Mẹ Sau Sinh Bị Nổi Mẩn Ngứa Do Đâu? Cách Trị An Toàn

Thống kê cho thấy, khoảng 30% mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này có thể gây bứt rứt, ngứa ngáy và khó chịu. Do đó, mẹ bỉm cần trang bị những biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách, an toàn.

nổi mẩn ngứa sau sinh
Khoảng 30% mẹ sau sinh gặp phải tình trạng dị ứng và nổi mẩn đỏ

Nhận biết nổi mẩn ngứa ở phụ nữ sau sinh

Nổi mẩn ngứa là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Tương tự như khi mang thai, sau sinh nở là thời điểm khá nhạy cảm. Lúc này, thể trạng của mẹ thường bị suy nhược, hệ miễn dịch nhạy cảm và nội tiết tố chưa ổn định. Đây chính là những yếu tố khiến cho cơ thể nhạy cảm hơn với các chất dị ứng, kích ứng.

Mẩn đỏ là hiện tượng khá lành tính và hầu như không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, các nốt sẩn, mảng trên da có thể khiến mẹ sau sinh bị ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí là mất ngủ. Chính vì vậy, mẹ cần nhận biết sớm tình trạng này để có biện pháp khắc phục và chăm sóc hợp lý.

sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Nổi mẩn ngứa đặc trưng bởi các nốt sẩn hoặc mảng xuất hiện trên da đi kèm với tình trạng ngứa ngáy

Các dấu hiệu nhận biết tình trạng nổi mẩn ngứa ở phụ nữ sau sinh:

  • Bề mặt da nổi các nốt hoặc mảng có màu hồng/ đỏ, bằng phẳng hoặc nổi cộm trên da
  • Các nốt, mảng có hình dạng và kích thước đa dạng nhưng thường chỉ dao động từ vài mm đến vài cm
  • Bề mặt da hầu như không có mụn nước hay mụn mủ nhưng luôn đi kèm với hiện tượng ngứa ngáy
  • Một số trường hợp nổi mẩn ngứa đột ngột còn có thể bị châm chích, nóng rát thoáng qua
  • Mẩn ngứa có thể nổi ở bất cứ vùng da nào nhưng chủ yếu xuất hiện ở thân trên, tay, cổ và chân.

Nổi mẩn ngứa thường sẽ xảy ra sau khi sinh nở từ 1 – 3 tháng đầu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp xuất hiện muộn hơn.

Mẹ sau sinh nổi mẩn ngứa do đâu?

Nổi mẩn ngứa có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Khi tiếp xúc với yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh không hoàn toàn có hại, hệ miễn dịch “nhầm lẫn” những tác nhân này là dị nguyên, từ đó sản sinh kháng thể (IgE) và giải phóng các chất trung gian hóa học vào niêm mạc và da. Kết quả là da nổi các mảng, sẩn có màu hồng, đỏ kèm theo ngứa ngáy và nóng rát nhẹ.

Bất cứ ai cũng có thể bị nổi mẩn ngứa. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh sẽ có nguy cơ cao hơn do những nguyên nhân sau đây:

1. Rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ sau khi sinh. Ở thời điểm này, hormone progesterone và estrogen thường thấp hơn nồng độ thông thường. Trong khi đó, prolactin có xu hướng tăng lên để kích thích quá trình tiết sữa mẹ.

Sự thay đổi hormone đột ngột trong giai đoạn này sẽ khiến cho cơ thể nhạy cảm và kích thích tế bào miễn dịch giải phóng IgE (kháng thể) cùng với một loạt các chất trung gian hóa học. Chính vì vậy, mẹ sau sinh có thể gặp phải tình trạng phát ban, nổi mẩn ngứa.

mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân chính khiến mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa

Theo số liệu thống kê, khoảng 30% phụ nữ sau sinh bị nổi phát ban, mẩn ngứa. Tình trạng này thường sẽ tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, do nội tiết tố chưa ổn định nên một số mẹ có thể bị tái phát nổi mẩn ngứa và dị ứng da thường xuyên trong 3 – 6 tháng đầu.

2. Sức khỏe suy nhược

Sức khỏe suy nhược là điều kiện thuận lợi để mề đay, mẩn ngứa và các bệnh da liễu bùng phát. Khi sinh nở, cơ thể mẹ không tránh khỏi tình trạng suy nhược và uể oải. Do đó, phụ nữ sau khi sinh thường phải được chăm sóc và nghỉ ngơi trong một thời gian dài để phục hồi lại sức khỏe.

Suy nhược khiến cho hệ miễn dịch suy giảm và trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Đây cũng là lý do mẹ bầu và mẹ sau sinh thường bị ngứa ngáy da, dị ứng, nổi phát ban và mẩn ngứa. Ngoài ra, sức khỏe kém cũng khiến mẹ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, viêm họng, viêm xoang,…

3. Stress

Ít ai biết rằng, nổi mẩn ngứa ở phụ nữ sau sinh có thể liên quan đến stress (căng thẳng thần kinh). Sau khi sinh nở, mẹ khó có thể tránh khỏi tình trạng stress do áp lực từ việc chăm sóc con cái, tài chính, không nhận được sự hỗ trợ, thấu hiểu từ người thân và tự ti về vóc dáng. Những yếu tố này khiến cho mẹ sau sinh dễ buồn bã, căng thẳng và lo lắng dai dẳng.

mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Stress làm tăng hormone cortisol và kích thích mẩn ngứa, mề đay bùng phát

Khi bị stress, cơ thể sẽ tăng nồng độ cortisol và epinephrine dẫn đến tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa,… Sự gia tăng của cortisol kết hợp với hiện tượng nội tiết tố bất ổn sẽ khiến cho mẹ bỉm dễ nổi phát ban và mẩn ngứa.

4. Do quan niệm ở cữ lạc hậu

Hiện nay, một số mẹ bỉm vẫn còn ở cữ theo quan niệm lạc hậu như đốt than nóng để giữ ấm, không gội đầu, kiêng tắm rửa,… Những quan niệm này hoàn toàn cổ hủ, lạc hậu và chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học.

Sau khi sinh nở, mẹ bỉm nên giữ vệ sinh cơ thể và đảm bảo cơ thể được mát mẻ, tránh tình trạng tiết quá nhiều mồ hôi. Tình trạng hơ than kết hợp kiêng tắm gội sẽ khiến cho mẹ dễ bị nổi mẩn ngứa, dị ứng và viêm nang lông.

5. Tăng tiết mồ hôi quá mức

Tăng tiết mồ hôi quá mức là tình trạng phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 6 tháng đầu và sẽ thuyên giảm dần theo thời gian. Hiện tượng tiết nhiều mồ hôi sau sinh là cách để cơ thể đào thải chất lỏng được tích tụ trong quá trình mang thai. Ngoài ra, rối loạn nội tiết tố và stress cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.

mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Tăng tiết mồ hôi quá mức ở mẹ sau sinh có thể gia tăng nguy cơ nổi mẩn ngứa, dị ứng da và viêm nang lông

Tăng tiết mồ hôi khiến cho da dễ bị kích ứng, ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ. Nếu không giữ vệ sinh cơ thể đúng cách, mẩn ngứa có thể nổi khắp người gây ngứa ngáy và bứt rứt. Tình trạng này sẽ có xu hướng tái đi tái lại nếu mẹ bỉm không có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa hợp lý.

6. Do tiếp xúc với chất dị ứng

Ngoài các yếu tố nội sinh, nổi mẩn ngứa ở phụ nữ sau sinh có thể xảy ra do tiếp xúc với các chất dị ứng. Có rất nhiều tác nhân dị ứng, trong đó thường gặp nhất là:

  • Thức ăn (thường là hải sản, thực phẩm có tính hàn, lạnh, đậu phộng, mè, sữa,…)
  • Mủ thực vật
  • Nọc độc côn trùng
  • Mỹ phẩm, các sản phẩm tẩy rửa, xịt phòng
  • Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
  • Các dị nguyên trong không khí
  • Tác nhân cơ học (lực ép, ma sát,…)
  • Tác nhân vật lý (ánh nắng mặt trời, tia xạ,…)

Những tác nhân này hoàn toàn vô hại nhưng ở những đối tượng nhạy cảm (phụ nữ mang thai, sau sinh, người có hệ miễn dịch kém,…), hệ miễn dịch có thể phản ứng quá mẫn, từ đó làm giải phóng histamine và các chất trung gian hóa học khác. Đây cũng là lý do một số mẹ bỉm bị dị ứng với những loại thức ăn trước đây không hề bị dị ứng hay khó dung nạp.

7. Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, mẹ sau sinh cũng có thể bị nổi mẩn ngứa do những nguyên nhân sau:

  • Cơ địa nhạy cảm: Trong trường hợp có cơ địa nhạy cảm, nguy cơ nổi mẩn ngứa, mề đay sau sinh sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, những người có tiền sử bị mề đay mãn tính, viêm da cơ địa và viêm mũi dị ứng nên có biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng này sau khi sinh nở.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Các loại thuốc được sử dụng trong và sau khi sinh nở có thể gây ra tác dụng phụ là nổi mẩn ngứa, phát ban. Tình trạng này sẽ phổ biến hơn ở phụ nữ sinh mổ bởi mẹ sẽ phải dùng khá nhiều loại thuốc như thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh, thuốc gây tê, gây mê.
  • Chế độ ăn không hợp lý: Ngoài nguyên nhân dị ứng thức ăn, một số mẹ bỉm có thể bị nổi mẩn ngứa do tẩm bổ quá mức. Các món ăn chứa nhiều đạm thường khó tiêu hóa và sẽ gây ra áp lực lên dạ dày, gan, đường ruột,… Lượng đạm chưa được tiêu hóa sẽ kích thích phản ứng quá mẫn khiến da nổi phát ban, mẩn ngứa. Ngoài ra, thói quen này cũng khiến cho gan giảm chức năng và tích tụ độc tố.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Giờ giấc sinh hoạt của bé khác với giờ giấc sinh hoạt thông thường của người lớn. Do đó, trong thời gian đầu, mẹ sẽ không tránh khỏi tình trạng xáo trộn đồng hồ sinh học. Đây là một trong những yếu tố gây stress, suy nhược và nổi mẩn ngứa sau sinh.

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa, mề đay ở phụ nữ sau khi sinh. Trong đó, thể trạng suy nhược và rối loạn nội tiết tố là hai nguyên nhân quan trọng nhất.

Nổi mẩn ngứa sau sinh có sao không?

Nổi mẩn ngứa là vấn đề da liễu khá phổ biến có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Nhìn chung, dị ứng nổi mẩn ngứa là tình trạng lành tính và hiếm khi ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, mẹ sau sinh không nên quá lo lắng khi gặp phải.

mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Nổi mẩn ngứa sau sinh khiến mẹ bỉm bị ngứa ngáy nhiều và khó tránh khỏi tình trạng khó chịu, bứt rứt

Ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng này là ngứa ngáy, bứt rứt và khó chịu. Mẩn đỏ nổi ở những vùng da hở cũng khiến mẹ tự ti về ngoại hình và vóc dáng. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, hiện tượng nổi mẩn ngứa có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau một thời gian ngắn.

Trong trường hợp không biết cách chăm sóc, mẩn ngứa sau sinh có thể tái đi tái lại trong 3 – 6 tháng đầu. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ngứa ngáy, khó chịu và đôi khi ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu liên tục chà xát và gãi cào, mẩn ngứa có thể bị viêm nhiễm, chàm hóa và để lại thâm, sẹo.

Cách trị nổi mẩn ngứa sau sinh an toàn

Như đã đề cập, nổi mẩn ngứa sau sinh là vấn đề da liễu lành tính và không đáng lo ngại. Khi gặp phải tình trạng này, mẹ bỉm có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện. Trường hợp nổi mẩn ngứa dai dẳng có thể xem xét sử dụng thuốc theo hướng dẫn.

Các phương pháp điều trị nổi mẩn ngứa an toàn cho mẹ sau sinh:

1. Cách ly với tác nhân dị ứng

Nổi mẩn ngứa thường bùng phát sau khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, hệ miễn dịch sẽ tiếp tục sản sinh IgE (kháng thể) và histamine cùng với các chất trung gian hóa học vào da, dẫn đến tình trạng nổi mẩn ngứa dai dẳng và kéo dài. Chính vì vậy, mẹ bỉm nên cách ly với các tác nhân dị ứng càng sớm càng tốt.

Trong một số trường hợp có thể không xác định được tác nhân gây dị ứng. Lúc này, mẹ bỉm nên hạn chế tất cả các tác nhân có khả năng dị ứng cao như các loại hải sản, sữa, nấm, đậu phộng, mè, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh,…

Ngoài ra, mẹ cũng nên tránh những yếu tố có thể khiến mẩn ngứa lan rộng và gây ngứa ngáy nhiều như mặc quần áo ôm sát, gãi cào thường xuyên, tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, để có thể tiết nhiều mồ hôi. Cách ly với tác nhân dị ứng sẽ giúp giới hạn phạm vi da nổi mẩn ngứa, đồng thời hỗ trợ làm giảm tổn thương da và mức độ ngứa ngáy. Chỉ sau khoảng vài ngày, tình trạng nổi mẩn ngứa trên da sẽ thuyên giảm đáng kể.

2. Điều chỉnh lối sống

Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị suy nhược và stress. Những yếu tố này là điều kiện để mẩn ngứa bùng phát và lan rộng. Do đó ngoài việc cách ly với các yếu tố dị ứng và kích ứng, mẹ bỉm cần điều chỉnh lối sống để phục hồi sức khỏe và làm thuyên giảm tổn thương da.

mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Mẹ sau sinh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện hệ miễn dịch và góp phần kiểm soát hiện tượng da nổi mẩn ngứa

Lối sống giúp cải thiện tình trạng nổi mẩn, dị ứng ở phụ nữ sau khi sinh:

  • Cố gắng điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt của bé để phù hợp hơn với đồng hồ sinh học của mẹ. Điều này sẽ giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
  • Mẹ bỉm nên chia sẻ việc chăm sóc bé với bạn đời và người thân. Ôm đồm mọi việc sẽ khiến mẹ bị quá tải và suy nhược.
  • Cố gắng nghỉ ngơi và ngủ những giấc ngắn để phục hồi sức khỏe. Cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ sẽ giúp mẹ thư giãn, giảm căng thẳng và nâng cao sức đề kháng. Qua đó hỗ trợ làm giảm và ngăn ngừa tình trạng nổi mẩn ngứa tái phát.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và cân đối. Nên cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất, đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ,… Tránh tình trạng tẩm bổ quá mức khiến các cơ quan tiêu hóa bị “quá tải”. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bỉm vẫn nên ăn uống như bình thường và bổ sung các bữa ăn phụ để cung cấp thêm chất dinh dưỡng. Tránh trường hợp ăn uống quá độ khiến cơ thể béo phì và mệt mỏi.
  • Sau khi sức khỏe đã ổn định, mẹ nên tập thể dục nhẹ nhàng để phục hồi sức khỏe. Vận động thường xuyên còn giúp điều hòa hoạt động của các tế bào miễn dịch, từ đó giảm tình trạng mẫn cảm và dị ứng.
  • Không hút thuốc lá, dùng rượu bia, thức khuya và sử dụng chất kích thích.
  • Trong trường hợp phải quay trở lại với công việc sớm, mẹ nên cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Hạn chế tình trạng căng thẳng quá mức khiến sức khỏe suy giảm và chất lượng sữa mẹ bị ảnh hưởng.

3. Áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà

Đa phần các trường hợp nổi mẩn ngứa ở mẹ sau sinh đều có mức độ nhẹ. Vì thế, mẹ không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Để giảm tổn thương da và dứt nhanh cơn ngứa, có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như:

mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Nếu bị nổi mẩn ngứa do nóng trong người, mẹ bỉm nên dùng các loại trà có tác dụng thanh nhiệt, lợi sữa
  • Tắm lá khế: Lá khế có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt và giảm ngứa ngáy. Loại thảo dược này tương đối lành tính và có thể tìm ngay trong vườn nhà. Nếu có sẵn lá khế, mẹ nên đun lấy nước, sau đó hòa với nước mát để tắm hằng ngày. Tắm lá khế 1 lần/ ngày chỉ trong vài ngày sẽ giúp giảm tình trạng nổi mẩn ngứa, phát ban và dị ứng da nhanh chóng.
  • Dùng yến mạch: Yến mạch chứa axit ferulic và avenanthramides có tác dụng chống ngứa, giảm viêm và phục hồi da. Trong trường hợp nổi mẩn ngứa khắp người, mẹ có thể hòa yến mạch với nước ấm hoặc sữa tạo ra hỗn hợp sệt. Sau đó, dùng yến mạch thoa nhẹ nhàng và massage trên da để làm sạch bụi bẩn, da chết và giúp lỗ chân lông thông thoáng. Bên cạnh đó, các hoạt chất trong yến mạch cũng sẽ giúp da giảm viêm và ngứa ngáy rõ rệt.
  • Tắm lá chè xanh: Ngoài lá khế, mẹ cũng có thể dùng lá chè xanh để tắm hằng ngày. Lá chè có tác dụng làm dịu, chống viêm và sát trùng. Với hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, chè xanh còn giúp giảm ngứa và phục hồi vùng da bị tổn thương. Thảo dược này có độ lành tính cao nên mẹ bầu và phụ nữ sau sinh có thể sử dụng mà không phải lo ngại về tác dụng phụ.
  • Dùng trà thanh nhiệt: Nổi mẩn ngứa sau sinh có thể xảy ra do chứng nóng trong. Trong trường hợp này, mẹ có thể dùng một số loại trà có tác dụng thanh nhiệt, lợi sữa như trà hoa cúc, trà vằng, trà atiso,… Các loại trà thanh nhiệt sẽ giúp làm giảm triệu chứng nóng trong và cải thiện tình trạng mẩn đỏ, ngứa ngáy da nhanh chóng.

Các cách trị mẩn ngứa tại nhà đa phần đều tận dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá an toàn và lành tính. Chính vì vậy, mẹ bỉm có thể an tâm khi áp dụng. Tuy nhiên, cần kết hợp với điều chỉnh lối sống và cách ly với dị nguyên để đạt kết quả tốt nhất.

4. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Bởi đây là những thời điểm nhạy cảm nên nguy cơ gặp phải tác dụng ngoại ý sẽ cao hơn so với bình thường.

Tuy nhiên, nếu mẩn ngứa gây khó chịu, bứt rứt và ngứa ngáy nhiều, phụ nữ sau khi sinh có thể dùng một số loại thuốc theo hướng dẫn của dược sĩ. Trong trường hợp mẩn ngứa nổi khu trú, mẹ có thể dùng thuốc bôi chứa corticoid để cải thiện. Khi sử dụng, cần chú ý không để vùng da dùng thuốc tiếp xúc với vùng da của trẻ.

Nếu mẩn ngứa nổi khắp người và gây ngứa nhiều, dược sĩ thường sẽ tư vấn dùng các loại thuốc kháng histamine H1 như Desloratadine, Loratadin,… Các loại thuốc này mang lại hiệu quả cao trong việc giảm ngứa ngáy và làm thuyên giảm mẩn ngứa trên da. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên dùng thuốc trong 3 – 5 ngày để hạn chế tác dụng phụ.

Nổi mẩn ngứa sau sinh là tình trạng khá phổ biến. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng có thể thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài ngày. Trong trường hợp mẩn ngứa nổi trên diện rộng và kéo dài dai dẳng, mẹ bỉm nên xem xét tìm gặp bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 26/05/2023 - Cập nhật lúc 12:20 am , 26/05/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Miss Trang đã từng làm việc tại một số cơ quan báo chí và nhiều dự án phát triển website về mảng nội dung sức khỏe. Miss Trang chịu trách nhiệm cập nhật các tin tức về các vấn đề chăm sóc sức khỏe từ các nhóm, cộng đồng của người bệnh, đảm bảo đưa tin nhanh chóng và giải quyết được những khó khăn tức thời của người bệnh. Nghiên cứu các thông tin y khoa về các vấn đề sức khỏe, biên tập viết bài trên website wikibacsi.com
Về tác giả