Đau Thần Kinh Tọa là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Đau thần kinh tọa là tình trạng xảy ra phổ biến thường liên quan đến thoát vị đĩa đệm hoặc tổn thương ở cột sống. Đặc trưng của các cơn đau là bắt đầu từ vùng thắt lưng lan xuống mông, đùi và chi dưới, dọc theo đường dẫn truyền của dây thần kinh tọa.

đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là thuật ngữ mô tả những cơn đau chạy dọc từ lưng dưới xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh tọa được xác định là dây thần kinh dài và dày nhất trong cơ thể. Ở mỗi bên của cơ thể, một dây thần kinh tọa sẽ chạy qua hông, mông và xuống chân, kết thúc ở ngay dưới đầu gối. Sau đó, dây thần kinh tọa sẽ tiếp tục phân nhánh thành các dây thần kinh khác, đi xuống chân, bàn chân và ngón chân.

Đau thần kinh tọa là thuật ngữ dùng để mô tả bất cứ cơn đau nào bắt nguồn từ vùng lưng dưới và lan xuống chân. Đặc điểm chung của cơn đau này là do chấn thương (có thể là kích ứng, viêm, chèn ép) dây thần kinh ở lưng dưới.

Đau thần kinh tọa thường chỉ ảnh hưởng tới một bên chân tại một thời điểm. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì cơn đau có thể xảy ra ở cả hai chân. Nó chỉ đơn giản là vấn đề vị trí mà dây thần kinh bị chèn ép dọc theo cột sống.

Các cơn đau có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc từ từ, phụ thuộc vào yếu tố nguyên nhân. Trong khi thoát vị đĩa đệm có thể gây ra những cơn đau đột ngột thì viêm khớp ở cột sống lại có xu hướng phát triển chậm theo thời gian.

Số liệu thống kê cho thấy, chứng đau thần kinh tọa là một tình trạng rất phổ biến. Có tới khoảng 40% người dân ở Hoa Kỳ từng bị đau thần kinh tọa trong cuộc đời của họ.

Theo thống kê tại Việt Nam, đau thần kinh tọa thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi lao động (30 – 50 tuổi). Ở miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ người bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm khoảng 0.64% (số liệu năm 2011).

Dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa

Dấu hiệu đặc trưng nhất của chứng đau thần kinh tọa là cơn đau lan tỏa từ cột sống thắt lưng đến mông và xuống mặt sau của chân. Người bệnh có thể khó chịu ở hầu hết các vị trí dọc theo đường dẫn truyền thần kinh.

Cơn đau có thể rất khác nhau ở từng người và từng thời điểm. Từ đau nhẹ tới cảm giác đau buốt, bỏng rát hay đau dữ dội. Đôi khi người bệnh còn cảm thấy như bị điện giật. Nó có thể tồi tệ hơn khi ho, hắt hơi, ngồi lâu. Thông thường đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

Một số người còn bị tê bì, ngứa ran hoặc yếu cơ ở chân và bàn chân bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể bị đau ở một phần của chân và tê bì ở các phần khác.

triệu chứng đau thần kinh tọa
Cơn đau thường xuất phát từ vùng lưng dưới với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo từng nguyên nhân

Các triệu chứng đau thần kinh tọa thường gặp bao gồm:

  • Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Người bệnh thường sẽ bị đau tại cột sống thắt lưng lan đến mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tới tận các ngón chân.
  • Tùy theo vị trí tổn thương mà các biểu hiện trên lâm sáng có thể khác nhau. Tổn thương rễ L4 thường gây đau đến khoeo chân. Tổn thương rễ L5 gây đau lan đến mu bàn chân và tận hết ngón chân cái. Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng mà chỉ đau dọc chân.
  • Đau có thể diễn ra liên tục hoặc theo từng cơn. Cơn đau có xu hướng giảm khi nằm nghỉ và tăng khi đi lại nhiều.
  • Trường hợp có hội chứng chèn ép thì đau sẽ tăng khi ho, rặn hay hắt hơi.,
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng yếu cơ.
  • Giai đoạn muộn của bệnh còn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động và co cứng các cơ cạnh cột sống.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa thường xảy ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép. Nguyên nhân thường do thoát vị đĩa đệm hoặc các bệnh lý cơ xương khớp khác. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cũng có thể liên quan, khiến cơn đau bùng phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể như sau:

1. Ảnh hưởng từ các bệnh lý cơ xương khớp.

Như đã đề cập, đa phần các trường hợp bị đau thần kinh tọa đều có liên quan đến các bệnh về cơ xương khớp. Chẳng hạn như:

nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thần kinh tọa
  • Thoát vị đĩa đệm: Một đĩa đệm bị thoát vị hoặc bị trượt có thể gây áp lực lên rễ thần kinh. Đây được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng đau thần kinh tọa. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 1 – 5% người dân Hoa Kỳ bị trượt đĩa đệm tại một thời điểm trong đời. Một địa đệm thoát vị xảy ra với một đốt sống ở lưng dưới có thể đè lên dây thần kinh tọa.
  • Thoái hóa đĩa đệm: Đề cập tới sự hao mòn tự nhiên của các đĩa đệm nằm giữa đốt sống của cột sống. Hao mòn đĩa đệm sẽ làm giảm chiều cao của chúng, đồng thời dẫn tới các đường dẫn thần kinh trở nên hẹp hơn. Từ đó gây ra chèn ép rễ thần kinh tọa.
  • Hẹp ống sống: Đây là tình trạng ống sống bị thu hẹp một cách bất thường. Sự thu hẹp này có thể làm giảm không gian có sẵn có tủy sống cùng các dây thần kinh.
  • Thoái hóa đốt sống: Đề cập đến tình trạng trượt 1 đốt sống khiến nó lệch ra ngoài so với đốt sống ở trên. Điều này sẽ làm thu hẹp lỗ mở mà dây thần kinh thoát ra ngoài. Xương cột sống kéo dài có thể gây chèn ép lên dây thần kinh tọa.
  • Hội chứng Piriformis: Đây là tình trạng phát triển khi cơ Piriformis (cơ nhỏ nằm sâu trong mông) bị căng hay co thắt. Điều này có thể gây áp lực, kích thích dây thần kinh tọa. Trên thực tế, hội chứng Piriformis là một chứng rối loạn thần kinh cơ không phổ biến.
  • Hội chứng Cauda equina: Đây là một tình trạng khá hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng tới bó dây thần kinh ở cuối tủy sống. Hội chứng này thường gây đau xuống chân và tê quanh hậu môn. Đồng thời làm mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột.

2. Yếu tố nguy cơ

Ngoài các bệnh lý cơ xương khớp thì một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa:

  • Già đi: Yếu tố tuổi tác có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cột sống. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị gai xương hay thoát vị đĩa đệm sẽ càng lớn. Đây được cho là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới đau thần kinh tọa.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể làm tăng căng thẳng lên cột sống. Từ đó gây ra nhiều thay đổi cột sống và dẫn tới đau thần kinh tọa.
  • Nghề nghiệp: Một công việc yêu cầu phải mang vác nặng, vặn lưng hay lái xe cơ giới trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gây ra các cơn đau thần kinh tọa. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu nhiều hơn để có bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ này.
  • Ngồi lâu: Những người ngồi trong thời gian dài hay có lối sống ít vận động thường có nhiều khả năng bị đau thần kinh tọa hơn là những người năng động.
  • Bệnh tiểu đường: Tình trạng này ảnh hưởng tới cách mà cơ thể sử dụng lượng đường trong máu. Theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường tiến triển nặng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.
  • Hút thuốc lá: Hàm lượng lớn chất nicotine trong thuốc lá có thể khiến cho các mô tại cột sống bị tổn thương, gây yếu xương, làm mòn đĩa đệm và dẫn tới đau thần kinh tọa.
nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị đau thần kinh tọa hoặc làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Theo nhận định từ các chuyên gia, chứng đau thần kinh tọa thường không quá nghiêm trọng. số liệu thống kê cho thấy, khoảng 80 – 90% bệnh nhân có khả năng cải thiện triệu chứng mà không cần can thiệp phẫu thuật. Trong đó, khoảng 50% bệnh nhân khỏi bệnh chỉ trong khoảng 6 tuần.

Tuy nhiên, nếu chủ quan không sớm can thiệp điều trị thì các vấn đề nguy hiểm hoàn toàn có thể phát sinh. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng trong một số ít trường hợp, đau thần kinh tọa có thể dẫn tới tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Ngoài ra, các cơn đau còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề bệnh lý nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế hoặc điều trị ngay lập tức. Chẳng hạn như hội chứng chùm đuôi ngựa, khối u cột sống hoặc nhiễm trùng.

Các biến chứng thường gặp nhất của đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Rối loạn cảm giác chi dưới
  • Rối loạn vận động chi dưới gây hạn chế vận động 1 phần hoặc liệt hoàn toàn chi dưới
  • Rối loạn cơ vòng

Chẩn đoán đau thần kinh tọa

Bác sĩ thường căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả của một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán đau thần kinh tọa. Ngoài ra chẩn đoán phân biệt cũng cần thực hiện để loại bỏ nguy cơ liên quan tới các vấn đề sức khỏe có triệu chứng tương tự.

1. Chẩn đoán xác định

Trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng mà người bệnh gặp phải. Đồng thời khai thác tiền sử y tế. Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh đi bộ nhằm xác định cách mà cột sống hoạt động.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân nâng chân để xác định sơ bộ các dây thần kinh bị ảnh hưởng có thực sự liên quan tới đĩa đệm hay không. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu thực hiện các chuyển động nhẹ hoặc các động tác kéo giãn để xác định cơn đau và kiểm tra độ linh hoạt cũng như sức mạnh của cơ.

chẩn đoán đau thần kinh tọa
Khi bị đau thần kinh tọa nên sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị

Chẩn đoán đau thần kinh tọa thường được xác định dựa vào một số xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:

  • Xét nghiệm máu: các dấu hiệu viêm trong xét nghiệm máu âm tính. Đồng thời các chỉ số sinh hóa thông thường cũng không có sự thay đổi. Tuy nhiên cần chỉ định xét nghiệm bilan viêm và các xét nghiệm cơ bản để loại trừ các bệnh lý như viêm nhiễm và ác tính.
  • Chụp X-quang thường quy cột sống thắt lưng: Xét nghiệm này thường ít có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân. Đa số các trường hợp X-quang thường quy đều bình thường hoặc có dấu hiệu trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng. Tuy nhiên chỉ định chụp X-quang thường quy có thể giúp loại trừ một số nguyên nhân. Chẳng hạn như tình trạng hủy đốt sống do ung thư hay viêm đĩa đệm đốt sống.
  • Chụp cộng hưởng từ – MRI cột sống thắt lưng: Mục đích là để xác định chính xác dạng tổn thương và vị trí khối thoát vị. Đồng thời đánh giá mức độ thoát vị đĩa đệm cũng như phát hiện một số nguyên nhân ít gặp khác. Chẳng hạn như khối u, viêm đĩa đệm sốt sống,…
  • Chụp CT-Scan: Xét nghiệm hình ảnh này chỉ được chỉ định khi bệnh nhân không có điều kiện chụp cộng hưởng từ.
  • Điện cơ: Xét nghiệm cận lâm sàng này sẽ giúp phát hiện và đánh giá các tổn thương của rễ thần kinh.

2. Chẩn đoán phân biệt

Đau thần kinh tọa cần được chẩn đoán phân biệt với các trường hợp khác, bao gồm:

  • Đau thần kinh đùi
  • Đau thần kinh bì đùi
  • Đau thần kinh bịt
  • Đau khớp háng do viêm, thoái hóa, chấn thương, hoại tử
  • Viêm khớp cùng chậu
  • Viêm hoặc áp xe cơ thắt lưng chậu

Cách điều trị chứng đau thần kinh tọa

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây đau mà một số trường hợp chứng đau thần kinh tọa có xu hướng giảm hẳn khi thực hiện các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên trong đa số các trường hợp, người bệnh cần điều trị y tế. Mục đích là để cải thiện cơn đau và tăng cường chức năng vận động.

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể (phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm)
  • Giảm đau nhanh và phục hồi vận động
  • Điều trị nội khoa cho các trường hợp nhẹ và vừa
  • Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng có liên quan tới cảm giác, vận động
  • Đau thần kinh tọa do các nguyên nhân ác tính thì cần điều trị giải ép cột sống kết hợp với điều trị chuyên khoa

Dưới đây là phác đồ điều trị cụ thể cho chứng đau thần kinh tọa:

1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được xác định là phương pháp chính và được ưu tiên cho hầu hết các trường hợp bị đau thần kinh tọa. Trước hết bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Cần nằm nệm cứng và tránh các động tác mạnh đột ngột. Đồng thời tuyệt đối không đứng, ngồi quá lâu hay mang vác nặng.

Ngoài ra, để cải thiện cơn đau một cách nhanh chóng, bác sĩ sẽ xem xét kê toa thuốc cho người bệnh sử dụng. Các thuốc được dùng có thể là thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp với một số loại thuốc khác. Cụ thể như sau:

thuốc chữa đau thần kinh tọa
Sử dụng thuốc là phương pháp được áp dụng phổ biến giúp giảm đau thần kinh tọa nhanh chóng

– Thuốc giảm đau:

Trước khi chỉ định thuốc giảm đau, bác sĩ sẽ xem xét mức độ của cơn đau để kê toa thuốc phù hợp. Có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều loại thuốc giảm đau sau đây:

  • Paracetamol: Sử dụng 1 – 3g/ ngày và chia đều làm 2 – 4 lần uống. Trường hợp đau nhiều thì bác sĩ có thể chỉ định kết hợp paracetamol với các loại opioid nhẹ. Chẳng hạn như Tramadol hoặc Codein với liều lượng 1 – 3 viên/ ngày.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng NSAID không chọn lọc hay có ức chế chọn lọc COX-2. Ví dụ như Piroxicam (20mg/ ngày), Naproxen (500mg x 2 lần/ ngày), Ibuprofen (400mg x 3 – 4 lần/ ngày),… NSAID tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ nên cần cẩn trọng khi sử dụng. Bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các thuốc bảo vệ dạ dày để hạn chế rủi ro cho đường tiêu hóa.
  • Chế phẩm thuốc phiện: Trong trường hợp đau thần kinh tọa gây đau nhiều thì bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng một số chế phẩm thuốc phiện như Morphin.

– Thuốc giãn cơ:

Đau dây thần kinh tọa có thể đi kèm với tình trạng co thắt cơ hoặc co cứng cơ. Lúc này bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc giãn cơ để cải thiện triệu chứng. Hai loại được kê toa phổ biến bao gồm:

  • Eperisone: Dùng với liều lượng 50mg x 2 – 3 lần/ ngày.
  • Tolperisone: Dùng với liều lượng 100 – 150mg x 3 lần/ ngày.

– Các loại thuốc khác:

Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện đau nhiều, đau mạn tính thì bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với một số thuốc giảm đau thần kinh. Chẳng hạn như:

  • Pregabalin: Dùng với liều lượng 150 – 300mg/ ngày (tuần đầu tiên nên bắt đầu bằng liều 75mg/ ngày).
  • Gabapentin: Dùng với liều lượng 600 – 1200mg/ ngày (tuần đầu tiên nên bắt đầu bằng liều 300mg/ ngày).
  • Các thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu dùng Mecobalamin hoặc các loại viên uống bổ sung vitamin nhóm B để hỗ trợ thêm.

– Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng:

Đây là một liệu pháp dùng kim nhỏ để đưa thuốc corticosteroid loại nhũ dịch vào khoang màng cứng nhằm điều trị cho tình trạng đau thần kinh tọa do một số vấn đề về đĩa đệm. Bác sĩ có thể tiêm dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng hay CT.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu chữa đau thần kinh tọa là phương pháp được áp dụng phổ biến nhằm cải thiện cơn đau, tăng cường phạm vi chuyển động, cải thiện tư thế và phục hồi chức năng tại những khu vực bị ảnh hưởng.

Vật lý trị liệu có thể được thực hiện theo 2 hình thức bao gồm:

  • Vật lý trị liệu thụ động: Mục đích là làm giảm đau, giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép và cải thiện tình trạng căng cứng cột sống. Các liệu pháp có thể được áp dụng là chườm lạnh/ chườm nóng, xoa bóp – massage, điện trị liệu, siêu âm,…
  • Vật lý trị liệu tích cực: Tập trung vào việc kéo giãn cột sống thông qua các bài tập tăng cường sức mạnh. Tập thể dục được cho là phương pháp trọng tâm và rất cần thiết để nhận được kết quả tốt nhất.
vật lý trị liệu chữa đau thần kinh tọa
Vật lý trị liệu có thể giúp làm giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đeo đai lưng hỗ trợ. Đây là giải pháp đơn giản có thể giúp ngăn ngừa tình trạng quá tải trên đĩa đệm cột sống. Từ đó hạn chế cơn đau bùng phát và hỗ trợ quá trình chữa lành tổn thương.

3. Các thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu

Điều trị nội khoa có thể không đáp ứng tốt với chứng đau thần kinh tọa ở một số người. Lúc này, bác sĩ thường sẽ cân nhắc áp dụng các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Nhất là với các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng.

Sử dụng sóng cao tần là thủ thuật xâm lấn tối thiểu được áp dụng phổ biến. Mục đích là lấy bỏ hoặc làm tiêu các tổ chức từ vùng trong tâm đĩa đệm nhằm làm giảm áp lực chèn ép của đĩa đệm bị thoát vị lên rễ thần kinh.

4. Điều trị ngoại khoa

Điều trị nội khoa thường được cân nhắc chỉ định trong các trường hợp điều trị nội khoa thất bại. Ngoài ra những trường hợp có chèn ép nặng như hẹp ống sống, liệt chi dưới, hội chứng đuôi ngựa hay teo cơ thì phẫu thuật là lựa chọn cần thiết.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng thoát vị, trượt đốt sống hay u chèn ép và điều kiện kỹ thuật cho phép để sử dụng các phương pháp phẫu thuật phù hợp. Chẳng hạn như vi phẫu hoặc mổ hở, nội soi, sóng cao tần, làm vững cột sống,…

Các phương pháp phẫu thuật chữa đau thần kinh tọa được áp dụng phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm: Ở phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ 1 phần nhỏ đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép rễ thần kinh. Chỉ định sau khi điều trị đau khoảng 3 tháng nhưng không mang lại kết quả. Trường hợp người bệnh đã có biến chứng hạn chế vận động và rối loạn cảm giác nặng thì cần tiến hành phẫu thuật sớm hơn.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống: Được chỉ định cho các trường hợp bị đau thần kinh tọa do hẹp ống sống. Tuy nhiên về lâu dài, phương pháp này có thể khiến cho cột sống mất vững và dễ tái phát.
  • Làm cứng đốt sống, nẹp vít cột sống: Phương pháp này được thực hiện để cố định đốt sống trong các trường hợp bị trượt đốt sống gây chèn ép lên dây thần kinh nặng.
phẫu thuật chữa đau thần kinh tọa
Nếu điều trị nội khoa thất bại, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật

Bất cứ phương pháp phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro trong và hậu phẫu. Người bệnh nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để cân nhắc và có biện pháp dự phòng. Tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật, quá trình chăm sóc và cơ địa mỗi người mà thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 6 tuần cho tới 3 tháng hoặc lâu hơn.

5. Một số liệu pháp hỗ trợ

Ngoài các phương pháp điều trị chính nêu trên thì một số liệu pháp khác cũng có thể hỗ trợ làm giảm đau và cải thiện phạm vi vận động. Chẳng hạn như:

  • Châm cứu: Trong châm cứu, người thực hiện sẽ đưa những chiếc kim mỏng vào da tại những điểm cụ thể trên cơ thể. Một số nguyên cứu cho thấy, châm cứu có thể giúp giảm đau lưng. Nếu bạn muốn thử liệu pháp này thì nên tìm kiếm một bác sĩ y học cổ truyền để được hỗ trợ.
  • Nắn khớp xương: Nắn chỉnh cột sống là một trong những hình thức trị liệu mà bác sĩ sử dụng để điều trị hạn chế vận động cột sống. Mục đích là giúp phục hồi chuyển sống của cột sống. Từ đó có thể cải thiện chức năng và hỗ trợ giảm đau. Liệu pháp này rất hiệu quả và an toàn cho chứng đau thần kinh tọa. Tuy nhiên nó có thể không thích hợp để giảm đau lan tỏa.

6. Theo dõi và quản lý sau điều trị

Chứng đau thần kinh tọa có xu hướng tái phát cao sau điều trị. Người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Nên áp dụng các biện pháp bảo vệ cột sống kết hợp. Có thể bao gồm thay đổi lối sống, thực hiện các biện pháp tránh cho cột sống bị quá tải và dành thời gian cho môn bơi lội hàng tuần.
  • Trường hợp đau thần kinh tọa do các nguyên nhân ác tính tại chỗ hay di căn thì cần kết hợp điều trị ung thư. Có thể là hóa trị, xạ trị tùy vào từng trường hợp cụ thể.
  • Người bệnh nên mang đai lưng sau khi phẫu thuật ít nhất 1 tháng. Đặc biệt là khi đi lại hay ngồi một chỗ quá lâu.
  • Chủ động tái khám định kỳ sau điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Phòng ngừa đau thần kinh tọa hiệu quả

Có thể thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ bảo vệ vùng lưng và làm giảm nguy cơ mắc chứng đau thần kinh tọa. Chẳng hạn như:

phòng ngừa đau thần kinh tọa
Hoạt động thể chất mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ bị đau thần kinh tọa
  • Duy trì các tư thế tốt cả khi ngồi, đứng, nằm nay nâng đồ vật. Điều này giúp hạn chế gây áp lực cho vùng cột sống và ngăn ngừa các cơn đau thần kinh tọa bùng phát.
  • Những người đang bị thừa cân – béo phì nên có kế hoạch giảm cân phù hợp. Bởi trọng lượng cơ thể quá lớn cũng sẽ gây áp lực cho vùng cột sống. Từ đó tạo ra sự chèn ép lên rễ thần kinh.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá thụ động. Lượng lớn nicotine trong thuốc lá sẽ làm giảm lượng máu cung cấp cho xương. Từ đó làm suy yếu các đĩa đệm, cột sống và gây đau thần kinh tọa.
  • Hoạt động thể chất mỗi ngày tối thiểu 30 phút. Nên lựa chọn các bài tập ít gây tổn thương tới vùng lưng. Các bài tập như đi bộ, yoga, bơi lội, thái cực quyền,… thường mang lại rất nhiều lợi ích.
  • Cẩn trọng trong mọi hoạt động để hạn chế té ngã hoặc gặp phải các chấn thương liên quan. Nên đi giày vừa vặn, tăng ánh sáng trong nhà, lắp tay vịn cầu thang và thận trọng khi di chuyển.
  • Thiết lập và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Nên bổ sung thêm canxi, vitamin D, Omega-3,… cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm tươi sống. Các dưỡng chất này có thể giúp xương khớp chắc khỏe và thúc đẩy tốc độ chữa lành các tổn thương.

Đau thần kinh tọa là tình trạng thường gặp, cần sớm can thiệp chăm sóc và điều trị để cải thiện nhanh triệu chứng. Từ đó hạn chế ảnh hưởng tới chức năng vận động và chất lượng cuộc sống. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng đau nhức bất thường.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 18/04/2023 - Cập nhật lúc 10:38 am , 18/04/2023
Biên tập viên
Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Miss Trinh đã từng có kinh nghiệm làm biên tập viên, phóng viên báo chí về mảng sức khỏe, chuyên với các tin tức dịch thuật từ nguồn tài liệu chuyên trang sức khỏe nước ngoài. Miss Trinh chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin về bệnh lý, các vấn đề sức khỏe từ các nguồn uy tín của nước ngoài và biên tập bài viết trên wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc