Mẹ bị phù chân khi mang thai tháng thứ 9 phải làm sao cho đỡ khó chịu?

Phù chân khi mang thai là một trong những hiện tượng sinh lý bình thường của mẹ bầu. Tùy cơ địa của mỗi người, tình trạng này sẽ xuất hiện sớm hay muộn, nặng hay nhẹ. Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 có thể là dấu hiệu thông báo mẹ chuẩn bị “cán đích” thế nhưng trong một số trường hợp, nó lại ngầm cảnh báo một biến chứng vô cùng nguy hiểm, đó là tiền sản giật.

Nguyên nhân khiến mẹ bị phù chân khi mang thai tháng thứ 9

Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 3 trở đi, tình trạng phù chân ở mẹ bầu sẽ rõ rệt hơn rất nhiều. Đa số các mẹ đều thấy bàn chân của mình to lên khoảng 10mm và điều này khiến nhiều mẹ cảm thấy bất tiện, thậm chí còn gặp khó khăn khi đi lại.

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, hiện tượng phù chân khi mang thai tháng thứ 9 một phần là do sự tăng lên quá nhiều về cân nặng. Thông thường trong suốt cả thời gian “bụng mang dạ chửa”, phụ nữ sẽ tăng lên khoảng 9 đến 12kg. Thậm chí, có không ít trường hợp tăng lên tận 20kg và đương nhiên khi ấy, đôi chân của chị em sẽ phải chịu một sức nặng vô cùng lớn để có thể nâng đỡ cả cơ thể, từ đó dẫn đến phù nề.

Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 là hiện tượng bình thường ở mẹ bầu
Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 là hiện tượng bình thường ở mẹ bầu

Một lý do khác dẫn đến tình trạng mang thai tháng cuối bị phù chân đó là khi mang thai, nội tiết tố bên trong cơ thể mẹ thay đổi khiến cho lượng máu dồn về chân cũng nhiều hơn. Trong khi đó, ở tháng cuối thai kỳ, sự tăng lên về kích thước của tử cung cũng như vùng bụng sẽ trở thành một “rào cản” làm gián đoạn quá trình máu trở về tim và khiến cho đôi chân của mẹ sưng lên như bị ong đốt.

Ngoài ra, theo lý giải của các chuyên gia đầu ngành y tế, hiện tượng phù chân khi mang thai tháng thứ 9 còn có thể do một số “thủ phạm” khác gây nên. Cụ thể là:

  • Mẹ đứng hoặc ngồi làm việc một chỗ trong thời gian dài
  • Mặc đồ quá chật, hay đi giày cao gót
  • Kích cỡ giày nhỏ hơn so với chân
  • Chế độ ăn thiếu kali
  • Mẹ ăn mặn, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa cafein

Mang thai tháng cuối bị phù chân có nguy hiểm không?

Không phải lúc nào tình trạng phù chân khi mang thai tháng cuối cũng được coi là bình thường. Theo các chuyên gia, khi thấy chân bị phù lên, các mẹ bầu cần phải theo dõi mức độ sưng. Nếu mẹ đã nghỉ ngơi, thường xuyên massage, điều chỉnh lại chế độ ăn uống mà hiện tượng này không có dấu hiệu thuyên giảm thì mẹ cần phải lưu ý.

Bên cạnh đó, nếu mẹ bị sưng phù nặng không chỉ riêng ở chân mà ngay cả khuôn mặt cũng to lên và gần như biến dạng thì đây cũng là một báo động đỏ đối với các mẹ. Ngoài ra, các mẹ cũng cần theo dõi sát sao nếu triệu chứng mờ mắt, đau bụng, thị lực suy giảm, đau đầu có đi kèm với phù chân khi mang thai tháng thứ 9.

Mẹ bị phù chân nặng kèm chóng mặt có thể dẫn đến tiền sản giật
Mẹ bị phù chân nặng kèm chóng mặt có thể dẫn đến tiền sản giật

Tất cả các bất thường trên đều là dấu hiệu ngầm cảnh báo mẹ có khả năng bị tiền sản giật – một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời, cả thai nhi và người mẹ sẽ gặp phải những tác động vô cùng xấu, thậm chí là mất mạng.

Mẹ cần làm gì khi phù chân khi mang thai tháng cuối?

Hiếm có mẹ bầu nào có thể tránh được hiện tượng này khi mang thai những tháng cuối thai kỳ. Chính vì thế, khi thấy chân của mình tăng kích cỡ, các mẹ hãy thực hiện theo những lời khuyên này nhé:

  • Thay đổi giày, dép với những đôi có kích thước rộng rãi, đi êm chân
  • Mẹ không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu
  • Hạn chế ăn mặn và cố gắng nói không với cà phê
  • Trong những tuần cuối thai kỳ, mẹ hãy đi bộ nhiều hơn và có thể tập một số động tác yoga để giảm thiểu tình trạng sưng phù chân
  • Hãy nhờ chồng hoặc người thân massage nhẹ nhàng xung quanh chân sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều
Mẹ nên nhờ chồng hoặc người thân massage chân
Mẹ nên nhờ chồng hoặc người thân massage chân
  • Ngâm chân vào nước nóng trước khi đi ngủ cũng là một lời khuyên hữu ích dành cho mẹ
  • Khi ngủ mẹ nên nằm nghiêng và nên đặt một chiếc gối ở giữa hai chân
  • Lúc ngồi, mẹ có thể kê chân lên một chiếc ghế để máu dễ lưu thông
  • Mẹ tuyệt đối không ngồi vắt chéo chân nhé
  • Hãy thay đổi tư thế ngồi thường xuyên
  • Không đi những đôi tất quá chật, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
  • Không nhịn đi tiểu
  • Uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày

Phù chân khi mang thai tháng thứ 9 có thể là dấu hiệu báo chuyển dạ nhưng các mẹ không cần căng thẳng quá nhé. Mẹ chỉ cần thực hiện theo những lời khuyên trên thì đảm bảo đôi chân của mẹ sẽ thoải mái hơn rất nhiều.

Một lần nữa nhắc lại, đây là thời điểm quan trọng cả đối với mẹ và thai nhi, thời điểm con yêu chuẩn bị chào đời, nên các mẹ hãy để ý thật kỹ đến mọi thay đổi của bản thân nhé. Nếu thấy có hiện tượng rò rỉ nước ối; cơn gò tử cung từng cơn và đau dữ dội; bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn; xuất huyết âm đạo; ngừng tăng cân; bụng bầu tụt xuống; dịch âm đạo ra nhiều… thì hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt nhé.

Chúc các mẹ “về đích” thành công!

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:01 pm , 02/03/2023

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Thanh Loan tốt nghiệp ngành Marketing của Đại học Thương mại Hà Nội, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và hoạt động trong lĩnh vực báo chí, sức khỏe, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Biên tập, biên dịch nội dung thông tin về sức khỏe, làm đẹp, sức khỏe mẹ bé, phụ nữ mang thai trên các trang thông tin uy tín nước ngoài, thường xuyên cập nhập các xu thế về sức khỏe, làm đẹp trên mạng xã hội Miss Thanh Loan chịu trách nhiệm biên tập nội dụng về sức khỏe sinh sản trên Wikibacsi.com.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc