Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng và những điều quan trọng mẹ cần biết

Vậy là chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, mẹ sẽ vỡ òa trong hạnh phúc khi đón con yêu chào đời. Tuy nhiên càng về cuối thai kỳ, mẹ càng cẩn thận trong mọi hoạt động và đặc biệt cần chú ý đến các bất thường xuất hiện ở thời điểm này, điển hình là hiện tượng mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng.

Mang thai tháng thứ 8, thai nhi phát triển như thế nào?

Bước sang tháng thứ 8 của thai kỳ, thai nhi vẫn tiếp tục phát triển với những thay đổi chóng mặt khiến mẹ phải ngỡ ngàng. Cụ thể là:

  • Tuần thứ 29: Thai nhi nặng khoảng 1.15kg và dài chừng 38.6cm (chiều dài đo từ đầu đến gót chân), tương ứng với kích thước của một quả bí. Thông qua hình ảnh siêu âm, mẹ sẽ thấy tóc bé mọc nhiều hơn. Phổi cũng như cơ bắp tiếp tục hoàn thiện. Thời điểm này, mẹ sẽ thấy bé có phản ứng nhiều hơn với tiếng động và ánh sáng.
  • Tuần thứ 30: Thai nhi nặng khoảng 1.32kg và dài 40cm. Bé có thể nhào lộn, đạp nhiều hơn và ở thời điểm này, bé vẫn chưa quay đầu xuống bên dưới. Nếu mẹ mang song thai, tốc độ phát triển của các con có thể chậm hơn một chút.
  • Tuần thứ 31: Tính từ đầu đến gót chân, thai nhi dài khoảng 41cm và nặng 1.5kg. Các bộ phận trên cơ thể trẻ dần đầy đặn hơn và tiếp tục hoàn thiện cho để có thể thích nghi với thế giới bên ngoài. Làn da của bé cũng đã mịn màng hơn rất nhiều. Bé có thể quay đầu từ bên này sang bên kia.
  • Tuần thứ 32: Ở tuần cuối của tháng thứ 8 trong thai kỳ, thai nhi nặng khoảng 1.7kg và dài 42.4cm. Bàn tay và bàn chân của bé đã xuất hiện móng. Khung xương đã cứng cáp hơn rất nhiều.
Tháng thứ 8, thai nhi nặng khoảng 1.7kg và dài 42.4cm
Tháng thứ 8, thai nhi nặng khoảng 1.7kg và dài 42.4cm

Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng có nguy hiểm không?

Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như:

  • Thai nhi lớn dần lên làm kích thước tử cung cũng phát triển theo từ đó có thể gây chèn ép đến các cơ và dây chằng nên có thể khiến bụng của mẹ căng cứng khó chịu
  • Mỗi lần thai nhi chuyển động trong bụng có thể sẽ khiến mẹ phải chịu những cơn gò tử cung với mức độ nhẹ
  • Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng
  • Mẹ bầu bị mất nước cũng có thể là thủ phạm gây ra những cơn gò tử cung khiến mẹ vô cùng khó chịu
  • Nếu mẹ thường xuyên xoa bụng sẽ khiến tử cung bị kích thích và dẫn đến các cơn gò
  • Mẹ nằm sai tư thế
Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng khiến nhiều mẹ lo lắng
Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng khiến nhiều mẹ lo lắng

Nếu tình trạng bụng căng cứng do các cơn gò nhẹ và nhanh chóng biến mất thì mẹ không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này kéo dài, xuất hiện theo từng đợt đồng thời đau lưng dưới, dịch âm đạo ra nhiều…mẹ nên nhanh chóng đi bệnh viện. Đặc biệt nếu mẹ có tiền sử sinh non, thì mẹ cần đặc biệt lưu ý khi mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng nhé.

Một số thắc mắc của các mẹ khi mang bầu tháng thứ 8

Dưới đây, wikibacsi sẽ liệt kê một số thắc mắc điển hình của các mẹ khi có bầu 8 tháng. Mẹ nào đang mang thai đến thời điểm này thì đừng vội bỏ qua các thông tin cần thiết này nhé.

1. Bầu 8 tháng có được đi máy bay không?

Không ít trường hợp thai phụ “vượt cạn” ngay trên máy bay. Đây có thể được coi là một kỳ tích, một câu chuyện thú vị, thế nhưng nếu trong quá trình chuyển dạ, mẹ bầu không được những người có trình độ chuyên môn xử lý hoặc không được kịp thời đưa đi bệnh viện, nguy hiểm vẫn có thể xảy ra.

Tình trạng càng thêm rắc rối nếu mẹ không may sinh non vào tháng thứ 8 ngay trên chuyến bay mình đang di chuyển. Bởi những bé sinh non thường được nuôi dưỡng tròng lồng kính vài ngày, vài tuần thậm chí là vài tháng tùy theo thể trạng của bé. Đương nhiên, trên máy bay không thể đáp ứng đủ điều kiện này.

Bắt đầu từ tháng thứ 8 của thai kỳ trở đi, mẹ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Chính vì thế ở thời điểm này, mẹ hạn chế đi du lịch xa bằng may bay hay bất cứ phương tiện giao thông nào khác để tránh tình trạng “đẻ rơi”.

2. Mang thai tháng thứ 8 bị ho, mẹ cần làm gì?

Ngoài vấn đề mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng, nhiều mẹ bầu còn không may bị ho, cảm cúm trong thời điểm này. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, việc bị ho kéo dài có thể khiến tử cung của mẹ bị tác động, gây cơn co thắt và từ đó dẫn đến sinh non.

Nếu mẹ ho nhiều hoặc ho ra máu thì cần đi bệnh viện ngay
Nếu mẹ ho nhiều hoặc ho ra máu thì cần đi bệnh viện ngay

Khi bị ho, mẹ có thể ngậm quất hấp mật ong, uống nhiều nước cam hoặc ăn cam nướng… Nếu tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, cơn ho càng nhiều và khiến mẹ khó chịu thì mẹ hãy ra hiệu thuốc uy tín hoặc tốt nhất là đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn. Mẹ bầu cần nhớ rằng mọi loại thuốc sử dụng trong thời gian mang thai cần phải có chỉ định cũng như hướng dẫn của người có chuyên môn.

3. Bầu 8 tháng chưa có sữa non liệu có sao không?

Thông thường, từ tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy những dòng sữa non màu vàng, có độ đặc sánh xuất hiện trên bầu ngực của mình. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường mà hầu như chị em phụ nữ nào khi mang thai cũng gặp phải.

Thế nhưng, không ít trường hợp, bầu 8 tháng chưa có sữa non và điều này cũng khiến mẹ lo lắng. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, nếu mẹ mang thai lần đầu, sữa non sẽ ra rất ít và thường muộn nên các mẹ bình tĩnh nhé.

Trong trường hợp này, nếu mẹ không yên tâm, chúng tôi khuyên mẹ hãy đi bệnh viện kiểm tra để biết được kết quả chính xác nhất. Sữa non xuất hiện sớm mới thực sự là vấn đề đáng lo ngại (sớm ở 3 tháng đầu, hoặc 3 tháng giữa) bởi nó là dấu hiệu thai nhi đang gặp nguy hiểm.

4. Mang thai tháng thứ 8 cần chú ý những gì?

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa thôi hành trình mang thai của mẹ sẽ kết thúc tốt đẹp.  Chỉ cần chịu đựng một thân thể nặng nề, cố gắng kiêng khem cẩn thận, cố gắng chú ý chế độ dinh dưỡng thêm khoảng 4 tuần nữa, mẹ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Giống như các tháng trước đó, ở thời điểm này, mẹ bầu cũng cần lưu ý những điều quan trọng dưới đây.

  • Tránh đi du lịch xa
  • Vẫn tiếp tục duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi
  • Hạn chế đến những chỗ đông người để tránh mắc phải các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh
  • Đi siêu âm, khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
Mẹ nên đi siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
Mẹ nên đi siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
  • Tuyệt đối không đi giày cao gót, không nhuộm tóc, sơn móng tay hay tiếp xúc với bất kỳ hóa chất độc hại nào khác
  • Khi “yêu”, mẹ cần hết sức nhẹ nhàng, thời gian “yêu” cũng không được quá lâu
  • Mẹ hãy lên kế hoạch sắm sửa dần đồ đạc cho bé yêu đi nhé
  • Ở thời điểm này, một tên gọi cho bé cũng nên xuất hiện trong đầu của mẹ
  • Hãy cùng chồng trò chuyện nhiều hơn với thai nhi để bé có thể nghe thấy giọng nói của mẹ
  • Nếu bạn đã có con trước đó, hãy làm tốt công tác tâm lý và tư tưởng cho bé lớn
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày để tránh không bị kiệt sức
  • Đi bộ mỗi ngày và chăm chỉ tập yoga sẽ giúp mẹ chuyển dạ ít đau đớn nhất
  • Nếu thấy có bất cứ hiện tượng bất thường nào như đau bụng, đau lưng, xuất huyết hoặc mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng quá mức, mẹ cần đi bệnh viện ngay nhé

5. Mang thai tháng thứ 8 có nên uống nước dừa không?

Nước dừa vốn được coi là một “thần dược” đối với chị em phụ nữ khi mang thai. Việc uống khoảng 3-4 ly nước dừa/tuần có thể giúp mẹ phòng tránh được tình trạng mất nước, giúp cân bằng lượng nước ối, đồng thời giúp hệ miễn dịch của mẹ thêm khỏe mạnh. Không những vậy, theo lời truyền miệng của dân gian, nếu mẹ bầu chăm chỉ uống nước dừa, con sinh ra sẽ trắng trẻo, hồng hào.

Theo các chuyên gia, mang thai tháng thứ 8, mẹ bầu vẫn có thể uống nước dừa nhưng chỉ uống với lượng vừa phải. Mẹ cần nhớ không uống vào buổi tối và không sử dụng nước dừa đã để qua đêm trong tủ lạnh. Mẹ nào có hiện tượng đa ối thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại nước này.

6. Mang bầu 8 tháng bị ngứa bụng liệu có không?

Ngoài hiện tượng mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng, không ít mẹ bầu còn cảm thấy khó chịu khi bị những cơn ngứa xung quanh bụng tấn công. Việc rạn da trong quá trình mang thai cùng với sự thay đổi của hormone bên trong cơ thể chính là những nguyên nhân khiến mẹ thường xuyên bị ngứa triền miên trong những tháng cuối của thai kỳ.

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, đây là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên các mẹ cần nhớ không được gãi nhiều ở vùng bụng vì có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng hơn. Mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để làm giảm sự khó chịu do vấn đề này gây ra. Bên cạnh đó, mẹ nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tránh tạo ra sự ma sát với bụng.

Mẹ không nên gãi nhiều vùng bụng
Mẹ không nên gãi nhiều vùng bụng

Mẹ hãy để ý nếu các cơn ngứa có mức độ tăng dần, bị phát ban kèm theo sốt thì đừng chần chừ gì nữa, hay đi bệnh viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ kiểm tra và có hướng xử lý thích hợp.

7. Cần làm gì khi mang thai tháng thứ 8 bị phù chân?

Phù chân khi mang thai ở những tháng cuối cũng là một trong các hiện tượng sinh lý bình thường. Bụng bầu to dần lên làm cản trở quá trình máu chạy về tim, từ đó dẫn đến bàn chân của các mẹ thường to lên khoảng 10mm. Khi gặp vấn đề này, mẹ nên nhờ người thân massage chân mỗi ngày đồng thời không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.

Nếu mẹ bị phù chân nặng; tay và mặt cũng phình to bất ngờ; đồng thời mẹ có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, thị lực suy giảm thì cần được đưa đi bệnh viện gấp. Theo các chuyên gia, trong tình huống này rất có thể mẹ sẽ phải đối mặt với tiền sản giật – một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, nếu không được xử lý kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng của mẹ lẫn thai nhi.

8. Mang thai tháng thứ 8 ra nhiều khí hư có nguy hiểm không?

Mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng cùng với hiện tượng ra nhiều khí hư ở tháng thứ 8 của thai kỳ có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo thời gian chuyển dạ của mẹ sắp đến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mẹ sẽ sinh ngay trong ngày. Không ít trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều nhưng phải đến vài ngày, thậm chí là 1 tuần sau, thai nhi mới chào đời.

Nếu khí hư ra nhiều, kèm theo mùi hôi khó chịu, đồng thời mẹ thường xuyên chóng mặt, phù nề cơ thể thì cần phải chú ý bởi đó là dấu hiệu tiền sản giật. Bên cạnh đó, màu sắc khí hư bất thường (màu xanh, hồng…) sẽ chứng tỏ mẹ có khả năng bị viêm nhiễm phụ khoa. Để đảm bảo an toàn, các mẹ hãy để ý đến hiện tượng ra nhiều khí hư khi mang thai đến tháng thứ 8 nhé.

Mẹ nên theo dõi hiện tượng ra nhiều khí hư trong 2 tháng cuối
Mẹ nên theo dõi hiện tượng ra nhiều khí hư trong 2 tháng cuối

9. Mang thai tháng thứ 8 không tăng cân có sao không?

Nếu các tháng trước mẹ tăng cân đều đặn nhưng bất ngờ sang đến tháng thứ 8, cân nặng chững lại, điều này khiến mẹ lo lắng như ngồi trên đống lửa. Lúc này, chúng tôi khuyên mẹ nên xem xét lại chế độ ăn uống của mình xem có đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng hay không.

Nếu mẹ ăn uống đầy đủ nhưng vẫn không tăng cân thì mẹ cần đi bệnh viện kiểm tra nhé. Cân nặng mẹ bầu chững lại nhưng thai nhi vẫn phát triển bình thường thì không có gì đáng lo ngại cả. Mẹ hãy theo dõi tình trạng này thường xuyên nhé để kịp thời thông báo cho bác sĩ nhé.

Nói tóm lại, mang thai tháng thứ 8 bụng căng cứng là hiện tượng nhiều mẹ bầu gặp phải. Càng gần đến ngày sinh, mẹ sẽ thấy tần suất của nó dày đặc hơn. Chính vì thế, các mẹ hãy theo dõi cẩn thận vấn đề này nhé.

Ngày đăng: 15/06/2023 - Cập nhật lúc 1:23 pm , 15/06/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Thanh Loan tốt nghiệp ngành Marketing của Đại học Thương mại Hà Nội, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và hoạt động trong lĩnh vực báo chí, sức khỏe, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Biên tập, biên dịch nội dung thông tin về sức khỏe, làm đẹp, sức khỏe mẹ bé, phụ nữ mang thai trên các trang thông tin uy tín nước ngoài, thường xuyên cập nhập các xu thế về sức khỏe, làm đẹp trên mạng xã hội Miss Thanh Loan chịu trách nhiệm biên tập nội dụng về sức khỏe sinh sản trên Wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc