Viêm khớp dạng thấp (RA): Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm khớp dạng thấp là một chứng rối loạn tự miễn dịch gây viêm ở các khớp. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến nhiều hơn một khớp, xảy ra đối xứng ở hai bên cơ thể và có thể gây tàn phế nếu không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, bệnh cũng dẫn đến các vấn đề về da, phổi, tim mạch, thận, mạch máu và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể gây sưng đau ở các khớp và gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis – RA) là bệnh lý tự miễn mãn tính, có thể gây ảnh hưởng đến các mô của cơ thể, đặc biệt là các mô xung quanh các khớp. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến hầu hết các khớp trong cơ thể. Các triệu chứng RA thường xuất hiện đầu tiện ở cổ tay, các khớp ngón tay, bàn chân hoặc đầu gối. Ngoài việc gây sưng, đau đớn, cứng khớp, RA cũng có thể gây sốt, mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Theo thống kê, có khoảng 0.5 – 3% dân số thế giới mắc dạng viêm khớp tự miễn này. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh rơi vào khoảng 0.5% dân số, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới. Độ tuổi phổ biến của viêm khớp dạng thấp là 30 – 60 tuổi, trong đó người lớn tuổi, phụ nữ mang thai là các đối tượng có nguy cơ cao hơn.

Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, viêm khớp sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó cách tốt nhất để hạn chế các tổn thương khớp là tiến hành chẩn đoán chính xác, bắt đầu kế hoạch điều trị sớm và điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần thiết.

Các giai đoạn viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện dần dần, trong vài tháng hoặc nhanh chóng và đột ngột. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, bệnh tiến triển theo cùng một hướng, qua các giai đoạn như sau:

Viêm khớp dạng thấp là gì
Các triệu chứng RA có thể trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian và dẫn đến mất chức năng khớp
  • Các mô hoạt dịch bị viêm: Nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm các khớp, gân và bao hoạt dịch, được bao quanh bởi một lớp màng mỏng được gọi là mô hoạt dịch. Viêm khớp dạng thấp khiến màng hoạt dịch bị viêm, có thể gây đau khớp, sưng tấy và cứng khớp.
  • Hình thành các mô Pannus: Tình trạng viêm khiến các tế bào mô hoạt dịch phân chia và nhân lên nhiều lần. Điều này có thể khiến mô dày lên, dẫn đến đau đớn và sưng tấy. Khi các tế bào nhân lên liên tục, mô sẽ làm mở rộng không gian khớp, dẫn đến hình thành các mô Pannus hoặc các nốt dạng thấp.
  • Tổn thương sụn và các mô khớp khác: Các tế bào Pannus sẽ giải phóng các phân tử enzyme làm hỏng sụn và xương. Theo thời gian, tổn thương này có thể làm thay đổi liên kết khớp, gây đau đớn hoặc biến dạng khớp.

Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây mất chức năng khớp và thậm chí là tàn phế. Do đó, điều quan trọng là có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Viêm khớp dạng thấp diễn ra như thế nào và ở đâu?

Viêm là cách cơ thể phản ứng để bảo vệ khỏi vi khuẩn, virus và các chất gây hại khác. Viêm có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm cấp tính xảy ra liên quan đến các chấn thương hoặc bệnh tật trong thời gian ngắn. Các triệu chứng phổ biến bao gồm tạo ra các vết đỏ, sưng tấy, sốt hoặc đau nhức cơ thể.

Viêm mãn tính là một đặc trưng của bệnh RA, xảy ra để phản ứng với các hóa chất không mong muốn trong cơ thể. Tuy nhiên phản ứng viêm mãn tính có thể tiếp tục kéo dài sau khi cơ thể đã loại bỏ các chất lạ.

Ở bệnh nhân RA, cơ thể sẽ bắt đầu sản xuất các tự kháng thể, là các loại protein của hệ thống miễn dịch, nhắm vào các mô chính của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến việc thúc đẩy quá trình viêm. Nếu tình trạng viêm kéo dài, các triệu chứng viêm khớp sẽ trở nên nghiêm trọng, gây tổn thương xương và khớp. Tình trạng viêm có thể dẫn đến các đợt bùng phát viêm khớp dạng thấp thường xuyên, khiến người bệnh bị đau đớn dữ dội, nóng rát và mệt mỏi.

Tình trạng viêm cũng dẫn đến các biến chứng của bệnh RA trên khắp cơ thể, bao gồm mắt, da, tim và phổi. Viêm khớp dạng thấp cũng liên quan đến các vấn đề y tế khác, chẳng hạn như huyết áp cao, đột quỵ, bệnh tim, ung thư, suy giáp (tuyến giáp hoạt động thấp).

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến cấu trúc xung quanh của khớp và xương, bao gồm cơ, dây chằng và gân. Tổn thương mô này dẫn đến suy yếu, giảm khả năng nâng đỡ khớp, gây đau đớn và tổn thương khớp nghiêm trọng hơn theo thời gian. Viêm nghiêm trọng có thể gây hợp nhất khớp, dẫn đến chứng cứng khớp và mất chức năng khớp. Điều này gây hạn chế khả năng vận động, phạm vi chuyển động và tăng nguy cơ tàn phế.

Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến các triệu chứng về thể chất lẫn cảm xúc. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp ở bàn tay và cổ tay trước tiên, mặc dù các triệu chứng cũng có thể xuất hiện ở bàn chân, đầu gối, mắt cá chân hoặc các khớp khác. Theo thời gian, các khớp lớn hơn có thể bị ảnh hưởng, phổ biến nhất là cột sống cổ, vai, khuỷu tay, mắt cá chân, hàm và thậm chí là các xương nhỏ ở tai trong.

Bệnh RA ảnh hưởng nhiều hơn một khớp. Bệnh cũng dẫn đến các triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như mệt mỏi và sốt. Ngoài ra, RA có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần khác.

1. Triệu chứng ở khớp

Viêm khớp dạng thấp thường có thể quan sát được và cảm nhận được. Tình trạng viêm thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng, kéo dài đến hơn một giờ sau khi ra khỏi giường. Các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm khi hoạt động từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên vẫn có thể gây đau đớn, khó chịu trong suốt cả ngày.

viêm khớp dạng thấp bệnh học
Viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương ở hầu hết các khớp trên cơ thể

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở khớp bao gồm:

  • Đau đớn
  • Mềm vùng da bên ngoài khớp
  • Sưng khớp
  • Cứng, khó uốn cong hoặc uốn dẻo
  • Ấm khi chạm vào
  • Da có màu đỏ

Các triệu chứng RA thường đối xứng ở hai bên khớp. Chẳng hạn như người bệnh có thể bị đau ở cả cổ tay bên trái và bên phải.

Bên cạnh đó, có một số vấn đề xương khớp khác có thể liên quan đến viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Hội chứng ống cổ tay đôi khi có thể phát triển do RA gây viêm cổ tay.
  • Viêm bao gân, đặc biệt là ở bàn tay. Viêm bao gân là tình trạng viêm màng hoạt dịch bao quanh bao gân dẫn đến sưng tấy và đau đớn.
  • Hình thành các nốt dạng thấp, nốt sần, cục u dưới da ở gần khớp. Các nốt này có thể sưng, cứng, có kích thước từ hạt đậu đến quả óc chó, chủ yếu xuất hiện ở các ngón tay hoặc ở gần khuỷu tay. Nếu được điều trị đúng cách, các nốt thấp khớp ít khi xuất hiện.

Các triệu chứng viêm khớp có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc dần dần và nghiêm trọng theo thời gian. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và điều trị phù hợp.

2. Triệu chứng toàn thân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh toàn thân, có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Bên cạnh viêm khớp, bệnh có thể dẫn đến một số dấu hiệu và triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như:

  • Mệt mỏi quá mức, gần như không có sức lực, không thể thực hiện các công việc gắng sức hoặc duy trì vận động nhẹ nhàng.
  • Sốt nhẹ thường xuyên hoặc gần như luôn trong tình trạng thân nhiệt cao.
  • Có cảm giác khó chịu chung hoặc các triệu chứng giống như bệnh cúm.
  • Giảm cân bất ngờ hoặc chán ăn, ăn không ngon miệng.
  • Mất cơ, suy nhược cơ, yếu cơ.

Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau. Do đó, các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người bệnh. Tuy nhiên nếu nghi ngờ hoặc đau nhức xương khớp kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn phù hợp.

3. Các vấn đề sức khỏe khác

Những người bệnh RA có nguy cơ mắc một số bệnh lý thể chất khác. Các bệnh lý này có thể phát triển trước hoặc sau khi RA được chẩn đoán.

viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
RA có thể gây tổn thương da dưới dạng nổi mẩn đỏ, mụn nước hoặc các nốt sần

Các bệnh lý liên quan khác bao gồm:

  • Mất thính giác hoặc ù tai
  • Ngưng thở khi ngủ, có thể dẫn đến chứng ngủ ngáy, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ oxy của cơ thể và góp phần dẫn đến mệt mỏi
  • Phát ban trên da, nổi mề đay, mẩn đỏ, có thể liên quan đến các bệnh viêm mạch máu dạng thấp hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
  • Hội chứng Raynaud, khiến các đầu ngón tay hoặc ngón chân đột nhiên trở nên tê liệt, có màu trắng hoặc xanh do mất lưu thông máu tạm thời.
  • Viêm nướu, các bệnh nướu răng, có thể dẫn đến tổn thương nướu và mất răng.
  • Mất ngủ kinh niên, khó ngủ, tình trạng này có thể liên quan đến các cơn đau thể chất hoặc sức khỏe tinh thần.
  • Các vấn đề về phổi, gây khó thở và ho.

Các vấn đề về phổi có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo các giai đoạn viêm khớp dạng thấp và có thể gây đe dọa đến tính mạng. Chăm sóc y tế kịp thời là cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.

4. Các vấn đề sức khỏe tâm thần

Các bệnh lý tự miễn, bao gồm RA, có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, cảm xúc và cảm giác hạnh phúc. Đôi khi RA có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như:

  • Trầm cảm, lo lắng
  • Cảm giác bất lực
  • Lòng tự trọng thấp

Các vấn đề thể chất và cảm xúc ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và có biện pháp điều trị hợp lý, các triệu chứng thường thuyên giảm và người bệnh có thể có cuộc sống năng động bình thường.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Có một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như:

1. Di truyền

Tiền sử gia đình có bệnh nhân RA có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này. Các nhà nghiên cứu đã xác định có một số gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh RA. Chẳng hạn như gen HLA-DR4, được tìm thấy ở 60% đến 70% người da trắng mắc bệnh, trong khi chỉ có khoảng 30% dân số thế giới sở hữu gen này.

viêm khớp dạng thấp kiêng ăn gì
Gen di truyền có thể góp phần dẫn đến viêm khớp dạng thấp

Mang gen gây bệnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 5 lần so với người bệnh thường. Tuy nhiên, chỉ mang gen gây bệnh là không đủ điều kiện phát triển viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng sẽ phát triển nếu gặp các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như lối sống không phù hợp hoặc nhiễm trùng.

2. Các yếu tố truyền nhiễm

Các bác sĩ cho rằng các tác nhân lây nhiễm, chẳng hạn như nhiễm vi khuẩn, có thể dẫn đến kích, gâu viêm khớp dạng thấp.

Theo các nghiên cứu, có một mối liên hệ giữa Aggregatibacter actinomycetemcomitans (gây bệnh nha chu) và các protein dẫn đến vRA. Virus cũng có thể đóng một vai trò nhất định trong việc kích hoạt các triệu chứng RA. Trung bình, bệnh nhân RA thường có mức độ kháng thể chống lại virus Epstein-Barr (gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân) cao hơn so với dân số chung.

Tuy nhiên, chỉ có yếu tố truyền nhiễm không đủ nguy cơ dẫn đến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

3. Chấn thương

Chấn thương là một yếu tố tiềm năng góp phần dẫn đến viêm khớp dạng thấp. Các chấn thương phổ biến bao gồm:

  • Gãy xương
  • Trật khớp
  • Tổn thương dây chằng

4. Yếu tố hormone

Nồng độ nội tiết tố có thể góp phần dẫn đến sự phát triển của các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, do đó tình trạng này thường phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới. Ở một số phụ nữ mang thai, các triệu chứng có thể biến động, chẳng hạn như giảm dần khi mang thai và trầm trọng hơn sau khi sinh con.

Việc cho con bú sữa mẹ và mức độ hormone gia tăng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng RA. Do đó, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh sản có thể hỗ trợ ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến viêm khớp dạng thấp.

5. Yếu tố môi trường và lối sống

Các thói quen hàng ngày có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Các nghiên cứu cho biết, thói quen hút thuốc, chế độ ăn uống và trọng lượng cơ thể quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính
Lối sống không phù hợp, thiếu khoa học có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm khớp RA
  • Hút thuốc: Tiếp xúc với nicotin, đặc biệt là hút thuốc, là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn đến viêm khớp dạng thấp. Hút thuốc lá có thể làm tăng nồng độ yếu tố dạng thấp, một loại kháng thể được tìm thấy trong máu. Yếu tố dạng thấp càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
  • Tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Chất lượng không khí trong nhà, nơi làm việc, môi trường sống, tiếp xúc với một số kim loại nặng, cũng góp phần dẫn đến các triệu chứng RA.
  • Chế độ ăn uống: Thói quen uống nước ngọt có đường, sử dụng thức ăn nhiều đường và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng RA. Sự hiện diện của mỡ thừa trong cơ thể có thể góp phần gây viêm và phát triển các triệu chứng bệnh tự miễn.
  • Trọng lượng cơ thể: Trọng lượng cơ thể quá mức có thể làm tăng nguy cơ phát triển các yếu tố RA.

Mặc dù các yếu tố môi trường và lối sống có thể góp phần dẫn đến RA, tuy nhiên không có một mối liên hệ trực tiếp nào. Điều quan trọng là người bệnh cần được chẩn đoán và thăm khám bởi bác sĩ có chuyên môn để có kế hoạch xử lý phù hợp.

Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Viêm khớp dạng thấp gây viêm niêm mạc khớp, đặc biệt là ở bàn tay và ngón tay. Bởi vì đây là một bệnh tiến triển, do đó các triệu chứng thường nghiêm trọng theo thời gian. Nếu không được điều trị, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp và các cơ quan chính trong cơ thể.

Dưới đây là một số biến chứng viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất. Người bệnh có thể tham khảo và có kế hoạch chăm sóc phù hợp.

1. Đau đớn mãn tính

Khi bệnh tiến triển, có thể gây đau đớn, viêm mãn tính đến các khớp trên cơ thể, chẳng hạn như:

  • Cổ tay, khuỷu tay và vai
  • Hông, đầu gối, mắt cá chân
  • Các đốt sống ngực
  • Khoảng trống giữa các đốt sống bên trong cột sống

Nếu không được điều trị, tổn thương lâu dài ở khớp có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Các mô sợi có thể hình thành xung quanh khớp và xương, dẫn đến hình thành liên kết giữa các bộ phận này, gây mất chức năng khớp.

Bàn tay là bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất của viêm khớp dạng thấp. Việc mất khả năng vận động ở bàn tay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

2. Ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp

Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau và cứng khớp. Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề lâu dài đối với sức khỏe xương khớp, chẳng hạn như:

viêm khớp dạng thấp bộ y tế
Nếu không được điều trị, RA có thể gây phá hủy cấu trúc khớp
  • Phá hủy khớp: Tình trạng viêm tiến triển có thể gây phá hủy sụn khớp và xương xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Mất sụn có thể dẫn đến xương bị biến dạng, bất động và mất chức năng. Tổn thương khớp thường không thể phục hồi. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp, chẳng hạn như thay khớp háng, để phục hồi chức năng. Các biện pháp điều trị tích cực, chẳng hạn như sử dụng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, cũng có thể ngăn ngừa tổn thương khớp và làm chậm các biến chứng.
  • Loãng xương: Loãng xương là tình trạng mất mật độ xương, khiến xương dễ gãy. Nhiều bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dễ bị loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi và người sử dụng corticosteroid trong điều trị viêm khớp. Trao đổi với bác sĩ về các bước ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất xương. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung canxi, vitamin D hoặc chỉ định các loại thuốc để cải thiện tình trạng này.

3. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Cả viêm khớp dạng thấp và phương pháp điều trị bệnh đều có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Giấc ngủ: Cơn đau do RA có thể khiến người bệnh thức giấc nhiều lần trong đêm, gây cản trở giấc ngủ phục hồi. Bệnh nhân cũng có thể bị đau cơ xơ hóa, gây rối loạn giấc ngủ hoặc giấc ngủ không có chất lượng.
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt: Đau và tổn thương khớp có thể khiến người bệnh không thể thực hiện được công việc bình thường, chẳng hạn như mặc quần áo, mở nắp lọ hoặc sử dụng chuột máy tính.

4. Các vấn đề cảm xúc

Việc sống mỗi ngày với cơn đau có thể khiến 11% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị trầm cảm. Trầm cảm cũng khiến các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ tự tử, mất động lực hoặc không muốn điều trị bệnh.

viêm khớp dạng thấp tiếng anh
Viêm khớp dạng thấp có thể gây lo lắng, căng thẳng và trầm cảm

Các triệu chứng bao gồm:

  • Cảm nhận sâu sắc về nỗi buồn, lo lắng, trống rỗng, tuyệt vọng, không nhận thức được giá trị cuộc sống hoặc cảm thấy tội lỗi
  • Mất hứng thú với các công việc, hoạt động, đồ vật từng yêu thích
  • Mất ngủ
  • Khó tập trung và khó đưa ra quyết định

Nếu bị viêm khớp dạng thấp và cảm thấy lo lắng hoặc chán nản, hãy thảo luận với bác sĩ. Có rất nhiều phương pháp chăm sóc cũng như giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn trong cuộc sống.

5. Các vấn đề sức khỏe khác

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong có thể, chẳng hạn như:

  • Mắt: Gây khô, đau, viêm, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng và thay đổi tầm nhìn.
  • Miệng: Gây mô, viêm nướu, kích ứng hoặc nhiễm trùng.
  • Da: Dẫn đến hình thành các nốt thấp khớp, các nốt sần nhỏ trên các vùng da và xương.
  • Phổi: Viêm và sẹo phổi liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến khó thở, viêm phổi và nhiều vấn đề hô hấp khác.
  • Mạch máu: Viêm mạch máu có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, da và nhiều cơ quan khác.
  • Máu: Người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến số lượng hồng cầu thấp hơn bình thường.
  • Tim mạch: Tình trạng viêm có thể gây tổn thương cơ tim và các vùng lân cận, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim.

Ngoài ra, các khớp đau nhức sẽ dẫn đến khó vận động, gây tăng cân và béo phì. Thừa cân có thể khiến người bệnh viêm khớp dạng thấp phát triển các bệnh lý như cholesterol cao, tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra tiền sử bệnh và thực hiện các xét nghiệm liên quan để có kế hoạch điều trị chính xác nhất.

viêm khớp dạng thấp có chữa được không
Nếu nhận thấy các triệu chứng viêm khớp RA, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp

– Tiền sử bệnh gia đình và cá nhân:

Tiền sử bệnh của bệnh nhân và tiền sử gia đình là những yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán RA. Các nghiên cứu cho biết có khoảng 1% các trường hợp RA có liên quan đến yếu tố gia đình.

Khi chẩn đoán, bác sĩ có thể tham khảo một số dấu hiệu như sau:

  • Tiền sử viêm khớp dạng thấp của người nhà bệnh nhân
  • Các bệnh rối loạn tự miễn hiện tại hoặc trong quá khứ
  • Các tình trạng y tế, bệnh tật hoặc biến chứng khác

– Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu tổng quát và cụ thể có thể giúp bác sĩ chẩn đoán các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm có thể giúp xác định các kháng thể dạng thấp, mức độ viêm tổng thể trong cơ thể và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Các xét nghiệm máu thường bao gồm:

  • Yếu tố dạng thấp
  • Peptide Citrullinated chống chu kỳ (CCP)
  • Tốc độ lắng của tế bào máu (ESR) và protein phản ứng C (CRP)

– Yếu tố dạng thấp:

Yếu tố dạng thấp là một loại kháng thể được tìm thấy trong phần lớn bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Nếu một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với yếu tố dạng thấp có thể giúp chẩn đoán, tuy nhiên không thể xác định bệnh. Nhiều bệnh nhân bị các rối loạn tự miễn dịch khác và các tình trạng viêm có kết quả dương tính với yếu tố dạng thấp nhưng không bị viêm khớp dạng thấp.

– Anti CCP (Anti cyclic citrullinated peptides):

Nếu bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với Anti CCP, có thể là một dấu hiệu của RA. Các kháng thể Anti CCP có thể tồn tại trong hệ thống của một người rất lâu trước khi biểu hiện các triệu chứng RA.

– Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (ESR và CRP):

ESR và CRP là các xét nghiệm mà bác sĩ sử dụng để đo mức độ viêm ở khớp của bệnh nhân. Nếu người bệnh có một điểm viêm nhất định và có các triệu chứng RA, điều này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.

– Xét nghiệm hình ảnh:

Khi bệnh nhân có các triệu chứng rõ ràng, bác sĩ có thể đề nghị chụp X – quang, CT, MRI hoặc cả siêu âm để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm hình ảnh có thể xác định các dấu hiệu tổn thương khớp, xói mòn xương, sụn cũng như thu hẹp không gian khớp.

– Chẩn đoán phân loại viêm khớp dạng thấp:

  • Nếu một bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của RA và xét nghiệm dương tính với kháng thể, có thể được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính.
  • Trong trường hợp, người bệnh có tất cả các triệu chứng RA, nhưng không có kết quả xét nghiệm dương tính với các kháng thể, các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm khớp dạng thấp  huyết thanh âm tính.

– Chẩn đoán phân biệt:

Viêm khớp dạng thấp có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị nhiều biện pháp chẩn đoán khác nhau để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.

Một số điều kiện cần chẩn đoán phân biệt với viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Các dạng viêm khớp khác, bao gồm viêm xương khớp hoặc thoái hóa khớp
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh gout
  • Đau cơ xơ hóa

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp có thể gặp một số khó khăn nhất định, do các triệu chứng tương đồng, tính chất di truyền và tiền sử bệnh. Mắc dù khó chẩn đoán tuy nhiên chẩn đoán chính xác và sớm là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi, tuy nhiên các biện pháp điều trị phù hợp, kịp lúc có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Có nhiều phương pháp điều trị được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn tổn thương khớp, bao gồm thuốc, phẫu thuật, thay đổi thói quen hàng ngày và lối sống. Điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn.

1. Mục tiêu điều trị

Viêm khớp dạng thấp là không thể chữa khỏi. Tuy nhiên có một số phương pháp điều trị có thể làm giảm đáng kể cơn đau, ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn cho cơ thể và kiểm soát các biến chứng. Các mục tiêu điều trị thường tập trung vào việc:

  • Giảm viêm
  • Ngăn ngừa các tổn thương thêm hoặc vĩnh viễn
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống
  • Giảm tác dụng phụ và phục hồi chất lượng cuộc sống lâu dài

Tuân theo chế độ điều trị của bác sĩ có thể góp phần cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả khác nhau và phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Do đó, thăm khám và trao đổi với bác sĩ là cách tốt nhất để ngăn ngừa các triệu chứng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Thói quen sống tích cực

Xây dựng lối sống tích cực là điều cần thiết và quan trọng trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp. Dưới đây là một số thay đổi cũng như hướng dẫn về lối sống phù hợp cho người RA:

viêm khớp dạng thấp có nên tập thể dục
Thay đổi lối sống là cách tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn
  • Duy trì hoạt động thể chất: Tập thể dục, thường xuyên di chuyển, vận động thể chất có thể tăng cường sức mạnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường sức khỏe tổng thể. Các bài tập tác động thấp, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội hoặc thái cực quyền có thể hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện tình trạng viêm. Hạn chế sử dụng nước ngọt có đường, thịt chế biến sẵn. Người bệnh được khuyến khích thực hiện chế độ ăn uống dựa trên thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả để ngăn ngừa phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Dành thời gian thư giãn: Thư giãn và suy nghĩ tích cực có thể làm giảm phản ứng viêm do hormone căng thẳng gây ra. Người bệnh có thể dành thời gian thực hành thư giãn chánh niệm, thực hiện các bài tập hít thở, đi dạo hoặc viết nhật ký để cải thiện tình trạng căng thẳng gây viêm.
  • Tăng cường chất lượng giấc ngủ: Đau và viêm khớp có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, người bệnh được khuyến khích xây dựng các thói quen ngủ tốt để ngủ ngon và đầy đủ hơn.
  • Tránh nicotine và các chất độc khác: Hút thuốc hoặc hít thở không khí ô nhiễm, sử dụng thực phẩm bẩn, nhiễm kim loại nặng, có thể làm tăng nguy cơ RA. Độc tố có thể góp phần tăng nguy cơ biến chứng RA.

Thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp giảm hoạt động của bệnh viêm khớp dạng thấp. Kết hợp hai hoặc nhiều thói quen lành mạnh sẽ làm tăng cơ hội phục hồi và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Thông thường, các triệu chứng sẽ được cải thiện trong vài tuần hoặc vài tháng.

3. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Các bác sĩ kê đơn thuốc để giảm viêm và giảm đau khớp do viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên các loại thuốc thường đi kèm với các tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó bác sĩ thường bắt đầu với liều thấp và điều chỉnh tùy theo phản ứng của người bệnh. Các trường hợp nghiêm trọng cần được điều trị tích cực để cải thiện tình trạng viêm, giảm các đợt bùng phát viêm khớp và ngăn ngừa các biến chứng liên quan. Điều này thường bao gồm sử dụng thuốc cường độ mạnh và thường xuyên hơn.

Một số loại thuốc thường được kê đơn điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID):

NSAID là những loại thuốc chống viêm, giảm đau, được sử dụng để cải thiện cơn đau tạm thời. Thuốc có thể sử dụng dưới dạng không kê đơn và kê đơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Thuốc NSAID mạnh được sử dụng hạn chế do đi kèm với nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Tổn thương gan
  • Ù tai
  • Các vấn đề về tim
  • Tổn thương hệ thống tiêu hóa
  • Tổn thương thận
bệnh viêm khớp dạng thấp uống thuốc gì
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng

– Thuốc corticosteroid:

Corticosteroid là loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc làm thay đổi các hoạt chất trong cơ thể, làm chậm sự phát triển của bệnh và ngăn ngừa hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Thuốc có thể sử dụng dưới dạng viên, dạng lỏng và tiêm.

Corticosteroid giúp giảm đau, nhưng cũng có khả năng gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như:

  • Sưng tấy ở chân
  • Tăng cân
  • Tăng huyết áp
  • Thay đổi tâm trạng

Sử dụng corticosteroid trong thời gian dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn và vĩnh viễn, chẳng hạn như:

  • Tăng lượng đường trong máu hoặc dẫn đến bệnh tiểu đường
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Thiếu canxi, dẫn đến yếu xương và loãng xương
  • Dễ bị bầm tím trên da

Do đó, bác sĩ thường kê corticosteroid trong một thời gian ngắn để cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

– Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD):

DMARD có thể sử dụng lâu dài để làm chậm hoặc thay đổi sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Các loại thuốc này có thể bảo vệ các khớp và mô bị tổn thương vĩnh viễn và hỗ trợ phục hồi chức năng bình thường của cơ thể.

Các loại DMARD phổ biến bao gồm:

  • Methotrexate
  • Hydroxychloroquine
  • Sulfasalazine

Bên cạnh đó, hiện tại có một số thuốc chống thấp khớp tác dụng phụ có thể điều chỉnh các phản ứng sinh học, từ đó ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn. Các loại thuốc này nhắm mục tiêu vào các bộ phận cụ thể của hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa tình trạng viêm gây tổn thương khớp. Chặn các chất ức chế TNF hoặc kích hoạt các tế bào T là một trong những phương pháp sinh học phổ biến. Điều này làm giảm nguy cơ bị tổn thương hoặc nhiễm trùng thêm.

Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Abatacept
  • Adalimumab
  • Certolizumab
  • Golimumab
  • Infliximab
  • Rituximab
  • Tocilizumab

Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như sử dụng kem bôi, thuốc bôi, gel hoặc miếng dán da và thuốc xịt, cũng góp phần giảm đau. Các loại thuốc sử dụng ngoài ra thường ít tác dụng phụ, tuy nhiên cũng có thể được hấp thụ quá da, do đó cần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ chuyên môn.

4. Điều trị thần kinh cột sống

Thông thường, thuốc là không đủ để cải thiện tất cả các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Do đó, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều chỉnh thần kinh cột sống để hỗ trợ cải thiện cơn đau.

Phương pháp điều chỉnh thần kinh cột sống được thực hiện bởi người có chuyên môn sâu. Một số bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh không tự ý thực hiện biện pháp này để tránh các rủi ro liên quan. Các thao tác sai trên cột sống có thể làm trầm trọng thêm cơn đau, gây tổn thương cột sống và làm tăng nguy cơ mất chức năng.

Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ cũng như thực hiện phương pháp tại một cơ sở y tế có chuyên môn, được cấp phép điều trị thần kinh cột sống.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu người bệnh bị tổn thương khớp nghiêm trọng, gây phá hủy khớp hoặc có nguy cơ tàn tật cao. Phẫu thuật có thể sửa chữa các tổn thương khớp và phục hồi các chức năng bình thường. Mục tiêu chung của phẫu thuật là phục hồi chức năng khớp và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Có ba thủ tục phẫu thuật mà bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường được đề nghị bao gồm:

  • Thay khớp: Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ một phần khớp bị hư hỏng và lắp một bộ phận thay thế (bộ phận nhân tạo).
  • Hợp nhất khớp: Khi không thể thay thế khớp, bác sĩ có thể đề nghị hợp nhất các khớp.
  • Điều chỉnh gân: Theo thời gian, tình trạng viêm khớp có thể gây hỏng gân. Các bác sĩ phẫu thuật có thể cố định các phần gân bị tổn thương, điều này làm tăng cử động và ngăn ngừa các vấn đề liên quan.

Điều trị viêm khớp dạng thấp thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp, bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và tập thể dục đầy đủ. Phẫu thuật thường hiếm khi được đề nghị. Mục tiêu chung của các phương pháp điều trị là kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng và cải thiện các vấn đề sức khỏe tổng thể.

Sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Những người bị viêm khớp dạng thấp (RA) phải chịu đựng những cơn đau liên tục, khiến các hoạt động hàng ngày bị hạn chế. Có rất nhiều biện pháp tự nhiên có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, ngăn ngừa các tổn thương, hỗ trợ giảm đau và duy trì chất lượng cuộc sống của người bệnh.

chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa viêm khớp RA tại nhà

Một số lưu ý để sống chung với viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp khắc phục các vấn đề về phạm vi vận động và cải thiện tính linh hoạt của các khớp.
  • Chế độ ăn uống phù hợp, nhiều thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm, tăng cường năng lượng và kiểm soát cơn đau hàng ngày. Người bệnh nên thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm như cá hồi và các loại cá béo khác, việt quất và các loại quả mọng khác, quả hạch, các loại rau xanh và rượu vang đỏ.
  • Chống lại sự mệt mỏi, cho phép cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ để chống lại cơn đau.
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần, suy nghĩ tích cực, thường xuyên thư giãn, đọc sách, nghe nhạc, đi dạo hoặc trò chuyện với người thân để ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm.
  • Giữ cân nặng hợp lý, ngăn ngừa nguy cơ béo phì. Điều này có thể giúp giảm viêm, cải thiện cơn đau cũng như phòng ngừa các biến chứng viêm khớp dạng thấp.
  • Xây dựng kế hoạch phù hợp cho các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như lên kế hoạch những việc cần làm, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi để tránh gây mất năng lượng và mệt mỏi quá mức.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn không thể điều trị dứt điểm nhưng điều trị sớm và đúng cách có thể hỗ trợ ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Đôi khi các triệu chứng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn, tuy nhiên việc xây dựng lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực là điều quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh.

Bác sĩ có thể hỗ trợ và hướng dẫn lối sống phù hợp để tăng cường chất lượng cuộc sống. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp nhất.

Tham khảo thêm: 

Ngày đăng: 19/07/2023 - Cập nhật lúc 12:12 pm , 19/07/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc