Gai Cột Sống Thắt Lưng: Nguyên Nhân, Biểu Hiện, Điều Trị

Gai cột sống thắt lưng xảy ra do canxi lắng đọng ở thân đốt sống dẫn đến hình thành gai xương. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng luôn có vai trò của quá trình thoái hóa hoặc chấn thương cột sống. Hiện tại, điều trị chỉ được thực hiện với mục đích kiểm soát triệu chứng, tiến triển và nâng cao chất lượng cuộc sống.

gai cột sống thắt lưng
Gai cột sống thắt lưng là tình trạng đốt sống thắt lưng mọc gai xương do canxi lắng đọng

Gai cột sống thắt lưng là gì?

Gai cột sống thắt lưng là tình trạng đốt sống thắt lưng hình thành gai xương. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống và vị trí phổ biến nhất là đốt sống cổ hoặc thắt lưng.

Gai xương được hình thành từ quá trình lắng đọng canxi ở đốt sống, theo thời gian cột sống mọc ra gai xương gây chèn ép lên dây chằng và các dây thần kinh xung quanh. Ngoài ra, gai cột sống thắt lưng cũng có thể xảy ra do cơ thể tự sửa chữa tổn thương ở cột sống sau khi bị chấn thương hoặc do cột sống phải chịu sức ép trong một thời gian dài (tư thế xấu, lao động nặng nhọc,…).

Gai cột sống thắt lưng gặp chủ yếu ở người trên 60 tuổi nhưng cũng có khi xuất hiện sớm hơn. Bệnh có tiến triển chậm và có xu hướng nặng dần theo thời gian. Tương tự như các bệnh xương khớp mãn tính khác, điều trị bệnh bao gồm các biện pháp làm giảm triệu chứng, tăng cường khả năng vận động và hỗ trợ phòng ngừa biến chứng.

Nguyên nhân gây gai cột sống thắt lưng

Cột sống thắt lưng là vị trí phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động như mang vác, lao động nặng nhọc, tư thế xấu, chấn thương,… Về lâu dài, cơ thể tự sửa chữa tổn thương ở cơ quan này bằng cách tích lũy canxi dẫn đến hiện tượng hình thành gai xương.

Do bệnh chỉ gặp ở người trung niên và cao tuổi nên gai cột sống thắt lưng được cho là có liên quan đến quá trình lão hóa. Hiện tại nguyên nhân bệnh chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy bệnh lý này có liên quan đến những nguyên nhân và yếu tố sau:

1. Do quá trình thoái hóa

Khi tuổi tác tăng cao, cột sống sẽ bị thoái hóa với những thay đổi như dây chằng, đĩa đệm giảm độ đàn hồi, đốt sống giòn, xốp, dễ tổn thương,… Để sửa chữa tổn thương ở thân đốt sống, cơ thể sẽ tự tu sửa bằng cách tích tụ canxi dẫn đến hình thành gai xương.

Thoái hóa cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,… Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tuổi tác cao nhưng không bị gai cột sống. Vì vậy, thoái hóa chỉ là một trong những yếu tố dẫn đến gai cột sống thắt lưng.

2. Chấn thương cột sống

Tổn thương cột sống do va đập, tai nạn,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chấn thương cột sống. Để chữa lành tổn thương ở cột sống, cơ thể sẽ tăng tích tụ canxi ở đốt sống dẫn đến hình thành gai xương. Đây cũng là lý do tất cả các chấn thương ở hệ cơ xương khớp cần phải được thăm khám và điều trị cẩn trọng để tránh biến chứng.

3. Một số nguyên nhân, yếu tố khác

Ngoài nguyên nhân là tuổi tác cao và chấn thương, gai cột sống thắt lưng cũng có liên quan đến những yếu tố sau:

gai cột sống thắt lưng và cách điều trị
Thừa cân, béo phì là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị gai cột sống thắt lưng và các bệnh xương khớp mãn tính khác
  • Tư thế xấu (ngồi, đứng không đúng tư thế, thường xuyên cúi gập cổ bấm điện thoại, kê gối quá cao,…)
  • Lao động nặng nhọc, hay mang vác nặng
  • Thừa cân, béo phì
  • Sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và chế độ dinh dưỡng không hợp lý
  • Mắc các bệnh lý về cột sống như viêm đốt sống đĩa đệm, viêm cột sống dính khớp,…

Biểu hiện khi bị gai cột sống thắt lưng

Ở giai đoạn đầu, gai cột sống thắt lưng hầu như không có triệu chứng. Sau một thời gian, gai xương lớn dần và chèn ép lên những cơ quan xung quanh sẽ làm phát sinh một loạt các triệu chứng. Biểu hiện đầu tiên của bệnh lý này là đau nhức, mức độ đau sẽ tăng lên và có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác nếu đã có hiện tượng chèn ép rễ thần kinh.

hình ảnh gai cột sống thắt lưng
Triệu chứng đầu tiên của gai cột sống lưng là đau nhức âm ỉ và dai dẳng

Các dấu hiệu nhận biết bệnh gai cột sống thắt lưng:

  • Cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng, ban đầu đầu âm ỉ, dai dẳng và mức độ đau tăng lên theo thời gian
  • Cơn đau trở nên dữ dội khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc thực hiện các động tác làm tăng áp lực lên vùng đốt sống thắt lưng như ngồi lâu, đứng lâu, mang vác vật nặng, khom người, xoay người,…
  • Gai xương có thể ma sát với mô mềm dẫn đến sưng viêm, khi chạm vào vùng da bên ngoài có cảm giác ấm nóng hơn bình thường.
  • Gai xương chèn ép rễ thần kinh khiến cho cơn đau lan từ thắt lưng đến bắp đùi đi kèm với hiện tượng tê bì.
  • Về lâu dài, chi dưới bị yếu cơ, teo cơ do mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép

Các triệu chứng của gai cột sống thắt lưng có xu hướng nặng dần theo thời gian. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phát hiện và điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng.

Gai cột sống thắt lưng nguy hiểm không?

Gai cột sống thắt lưng là bệnh lý mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Hiện tượng lắng đọng canxi ở thân đốt sống khiến cho cấu trúc cột sống bị thay đổi, từ đó làm tăng áp lực lên một số cơ quan và gai xương có thể chèn ép mạch máu, rễ thần kinh. Đồng thời ma sát lên mô mềm xung quanh dẫn đến hiện tượng viêm đỏ và đau nhức.

Ban đầu, gai cột sống thắt lưng chỉ gây đau và khó chịu. Tuy nhiên, gai xương có thể chèn ép rễ thần kinh dẫn đến tình trạng tê bì, yếu cơ và làm giảm khả năng vận động. Các triệu chứng do bệnh lý này gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống – đặc biệt là hiệu suất lao động và giấc ngủ. Tình trạng đau nhức kéo dài cũng khiến cho tâm lý của bệnh nhân trở nên căng thẳng, phiền muộn, dễ lo âu.

Nếu không điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tiểu tiện mất kiểm soát do rễ thần kinh bị chèn ép và rối loạn. Mặc dù không nhiều nhưng đã có trường hợp suy giảm khả năng vận động của chi dưới do gai cột sống thắt lưng tiến triển. Một số trường hợp gai xương có thể chèn ép khiến đĩa đệm bị rách và thoát vị.

Chẩn đoán gai cột sống thắt lưng

Gai cột sống thắt lưng có triệu chứng khá mờ nhạt. Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.

bệnh gai cột sống thắt lưng
Chụp X quang là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán bệnh gai cột sống thắt lưng

Các bước chẩn đoán bệnh gai cột sống thắt lưng:

  • Hỏi bệnh: Bước đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý của cá nhân người bệnh, gia đình và đặt câu hỏi liên quan đến các triệu chứng bệnh nhân gặp phải. Để thuận tiện cho quá trình chẩn đoán, bệnh nhân nên chủ động trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng (tính chất cơn đau, thời điểm khởi phát, thời gian triệu chứng xuất hiện,…).
  • Chụp X quang: X quang là kỹ thuật quan trọng trong chẩn đoán các bệnh xương khớp, bao gồm cả gai cột sống thắt lưng. Thông qua hình ảnh của kỹ thuật này, bác sĩ có thể xác định được vị trí và kích thước của gai xương. Đồng thời đánh giá được mức độ thoái hóa của thân đốt sống, đĩa đệm và những cơ quan xung quanh.
  • Chụp MRI hoặc CT: Ngoài X quang, một số bệnh nhân sẽ phải chụp CT hoặc MRI để kiểm tra xem rễ thần kinh có bị chèn ép hay không. Các xét nghiệm hình ảnh này còn giúp phát hiện sự thay đổi trong cấu trúc xương và đánh giá tổn thương ở đĩa đệm.
  • Điện cơ đồ (EMG): Điện cơ đồ được thực hiện nhằm đo tốc độ dây thần kinh gửi tín hiệu đến các chi và não bộ. Thông qua kết quả của xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ chèn ép và tổn thương của rễ thần kinh.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh gai cột sống thắt lưng không làm thay đổi công thức máu. Tuy nhiên, xét nghiệm máu sẽ được chỉ định nhằm loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự.

Các kỹ thuật chẩn đoán trên giúp bác sĩ xác định chính xác vấn đề sức khỏe bệnh nhân đang gặp phải và đánh giá cụ thể mức độ tổn thương ở thân đốt sống, đĩa đệm,…

Các phương pháp điều trị gai cột sống thắt lưng

Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị gai cột sống thắt lưng dứt điểm. Bệnh lý này có tiến triển chậm và nghiêm trọng dần theo thời gian. Vì vậy, mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Không có phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh gai cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đều sẽ được ưu tiên điều trị bằng các biện pháp bảo tồn. Phẫu thuật chỉ được xem xét khi gai xương quá lớn và gây chèn ép, làm tổn thương rễ thần kinh nghiêm trọng.

1. Các biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc là lựa chọn ưu tiên khi điều trị gai cột sống thắt lưng. Các biện pháp này có thể giảm nhẹ cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm. Đồng thời giúp tăng cường khả năng vận động, cải thiện độ dẻo dai, linh hoạt và hỗ trợ ngăn gai xương phát triển.

Các biện pháp không dùng thuốc được áp dụng cho bệnh nhân gai cột sống thắt lưng:

  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên đốt sống thắt lưng và hỗ trợ đưa cột sống về trạng thái sinh lý. Ở giai đoạn đầu, việc nghỉ ngơi sẽ giúp cải thiện cơn đau hoàn toàn. Tuy nhiên khi gai xương đã phát triển với kích thước lớn, bệnh nhân cần kết hợp nghỉ ngơi và sử dụng thuốc.
  • Chườm nóng/ lạnh: Chườm nóng/ lạnh là biện pháp giảm đau nhức, sưng viêm khá đơn giản nhưng hiệu quả. Nên chườm lạnh khi gai cột sống ma sát gây sưng viêm ở vùng da bên ngoài. Túi chườm sẽ giúp giảm sưng đau và làm dịu đốt sống bị thoái hóa. Trong khi đó, chườm nóng giúp thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu và giải phóng áp lực lên rễ thần kinh.
  • Các bài tập giãn cột sống: Các bài tập giãn cột sống giúp kéo giãn thân cột sống và đĩa đệm, thư giãn cơ, giải phóng áp lực lên dây chằng và rễ thần kinh. Thực hiện các bài tập này thường xuyên giúp ích rất nhiều trong việc quản lý triệu chứng và tăng cường khả năng vận động.
  • Sóng xung kích: Trường hợp gai cột sống thắt lưng gây đau dai dẳng, bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp sóng xung kích. Phương pháp này có thể làm tan sự vôi hóa của nguyên bào sợi, tái tạo mô mềm, gân và phân tán các chất trung gian gây ra cảm giác đau.
  • Các phương pháp khác: Ngoài ra, bệnh nhân gai cột sống thắt lưng cũng có thể áp dụng một số phương pháp không dùng thuốc khác như sóng ngắn trị liệu, dòng điện trị liệu, hồng ngoại, nén ép, kéo giãn cột sống,…

Các biện pháp không dùng thuốc mang lại hiệu quả cao và an toàn nhưng cho tác dụng chậm hơn dùng thuốc. Chính vì vậy, bệnh nhân nên kiên trì thực hiện để đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, có thể áp dụng thêm một số cách chữa gai cột sống thắt lưng tại nhà để kiểm soát cơn đau hiệu quả.

2. Sử dụng thuốc

Hiện tại, không có loại thuốc nào có thể làm tiêu gai xương hoặc ngăn gai xương phát triển. Thuốc chỉ được dùng để giảm đau nhức, tê bì và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Vì lý do này, thuốc chỉ được sử dụng khi cần thiết và cần tránh tình trạng lạm dụng quá mức.

bệnh gai cột sống thắt lưng
Sử dụng thuốc đúng cách có thể kiểm soát các triệu chứng do bệnh gai cột sống thắt lưng gây ra

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gai cột sống thắt lưng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau dùng ngoài
  • Acetaminophen (Paracetamol)
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Tiêm corticoid ngoài màng cứng
  • Thuốc giãn cơ
  • Thuốc giảm đau thần kinh
  • Thuốc giảm đau gây nghiện

Mặc dù có hiệu quả giảm đau tốt nhưng dùng thuốc đi kèm với nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên chú ý các tác dụng phụ để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.

3. Phẫu thuật cắt bỏ gai xương

Trong trường hợp gai xương có kích thước lớn gây chèn ép rễ thần kinh, hẹp ống sống và làm giảm khả năng vận động, bệnh nhân sẽ được xem xét phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét cắt bỏ gai xương, mổ cắt lát đốt sống hoặc cấy miếng đệm gan mỏm gai tùy theo trường hợp.

Phẫu thuật gai cột sống có thể giải quyết các triệu chứng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, gai xương vẫn sẽ có nguy cơ tái phát trở lại. Chính vì vậy, phẫu thuật sẽ được chỉ định khi thực sự cần thiết bởi bên cạnh lợi ích mang lại, phương pháp này có chi phí cao, tiềm ẩn nhiều biến chứng và không thể loại bỏ triệt để gai xương.

Phòng ngừa gai cột sống thắt lưng

Hầu hết các bệnh lý về cột sống như thoái hóa đốt sống, gai cột sống,… đều xảy ra do nhiều yếu tố kết hợp. Nếu như tuổi tác là yếu tố không thể thay đổi thì với những nguyên nhân như tư thế sai, lối sống thiếu khoa học và lành mạnh là các vấn đề có thể thay đổi.

bệnh gai cột sống thắt lưng
Tập thể dục thường xuyên là biện pháp phòng ngừa gai cột sống lưng hiệu quả

Hiện tại, không có phương pháp phòng ngừa và điều trị gai cột sống thắt lưng hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu, thay đổi tư thế xấu như kê gối quá cao, cúi cổ trong một thời gian dài, ngồi đánh máy không đúng tư thế,…
  • Không mang vác hoặc lao động nặng nhọc. Nếu phải vận chuyển vật nặng, nên nhờ sự hỗ trợ của người khác hoặc dùng các thiết bị chuyên dụng.
  • Không hút thuốc lá, dùng rượu bia, tránh tình trạng lười vận động và ăn uống vô độ.
  • Tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn.
  • Tập luyện thường xuyên là biện pháp phòng ngừa gai cột sống thắt lưng hiệu quả. Tuy nhiên, cần lựa chọn bộ môn có cường độ nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng.
  • Thừa cân – béo phì sẽ làm gia tăng áp lực lên đốt sống thắt lưng. Chính vì vậy, cần kiểm soát cân nặng để phòng ngừa các bệnh xương khớp mãn tính.
  • Nếu bị chấn thương vùng lưng, cần thăm khám và tích cực điều trị. Tuyệt đối không chủ quan khiến cho cột sống hình thành gai xương và mắc phải các bệnh mãn tính.

Gai cột sống thắt lưng là vấn đề sức khỏe khá phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh lý này không đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và tích cực điều trị để hạn chế ảnh hưởng của bệnh.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 19/07/2023 - Cập nhật lúc 9:50 am , 19/07/2023

Bài viết nhiều người đọc