Trẻ Sinh Non 34 Tuần Tuổi: Cách Chăm Sóc và Lưu Ý

Sinh non 34 tuần tuổi có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở thời điểm này, thai nhi chưa phát triển hoàn chỉnh và chưa đủ khả năng để nuôi dưỡng ở bên ngoài tử cung của mẹ.

trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Trẻ sinh non 34 tuần tuổi cần được chăm sóc đặc biệt do chức năng hô hấp, tiêu hóa và điều hòa thân nhiệt chưa phát triển hoàn chỉnh

Nguyên nhân khiến trẻ sinh non 34 tuần tuổi

Tuổi thai được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Thai nhi khỏe mạnh sẽ chào đời từ tuần thứ 38 – 41 tuần tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ra đời muộn hơn khoảng vài ngày. Trong đó, trẻ được sinh ra trong thời điểm lý tưởng (từ 39 – 40 tuần tuổi) sẽ ít gặp phải các biến chứng khi sinh nở và chu sinh.

Từ tuần thứ 38, thai nhi đã trưởng thành và có thể nuôi sống ở bên ngoài cơ thể mẹ. Những trường hợp sinh trước thời điểm này sẽ có nguy cơ cao gặp phải biến chứng. Nguy cơ gặp phải biến chứng tỷ lệ thuận với khoảng cách giữa thời điểm sinh thực tế với thời điểm sinh chuẩn. Do đó, trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng về sức khỏe.

Trẻ được sinh ra trước tuần 37 được xem là sinh non, sinh trong thời gian từ 37 – 38 tuần được xem là sinh sớm. Thời điểm sinh lý tưởng nhất là từ 39 – 40 tuổi. Trẻ sinh muộn vào tuần thứ 41 được gọi trẻ sinh cuối hạn và sinh sau 42 tuần được xem là trẻ sinh già tháng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non nói chung và sinh non 34 tuần tuổi nói riêng. Trong đó, những nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Phải bắt mổ thai do u nang buồng trứng, có các vấn đề về ruột thừa và túi mật.
  • Mẹ bầu có cổ tử cung bất thường, hở eo tử cung, dị dạng tử cung,…
  • Bị tai nạn, chấn thương ở vùng bụng
  • Nhiễm trùng đường sinh dục nặng
  • Nhau thai bóc tách, nhau dính bất thường hoặc bị nhau tiền đạo
  • Mẹ bầu mang đa thai dẫn đến nước ối quá nhiều và tử cung quá lớn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng sinh non 34 tuần tuổi.
  • Mẹ bị thừa cân, thiếu cân
  • Do sử dụng các loại thuốc làm tăng prostaglandin dẫn đến co thắt tử cung dữ dội và gây sinh non.
  • Lao động nặng nhọc ở những tháng cuối thai kỳ khiến cho tử cung bị kích thích dẫn đến tình trạng sinh non.
  • Gặp phải các tai biến sản khoa như tiền sản giật
  • Từng thực hiện các thủ thuật can thiệp cổ tử cung như khoét chóp tử cung sẽ có nguy cơ cao sinh non ở 34 tuần tuổi.
  • Thai phụ bị cao huyết áp, tiểu đường, stress nặng và xúc động quá mức cũng có thể là nguyên nhân gây sinh non.
  • Tiền sử sinh non, thai chết lưu.

Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp sinh non không xác định được nguyên nhân cụ thể. Tình trạng này thường xảy ra ở những thai phụ có đời sống kinh tế thấp, không được chăm sóc đầy đủ trong thời gian mang thai. Ngoài ra, việc mang thai quá sớm hoặc quá muộn cũng làm gia tăng nguy cơ sinh non.

Dấu hiệu sinh non ở tuần thứ 34 thai kỳ

Trẻ được sinh ra ở tuần thứ 34 được gọi sinh non muộn. Đây là mức độ sinh non ít nguy hiểm hơn so với tình trạng sinh cực non (trước 28 tuần tuổi), rất non (sinh trong giai đoạn 28 – 31 tuần 6 ngày) và sinh non trung bình (em bé sinh ra trong khoảng 32 – 33 tuần 6 ngày).

Trẻ sinh non chưa có khả năng nuôi sống ở ngoài tử cung của mẹ nên cần có những biện pháp chăm sóc đặc biệt. Để được cấp cứu kịp thời, mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu sinh non.

trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Đau quặn bụng dưới là một trong những dấu hiệu nhận biết tình trạng sinh non ở tuần thứ 34

Những dấu hiệu sinh non ở 34 tuần tuổi thai phụ cần chú ý:

  • Đau quặn bụng – đặc biệt là ở vùng bụng dưới. Cơn đau có tính chất khá giống với đau bụng kinh.
  • Đau lưng âm ỉ
  • Xuất hiện các cơn co thắt bụng, mỗi cơn cách nhau khoảng 10 phút hoặc sớm hơn.
  • Âm đạo tiết dịch, dịch nhầy trong suốt, màu trắng hoặc có lẫn máu
  • Đau tức vùng chậu và có cảm giác nặng ở vùng bụng dưới
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Thai nhi ít cử động hoặc ngừng cử động.
  • Vỡ ối non là biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng trẻ sinh non 34 tuần tuổi. Vỡ ối khiến nước ối chảy ra liên tục từ âm đạo.

Ngay khi nhận thấy các triệu chứng trên, mẹ bầu nên thông báo với người nhà để được đưa đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Phát hiện sớm sẽ giúp thai phụ được chăm sóc kịp thời, từ đó hạn chế các biến chứng sản khoa và bảo toàn được tính mạng của mẹ lẫn bé.

Đặc điểm của trẻ sinh non 34 tuần tuổi

Thai nhi 34 tuần tuổi chưa được phát triển hoàn chỉnh để có thể nuôi dưỡng bên ngoài tử cung của mẹ. Trẻ sinh non ở giai đoạn này sẽ có những đặc điểm như:

  • Da mọng nước, có thể dễ dàng nhìn thấy lông tơ trên da và mạch máu ở bên dưới.
  • Hộp sọ chưa cứng cáp nên khá mềm và dễ biến dạng.
  • Tương tự, sụn vành tai của trẻ sinh non 34 tuần tuổi mềm do chưa được phát triển hoàn chỉnh.
  • Hệ miễn dịch rất kém nên có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng.
  • Trung tâm điều hòa thân nhiệt chưa phát triển hoàn chỉnh và chưa có lớp mỡ bên dưới da.
  • Phổi, phế nang chưa phát triển hoàn chỉnh, cơ sườn yếu và lồng ngực mềm dẫn đến việc hô hấp khó khăn, nhịp thở lúc nhanh lúc chậm và thở nông.
  • Đối với bé trai, túi bìu chưa xuất hiện nếp nhăn. Trong khi ở bé gái, môi lớn chưa phát triển hoàn chỉnh nên không che phủ được môi nhỏ như bình thường.

Trẻ sinh non 34 tuổi có nguy hiểm không?

Thời điểm sinh nở lý tưởng nhất là trong khoảng 39 – 40 tuần tuổi. Sinh sớm hoặc muộn hơn thời điểm này đều tiềm ẩn biến chứng cho cả mẹ và bé. Ở thời điểm 34 tuần tuổi, cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên khó có thể nuôi dưỡng bình thường như các trẻ sinh đủ tháng.

trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Trẻ sinh non 34 tuần tuổi có nguy cơ gặp phải tình trạng vàng da, vàng mắt do ứ mật

Trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng nặng
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Hội chứng suy hô hấp
  • Chứng loạn sản phế quản phổi
  • Vàng mắt, vàng da, ứ mật
  • Viêm ruột hoại tử
  • Huyết áp thấp
  • Thiếu máu
  • Tử vong
  • Nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, bại não, gặp các vấn đề về thị lực, thính giác,…

Ngoài những biến chứng ở trẻ, sinh non cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Thông thường, những thai phụ sinh non đều không có sữa hoặc sữa về chậm do quá trình tiết sữa chưa hoàn chỉnh. Hơn nữa, việc sinh đẻ sớm hơn thời gian dự kiến cũng sẽ gây rối loạn hormone prolactin và điều này ảnh hưởng đáng kể đến hiện tượng tiết sữa mẹ.

Bên cạnh đó, sản phụ còn phải đối mặt với thể trạng yếu, suy nhược. Tình trạng sinh non cũng gây ra tâm lý bất ổn và lo lắng quá mức. Nếu không được gia đình hỗ trợ về mặt tinh thần, mẹ có thể mắc phải các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Cách chăm sóc trẻ sinh non ở tuần 34

Trẻ sinh non vào 34 tuần tuổi chưa có khả năng nuôi dưỡng bên ngoài tử cung của mẹ nên cần được chăm sóc đặc biệt. Trong trường hợp cơ sở y tế không có các thiết bị và máy móc chuyên dụng, sản phụ sẽ được chuyển đến bệnh viện khác để được chăm sóc tốt nhất.

Trẻ sinh non 34 tuần tuổi có thể chào đời qua đường âm đạo hoặc sinh mổ tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, đa phần những trường hợp sinh non sẽ được sinh mổ để đảm bảo an toàn.

1. Chăm sóc trong lồng ấp

Trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ được chăm sóc đặc biệt ở Khoa săn sóc tích cực sơ sinh (NICU). Em bé sẽ được nuôi trong lồng ấp với các thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, trợ thở, tiểu tiện, đại tiện,… Môi trường trong lồng ấm khá giống với tử cung của mẹ nên trẻ có thể phát triển một cách thuận lợi cho đến khi trưởng thành (38 tuần tuổi).

trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp cho đến khi đủ 38 tuần tuổi

Khi đã đủ tháng, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của bé để xem xét em bé có thể trở về nhà hay cần được chăm sóc trong lồng ấp thêm một thời gian nữa. Trong thời gian trẻ được săn sóc đặc biệt, mẹ sẽ được chăm sóc để phục hồi thể trạng. Do sinh non nên mẹ thường không có sữa hoặc sữa về chậm. Vì vậy, nên chú ý ăn uống, nghỉ ngơi và massage bầu ngực để đảm bảo nguồn sữa cho bé.

2. Chăm sóc sau khi ra khỏi lồng ấp

Sau khi đã phát triển hoàn chỉnh và có thể nuôi dưỡng ở môi trường bên ngoài, em bé sẽ được cho về nhà để gia đình nuôi dưỡng. Dù vậy, gia đình cũng cần chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non 34 tuần tuổi trong 2 năm đầu tiên.

trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Gia đình cần cho trẻ tiêm vaccine để chủ động phòng ngừa các vấn đề sức khỏe

Cách chăm sóc trẻ sinh non 34 tuần tuổi sau khi ra khỏi lồng ấp:

  • Sau khi được chăm sóc đặc biệt, trẻ có thể hô hấp và bú sữa mẹ. Vì vậy, mẹ có thể cho trẻ bú trực tiếp thay vì cho ăn qua ống thông như trong thời gian nằm lồng ấp.
  • Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch kém hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Gia đình cần đảm bảo không gian sống của trẻ luôn trong lành, mát mẻ để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe và đảm bảo trẻ được phát triển một cách thuận lợi.
  • Cho trẻ thăm khám định kỳ để được kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
  • Theo dõi sự phát triển của trẻ và thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy trẻ không tăng cân, chậm bò, đứng, đi chạy và nói,…
  • Trẻ sinh non phát triển khả năng nuốt chậm hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Các bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa khuyến khích nên cho trẻ ăn dặm vào thời điểm 4 – 6 tháng kể từ ngày dự sinh (không phải ngày sinh thực tế). Ngoài ra, nên bắt đầu từ từ vì trẻ có khả năng nuốt kém và dễ bị nghẹn.
  • Cho trẻ sàng lọc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong thời gian sớm nhất.
  • Tiêm ngừa cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, gia đình nên cho trẻ sinh non 34 tuần tiêm thêm một số loại vaccine bổ sung bởi hệ miễn dịch của trẻ kém hơn rất nhiều so với trẻ sinh đủ tháng.

Chăm sóc sản phụ sau khi sinh non ở tuần 34

Sinh non không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé mà còn gây ra nhiều vấn đề đối với sản phụ. Vấn đề lớn nhất mà các sản phụ gặp phải là tình trạng bất ổn, lo lắng, buồn rầu và sợ hãi. Thậm chí, nhiều sản phụ trở nên hoảng loạn vì sợ rằng sẽ mất con.

Ngoài ra, việc sinh nở sớm hơn dự kiến cũng khiến cơ thể mẹ chưa có sự chuẩn bị cho quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Do đó, gia đình cần có các biện pháp chăm sóc sản phụ sau sinh ở tuần thứ 34.

Cách chăm sóc sản phụ sinh non ở tuần 34:

  • Đầu tiên, gia đình và nhân viên y tế cần nâng đỡ tâm lý cho sản phụ để giảm bớt cảm giác lo lắng thái quá. Nếu cần thiết, có thể cho sản phụ tham gia trị liệu tâm lý để ổn định tinh thần.
  • Tuân thủ phác đồ chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên đi lại nhẹ nhàng để thúc đẩy quá trình đào thải sản dịch.
  • Theo dõi sức khỏe chặt chẽ và thông báo với bác sĩ các dấu hiệu bất thường để được xử trí kịp thời.
  • Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế về việc vệ sinh, chăm sóc vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ.
  • Gia đình nên động viên, an ủi thay vì trách móc và chì chiết sản phụ.

Phòng ngừa tình trạng trẻ sinh non 34 tuần tuổi bằng cách nào?

Sinh non nói chung và sinh non ở 34 tuần tuổi tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nguy cơ. Do đó, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu biến chứng và bảo vệ sức khỏe của cả mẹ lẫn bé. Để phòng tránh tình trạng sinh non, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Nếu có ý định mang thai, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát và hạn chế các thủ thuật tác động đến tử cung trong ít nhất 3 tháng trước khi có thai. Thăm khám trước khi mang thai sẽ giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, từ đó có biện pháp điều trị và kiểm soát để hạn chế biến chứng.
  • Nên chuẩn bị thể trạng tốt trước khi mang thai thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
  • Khi mang thai, nên thăm khám thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ Sản phụ khoa. Khám định kỳ sẽ giúp phát hiện các vấn đề bất thường và hạn chế tối đa biến chứng trong quá trình sinh nở.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá và uống rượu bia. Có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học kết hợp với tập luyện nhẹ nhàng để có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Trong trường hợp có các dấu hiệu dọa sinh non, nên thông báo với bác sĩ để được xử trí. Những trường hợp này sẽ được chỉ định dùng corticoid để phòng ngừa tình trạng sinh non.
  • Giữ tinh thần ổn định, lạc quan, tránh tình trạng căng thẳng và xúc động quá mức.

Trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và có khả năng sẽ chậm phát triển hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Chính vì vậy, bản thân mẹ cần trang bị kiến thức để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Nhờ đó, bác sĩ có thể kịp thời ngăn chặn tình trạng sinh non hoặc có biện pháp để giảm thiểu biến chứng đối với trẻ sinh non 34 tuần tuổi.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:00 pm , 02/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc