10 Dấu Hiệu Sắp Sinh (Chuyển Dạ) – Thấy Là Tới Viện Liền

Tìm hiểu các dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) trước ngày dự sinh sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy sẵn sàng hơn cho sự chào đời của bé yêu. Các dấu hiệu này có thể bao gồm các cơn co thắt mạnh và đều đặn, tiết dịch nhầy có màu, đau bụng và lưng dưới, vỡ nước ối,…

dấu hiệu sắp sinh
Mẹ bầu cần nắm được các dấu hiệu cảnh báo sắp sinh (chuyển dạ) để chủ động đến bệnh viện khi cần thiết

Chuyển dạ là gì?

Chuyển dạ là một thuật ngữ khác để chỉ quá trình sinh nở tự nhiên của cơ thể phụ nữ. Đây là quá trình hoàn toàn sinh lý, làm cho thai nhi cùng với phần phụ của thai (màng ối, bánh nhau và dây rốn) được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ.

Quá trình này là sự phối hợp giữa các chu kỳ cơn gò tử cung cùng với sự xóa mở cổ tử cung. Kết quả sẽ là thai và nhau thai được sổ ra ngoài. Thời gian của chuyển dạ sinh sẽ thay đổi tùy theo từng người. Đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như lực co bóp của cơn gò, tiểu khung, ống sinh dục của mẹ hoặc ngôi thai, kích thước đầu thai.

Ở những sản phụ sinh con so (con đầu lòng) thì thời gian chuyển dạ thường sẽ kéo dài hơn sản phụ sinh con rạ. Nguyên nhân là do cổ tử cung mở chậm hơn, đồng thời tầng sinh môn còn rắn chắc hơn. Chuyển dạ con so thường có thời gian trung bình là 16 – 24 giờ, trong khi con rạ chỉ khoảng 8 – 16 giờ.

Một cuộc chuyển dạ sẽ bao gồm đủ 3 giai đoạn sau đây:

  • Giai đoạn 1 (Xóa mở cổ tử cung): Giai đoạn này sẽ được tính kể từ khi xuất hiện cơn gò đầu tiên cho tới khi cổ tử cung mở trọn.
  • Giai đoạn 2 (Giai đoạn sổ thai): Giai đoạn này sẽ được tính từ khi cổ tử cung mở trọn cho tới khi thai nhi được sổ hoàn toàn ra ngoài. Đây chính là kết quả của áp suất trong buồng tử cung tăng lên sau mỗi cơn gò cùng với động tác rặn sinh có hiệu quả của mẹ bầu.
  • Giai đoạn 3 (Giai đoạn sổ nhau): Giai đoạn này sẽ được tính từ khi thai nhi được sổ cho tới khi phần phụ cũng được sổ hoàn toàn ra bên ngoài. Bao gồm phần tróc nhau và phần tống suất nhau. Khi thai nhi đã được sổ ra bên ngoài thì tử cung sẽ ngay lập tức sẽ co nhỏ lại, làm cho nhau thai chùn lại và bắt đầu bong tróc ra. Sau đó dưới tác động của cơn co thắt tử cung thì bánh nhau cũng sẽ được tống xuống âm đạo và sổ ra ngoài.

10 Dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) mẹ bầu cần chú ý

Khi mẹ bầu gần đến ngày dự sinh thì việc tìm hiểu các dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) có thể giúp mẹ bầu sẵn sàng hơn cho quá trình sinh nở sắp diễn ra. Dưới đây là các dấu hiệu mà mẹ bầu cần theo dõi để sớm liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện:

1. Sa bụng – Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần chú ý

Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ dần dịch chuyển vào khu vực khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp diễn ra. Hiện tượng sa bụng có thể xảy ra trước một vài tuần hoặc chỉ vài giờ trước khi mẹ bầu chuyển dạ thật sự.

Trường hợp mẹ bầu sinh con so thì sa bụng là một trong những dấu hiệu sắp sinh dễ nhận biết nhất. Tuy nhiên dấu hiệu chuyển dạ này cũng có thể sẽ bị bỏ qua nếu như mẹ bầu không thường xuyên chú ý tới hình dạng hay vị trí bụng bầu của mình.

Khi sa bụng, mẹ bầu thường cảm thấy dễ thở hơn do thai nhi không còn chèn ép lên phổi. Nhưng thai nhi tụt xuống khung chậu thì sẽ gây áp lực lên cổ tử cung và bàng quang nên khiến mẹ bầu muốn đi tiểu nhiều hơn.

dấu hiệu sắp sinh
Sa bụng dưới là dấu hiệu sắp sinh phổ biến ở hầu hết các mẹ bầu

2. Co thắt chuyển dạ

Các cơn co thắt chuyển dạ còn được gọi là cơn gò tử cung. Trong thai kỳ các cơn co thắt tử cung vẫn có thể xuất hiện nhưng không đều và thường thưa thớt. Đây còn được gọi là cơn gò sinh lý Braxton Hicks hoặc dấu hiệu sắp sinh giả.

Trong khi đó, các cơn co thắt chuyển dạ thật sẽ mạnh và đau khiến cho mẹ bầu khó chịu. Mức độ của cơn co thắt cũng sẽ không giảm dù mẹ bầu đã thay đổi tư thế. Tần suất của các cơn gò cũng sẽ diễn ra liên tục và đều đặn hơn. Cứ khoảng 5 – 7 phút sẽ có một cơn co thắt kéo dài 30 – 60 giây.

Tần suất các cơn gò tử cung sẽ diễn ra mạnh và liên tục có thể khiến mẹ bầu run rẩy mặc dù không cảm thấy lạnh. Tuy nhiên không nên lo lắng bởi sự run rẩy này là cách tự nhiên của cơ thể để làm giảm căng thẳng. Để giảm hiện tượng này, mẹ bầu có thể nhờ người nhà xoa bóp hoặc tắm nước ấm.

3. Dịch nhầy cổ tử cung thay đổi

Dịch nhầy tích tụ ở cổ tử cung trong thai kỳ dần tạo thành nút nhầy tại cổ tử cung. Vào khoảng tuần 37 – 40 của thời kỳ mang thai thì mẹ bầu sẽ thấy âm đạo tiết ra nhiều dịch hơn và nhớt hơn.

Nút nhầy cổ tử cung có tác dụng là bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm. Hiện tượng bong nút nhầy diễn ra nhằm “dọn đường” cho thai nhi chào đời.

Dịch nhầy có thể có màu trong suốt, màu hồng, sẫm màu hoặc có dính một chút máu. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng trong khoảng một vài ngày tới thì bé yêu của bạn sẽ chào đời. Tuy nhiên cũng có không ít mẹ bầu phải chờ đến 1 – 2 tuần sau đó mới thật sự chuyển dạ.

Nếu thai kỳ đã đủ 40 tuần và mẹ bầu mong muốn gặp con yêu nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được áp dụng một số phương pháp kích thích chuyển dạ.

Trường hợp dịch nhầy chứa nhiều máu (gần giống với khi mà bạn có kinh) thì đây là một dấu hiệu chuyển dạ nguy hiểm. Mẹ bầu cần chủ động tới bệnh viện ngay lập tức.

4. Tiêu chảy – Dấu hiệu sắp sinh dễ bị nhầm lẫn

Có nhiều nguyên nhân khiến cho các mẹ bầu dễ bị tiêu chảy trong thai kỳ. Chẳng hạn như nội tiết tố, thay đổi trong chế độ ăn uống, việc sử dụng thuốc,… Tuy nhiên, khi đã gần tới ngày dự sinh thì tiêu chảy có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu nên chuẩn bị để chào đón bé yêu ra đời.

dấu hiệu sắp sinh
Các hormone được sản sinh để thúc đẩy quá trình chuyển dạ có thể khiến mẹ bầu bị tiêu chảy

Nguyên nhân của dấu hiệu tiêu chảy khi sắp sinh là do các hormone được sản sinh nhằm tạo sự thuận lợi cho quá trình sinh nở. Các hormone này có thể kích thích ruột của mẹ bầu hoạt động thường xuyên hơn và gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc nôn ói.

Tình trạng tiêu chảy có thể khiến mẹ bầu bị mất nước. Tuy nhiên không nên quá lo lắng bởi đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Và trong quá trình chuyển dạ thì mẹ bầu cũng có thể muốn đi vệ sinh.

Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là mẹ bầu cần uống thật nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Trường hợp tiêu chảy quá nghiêm trọng thì nên thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp.

5. Cổ tử cung giãn nở

Cổ tử cung giãn nở cũng được cho là một trong những dấu hiệu cảnh báo sắp sinh. Cổ tử cung sẽ bắt đầu mở, giãn ra và mỏng đi trong khoảng vài ngày hay một vài tuần trước khi mẹ bầu chuyển dạ. Tình trạng này xảy ra giúp thông đường cho thai nhi ra đời.

Khi mẹ bầu đi khám thai định kỳ, bác sĩ thường sẽ đo lường và theo dõi độ giãn cũng như độ mỏng của cổ tử cung thông qua việc khám âm đạo. Sự giãn nở của cổ tử cung được cho là một trong những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh chính xác.

6. Mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn

Bụng bầu ngày càng to sẽ gây chèn ép bàng quang khiến cho mẹ bầu phải đi tiểu đêm nhiều hơn. Điều này có thể làm gián đoạn giấc ngủ khiến mẹ bầu bị khó ngủ, mất ngủ. Giấc ngủ không đủ chất lượng sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi và luôn muốn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, một số mẹ bầu lại bỗng nhiên trở nên hoạt bát và nhanh nhẹn một cách khác thường. Các mẹ có thể thích dọn dẹp nhà cửa và thích chuẩn bị đồ đi sinh hơn. Đây cũng được cho là một dấu hiệu sắp sinh. Bởi khi bản năng làm mẹ trỗi dậy thì bạn sẽ muốn chuẩn bị tốt nhất để chào đón con yêu.

dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh
Mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp sinh

7. Giảm cân hoặc ngừng tăng cân

Vào cuối thai kỳ thì cân nặng của mẹ bầu thường ổn định. Hoặc một số mẹ còn có thể bị sụt cân. Điều này là bình thường nên mẹ bầu không cần phải lo lắng vì sẽ không ảnh hưởng tới cân nặng của thai nhi. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nước ối có xu hướng giảm đi để chuẩn bị cho thai nhi ra đời.

8. Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn

Khi sắp chuyển dạ và sinh em bé, mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy những cơn chuột rút có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn. Đồng thời, hiện tượng đau mỏi vùng lưng và hai bên háng cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhất là với những phụ nữ mang thai lần đầu thì các dấu hiệu này có thể sẽ biểu hiện rõ ràng hơn. Nguyên nhân là do các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung ở cuối thai kỳ sẽ kéo căng ra để chuẩn bị cho bé yêu ra đời.

9. Giãn khớp – Dấu hiệu sắp sinh

Trong suốt thời kỳ mang thai, dây chằng giữa các khớp xương thường sẽ trở nên mềm hơn. Mẹ bầu có thể nhận thấy điều này rõ ràng hơn khi chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh nở. Lúc này, các khớp xương của mẹ bầu sẽ trở nên linh hoạt hơn nhằm giúp khung xương chậu mở rộng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dạ diễn ra.

10. Vỡ nước ối

Thai nhi phát triển và được bảo vệ trong một túi chất lỏng gọi là túi ối. Khi túi ối vỡ nghĩa là thai nhi đã sẵn sàng cho việc chào đời. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng gặp phải dấu hiệu này. Nghiên cứu cho thấy rằng, chỉ có khoảng 8 – 10 thai phụ vỡ ối trước khi sinh.

dấu hiệu sắp sinh
Nếu thấy dấu hiệu vỡ nước ối thì mẹ bầu cần theo dõi và đến bệnh viện ngay

Tùy vào mỗi người mà lượng nước ối có thể chảy ra khác nhau, chảy thành dòng hoặc nhỏ từng giọt. Nước ối thông thường sẽ có màu vàng nhạt hoặc trong lợn cợn trắng đục.

Khi vỡ ối, mẹ bầu cần ghi lại thời gian vỡ ối, màu sắc của nước ối cũng như lượng nước ối và đến bệnh viện ngay. Các chuyên gia sản phụ khoa khuyên rằng, mẹ bầu cần đặc biệt thận trọng nếu bị vỡ ối non trước tuần 37 của thời kỳ mang thai.

Phân biệt chuyển dạ thật và chuyển dạ giả?

Trước khi các cơn chuyển dạ “thật” bắt đầu, mẹ bầu có thể sẽ có những cơn đau chuyển dạ “giả”, còn được gọi là cơn gò sinh lý Braxton-Hicks. Những cơn co thắt tử cung này là hoàn toàn bình thường và có thể bắt đầu xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ. Tuy nhiên nó vẫn phổ biến hơn ở tam cá nguyệt thứ ba.

Cơn gò sinh lý Braxton-Hicks được mô tả như một cơn co thắt ở bụng. Những cơn co thắt này thường không xích lại gần nhau hơn, không tăng lên khi đi bộ và không tăng thời gian. Đồng thời cũng không cảm thấy mạnh hơn theo thời gian như khi mẹ bầu chuyển dạ thật.

Để biết liệu những cơn co thắt mà bạn đang cảm thấy có phải là chuyển dạ thật hay không thì hãy nắm rõ các thông tin sau:

Đặc điểm của cơn co thắtChuyển dạ giảChuyển dạ thật
Các cơn co thắt xảy ra thường xuyên như thế nào?Các cơn co thắt thường không đều và gần nhau hơn.Các cơn co thắt diễn ra đều đặn và kéo dài khoảng 30 – 70 giây. Theo thời gian thì chúng sẽ gần nhau hơn.
Chúng có thay đổi theo chuyển động không?Các cơn co thắt có thể ngừng khi mẹ bầu đi bộ hoặc nghỉ ngơi. Hoặc thậm chí có thể ngừng nếu mẹ bầu thay đổi tư thế.Các cơn co thắt vẫn sẽ tiếp tục bất chấp mẹ bầu chuyển động hay có sự thay đổi vị trí.
Chúng mạnh đến mức nào?Các cơn co thắt thường yếu và không mạnh hơn nhiều. Hoặc chúng có thể mạnh lúc đầu nhưng sau đó yếu dần đi.Các cơn co thắt có xu hướng tăng dần sức mạnh theo thời gian.
Mẹ bầu cảm thấy đau ở đâu?Các cơn co thắt thường  chỉ cảm thấy ở phía trước bụng hay vùng xương chậu.Các cơn co thắt thường bắt đầu ở lưng dưới và di chuyển dần ra phía trước của bụng.

Cần làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh?

Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý khi nhận thấy các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh:

– Chăm sóc sức khỏe và chuẩn bị mọi thứ:

Các chuyên gia phụ sản khuyên rằng, mẹ bầu khi có các dấu hiệu sắp sinh cần bình tĩnh, tuyệt đối không nên quá lo lắng và căng thẳng. Đặc biệt chú ý đến các vấn đề sau:

mẹ bầu cần làm gì khi sắp sinh
Khi gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu nên nằm nghiêng sang phía bên trái
  • Không nên đi xa: Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu cần tránh đi xa bởi có thể sinh nở bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc đi xe còn ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của cả mẹ và bé do khói bụi, tiếng ồn,…
  • Không thức khuya: Khi sắp sinh, các mẹ bầu cần ngủ nghỉ sớm. Tuyệt đối không được thức khuya bởi điều này gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Nên nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế vận động mạnh vào những ngày cuối trước khi có dấu hiệu chuyển dạ. Để giúp thư giãn, mẹ có thể đọc sách hay nghe nhạc.
  • Nằm nghiêng sang bên trái: Mỗi khi nằm, mẹ bầu nên nằm nghiêng sang bên trái. Điều này giúp quá trình lưu thông máu tới em bé diễn ra thuận lợi và ổn định. Do tư thế nằm nghiêng sang trái giúp hạn chế áp lực và động mạch chủ. Tuyệt đối không nằm sấp hoặc nằm ngửa.
  • Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết: Để đón em bé chào đời, mẹ bầu nên chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết. Chẳng hạn như giấy tờ, tiền bạc, đồ dùng cho bé, quần áo, bình nước, bình sữa, khăn,…
  • Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng: Đây là một vấn đề mà các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý. Chuẩn bị tâm lý thoải mái và ổn định giúp mẹ sẵn sàng chào đón bé yêu của mình.

– Tính thời gian cho các cơn co thắt:

Khi bạn nghĩ rằng mình đang chuyển dạ thật thì hãy bắt đầu tính thời gian cho các cơn co thắt. Để làm điều này, bạn cần viết ra thời gian mỗi cơn co thắt bắt đầu và dừng lại. Bạn cũng có thể nhờ người khác làm điều này cho bạn. Thời gian giữa các cơn co thắt bao gồm độ dài hoặc thời gian của từng cơn và số phút giữa các cơn (còn gọi là khoảng thời gian).

Các cơn co thắt nhẹ thường bắt đầu cách nhau khoảng 15 – 20 phút và kéo dài từ 60 – 90 giây. Các cơn co thắt sẽ trở nên đều đặn hơn cho tới khi chúng cách nhau chưa đầy 5 phút. Chuyển dạ tích cực (thời gian mẹ bầu nên nhập viện) thường đặc trưng bởi các cơn co thắt mạnh kéo dài 45 – 60 giây và xảy ra cách nhau khoảng 3 – 4 phút.

– Cố gắng thư giãn:

Bạn nên trải qua giai đoạn chuyển dạ đầu tiên trong sự thoải mái tại nhà. Hãy cố gắng thư giãn bằng một số mẹo sau đây:

  • Đánh lạc hướng bản thân bằng cách đi dạo hoặc xem phim.
  • Tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm. Tuy nhiên nếu bạn muốn ngâm mình trong bồn nước ấm thì nên tham khảo trước ý kiến bác sĩ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, hãy cố gắng ngủ đủ giấc. Bạn cần phải tích trữ năng lượng để hoạt động tích cực.

– Khi nào nên đến bệnh viện?

Khi bạn nghi ngờ mình đang chuyển dạ thật thì hãy chủ động liên hệ với bác sĩ. Ngoài ra bạn cần đến bệnh viện trong các trường hợp sau:

  • Bạn nhận thấy mình đang vỡ nước ối
  • Bạn đang chảy máu (nhiều hơn lấm tấm)
  • Em bé có vẻ di chuyển ít hơn bình thường
  • Các cơn co thắt của bạn rất khó chịu
  • Có dấu hiệu chuyển dạ nhưng chưa đến tuần thứ 37 của thai kỳ

Cuối thai kỳ là thời điểm rất nhạy cảm, mẹ bầu cần chú ý đến các biểu hiện của cơ thể. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) cần liên hệ với bác sĩ và đến ngay bệnh viện khi cần thiết. Điều này giúp bạn có được quá trình sinh nở an toàn, tốt cho cả mẹ và bé yêu.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:04 pm , 02/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc