khi các khớp đã bớt sưng đau để tránh bị teo cơ, cứng khớp. Không để trẻ tham gia các hoạt động thể chất quá mạnh.
  • Chườm lạnh cho trẻ để giảm đau, chống sưng viêm khớp nghiêm trọng hơn.
  • Cho bé uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát và lau nước ấm thường xuyên khi bị sốt.
cách điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ bị viêm khớp dạng thấp nhanh hồi phục sức khỏe
  • Mang nẹp bất động khớp hoặc cho trẻ dùng các dụng cụ hỗ trợ khác như nạng, đai để hạn chế tác động lên khớp, giúp bé bớt đau và nhanh lành tổn thương.
  • Tăng cường bổ sung vitamin khoáng chất, đặc biệt là canxi vào chế độ ăn của bé thông qua nguồn thực phẩm tự nhiên. Chúng giúp tăng cường khả năng miễn dịch và củng cố sức mạnh cho hệ cơ xương khớp.
  • Hạn chế cho trẻ dùng thức ăn nhanh, các món chiên rán, bánh kẹo hoặc uống nước ngọt có gas, trà sữa.
  • Tránh để bé căng thẳng quá mức.

Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp ở trẻ em

Việc chủ động phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, nhất là các bé có tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp hạn chế mắc bệnh ở trẻ:

  • Cho trẻ mặc đủ ấm vào mùa lạnh. Ngược lại, vào mùa nóng mẹ nên mặc cho con những trang phục thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
  • Khuyến khích bé uống nhiều nước, thường xuyên ăn trái cây và rau củ để bổ sung thêm các dưỡng chất có lợi cho xương khớp cũng như hệ miễn dịch.
  • Kiểm soát tốt cân nặng cho bé, tránh để trẻ bị béo phì.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày cho trẻ. Hình thức tập luyện tùy theo thể trạng của bé. Các hoạt động thể chất không chỉ giúp nâng cao khả năng miễn dịch mà còn củng cố sức mạnh và sự dẻo dai cho xương khớp, cơ bắp.
  • Đưa con đi khám sức khỏe định kỳ và quan tâm theo dõi sức khỏe của bé để kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em, từ đó có hướng điều trị nhanh chóng, kịp thời trước khi bệnh gây biến chứng.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng: 26/05/2023 - Cập nhật lúc 12:22 am , 26/05/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc