Phẫu Thuật Gai Cột Sống Khi Nào? Chi Phí và Lưu Ý

Phẫu thuật gai cột sống được thực hiện trong trường hợp gai xương có kích thước lớn, gây đau dai dẳng và chèn ép các dây thần kinh xung quanh cột sống. Phẫu thuật giúp chấm dứt cơn đau triệt để nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro và biến chứng.

Khi nào cần phẫu thuật gai cột sống?

Gai cột sống là một trong những bệnh xương khớp mãn tính có liên quan đến quá trình thoái hóa. Bệnh lý này đặc trưng bởi hiện tượng lắng đọng canxi bất thường ở các mô xương dẫn đến tình trạng hình thành gai xương. Gai xương mọc bất thường gây chèn ép lên dây thần kinh, đĩa đệm, các đốt sống lân cận và mô mềm xung quanh.

Gai cột sống thường gây đau nhức dai dẳng, mức độ đau tăng lên khi vận động mạnh và thay đổi tư thế đột ngột. Nếu không được điều trị sớm, gai xương có thể chèn ép dây thần kinh lâu ngày gây yếu cơ, rối loạn thần kinh, cảm giác và thậm chí là mất kiểm soát khi đại tiểu tiện.

Tương tự như các bệnh xương khớp khác, lựa chọn ưu tiên khi điều trị gai cột sống là sử dụng thuốc và các phương pháp vật lý trị liệu như massage, bấm huyệt, châm cứu, các bài tập tăng cường chức năng khớp và cột sống. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ phải phẫu thuật để chấm dứt cơn đau và phục hồi chức năng vốn có của cột sống.

phẫu thuật gai cột sống
Phẫu thuật gai cột sống được chỉ định trong trường hợp bệnh nặng và không có đáp ứng với điều trị nội khoa

Phẫu thuật gai cột sống thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Gai cột sống phát triển làm hẹp ống tủy
  • Chèn ép dây thần kinh dẫn đến rối loạn tiểu tiện, đại tiện và các triệu chứng nghiêm trọng khác
  • Gai cột sống gây đau nhiều và cơn đau không có đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa
  • Các triệu chứng của bệnh khó kiểm soát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật. Mổ gai cột sống chống chỉ định với những trường hợp như bị rối loạn đông máu và đang bị nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân. Đối với những trường hợp đang bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần kiểm soát tình trạng này trước khi phẫu thuật để đảm bảo an toàn.

Các phương pháp phẫu thuật gai cột sống

Có khá nhiều phương pháp phẫu thuật gai cột sống. Bác sĩ sẽ đánh giá cụ thể tình trạng của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp phù hợp. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu nhược điểm riêng và chi phí cũng sẽ có sự khác biệt. Do đó, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ lưỡng để lựa chọn được kỹ thuật mổ phù hợp với bản thân.

phẫu thuật gai cột sống
Có khá nhiều phương pháp phẫu thuật gai cột sống và mỗi phương pháp sẽ có ưu nhược điểm riêng

Các phương pháp phẫu thuật gai cột sống:

1. Mổ truyền thống

Mổ truyền thống là phương pháp ra đời đầu tiên. Phương pháp này được thực hiện bằng cách mô mở. Thông qua hình ảnh X quang hoặc MRI, bác sĩ sẽ xác định được vị trí của gai xương và tiến hành mở cột sống, sau đó loại bỏ gai nhằm giải phóng chèn ép lên dây thần kinh và các cơ quan lân cận.

Mổ truyền thống giúp bác sĩ quan sát cột sống một cách rõ ràng và phát hiện được những vấn đề bất thường. Tuy nhiên, do mổ mở nên nguy cơ viêm nhiễm, chảy máu kéo dài tăng và bệnh nhân mất nhiều thời gian phục hồi.

2. Mổ nội soi

Hiện tại, mổ nội soi được nhiều bệnh nhân lựa chọn hơn so với mổ truyền thống. Kỹ thuật này sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị nội soi. Thay vì mở toàn bộ cột sống, bác sĩ sẽ tạo vết rạch nhỏ, sau đó đưa thiết bị nội soi có đầu camera vào bên trong. Hình ảnh từ camera sẽ hiển thị lên màn hình giúp bác sĩ quan sát bên trong mà không cần phải mổ mở.

Với sự hỗ trợ của thiết bị nội soi, bác sĩ sẽ dễ dàng loại bỏ gai xương, từ đó giải phóng áp lực bên trong cột sống và các dây thần kinh. Ưu điểm của phương pháp này là nguy cơ gặp phải biến chứng thấp và thời gian phục hồi nhanh chóng.

3. Cấy miếng đệm gan mỏm gai

Cấy miếng đệm gan mỏm gai được chỉ định trong trường hợp gai xương có kích thước nhỏ. Thay vì cắt bỏ gai, bác sĩ sẽ cấy miếng đệm vào giữa đốt sống để tránh hiện tượng gai xương chèn ép lên đĩa đệm, dây thần kinh và các cơ quan xung quanh.

Cấy miếng đệm gan mỏm gai là kỹ thuật khá đơn giản và mức độ xâm lấn thấp. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ phù hợp với những trường hợp có gai xương nhỏ. Trường hợp có gai xương lớn bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ để chấm dứt cơn đau và giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.

4. Mổ cắt lát đốt sống

Mổ cắt lát đốt sống là phương pháp cắt bỏ một lát mỏng ở đốt sống hình thành gai xương. Từ đó tạo ra khoảng trống giữa các đốt sống và hạn chế tình trạng gai xương chèn ép lên dây thần kinh cùng với những cơ quan xung quanh.

Tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật mổ gai cột sống phù hợp. Sau khi phẫu thuật, tình trạng đau nhức ở cột sống và các triệu chứng đi kèm sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Các bước phẫu thuật gai cột sống

Phẫu thuật gai cột sống là phương pháp phức tạp, xâm lấn vào mô mềm và hệ thống xương khớp. Chính vì vậy, quá trình phẫu thuật sẽ diễn ra trong nhiều bước để đảm bảo an toàn.

1. Chuẩn bị trước phẫu thuật

Như đã đề cập, phẫu thuật là phương pháp xâm lấn nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ hơn so với các phương pháp nội khoa. Để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bệnh nhân cần có các bước chuẩn bị chu đáo.

phẫu thuật gai cột sống
Trước khi phẫu thuật gai cột sống, bệnh nhân sẽ được thăm khám và tư vấn kỹ lưỡng

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật gai cột sống:

  • Thăm khám và nghe tư vấn từ bác sĩ để lựa chọn được phương pháp phẫu thuật phù hợp.
  • Chuẩn bị tốt về mặt thể trạng bằng cách ăn uống điều độ, sinh hoạt hợp lý và tập thể dục nhẹ nhàng. Nên ưu tiên các món ăn dễ tiêu hóa và lành mạnh. Ngoài ra, nên chú ý ăn chậm nhai kỹ để đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá trước khi phẫu thuật ít nhất 3 tuần. Bởi nicotine trong khói thuốc sẽ làm giảm enzyme cytochrome P-450 (loại men chuyển hóa các loại thuốc tại gan). Ngoài ra, hút thuốc lá cũng gia tăng nguy cơ chảy máu kéo dài và gây giảm hệ miễn dịch, từ đó dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và chậm phục hồi sau phẫu thuật.
  • Rượu bia ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng nguy cơ chảy máu kéo dài. Do đó, bệnh nhân cần kiêng rượu bia trong ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
  • Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập các liệu pháp hô hấp như thở chậm, hít thở sâu để có thể xử trí nhanh và hiệu quả khi gặp phải tai biến trong quá trình phẫu thuật.

2. Thực hiện phẫu thuật

Trước khi vào phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ dặn dò một số lưu ý để đảm bảo quá trình phẫu thuật mang lại kết quả tốt nhất. Tùy vào kỹ thuật mổ gai cột sống mà bệnh nhân lựa chọn, thời gian mổ sẽ kéo dài từ 45 – 90 phút. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê nên không có cảm giác đau hay khó chịu.

3. Theo dõi

Sau khi mổ gai cột sống, bệnh nhân sẽ được chuyển vào phòng hồi sức để theo dõi. Trong thời gian này, bệnh nhân và gia đình nên chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo với bác sĩ. Sau khi tình trạng đã ổn định, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc và phục hồi tại nhà.

Các biện pháp chăm sóc, phục hồi sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc để làm lành vết thương và phục hồi chức năng cột sống.

phẫu thuật gai cột sống
Sau khi phẫu thuật gai cột sống, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện theo dõi để kịp thời phát hiện và xử trí biến chứng

Các biện pháp chăm sóc sau khi phẫu thuật gai cột sống:

  • Nên nằm viện theo chỉ định và chỉ trở về nhà khi bác sĩ cho phép.
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn để giảm đau nhức và ngăn ngừa nhiễm trùng. Không tự ý dùng thuốc giảm đau, chống viêm bởi một số loại thuốc có thể gây chảy máu kéo dài và khiến vết thương chậm lành. Ngoài ra, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc bởi tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
  • Chú ý các biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí. Bên cạnh đó, nên chú ý tái khám theo lịch hẹn để được đánh giá tốc độ lành thương và phục hồi cột sống.
  • Sau khi phẫu thuật không được khuân vác nặng, đồng thời tránh các tư thế xấu, không làm việc quá sức và tập thể dục cường độ mạnh. Nếu muốn tập luyện trở lại, nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  • Tốt nhất nên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia để phục hồi chức năng.
  • Đeo đai bảo vệ khi đi xe máy nhằm làm giảm áp lực lên cột sống.
  • Không đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu. Ngoài ra, nên tránh xoay người đột ngột.

Phẫu thuật gai cột sống có nguy hiểm không?

So với các biện pháp nội khoa, phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, nguy cơ gặp phải các biến chứng đã thuyên giảm rõ rệt. Tỷ lệ gặp phải biến chứng khi phẫu thuật gai cột sống chỉ chiếm khoảng 1 – 3% và đa phần đều do bệnh nhân thiếu sự chuẩn bị hoặc không chăm sóc đúng cách.

Các biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật gai cột sống:

  • Chảy máu kéo dài: Chảy máu kéo dài là biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật nói chung và mổ gai cột sống nói riêng. Biến chứng này thường gặp ở người bị tiểu đường, rối loạn đông máu hoặc tự ý dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sau phẫu thuật. Nếu nhận thấy vết thương không cầm máu sau vài giờ, bệnh nhân nên thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
  • Nhiễm trùng: Tương tự như hiện tượng chảy máu kéo dài, nhiễm trùng cũng là biến chứng khá phổ biến sau khi phẫu thuật gai cột sống. Biến chứng này thường gặp ở người có hệ miễn dịch kém, không ngưng thuốc lá và không kiêng rượu bia trước khi mổ. Một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng do không vệ sinh đúng cách hoặc tự ý ngưng thuốc trước thời gian được chỉ định. Nhiễm trùng gây sưng đỏ, ứ mủ và đau nhức vết thương. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể lây lan rộng và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, khi nhận thấy các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra.
  • Tổn thương các cơ quan lân cận: Cột sống là cơ quan tập trung nhiều dây thần kinh, dây chằng và mô mềm. Mổ gai cột sống có thể vô tình gây tổn thương các cơ quan lân cận. Tuy nhiên, mức độ tổn thương thường không quá nghiêm trọng nên bệnh nhân không nên quá lo lắng. Nếu chăm sóc đúng cách, tổn thương sẽ phục hồi hoàn toàn chỉ sau vài tuần.
  • Tái phát gai xương: Phẫu thuật gai cột sống giúp loại bỏ gai xương và giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Tuy nhiên, sau một thời gian, gai xương có thể hình thành trở lại gây tái phát tình trạng đau nhức và yếu cơ. Vì vậy sau khi mổ, bệnh nhân cần tích cực tập vật lý trị liệu và tổ chức lại lối sống để hạn chế nguy cơ gai xương tái phát.

Mổ gai cột sống hết bao nhiêu tiền?

Chi phí mổ gai cột sống là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Được biết, chi phí thực hiện phương pháp này sẽ phụ thuộc kỹ thuật mổ và mức độ phức tạp ở cột sống. Ngoài chi phí mổ, bệnh nhân cũng cần dự trù chi phí để thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Để có hình dung về chi phí mổ gai cột sống, bệnh nhân có thể tham khảo chi phí đã được khảo sát:

  • Mổ truyền thống: Chi phí sẽ dao động từ 15 – 25 triệu đồng
  • Mổ nội soi: Chi phí dao động từ 25 – 50 triệu đồng
  • Đối với các bệnh phức tạp, chi phí sẽ cao hơn từ 50 – 70 triệu đồng

Chi phí phẫu thuật gai cột sống sẽ có sự chênh lệch tùy vào cơ sở y tế. Nếu mổ ở các bệnh viện công lập, chi phí sẽ thấp hơn so với các bệnh viện tư nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được hỗ trợ chi phí nếu phẫu thuật tại các bệnh viện có tham gia BHYT.

Lưu ý khi phẫu thuật gai cột sống

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định trong trường hợp gai cột sống có mức độ nặng và không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ là giải pháp giúp cắt bỏ gai xương và giải phóng dây thần kinh chèn ép ở cột sống. Nếu không có biện pháp chăm sóc phù hợp, gai xương sẽ hình thành trở lại chỉ sau một thời gian ngắn.

phẫu thuật gai cột sống
Để ngăn ngừa gai xương tái phát, bệnh nhân cần có chế độ tập luyện phù hợp

Để phục hồi chức năng của cột sống và giảm nguy cơ gai xương tái phát, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thay đổi các tư thế xấu khi ngồi, nằm và đứng. Ngoài ra, không nên giữ tư thế quá lâu vì thói quen này sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm, cột sống,…
  • Không mang vác và lao động nặng. Trong trường hợp tính chất công việc phải dùng sức nhiều, bệnh nhân nên xem xét thay đổi công việc để bảo vệ cột sống và sức khỏe xương khớp.
  • Hạn chế tình trạng xoay người đột ngột và nên đi lại nhẹ nhàng sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc. Ngoài ra, nên tập yoga và các bài tập có cường độ nhẹ để cải thiện cột sống. Biện pháp này giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi chức năng và giảm nguy cơ gai xương hình thành trở lại.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách hạn chế rượu bia, thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, muối, đường, gia vị,… Thay vào đó, nên bổ sung rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho hệ thống xương khớp.
  • Không hút thuốc lá và tránh thức khuya, căng thẳng.
  • Tái khám thường xuyên để xem xét tình trạng của cột sống và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Phẫu thuật gai cột sống là giải pháp cho những trường hợp nặng, không có đáp ứng với điều trị nội khoa. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bệnh nhân đã hiểu rõ hơn về phương pháp này, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng và chăm sóc hậu phẫu đúng cách.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 21/06/2023 - Cập nhật lúc 12:51 pm , 21/06/2023

Bài viết nhiều người đọc