Nổi Mề Đay Trên Mặt: Nguyên Nhân và Cách Trị Nhanh

Dị ứng mỹ phẩm, tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao, mủ thực vật, động vật,… là những nguyên nhân gây nổi mề đay trên mặt thường gặp. Tình trạng này hiếm khi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu nhiều. Nếu biết cách chăm sóc và cải thiện, các triệu chứng do mề đay gây ra sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

Nhận biết nổi mề đay ở mặt

Nổi mề đay (mày đay) là bệnh da liễu rất phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh lý này thường bùng phát khi có các tác nhân nội sinh và ngoại sinh kích thích khiến cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm. Kết quả là làm giải phóng histamine vào trung bì khiến da xuất hiện các mảng, sẩn kèm theo hiện tượng ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội.

Mề đay có thể nổi ở bất cứ vị trí nào, bao gồm cả vùng da mặt. So với các vùng da khác, da mặt mỏng và nhạy cảm hơn nên các triệu chứng mề đay có xu hướng nghiêm trọng. Không chỉ gây ngứa ngáy, mề đay trên mặt còn ảnh hưởng đến ngoại hình và thẩm mỹ.

nổi mề đay trên mặt
Nổi mề đay trên mặt đặc trưng bởi các sẩn, mảng có màu hồng, đỏ gây ngứa âm ỉ đến dữ dội

Để xử lý đúng cách, bạn cần xác định tình trạng nổi mề đay trên mặt thông qua các dấu hiệu sau:

  • Da mặt nổi các sẩn, mảng có màu đỏ, hồng hoặc màu da với đặc điểm là nổi cộm, bờ tròn và thường có giới hạn rõ so với những vùng da lành.
  • Các sẩn, mảng do mề đay có hình dáng đa dạng nhưng thường là hình tròn. Kích thước dao động từ vài mm đến hàng chục cm.
  • Nổi mề đay xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên mặt và tập trung nhiều ở vùng mi mắt, má, cằm.
  • Ở những vùng da mỏng như mi mắt và môi sẽ có hiện tượng phù mạch, đồng thời sẽ xuất hiện các mảng nông có màu hồng và gây ngứa nhiều.
  • Trước khi mề đay xuất hiện, da sẽ có cảm giác nóng rát thoáng qua.
  • Nổi mề đay trên mặt thường gây ngứa nhiều, có thể gây ngứa da, ngứa mi mắt, ngứa môi và chảy nước mắt.
  • Mày đay xuất hiện đột ngột chỉ sau vài phút tiếp xúc với các yếu tố căn nguyên. Sau khoảng vài phút đến vài ngày, các sẩn, mảng do mề đay sẽ tự biến mất mà không để lại dấu vết.

Mề đay có thể xuất hiện khu trú ở vùng mặt hoặc lan tỏa xuống vùng cổ, cánh tay và phần thân trên. Trong một số trường hợp, mày đay có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng do gây hạ huyết áp và nghẹt thở).

Nếu nhận thấy mề đay đi kèm với các triệu chứng sau, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời:

  • Sưng mi mắt
  • Sưng cổ họng
  • Ngứa họng
  • Khó thở, thở khò khè
  • Choáng váng, đau đầu, hoa mắt

Nguyên nhân gây nổi mề đay trên mặt

Có rất nhiều nguyên nhân nổi mày đay trên mặt. Trong đó, dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, mày đay cũng có thể nổi ở vùng mặt do một số tác nhân vật lý, cơ học và các nguyên nhân khác.

1. Do dị ứng mỹ phẩm, thời tiết, thức ăn

Dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mề đay trên mặt. Khi xảy ra phản ứng dị ứng, tế bào mast và tế bào lympho B sẽ bị hoạt hóa bởi kháng nguyên IgE, kết quả là giải phóng histamine vào trung bì gây giãn mao mạch. Phản ứng này diễn ra rất nhanh, chỉ sau vài phút tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

cách trị nổi mề đay trên mặt
Dị ứng thức ăn là nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mày đay trên mặt

Trường hợp nổi mề đay ở vùng mặt có thể do dị ứng với thức ăn, thời tiết và mỹ phẩm:

  • Dị ứng thức ăn: Khoảng 54% trường hợp bị nổi mày đay là do dị ứng với thức ăn. Thực tế, tất cả các loại thực phẩm đều có khả năng dị ứng, trong đó phổ biến nhất là các loại hải sản, thịt bò, sữa bò, đậu phộng, mè, lòng trắng trứng và thực phẩm chứa gluten. Dị ứng thức ăn gây nổi mề đay kèm theo ngứa cổ họng, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng,…
  • Dị ứng thời tiết: Thời tiết nóng, lạnh hoặc thay đổi đột ngột đều có thể gây dị ứng. Nổi mề đay do dị ứng thời tiết thường xuất hiện các sẩn, mảng và phát ban ở vùng da hở như da mặt, tay, cổ và chân. Sau đó, mày đay có thể lan ra diện rộng và thường đi kèm với sổ mũi, ngứa mũi, ngứa cổ họng,…
  • Dị ứng mỹ phẩm: Một số thành phần trong mỹ phẩm có thể gây dị ứng. Ngoài ra, việc kết hợp các sản phẩm chăm sóc da kỵ nhau cũng có thể gây ra dị ứng và kích ứng. Dị ứng mỹ phẩm sẽ gây nổi mày đay kèm theo phát ban, ngứa ngáy và đôi khi có các mụn mủ, mụn nước.

Dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Vì vậy, bạn cần chú ý những biểu hiện đi kèm để có thể phát hiện và xử trí tình trạng này kịp thời.

2. Côn trùng cắn

Các loại côn trùng thường có chứa nọc độc và các chất kích ứng. Vì vậy khi bị côn trùng cắn, nhiều người có hiện tượng nổi mề đay, phát ban, da ngứa ngáy và khó chịu. Nổi mày đay ở vùng mặt có thể do tiếp xúc với một số loại côn trùng như rệp, kiến ba khoang, bọ ve, sâu.

Hệ miễn dịch khi “phát hiện” ra độc tố của vi khuẩn sẽ sản sinh IgE để đối kháng với nọc độc và kích hoạt giải phóng histamine vào da. Kết quả là da nổi các sẩn, mảng kèm theo ngứa ngáy và khó chịu. Ở những lần sau, phản ứng của kháng thể IgE sẽ nhanh và mạnh hơn. Do đó, phản ứng dị ứng ở những lần sau sẽ có nguy cơ cao dẫn đến sốc phản vệ. Đây cũng là lý do các bác sĩ luôn khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc với dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) đã được xác định.

3. Tiếp xúc với ánh nắng quá lâu

Ngoài những nguyên nhân trên, nổi mề đay trên mặt có thể xảy ra do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu. Ánh nắng mặt trời khiến da tăng nhiệt độ và kích thích phản ứng nổi mề đay, phát ban. Trong trường hợp này, mề đay có thể đi kèm với tình trạng cháy nắng và sạm da.

cách trị nổi mề đay trên mặt
Da mặt có thể bị kích ứng, nổi phát ban và mề đay do tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao trong thời gian dài

4. Do ma sát với khẩu trang

Thói quen đeo khẩu trang thường xuyên có thể là nguyên nhân gây nổi mề đay ở mặt. Ma sát giữa khẩu trang và da sẽ kích thích histamine giải phóng vào trung bì. Kết quả là da nổi các mẩn đỏ, phát ban đi kèm với ngứa ngáy và nóng rát nhẹ.

Trong trường hợp này, nổi mề đay trên mặt thường xuất hiện ở những vị trí tiếp xúc nhiều với khẩu trang như má, cằm và xung quanh miệng. Sau đó, mề đay cũng có thể lan ra một số vùng da lân cận.

5. Các nguyên nhân khác

Nổi mề đay có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân được đề cập, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng này do một số nguyên nhân như sau:

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Sử dụng thuốc có thể gây ra tình trạng phát ban và nổi mề đay. Phản ứng này thường gặp khi dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, hạ sốt,… Nổi mề đay sau khi dùng thuốc có thể là dấu hiệu cảnh báo phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Do đó, bạn nên chú ý những biểu hiện đi kèm để kịp thời đến bệnh viện trong những trường hợp cần thiết.
  • Rối loạn nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố là một trong những yếu tố kích hoạt mề đay bùng phát. Các chuyên gia cho rằng, sự mất cân bằng của hormone sẽ khiến cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm. Vì vậy, mề đay có thể bùng phát trong thời gian bị rối loạn nội tiết tố. Mề đay có thể xuất hiện ở vùng mặt, tay, chân hoặc những vùng da khác.
  • Mắc các bệnh truyền nhiễm: Khi mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm nhiễm đường hô hấp, nhiễm virus, ký sinh trùng,… bạn có thể bị nổi mề đay ở mặt và các vùng da khác. Virus, ký sinh trùng và vi khuẩn là tác nhân gây nhiễm trùng. Để bảo vệ cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh IgE đặc hiệu, sau đó giải phóng các chất trung gian hóa học vào da dẫn đến nổi mề đay, mẩn ngứa.
  • Nóng gan: Nếu nổi mề đay trên mặt xảy ra trong thời gian dài đi kèm với táo bón, ăn uống không ngon và nhiệt miệng, bạn nên xem xét khả năng nóng gan gây nổi mề đay. Gan là cơ quan thanh lọc và giải độc. Khi cơ quan này gặp phải vấn đề, độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể và kích thích phản ứng dị ứng trên da.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khác có thể gây nổi mề đay trên mặt. Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt và hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát.

Nổi mề đay mẩn ngứa trên mặt có sao không?

Nổi mề đay trên mặt là tình trạng khá phổ biến. Mề đay thực chất là phản ứng cấp hoặc mãn tính của da có liên quan đến cơ chế dị ứng. Đa phần những trường hợp gặp phải tình trạng này đều thuyên giảm nhanh chỉ sau vài phút đến vài giờ (tối đa 48 giờ đồng hồ). Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp bị mề đay mãn tính (kéo dài hơn 6 tuần).

Về cơ bản, mề đay là bệnh da liễu lành tính. Ảnh hưởng duy nhất của bệnh lý này là gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu xảy ra ở vùng mặt, các sẩn, mảng do mày đay gây ra còn ảnh hưởng đến ngoại hình và tạo tâm lý tự ti khi giao tiếp. Vì vậy, cần phải có biện pháp cải thiện để kiểm soát chứng nổi mề đay và ngăn ngừa tình trạng tái phát.

nổi mề đay ở mặt
Nổi mề đay ở mặt không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây ngứa ngáy và khó chịu

Trong một số trường hợp, nổi mề đay trên mặt có thể là biểu hiện của sốc phản vệ. Nếu nhận thấy mề đay xuất hiện đột ngột, lan nhanh gây phù mi mắt, sưng môi, ngứa họng, khó thở, thở khò khè, choáng váng, đau đầu,… nên đến ngay bệnh viện gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Có nhiều tác nhân gây nổi mề đay nên bệnh lý này rất dễ tái phát. Mặc dù hiếm khi dẫn đến sốc phản vệ nhưng sang thương da kéo dài ảnh hưởng nhiều thẩm mỹ và ngoại hình. Hơn nữa, tình trạng ngứa ngáy dai dẳng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và ảnh hưởng nhiều đến các thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Cách điều trị nổi mề đay ở mặt an toàn, nhanh chóng

Nổi mề đay ở mặt cần phải được điều trị để giảm ngứa ngáy và giúp các sẩn, mảng thuyên giảm nhanh chóng. Ngoài ra sau khi điều trị, nên thực hiện thêm một số biện pháp nhằm phòng ngừa tình trạng tái phát.

1. Cách ly với căn nguyên

Nguyên tắc quan trọng nhất khi điều trị nổi mề đay là phải cách ly với căn nguyên (đã xác định hoặc nghi ngờ). Tiếp xúc với căn nguyên là nguyên nhân khiến cho hệ miễn dịch sản sinh IgE đặc hiệu, sau đó hoạt hóa tế bào mast và tế bào lympho B giải phóng các chất trung gian hóa học vào da. Chính vì vậy, việc cách ly với căn nguyên có thể giới hạn mức độ và phạm vi ảnh hưởng của bệnh nổi mề đay. Từ đó giúp rút ngắn thời gian điều trị và phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Trong trường hợp không xác định được nguyên nhân, bạn cần tránh các tác nhân gây nổi mề đay thường gặp như thức ăn dễ gây dị ứng, mủ thực vật, côn trùng, mỹ phẩm chứa thành phần gây kích ứng,… Nếu đang ở giai đoạn giao mùa, nên mặc quần áo dài tay, đội mũ và đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với chất dị ứng có trong không khí.

Đối với những trường hợp nhẹ, các nốt mề đay trên mặt sẽ nhanh chóng thuyên giảm ngay sau khi cách ly với căn nguyên. Nếu tình trạng kéo dài hơn 1 – 2 giờ đồng hồ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện đơn giản ngay tại nhà.

2. Chăm sóc da mặt đúng cách

Da mặt là vùng da mỏng, nhạy cảm và mức độ nhạy cảm sẽ tăng lên nếu bị nổi mề đay, mẩn ngứa. Để da nhanh phục hồi, bạn cần có biện pháp chăm sóc da mặt đúng cách. Ngoài ra, các biện pháp này cũng giúp giảm ngứa ngáy và cải thiện các triệu chứng khó chịu đi kèm.

nổi mề đay ở mặt
Khi bị nổi mề đay ở mặt, cần chăm sóc da đúng cách để hỗ trợ giảm ngứa ngáy và giúp da phục hồi nhanh chóng

Cách chăm sóc da mặt khi đang bị nổi mề đay:

  • Không trang điểm trong thời gian bị nổi mề đay trên mặt.
  • Sử dụng sữa rửa mặt có độ pH 5.5 để làm sạch da nhẹ dịu. Chỉ dùng sữa rửa mặt 2 lần/ ngày và nên rửa với nước mát hoặc nước ấm vừa phải.
  • Có thể dùng các loại kem dưỡng có công thức lành tính để làm dịu da và giảm ngứa. Nếu cần thiết, có thể tìm mua các loại kem bôi chứa Menthol ở các hiệu thuốc để giảm ngứa ngáy và làm dịu các sẩn, mảng trên bề mặt da.
  • Nếu không có sẵn các sản phẩm chăm sóc da, bạn có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để vệ sinh da hằng ngày. Nước muối sinh lý giúp làm dịu da và hỗ trợ loại bỏ bụi bẩn, tế bào chết một cách nhẹ nhàng.
  • Không chà xát hay gãi, cào lên da. Ngoài ra, bạn nên thay đổi loại khẩu trang có vải mềm hơn để giảm ma sát với da mặt.

3. Áp dụng một số cách tại nhà

Đa phần những trường hợp nổi mề đay trên mặt đều có mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hơn vài giờ và gây ngứa ngáy, khó chịu, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà như:

  • Chườm khăn mát: Ngay sau khi mề đay xuất hiện trên da mặt, bạn nên dùng khăn mát hoặc túi chườm lạnh đặt lên da. Nhiệt độ lạnh sẽ giúp giảm nhanh cảm giác nóng rát, khó chịu và giảm ngứa ngáy. Tuy nhiên, nếu bị mề đay do lạnh, bạn nên đắp khăn mát thay vì chườm túi lạnh.
  • Sử dụng nguyên liệu tự nhiên: Để giảm ngứa ngáy và làm dịu các sẩn, mảng trên da, bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên như yến mạch, nha đam, sữa chua, lá chè xanh,… Các nguyên liệu này có đặc tính chống viêm và giảm ngứa ngáy. Vì vậy, bạn có thể nấu nước để rửa mặt hoặc thực hiện các công thức mặt nạ làm dịu da.
  • Ăn uống điều độ: Thể trạng suy nhược là yếu tố thuận lợi khiến cho mề đay bùng phát và dễ tiến triển mãn tính. Vì vậy, bạn nên kết hợp với ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe một cách toàn diện. Khi bị nổi mề đay trên mặt, nên ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu Omega 3 để giúp da phục hồi và tái tạo nhanh chóng.
  • Kiêng cữ một số thức ăn và thói quen: Để mề đay trên mặt nhanh chóng thuyên giảm, bạn nên kiêng cữ một số loại thức ăn như thực phẩm gây dị ứng, thức ăn có tính hàn, món ăn cay, mặn,… Ngoài ra, nên tránh thức khuya, hạn chế hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và trang điểm trong thời gian này. Duy trì những thói quen kể trên có thể khiến da bị ngứa nhiều, đồng thời kích thích mề đay tiến triển dai dẳng và lan tỏa trên diện rộng.

Tham khảo thêm: Nổi Mề Đay Nên Ăn Gì, Kiêng Gì? Lưu Ý Để Nhanh Khỏi

4. Sử dụng thuốc

Nếu mề đay nổi nhiều và gây ngứa ngáy dữ dội, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc bôi chứa chiết xuất bạc hà (Menthol), rau má và các loại thuốc kháng histamine H1 đường uống. Dùng thuốc giúp giảm nhanh tình trạng da nổi mẩn, ngứa ngáy và ngăn ngừa nổi mề đay khắp người.

nổi mề đay ở mặt
Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamine H1 để cải thiện các triệu chứng do nổi mề đay ở mặt gây ra

Tuy nhiên, bạn cần phải cách ly với căn nguyên và chăm sóc da hợp lý để ngăn ngừa tái phát. Bên cạnh đó, nên tránh chà xát và gãi cào lên da vì thói quen này có thể khiến da bị thâm sạm.

Phòng ngừa nổi mề đay ở mặt bằng cách nào?

Nổi mề đay ở mặt là tình trạng khá phổ biến. Nhìn chung, bệnh lý này khá lành tính và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, mề đay nổi ở vùng mặt ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình và thẩm mỹ. Chính vì vậy, sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái phát.

nổi mề đay ở mặt
Ăn uống điều độ giúp nâng cao hệ miễn dịch, qua đó giảm nguy cơ bị nổi mề đay nói chung và mề đay ở mặt nói riêng

Các biện pháp phòng ngừa nổi mề đay ở mặt:

  • Không tiếp tục sử dụng các loại mỹ phẩm gây dị ứng và thận trọng với các sản phẩm chăm sóc da chứa các thành phần kích ứng, dị ứng.
  • Tránh thực phẩm gây dị ứng, hạn chế tiếp xúc với mủ thực vật và nọc độc côn trùng.
  • Sử dụng khẩu trang có vải mềm để giảm ma sát lên da.
  • Không để da tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời cường độ mạnh, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Vào thời tiết chuyển mùa, nên chú ý mặc quần áo dài tay và đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa và chất dị ứng có trong không khí.
  • Tổ chức lối sống lành mạnh, đảm bảo ăn uống điều độ, ngủ đúng giờ, đủ giấc và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, nên giữ tinh thần thoải mái để tránh bị căng thẳng và suy nhược (các yếu tố gia tăng nguy cơ nổi mề đay trên mặt).

Nổi mề đay trên mặt thường xảy ra do dị ứng thức ăn, thời tiết, mỹ phẩm,… Dù ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này khiến cho da mặt bị ngứa ngáy và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã biết cách xử lý nhanh chóng, hiệu quả khi gặp phải tình trạng da mặt nổi mày đay, mẩn ngứa.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 18/04/2023 - Cập nhật lúc 10:41 am , 18/04/2023
Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc