Ngạc nhiên với cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm đau, điều hòa cơ thể và ngăn ngừa các tổn thương thêm. Các kỹ thuật vật lý trị liệu bao gồm massage mô sâu, chườm nóng và lạnh, kích thích điện, thủy trị liệu và các bài tập tích cực. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và phục hồi hoạt động bình thường của cột sống

Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống là một chấn thương phổ biến, xảy ra khi đĩa đệm bị đẩy khỏi vị trí ban đầu hoặc khi nhân nhầy nhô ra ngoài thông qua các vết rách ở bao xơ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trong cơ thể tuy nhiên thường phổ biến ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng.

Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm phổ biến. Phương pháp này giúp giảm đau, cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm, cân bằng cột sống và phòng ngừa các vấn đề về cột sống trong tương lai.

Các hình thức vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:

  • Vật lý trị liệu thụ động là phương pháp trị liệu không gắn sức, chẳng hạn như chườm nóng, chườm đá, kích thích điện. Nhà vật lý trị liệu có thể đặt một miếng gạc nóng lên vị trí đau để thư giãn các cơ, làm dịu các mô mềm và giúp điều chỉnh vị trí đĩa đệm cột sống.
  • Vật lý trị liệu tích cực tập trung vào các bài tập cụ thể và kéo giãn cột sống. Đối với hầu hết các vấn đề cơ xương khớp, tập thể dục và duy trì vận động là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa các biến chứng.

Về cơ bản, chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu có thể giảm nguy cơ phụ thuộc vào thuốc giảm đau và giúp người bệnh quay trở lại các hoạt động thể chất an toàn. Ngoài ra, thực hiện vật lý trị liệu cũng giúp giảm nguy cơ cần phẫu thuật cột sống và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu có hiệu quả không?

Một trong những cách tốt nhất để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc thắt lưng là tập luyện tích cực hành ngày và phục hồi chức năng cột sống. Vật lý trị liệu là cách tốt nhất để giúp người bệnh xác định các vấn đề cơ bản và lấy lại sức mạnh đã bị mất.

Một chương trình vật lý trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhằm mục đích giảm đau, tăng cường chức năng và hướng dẫn người bệnh các hoạt động hàng ngày để tránh nguy cơ tái phát.

Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm L4 L5
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu là phương pháp hiệu quả, ít tác động và an toàn

Ngoài ra, chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu cũng mang lại một số tác dụng như:

  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng hỗ trợ hoạt động của hệ thống xương khớp, tăng tính linh hoạt, phục hồi sức mạnh cơ bắp và tăng sức bền tổng thể.
  • Giải phóng sức ép lên các dây thần kinh: Vật lý trị liệu thụ động và tích cực đều có thể giải phóng dây thần kinh bị chèn ép, hỗ trợ giảm đau vai gáy hoặc đau thắt lưng.
  • Tăng cường lượng máu, nước và chất dinh dưỡng đến cột sống: Các phương pháp vật lý trị liệu bao gồm sử dụng tia hồng ngoại, bước sóng ngắn hoặc tác động các mô sâu, có thể giúp làm giãn các mạch máu. Điều này giúp tăng cường lượng máu giàu oxy đến các đĩa đệm, hỗ trợ quá trình chữa lành và phục hồi.
  • Tăng tính dẻo dai: Thường xuyên tập vật lý trị liệu có thể giúp tăng tính dẻo dai của cột sống, giúp người bệnh linh hoạt hơn và phục hồi các hoạt động thể chất.

Chỉ định và chống chỉ định vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị an toàn và phù hợp cho hầu hết người bệnh. Tuy nhiên trước khi thực hiện phương pháp, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm khi:

  • Đau mãn tính: Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu được chỉ định cho cơn đau kéo dài hoặc không đáp ứng các phương pháp giảm đau tại nhà. Trong trường hợp này, vật lý trị liệu có thể tác động đến các cơ, hỗ trợ nâng đỡ cột sống và cải thiện cơn đau hiệu quả.
  • Phục hồi sau phẫu thuật: Sau khi thực hiện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bác sĩ thường đề nghị vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và ngăn ngừa các triệu chứng tái phát. Phẫu thuật có thể làm thay đổi cấu trúc ở cột sống, do đó người bệnh nên thường xuyên tập vật lý trị liệu giúp cột sống linh hoạt hơn.
Phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm
Người bệnh đau mãn tính liên quan đến thoát vị đĩa đệm được chỉ định vật lý trị liệu để cải thiện chất lượng cuộc sống

Bên cạnh đó, đôi khi vật lý trị liệu có thể không được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Mất ổn định cột sống, không đủ điều kiện vận động, chẳng hạn như thoái hóa cột sống nghiêm trọng hoặc bị chèn ép dây thần kinh. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các phương pháp ổn định cột sống trước khi tiến hành vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm.
  • Có vấn đề y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như có khối u cột sống, ung thư di căn xương hoặc nhiễm trùng cột sống. Trong trường hợp này, bác sĩ cần xác định các nguyên nhân cơ bản, bệnh lý liên quan và có kế hoạch điều trị phù hợp hơn.

Ngạc nhiên với cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu

Chương trình chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu thường bắt đầu bằng các phương pháp thụ động để tránh gây ảnh hưởng đến cột sống. Khi cột sống đã lành lại, người bệnh có thể được đề nghị trị liệu tích cực để ngăn ngừa các cơn đau thêm. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ theo dõi các triệu chứng và xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp.

1. Vật lý trị liệu thụ động

Vật lý trị liệu thụ động tập trung vào việc giảm đau. Phương pháp này thường an toàn, đơn giản và có thể thực hiện thường xuyên. Các phương pháp điều trị thụ động phổ biến bao gồm:

Kéo lưng vật lý trị liệu
Kích thích điện qua da có thể kích thích hệ thống cơ bắp và giúp giảm đau sâu
  • Massage mô sâu: Có hơn 100 kiểu massage khác nhau, tuy nhiên massage mô sâu có thể là một lựa chọn lý tưởng cho người thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này sử dụng nhiều lực để giảm căng và co thắt cơ, từ đó ngăn chặn đĩa đệm di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
  • Chườm nóng: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể chườm nóng để tăng cường lưu lượng máu đến các đĩa đệm. Máu sẽ giúp chữa lành đĩa đệm bị tổn thương bằng cách cung cấp thêm oxy và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, tăng cường lưu thông máu cũng giúp loại bỏ các chất thải và ngăn ngừa các cơn co thắt cơ.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể làm chậm quá trình tuần hoàn máu. Điều này giúp giảm viêm, co thắt và đau liên quan đến thoát vị đĩa đệm. Nhà vật lý trị liệu có thể chườm một túi đá lên khu vực bị tổn thương, massage đá hoặc sử dụng thuốc xịt có chứa fluoromethane để làm mát các mô bị viêm.
  • Thủy trị liệu: Đây là một phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu thụ động liên quan đến nước. Người bệnh sẽ được đề nghị ngồi trong bồn tạo sóng nhẹ hoặc vòi sen với nước ấm. Phương pháp này có thể giảm đau và thư giãn cơ.
  • Kích thích thần kinh qua da (TENS): Máy TENS sử dụng một dòng điện cực nhỏ để kích thích cơ bắp và các dây thần kinh. Điều này có thể làm giảm co thắt cơ, giải phóng endorphin và giúp giảm đau tự nhiên.
  • Lực kéo cột sống: Nhà vật lý trị liệu có thể nhẹ nhàng kéo giãn cột sống, điều này giúp giảm áp lực lên đĩa đệm. Phương pháp này có thể điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cổ.

2. Vật lý trị liệu tích cực

Các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu tích cực có thể giúp cải thiện tính linh hoạt, tư thế, sức mạnh, sự ổn định và tăng cường chuyển động khớp. Nhà vật lý trị liệu cũng có thể đề nghị một chương trình tập thể dục kết hợp để tăng cường hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm và ngăn ngừa các vấn đề cột sống trong tương lai.

10 bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm đúng cách
Thực hiện vật lý trị liệu tích cực đúng cách có tác dụng cải thiện tư thế và ổn định cột sống

Vật lý trị liệu tích cực điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Ổn định cơ cốt lõi: Việc ổn định cơ cốt lõi có thể tăng cường sức khỏe cột sống. Cơ cốt lõi yếu sẽ gây áp lực lên lưng, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống và nhiều vấn đề khác.
  • Tính linh hoạt: Người bệnh sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật kéo giãn và tăng sự linh hoạt phù hợp để cải thiện sức mạnh. Tăng tính linh hoạt có thể giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn mà không bị đau lưng.
  • Thủy trị liệu: Trong phương pháp này người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các động tác thể dục nhịp điệu, bơi lội hoặc kéo giãn cột sống dưới nước để tránh các căng thẳng không cần thiết.
  • Tăng cường cơ bắp: Cơ bắp khỏe mạnh là cách tốt nhất để hỗ trợ cột sống và giúp ngăn ngừa cơn đau hiệu quả hơn.

Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh cách thực hiện các động tác và bài tập để đạt hiệu quả tốt nhất mà không gây ảnh hưởng đến cột sống. Ngoài ra, người bệnh có thể tìm hiểu các nguyên tắc chăm sóc và phục hồi phù hợp để tăng cường hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm.

Bài tập vật lý trị liệu chữa thoát vị đĩa đệm

Các bài tập vật lý trị liệu trị thoát vị đĩa đệm bắt đầu bằng cách động tác kéo giãn nhằm mục đích:

  • Tăng lưu lượng máu đến cột sống để giúp giảm đau và điều trị các chấn thương.
  • Xây dựng sức mạnh ở các cơ hỗ trợ cột sống.
  • Giảm căng thẳng trên cột sống.
  • Cải thiện các tư thế bất thường ở cột sống.

Tùy thuộc vào vị trí thoát vị đĩa đệm và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các bài tập bao gồm:

1. Bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Bài tập isometric tĩnh ở cổ:

  • Ngồi thẳng và thả lỏng vai
  • Đặt tay lên trán
  • Ấn đầu vào tay mà không di chuyển đầu
  • Giữ yên trong 5 giây, lặp lại 15 lần

Bài tập nâng đầu mở rộng cột sống cổ:

  • Nằm sấp trên một bề mặt phẳng, ổn định cột sống
  • Đặt cánh tay dọc theo hai bên cơ thể
  • Từ từ nâng đầu lên đến vị trí trung tính và giữ trong 5 đến 10 giây
  • Lặp lại 15 đến 20 lần hoặc đến khi cảm thấy không thoải mái thì dừng tập

Bài tập rụt cằm:

  • Nằm ngửa trên mặt phẳng
  • Đặt cánh tay dọc theo hai bên cơ thể
  • Hóp cằm vào trong và hướng cằm về phía ngực cho đến khi cảm thấy căng ở cột sống cổ
  • Giữ yên trong 5 – 10 giây
  • Lặp lại động tác 15 – 20 lần
vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Động tác rụt cằm có thể kéo giãn cột sống cổ, giảm áp lực lên đĩa đệm và giảm đau

Bài tập rụt vai:

  • Ngồi hoặc tốt nhất là đứng dựa lưng vào tường
  • Để cánh tay buông thõng tự nhiên ở hai bên cơ thể
  • Uốn cong khuỷu tay cho đến khi cánh tay và khuỷu tay tạo thành một góc 90 độ, cánh tay có thể tựa vào tường để giảm bớt áp lực
  • Di chuyển vai ra phía sau và xuống phía dưới
  • Đẩy phần sau của cánh tay bào tường trong khi ép hai bả vai vào nhau
  • Giữ yên trọng 15 – 30 giây

Kéo căng cổ:

  • Nhẹ nhàng quay đầu sang một bên mà không quay qua vai và không quá xa đến mức nhìn thấy ở phía sau
  • Giữ yên trong 30 giây
  • Quay đầu sang hướng còn lại, giữ yên trong 30 giây

Nghiêng một bên:

  • Nghiêng đầu sang trái giống như đang cố gắng chạm tai vào vai cho đến cảm thấy cổ căng
  • Giữ yên trong 30 giây và lặp lại ở phần vai phải

2. Bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Căng đầu gối đến ngực:

  • Nằm ngửa, đầu gối co, hai gót chân đặt trên sàn
  • Đặt hai tay sau một đầu gối, nhẹ nhàng kéo về phía ngực cho đến khi cảm thấy bị giật mạnh
  • Giữ yên động tác trong ít nhất 10 giây, đổi chân và lặp lại vài lần

Tư thế bò – mèo:

  • Hạ tay và đầu gối xuống sàn nhà, lưng phẳng và cột sống không cong
  • Hít sâu và hóp bụng xuống sàn nhà, mắt nhìn lên trần nhà
  • Thở ra từ từ, hãy uốn cong cột sống thành hình vòm, đầu cúi thấp, mắt nhìn xuống rốn
  • Thực hiện động tác 10 lần mỗi hiệp và 2 – 3 hiệp mỗi lần tập
Chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng vật lý trị liệu
Động tác mèo – bò có thể giúp căng cơ lưng, giảm đau và ngăn ngừa các vấn đề cột sống trong tương lai

Căng cơ lưng:

  • Nằm ngửa
  • Kéo đầu gối về phía ngực và vòng tay quanh đầu gối
  • Nâng đầu thẳng lên khỏi sàn nhà cho đến khi cảm thấy căng ở thắt lưng
  • Giữ yên trong 10 giây, lặp lại 5 – 10 lần

Căng giãn cột sống:

  • Treo người trên thành xà đơn bằng tay
  • Nếu bàn chân chạm đất hay nâng cao đầu gối cho đến khi chân không còn chạm đất
  • Giữ yên trong 30 giây và lặp lại 3 lần

Căng cơ hình lê:

  • Nằm ngửa trên sàn nhà
  • Uốn cong đầu gối với hai gót chân đặt trên sàn nhà
  • Nhấc một chân lên và gác mắt cá chân sang đầu gối chân còn lại để tạo thành một tam giác ngược
  • Đưa tay ra phía sau đầu gối, dùng cả hai tay để kéo chân về phía ngực cho đến khi cảm thấy mông căng
  • Lặp lại với chân còn lại

Căng gân kheo khi ngồi:

  • Ngồi trên ghế, đặt một chân trên sàn nhà với đầu gối gập 90 độ
  • Chân còn lại duỗi thẳng với gót chân đặt trên sàn nhà
  • Duỗi thẳng lưng, nghiêng người về phía trước cho đến khi cảm thấy căng ở đùi sau
  • Giữ yên tư thế trong 15 – 20 giây sau đó đổi chân

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu có tác dụng cải thiện cơn đau và giúp phục hồi chức năng cột sống. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể các các bài tập và chương trình vật lý trị liệu phù hợp.

Lưu ý khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu

Trước khi thực hiện phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Các bài tập nên được thực hiện một cách có kiểm soát, bắt đầu từ từ với mức độ tăng dần.
  • Sử dụng các nhóm cơ để tăng cường hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm và ổn định cột sống.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn cũng như tập luyện theo hướng dẫn của huấn luyện viên hoặc nhà vật lý trị liệu để tránh các rủi ro liên quan.
  • Mặc quần áo thoải mái và đi giày phù hợp khi tập luyện.
  • Sau liệu trình chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu, nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và xây dựng chương trình điều trị mới phù hợp hơn.

Các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu được chỉ định trong giai đoạn cấp tính và có tác dụng giảm các triệu chứng ngay lập tức. Do đó, nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Nếu các triệu chứng đã kéo dài hơn 12 tuần, người bệnh có thể cần được điều trị y tế.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 12:50 pm , 02/03/2023

Bình luận

*
*

Bài viết nhiều người đọc