Sinh Thường: Các Giai Đoạn và Lưu Ý Khi Sinh Thường

Sinh thường là quá trình chuyển dạ tự nhiên, trải qua ba giai đoạn chính để đưa em bé ra khỏi cơ thể người mẹ. Thông thường, phương pháp này an toàn, thuận tiện và hiếm khi gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, điều quan trọng là nắm rõ quy trình cũng như có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Sinh thường
Sinh thường là quá trình chuyển dạ bình thường, đẩy em bé ra khỏi cơ thể mẹ thông qua các cơn co thắt của tử cung

Sinh thường là gì?

Sinh thường hay chuyển dạ bình thường là một quá trình sinh lý trong đó các sản phẩm của quá trình thụ thai (tức thai nhi, màng ối, dây rốn và nhau thai) sẽ được đưa ra khỏi tử cung của người mẹ. Chuyển dạ được cho là bình thường khi thai nhi đã đủ trưởng thành và quá trình này diễn ra một cách tự nhiên mà không có biến chứng thai kỳ.

Chuyển dạ bình thường có thể khác nhau ở mỗi phụ nữ. Thời gian chuyển dạ tích cực bình thường là khoảng 8 – 10 giờ ở lần mang thai đầu tiên và 6 – 8 giờ ở những lần sinh con tiếp theo. Bên cạnh đó, ở lần chuyển dạ đầu tiên, phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn khi chuyển dạ do cơ thể vẫn chưa có sự thay đổi cần thiết để đáp ứng khả năng sinh con.

Tuổi của sản phụ cũng là một yếu tố quyết định kiểu chuyển dạ. Chuyển dạ thường dễ dàng nhất ở phụ nữ từ 18 – 25 tuổi. Các nguy cơ cao nhất ở phụ nữ trong lần chuyển dạ đầu tiên xảy ra khi thai phụ dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ biến chứng thai kỳ cũng cao hơn khi phụ nữ sinh con từ lần thứ 5 trở lên.

Nhiều phụ nữ bắt đầu chuyển dạ khi mang thai tháng cuối hoặc giai đoạn sau của thai kỳ. Đây là những cơn đau đẻ giả và cần được phân biệt với những cơn đau đẻ thật để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Các dấu hiệu chuyển dạ sinh thường

Một người phụ nữ trẻ tuổi, khỏe mạnh có thể trải qua các giai đoạn chuyển dạ bình thường. Phụ nữ có lối sống tích cực, huyết áp bình thường và vị trí thai nhi thuận lợi là những dấu hiệu tốt để một phụ nữ sinh thường.

sinh thường bao lâu thì lành
Trong giai đoạn đầu của em bé có thể di chuyển xuống phía dưới cổ tử cung và âm đạo, sẵn sàng để di chuyển ra khởi cơ thể

Một số trường hợp, các dấu hiệu sắp sinh bao gồm:

  • Thai nhi sẽ chuyển đổi từ tư thế nằm nghiêng và sẵn sàng cho quá trình sinh nở. Khi nhìn vào, có vẻ vị trí của em bé đã chuyển xuống gần âm đạo và chuẩn bị để ra ngoài.
  • Cảm giác muốn đi tiểu tăng lên do áp lực từ đầu của em bé đè xuống vùng xương chậu và chèn ép lên bàng quang.
  • Có cảm giác đau nhức ở phần lưng dưới khi thai nhi bắt đầu tạo áp lực lên khu vực này. Điều này cho thấy thai nhi đã tự định vị trong tư thế đầu hướng xuống và chuẩn bị sẵn sàng để chào đời.
  • Gia tăng dịch tiết âm đạo. Dịch tiết có thể màu trắng hoặc hồng và đôi khi có thể chứa một chút máu. Đây là một dấu hiệu bình thường của một thai kỳ khỏe mạnh và đủ điều kiện để chuyển dạ tự nhiên.
  • Đại tiện khó chịu do sự gia tăng hoạt động của nội tiết tố.
  • Đau ngực, cảm thấy nặng nề, khó chịu cũng như căng tức nói chung.
  • Vỡ túi nước ối thường diễn ra trong quá trình chuyển dạ tích cực. Sau khi vỡ ối, em bé sẽ ra đời trong 24 giờ tiếp theo.

Sinh thường có lợi ích gì?

Trong quá trình chuyển dạ tự nhiên, trẻ sơ sinh được đưa ra ngoài thông qua các cơn co thắt ở âm đạo. Chuyển dạ tự nhiên được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích hơn các phương pháp sinh khác, chẳng hạn như:

sinh thường có lợi không
Sinh thường sẽ giúp tăng sự gắn kết của mẹ và bé, cũng như tăng cường hệ thống miễn dịch sau khi chào đời
  • Khỏe mạnh hơn cho mẹ và bé: Những phút đầu tiên dành cho mẹ và bé là sự liên kết đưa em bé đến với thế giới bên ngoài. Vòng tay của mẹ là sự an ủi và mang đến cảm giác an tâm cho bé. Với cách sinh tự nhiên, đứa trẻ gần như ngay lập tức được đặt vào vòng tay của mẹ, đó là sự liên kết ngay tức thì.
  • Kích thích tiết sữa: Quá trình sinh nở tự nhiên sẽ kích thích hệ thống hormone trong cơ thể và kích thích tiết sữa. Các hormone này bao gồm oxytocin, endorphin, adrenaline, noradrenaline và prolactin.
  • Tăng cường hệ miễn dịch của trẻ: Trong âm đạo của thai phụ chứa hệ thống vi sinh vật cân bằng, bao gồm các loại vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Thông qua quá trình sinh thường, vi khuẩn có thể đi vào hệ thống tiêu hóa của trẻ và giúp tăng cường hoạt động tiêu hóa thức ăn rắn.
  • Phục hồi sau sinh nhanh hơn: Không giống như các biện pháp can thiệp y tế, quá trình sinh nở tự nhiên cho phép người mẹ phục hồi nhanh hơn. Cơ thể sẽ tự sửa chữa và đưa cơ thể trở lại trạng thái bình thường như trước khi sinh. Trong khi đó, can thiệp y tế, chẳng hạn như sinh mổ, thai phụ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và cơ thể cần nhiều thời gian phục hồi hơn.
  • Tăng cảm giác tự tin: Sinh thường sẽ mang lại cho người mẹ sự tự tin và cảm giác đặc biệt.
  • Thời gian nằm viện ngắn: Sinh tự nhiên có thời gian nằm viện kéo dài từ 24 – 48 giờ, trong khi sinh mổ cần ít nhất là 3 ngày đến một tuần lưu viện, tùy thuộc vào sức khỏe của thai phụ.

Các giai đoạn khi sinh thường cần biết

Chuyển dạ sinh thường thường trải qua ba giai đoạn chính, bao gồm:

1. Giai đoạn chuyển dạ sớm và chuyển dạ tích cực

Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển dạ và sinh nở, thai phụ sẽ bắt đầu cảm thấy những cơn cơ thắt dai dẳng. Những cơn co thắt sẽ trở nên mạnh hơn, đều đặn và thường xuyên hơn theo thời gian. Giai đoạn này giúp cổ tử cung mở ra (giãn ra) và mềm cũng như ngắn lại và mỏng đi, cho phép em bé di chuyển vào ống sinh.

Giai đoạn đầu được chia thành hai giai đoạn nhỏ bao gồm chuyển dạ sớm và chuyển dạ tích cực.

quá trình sinh thường diễn ra như thế nào
Khi tử cung nở đến 10 cm, đầu của em bé sẽ bắt đầu được nhìn thấy ở cổ tử cung

– Chuyển dạ sớm: 

Trong quá trình chuyển dạ sớm, cổ tử cung sẽ giãn ra, thai phụ sẽ cảm thấy các cơn co thắt nhẹ, không đều. Khi cổ tử cung bắt đầu mở, thai phụ có thể nhận thấy âm đạo tiết dịch màu hồng trong hoặc hơi có máu. Đây là các chất nhầy bịt kín lỗ cổ tử cung khi mang thai.

Thời gian chuyển dạ sớm khác nhau ở mỗi phụ nữ và không thể đoán trước được. Đối với những người lần đầu làm mẹ, độ dài sẽ thay đổi theo từng giờ và sẽ ngắn hơn ở những lần sinh con tiếp theo.

Đối với nhiều phụ nữ, chuyển dạ sớm không gây khó chịu, tuy nhiên cơn co thắt có thể trở nên dữ dội hơn ở một số phụ nữ. Để cải thiện các triệu chứng, thai phụ nên giữ tinh thần thoải mái cũng như thực hiện một số biện pháp như:

  • Đi dạo
  • Nghe nhạc thư giãn
  • Tham khảo các kỹ thuật thở hoặc thư giãn
  • Thay đổi vị trí nằm hoặc tư thế ngồi

Nếu mang thai khỏe mạnh, hầu hết thai phụ sẽ chuyển dạ sớm ở nhà cho đến khi các cơn co thắt bắt đầu tăng về tần suất và cường độ.

– Chuyển dạ tích cực:

Trong quá trình chuyển dạ tích cực, cổ tử cung sẽ giãn ra từ 6 cm đến 10 cm. Cơn co thắt sẽ trở nên mạnh hơn, gần hơn và đều đặn hơn. Lúc này, thai phụ có thể bị chuột rút ở chân và cảm thấy buồn nôn. Thai phụ có thể cảm thấy vỡ nước ối, hoặc nếu chưa vỡ ối, thai phụ sẽ cảm giác tăng áp lực ở lưng.

Đến bệnh viện ngay lập tức nếu bị vỡ ối hoặc nhận thấy dấu hiệu vỡ ối. Nếu cảm thấy đau đớn dữ dội, thai phụ có thể yêu cầu thuốc giảm đau hoặc các biện pháp giảm đau khác để cảm thấy thoải mái hơn.

Chuyển dạ tích cực sẽ kéo dài trong 4 – 8 giờ. Trung bình cổ tử cung sẽ mở khoảng 1 cm mỗi giờ.

Để quá trình chuyển dạ tích cực diễn ra thuận lợi hơn, thai phụ có thể thực hiện một số biện pháp như:

  • Thay đổi vị trí, tư thế
  • Đi bộ và hít thở sâu
  • Xoa bóp nhẹ nhàng giữa các cơn cơ thắt

Trong phần cuối của quá trình chuyển dạ tích cực, thai phụ có thể cảm thấy đau đớn dữ dội. Các cơn co thắt sẽ đến nhanh hơn, đều đặn hơn và có thể kéo dài từ 60 – 90 giây. Thai phụ có thể gặp áp lực ở lưng dưới và trực tràng. Trao đổi với bác sĩ hoặc hộ sinh nếu cảm thấy em bé đang được đưa ra ngoài hoặc khi thai phụ cảm thấy muốn rặn.

Nếu thai phụ cảm thấy muốn rặn tuy nhiên cổ tử cung chưa giãn hết, bác sĩ có thể yêu cầu kìm lại. Việc rặn đẻ quá sớm có thể khiến thai phụ mệt mỏi, cổ tử cung sưng tấy và làm chậm quá trình sinh nở.

Quá trình chuyển đổi có thể kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ đồng hồ.

2. Giai đoạn ra đời của em bé

Trong giai đoạn thứ hai của quá trình sinh thường, em bé sẽ được sinh ra đời. Quá trình này có thể mất vài phút đến vài giờ hoặc hơn để thúc đẩy em bé ra đời. Đối với những người sinh con lần đầu, thời gian này có thể kéo dài hơn và một số phụ nữ cần được gây tê ngoài màng cứng.

toàn bộ quá trình sinh thường
Sau khi đầu được đưa ra ngoài, cơ thể của em bé sẽ được sinh ra một cách nhanh chóng và thuận lợi

Trong quá trình sinh con, bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ cúi xuống trong mỗi cơn cơ thắt, cho biết khi nào nên rặn, khi nào cần hít thở và nghỉ ngơi. Tại một số thời điểm, thai phụ sẽ được yêu cầu rặn nhẹ nhàng hơn hoặc nghỉ ngơi hoàn toàn. Điều này cho phép các mô ở âm đạo được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ giãn quá mức hoặc rách. Để duy trì động lực sinh, bác sĩ có thể cho phép bạn sờ đầu em bé ở giữa hai chân hoặc nhìn em bé phản chiếu qua gương.

Sau khi đầu của em bé được đưa ra ngoài, phần còn lại sẽ đưa đưa ra một cách dễ dàng hơn. Đường thở của em bé sẽ được thông và làm sạch nếu cần thiết.

Nếu ca sinh nở diễn ra thuận lợi và không có biến chứng, bác sĩ sẽ cho phép thai phụ nghỉ ngơi trong vài phút, sau đó tiến hành cắt dây rốn. Trì hoãn việc cắt dây rốn sẽ làm tăng lưu lượng máu giàu dinh dưỡng từ dây rốn đến nhau nhai thai và em bé. Điều này làm tăng dự trữ sắt của em bé, giảm nguy cơ thiếu máu, thúc đẩy sự phát triển và giúp em bé tăng trưởng khỏe mạnh hơn.

3. Giai đoạn sinh nhau thai

Sau khi em bé được đưa ra ngoài, thai phụ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Thai phụ có thể ôm em bé trong tay hoặc đặt em bé trên bụng. Hãy trân trọng khoảnh khắc này để tăng sự gắn kết cũng như mang đến cho em bé cảm giác an tâm khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài bụng mẹ.

quá trình chuyển dạ sinh thường
Sinh khi em bé được sinh ra, các cơn co thắt sẽ tiếp tục để đẩy nhau thai ra khỏi cơ thể mẹ

Sinh nhau thai là giai đoạn cuối cùng của quá trình sinh con. Giai đoạn này sẽ mất 30 phút đến 1 giờ. Thai phụ có thể thử cho con bú trong khi các cơn co thắt nhẹ, ít đau đớn hơn và cố gắng rặn để đẩy nhau thai ra khỏi cơ thể. Các cơn co thắt sẽ giúp đẩy nhau thai vào ống sinh và đưa ra khỏi cơ thể. Bác sĩ có thể đề nghị thai phụ sử dụng thuốc trước hoặc sau khi xổ nhau thai để khuyến khích các cơ co thắt cũng như giảm thiểu nguy cơ chảy máu.

Bác sĩ sẽ kiểm tra nhau thai để đảm bảo nhau thai còn nguyên vẹn. Bất cứ mảnh vụn nào còn sót lại đều cần được loại bỏ để tránh nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng.

Sau khi sinh nhau thai, tử cung sẽ tiếp tục co bóp để quay trở lại kích thước bình thường. Hộ sinh hoặc y tá có thể xoa bóp vùng bụng của thai phụ, điều này có thể giúp tử cung co bóp để giảm chảy máu.

Bác sĩ có thể kiểm tra vùng âm đạo cũng như các vết rách, giãn nở quá mức để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau sinh phù hợp.

Điều gì xảy ra khi sinh thường?

Cũng giống như cơ thể trải qua nhiều thay đổi khi mang thai, sau khi sinh con cơ thể sẽ trải qua quá trình phục hồi và quay về trạng thái đầu tiên. Về cơ bản, sau khi sinh thường, thai phụ có thể gặp một số dấu hiệu như:

chăm sóc mẹ sau sinh thường
Sau khi sinh thường, thai phụ có thể bị đau ở tử cung hoặc gặp nhiều khó khăn khi đi đại tiện
  • Đau ở âm đạo và tầng sinh môn: Một số phụ nữ sẽ được cắt tầng sinh môn để quá trình sinh nở diễn ra bình thường. Điều này sẽ dẫn đến một vết khâu ở tầng sinh môn. Vết khâu sẽ gây đau đớn, khó khăn khi đi lại, ngồi, tiểu tiện, thậm chí là đau đớn khi ho hoặc hắt hơi.
  • Đau ngực: Ngực có thể bị sưng, cứng và đau trong vài ngày đầu sau khi sinh thường.
  • Bệnh trĩ: Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến khi mang thai và sinh con.
  • Táo bón: Đại tiện có thể gặp một số khó khăn trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, do cơn đau từ vết cắt tầng sinh môn hoặc tổn thương trong quá trình sinh. Điều này có thể dẫn đến táo bón cũng như rối loạn nhu động ruột.
  • Thay đổi nhiệt độ cơ thể: Sự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể xảy ra khi nồng độ hormone và lưu lượng máu thay đổi, điều này khiến thai phụ đổ nhiều mồ hôi, tuy nhiên có thể bị lạnh cần cần đắp chăn trong một phút sau đó.
  • Đại tiểu tiện không kiểm soát: Cơ bắp bị kéo căng trong quá trình sinh nở, đặc biệt là khi chuyển dạ kéo dài, có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu hoặc phân khi cười, hắt hơi.
  • Tiết dịch âm đạo (lochia): Ngay sau khi sinh, thai phụ sẽ ra máu nặng hơn các chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Theo thời gian, dịch tiết sẽ chuyển dần sang màu trắng hoặc vàng, và chấm dứt trong khoảng hai tháng.

Về mặt cảm xúc, phụ nữ sau sinh có thể vui, buồn, giận dữ, hay khóc, trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh. Những triệu chứng này xảy ra ở hơn 80% các bà mẹ mới sinh. Cố gắng giữ tinh thần thoải mái cũng như điều chỉnh cảm xúc phù hợp để chăm sóc trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, có khoảng 10 – 25% phụ nữ sau sinh thường gặp một số rủi ro cũng như biến chứng nghiêm trọng. Các vấn đề này cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, hãy đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Những lưu ý sau khi sinh thường

Sau khi sinh thường, để đảm bảo sức khỏe cũng như hạn chế các rủi ro liên quan, phụ nữ sau sinh cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Tắm và vệ sinh cơ thể bình thường. Bạn cũng có thể lau người với nước ấm để tránh vi khuẩn phát sinh cũng như tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Đánh răng một cách nhẹ nhàng để đảm bảo sức khỏe răng miệng, ngăn ngừa viêm nướu cũng như các vấn đề răng miệng khác.
  • Tránh gió lớn hoặc thời tiết quá lạnh, điều này có thể ngăn ngừa cảm lạnh, cúm và nhiều bệnh lý khác.
  • Chờ ít nhất 3 tháng để quan hệ tình dục trở lại. Điều này giúp cơ thể có thời gian phục hồi và tránh được việc mang thai quá sớm. Lưu ý sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp tránh thai khác khi quan hệ tình dục sau sinh.
  • Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, nhiều rau xanh, trái cây và các loại hạt. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh cũng như thực phẩm chiên rán nhiều lần.
  • Vệ sinh khu vực sinh dục sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm trùng, đau đớn cũng như nhiễm nấm phụ khoa, nấm âm đạo sau sinh.
  • Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử như tivi hoặc điện thoại di động. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến thị giác.
  • Tránh căng thẳng cũng như áp lực sau sinh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm hoặc muốn làm hại bản thân và em bé, hãy thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
  • Cố gắng ngủ nhiều nhất có thể để cơ thể phục hồi tốt nhất. Nếu bị mất ngủ, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Chuyển dạ sinh thường là một quá trình tự nhiên và an toàn cho cả mẹ và bé. Theo các nghiên cứu, có khoảng 85% phụ nữ sinh thường một cách nhanh chóng và thuận lợi. Do đó, thai phụ không cần quá lo lắng về phương pháp sinh này. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về quy trình cũng như kế hoạch chăm sóc sau sinh.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:04 pm , 02/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc