Gai Cột Sống Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Điều Trị

Gai cột sống là các mấu xương nhỏ phát triển ở bên ngoài hoặc hai bên cột sống. Chúng chủ yếu được hình thành sau khi bị chấn thương hoặc thoái hóa cột sống. Ở mức độ nặng, gai cột sống có thể chèn ép vào ống sống và dây thần kinh khiến người bệnh đau đớn kéo dài, thậm chí là tàn phế.

Bệnh gai cột sống là gì?

Bệnh gai cột sống (tên khoa học: Spondylosis) là bệnh lý xảy ra khi có sự xuất hiện của các mỏm gai xương ở phía ngoài hay hai bên cột sống. Chúng được hình thành từ những tinh thể canxi do cơ thể sử dụng để bù đắp, sửa chữa tổn thương ở thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng.

Bệnh gai cột sống là gì?
Gai cột sống là bệnh xảy ra khi có sự phát triển của gai xương ở hai bên đốt sống

Gai cột sống có thể ảnh hưởng đến bất kì vị trí nào trên thân đốt sống, thường gặp nhất là cột sống lưng hoặc cột sống cổ. Ban đầu, gai xương còn nhỏ nên hầu như không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến sức khỏe cũng như đời sống của người bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian lượng canxi có thể tích tụ ngày càng nhiều hơn khiến gai xương phát triển dài ra và cọ xát vào các mô mềm cũng như dây thần kinh khiến cho người bệnh bị đau nhức, khó khăn khi vận động.

Bệnh gai cột sống ảnh hưởng nhiều nhất đến lứa tuổi trung niên, tuổi từ 40 trở đi. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ. Trong một số trường hợp cá biệt, gai xương mọc về phía sau và xâm lấn vào rễ dây thần kinh, chèn ép làm hẹp ống tủy khiến người bệnh bị tê liệt chân tay hoặc liệt toàn thân vĩnh viễn. Vì vậy, việc nhận biết và điều trị sớm bệnh gai cột sống là rất cần thiết.

Nguyên nhân gây bệnh gai cột sống

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các mấu gai trên thân cột sống. Bao gồm:

  • Chấn thương: Khi dây chằng, gân, đĩa sụn hay thân đốt sống bị tổn thương, cơ thể thường tăng cường bù đắp lượng canxi vào để sửa chữa tổn thương. Tuy nhiên, lượng canxi tích tụ quá nhiều có thể hình thành lên các mấu xương xù xì ở cột sống.
  • Lão hóa: Người già, người có tuổi rất dễ bị gai cột sống do ảnh hưởng của quá trình lão hóa chung. Lúc này, đĩa sụn bị hao mòn, xương cột sống cũng trở nên suy yếu và dễ bị tổn thương. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như gai cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.
  • Tăng cân đột ngột: Đây là nguyên nhân gây gai cột sống nhiều người không ngờ đến. Sự gia tăng trọng lượng cơ thể một cách đột ngột khiến cho xương khớp chưa kịp thích ứng đã phải chịu một áp lực lớn, từ đó kích thích sự phát triển của gai xương. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp ở người bị béo phì cao gấp 4 -5 lần so với người có trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, trong đó bao gồm cả bệnh gai cột sống.
  • Làm việc quá sức: Lao động nặng nhọc, thường xuyên bưng bê đồ nặng khiến cột sống chịu nhiều áp lực, dễ bị tổn thương và phát triển gai xương.
  • Vận động sai tư thế: Tư thế ngồi hoặc nằm ngủ sai lệch, không khởi động kỹ khi chơi thể thao, đứng lâu, cúi người lên xuống liên tục… Tất cả đều tạo áp lực , tổn thương cho cột sống và là mầm mống cho sự xuất hiện của bệnh gai cột sống.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Bữa ăn hàng ngày thiếu khoa học, lạm dụng rượu bia, không cung cấp đủ các dưỡng chất như canxi, vitamin D, phốt pho, protein,… cho cơ thể khiến cho xương cột sống kém phát triển, dễ bị loãng xương, thoái hóa khớp, gai cột sống lưng.
  • Do bệnh lý: Gai cột sống được xem là biến chứng của các bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ hay đốt sống lưng, viêm khớp cột sống hay viêm gân mãn tính.

Triệu chứng gai cột sống

Tùy thuộc vào vị trí mọc gai hay chiều dài của gai xương mà người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác nhau. Các gai xương mới hình thành có độ dài từ 1 – 2mm thường không gây ra biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khi phát triển lớn hơn, các mấu xương cọ sát mạnh vào các mô mềm xung quanh khiến người bệnh bị đau nhói kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.

triệu chứng gai cột sống
Người mắc gai cột sống thường xuyên có cảm giác đau nhói khi vận động

Các triệu chứng gai cột sống thường gặp là:

  • Bị đau nhói, đau âm ỉ ở vùng cổ, thắt lưng hay các vị trí khác có gai xương.
  • Cơn đau tăng lên khi vận động và giảm nhẹ sau khi nghỉ ngơi
  • Trường hợp bị gai cột sống cổ: Cơn đau có thể lan qua hai vai và cánh tay. Người bệnh bị cứng cổ, khó khăn khi xoay cổ. Có cảm giác tê và ngứa ran ở tay khi gai cột sống chèn ép vào dây thần kinh.
  • Nếu bị gai cột sống thắt lưng: Cảm giác đau lưng dưới có thể lan ra hai bên hông hoặc thậm chí xuống mông và chân. Các hoạt động như xoay người, cúi lên cúi xuống gặp nhiều khó khăn.
  • Yếu cơ bắp
  • Các chi có thể mất cảm giác, bị tê mỏi hoặc mất vững khi di chuyển.
  • Bệnh nặng có thể gây rối loạn đại tiểu tiện.

Bệnh gai cột sống có nguy hiểm không?

Bệnh gai cột sống nếu tiến triển nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Hẹp ống sống: Các gai xương khi phát triển dài hơn có thể lấn chiếm và làm thu hẹp không gian ống sống. Khi gặp biến chứng này, người bệnh thường bị đau đầu, đau nhức ở bả vai, tê yếu các chi hoặc thậm chí bị liệt, mất khả năng vận động.
  • Chèn ép dây thần kinh: Gai cột sống chèn ép vào dây thần kinh có thể gây đau thần kinh tọa hay đau dây thần kinh liên sườn. Nó khiến dây thần kinh bị tổn thương và dẫn đến tê bì chân tay, ngứa ran, yếu liệt các chi, rối loạn ruột và bàng quang.
  • Bại liệt, tàn phế: Đây là biến chứng nặng nhất của bệnh vôi cột sống. Người bệnh có nguy cơ bị liệt, mất khả năng vận động sau khi tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng.

Chẩn đoán gai cột sống

Bác sĩ chuyên khoa xương khớp thường dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kết hợp thăm khám bên ngoài cột sống, đánh giá khả năng vận động để ra chẩn đoán sơ bộ về bệnh gai cột sống.

chẩn đoán gai cột sống
Bệnh gai cột sống được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau

Các triệu chứng gai cột sống có nhiều đặc điểm tương đồng với các bệnh lý khác như thoái hóa cột sống, viêm cột sống hay các chấn thương… Vì vậy, để chẩn đoán phân biệt bệnh, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng. Bao gồm:

  • Chụp X – quang: Giúp xác định vị trí, kích thước gai xương, mức độ ảnh hưởng của gai xương tới cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết về cột sống. Nó cho phép bác sĩ phát hiện ra gai xương hay những thay đổi bất thường trong cấu trúc của cột sống. Chụp CT cũng giúp đánh giá mức độ chèn ép của gai xương vào dây thần kinh.
  • Xét nghiệm điện học: Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích đo tốc độ dẫn truyền tín hiệu điện của dây thần kinh về não bộ hay chân tay. Điều này có thể giúp xác định được mức độ tổn thương ở dây thần kinh.

Cách điều trị gai cột sống

Bệnh gai cột sống có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Điều này còn tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều được điều trị bằng phương pháp bảo tồn với thuốc hay vật lý trị liệu.

1. Cách chữa gai cột sống bằng nội khoa

Bao gồm:

Dùng thuốc:

Các thuốc trị gai cột sống được bác sĩ kê đơn nhằm mục đích giảm đau, chống co thắt cơ hay xoa dịu kích ứng ở dây thần kinh. Thường được chỉ định là:

  • Thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như Paracetamol.
  • Thuốc kháng viêm không steroid
  • Thuốc giảm đau dây thần kinh
  • Thuốc giãn cơ
  • Các chế phẩm bổ sung: Canxi, vitamin D…
thuốc trị gai cột sống
Để điều trị gai cột sống, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và một số loại thuốc khác

– Vật lý trị liệu chữa gai cột sống:

Một số phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và cải thiện tính linh hoạt cho cột sống, đồng thời ức chế sự phát triển của gai xương. Được áp dụng phổ biến là:

  • Nhiệt trị liệu
  • Sóng ngắn
  • Siêu âm
  • Trị liệu bằng điện…

– Các phương pháp điều trị bổ sung:

  • Châm cứu
  • Xoa bóp, bấm huyệt
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh giảm đau
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nẹp cổ, đai cố định cột sống
  • Tập phục hồi chức năng
  • Trị gai cột sống tại nhà bằng các bài thuốc thảo dược…

2. Điều trị gai cột sống bằng phương pháp ngoại khoa

Một số ít trường hợp bị gai cột sống được chỉ định làm phẫu thuật, bao gồm những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, gai xương chèn ép vào tủy sống hoặc dây thần kinh khiến người bệnh có nguy cơ bị liệt cao.

cách điều trị gai cột sống bằng phẫu thuật
Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ gai cột sống nhưng không thể ngăn cản mấu xương phát triển trở lại trong tương lai

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ gai xương bằng phương pháp mổ nội soi hoặc cấy miếng đệm mỏm gai,… Tuy nhiên, sau phẫu thuật một thời gian gian xương vẫn có thể phát triển trở lại. Vì vậy, bệnh nhân được yêu cầu thay đổi lối sống để loại bỏ các yếu tố nguy cơ và tái khám định kỳ để theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý khi bệnh gai cột sống tái phát trở lại.

Cách phòng ngừa gai cột sống

Việc thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gai cột sống. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả thì trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cần chú ý những vẫn đề sau:

  • Thực hiện các tư thế đúng khi vận động, làm việc. Tránh ngồi khom lưng hoặc cúi gập người trong thời gian dài. Thay đổi tư thế thường xuyên khi ngồi làm việc để khí huyết lưu thông tốt và giảm áp lực cho cột sống.
  • Lao động vừa sức. Sử dụng máy móc hỗ trợ khi nâng vật nặng.
  • Phòng ngừa chấn thương cho cột sống bằng cách cẩn thận khi điều khiển phương tiện giao thông, khởi động kỹ trước khi chơi thể thao và hạn chế mang giày cao gót.
  • Giảm cân đối với các trường hợp đang bị béo phì.
  • Không lạm dụng các chất kích thích
  • Tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe cho xương khớp, kiểm soát cân nặng, tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, giúp giảm nguy cơ bị chấn thương, gai cột sống.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh. Cắt giảm chất béo dung nạp và tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, C trong thực đơn để xương cột sống chắc khỏe và có khả năng tái tạo tổn thương nhanh hơn.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng: 18/04/2023 - Cập nhật lúc 10:39 am , 18/04/2023

Bài viết nhiều người đọc