Ngứa Nổi Mề Đay Khắp Người Là Bệnh Gì? Cách Điều Trị

Ngứa nổi mề đay khắp người thường xảy ra do dị ứng với thuốc, thức ăn và thời tiết. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn như nóng gan, nhiễm giun sán, ký sinh trùng,…

Nhận biết ngứa nổi mề đay khắp người

Ngứa nổi mề đay khắp người là tình trạng da liễu khá phổ biến. Mề đay (mày đay) thực chất là phản ứng cấp hoặc mãn tính của da do hiện tượng phóng thích histamine. Khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể (IgE) đặc hiệu, sau đó IgE gắn với tế bào mast và tế bào lympho B dẫn đến phóng thích các chất trung gian hóa học vào da, trong đó luôn có vai trò của histamine.

ngứa nổi mề đay khắp người
Ngứa nổi mề đay khắp người đặc trưng bởi các mảng, sẩn nổi trên diện rộng và đi kèm với cảm giác ngứa ngáy, nóng ran

Nhìn chung, mề đay là bệnh da liễu lành tính và có thể gặp ở mọi độ tuổi. Nổi mày đay thường xuất hiện khu trú ở phạm vi giới hạn nhưng cũng có thể nổi khắp người đi kèm với ngứa ngáy dữ dội. Tình trạng ngứa nổi mề đay khắp người thường biểu hiện qua một số dấu hiệu sau:

  • Da nổi các sẩn, mảng, ban đầu chỉ xuất hiện ở vùng da nhỏ, sau đó lan tỏa trên diện rộng và nổi ra khắp người
  • Các sẩn, mảng do mề đay gây ra thường có bờ tròn, giới hạn rõ và nổi cộm so với vùng da lành. Các mảng, sẩn có màu hồng, khi ấn vào có cảm giác cứng chắc và chuyển sang màu trắng, sau đó trở lại màu hồng khi thả tay ra.
  • Hình dáng sẩn, mảng đa dạng và kích thước dao động từ vài mm đến vài chục cm
  • Đặc điểm chung của mề đay là xuất hiện đột ngột, sau đó lan tỏa nhanh và gây ngứa ngáy dữ dội. Ở một số trường hợp, da còn gặp phải hiện tượng nóng ran thoáng qua.
  • Cảm giác ngứa dữ dội kích thích phản ứng gãi, cào. Tuy nhiên, thói quen này khiến cho histamine giải phóng nhiều hơn. Hậu quả là mề đay lan rộng gây sưng viêm và ngứa ngáy dữ dội.
  • Đối với những vùng da mỏng và chùng, mề đay biểu hiện là các mảng nông đi kèm với hiện tượng phù da.
  • Ngoài các triệu chứng trên da, ngứa nổi mề đay khắp người còn gây ra một số triệu chứng khác như ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, cổ họng, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, thở khò khè,…
  • Các triệu chứng do mề đay gây ra thường xuất hiện đột ngột và có thể tự biến mất mà không để lại dấu vết.

Như đã biết, nổi mề đay mẩn ngứa trên da là phản ứng khi histamine được giải phóng vào trung bì. Ở những trường hợp dị ứng nặng, cơ thể sẽ phóng thích một lượng lớn histamine vào da và niêm mạc dẫn đến phù, co thắt phế quản và giãn mạch toàn thân.

Phản ứng dị ứng nặng được gọi là sốc phản vệ và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do hạ huyết áp và nghẹt thở. Vì vậy, cần đến ngay bệnh viện khi nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Nổi mề đay khắp người, mề đay xuất hiện đột ngột và lan nhanh
  • Mề đay đi kèm với các triệu chứng hô hấp nặng như khó thở, thở khò khè, nhịp thở nông,…
  • Đau quặn bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy
  • Hạ huyết áp, cơ thể xanh xao, tím tái, choáng váng, đau đầu,…

Ngứa nổi mề đay khắp người là bệnh gì?

Ngứa nổi mề đay khắp người là triệu chứng của mề đay mẩn ngứa. Tuy nhiên, tình trạng này không đơn thuần chỉ là phản ứng ngoài da mà là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Trong trường hợp nổi mề đay khắp người kèm theo ngứa ngáy, bạn nên xem xét một số nguyên nhân sau:

1. Do dị ứng

Ngứa nổi mề đay khắp người thường xảy ra do dị ứng. Có khá nhiều tác nhân dị ứng nhưng trong trường hợp này, tác nhân thường gặp nhất là thời tiết, thức và thuốc.

ngứa nổi mề đay khắp người
Đa phần các trường hợp bị ngứa nổi mề đay khắp người đều do dị ứng thuốc, thức ăn và thời tiết
  • Dị ứng thời tiết: Ngứa và nổi mề đay khắp người là biểu hiện thường gặp của dị ứng thời tiết. Phản ứng dị ứng xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, độ ẩm cao trong không khí. Ngoài ra, nhiệt độ thay đổi đột ngột, quá lạnh hoặc quá nóng cũng có thể là yếu tố kích thích mề đay bùng phát. Dị ứng thời tiết thường gây nổi mề đay khắp người kèm ngứa ngáy, sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi,…
  • Dị ứng thuốc: Ngoài thời tiết, thuốc cũng là tác nhân gây dị ứng thường gặp. Tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc uống và thuốc bôi đều có nguy cơ dị ứng. Tuy nhiên, kháng sinh penicillin và thuốc chống viêm là hai nhóm thuốc có nguy cơ dị ứng cao nhất. Ngứa nổi mề đay khắp người sau khi dùng thuốc có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Vì vậy, bạn nên chú ý đến những biểu hiện đi kèm để kịp thời phát hiện và xử trí sốc phản vệ.
  • Dị ứng thức ăn: Theo số liệu thống kê, khoảng 54% trường hợp nổi mề đay do dị ứng thức ăn. Do đó, nhiều khả năng nổi mề đay khắp người là dị ứng với một số loại thực phẩm như hải sản, trứng, các loại đậu, mè, sữa bò, thịt bò,… Dị ứng thức ăn thường gây nổi mề đay trên mặt, sau đó lan xuống vùng ngực, bụng và lưng. Ngoài ra, tình trạng này còn gây đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và buồn nôn.

Ngoài những nguyên nhân trên, ngứa nổi mề đay khắp người còn có thể xảy ra do dị ứng với một số tác nhân khác như mỹ phẩm, thành phần trong sản phẩm làm sạch da, tiếp xúc với nọc độc côn trùng, mủ thực vật,…

2. Do mắc các bệnh truyền nhiễm

Ngứa nổi mày đay khắp người đôi khi là dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm. Ở một số người, hệ miễn dịch nhạy cảm với các virus và vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiêu hóa, tai mũi họng và hô hấp. Bên cạnh việc giải phóng kháng thể để tiêu diệt vi khuẩn, kháng thể IgE còn hoạt hóa tế bào mast làm giải phóng histamine và các chất trung gian vào da, niêm mạc.

Do đó, một số người có xu hướng nổi mề đay và ngứa ngáy khắp người khi bị cảm lạnh, cảm cúm, bị viêm loét niêm mạc miệng, hội chứng dạ dày – ruột,… Trong trường hợp này, mề đay thường xuất hiện đột ngột, lan tỏa trên diện rộng và thuyên giảm nhanh chỉ sau 2 – 3 ngày.

3. Nhiễm giun sán, ký sinh trùng

Nổi mề đay gây ngứa ngáy khắp người có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị nhiễm giun sán và ký sinh trùng. Hệ miễn dịch rất nhạy cảm với độc tố và ấu trùng của các loại giun sán.

Vì vậy, các tế bào miễn dịch có xu hướng giải phóng IgE (kháng nguyên) để tiêu diệt tác nhân gây hại. Tuy nhiên, việc giải phóng kháng nguyên “vô tình” kích hoạt tế bào mast dẫn đến hiện tượng phóng thích một loạt các chất trung gian vào da và niêm mạc.

Nếu xảy ra do nhiễm giun sán và ký sinh trùng, mề đay thường xuất hiện ở vùng ngực, lưng, sau đó lan dần ra chân và tay đi kèm với hiện tượng ngứa âm ỉ và dai dẳng. Ngoài ra, bạn có thể xác định tình trạng này thông qua một số biểu hiện đi kèm như táo bón, ăn uống kém, khó tiêu, hấp thu kém, đau bụng,…

4. Ngứa nổi mề đay khắp người do nóng gan

Nóng gan là tình trạng gan suy giảm chức năng do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học và lạm dụng thuốc quá mức. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa mà còn gây nổi mề đay và ngứa ngáy khắp người. Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể với 500 chức năng và vai trò khác nhau. Trong đó, chức năng quan trọng nhất là chuyển hóa thức ăn và đào thải độc tố.

ngứa nổi mề đay khắp người
Nóng gan khiến độc tố tích tụ trong cơ thể, từ đó gây nổi mề đay và mẩn ngứa

Khi gan gặp phải vấn đề, quá trình tiêu hóa bị ngưng trệ và hệ quả là hệ miễn dịch “nhầm lẫn” một số protein trong thức ăn là dị ứng dẫn đến hiện tượng dị ứng thức ăn, nổi mề đay và mẩn ngứa. Ngoài ra, chức năng gan suy giảm khiến độc tố tích tụ trong cơ thể. Điều này sẽ kích thích phản ứng dị ứng và hậu quả là gây nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người.

Nóng gan nổi mề đay có biểu hiện khá đa dạng. Ngoài tình trạng nổi mề đay ngứa ngáy khắp người, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như nước tiểu có màu vàng đậm, tiểu ít, táo bón, mệt mỏi, bụng đầy trướng và tiêu hóa kém.

5. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, ngứa nổi mề đay khắp người đôi khi là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý sau:

  • Các bệnh rối loạn miễn dịch: Các bệnh rối loạn miễn dịch như Amyloidose, hội chứng Sjogren và rối loạn tuyến giáp có thể gây nổi mề đay khắp người. Người mắc các chứng bệnh này thường có hệ miễn dịch nhạy cảm quá mức. Do đó, tế bào miễn dịch có thể sản sinh kháng nguyên và giải phóng histamine vào da mà không cần có tác nhân kích thích. Nếu xảy ra do các bệnh rối loạn miễn dịch, mề đay có xu hướng nổi trên diện rộng và tiến triển mãn tính (trên 6 tuần).
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Ngoài các bệnh rối loạn miễn dịch, ngứa nổi mề đay khắp người cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác như suy nhược thần kinh, rối loạn nội tiết tố, suy giảm chức năng thận,…

Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa nổi mề đay khắp người. Trong đó, phổ biến nhất là do phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem xét các nguyên nhân khác nếu mề đay nổi trên diện rộng và không thuyên giảm sau 24 – 48 giờ. Để xác định được nguyên nhân cụ thể, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa trong trường hợp cần thiết.

Ngứa nổi mề đay khắp người có nguy hiểm không?

Nổi mề đay là bệnh da liễu lành tính. Bệnh lý này chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mề đay có thể là biểu hiện của phản ứng dị nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy nổi mề đay xuất hiện đột ngột, lan tỏa nhanh gây sưng mí, sưng cổ họng, ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, đau quặn bụng, tiêu chảy và choáng váng.

Sốc phản vệ có thể gây tử vong do hạ huyết áp và nghẹt thở. Do đó, cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời. Đối với những người có tiền sử hen suyễn, nổi mề đay có thể kích thích cơn hen cấp bùng phát. Vì vậy, nên chuẩn bị sẵn thuốc Epinephrine dạng hít để phòng tránh những tình huống rủi ro.

ngứa nổi mề đay khắp người
Ngứa nổi mề đay khắp người gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Ngứa nổi mề đay khắp người có thể tự thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày mà không điều trị. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp triệu chứng kéo dài gây ngứa ngáy, khó chịu. Cảm giác ngứa ngáy do mề đay không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây khó chịu, bứt rứt, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và các hoạt động thường ngày. Ngoài ra, các sẩn, mảng trên da còn ảnh hưởng đến ngoại hình và khiến bạn thiếu tự tin trong các cuộc gặp gỡ.

Trong nhiều trường hợp, nổi mề đay có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để giảm ngứa ngáy, khó chịu và hạn chế nguy cơ bệnh phát triển mãn tính (mề đay mãn tính được xác định khi triệu chứng tiến triển hơn 6 tuần), bạn nên chủ động điều trị và chăm sóc đúng cách.

Các phương pháp điều trị ngứa nổi mề đay khắp người

Tương tự như nổi mề đay thông thường, ngứa nổi mề đay khắp người sẽ được điều trị bằng thuốc và cách ly với tác nhân dị ứng. Trong trường hợp nổi mề đay do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần tích cực điều trị bệnh lý nguyên nhân để kiểm soát và phòng ngừa mề đay tái phát.

1. Tránh tiếp xúc với chất dị ứng

Dị ứng là nguyên nhân hàng đầu gây nổi mề đay mẩn ngứa. Do đó, việc đầu tiên bạn cần làm là tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Nguyên tắc này không chỉ quan trọng trong điều trị mề đay mà còn được áp dụng đối với các bệnh có cơ chế dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, viêm kết mạc dị ứng,…

Cách ly với dị nguyên giúp hạn chế tối đa mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng của bệnh mề đay. Ngoài ra, cách này cũng sẽ giúp giới hạn lượng histamine được phóng thích vào da và niêm mạc. Nếu kịp thời cách ly với tác nhân dị ứng, các sẩn, mảng do mề đay hầu như chỉ ngứa âm ỉ và có thể thuyên giảm nhanh sau một thời gian ngắn.

ngứa nổi mề đay khắp người
Nên tránh tiếp xúc với tác nhân dị ứng để có thể kiểm soát tình trạng ngứa nổi mề đay khắp người hiệu quả

Trong trường hợp đã xác định được dị nguyên, cần tránh tiếp xúc với tác nhân này. Tuy nhiên, nếu không xác định được nguyên nhân, bạn cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thường gặp bao gồm:

  • Các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như mè, đậu phộng, thịt bò, sữa bò và các loại hải sản
  • Thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt,…
  • Đối với người bị dị ứng thời tiết, nên hạn chế ra ngoài vào giai đoạn chuyển mùa. Đồng thời nên đeo khẩu trang, đội mũ và mặc quần áo dài tay để tránh tiếp xúc với chất dị ứng có trong không khí.
  • Mủ thực vật, côn trùng, động vật,…
  • Tác nhân vật lý (nhiệt độ nóng, lạnh, ánh sáng), tác nhân cơ học (sức ép, ma sát,…)

2. Điều trị bệnh lý nguyên nhân

Trong nhiều trường hợp, ngứa nổi mề đay khắp người là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe như nóng gan, suy giảm chức năng thận, các bệnh rối loạn miễn dịch, nhiễm giun sán và mắc bệnh truyền nhiễm. Để kiểm soát mề đay, bạn cần thăm khám và tích cực điều trị các bệnh lý này.

Đối với các bệnh lý thường gặp như viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu hóa và nóng gan, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện sau khi dùng thuốc và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên với các bệnh mãn tính như suy thận và rối loạn miễn dịch, cần điều trị duy trì lâu dài để quản lý bệnh và ngăn nổi mề đay mẩn ngứa bùng phát.

3. Sử dụng thuốc trị mề đay

Bên cạnh việc cách ly với tác nhân dị ứng và điều trị bệnh lý nguyên nhân, bạn có thể dùng một số loại thuốc trị mề đay để cắt cơn ngứa và giảm nhanh các sẩn, mảng trên da.

ngứa nổi mề đay khắp người
Nếu cần thiết, có thể dùng một số loại thuốc điều trị mề đay để giảm ngứa ngáy và cải thiện các triệu chứng đi kèm

Các loại thuốc trị mề đay thông dụng:

  • Thuốc bôi chứa Kẽm, Menthol có tác dụng giảm ngứa ngáy, làm dịu và giảm viêm đỏ da
  • Các loại thuốc kháng histamine H1 có tác dụng ngăn giải phóng histamine vào da và niêm mạc, giúp giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy và thuyên giảm sang thương da.
  • Trường hợp đáp ứng kém với thuốc kháng histamine H1 sẽ được dùng kết hợp với thuốc kháng histamine H2 (Cimetidin) để tăng hiệu quả.
  • Trong trường hợp nổi mề đay mãn tính vô căn, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các loại thuốc kháng IgE. Nhóm thuốc này còn được dùng để điều trị hen phế quản và nhiều bệnh dị ứng khác.
  • Leukotriene có vai trò trung gian trong phản ứng dị ứng nên một số trường hợp sẽ được dùng thuốc kháng leukotriene. Nếu nổi mề đay ngứa khắp người kéo dài hơn 6 tuần, bạn sẽ được xem xét dùng một số loại thuốc kháng leukotriene như Zileuton, Zafirlukast, Montelukast,…
  • Bệnh nhân có thể trạng suy nhược và hệ miễn dịch suy giảm sẽ được chỉ định dùng kết hợp với viên uống bổ sung kẽm, vitamin C và vitamin E.

Sử dụng thuốc giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh mề đay nhanh chóng. Tuy nhiên, để bệnh không tiến triển dai dẳng và ít tái phát, bệnh nhân cần cách ly với dị nguyên và tích cực điều trị bệnh lý nguyên nhân.

Cách chăm sóc và phòng ngừa ngứa nổi mề đay khắp người

Ngoài các phương pháp y tế, bạn có thể áp dụng một số cách chăm sóc và phòng ngừa ngứa nổi mề đay khắp người:

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh (đã xác định hoặc nghi ngờ). Ngoài ra, cần kiêng cữ một số loại thực phẩm và thói quen xấu có thể làm nghiêm trọng triệu chứng bệnh như thói quen gãi cào, chà xát, tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, hút thuốc lá, dùng rượu bia,…
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, Omega 3 và lợi khuẩn để đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Bên cạnh đó, cần đảm bảo ăn uống điều độ, đủ bữa và cân đối thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp nâng đỡ thể trạng và đẩy lùi chứng nổi mề đay, mẩn ngứa.
  • Ngoài sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số mẹo trị nổi mề đay theo dân gian như tắm lá khế, tắm lá chè xanh, dùng trà thảo mộc,… Các mẹo chữa này tương đối dễ thực hiện, an toàn, lành tính và mang lại hiệu quả khá rõ rệt.
  • Thận trọng khi dùng thuốc và các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao.
  • Tập thói quen ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn và tẩy giun định kỳ để hạn chế nổi mề đay do nhiễm giun sán.
  • Khám sức khỏe 1 – 2 lần/ năm để kiểm soát các bệnh mãn tính và kịp thời phát hiện, điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Ngứa nổi mề đay khắp người là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể xác định được nguyên nhân và biết cách xử lý, điều trị tình trạng này hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn các phương pháp điều trị chuyên sâu.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 18/04/2023 - Cập nhật lúc 10:38 am , 18/04/2023
Nguồn tham khảo
Biên tập viên
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Miss Trang đã từng làm việc tại một số cơ quan báo chí và nhiều dự án phát triển website về mảng nội dung sức khỏe. Miss Trang chịu trách nhiệm cập nhật các tin tức về các vấn đề chăm sóc sức khỏe từ các nhóm, cộng đồng của người bệnh, đảm bảo đưa tin nhanh chóng và giải quyết được những khó khăn tức thời của người bệnh. Nghiên cứu các thông tin y khoa về các vấn đề sức khỏe, biên tập viết bài trên website wikibacsi.com
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc